Ở theo thời
Chương 1
Lối bốn giờ chiều, nhờ mấy cây cồng[1] lớn của làng trồng chung quanh nhà việc[2] Tiểu Cần che áng mặt trời, nên cái sân rộng trước nhà việc kêu là sân chợ cũ, có chỗ còn nắng, mà có chỗ đã mát. Một chú bán mì thánh, để gánh trên lề đường, đứng gõ sanh lắc cắc cụp. Một chị bán chè thưng đi dọc theo trước phố rao hàng tiếng nghe ngọt xớt. Sắp con nít tựu mấy chỗ có bóng mát mà trửng giỡn, đứa chạy rần rật, đứa la om sòm.
Thình lình có cái xe đò, chở đầy hành khách, ầm ầm chạy vô cái sân ấy, bóp kèn te te, bụi bay mù mịt. Sắp con nít la om: “Xe Trà Vinh qua, xe Trà Vinh qua” rồi lật đật đứng nép vô lề đường mà coi xe tới.
Xe hơi chạy chậm chậm rồi ngừng tại giữa sân. Hành khách chộn rộn leo xuống, người xách gói, kẻ bồng con, lại có nhiều người xúm chung quanh xe, chờ mà lấy hành lý. Trong đám hành khách lấy đồ đây, có một người trai, nước da trắng, gương mặt tròn, sơn đình[3] cao, chơn mày rậm, mình mặc một bộ đồ âu phục bằng bố xám, đầu đội nón trắng, chơn mang giầy đen, đứng ngó dáo dác, bộ coi ngại ngùng lắm.
Trên xe hơi bỏ xuống một cái rương lớn. Người trai nhắc để dựa bên lề đường rồi nhắm mấy đứa con nít đứng gần đó, mà hỏi rằng: ”Mấy em biết nhà ông Ðốc học ở chỗ nào, xin làm ơn chỉ giùm cho qua[4] chút?” Có hai đứa nhỏ giành nhau mà đáp rằng: “Ðây, nhà ông Ðốc ở phía sau nhà việc đây”.
Người ấy hỏi: “Hai em dắt giùm qua lại đó được hay không?” Hai đứa nhỏ đáp: “Ðược”.
Người ấy ngó cái rương rồi nói rằng: “Còn cái rương đây làm sao? Hai em biết ai làm cu ly, kêu giùm cho qua một người đặng qua mướn vác cái rương rồi đi mới được chớ”.
Một đứa nhỏ liền kêu một người đương đứng gần đó mà nói rằng: “Ê! Anh Tao, thầy mướn vác cái rương đây nè, vác lại nhà ông Ðốc rồi thầy cho tiền xài”. Người trai ấy trạc chừng mười bảy, mười tám tuổi, trên đầu tóc chôm bôm, ở trần đưa lưng đen cháy, mặc một cái quần vắn mốc thít, thủng thẳng bước lại hỏi vác đi đâu nhớm thử cái rương, rồi ngồi xuống kê vai mà vác.
Hai đứa nhỏ đi trước, người mặc đồ Tây với người vác rương đi theo sau. Mấy người đứng chơi tại sân, họ ngó theo mà nói với nhau rằng: “Thầy nào đó lạ mà hỏi thăm ông Ðốc học vậy kìa? Chắc là thầy giáo mới đổi lại đây chớ gì”.
Phía sau nhà việc Tiểu Cần, có một dãy phố trệt mười căn, lợp ngói, vách ván, lót gạch, tuy phố cũ mà sạch sẽ. Ði tới hai căn chót, hai đứa nhỏ đứng lại mà chỉ rằng: “Ðây, ông Ðốc ở hai căn đầu đây”.
