Ðoạn tình

Chương 3



Thường ngày cô Hòa ngủ đến 7 giờ cô mới thức dậy. Mà bữa nào cũng vậy, hễ cô dậy thì cô thấy Thuần đã dậy trước rồi, khi đi thơ thẩn ngoài sân mà xem bông, khi thì lui cui xách nước tưới kiểng, khi thì dắt con đi lên xuống ngoài lộ.

Bữa nay đúng 7 giờ cô cũng thức dậy, nhưng mà cô thấy Thuần vẫn còn nằm ngủ im lìm. Vì hồi hôm Thuần về cô không hay, cô tưởng ăn tiệc rồi ở khiêu vũ chơi đến gần sáng, nên mới ngủ trưa như vậy, bởi vậy cô đi nhẹ xuống lầu, có ý muốn để êm cho Thuần nghỉ. Cô coi cho bồi lược cà phê, nướng bánh mì, soạn hột gà, đặng cho Thuần thức dậy có sẵn mà điểm tâm.

Quá 8 giờ Thuần mới dậy.

Thấy Thuần xuống lầu, cô Hòa mới hỏi:

–          Thế khi gần sáng mới về hay sao nên ngủ trưa dữ vậy?

–          Không. Hồi hôm tôi về nhà mới 11 giờ 10. Vì tôi phiền quá, nên nằm trằn trọc hoài, gần 4 giờ tôi mới ngủ được, nên sáng mệt, dậy không nổi.

–          Phiền ai?

–          Anh em dự tiệc đám cưới họ trửng giỡn đồi bại, làm xấu hổ cả bọn hết thảy. Tôi cáo từ không chịu đi thì hay quá, tại anh Kiểm đốc đi, nên tôi mới thấy việc khốn nạn như vậy.

–          Họ làm sao mà phiền mình?

–          Ðể tôi có rảnh rồi tôi sẽ thuật lại cho mình nghe.

Cô Hòa không hỏi nữa, cô mở máy lạnh mà lấy bơ lạt, bưng thịt đùi heo ra, kêu bồi biểu luộc hột gà, pha cà phê, rồi kêu bé Hậu lại đặng ăn lót lòng với cha mẹ.
Thuần ngó đồng hồ, thấy đã 8 giờ 30, nên ăn riết đặng thay đồ mà ra hãng. Chừng Thuần sửa soạn ra lấy xe mà đi, cô Hòa bèn nói:

–          Chị Vân gởi thơ nói chị lên ở chơi với tôi ít bữa, song từ khi mình cất nhà rồi tới nay chị không có lên, chị không biết mình ở chỗ nào, nên chị biểu tôi 11 giờ trưa nầy ra ga xe lửa đón chị. Chừng 10 giờ mình biểu sớp-phơ đem xe về cho tôi đi được không?

–          Ðược chớ, hễ tôi ra tới Sài Gòn, tôi biểu đem xe về liền.

–          Thôi mình đợi tới 10 giờ tôi đi một lượt với mình.

–          Tôi phải ra trước ngoài hãng coi có việc gì hay không, nhứt là phải lo tính vụ xe đụng thiếm xẩm.

–          Mình muốn đi gấp thôi thì đi đi.

Thuần ra đi. Cô Hòa phiền, vì cô thầm nghĩ trong trí mà cho sự chồng đi trước đó là cố ý không muốn đi chung với mình. Tuy vậy mà cô không lộ sự phiền ấy cho người trong nhà biết, cô vẫn coi cho mấy đứa ở quét nhà, lau ghế chùi tủ, dọn dẹp như mỗi ngày.

Chưa tới 9 giờ 30 mà sớp-phơ đã đem xe về rồi. Cô Hòa kêu con xẩm mà biểu tắm gội và thay đồ cho bé Hậu rồi cô lên lầu sửa soạn đặng đi Sài Gòn. Vì có thai nghén nên cô không mặc đồ màu, cô mặc một bộ đồ trắng mới may, cô dồi phấn thiệt khéo, cô gỡ[1]  đầu thiệt láng, rồi cô đeo hột xoàn vô nữa, nên dầu tướng mạo của cô không có dáng thanh nhã, song cũng có cái vẻ sang trọng.

