Ở theo thời

Chương 5



           Thầy nhứt Phát dám cãi lịnh ông Ðốc học, không chịu hạ mình mà xin lỗi, lại còn dám chỉ cái chỗ quấy của thầy Cai tổng ra nữa, thì đủ thấy thầy có liêm sỉ, có đởm lược, chớ không phải như bọn gan sứa miệng hùm. Nhưng mà lớp bị quan Chủ quận hăm, lớp bị ông Ðốc học dọa, nên thầy có sắc buồn lo chút đỉnh.

           Bữa sau, nhằm thứ bảy, ăn cơm tối rồi, thầy nhứt Phát ngồi coi sách. Khí trời nóng nực, ngọn đèn lu lờ bụng đã buồn, trí lại lo, mà còn gặp cái hoàn cảnh trời nực đèn lu nữa, nên thầy coi sách mà không hiểu chi hết. Thầy bèn dẹp sách rồi bước ra đường, đi qua đi lại mà hứng mát. Chơn bước thủng thẳng, trí nghĩ gần xa, thầy nhớ cái chuyện thầy Cai tổng khinh bỉ thầy, nhớ những lời quan Chủ quận quở trách, thì thầy ấm ức trong lòng. Thầy muốn kiếm người thân thiết mà bày tỏ tâm sự, hả hơi chút ít cho giảm bớt nỗi phiền, mà bây giờ biết tỏ với ai?

            Những người làm việc nhà nước như mấy thầy giáo thầy ký, ông Phán dây thép, thì ai cũng lợt lạt với thầy, nói cho họ nghe cũng không ích gì. Còn Hương chức thảy đều là người phục sự của thầy Cai tổng nói cho họ nghe bao giờ họ nói mình phải. Thầy tính viết thơ mà nói cho người anh ở Sài Gòn biết, rồi thầy nghĩ việc nhỏ mọn nói cho anh hay, sợ anh lo. Còn nếu viết thơ cho thầy giáo Phùng ở Vĩnh Long, thì lại e thầy không rõ căn nguyên rồi thầy trách mình nóng nảy.

            Thầy nhứt Phát đang suy tới xét lui, thình lình thầy gặp thầy Hội đồng Bành Ðại Lợi, mặc đồ mát, ở phía chợ đi về. Thầy Hội đồng thấy thầy giáo thì đứng lại bắt tay chào rồi hỏi nho nhỏ rằng: “Tôi mới nghe nói ngày hôm qua thầy Cai tổng binh con, vô trường cự với thầy sao đó, rồi qua quận mà thưa làm cho quan Chủ quận kêu mà quở thầy, có vậy hay không?

            Thầy nhứt gượng cười mà đáp rằng:

–         Có. Ai nói với thầy mà thầy hay lẹ vậy?

–         Ngoài chợ họ hay hết, ai cũng đồn rùm.

–         Họ đồn làm sao? Họ cho tôi quấy hay là thầy Cai quấy?

–         Có hai ba người nói chuyện với tôi hồi nãy thì ý họ cho thầy quấy. Họ nói thầy nhỏ mà không biết kiêng nể người lớn, nên mới sanh sự bị quở. Ðời nầy thiên hạ khốn nạn lắm thầy ơi! Ở trên thì cậy thân ỷ thế, ở dưới thì dua bợ nịnh tà, họ kể tiền bạc, họ trọng oai quyền, chớ có ai biết chi là phải quấy. Họ thấy thầy còn nhỏ, nên họ coi thầy không ra gì, chớ có chi lạ… Ở ngoài đường ngoài sá nói chuyện cũng bất tiện. Vậy tôi mời thầy đi qua nhà tôi nói chuyện chơi. Ði mà, bữa nay thứ bảy mà ngại gì.