Người lạ, mặc đồ Tây đó, ngó vô thì thấy nhà dọn bàn ghế hực hỡ, trước cửa có rào hàng rào tre, làm thành một cái sân nhỏ nhỏ. Trong sân có để chín mười chậu, cái thì trồng cau đỏ, cái thì trồng cau vàng, cái thì trồng kiểng bằng cây sộp, cây ngâu[5]. Dựa theo hàng rào lại có trồng chuối nước với móng tay trổ bông chỗ đỏ, chỗ trắng, chỗ tím, chỗ vàng, coi rất đẹp mắt. Người ấy day lại tạ ơn hai đứa nhỏ, rồi xăm xăm bước vô sân với người vác rương.
Trong nhà có cô thiếu nữ trạc chừng mười chín hoặc hai mươi tuổi, mặc quần lụa trắng, mặc áo bà ba cũng bằng lụa trắng, tóc gỡ[6] láng nhuốt, gương mặt sáng rỡ, đương ngồi trên mà thêu. Cô thấy khách lạ bước vô, cô cúi đầu thi lễ, rồi bước xuống đất đứng hỏi rằng: “Chào thầy, chẳng biết thầy ở đâu lại?”
Người khách lột nón, đáp lễ và trả lời rằng:
– Thưa, tôi là thầy giáo mới đổi lại. Không biết phải nhà ông Ðốc ở đây chăng?
Cô thiếu nữ chúm chím cười rồi đáp rằng:
– Thưa phải, nhà nầy là nhà ông Ðốc. Em xin mời thầy vào.
– Thưa, không biết có ông ở nhà chăng?
– Ba tôi ở đằng trường học, đi lại đẳng[7] với mấy thầy giáo từ hồi hai giờ rưỡi tới giờ… Mời thầy ngồi… Ba tôi có nói khai trường nầy sẽ có thêm một thầy giáo mới, té ra thầy đây hay sao?
– Thưa, phải.
– Thầy lại tới hồi nào?
– Tôi đi xe mới qua tới đây.
– Mời thầy ngồi chớ.
Thầy giáo đứng bợ ngợ, ngó mấy cái ghế, ngó người vác rương, rồi nói rằng: “Thưa cô, để tôi đi thẳng lại trường trình diện với ông Ðốc. Cô làm ơn cho tôi gởi cái rương đây được hay không?”
Cô thiếu nữ đáp rằng: “Thầy muốn lại trường kiếm ba tôi cũng được. Thầy để rương lại đây”.
Người vác rương nghe nói liền để rương ngoài hàng ba. Cô thiếu nữ đưa tay ngoắt biểu đem rương vô để dựa cái bàn viết. Thầy giáo móc túi lấy một cắc bạc mà cho người vác rương rồi cậy dắt giùm qua trường. Thầy cúi đầu từ giã cô thiếu nữ rồi bước ra đi.
Thầy giáo mới đổi lại Tiểu Cần đây tên là Hà Tấn Phát, năm nay thầy được hai mươi hai tuổi. Thầy góc ở Vĩnh Long, khi mới nên mười tuổi thì mẹ đã mất. Ông thân thầy làm đội mã tà[8], vì có một mình thầy, nên ráng cho thầy ăn học. Hồi nhỏ thầy học tại trường tỉnh Vĩnh Long. Thầy thi đậu vào trường sư phạm Sài Gòn học mới được hai năm kế ông thân thầy mất nữa. Thầy bơ vơ, tưởng là phải bỏ trường đi làm kiếm tiền nuôi thân. May nhờ có một người anh nhà bác, tên là Hà Tấn Tài, giúp việc cho một hãng tàu đò lớn ở Sài Gòn, thấy thầy côi cút mà lại học giỏi thì thương, nên lãnh nuôi thầy, lúc học mỗi tháng cho thầy một vài đồng bạc ăn bánh mua giấy, lúc bãi trường đem thầy về nhà nuôi cơm, hễ áo quần rách thì may cho thầy bận.