Quá 10 giờ cô dắt bé Hậu lên xe, biểu con ở lên ngồi phía trước với sớp-phơ, rồi dặn xe chạy ra nhà ga xe lửa Mỹ Tho. Ra tới ga thấy còn dư thời giờ nhiều, cô bèn xuống xe đi dài theo mấy tiệm, biểu con xẩm bồng bé Hậu đi chơi, coi đồ bán chơi. Cô mua cho con cô một cái kèn, một trái banh, lẩn quẩn đợi gần 11 giờ cô mới trở lại nhà ga, biểu con xẩm mua giấy rồi dắt nhau vô trong vòng chỗ xe đậu mà đón cô Vân.

Nghe síp-lê[2]  một chút rồi ngó thấy xe lửa rần rần chạy tới. Bé Hậu mừng rỡ nên đứng vỗ tay la om sòm. Xe đậu yên rồi, hành khách tuôn xuống. Cô Hòa kiếm thấy cô Vân còn đứng yên trên xe, ló đầu ra cửa sổ mà ngóng, thì cô ngoắc và kêu. Cô Vân cười rồi lấy đồ đặng xuống xe. Cô Hòa dắt con lại đứng tại cửa xe mà chờ. Cô Vân tay cầm dù, tay ôm choàng mà xuống xe, anh cu-ly xách va-ly theo sau, chị em gặp nhau vui kể không xiết.

Cô Vân ngó bụng cô Hòa và hỏi:

–          Chị có thai nữa à? Có phước quá! Ðược mấy tháng đây?

–          Hơn năm tháng.

–          Tôi mừng cho chị.

Cô Vân lại thấy bé Hậu nắm tay đứng bên cô Hòa thì hỏi:

–          Cháu đây phải không?

–          Phải.

–          Hai năm nay tôi không gặp, bây giờ cháu trộng cảy[3]. Dễ thương quá.

Cô Vân ôm mặt bé Hậu mà hôn rồi chị em dắt nhau đi ra cửa, biểu người cu-ly xách va-ly cho cô Vân đi theo.

Cô Vân là chị em bạn học của cô Hòa hồi trước, cũng đồng thời một tuổi với cô Hòa. Vì cô Hòa có chồng nên thôi học trước, cô Vân ở lại học thêm, cách hai năm đã thi đậu bằng thành chung[4], nên về ở nhà với mẹ là bà chủ Hào, một bà sương phụ giàu có ở dưới Kỳ Sơn, thuộc tỉnh Tân An.

Cô Vân hình vóc chắc chắn mạnh mẽ, bộ đi đứng gọn gàng bặt thiệp, nước da trắng, gương mặt tròn, văn nói bãi buôi, tư cách thanh nhã. Cô mặc áo màu nước biển, áo may khéo, lại màu hợp với nước da nên làm cho dáng đẹp cô càng đẹp hơn nữa. Khi ra tới đường, cô Vân thấy xe hơi thì cười và nói:

–          Chị sắm xe tốt quá.

Ðể đồ lên xe xong rồi, cô Vân mới hỏi cô Hòa:

–          Năm ngoái chị gởi thơ nói chị đã về nhà mới ở đường Cây Quéo,

–          Cây Quéo là chỗ nào?

–          Nhà quê quá! Ðường Cây Quéo ở trong Gia Ðịnh.

–          À! Nãy giờ quên hỏi coi anh mạnh giỏi thế nào?

–          Cám ơn. Nhà tôi mạnh luôn luôn.

–          Có ảnh[5]  ở nhà hay không?

–          Có chớ, song ban ngày ở ngoài hãng xe hơi.

–          Hãng của ảnh ở đường Phan Thanh Giản phải không? Tôi chưa biết hãng. Thôi, mình lại đó đặng thăm ảnh và coi hãng chơi một chút rồi sẽ về được không?

–          Ðược. Lại đó rồi tôi rước cả nhà tôi về luôn thể.

