Tơ hồng vương vấn
Chương 4
Học dứt Mạnh Tử thượng quyển rồi thì mới mùng 10 tháng chạp, ông Giáo Huân nói phải học rút hết trung quyển cho mau, đặng nghỉ ăn tết. Mùng 8 tháng giêng học hạ quyển cho rồi trước khi Vĩnh Xuân xuống Gò Công tựu trường. Kể từ đây ông dạy mỗi bữa tới sáu bảy tờ sách.Vĩnh Xuân với Cúc Hương mắc học nhiều quá, nên buổi trưa phải lo học, không thể nói minh mông nữa được.
Một buổi sớm mơi, Vĩnh Xuân ôm sách vô trường, cậu vừa ngồi thì Cúc Hương hớn hở ngó cậu, vừa cười, vừa nói: „Hồi hôm ông Tơ về mách bảo cho em rồi anh Xuân à“.
Vĩnh Xuân nghe như vậy thì chưng hửng, nên nghiêm nét mặt mà hỏi:
– Ông mách bảo sao đó?.
– Ông nói ngộ lắm. Để trưa nghỉ học rồi em sẽ nói cho anh nghe.
Đến trưa ông Giáo đi nghỉ, học trò đi chơi, Cúc Hương liền lại đứng tại đầu bàn cho gần Vĩnh Xuân mà nói:
– Hồi hôm ông Tơ hiện về nói anh chánh là duyên nợ của em. Em nghi trúng quá. Tại anh em mình có duyên nợ với Nhau, nên gặp nhau mới thương yêu nhau liền đó chớ.
– Ông Tơ nào ở đâu mà nói kỳ vậy ?
– Em nói thiệt chớ không phải nói chơi đâu. Em nghe lời anh dạy hôm nọ, hổm nay hễ tối đi ngủ thì em khấn vái, xin ông Tơ, bà Nguyệt, làm phước chỉ giùm căn duyên của em cho em biết trước đặng em khỏi lầm. Hồi hôm nầy, lúc nửa đêm, tư bề im lìm, em nằm mơ màng, bỗng.thấy một ông già tóc râu đều bạc trắng, đầu bịt khăn đỏ, mình mặc áo xanh, tay cầm quạt lông trắng, ông đứng trên đầu giường em, ông kêu em mà nói như vầy: „Cúc Hương, lão đây là ông Tơ, vâng lịnh Thiên Đình, cầm sổ xuống trần gian coi trai nào có duyên nợ với gái nào, thì lấy chỉ điều buộc chưn để thành vợ chồng với nhau. Lão thấy nàng thành tâm khấn vái lão với Nguyệt Bà, nên lão làm ơn mách bảo cho nàng biết: Phan Vĩnh Xuân là lương duyên của nàng. Sổ Nam Tào có biên rõ ràng. Vậy chẳng nên thấy Vĩnh Xuân nghèo mà chê, để ưng người khác giàu có mà trái mạng trời. Em mừng quá, em chờn vờn ngồi dậy, tính cám ơn ông, rồi hỏi thăm đời của vợ chồng mình sau; té ra em vừa mở mắt thì ông Tơ đã biến mất. Em đổ mồ hôi ướt áo. Em mò lấy hộp quẹt mà đốt đèn, rồi ngồi tiếc không kịp hỏi coi anh em mình thành vợ chồng mà ngày sau được hiển đạt hay không, có được mấy đứa con và sống được bao nhiêu tuổi mới chết.
Vĩnh Xuân để cho Cúc Hương nói, cậu cứ ngó cô mà cười. Chừng cô nói dứt rồi, cậu mới trề môi mà nói:
– Tục truyền về chuyện ông Tơ, bà Nguyệt, nhưng thuở nay có ai được thấy ông Tơ, bà Nguyệt hồi nào đâu. Hôm trước qua nói chơi với em, qua biểu em nếu muốn biết duyên nợ thì phải vái ông Tơ, bà Nguyệt mà hỏi, chớ người phàm làm sao mà biết được. Qua giễu chơi mà em tưởng thiệt. Em lại tin tưởng thái quá, nên em ngủ rồi trí em thấy ông Tơ về nói như vậy chớ đâu có ông Tơ thiệt mà em tin. Tại em mơ tưởng quá nên em ngủ rồi chiêm bao. Người ta nói: mộng là mị. Đó là chuyện dị đoan. Môn đệ của Khổng Mạnh làm nhân nghĩa, chớ không được phép tin mộng mị.