Thầy[9] Hà Tấn Tài tuy giúp việc hãng buôn, mà thầy khá lắm. Thầy ăn lương lớn mà lại có tánh tiện tặn, nên tháng nào thầy cũng có dư tiền. Hồi trước thầy lại lãnh gia tài bên vợ được mười mấy mẫu ruộng và mấy ngàn đồng bạc. Thầy nhập số bạc nầy với số tiền dư mà cho vay. Thầy làm trong mấy năm thì đã có bạc muôn. Thầy mua đất cất nhà ở bên Khánh Hội. Thầy lại có mua thêm ba mẫu ruộng ở phía sau nhà của thầy nữa. Thầy mua miếng ruộng nầy được vài ba năm, kế nhà nước đào cái kinh Xóm Chiếu vô Chợ Lớn đi ngang qua ruộng thầy. Nhà nước trả tiền thiệt hại cho thầy tính mỗi thước tới bốn đồng rưỡi. Thầy lãnh số tiền nầy được tới gần bốn mươi ngàn đồng. Thầy cũng còn đất dư; có một hãng buôn hỏi mua đặng cất nhà máy, thầy chấn bán bớt một miếng năm mươi sào, được hai mươi lăm ngàn đồng nữa, thành ra thầy là một người giàu lớn. Thầy có tiền nhiều, mà vợ lại hiền đức. Vợ chồng không có con, nên tuy giàu mà không được vui, vợ cứ đi chùa khẩn vái cầu con. Thầy nuôi Hà Tấn Phát làm nghĩa, chẳng biết phải Phật Trời muốn thưởng cái lòng tốt của thầy đó hay không mà cách ít tháng vợ thầy có nghén rồi sanh một đứa con trai mạnh mẽ ngộ nghỉnh hết sức. Vợ chồng thầy mừng rồi lại tưởng cái phước ấy là tại nuôi Hà Tấn Phát, nên càng đem lòng thương em. Nhờ cái vận hội như vậy đó, nên Hà Tấn Phát no cơm ấm áo mà học, khỏi lo đói rách nữa.
Hà Tấn Phát xét phận côi cút nghèo nàn, nên thầy chủ tâm lo học, quyết thi cho đậu đặng lập thân. Thiệt trong lớp thầy học giỏi hơn chúng bạn hết thảy, đến chừng thi ra trường, thầy cũng đậu đầu. Thầy thi đậu năm trước mà vì không có khuyết thầy giáo, nên qua năm sau nhà nước mới cấp bằng và bổ thầy đi dạy trường Tiểu Cần đây.
Trường học Tiểu Cần là trường tiểu học mới lập thành trường sơ học, năm nầy mới có lớp nhứt. Thầy giáo cai quản trường nầy tên là Thiện Tâm vốn là một vị giáo sư chánh ngạch; thầy đã được bốn mươi tám tuổi, coi trường nầy đã trên mười năm, tổng làng dân sự trước kính tuổi tác, sau nghĩ công lao, nên kêu tưng thầy là “ông Ðốc học”.
Ông Ðốc Lê Thiện Tâm có ba người con:
1) con trai tên là Lê Thiện Tánh, vốn ở trường cao đẳng sư phạm Hà Nội xuất thân, hiện nay đang làm giáo sư trường trung đẳng Pháp Việt Pétrus Ký trên Sài Gòn;
2) Lê Thị Thiện Tú, trường trung đẳng nữ học hiệu năm thứ ba, tại Sài Gòn, ấy là cô mà thầy Hà Tấn Phát gặp tại nhà đó;
3) con trai, tên là Lê Thiện Chí, mới mười lăm tuổi, còn học tại trường trung đẳng Mỹ Tho.
