Ðoạn tình
Chương 7
Ăn cơm tối rồi, mặt trăng lên đã cao, rọi những lượn sóng ngoài biển sáng loà.
Thuần mời mấy cô xuống bãi đi chơi. Cô Quý sợ lạnh, cô Hòa than mỏi chân, nên không chịu đi. Thuần bèn kêu bồi biểu nhắc ghế để ngoài trước sân đặng mấy cô hứng gió ngó trăng, nhìn trời xem nước. Cô Quý nằm trên cái ghế bố để phía trong. Còn Thuần với cô Hòa và cô Vân ngồi phía ngoài. Gió thổi hiu hiu, trăng soi vằng vặc, cảnh mát mẻ nầy làm cho mọi người thơ thới[1] trong lòng.
Cô Hòa vụt hỏi chồng:
– Hồi chiều mình nói ông Ðốc tơ Huỳnh cậy mình làm mai. Vậy chớ ông nói sao đâu mình thuật lại nghe thử coi.
Cô Vân vỗ vai cô Hòa mà nói:
– Thôi mà! Thuật chuyện đó làm chi. Chuyện không đáng nghe, nên anh Thuần không muốn nói lại, chị không thấy hay sao?
Thuần chúm chím cười mà nói:
– Không. Chuyện cũng đáng nghe lắm chớ. Mà dầu không đáng nghe tôi cũng phải nói, bởi vì ông Huỳnh cậy tôi nên tôi không nói không được.
Cô Hòa muốn nghe, nên hỏi riết tới:
– Ổng cậy sao, mình nói phứt cho tôi nghe một chút. Không lẽ ổng mới gặp chị Vân rồi ổng cậy làm mai liền.
– Ban đầu ổng khen cô Vân có nhan sắc mà thêm khôn ngoan, rồi ổng hỏi tại sao cô Vân coi bộ trộng tuổi mà chưa có chồng. Tôi tỏ thiệt cuộc căn duyên lỡ dở của cô Vân cho ổng nghe. Ổng hỏi tôi vậy chớ bác ở dưới giàu lắm hay sao nên dám bao cho rể qua Tây mà học. Tình thiệt tôi tỏ thiệt, tôi nói tôi nghe bác giàu, song tôi không hiểu bác giàu đến bực nào.
– Ổng tính đoạt của người ta hay sao, nên hỏi người ta giàu bực nào?
– Ổng suy nghĩ một chút rồi ổng nói vợ ổng chết đã lâu rồi. Ổng muốn chắp nối, song mấy năm nay chưa thấy ai vừa con mắt. Nay gặp cô Vân, ổng nghe chuyện của cô ổng cảm, nên muốn cưới cô, song không biết cô ưng hay không. Ổng cậy tôi hỏi chuyện thứ nhứt là dọ dùm coi Bác dưới nhà đứng bộ được bao nhiêu ruộng đất, thứ nhì dọ ý cô Vân coi như ổng xin cưới, cô Vân ưng hay không.
Cô Quý nghe như vậy thì cô cười lớn:
– Ổng cậy dượng hai việc, mà cậy có ngần lắm. Phải dọ coi ruộng đất nhiều hay ít đã. Như ít thì thôi, còn như nhiều thì sẽ dọ thêm ý cô Vân coi cổ ưng hay không. Sao dượng lại nói luôn hai khoản một lượt?
Cô Hòa giận nên la lớn:
– Thằng điếm!
Cô Vân can cô Hòa:
– Xin chị đừng có giận. Người ta hỏi đàng hoàng, mình phải trả lời đàng hoàng. Người ta muốn biết mình sợ gì mà giấu. Em xin anh Thuần như có gặp ông Ðốc tơ Huỳnh, thì anh làm ơn trả lời từ khoảng cho rành rẽ. Về khoản thứ nhứt, thì anh nói má em đứng bộ trên 5 trăm mẫu ruộng, ruộng ở trong tỉnh Tân An hết thảy, ruộng thượng hạng với hạng nhứt, chớ không phải ruộng Tháp Mười. Huê lợi mỗi năm má em góp trên 20 ngàn giạ lúa. Em là con một, nên ruộng đất ấy ngày sau sẽ về em hưởng hết. Còn về khoản thứ nhì, thì anh nói em cám ơn ổng có tình chiếu cố, song em không thể ưng ổng được. Em không ưng là tại em nhứt định không lấy chồng, chớ không phải em dám chê ổng. Em xin anh nói lại với ổng cho đàng hoàng rành rẽ như vậy.