– Em thấy hình dạng, em nghe tiếng nói rõ ràng; thiệt ông Tơ về mách bảo cho em, chớ không phải mộng mị đâu anh. Em tin chắc anh em mình có duyên nợ với nhau. Anh kiếm chuyện mà cãi thế nào anh cũng không phá tan đức tin của em được. Ông Tơ đã cho em biết rồi, ông nói có ghi trong sổ Nam Tào rõ ràng, em là vợ của anh, anh là chồng của em. Em không được ham giàu, ham sang, chê Phan Vĩnh Xuân nghèo mà ưng người khác. Em không dám trái mạng Trời. Em chí quyết em là vợ Phan Vĩnh Xuân, thà em chết, chớ em không xứng làm vợ người nào khác.
Vĩnh Xuân châu mày, day qua ngó mấy trò gái đương đánh đũa chơi ngoài thềm.
Cúc Hương lấy làm lạ mà thấy Vĩnh Xuân hay ông Tơ mách bảo duyên nợ trăm năm, cậu không mừng như cô, mà cậu lại lộ sắc buồn lo. Cô ngó cậu với cặp mắt thương yêu, quyến luyến, thấy cậu ngó sắp nhỏ đánh đũa, rồi dở quyển sách ra xem, không chịu nói gì hết. Cô bước lại ngồi một bên cậu, để một bàn tay lên vai cậu mà hỏi: “Tại sao biết được duyên nợ rồi anh lại buồn ? Anh nghĩ em không đáng làm người bạn trăm năm của anh hay sao? Xin anh nói cho em biết, đừng ngại chi hết”.
Vĩnh Xuân lắc đầu, day lại ngó Cúc Hương mà đáp:
– Qua có phước lớn lắm mới, có được một người bạn trăm năm như em. Lẽ thì qua mừng lắm, chớ sao lại chê em không xứng đáng. Được nghe ông Tơ mách bảo, rồi lại được thấy tình em nồng nàn mà qua không mừng, ấy là vì qua nhận thấy duyên nợ của đôi ta có nhiều chông gai, ân tình của đôi ta có nhiều trắc trở, dầu thiệt có dây tơ hồng buộc chưn nhau đi nữa, qua sợ không phải dễ phối hiệp cùng nhau được đâu em. Qua thấy khó lắm.
– Có gì đâu nhà khó: Mình đã biết có duyên nợ với nhau rồi. Mình còn nhỏ, nên yêu nhau thì để bụng. Anh lo học thêm ít năm nữa, trong lúc ấy em tập buôn bán. Hễ anh học xong rồi thì anh cưới em. Miễn anh với em quyết chí phối hiệp cùng nhau, vững lòng chờ đợi nhau, đường mình đi nếu gặp gai gốc thì mình nhổ bỏ, gặp trắc trở thì mình lướt xông. Mình cứ tin tưởng lời dặn của ông Tơ, mình quyết làm vợ chồng cho khỏi trái thiên mạng, thì không có khó gì hết.
– Qua thấy khó chỗ nầy: Phận qua côi cúc lại nhà nghèo. Má qua bán bánh trái mỗi bữa kiếm lời mua gạo mà ăn. Hai năm nay qua xuống Gò Công mà học được là nhờ có học bổng của nhà nước cấp cho qua, lại cũng nhờ cậu Ba, mợ Ba qua nuôi cơm không lấy tiền tháng. Qua nghèo ai cũng biết, đến thầy dạy qua đây cũng miễn tiền học cho qua. Còn phận em là con nhà giàu, có ruộng vườn, có tiền bạc. Nếu qua cậy mai nói mà xin cưới em, thì có thế nào tía má em chịu gả em cho qua đâu. Ai cũng vậy, nhà giàu có con tự nhiên lựa nhà giàu mà làm sui cho con sung sướng tấm thân. Phận qua nghèo nàn, sống trong hai căn nhà lá lúm túm, dột nát, má qua phải cực khổ mới có cơm mà ăn, có lý nào tía má em đành gả em vào nhà bần hàn, vất vả như vậy.