Thầy Hà Tấn Phát lại tới trường học, thầy thấy trong một cái phòng nhỏ có hai người đương soạn sổ sách, cả hai đều mặc âu phục, song một người lớn tuổi, tóc đã bạc hoa râm, còn một người thì trẻ hơn trạc chừng ba lăm tuổi. Thầy nhắm chừng người lớn tuổi đó là ông Ðốc, bèn gõ cửa, rồi bước vô cúi đầu thi lễ mà nói rằng: “Tôi là Hà Tấn Phát, được giấy quan trên bổ tôi xuống dạy trường nầy, nên tôi kiếm ông Ðốc mà trình diện”.
Ông Ðốc Lê Thiện Tâm đứng dậy, đưa tay mà bắt tay thầy Hà Tấn Phát và đáp rằng: “Té ra đi đon[10] là thầy giáo mới. Phải, tôi có được tờ của quan Giám đốc Trà Vinh hổm nay. Tôi mới nói chuyện với thầy nhì hồi nãy đây, tôi nói thế nào mai đây đi đon cũng tới. Ði đon tới sớm vậy tốt quá. Thầy đây là M. Nguyên, năm rồi dạy lớp nhì năm thứ hai”.
Thầy Phát liền cúi đầu chào M. Nguyên, hai người bắt tay mừng nhau.
Ông Ðốc kéo ghế mời thầy Phát ngồi rồi nói rằng:
– Thầy lại tới hồi nào?
– Thưa, tôi mới tới tức thì đây. Tôi hỏi thăm, tôi lại nhà ông. Người nhà nói ông ở trong trường, tôi xin gởi cái rương, rồi tôi đi liền tại đây.
– Thầy lại một mình hay là có vợ con?
– Thưa, tôi mới ra trường năm ngoái, tôi chưa có vợ. Tôi lại có một mình.
– Thầy có quen với ai ở đây hay không?
– Thưa, không. Thuở nay tôi mới đến Tiểu Cần lần thứ nhứt.
– Tôi nghe nói kỳ thi năm ngoái thầy đậu số một phải không?
– Thưa, phải… nhưng mà cái đó là cái may…
– Không, thi mà đậu đầu là giỏi lắm, chớ may giống gì. Tôi nghe thầy giỏi nên hổm nay tôi nhứt định để thầy dạy lớp nhứt đa.
– Thưa ông, tôi mới ra trường, chưa quen cách thức dạy, xin ông làm ơn cho dạy lớp nhỏ đặng tôi tập lần lần.
– Thầy khéo khiêm nhượng thì thôi! Ở trường sư phạm mà ra, lại thi đậu thứ nhứt nữa, cái gì lại chưa quen cách thức dạy. Trường Tiểu Cần năm nay mới mở thêm lớp nhứt. Số học trò lớp nhứt kể chắc chừng tám mươi. Thầy mới ra trường sức còn mạnh mẽ, chí còn hăng hái, thầy phải lãnh lớp nhứt, chớ nạnh cho ai được. Thầy nhì đây thầy phải ở lớp nhì đặng thầy kiềm học trò. Thầy dạy lớp nhứt, thầy ráng cuối năm học trò đậu được nhiều, thì trường mình vinh quang lắm. Tôi trông cậy nơi thầy đặng làm cho trường Tiểu Cần nổi danh, làm cho cha mẹ học trò đẹp ý. Thầy không nên từ chối.
– Tôi còn nhỏ tuổi, mà lại chưa lịch lãm về chức nghiệp. Xin ông thương. Tôi sợ không kham trách nhậm, chớ không phải tôi dám lánh nặng tìm nhẹ. Nếu ông buộc tôi phải dạy lớp nhứt, xin ông làm ơn chỉ bảo dìu dắt tôi giùm, được như vậy tôi mới dám.
– Chớ sao. Tôi cũng phụ với thầy chớ.
– Thưa, trường nầy hết thảy được bao nhiêu học trò.
– Năm rồi được một trăm chín mươi. Khai trường năm nay tôi sợ số học trò lên tới hai trăm năm mươi. Lớp đồng ấu[11] phải chia làm hai dạy mới được.