            Thầy nhứt Phát dụ dự. Thầy Hội đồng Lợi bèn nói tiếp rằng: “Hồi thầy đổi lại đây tới bây giờ, thầy chưa tới nhà tôi lần nào. Qua chơi một lần cho biết nhà. Tôi ở bên đầu cầu sắt đây. Ði mà, qua bển rồi thuật rõ đầu đuôi chuyện của thầy cho tôi nghe thử coi.”

            Thầy nhứt Phát ấm ức, tính kiếm người thân thiết mà tỏ tâm sự. Thầy gặp thầy Hội đồng Lợi, tuy thầy không quen cho lắm, nhưng mà thấy người tỏ dấu niềm nở, lại nghe người tỏ lời ái truất, muốn biết rõ tâm sự của mình, bởi vậy thầy không dụ dự nữa, theo thầy Hội đồng mà đi.

            Thầy Hội đồng Bành Ðại Lợi vốn là con cháu khách[1], năm nay thầy lối năm mươi tuổi. Qua cầu rồi, đi chừng vài trăm thước thì tới nhà thầy. Thầy ở một cái nhà trệt ba căn hai chái, rộng lớn, cao ráo, nền đúc đá xanh, tường xây gạch thức, trước sân kiểng vật sum sê, ngoài ngõ rào sắt nghiêm chỉnh, có trâu bò mấy bầy, mà lại có ngựa cỡi đi coi ruộng nữa.

            Bước vô nhà, thầy kêu con trai lớn tên là Hai Lộc chừng hai mươi lăm tuổi, mà biểu mở cửa giữa, đốt đèn măng sông. Thầy mời thầy giáo nhứt ngồi rồi nói rằng: “Thằng nầy là con trai lớn của tôi, nó có vợ, có con rồi. Tôi còn bốn đứa nữa: một đứa con gái gả lấy chồng về bên Bắc Trang, một thằng con trai học trên Sài Gòn, và hai đứa nhỏ, con gái mới bốn năm tuổi”.

            Cô Hội đồng ra chào thầy nhứt. Thầy Hội đồng dặn nho nhỏ, biểu làm gà nấu cháo ăn chơi.

            Chừng đèn măng sông đốt sáng, thầy nhứt ngó trong nhà thì thấy bàn ghế tài vật món nào cũng xứng đáng.

            Có một người đàn ông sồn sồn, thân thể ốm teo, bưng nước trà ra đãi khách, rồi đi vào bộ ván dựa chái là chỗ có để một mâm á phiện, quẹt hột quẹt, đốt đèn lên. Thầy Hội đồng cười mà nói với thầy nhứt rằng: “Tôi có bịnh hút á phiện, mỗi ngày tôi hút tới ba bốn đồng. Vậy tôi xin mời thầy đi ngay lại mâm hút rồi anh em mình nằm đàm đạo chơi”.

            Hai người dắt nhau lại mâm á phiện, trẻ ở trong nhà bưng trà theo. Thầy Hội đồng mời hết sức mà thầy nhứt không chịu nằm, thầy nói ngồi chơi cũng được. Người làm thuốc làm rồi điếu thuốc, thầy Hội đồng hỏi rằng: “Thầy muốn hút chơi hay không?” Thầy nhứt sợ cái bịnh ghiền lắm, bởi vậy thầy lắc đầu đưa tay mà nói lia lịa rằng: “Không! Tôi không dám đâu”.

            Thầy Hội đồng cười mà nói rằng: “Thiệt a, nếu không biết hút thì chẳng nên tập làm chi. Cái bịnh nầy khốn nạn lắm. Có tiền chẳng nói gì, chừng mình hết tiền, cái thân thiệt là đê tiện”.

            Thầy Hội đồng hút luôn một giọt đến năm sáu điếu coi bộ đã, rồi thầy mới ngồi dậy mà hỏi thầy nhứt về chuyện xảy ra ở trường học hôm qua và xin thầy nhứt thuật hết đầu đuôi cho mình nghe thử.

            Thầy nhứt ngồi thuật chuyện rõ ràng mọi điều cũng như thầy thuật lại với quan Chủ quận nghe bữa trước.