Hai chị em lên xe rồi biểu sớp-phơ chạy lại hãng, chừng xe ngừng cô Vân bước xuống thấy trước hãng có tấm bảng đề chữ lớn:  “Thuần Hòa Hãng xe hơi” thì cô cười và nói:

–          Hai ông bà lấy tên mình mà đặt hiệu cho hãng thật hay quá. Thuần Hòa hai chữ song song… Hai ông bà khắng khít với nhau mà lại có con sớm, thế thì hãng phải vững bền, mà rồi đây sẽ có chi nhánh thêm nữa.

Cô Hòa nghe khen thì vui lòng, nên chúm chím cười và nói:

–          Tôi cầu chúc cho lời chị nói đó có y như vậy.

Hai chị em song song bước vô nhà giấy của hãng, con xẩm dắt bé Hậu theo sau.

Thầy hai Tịnh thấy bà chủ hãng thì lật đật đứng dậy tiếp chào, mấy thầy làm việc trong hãng cũng đứng dậy hết thảy.

Cô Hòa không thấy chồng, thì hỏi thầy hai Tịnh:

–          Nhà tôi đâu, thầy Hai?

–          Ông chủ đương coi thơ trong phòng. Mời bà đi thẳng vô trong.

Cô Hòa đi lại cái cửa gió, đưa tay xô cánh cửa mà dòm vô phòng, thì thấy Thuần mặc áo sơ mi đương ngồi tại bàn viết mà ký tên. Có cô Như thơ ký đánh máy đứng một bên. Cô Hòa đứng khựng lại và châu mày, không bước vô.

Thuần ngước mắt lên ngó thấy vợ thì cười và hỏi:

–          Mình có rước cô Vân hay không?

Cô Hòa đáp:

–          Có chớ. Tôi dắt chỉ[6] lại thăm mình đây.

Thuần nghe nói như vậy thì buông cây viết, đưa giấy tờ cho cô Như, rồi đứng dậy bước lại cửa phòng mà tiếp khách. Cô Như cúi đầu chào cô Hòa và cô Vân rồi cầm giấy tờ đi ra ngoài. Thuần chào cô Vân và mời vô phòng, lăng xăng nhắc ghế cho vợ và cho cô Vân ngồi trước bàn viết, rồi nói với cô Vân:

–          Cô lâu lên chơi quá, nhà tôi nhắc cô hoài. Bà ở dưới nhà mạnh?

–          Cám ơn anh. Má em mạnh. Ðã hai năm nay em không có đi Sài Gòn.

–          Tôi nhớ lúc cô thi đậu, cô ra trường ở chơi với nhà tôi một bữa, rồi từ ấy đến nay tôi không có gặp cô nữa, phải không?

–          Thưa phải. Từ ngày em thi đậu rồi về tới nay em không có lên trên nầy nữa.

–          Dữ hông! Dưới Tân an lên đây là bao xa, sao không lên chơi. Cô ở dưới ruộng thét rồi thành gái nhà quê cho mà coi.

–          Phận em có hai mẹ con mà thôi. Nếu em đi chơi thì má em ở nhà tiu hiu một mình, sợ má em buồn, vì vậy em không muốn đi đâu hết. Còn em mời má em đi chơi với em, thì má em nói lên Sài Gòn xe cộ rần rần, má em mệt lắm, nên không chịu đi. Tại như vậy đó, nên em thành gái nhà quê thiệt. Em quê, hễ đi xa em sợ quá, nên em mới gởi thơ trước mà xin chị Hòa ra ga rước dùm em.

Cô Hòa nẫy giờ ngồi lặng thinh, song cô liếc mắt ngó cùng trong phòng nhứt là ngó cái ghế “canapé”[7] để dựa vách tường, chỗ Thuần máng áo. Chừng nghe cô Vân nói tới tên cô, thì cô mới nói:

–          Tôi được thơ của chị nói chị muốn lên ở chơi với tôi ít ngày, thì tôi mừng quá. Chị phải ở chơi với tôi có mau lắm là một tháng, chớ tôi không cho chị về sớm đâu.

Cô Vân cười và đáp:

–          Ở lâu sợ không được. Tôi nói với má tôi chừng năm bữa tôi về.