Cô Quý nói:
– Dượng ba nói lại như vậy, tôi sợ ông Huỳnh nghe rồi ổng mang bịnh ho lao. Mà ông la thì ông chịu, chớ ổng cậy dọ giùm, bây giờ dượng không tỏ cho ổng biết sao được.
Thuần chau mày nói:
– Tôi xin cô Vân đừng phiền, cô phải suy nghĩ lại, chẳng nên trả lời gấp về khoản thứ nhì.
Cô Vân cười mà đáp:
– Tại sao mà anh khuyên em phải suy nghĩ? Người có cái óc tham tiền đê tiện như vậy, dầu em muốn lấy làm chồng đi nữa, em cũng không thể ưng được, cần gì phải suy nghĩ.
– Ông Huỳnh ham tiền thật. Mà đời nay ai cũng ham tiền, chớ có phải một mình ổng đâu. Những lời ông Huỳnh nói thì nghe thô bỉ thật, nhưng mà trong chỗ thô bỉ ấy nó có cái ý can đảm, lại có cái nét thành thật. Người ta cũng ham tiền như ông Huỳnh, song người ta nhút nhát, sợ thiên hạ chê cười, nên phải giả dối, làm mặt quân tử đặng che đậy cái óc tiểu nhân. Ông Huỳnh cứng cỏi, không sợ ai chê cười, không chịu giả dối, ổng nói ngay ra, nếu cô có nhiều ruộng thì ổng sẽ xin cưới, cái thái độ của ổng như vậy không phải hơn người ta hay sao?
– Anh là trạng sư hay dữ! Sao hồi trước anh không học luật khoa, lại học nghề bác vật làm chi?
– Không phải tôi bào chữa cho ông Huỳnh, tôi lấy tâm lý mà luận nhân tình chớ. Cô phải suy nghĩ lại.
– Em nhứt định rồi, khỏi suy nghĩ nữa.
– Nếu cô chê ông Huỳnh về khoản nào khác thì tôi không dám cãi. Còn nếu cô chê ổng tham tiền thì tôi không chịu. Tôi đã có nói đời nầy ai cũng tham tiền hết thẩy, mà ai cũng cưới vợ được hết, có ai bị đàn bà con gái chê nên cưới vợ không được, phải chịu phận cô thân trọn đời đâu. Sanh đời nào phải ở theo đời nấy. Những phụ nữ đời nay ai cũng có chồng tham tiền hết thảy, có ai chê ai được mà cô phải ái ngại.
– Chị Hòa cũng mắc chồng tham tiền nữa hay sao?
– Phải. Ðời nầy là đời kim tiền, ai cũng mắc chứng bịnh tham tiền hết thảy, nhà tôi lấy chồng thì làm sao mà chạy khỏi người chồng tham tiền được.
– Trời ơi! Anh Thuần là người tham tiền, vậy mà mấy năm nay tôi có dè đâu!
– Tôi cũng tham tiền như họ vậy, song tôi tham theo cách của tôi.
– Em không ưa cái cách tham tiền của ông Huỳnh. Em cho phép anh lập y lời nói của em lại cho ổng nghe.
– Việc trăm năm của cô thì tự ý cô quyết định. Tôi luận nhân tình thế thái mà chơi đó thôi, chớ tôi đâu dám ép cô. Song tôi khuyên cô phải suy nghĩ, trong ít bữa, hoặc phải dọ tánh tình ông Huỳnh cho kỹ rồi sẽ quyết định. Chuyện nầy không gấp gì.
Cô Vân lặng thinh, không cãi nữa.
Cô Hòa nói:
– Nhà tôi nói phải lắm. Chị Vân phải suy nghĩ lại.
Cô Vân liền đứng dậy vừa cười vừa nói:
– Ngộ quá! Em lên thăm chơi, bây giờ anh chị muốn bắt em mà gả hay sao?
Ai nấy đều tức cười.
Thuần đốt một điếu thuốc mà hút, rồi thủng thẳng đi một mình xuống bãi biển. Ba cô nói chuyện chơi một hồi nữa rồi cô Hòa với cô Quý than buồn ngủ nên rủ nhau đi ngủ. Thuần đi qua đi lại dưới bãi mấy vòng rồi trở lên nhà thấy có một mình cô Vân nằm trên cái ghế bố thì hỏi:
– Chị hai với nhà tôi đi đâu rồi?
