Thiệt giả, giả thiệt

Chương 6



Con người không tu tâm luyện tánh thì tự nhiên hay cảm nhiễm những mùi trần: thấy sắc đẹp thì mê, nghe tiếng nói dịu ngọt cũng mê, hửi mùi thơm cũng mê, ăn món ngon cũng mê. Muốn tránh khỏi các sự mê ấy, thì cần phải luyện lục căn[1] cho nhiều. Hễ lục căn mình giữ được chơn chánh, thì lục trần[2] mới không nhiễm nổi.

Cô Phùng Xuân tuy là con nhà có học, tuy cô biết nghĩa nhơn liêm sỉ, tuy cô thấy đời giả dối cô chán ngán trong lòng, nhưng vì cô không tu tâm luyện tánh bởi vậy cô không thể không cảm nhiễm mùi trần cho được.

Ngày trước cha mẹ hứa gả cô cho thầy thuốc Cộn, tuy chưa thành hôn, song cô vẫn coi thầy thuốc Cộn là chồng của cô, cô thầm yêu trộm nhớ. Cô nguyện trao thân gởi phận cho người ấy trọn đời. Chừng thầy thuốc Cộn thi đậu rồi ham giàu phụ khó, bỏ cô mà cưới vợ khác, thì cô não nề trong lòng, trước kia cô thương bao nhiêu, thì chừng ấy cô cũng oán bấy nhiẽu, mà vì cái thương nhiều quá, nên cái oán cũng phải sâu quá. Khi ông Phán Thêm cậy mai nói xin cưới cô, thì tình của cô đã khô queo, lòng của cô đương não nề về nhơn tình giả dối. Cô ưng ông Phán là cô đánh liều nhắm mắt bước chơn trong đường đời, miễn sao được no ấm tấm thân thì thôi, không còn mong hạnh phước hỉ lạc chi nữa. Về ở với ông Phán mấy tháng, cô thấy ông Phán đãi cô rất hậu, thì cô cảm tình, cô thầm nguyện phải đền đáp cái ơn tế độ ấy, song đền đáp thì bất quá cô lấy cái nghĩa mà thôi, chớ không thể nào cô dụng tình cho được. Cô giữ trọn đạo làm vợ, chẳng những là cô phục sự chồng hết lòng, mà chồng muốn thế nào cô cũng làm cho vừa ý.

Vì tình cảnh như vậy nên vợ chồng ông Phán không được mặn mòi; nhưng mà gia đình của ông coi rất. đầm ấm, ông lấy làm vui lòng, ông cho đó là hạnh phước quá vọng, ông chẳng mong mỏi chi nữa….

Chẳng dè cái không khí đương thanh bạch ấy thình lình lại có vừng mây bay ngang, nó làm cho cảnh gia đình đầm ấm phải lu lờ xao xuyến. Số là từ ngày cô Phùng Xuân đi chi Long Hải về thì sắc mặt của cô đổi khác hơn xưa. Hồi trước tuy cô không hớn hở, song nếu ngó kỹ thì chỉ thấy cô có nét nghiêm nghị mà thôi, chớ không có vẻ sầu thảm. Bây giờ sắc mặt của cô coi rất buồn bực, mà cử chỉ của cô lại lửng đửng lờ đờ. Có khi cô ngồi ngó sững ra đường trót  giờ, không nói một tiếng chi hết. Có khi cô nằm trằn trọc trót đêm, cô không ngủ được. Ðó là tại những lời dịu ngọt tha thiết của ông thầy thuốc Cộn làm cho cô cảm nhiễm, nên lòng cô mới xao xuyến dường ấy. Mà đó cũng là tại cái tình của cô đối với ông Cộn ngày trước rất nặng nề, dầu ông quấy thế nào cô cũng không đành thù oán, nên ngày nay cô nghe ông nói phải quấy thì cô muốn quên hết các chuyện bạc bẽo xưa.