– Học trò đông quá…
– Mấy năm nay tôi ráng hết sức mới được vậy đó. Hồi tôi mới qua đây, là năm 1917, học trò có bốn mươi mấy. Bây giờ, số lên trên hai trăm, coi công phu của tôi là dường nào. Vậy mà quan Giám Ðốc cũng không chịu xin mề đai cho tôi. Ủa! đã năm giờ mấy rồi, thôi về ăn cơm chớ. Bây giờ thầy đi đâu? Thôi, về nhà tôi ăn cơm rồi sẽ tính. Thầy nhì cũng về thẳng nhà tôi ăn cơm nói chuyện chơi, thầy nhì.
Ông Ðốc dẹp sổ sách, khóa tủ, đóng cửa, rồi dắt hết hai thầy giáo về nhà. Ði dọc đường, ông cười chúm chím mà nói rằng: “Mình còn nghỉ có hai ngày nữa thì ráp dạy đa. Trường mình mới đủ lớp sơ học, mình phải ráng, lớp nào cũng phải cần cho lắm mới được… Ý, mà tôi còn phải sắp đặt đặng sáng mốt cho hai đứa nhỏ đi nhập trường nữa”.
Thầy giáo Nguyên nói rằng:
– Cô Ba nhập trường đây lên năm thứ ba chớ?
– Phải, năm nay nó lên năm thứ ba. Cha chả, mà tôi coi sức nó yếu lắm. Từ hôm bãi trường tới nay tôi kiềm, tôi dạy nó dữ quá. Có lẽ năm tới đây nó học không sút chúng bạn nữa.
– Còn thằng Tư, tôi coi thế nó khá, chắc ông khỏi lo. Năm rồi nó được phần thưởng thứ nhứt về rédaction với lecture, thứ nhì về dictée.
Thầy Phát còn lạ, nên lóng tai mà nghe, không dám xen vô nói chi hết.
Về tới nhà, ông Ðốc kêu vợ với con gái con trai nhỏ ra cho biết mặt thầy giáo mới. Ông tiếc rằng con trai lớn của ông, là ông Ðốc học Lê Thiện Tánh, mắc về bên vợ ở Sa Ðéc rồi khai trường đi dạy luôn, nên không có ở nhà mà làm quen với thầy giáo Phát. Ông hối vợ con mua đồ thêm đặng dọn cơm đãi hai thầy. Ông bãi buôi vui vẻ, nói chuyện nghe thật tình lắm. Thầy giáo Phát mới xuất thân đi dạy, mà thấy tánh ý ông Ðốc như vậy, thì thầy mừng thầm.
Chừng ăn cơm, ông Ðốc hỏi thầy Phát rằng:
– Thầy tính mướn phố dọn ở riêng, hay là tính kiếm nhà ở đậu.
– Thưa, ý tôi thì tính mướn phố dọn ở riêng cho thong thả, ngặt vì mới lại, đồ đạc không có, nên không biết làm sao. Ðể tôi cậy thầy nhì đây chỉ giùm cho tôi nhà nào rộng rãi và chủ nhà chịu nấu cơm tháng, đặng tôi xin ở đậu ít ngày rồi sẽ hay.
– Ờ phải, mới lại tới dọn nhà sao được. Nè thầy nhì, nhà thầy rộng rãi, mà thầy có hai đứa con mà thôi, vậy cho thầy nhứt ở đậu đỡ được mà.
Thầy giáo Nguyên bị hỏi thình lình không suy nghĩ kịp, nên thầy ú ớ và đáp xuôi xị rằng:
– Thưa, thầy nhứt muốn ở đậu nhà tôi cũng được. Nhà tôi thì rộng, ngặt vì nhà lá nên không được sạch sẽ, mà lại ở xa trường nữa. Ðã vậy mà tôi lại có con nhỏ. Tôi e thầy ở đậu rồi cực lòng cho thầy chớ.