            Thầy Hội đồng nghe rồi nói rằng: “Nếu vậy thì thầy Cai có con hư, đã không biết trừng trị nó mà còn nghe lời nó rồi nói tầm bậy mích lòng thầy. Thầy Cai lỗi, chớ thầy có lỗi gì mà ông Ðốc ép thầy xin lỗi. Còn thiên hạ họ vô duyên quá! Vậy mà họ đồn bậy bạ, họ nói thầy nhỏ mà không kiêng nể người lớn nên bị quở chớ! Ối! Cuộc đời vậy đó, thầy không hơi nào mà buồn. Thầy còn nhỏ, tôi khuyên thầy ráng dằn lòng bền chí, bất luận là làm thế nào, cách nào miễn là được giàu, được sang, rồi dầu thầy làm ác họ cũng nói làm lành, dầu thầy làm làm quấy họ cũng nói làm phải, chớ bây giờ dầu thầy hay mấy họ cũng chê thầy dở, dầu thầy phải mấy họ cũng cho là quấy.”

            Thầy nhứt Phát nghe mấy câu trách đời ấy như khêu gợi lòng uất ức của thầy, bởi vậy thầy thở dài rồi nói rằng: “Thầy nói tôi nghe thiệt phải lắm. Tôi đổi lại dạy học tại đây đã tám chín tháng rồi. Ðối với mọi người, dầu lớn hay nhỏ cũng vậy, tôi giữ lễ luôn luôn, chẳng hề mích lòng ai, mà chẳng hề nói động tới ai hết. Rất đổi là anh em bạn trong ty giáo huấn tôi còn cung kính người ta thay, có đâu tôi dám làm phách với người lớn. Về phận sự dạy học của tôi thì tôi giữ tròn, ông Ðốc chẳng hề đút miệng trách chỗ nào được. Còn về bề cư xử thì tôi cũng giữ kỹ lưỡng, chẳng hề khi nào tôi gần chỗ hư, hay là chơi vô ích, hay là làm nhơ nhuốc. Tôi ở vậy đó mà thiên hạ họ ghét tôi mới kỳ… Vì nãy giờ tôi thấy thầy có ý thương tôi, tôi nghe thầy nói lời công bình, vậy tôi mới dám tỏ hết công chuyện cho thầy nghe. Lúc tôi mới đổi lại, mấy thầy và Hương chức cứ theo rủ tôi đánh bài bạc. Tôi không biết đánh, tôi không chịu tập, nên tôi không thèm coi, họ rủ ren quyến dụ không được, rồi họ nói tôi làm phách. Ông Hương sư mời đám giỗ. Ăn rồi khách khứa bài bạc đủ thứ. Tôi không thích cuộc chơi như vậy, nếu tôi ở thì tôi ngồi trơ trơ một mình coi cũng kỳ, nên tôi bỏ ra về. Họ lại trách tôi là người bất cận nhơn tình. Tôi đến nhà thầy giáo Thủ tôi thăm, tôi không dè thầy có em vợ. Thẩy biểu em vợ ra chào tôi. Cách vài ngày người ta đồn rùm rằng tôi đi nói[2] em vợ thầy giáo Thủ. Tôi không có ý đó, nên tôi phải đính chánh cái tin huyễn hoặc ấy. Thầy giáo Thủ lại trở lại giận tôi. Hôm lễ sanh nhựt, anh em bày hùn tiền mướn ghe đi du hồ. Tôi sợ người ta nói tôi kiêu, nên tôi mới hùn tiền như thiên hạ. Chẳng dè ghe kiệu lui ra khỏi chợ một đỗi rồi ghé rước ba con điếm đem theo, trửng giỡn rầm rầm, coi tồi bại hết sức. Tôi không chịu xen vào cái cuộc chơi khiếm nhã như vậy, tôi ngồi dang ngoài xa, họ lại trách móc tôi làm bộ Tiên Phật, làm cho họ mất vui. Còn về cái phận sự của tôi thì tôi cần mẫn, mỗi việc đều ngay thẳng vuông tròn, hôm qua thầy Cai lại mắng tôi, biểu con về, không cho học nữa, rồi lại thưa kiện tôi, nói tôi không kiêng nể người lớn. Thầy nghĩ đó coi có đáng buồn hay không? Tôi biết mấy tháng nay người ta không ưa tôi, tôi không đi chơi đâu hết, cứ ở nhà đọc sách. Thế tình khó quá, không biết làm sao cho vừa lòng thiên hạ được!”