Ông Phán Thêm là người có tuổi, tự nhiên có trí. Ông thấy rõ vợ ông với ông Cộn gặp nhau bợ ngợ. Ông thấy rõ ông Cộn theo nói chuyện với vợ ông tại biển Long Hải. Ông thấy rõ, từ khi đi Long Hải về, vợ ông tư lự bàng hoàng, hay ngó chừng ngoài đường như trông ngóng ai. Ông thấy rõ cử chỉ của vợ, mà ông cũng hiểu thấu lòng dạ của vợ nữa. Nhưng vì ông là một người trí, nhờ có lắm hoạn nạn nên ông lịch lảm nhơn tình bởi vậy ông không phiền trách vợ, mà cũng không tỏ dấu cho vợ biết. Rõ ràng tuy ông Cộn phụ bạc cô Phùng Xuân mà cưới vợ khác song tình của cô cũng vẫn còn thương ông như xưa. Ông Phán Thêm thấy vậy rồi ông nhớ lại, hèn chi ngày ông nói mà cưới cô Phùng Xuân, thì cô đáp rằng tình của cô đã cạn đã khô, cô sợ lấy chồng rồi cô không tròn đạo làm vợ.

Ông Phán bối rối, không biết bây giờ phải xử trí thế nào.

Có nên cắt nghĩa cho vợ hiểu ông Cộn là một tên bợm bãi, lòng không ngay, tình không sạch, rồi khuyên vợ phải xa lánh ông hay không? Không nên.

Ái tình chẳng bao giờ chịu dung nạp nhữag lời cắt nghĩa. Mình chỉ chỗ xấu của ông Cộn thì sợ e vợ cho mình ghen mà nói xấu cho người ta, rồi chẳng những là không chịu cho ông Cộn xấu, mà lại còn chê mình hẹp hòi thấp thỏi nữa.

Có nên ngăn cấm, không cho vợ gần ông Cộn, đặng cho vợ khỏi lỗi đạo can  thường hay không? Cũng không nên. Mình ngăn cấm bó buộc vợ, tuy ý mình muốn giữ gìn cho vợ khỏi lạc bước vào đường quấy, nhưng mà ai biết được hảo ý của mình, chi cho khỏi người ta nói chồng già vợ trẻ sanh chớng ghen tương, rồi vợ mình đã không thương mình mà lại con oán trách nữa.

Có nên kiếm chỗ nhàn thanh tịnh, cất nhà mà ở ì với vợ đặng vợ chồng xa lánh mùi trần, khỏi nhiễm thói tục, riêng hưởng hạnh phước gia đình chút đỉnh hay không? Cũng không nên. Vợ mình tuổi còn xuân xanh, chẳng khác nào một cái bông hường đương nở. Nếu mình đem cái bông xinh đẹp ấy mà giấu kín một chỗ, để thưởng thức một mình, thì té ra mình vị kỷ quá, mình đã mang tội hẹp hòi, mà lại uổng cái bông xinh đẹp không ai được ngó thấy. Huống chi mình cưới vợ, mình đã có hứa với vợ rằng mình sẽ lam cho vợ vui vẻ trọn đời, có lẽ nào bây giờ mình quên lời hứa ấy, mình lo làm cho mình được vừa lòng, còn vợ thì ưu sầu khô héo.

Không được. Mình không nên phụ lời ước hẹn với vợ. Thế nào mình cũng phải lo làm cho vợ được vui vẻ, dầu sự vui vẻ của vợ phản chiếu ra sầu thảm cho mình đi nữa, mình cũng phải cam chịu. Cái tình của mình nó ở tại chỗ đó. Tình phải có khổ, có uất, thì mới sâu, mới cao. Mà bây giờ phải làm thế nào cho vợ được vui vẻ mà khỏi nhơ danh phạm nghĩa? Ðó là một vấn đề. Ông Phán Thêm trưng ra đã mấy tuần lễ mà ông chưa giải quyết được.

Còn cô Phùng Xuân thì cô cũng cứ lờ đờ lửng đửng, cô cũng cứ buồn bực hoài, nhưng vì sự buồn bực của cô không có cửa ra, nên cô không biết đến chừng nào mới dứt được.

Một bữa chiều cô ngồi xe hơi ra chợ mới Bến Thành mua đồ. Xe ngừng trước dãy tiệm Bombay, trên xe cô mới leo xuống, thì cô thấy ông thầy thuốc Cộn cũng ngừng xe kéo rồi phăng phăng đi theo cô. Cô giả bộ không thấy ông, cô thủng thẳng đi vô tiệm. Ông Cộn đi theo kịp, ông đi sau lưng và kêu mà hỏi rằng: “Cô Tư, hổm nay tôi trông dữ quá sao cô không viết thơ trả lời?”