– Ðược mà, tôi nhắm thầy ở đậu nhà thầy được. Thà anh em trong ty mình đùm bọc với nhau, chớ để thầy đi ở đậu nhà người ngoài thì coi sao được.
Thầy giáo Nguyên lặng thinh. Thầy giáo Phát hiểu ý thầy Nguyên đã chịu rồi, nên nói rằng: “Nếu thầy nhì cho tôi ở đậu thì may mắn cho tôi lắm. Nhà lá nếu thầy ở được thì tôi ở được, đường đi dạy xa, nếu thầy đi được thì tôi đi cũng được, có can chi mà ngại”.
Bà Ðốc học cũng tiếp vô mà khuyên thầy Nguyên cho thầy Phát ở đậu. Thầy Nguyên không thể chối được, nên phải chịu.
Ăn cơm rồi ông Ðốc mời khách qua bộ ghế giữa ngồi uống nước. Ông ngồi xỉa răng, lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi tằng hắng mà nói rằng: “Tôi nghĩ M. Phát đổi lại dạy trường nầy thiệt là may mắn lắm. Nhà trường may có được một thầy giáo giỏi đệ nhứt; mà thầy cũng may lại đây gặp anh em đồng nghiệp đều tử tế đúng đắn hết thảy. Thiệt mấy thầy giáo ở đây ai cũng biết lo bổn phận, ai cũng chơn chất thiệt thà, không sanh chuyện chi hết. Còn Tổng, làng, dân sự ở chỗ nầy họ cũng biết đều[12] lắm; tôi ở đây hơn mười năm rồi, chẳng có một người nào kiếm chuyện với tôi. Bọn chúng ta ở ty Giáo dục, cái thiên chức của chúng ta chỉ lo giáo hoá đoàn hậu tấn. Tuy bọn chúng ta chẳng có cái vinh được dân sự tôn trọng, chẳng có cái thế được làm giàu to, nhưng mà chúng ta có cái ân đức với xã hội, chúng ta có cái lạc thú rất thanh cao, chúng ta đã được thiên hạ kêu bằng “thầy” mà lại khỏi mang tiếng “nút máu” hay là “lột da” dân dại. Tôi xin lỗi trước với thầy nhứt, thầy ở nhà trường mới ra, mà thầy lại đậu hạng nhứt, tự nhiên thầy là một người có tài. Tôi không dám khoe tài giỏi hơn thầy, nhưng mà thầy có cái tài học thức, trong trí thầy chứa đầy sách vở, còn cái đường đời thầy mới vừa bước chưn vào kể từ bữa nay đây, nên việc ở đời chắc thầy chưa hiểu được. Tôi có tuổi tác, đáng bực anh của thầy, tôi lại có kinh nghiệm việc đời nhiều, vậy xin thầy cho phép tôi nói ít câu chuyện ở đời cho thầy nghe chơi…”
Thầy giáo Phát chận mà đáp rằng:
– Tôi ở nhà trường mới ra, thiệt việc đời tôi chưa hiểu chi hết. Ðã vậy mà tôi mồ côi cha mẹ, nên bấy lâu nay tôi còn thiếu cái giáo dục gia đình. Bực ông đáng cha mẹ tôi, nếu ông thương, ông dạy bảo việc đời giùm cho tôi, cái ơn ấy dầu ngàn năm tôi cũng chẳng dám quên.
– Té ra thầy mồ côi cha mẹ hết hay sao?
– Thưa, phải.
– Thầy có anh em được mấy người?
– Thưa, tôi có một mình, không anh em chi hết.
– Tội nghiệp dữ hôn! Vậy mà thầy ăn học thành thân được đây thiệt là giỏi lắm đa.
– Thưa, tôi nhờ nương dựa với một anh nhà bác nên tôi mới học được.