            Thầy Hội đồng Lợi ngồi chăm chú mà nghe, chừng thầy nhứt nói dứt rồi, thầy mới nằm xuống hút một điếu, kéo ống nghe ro ro. Kéo hết điếu thuốc, thầy ngồi dậy phà khói và nói rằng: “Thầy không biết làm sao cho vừa lòng thiên hạ? Thầy phải đánh bài bạc như họ, phải hút á phiện với họ, phải cướp giựt gian lận như họ, thì tự nhiên họ ưa chớ có khó gì”.

            Thầy Hội đồng rót một chén nước tra mà uống rồi thầy chậm rãi nói tiếp rằng: “Chẳng giấu gì thầy, tôi đây cũng vậy, hồi đó người ta ghét tôi lung lắm. Tôi dại quá, tại tôi muốn cho người ta thương, tôi làm theo người ta, tôi để cho họ lột da tôi, bây giờ tôi mới nguy như vầy. Thầy là anh em, mà ở đây cũng không có ai lạ, vậy để tôi thuật sơ việc nhà của tôi cho thầy nghe. Ông già tôi qua đời, có để lại cho tôi năm mươi mẫu ruộng. Vợ chồng tôi lam lụ làm ăn, cần kiệm hết sức. Nói cho phải, nhờ Trời Phật phò hộ, nên làm ăn càng ngày càng khá, cho vay đặt nợ chỗ nào họ cũng trả lời vốn đủ hết. Từ năm 1920 trở lại sau nhờ giá lúa cao, lại nhờ trúng mùa luôn luôn, nên tôi làm giàu ngay, chớ không phải khá mà thôi. Tôi cất nhà cất cửa lại, mua ruộng mua đất thêm, lần lần tại Tiểu Cần đây tôi đứng bộ tới một trăm năm mươi mẫu ruộng ngoại hạng, mà tôi lại có mua bên Phước Long được một sở năm trăm mẫu nữa. Mấy năm trúng mùa, tôi góp lúa từ hai mươi tám tới ba chục ngàn giạ, chớ phải ít hay sao. Họ thấy tôi tiền bạc lúa thóc nhiều, họ tới rủ ren nhiều việc kỳ cục lắm. Tôi nghĩ phận tôi là con cháu khách, phần thì chữ quốc ngữ tôi biết cọt quẹt chớ không giỏi, quan trên thương cho làm chức Hương bộ mấy năm cũng vừa rồi, bởi vậy ai bàn việc gì tôi cũng không chịu, cứ thủ phận quê mùa làm ăn. Có người họ xúi tôi mua chức Ban biện, họ nói rằng có của cải mà không có chức phận thì thiên hạ khinh khi. Tôi có nói khinh khi mặc ai, phận tôi quê dốt, tôi không dám đèo bòng. Họ xúi giục không được, họ trở lại ghét tôi, cả làng không ai thèm lui tới nhà tôi nữa, cách họ làm dường như họ tẩy chay tôi vậy. Phận tôi không cần gì, cơm mình mình ăn, nhà mình mình ở, ai thương ghét mặc ai. Ngặt vì vợ tôi cứ theo cằn nhằn, bả nói ở đời người ta sao mình vậy coi mới được, chớ mình ỷ có tiền rồi không giao thiệp với ai hết, thì thiên hạ họ khi dể. Tôi thấy đờn bà muốn như vậy, tôi cũng chìu lòng. Nhơn dịp gả con gái tôi lấy chồng, tôi mới đặt một tiệc rất xứng đáng, mời hết Hương chức tân cựu và điền chủ, tôi lại chiều lòn năn nỉ mời cho được quan Quận, thầy Cai và thầy Ban. Ba viên quan nầy chịu đi, thì Hương chức và điền chủ ai cũng đi hết thảy. Nhờ cái tiệc đó giả lả, nên kết tình thân thiết với anh em trong làng lại được. Từ đó về sau họ mới tới lui, họ mới hết ghét tôi nữa và tôi mới bắt đầu thọ hại!”