Cô Phùng Xuân đi thêm vài bước rồi cô day lại, mắt ngó ông Cộn một cách rất buồn thảm mà đáp rằng: ”Tôi phải trả lời thế nào bây giờ?”

Ông Cộn đứng lặng thinh một hồi rồi ông lắc đầu nói rằng: “Có khó chi đâu mà cô trả lời không được. Có hai lẽ: “được” hay là “không được” mà thôi. Cô cứ do cái tình của cô mà trả lời. Cô trả lời thế nào tùy ý cô, miễn là tôi được biết tình của cô đối với tôi thì đủ. Tôi đã có nói với cô, như “được” thì dầu phải chờ cô bao lâu tôi cũng vui mà chờ. Còn như ”không được” thì tôi biết mà tuyệt cái hy vọng cho rồi, song xin cô biết cho rằng dầu hy vọng tuyệt, chớ lòng tôi cũng chẳng bao giờ mà quên cô được”.

Cô Phùng Xuân ứa nước mắt, cúi mặt ngó xuống đất cô không nói chi hết.

Ông Cộn thấy bộ cô bối rối thì hiểu tình cô nên ông nói tiếp rằng: ”Mấy tuần nay tôi trông thơ cô hết sức. Trông không được, tôi sợ cô không dám viết thơ, nên chiều bữa nào tôi cũng thả rều ngoài nầy, cố ý đón coi hoặc may có gặp cô hay không. Nhiều bữa tôi cũng có đi xe kéo ngang nhà cô, trông mong thấy mặt cô một chút cho phỉ tình. Tiếc vì không ngó thấy cô, còn nếu ghé thăm cô thì sợ e ông Phán nghi nan rồi bất tiện cho cô, vì vậy nên tôi khó chịu hết sức. Nay may gặp nhau đây, tôi xin cô trả lởi một chút cho tôi biết, kẻo đợi trông hoài thì tội nghiệp phận tôi”.

Cô Phùng Xuân thở ra mà đáp rằng.

– Tôi trả lời không được.

– Tại sao vậy?

– Vì tôi là gái có chồng, mà chồng tôi là người có ơn cứu vớt tôi; cái ơn ấy nặng nề lắm, tôi không thể quên được. Ðã vậy mà ông là người có vợ, có lẻ nào tôi còn nói chuyện tình tự với ông.

– Không. Việc vợ của tôi thì tôi đă nhứt định rồi. Hôm gặp cô dưới Long Hải rồi về ít bữa thì tôi đã vô đơn tại Tòa mà xin để vợ. Tôi đã đuổi vợ tôi về Bạc Liêu, không có ở với nhau nữa. Ðợi ít ngày Tòa lên án cho phá hôn thú thì xong.

– Ông làm việc đó ác lắm.

– Sao mà ác?

– Ông cưới con gái người ta về ăn ở không bao lâu, rồi ông để bỏ như vậy không ác hay sao?

– Tôi đã không chịu, tại cha mẹ ép uổng nên bây giờ mới có như vậy đó, có phải lỗi tại tôi đâu.

– Tôi nghe nói vợ ông là con nhà giàu lớn sao ông đành bỏ người ta.

– Ối! Con người ở đời quý tại nhơn nghĩa chớ quý chi thứ tiền bạc! Tôi có phải như họ hễ thấy giàu thì mê đâu cô. Nhứt là trong đạo vợ  chồng cần phải có tình thương yêu nhau, dầu nghèo cắn hột muối làm hai mà chia cho nhau còn vui hơn là vàng bạc đầy tủ mà vợ chồng không có tình chi hết.

– Ông nới như vậy thì phải lắm.

– Phận của tôi thì tôi tính dứt rồi. Còn phận của cô thì cô liệu lẻ nào?

– Khó quá, tôi không biết liệu làm sao được.

– Phải. Tôi hiểu. Cô dục dặc cũng phải lắm. Ông Phán lớn tuổi, lại tánh ý theo xưa, nên quê mùa. Ông cưới được cô tự nhiên ông cưng cô; cô muốn khiến bề nào ông cũng theo bề nấy. Cô được tấm thân sung sướng thì cô mang ơn ông bởi vậy cô không nỡ phụ ông.

– Không phải vậy. Tôi mang ơn ông Phán không phải tại ông cưng tôi. Tôi kính trọng ông là tại ông ra ơn cứu vớt tôi trong lúc tôi chơi vơi giữa dòng kia.