– Anh nghèo mà anh học giỏi.
– Học giỏi có giá trị về phương diện tinh thần, còn đối với đời sống thực tế có quí gì đâu em. Huống chi học lực của qua có cao bao nhiêu mà em gọi là học giỏi. Về nho học thì chỉ biết nghĩa lý bộ Tứ Thơ mà thôi, ví như qua vừa mới để chưn lên mé rừng nho, chớ chưa thấy trong rừng có những cây gì quí giá. Đã vậy mà nho học bây giờ đã vô dụng rồi, dầu học giỏi lại ích gì ?
– Sao lại vô dụng ? Thế cuộc biến chuyển, chớ đạo nhân nghĩa của Khổng Mạnh làm sao bỏ được mà anh gọi là vô dụng ?
– Đời xưa người ta nói: Chứa tiền đầy nhà, sắm ruộng muôn sở, không bằng học thuộc một kinh của đạo Thánh. Đời nay người ta nói: có tiền đựng đầy rương quí hơn là có sách chứa đầy tủ. Người ta kể bạc tiền, chớ có kể nhân nghĩa gì nữa đâu em.
– Anh đã có nho học, mà bây giờ anh còn có thêm tây học nữa, thế thì anh quí lắm, ai mà dám chê anh.
– Quí nỗi gì thứ học đặng làm tay sai cho người ta! Qua theo tây học, người ta chê qua là vong bổn, là phản quốc chớ.
– Nếu học thứ gì cũng bị người ta chê hết, thôi thì dắt nhau trốn lên rừng, lên núi mà ở, rồi trồng khoai, trồng bắp mà ăn, sống chung với thiên hạ làm gì nữa. Tại anh có tánh bi quan, anh dòm chỗ nào cũng tối đen, anh xem thứ gì cũng mục nát, rồi anh chán nản, nên anh mới nói như vậy. Chớ nếu anh học chữ Tây cho giỏi, anh thi đậu làm thầy thông, thầy ký, làm thầy giáo, ông phán, anh sẽ vinh hiển cao sang, rồi bực Bá Hộ hoặc Thiên Hộ cũng giành nhau mà gả con cho anh, anh lo gì tía má em chê anh nghèo khổ nữa.
– Biết qua có học cho tới bực đó hay không ?.
– Tới. Em chắc tới. Em muốn anh phải học cho tới đó.
– Còn lâu lắm. Em chờ qua được hay sao?
– Sao lại không được. Chờ đến bao lâu em cũng chờ. Anh cứ bền chí mà học đi, đừng thèm buồn lo chi hết. Em hứa chắc với anh: Vì có lời ông Tơ mách bảo, nên em là Lý thị Tư, biệt hiệu Cúc Hương, em thề quyết kiếp nầy em làm vợ Phan Vĩnh Xuân mà thôi, thà chết chớ không thế nào em ưng làm vợ người khác.
Vĩnh Xuân vội vã nắm tay Cúc Hương, cặp mắt ngó ngay vào mặt cô, rưng rưng nước mắt mà nói: “Qua cám ơn em. Được em thương tưởng, qua sẽ phấn chí mà đi học đến mức. Qua cũng yêu em lắm. Vì thấy có chỗ bần phú bất đồng, nên hổm nay qua ái ngại, qua không dám thố lộ nỗi lòng của qua cho em biết, mà qua còn muốn tránh xa em nữa, thà trước chịu buồn xa nhau, đặng sau khỏi tiếng nhơ, lại còn bị đau khổ với nhau nữa. Nay đôi ta đây biết bụng nhau rồi. Em đã hứa chờ qua, thì qua cũng hứa không phụ tình em. Nhưng qua khuyên em điều nầy: tuy đôi ta kết tình và hứa hẹn cùng nhau, song chúng ta phải dè đặt, đừng biểu lộ ý tứ cho người ta biết mà bị chê cười, cũng đừng dan díu, lả lơi, rủi sa tội lỗi mà mang nhơ nhuốc”.