– Hai chị buồn ngủ nên đi ngủ nãy giờ.
– Ngủ sớm quá. Gió mát trăng tỏ, cảnh như vầy phải thức mà hưởng, sao lại ngủ đi.
– Chị Hai trong mình không được mạnh giỏi, còn chị Hòa có bầu tự nhiên mệt mỏi, nên buồn ngủ sớm.
Thuần vô nhà rót nước uống, rồi trở ra kéo ghế ngồi ngay trước mặt cô Vân mà nói:
– Hễ lên Ðà Lạt thì ban đêm tôi ngủ sớm lắm, ăn cơm tối rồi đi ra đi vô một lát thì tôi ngủ liền. Còn hễ ra Long Hải hoặc Nha Trang mà hứng gió biển, nếu gặp đêm có trăng thì tôi thức hoài, không biết buồn ngủ.
– Tại anh thích thanh phong minh nguyệt, gặp cảnh như vậy anh sanh cảm trong lòng, nên không buồn ngủ chớ gì.
– Có lẽ… Thấy gió mát trăng trong, rồi trong lòng thơ thái vui vẻ, quên hết các chuyện lo lắng ở đời.
– Em cũng vậy, tánh em cũng ưa trăng lắm. Ở dưới nhà em, trong mấy đêm trăng tỏ, em nhắc ghế nằm ngoài sân mà chơi đến khuya em mới vô.
– Cô ở dưới ruộng với bác, không có chị em đặng nói chuyện chơi, chắc cô buồn lắm hả?
– Phải. Nhiều khi em ngụ được một ý gì lạ, mà không có người cho em bày tỏ, thì em buồn thiệt. Anh biết em buồn rồi em làm sao không?
– Không.
– Em buồn rồi em học đờn, em tập vẽ, em tập làm thi em chơi. Ðêm khuya thanh vắng một mình, nằm mà đờn vài bài, tiếng đờn to nhỏ, rỉ rả, nó dắt tâm hồn mình lên trên mây xanh, hoặc chơi vơi vào chốn non cao nước biếc, làm cho lòng mình thanh nhàn an ổn không biết chừng nào. Mình thấy một cảnh đẹp làm cho mình sanh cảm, mình muốn lưu cái cảnh ấy trong trí, thì mình họa nó ra trên giấy rồi lúc buồn mình lấy ra mà ngắm, làm như vậy cũng đủ cho mình thơ thái hết buồn. Mình thấy một việc gì nó làm cho mình cảm xúc trong lòng, mình tả ra thành một bài thi để ngâm nga chơi, thiệt là thú lắm. Nhờ em làm như vậy nên em ít buồn.
– Tâm hồn mỹ thuật!
– Anh là người ham làm ăn, nghĩa là người ưa thực hành, anh thấy tâm hồn mơ mộng của em như vậy chắc anh ghét lắm hả?
– Không. Mọi người đều có ý trí riêng, mà ý trí của cô là ý trí cao thượng, tôi nghe tôi kính phục lắm chớ. Tôi thấy có nhiều người họ có cái tâm hồn mỹ thuật mà vì nghèo nên phải đi làm cực xác đặng có tiền mà nuôi sự sống hàng ngày. Song ban đêm rảnh rang, họ còn lọ mọ thức mà đờn, hoặc vẽ, hoặc viết văn chơi cho thoả thích ý nguyện. Cô đã có giờ rảnh, lại khỏi lo nuôi sự sống, nếu cô trao dồi mỹ thuật, thì sự chơi của cô thanh nhã và hữu ích quá. Tôi rất tiếc phụ nữ trong xứ mình họ không chịu chơi như cô vậy, họ cứ đánh bài, hoặc cá ngựa, hoặc khiêu vũ, hoặc ngồi nhà hàng, họ làm cho chồng phải buồn, mà có nhiều khi còn làm cho gia đình nghiêng ngả nữa.
– Nếu họ không chơi như em thì có lẽ tại cha mẹ hoặc tại chồng họ không muốn cho họ chơi cách đó.
– Không phải cha mẹ hay là chồng muốn được. Sự ưa thích của người ta dễ gì mà ép uổng được đâu cô.
– Hay là tại gia đình giáo dục?
– Phải. Trí ý ta ngày nay sa ngã vào những chỗ chơi đê tiện, ấy là tại thiếu gia đình giáo dục. Con người hồi nhỏ không ai tập luyện giùm tánh tình cho cao thượng, để lớn rồi làm sao mà tập luyện cho được.