– Phải. Cô nói phải lắm, ông Phán có ơn với cô, bởi vậy tôi đâu dám xúi cô bỏ ông liền bây giờ đặng về ở với tôi. Tôi thuộc vế hạng “đờn ông mới”. Tôi không có thái độ đê tiện giựt vợ dụ con người ta như bọn già xưa vậy đâu. Nếu tôi phải chờ chừng nào ông Phán qua đời, cho cô đền đáp nghĩa xong rồi, cô sẽ xum hiệp cùng tôi, thì tôi cũng vui lòng mà chờ. Song bây giờ tôi xin cô cho tôi biết coi tôi có nên chờ hay không, đặng tôi vui mà sống với cái hy vọng ấy. Xin cô cho tôi biết một chút.

Ông Cộn nói câu sau mà bộ ông tha thiết hết sức.

Cô Phùng Xuân chúm chím cười, mắt liếc ông mà đáp nhỏ nhỏ rằng: ”Nếu ông sẵn lòng chờ, thì tôi cho phép ông chờ”.

Ông Cộn vừa nghe dứt lời thì ông lộ sắc vui mừng mà nói rằng: ”Cám ơn cô ! Bây giờ tôi đưọc biết cô không phụ tình tôi, thì tôi vui sướng chẳng khác nào như đã lên được cảnh tiên”.

Cô Phùng Xuân cười và nói rằng: ”Thôi, xin ông cho tôi đi mua đồ. Ðừng nói chuyện lâu giữa chợ, thiên hạ họ dòm ngó không nên”.

Ông Cộn châu mày nói rằng: “Tôi mang chữ tình bấy lâu nay nặng nề lắm. Thôi, để bửa nào gặp nhau chỗ vắng vẻ rồi tôi sẽ tỏ hết tâm sự cho cô nghe”.

Cô Phùng Xuân cúi đầu từ giã, rồi bước vô tiệm Bombay. Ông Cộn trở lại và đi và chúm chím cười.

Cô Phùng Xuân mua đồ rồi cô lên xe, biểu sốp phơ chạy lại tiệm may ”Vĩnh Hưng´ đặng cô thăm bà Tư Kiến.

Cô đưa đồ cho bà Tư Kiến may, đương ngồi trong phòng khách mà nói chuyện với bà, thình lình cô thầy thuốc Cộn xô cửa bước vô.

Bà Tư mừng rỡ mời ngồi, bà hỏi thăm cô Phùng Xuân có biết cô thầy thuốc hay không. Ngày trước cô Phùng Xuân có thử áo cho cô thầy thuốc Cộn, song cô không muốn nhắc chuyện cũ nên cô nói cô không biết. Bà Tư bèn tiến dẫn cho hai người khách biết nhau, bà chỉ cô Phùng Xuân mà nói: ”Ðây là cô Phán Thêm”, rồi bà chỉ cô thầy thuốc mà nói: ”Còn đây là cô thầy thuốc Cộn ở trong Chợ Lớn”.

Cô thầy thuốc vùng la lớn rằng: ”Thôi, bà Tư? Xin bà đừng kêu tôi là ”cô thầy thuốc Cộn” nữa. Tôi không muốn mang cái tên khốn nạn ấy”.

Bà Tư Kiến với cô Phùng Xuân chưng hửng. Bà Tư hỏi rằng:.

– Tại sao vậy?

– Tôi thôi chồng tôi mấy tháng nay. Tôi mới vào đơn tại Tòa hôm đầu tháng đặng xin Tòa lên án phá hôn thú cho rồi. Cái tên “thầy thuốc Cộn” không còn can hệ gì đến tôi nữa.

– Sao vậy?’