Cúc Hương gặt đầu nói: “Em sẽ vâng theo ý anh. Em sẽ làm theo lời anh dạy. Đôi ta yêu nhau theo cái yêu thanh bạch, chớ không phải yêu nhảm nhí. Đôi ta phải sùng bái ái tình của chúng ta, chớ không được làm cho nó trở nên thấp hèn. Chúng ta giữ nó cho cao thượng, khác hơn ái tình của đám tục tử phàm phu hết thảy.
Vĩnh Xuân cười rồi biểu Cúc Hương trở về chỗ cô đặng ngồi cắt nghĩa sách cho cô dò.
Bộ cách Mạnh Tử tình cờ gây cuộc tình duyên nầy, thầy Mạnh Tử không dè thì đã đành, mà ông Giáo Huân cũng không để ý chút nào hết.
Đến 22 tháng chạp, ông Giáo dạy hết quyển thứ nhì của bộ Mạnh Tử. Ông nói ngày mai sẽ đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, vậy ông cho học trò lớn nhỏ đều nghỉ ăn Tết, rồi mùng 8 tháng giêng, hạ nêu rồi sẽ ráp học lại. Ông hứa với Vĩnh Xuân ra giêng ông sẽ ráng dạy quyển chót của bộ Mạnh Tử cho dứt trước khi Vĩnh Xuân đi học chữ Tây lại.
Tuy bà Hương Văn Thanh nghèo, song ngày Tết bà cũng mua vài phong bánh in với một gói trà cho Vĩnh Xuân đi tết ông Giáo Huân.
Mùng 8 tháng giêng khai trường dạy lại. Số học trò cũ thiếu hết ba trò, nhưng có thêm năm trò mới, bởi vậy so học trò không sụt.
Phân cách nhau trót nửa tháng, trong khoảng ấy tuy có thấy nhau nhiều lần song thấy xa chớ không được nói chuyện với nhau, bởi vậy hôm nay Cúc Hương gặp Vĩnh Xuân mà lại được ngồi đối diện cùng nhau nói nói, cười cười, thì cả hai đều thơi thới vui mừng, nhứt là Cúc Hương lăng xăng thuật việc nầy, hỏi chuyện nọ, nói không ngớt.
Chừng ông Giáo Huân giảng Mạnh Tử hạ quyển cho Cúc Hương và Vĩnh Xuân rồi ông nói: “Vì gần tới ngày Vĩnh Xuân đi học, nên thầy phải dạy rút đặng lối 20 cho rồi hết. Mỗi bữa thầy giảng nhiều. Cúc Hương phải rán mà học nghe hôn con. Có chỗ nào con không hiểu rõ thì hỏi lại thầy hoặc hỏi Xuân cũng được”.
Ông Giáo vô ý nhắc chuyện Vĩnh Xuân gần đi học, ông làm cho Cúc Hương buồn hiu. Thiệt quả trong ít ngày nữa thì hai trẻ không còn cơ hội mà gần gũi với nhau như vầy được.
Chừng ông Giáo đi nghỉ trưa, Cúc Hương mới nói với Vĩnh Xuân:
– Còn lối mười lăm bữa nữa thì anh em mình sẽ xa nhau: anh xuống Gò Công mà học tiếp, còn em về nhà tập buôn bán. Em nhớ tới việc đó em hết vui.
– Tại sao vậy ? Em đã khuyên qua rán học đặng lập thân danh rồi cưới em. Gần đến ngày qua đi học sao em lại hết vui ?
– Em không hiểu tại sao mà em buồn. Chắc là tại em nghĩ đôi ta phải xa nhau.
– Qua đi học, đôi ba tuần qua về thăm má qua một lần. Hễ qua về thì có lẽ sẽ thấy mặt nhau, chớ phải qua đi biệt hay sao mà buồn.
– Thấy mặt chớ nói chuyện gì được.
– Đã hứa hẹn với nhau rồi thôi, còn chuyện gì nữa mà nói.