            Thầy Hội đồng nằm xuống hút hai ba điếu nữa. Thầy nhứt Phát đương bị người ta ghét mà nghe thầy Hội đồng Lợi nói thẩy hồi trước cũng bị như mình, sau thẩy làm cho người ta thương mới bị hại, thì lấy làm lạ, nên ngồi trông thẩy nói tiếp coi chuyện ra thể nào.

            Thầy Hội đồng ngồi dậy, vén bắp vế mà gãi, rồi cười mà nói: “Bây giờ tôi mới biết ở đời sự thương hay là ghét của thiên hạ không nghĩa lý gì. Thầy nghĩ đó mà coi, họ ưa tôi, họ báo tôi không biết bao nhiêu. Thầy biết chú Hương thân cầm cái tiệm ở trước nhà việc hay không? Ớ, cái chú đó lếu lắm. Chú làm thông tin cho nhựt trình, nhựt báo gì đó không biết, mà chú cứ qua nhà xúi tôi mua một năm. Tôi nghĩ một vài chục đồng bạc cũng không bao nhiêu, nên tôi vị tình mua giùm cho chú. Chú ăn quen tới lui chơi hoài, khi thì xin tiền gởi cầm giúp cho ai bị bão lụt ở đâu không biết, khi thì chú dắt khách ở đâu lạ hoắc tới nhà rủ hùn lập tiệm lập hãng, hoặc in sách in vở gì đó, khi thì chú đem nhựt trình đến đọc cho tôi nghe mấy cái bài người ta khen ngợi tôi, nói nhà tôi giàu mà ham làm việc công ích, biết thương người đồng chưởng[3], biết bồi đắp quê hương. Thiệt tôi có biết công ích, tôi có biết đồng chưởng, tôi có biết quê hương là giống gì đâu, mà sao nhựt trình họ khen bướng như vậy không hiểu. Mà đờn bà của tôi nghe thế bả chịu lắm, lại chú Hương thân Cầm cái văn nói của chú thiệt là hay, nên khi thì tôi đưa vài ba chục mà giúp, khi thì tôi đưa đôi ba trăm mà hùn, những tiền tốn hao như vậy đó mỗi năm tính cũng có tới năm bảy trăm chớ có ít đâu. Mà sự tốn hao đó cũng chưa bao nhiêu. Có cái trận nầy tôi mới tốn thiệt nặng. Ðể tôi nói cho thầy nghe coi phải họ thấy tôi có tiền họ bày chuyện mà xẻ tôi hay không. Một bữa nọ, thầy Cai tổng viết giấy sai tùng giả đem mà mời tôi. Tôi lật đật đi hầu. Thầy Cai mới nói rằng trong tổng sẽ mở cuộc tuyển cử Hội đồng địa hạt, nghe lại thì có một mình Hương chủ Thống ở làng Hiếu Tử ra tranh cử mà