– Ở đời khổ lắm thầy ơi, mà nhứt là người cô thế như thầy lại cần phải tập tánh dè dặt cho lắm mới được. Mình chẳng nên tranh đua với người ta làm chi. Sách xưa có câu: “Nhu thắng cang, nhược thắng cường”. Mỗi việc gì mình dằn lòng nhịn nhục cho được là hay hơn hết. Tôi thường thấy có nhiều thầy giáo, quan bổ vô dạy mấy trường nhỏ trong làng, mấy ổng ỷ có học thức nhiều hơn Hương chức rồi coi thiên hạ không ra gì hết. Hễ mình khinh khi người thì tự nhiên người ta cũng khinh khi mình lại, thành ra có cái ác cảm, rồi sanh kiện thưa lung tung, người bị quở, kẻ bị đổi, mất sự yên ổn hết. Mình làm thầy giáo, mà mình nghịch với Hương chức, hoặc nghịch với cha mẹ học trò thì có hại, chớ đâu có lợi. Thầy nghĩ đó mà coi, mình không phải là thánh nên mỗi việc đều tận thiện tận mỹ được. Còn người ta ở trong làng, người ta có vi kiến[13] sẵn, người ta có bà con đông, nếu mình sanh chuyện gây gổ với người ta, rủi mình đi dạy trễ hay là mình thọ con gà hay thúng gạo chi của học trò, người ta phân chứng, người ta kiện rồi mình chối cãi sao được. Ấy vậy ở đời, phải lấy câu hòa nhã mà đối với mọi người, thì bình yên hơn. Còn đối với quan bề trên, nên tuy tôi ăn lương trọng, mà hồi trước thằng Hai tôi đi học cũng có học bổng luôn luôn, rồi tới bây giờ tới hai đứa sau còn đương học đó, cũng đều có học bổng hết thảy. Vậy tôi khuyên thầy ở đời cứ giữ phận sự cho vuông tròn, đối với tổng làng cùng cha mẹ học trò phải lấy câu hòa nhã mà ở, còn đối với kẻ bề trên phải dằn lòng nhịn nhục là hay hơn.
– Tôi cảm ơn ông dạy dỗ nãy giờ. Vì ông thương tôi nên ông mới lấy thiệt tình mà khuyên bảo tôi như vậy đó. Tôi hứa tôi sẽ lo làm cho vừa ý ông đặng đền đáp cái thạnh tình của ông.
– Việc đời nói không hết được. Tôi tuổi tác đáng anh chị thầy, vậy thầy đừng ngại chi hết, nếu có việc gì uất trắc thì cứ tỏ thiệt với tôi, tôi sẽ chỉ giùm cho.
Chủ khách đàm luận với nhau tới gần chín giờ tối, rồi thầy Nguyên mời thầy Phát về nhà mình mà nghỉ.
*
[1] cây thuộc họ cây đậu, trái chín có nhiều chất đường
[2] Cơ quan hành chánh
[3] hay sơn điền, trán
[4] Tiếng xưng hô thân mật với người nhỏ tuổi hơn
[5] lá cây sộp có vị chua chát nên thường dùng như rau ăn với bánh xèo hay mắm kho (đọt sộp).Cây ngâu (Aglaia odota đồng nghĩa với Aglaia duperreana), có mùi thơm, thường dùng để ướp trà.
[6] chải
[7] đằng ấy
[8] Cảnh sát thời Pháp thuộc ở Nam Kỳ, gọi theo tiếng Mã Lai, do âm chữ “matamata”.
[9] Tiếng xưng hô lịch sự, rất phổ biến ở châu thổ sông Cửu Long, không để chỉ người dạy học mà còn được dùng ở ngôi thứ ba làm đại danh từ để thay chữ “ông ấy, hay anh ấy”.
[10] (Didon), tên người sáng lâp dòng Kathago có tiếng là người tốt. Có nghĩa „anh đây“ một cách trân trọng.
[11] lớp năm, giờ là lớp một
[12] điều
[13] vây cánh
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.