– Vì yêu nhau, nên xa nhau tự nhiên phải buồn, phải nhớ chớ.
– Phải. Thường tình hễ yêu nhau mà phân rẽ thì nhớ nhau rồi buồn. Nhưng em phải biết ở đời có cực trước rồi sau mới sướng, có buồn thì chừng được vui mới biết giá trị của cái vui. Vậy đôi ta phải rán chịu cái buồn phân ly bây giờ, đặng ngày sau được thưởng thức cái vui sum hiệp.
Cúc Hương suy nghĩ rồi nói cứng cỏi: “Em có đủ nghị lực chịu buồn, đặng để cho anh học mà lập thân. Em xin anh cố gắng, xin anh nhớ sự học tập của anh đó là con đường đưa anh đến cảnh sum hiệp trăm năm“.
Vĩnh Xuân nói: “Qua khuyên em rán ẩn nhẫn mà chừ qua, đừng buồn về sự phân rẽ tạm thời, mà cũng đừng lo cho phận qua ăn học. Bấy lâu nay qua xem sự ăn học là cái phương pháp để giải thoát nghèo khổ. Bây giờ nó lại là phương pháp để thỏa mãn ái tình nữa. Vậy qua sẽ cố gắng bội phần, qua sẽ rán học cho thành công, đặng tạo ra một cảnh đời êm ấm, thanh cao, trước qua trả thảo cho má qua, sau qua đáp tình với em, là người sanh sống giữa đống lúa, bên tủ tiền, mà lại biết quí trọng văn học hơn vàng bạc”.
Được nghe mấy lời ấy, Cúc Hương vui sướng thỏa thích vô cùng, bởi vậy cô đổi buồn làm vui, dở sách ra mà học. Vĩnh Xuân với Cúc Hương tánh nết không giống nhau. Vĩnh Xuân thì ôn hòa, trầm tĩnh, kiên nhẫn, cương quyết, bởi vậy được may mắn, nhưng vui có chừng, còn gặp rủi ro thì cũng buồn, song không buồn quá độ. Còn Cúc Hương thì cô khác hẳn. Cô lẹ làng, nóng nảy, lại đa cảm đa sầu, hễ gặp buồn hay được vui cô liền biểu lộ ra ngoài, không dằn được, không giấu được, hễ đắc chí thì cô cười, hễ trái ý thì cô khóc. Tánh nết thì khác nhau như vậy, nhưng lòng dạ thì hai người giống nhau như một: trọng nhân nghĩa, khinh tiền tài, ưa trong sạch, thẳng ngay, ghét a dua, hống hách.
Vì lòng dạ giống nhau, nên yêu nhau thì phải rồi. Mà dầu tánh nết khác nhau, nếu yêu nhau thì cũng được, bởi vì cô yêu cậu thì cô chiều chuộng, cậu lấy ôn hòa mà chế bớt nóng nảy cho cô, cậu lấy kiên nhẫn mà phá tan chán nản của cô; vợ chồng yêu nhau mà lại biết phân biệt quấy phải, chồng biết cắt nghĩa, vợ biết thuận tùng, chồng nói vợ nghe thì hòa khí có lẽ sẽ vững bền, ân tình có lẽ sẽ chặt chẽ.
Rằm tháng giêng có lễ thượng ngươn, các chùa đều mở cửa cho thiện nam, tín nữ đến lễ bái thánh thần, Trời Phật, tưng bừng.
Vì các trò mới tết thầy hôm tết nguơn đán, nên ông Giáo Huân cấm trước, ông không cho đem lễ vật mà tết thầy nữa.
Trưa bữa đó, ông Giáo đi lên nhà trên mà nghỉ rồi, thì Cúc Hưởng nói nhỏ với Vĩnh Xuân: “Hồi nãy đi học, em đi ngang qua chùa Ông, em thấy chùa mở cửa, người ta vô ra bận rộn. Vát trưa nầy chắc bớt người đến cúng rồi. Em muốn anh dắt em đi lại chùa đặng em vái Ông Quan Đế phò hộ đôi ta, giúp cho em an ổn mà chờ anh, giúp cho anh ăn học tinh tấn, rồi giúp luôn cho hai đứa mình được phối hiệp trăm năm, đừng có điều chi trắc trở”.