Chuông điện thoại reo reng reng. Hai cô day lại ngó. Thuần vội lấy ống nói kề vào tai mà nghe rồi nói: “A lô… Phải, đây là hãng Thuần Hòa… Phải…. Tôi… còn tôi hân hạnh mà tiếp chuyện với ai đó? A! Bonjour Thoại… Cám ơn moa mạnh luôn, còn toa?.. Có việc chi vậy? Hội làm gì?… Chừng nào?… Tối nay… tối nay không được, mà tối bữa nào cũng không được hết thảy. Moa bận việc lắm, không thể đi hội gì được hết… Phải, moa làm việc cho tới ban đêm nữa… Anh em ai muốn nói thế nào moa cũng chịu hết… Thây kệ… Moa không cần… Au revoir”.

Thuần buông ống nói mà như có sắc giận. Thình lình nghe phía ngoài có kèn thổi te te. Thuần hỏi vợ, mới hay có con ở ngoài thì cười, rồi đứng dậy nói với vợ:

–          Thôi, mình rước cô Vân về trong nhà đặng cô nghỉ, cô đi xe lửa đã mệt rồi.

Cô Vân nói:

–          Em muốn đi xem hãng của anh một chút, anh cho phép hay không?

Thuần đáp:

–          Ðược lắm, được lắm, để tôi dắt đi.

Thuần bèn dắt hai cô ra phòng làm việc giấy, thấy con xẩm bồng bé Hậu đương đứng coi cô Như đánh máy, thì bươm bả bước lại ôm con mà hôn, rồi bồng luôn con mà đi với hai cô. Dắt coi những xe hơi mới để đầy ba căn, rồi dắt qua coi chỗ bán đồ phụ tùng, đi đến đâu cô Vân cũng đều thấy cách sắp đặt có thứ tự, nên cô trầm trồ khen ngợi không ngớt. Thuần mở cửa sau chỉ cho hai cô thấy cái xưởng sửa xe đương rần rộ, mà không chịu dắt xuống đó, vì nghĩ chỗ ấy dầu mỡ bụi bặm, sợ hai cô xuống đó dơ áo dơ quần.

Ði coi cùng hết rồi Thuần mới đưa hai cô ra xe. Cô Hòa nói:

–          Gần 12 giờ rồi thôi thì mình về luôn mà ăn cơm, chớ còn ở lại hay sao?

Thuần coi đồng hồ tay, thấy đã 11 giờ 45 thì gật đầu đáp với vợ: “Ừ, thôi, để tôi về luôn thể. Mình chờ tôi vô lấy áo dặn thầy hai một chút rồi tôi về với”.

Thuần để bé Hậu lên xe, rồi trở vô hãng. Cách một lát Thuần trở ra vừa đi vừa bận áo. Thuần bảo con xẩm kéo ghế trong mà ngồi. Thuần bước lên cầm tay bánh để bé Hậu ngồi một bên, còn sớp-phơ ngồi bên kia, rồi mở máy chạy về Cây Quéo. Lúc xe quanh vô cửa, cô Vân thấy vườn hoa đẹp đẽ, nhà lầu nguy nga, thì cô nói lớn, cố ý cho Thuần ngồi phía trước nghe:

–          Ô! Anh chị sắm chỗ ở xinh đẹp quá! Em không dè chút nào hết. Tốt quá, ban ngày anh đi lo việc thương mại công nghệ, ban đêm về sum họp với vợ nơi cảnh nầy thì vui lắm, hạnh phúc như vầy còn hạnh phúc nào hơn.

Thuần ngừng xe tại cửa trước, ngó vợ mà cười, mở cửa xe cho vợ với cô Vân xuống, dạy sớp-phơ coi đem đồ vô nhà, rồi chạy xe vô nhà xe mà cất.

Bé Hậu vô nhà biểu con xẩm đưa cái kèn rồi thổi te te, bộ đắc ý lắm. Cô Vân ngó vợ chồng Thuần rồi ngó bé Hậu mà cười, trong lòng rất mừng cho người bạn yêu được hưởng gia đình hạnh phúc.

Cô Hòa kêu bồi bếp mà dạy dọn cơm, rồi mời cô Vân đi thẳng lên lầu, nói rằng đã dọn phòng riêng cho khách ở từng trên.