– Nếu vậy trong nước mình cần phải lập nhiều trường để luyện tập con gái cho có tánh tình cao thượng, cho biết tôn trọng gia đình, cho biết đường phải mà đi, đường quấy mà tránh mới được.
– Tôi ao ước sự ấy lắm. Con gái của mình phải vào những nhà trường ấy mà rèn tập trí não, thì ngày sau có chồng mới có thể xây đắp nền hạnh phúc cho gia đình được. Mà ai xướng lên lập nhà trường ấy bây giờ…? Phải người có chí và có tiền thì mới làm được…
Cô Vân nằm lặng thinh, trong trí suy nghĩ.
Thuần đứng dậy, đi qua đi lại một hồi rồi nói tiếp:
– Chớ chi cô lấy chồng, thì có lẽ cô làm sự ấy được?
– Tại sao em phải lấy chồng em mới làm được?
– Lập nhà trường như vậy phải lập ở Sài Gòn. Cô không có chồng thì cô phải ở dưới Kỳ Sơn, làm sao mà lập được.
– Lời anh nói đó em sợ sai lầm. Hễ em có chồng thì mất quyền tự do, có thể nào em làm theo ý em muốn được. Có chồng thì phải được người chồng đồng tâm đồng chí kia. Mà bao giờ có chồng được như vậy mà mong. Em có tiền, hễ em lấy chồng thì chồng em nó buộc em phải để tiền cho nó xài, chớ nó có chịu cho em làm việc công ích mà nó không được hưởng đâu.
Thuần chau mày, trong trí công nhận lời nói của cô Vân là chánh đáng, nên không phản đối được.
Cô Vân nói tiếp:
– Anh biểu chị Hòa xướng ra làm đi.
Thuần rùn vai, trề môi, mà đáp:
– Không có cái chí như vậy thì làm sao được.
Thuần buồn hiu, không nói chuyện nữa, cứ cúi mặt xuống đất đi qua đi lại hoài. Cô Vân bị cái vấn đề khó khăn ấy nó làm cho trí cô phải nghĩ ngợi, nên cô cũng hết vui. Cô nằm lặng thinh mà ngó trăng một hồi rồi đi vô nhà mà ngủ.
Thuần cứ thơ thẩn trước sân, đến 2 giờ khuya rồi mới chịu dẹp ghế đóng cửa mà nghỉ.
Sáng bữa sau ba cô ngồi xe hơi đi qua Phước Hải kiếm cá ngon mà mua. Thuần xuống bãi biển thơ thẩn một mình, hễ nhớ tới những câu chuyện nói với cô Vân hồi hôm qua thì thở dài rồi đứng ngó mông ra ngoài khơi, miệng chúm chím cười, miệng cười mà cặp mắt có cái vẻ buồn lo tỏ rõ. Chừng ba cô về, Thuần cũng không chịu trở vô nhà mát, dường như muốn xa lánh mọi người đặng trí thong thả mà nghĩ ngợi việc riêng.
Ðến trưa sớp-phơ phải đi kiếm Thuần mời về dùng cơm, Thuần mới chịu về. Mà bữa nay Thuần trầm tĩnh, ít nói ít cười, chớ không phải hớn hở sốt sắng như mấy ngày trước. Cô Hòa vô ý, nên không thấy sự thay đổi thái độ của chồng, còn cô Vân là người có tánh ưa quan sát tự nhiên bởi vậy ngồi ăn cơm thì cô liền thấy tâm hồn của Thuần đã khác, nên cô cứ liếc ngó Thuần, ý muốn hiểu thấu chỗ kín đáo của tâm hồn ấy. Mà Thuần vẫn giữ cử chỉ trầm tĩnh chẳng bao giờ ngó cô Vân, ăn cơm rồi kiếm thế đứng ngồi riêng một mình, làm cho cô Vân thất vọng, vì không hiểu sự buồn lo của Thuần ở chỗ nào.
Buổi chiều Thuần cũng dắt mấy cô ra bãi biển đi chơ như bữa trước. Gặp ông Huỳnh, Thuần liền tách ra mà đi nói chuyện với ông. Mấy cô không hiểu hai người nói chuyện gì, mà nói đến tối hai người mới phân rẽ.
Ngày sau không thấy mặt ông Huỳnh nữa. Thuần ở chơi tới bữa thứ tư rồi mới trở về Sài Gòn với vợ con và cô Vân.
[1] khoan khoái, không bận rộn
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.