thôi. Vả thầy dọ ý cử tri các làng thì phần đông không chịu bỏ thăm cho Hương chủ Thống, họ nói thằng cha đó gắt gao độc ác, không đáng mặt đại biểu của dân, và họ ước ao cho tôi ra tranh cử thì họ bỏ thăm cho tôi hết thảy, vì họ biết tôi tuy giàu có mà sẵn có lòng lo công ích. Thầy Cai khuyên tôi phải ra mặt đặng cho vừa lòng Hương chức các làng, thầy làm đầu giúp đỡ mọi việc hết thảy, không có sao đâu mà ái ngại. Tôi tỏ thiệt với thầy Cai rằng tôi quê mùa dốt nát, không xứng đáng làm chức Hội đồng, nên tôi xin thầy chọn người khác. Thầy làm mặt giận, tôi sợ quá nên tôi xin với thầy để tôi về bàn tính việc nhà rồi tôi sẽ trả lời. Thầy ừ mà lại dặn tôi về biểu đờn bà của tôi qua hầu thẩy đặng thầy dạy việc. Tôi về nói chuyện lại cho vợ con hay. Ðờn bà của tôi rầy quá, bả nói thầy Cai thẩy thương thẩy muốn giúp tôi, sao tôi không chịu, làm bỉ mặt thẩy đây thẩy giận đố khỏi mang khốn. Bả liền che dù qua hầu thầy Cai. Thầy Cai nói với bả sao đó không biết, mà bả về bả cự với tôi, bả nói thầy Cai rầy quá nên bả chịu rồi, vậy phải lo ra tranh chức Hội đồng, đừng có từ chối gì hết. Bả lại nói thầy Cai hứa làm đơn và xin giấy tờ giùm cho, thầy cũng kiếm người trong mỗi làng đặng nói giùm với cử tri cho nữa. Thiệt quả, chiều có Biện tổng đem đơn xin ra mặt qua mà biểu ký tên và nói sáng bữa sau sẽ đi Trà Vinh mà xin sao lục án Tòa giùm. Cách vài ngày các Hương chức tới nhà tôi rần rần. Lớp thì lo đãi đằng, lớp thì chịu tiền xe, tốn hao hung quá. Gần tới ngày tuyển cử, họ nói Hương chủ Thống quyết ăn thua, nên ra tiền mua thăm hung quá, mỗi lá thăm giám mua tới hai chục, hăm lăm đồng. Vợ chồng tôi bàn tính với nhau, Hương chủ Thống không phải giàu hơn mình mà nó giám làm như vậy, lẽ nào mình lại nhịn thua nó. Tôi cũng phải mua thăm. Bữa cử, tôi hơn Hương chủ Thống được mười hai lá thăm, tôi đắc cử. Cha chả! Mà tốn hao nặng quá. Về đãi đằng, về mua thăm, về đền ơn nghĩa chỗ nầy, chỗ kia, cọng hết thảy non tám ngàn đồng!”