Thuần biểu con xẩm thay đồ cho bé Hậu rồi Thuần đi rửa mặt.

Chừng hai cô trở xuống thì thấy Thuần với Hậu, hai cha con đương hất trái banh lăn qua lăn lại ngoài hàng ba, con la om sòm, cha cười ngả ngớn[8], cảnh coi thuận hòa đầm ấm lắm.

Cơm dọn rồi, bốn người ngồi lại ăn, hai cô ngồi một bên.

Cô Vân cứ ngó Thuần và ngó bé Hậu mà cười hoài lại khen Hậu giống Thuần như một khuôn. Cô Hòa hỏi chồng:

–          Hồi nẫy ngoài hãng có ai kêu dây nói mời mình đi hội gì đó phải không?

–          Ừ, mông-xừ Thoại mời tối nay nhóm tại nhà hàng Cửu Long đặng bàn tính gom hết bạn thanh niên trí thức mà lập một hội ái hữu. Tôi xin kiếu, không dám hội hiệp với mấy bác đó nữa. Mấy bác đó lập hội đặng ăn uống say sưa làm việc tồi bại, chớ phải lập hội đặng lo công ích gì hay ho mà theo.

–          Mình làm trái ý anh em, rồi họ tẩy chay mình chớ.

–          Ô… Từ hồi hôm tôi đã nhứt định tẩy chay họ rồi, mình khỏi lo họ tẩy chay tôi.

–          Tại sao mình nghịch với anh em dữ vậy?

–          Chớ chi hồi hôm có mình đi dự tiệc đám cưới thì mình cũng nghịch như vậy… Khốn nạn, xấu hổ lắm… Thôi đừng có kể thanh niên trí thức gì nữa. Dầu ở xứ Việt Nam, dầu ở bên Tàu, hay là ở bên Tây cũng vậy, những lễ quan hôn tang tế là lễ trọng. Mình đi dự mấy tiệc ấy, thì phải mặc y phục cho trúng lễ, ngồi ăn mình phải giữ lễ cho hẳn hòi, sớt đồ ăn không được lựa miếng ngon, nói chuyện phải lựa lời, không được kêu nói vói. Cách ít năm nay tôi có đi một đám cưới, thấy có một nhóm thể tháo[9]  gia họ đến dự tiệc họ mặc y phục cũng như đi đá banh hay là đánh tennis vậy, chừng ngồi, họ lột áo rồi mặc sơ-mi lòi cánh tay cũng như ngồi ăn theo mấy quán chung quanh chợ. Hồi hôm nầy nhóm thanh niên trí thức dự tiệc đám cưới họ mặc y phục trúng lễ, song chừng ngồi ăn họ lột khăn đen rồi dùng đựng đồ mà ăn, họ vật lộn rách cả áo dài, rồi chừng khiêu vũ họ mặc áo bà ba mà nhảy. Ðó, tấn bộ văn minh là vậy đó!… Tôi ngán quá… Thôi, tôi làm dã man cho khỏi hổ. Từ rày tôi cứ lo làm ăn, có rảnh thì tôi vui chơi với vợ con mà thôi, tôi không dám bè bạn với ai hết.

Cô Vân cười mà nói :

–          Anh lập tâm như vậy thì chị Hòa và cháu Hậu hữu hạnh, còn xã hội thì vô phước lắm.

Thuần suy nghĩ một chút rồi đáp:

–          Sanh nhằm đời hỗn độn, nếu ai lo giữ thân danh của mình cho vẹn toàn, thì người ấy là thượng trí.

Ăn cơm rồi Thuần lên lầu nghỉ trưa. Hai cô vào phòng khách đàn bà nằm nói chuyện. Gần ba giờ Thuần thức dậy tắm gội rồi thay đồ mà đi ra hãng.

 


[1] chải

[2] (siffler), kèn xe lửa

[3] lớn đại

[4] bằng trung học theo chương trình cũ của Pháp

[5] anh ấy

[6] chị ấy

[7]  trường kỷ

[8] ngả nghiêng, lả lơi

[9] thể thao


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.