Chuyện của tôi thiệt là rắc rối lắm, bà hỏi tôi càng mắc cỡ thêm. Bà cũng như cha mẹ, còn cô Phán đây cũng như chị em, không lẽ tôi giấu, thôi để tôi nói thiệt cho bà nghe. Cha mẹ tôi gả tôi cho ông thầy thuốc Cộn là một điều lầm to. Người ấy là một chú bợm bãi, cưới vợ thì cốt lấy Tiền chớ không biết nhơn nghĩa chi hết. Bà với cô Phán nghĩ đó mà coi, ổng mới đi nói tôi, chớ chưa cưới, thì ổng cậy ông mai năn nỉ xin ba tôi mua cho ổng một cái xe hơi đặng ổng đi coi mạch cho thân chủ. Ba tôi thương ổng, nên không tiếc chi đôi ba ngàn đồng bạc với rể con. Ba tôi mua cho ổng cái xe hơi, mà cũng may, ai xuôi khiến không biết, mà ba tôi lại để tên tôi đứng giấy. Cưới bữa trước, qua bữa sau ổng xin ba tôi mua cho ổng một cái nhà ở Sài Gòn đặng vợ chồng ở đi làm việc cho thong thả. Không phải ba tôi không tiền, hay là có tiền, mà hà tiện, nên không chịu mua. Ba tôi nói mình làm việc nhà nước, nay đổi chỗ nầy, mai dời chỗ nọ, sắm nhà cửa rồi đổi đi biết bỏ cho ai, Nếu cho mướn thì họ ở hư hết, vì vậy nên ba tôi không chịu mua. Cách ít ngày vợ chồng dắt về thăm nhà, ổng lại xin ba tôi cho ổng tiền đặng ổng đi Tây học thêm ít năm lấy bằng cấp Ðốc Tơ. Ổng quyết xin 20 ngàn đặng ổng gởi vào Nhà Băng rồi ổng đi. Tuy ba tôi thương ổng, song ổng mới vào làm rể, chưa biết bụng ổng, làm sao mà dám tin, bởi vậy ba tôi không chịu cho. Ổng lập mưu này thế nọ, mà lấy tiền không được, rồi ổng trở lại gay gắt với tôi. Tôi ở ít tháng thì tôi thấy rõ thái độ của ổng là thái độ của thằng “điếm”; bởi vậy tôi và tỏ thiệt cho cha mẹ tôi biết, rồi mấy tháng nay tôi không thèm lên nữa.

– Nếu vậy thì bây giờ cô không có ở trong Chợ Lớn? Hèn chi mấy tháng nay không thấy cô ra may đồ nữa.

– Tôi về Bạc Liêu lâu rồi. Tôi lên đây là tôi đi mua đồ với má tôi, tôi ở ngoài nhà hàng.

Cô Phùng Xuân nghe rõ đầu đuôi, rồi cô nhớ những lời của ông Cộn nói với cô hồi nãy, thì cô lấy làm ngao ngán, song cô muổn thử ý cô thầy thuốc nên cô nói rằng:

– Cô phiền ông thầy thuốc rồi cô nói nặng nề cho ổng chớ ổng là người có học thức, lẻ nào ông tham tiền quá như vậy.

– Tôi đã lầm rồi. Tôi xin cô hãy tin sự kinh nghiệm cúa tôi. Thưa phải, ông Cộn ổng hay khoe ổng có học thức rộng, ổng hay chưng ổng là “đờn ông mới”. Thiệt nhờ cái học thức rộng rãi kia nên mới sanh cái thái độ đê tiện nọ đó đa cô.

– Học thức làm cho người ta cao thượng, chớ sao học thức lại làm cho người đê tiện?  Ý cô thế nào thiệt tôi không hiểu.

– Hồi xưa học thức làm cho người ta có văn chương biết nhơn nghĩa. Còn đời nay học thức lại làm cho người ta biết trau chuốt lời nói đặng kiếm tiền, để tôi thuật một việc đê tiện này nữa cho cô nghe, thì cô biết ông Cộn ham tiền đến bực nào. Ổng xin tiền ba tôi không được rồi ông gay gắt nặng nhẹ với tôi. Tôi giận bỏ đi về Bạc Liêu. Xưa rày ổng lên xuống năn nỉ xin rước tôi hoài. Hôm trước tôi vô đơn. Tòa đòi ổng hầu, ổng lại xuống nhà khóc lóc với ba tôi, ổng nói ổng thương tôi lắm, nếu Tòa lên án cho để thì ổng sẽ tự vận, chớ xa tôi ổng không thể chịu được. Cô hiểu tại sao mà ổng đổi ý như vậy hay không? Ông nghĩ  nếu lấy tiền bây giờ không được, thà là để dành ngày sau sẽ lấy, chớ không nên bỏ tuốt. Trời ơi, tôi lầm ổng một lần thì đủ biết khôn rồi, có lẻ nào tôi còn lầm một lần thứ nhì nữa.