            Thầy Hội đồng nói tới đó rồi thầy lắc đầu cười và hỏi thầy nhứt rằng:

–         Thầy coi có phải tôi dại hay không?

–         Có dại gì đâu, muốn có chức phận với người ta thì phải tốn tiền chớ sao. Ðời nầy ai cũng phải vậy.

–         Làm Hội đồng địa hạt mỗi năm đi hội có vài lần, chớ có quyền hành gì đâu mà tốn hao lung quá.

–         Phải. Trong cuộc tuyển cử mà bày mua bán thăm là một điều không tốt. Mà lại tranh giành với nhau, tự nhiên sanh cái tệ ấy, biết làm sao. Thôi có tốn hao chút đỉnh thầy mới được ăn trên ngồi trước, chớ ông Hương chủ gì đó ổng cũng hao tiền, mà ổng thất cử đó sao.

–         Thầy đừng có nói chuyện ăn trên ngồi trước! Nói tới tôi còn buồn nữa. Tại cái ăn trên ngồi trước đó tôi mới nguy. Rồi cuộc tuyển cử, họ bày cho tôi đãi tiệc mà tạ ơn cử tri . Nhơn cái dịp đó, Hương chức các làng ai cũng khoe có công giúp tôi hết thảy, ai cũng xưng là anh em thiết của tôi. Ðãi tiệc tốn hao chẳng nói gì. Ngặt vì từ đó về sau anh em quen biết đông quá, đầu nầy mời đám giỗ, đầu nọ mời đám cưới, đi riết rồi bày chơi bời bài bạc, hùn lập ngành thầu hốt me, nhiều người mượn bạc tiền không chịu trả, có người lại cậy đứng giấy bảo lãnh nợ giùm nữa. Chẳng giấu chi, mấy năm nay đất tôi bên Phước Long bị thất mùa luôn luôn, phần lúa không có giá, nên tôi mắc nợ bộn mà không trả nổi. Trong số nợ đó, gần phân nửa là số tôi bảo lãnh cho người ta.

–         Nợ lãnh là nợ của mình. Thầy bảo lãnh chi vậy?

–         Thì thấy anh em năn nỉ quá, biết làm sao. Họ cần dùng tiền, họ tới năn nỉ mình bảo lãnh giùm cho họ vậy. Mình thấy họ có nhà có đất chắc chắn, thế nào họ cũng trả nổi, có sao đâu mà sợ. Ai dè có người thì bị thiếu nợ nhiều chỗ khác nữa, điền đất đã cầm cố cho chủ nợ trước rồi, nợ trả không nổi, chủ nợ trước thì hành phát mãi lấy hết đi. Còn có người vay rồi, lại lén bán đất mà trốn đi mất. Mình bảo lãnh, đỗ đục về mình phải chịu, chớ biết làm sao. Tôi nghĩ lại thiệt tôi dại lắm. Tại tôi muốn cho họ thương, nên tôi mới mang nợ mang nần, chớ nếu tôi giữ chức Hương bộ cựu, không cầu ai khen, dầu ai thương, ai ghét thây kệ, thì tôi sung sướng lắm. Mà thầy biết mấy năm nay tôi mắc nợ, trong nhà bẩn chật, rồi thiên hạ ở với tôi làm sao không? Họ coi tôi không ra gì hết. Ðó, như bên Hương sư Lầu đám giỗ họ có mời tôi đâu.

–         Không có mời thầy hay sao?

–         Không. Họ biết hai năm nay tôi thua nhiều, còn tiền bạc gì mà mời. Thầy thấy nhơn tình như vậy hay không? Thiên hạ xấu lắm thầy ơi! Ai cũng là “thằng điếm” hết thảy, bất luận là họ nói tiếng chi, hay họ làm việc chi, họ đều tính cho có lợi hết thảy. Tôi đã có kinh nghiệm rồi, nên tôi chỉ giùm cho thầy tránh. Thầy chẳng nên tin ai. Họ ghét thầy là vì họ lột da thầy không được nên họ mới ghét. Họ thương thầy là vì họ có lợi nên họ mới thương. Ấy vậy ở đời nầy mình cần lo giữ cái túi của mình trước hết đã, rồi sau sẽ nói chuyện thương ghét.

–         Tôi mới bước chơn vào đường đời mấy tháng nay, mà tôi thấy nhiều việc tôi chán ngán rồi. Nay tôi nghe lời thầy nói chuyện nhơn tình nhiều chỗ đê tiện nữa thì tôi càng thêm buồn. Vậy thì cái nền luân lý của nước tôi đã suy sụp rồi còn gì!

Hai người đàm luận tới đó, kế con thầy Hội đồng lại mời đi ăn cháo. Hai người đồng một bịnh uất về thế tình nên coi bộ tâm đầu ý hiệp lắm.

            Ăn cháo gà rồi, thầy nhứt Phát từ mà về. Thầy Hội đồng Lợi biểu bạn[4] xách đèn lồng đưa thầy giáo và khi ra cửa, thầy đặn nói rằng: “Thầy có buồn, tối qua bên nầy đàm đạo chơi nghe hôn thầy nhứt. Tôi với thầy coi bộ hiệp ý với nhau lắm…”

 


[1] người Hoa ở Việt Nam

[2] cầu hôn

[3] đồng chủng

[4] người giúp việc trong nhà


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.