– Có lẽ ổng thương cô thiệt chớ…

– Trời ơi, người đó chỉ thương đồng tiền, chớ biết thương ai. Hôm qua tôi với má tôi ghé. Sóc Trăng thăm người quen lại được nghe một chuyện kỳ nữa.. Người ta nói ông Cộn hồi còn đi học, có ông Cai Tổng nào đó hứa gả con, ông Cai Tổng đó cấp bạc tiền cho ăn học mấy năm, chừng thi đậu rồi về thấy ông nọ suy sụp thì bội ước mà đi cưới tôi đó. Khốn nạn hay chưa! Té ra tôi lầm ông cậu là thứ nhì, trước tôi đã có một người lầm thứ nhứt rồi.

Cô Phùng Xuân nghe tới đó thì cô lạnh ngắt trong lòng, cô không thể nói chuyện nữa được nên đứng dậy cáo từ mà về. Cô thầy thuốc cũng về.

Hai người ra cửa rồi cô Phùng Xuân chỉ nhà cô và mời cô thầy thuốc khi nào có rảnh thì ghé nhà đặng chị em nói chuyện chơi.

Cô Phùng Xuân nhờ cô thầy thuốc mở mắt và soi trí giùm cho cô, nên cô lên xe ngồi một mình, cô nghĩ thái độ tham lam giả dối của ông Cộn thì cô ăn năn cái cử chỉ của cô đối với ông hồi chiều không biết chừng nào. Về tới nhà cô thấy ông Phán ra tại xe mà niềm nở mừng cô thì cô hổ thầm thêm nữa. Vì ăn năn và hổ thầm ấy mà cô càng buồn bực hơn mấy bữa trước nữa. Ngồi ăn cơm tối với chồng thì cô ngao ngán, ăn không được.

Ông Phán không rõ tâm sự của vợ, ông thấy vợ buồn ông không chịu được, nên ông thầm tính để ăn cơm rồi ông sẽ tỏ bày một việc tuy ông đau đớn, mà vợ ông hết buồn rầu.

Ăn cơm rồi, ông ra lộ đi lên đi xuống một mình, sắc mặt ông suy nghĩ lung lắm. Ông đi cho đến chừng tôi tớ trong nhà dọn dẹp xong rồi đi nghỉ hết, ông mới trở vô. Ông thấy vợ đã vô mùng, ông bèn đóng cửa, vặn đèn căn giữa lên cho sáng, rồi ông ngồi tại ghế giữa và kêu vợ rằng “Em Tư, em ngủ rồi sao? Mời em ra đây nới chuyện chơi một chút. Còn sớm mà”.

Cô Phùng Xuân nghe chồng kêu thì cô đi ra. Ông chỉ cái ghế ngay trước mặt ông mà mời cô ngồi. Cô vưng lời, song bộ cô bợ ngợ, không dám ngó ông. Ông Phán cười hịt hạt mà nói rằng: ”Trời lóng nầy[3] tối, em muốn đi chơi thì qua dắt đi, đi đâu cũng được. Phải đi chơi đặng giải khuây, ở nhà riết rồi cũng buồn”.

Cô Phùng Xuân nghe những lời mơn trớn mà hữu tình như vậy thì cô càng khó chịu, nên cô thở dài mà đáp rằng:

– Em buồn thiệt, nhưng mà vì cái buồn ấy nên em không muốn đi đâu hết.

– Ối! Ở đời hơi nào mà buồn. Cái vui là bổn phận của người trẻ tuổi. Em còn nhỏ tự nhiên em phải vui chớ. Em muốn vui cách nào qua cũng làm cho em được vừa lòng hết thảy, miễn là qua được thấy em vui thì qua phỉ tình.

– Ông nói như vậy thì em cảm ơn ông lắm. Ngặt vì cái mạng của em phải chịu buồn, thì có thế nào mà vui cho được.

– Em đừng nói vậy. Buồn hay là vui đều tại nơi mình, chớ nào phải tại mạng số. Giàu hay là nghèo ấy là tại mạng. Mà dầu nghèo mình cũng vui mà chịu mạng Trời thì làm sao buồn được. Em đừng có buồn nữa, bởi vì hễ qua thấy em buồn thì qua đã không vui, mà qua lại ăn năn lắm.

Cô Phùng Xuân không hiểu ý ông phán, nên nghe nói như vậy thì cô ngước mặt lên ngó ông. Ông Phán cười ngỏn ngoẻn mà nói răng:

– Thiệt qua ăn năn lắm…

– Ông có làm tội lỗi chi đâu mà ăn năn?

– Có chớ. Qua cưới em, qua làm cho em phải buồn bực trọn đời, đó không phải là tội hay sao?

Cô Phùng Xuân ngó ông Phán mà ứa nước mắt.

Ông Phán nói tiếp rằng: ”Hơn một tháng nay qua thấy em buồn qua chịu không được. Qua nghĩ em tuổi đương xuân xanh, như bông mùa xuân mà phải trổ nhằm tiết lạnh mùa đông, thì qua hối hận vô cùng. Hổm nay qua muốn nói với em một chuyện, mà vì lòng qua ái ngại quá nên qua không dám nói, sợ nói ra em không hiểu ý qua rồi em trở lại em phiền qua”.

Cô Phùng Xuân hỏi rằng:

– Ông muốn nói chuyện chi?

– Chẳng có chuyện chi lạ. Qua muốn làm cho em hết buồn vậy mà.

– Ông làm sao cho em hết buồn được?

– Qua muốn đưa em về ở dưới bà già. Qua cho em tiền bạc, cho luôn nữ trang xe hơi nữa, đặng em thong thả, khỏi cực lòng em nữa.

– Ông không thương em nữa hay sao?

– Làm sao mà hết thương được. Vì qua thương em lắm nên qua mới tính như vậy đó.

– Em đi rồi ông không buồn hay sao?

– Buồn lắm chớ, song cái buồn đó dễ chịu hơn cái buồn thấy em không vui. Qua thường có nói với em rằng miễn là em được vui thì thôi, phận qua không cần gì.

– Ông dạy như vậy, Nếu em vưng lời thì té ra em vị kỷ quá.

– Em vui thì qua mới vui, dầu phải xa em, qua cũng chịu nữa, chớ hễ em buồn thì qua ăn năn hoài, ở một nhà qua càng thêm xốn xang. Ðể qua nói rõ cho em dễ hiểu ý qua. Tình của qua là tình theo hạng lớn tuổi còn tình của em là tình theo hạng xuân xanh. Hai cái tình phát biểu khác nhau, nên qua coi khó mà thích hiệp được. Nếu qua buộc tình em dầu không thích cũng phải đi cặp với tình qua, thì té ra qua áp chế quá. Vì vậy nên qua muốn để cho tình em tự do chọn lựa một cái tình khác thích hạp mà đi cập, đặng em hết buồn hết hổ nữa.

Cô Phùng Xuân hiểu ý ông Phán muốn nói vì ông thấy mình còn thương ông thầy thuốc Cộn nên ông sẵn lòng chịu đau đớn để cho mình thong thả mà phối hiệp với ông Cộn, song ông sợ mình ái ngại nên ông không dám nói rõ ra, thì cô cảm động không biết chừng nào. Cô vùng đứng dậy bước lại nắm tay chồng và khóc và nói rằng: “Lòng mình quảng đại quá! Mà tình mình cũng cao sâu quá! Trong bực thanh niên, hay là trong hạng học thức có được bao nhiêu người như mình. Bây giờ tôi mới thấy rõ tình của mình, mà thấy rõ rồi tôi nghĩ tôi lỗi với mình nhiều quá!”

Kết duyên cùng cô Phùng Xuân đã mấy tháng rồi, ông Phán Thêm mới nghe cô kêu ông bằng ”mình” lần này là lần thứ nhứt, ông mới thấy cô tỏ tình dan díu, lần này là lần đầu, bởi vậy ông khoan khoái và bối rối, ông kéo cô ngồi một bên ông, rồi ông cười ngỏn ngoẻn mà đáp rằng:

– Em không có lỗi gì hết, mà dầu có lỗi gì qua cũng hỉ xả hết.

– Hồi trước em có hứa hôn với ông thầy thuốc Cộn.

– Thôi, thôi chuyện xưa em nhắc lại làm chi.

– Em lỡ thương ông.

– Qua biết, em chẳng cần nói làm chi.

– Ổng phụ bạc em nên em oán ổng.

– Ở đời chẳng nên oán ai hết.

– Hôm đi Long Hải, ổng lại theo năn nỉ tỏ dấu ăn năn em dại em xiêu lòng.

– Qua hiểu lắm. Em đừng nói chuyện đó nữa.

– Không được. Bây giờ em phải nói ra cho mình hiểu rõ, em không phép giấu nữa. Hồi chiều nầy em đi chợ, em còn gặp ổng nữa.

– Qua không cần biết chuyện đó, vì qua thấy em tỏ tình thương qua thì đủ rồi.

-Xin để cho em thuật hết cho mình nghe mà. Ổng nài nỉ xin em hứa chừng mình trăm tuổi già thì em phối hiệp với ổng.

– Nếu em muốn thì bây giờ qua cũng cho, chẳng cần phải đợi tới qua chết.

– Em nghe những lời thiết yếu, em tưởng ổng thiệt có tình nặng với em, nên em động lòng thương, em hứa với lời ổng. Chừng em lại tiệm bà Tư, em gặp vợ ổng chị em nói chuyện với nhau, em mới hay ổng là một thằng điếm.

– Ðời nay điếm nhiều lắm, chớ có phải một mình ông Cộn đó mà thôi đâu em.

– Tình đời thiệt là khó dò! Thiệt giả, giả thiệt, không biết đâu mà ngừa. Người mình tưởng giả té ra là thiệt, còn người mình tưởng thiệt té ra giả.

– Phải lớn tuổi, phải có kinh nghiệm nhiều, thì mới phân biệt thiệt giả được.

– Em mới học được một bài ở đời rồi, tiếc vì giá bài học ấy mắc quá.

– Không mắc đâu em? Nhờ cái bài học ấy làm cho tình vợ chồng ta đưọc thích hạp, thì tốn hao tâm trí bao nhiêu qua cũng không cho là mắc.

Cô Phùng Xuân nghe mấy lời thì ngó chồng mà cười. Ông Phán cũng ngó vợ rất hữu tình; vợ chồng nhìn nhau thăm thẳm nguồn ân biển ái, không còn e lệ không còn sụt sè như trước nữa.

Chiều bữa sau, vợ ông thầy thuốc Cộn đến nhà thăm cô Phùng Xuân. Vì cô thầy thuốc uất ức tràn trề trong lòng nên cô dở chuyện chồng mà nói nữa. Cô Phùng Xuân cười mà nói rằng: ”Hôm qua cô thuật chuyện ông thầy thuốc cho tôi nghe, thiệt tôi cám ơn cô lắm”.

Cô thầy thuốc không hiểu ý cô Phùng Xuân, nên nghe như vậy thì chưng hửng.

Cô Phùng Xuân nói tiếp rằng: ”Tôi đây là người lầm thứ nhứt, còn cô đó là người lầm thứ nhì”.

Cô thầy thuốc hiểu rồi, cô lắc đầu nói rằng: “Té ra hai chị em mình đi một thuyền mà! Cha chả! Mà sợ từ nay về sau còn nhiều người khác cũng sẽ bị như mình nữa!”.

Chị em nói chuyện một hồi rồi rủ nhau đi chợ. Ra tới Bến Thành lại gặp ông thầy thuốc Cộn nữa. Ông thầy thuốc thấy hai cô đi chung một xe thì ông lấy làm lạ nên đứng mà ngó.

Cô Phùng Xuân biểu sốp phơ ngừng xe và kêu ông thầy thuốc mà nói lớn rằng: “Ông thầy thuốc, nhờ ông dạy tôi học nên tôi biết được bài ”Tình đời giả dối’, chúng tôi cám ơn ông lung lắm. Vậy bài học ấy gịá đáng bao nhiêu xin ông làm toa gởi ra nhà tôi, rồi chồng tôi trả tiến cho. Xin ông nhớ, nghe hôn”.

Ông Cộn mắc cỡ, nên bỏ đi một nước.

Hai cô ngó nhau mà cười ngất.

***

Qua năm sau, cô Phùng Xuân sanh được một đứa con trai. Ông Phán Thêm cưng như vàng như ngọc. Bữa nào cũng vậy, hễ chiều trời thanh bạch, thì vợ chồng đem con lên xe hơi mà đi dạo chơi, chồng yêu vợ, vợ mến chồng, tuy vợ chồng niên kỷ bất đồng, song nhờ hiệp ý tâm đầu, nên nguồn ân sâu xa, biển tình lai láng.

Sài Gòn, Décembre 1935

 


[1] từ ngữ Phật giáo : mắt, tai mũi lưỡi, mình, ý

[2] như lục căn

[3] lúc nầy


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.