Vĩnh Xuân nói: “Hai đứa đi, rủi người ta gặp, sợ họ đàm tiếu chớ”.
Cúc Hương nói: “Để em mượn một trò nhỏ lại chùa coi có ai hay không. Chùa ở một bên đây đi lại đó mình đi ngả trước làn chi mà sợ người ta thấy. Hai anh em mình lén đi ngả sau vườn đây mình băng qua chùa thì êm ru. Để em mượn học trò đi coi trước”.
Cúc Hương bước ra ngoài kêu một trò trai chừng mười hai tuổi mà nói nhỏ rồi trò ấy phát ra đi liền.
Cúc Hương trở vô nói với Vĩnh Xuân;
– Em mượn đi coi rồi. Nếu không có ai thì mình đi ngả sau mà qua chùa. Em muốn thừa dip nầy mình vái rồi thề nguyền với nhau trước mặt ông Quan Đế đặng ông chứng minh lòng dạ của minh.
– Thề mình phải nói làm sao ?
– Mình nói tên họ, rồi thề nguyền dầu thế nào mình cũng không bỏ nhau. Nếu. đứa nào bội ước thì Ông vặn họng cho chết.
– Ghê quá.
– Anh sợ hay sao?
– Sợ giống gì. Qua có tính bội ước đâu mà sợ.
– Nếu anh không tính bội ước thì cứ thề với em. Em không sợ gì hết: Đi đến ông nào bà nào mà thề em cũng dám.
– Em muốn thề thì qua thề cho em tin bụng.
Trò nhỏ sai đi hồi nãy trở về nói chùa Ông mở cửa, nhưng không có ai cúng hết. Ông từ nằm ngủ trưa trong chòi lá nhỏ ở bên chùa.
Cúc Hương móc túi lấy đưa cho trò ấy một đồng xu bản mà thưởng công, rồi thối thúc Vĩnh Xnân theo cô băng vườn đi ngả sau mà qua chùa.
Hai người không thấy ai hết, bèn do cửa hông mà bước vô chùa. Trong chùa im lìm. Hai người ngó vào bàn thờ Ông thì thấy nhang đèn còn cháy, cốt Ông ngồi giữa mặt đỏ, áo xanh, râu đài năm chòm, tướng mạo oai nghiêm lẫm liệt. Bên nây thì cốt Quan Bình ôm chồng sách hầu, gương mặt hiền từ. Còn bên kia thì cốt Châu Thương cầm siêu đứng phò mặt nổi gân đen, râu mọc xồm xàm, bộ tướng dữ tợn.
Hai.người khiếp sợ, nên vội lại đứng mà ngó. Vĩnh Xuân nghĩ làm trai mà nhút nhát thì khó coi, lại đến cung kỉnh mà lễ bái thánh thần, chớ không phải làm điều chi quấy mà sợ. Cậu bèn mạnh dạn bước tới đứng ngay trước bàn thờ Ông xá ba xá, rồi vói lấy hai cây nhang châm vào thếp đèn dầu phọng mà đốt. Nhang cháy rồi, Vĩnh Xuân ngoắc Cúc Hương lại, cậu đưa cho cô một cây, rồi hai người song song đứng trước hương án, hai tay cầm nhang, đưa ngang trán mà vái.
Vĩnh Xuân vái trước: “Tôi là Phan Vĩnh Xuân, 17 tuổi, ước nguyện kết tóc trăm năm với Lý Cúc Hương. Kính cẩn vái Ông ủng hộ cho hôn sự được thành. Tôi thề nếu tôi vong tình bội ước thì bị Ông bẻ cổ chết”.
Cúc Hương tiếp nói: “Tôi là Lý thị Tư, biệt hiệu Cúc Hương, vừa mới được 16 tuổi, tôi ước nguyện kết nghĩa vợ chồng với Phan Vĩnh Xuân. Tôi lạy mà cầu Ông chứng minh lời ước nguyện của tôi, phò hộ cho Vĩnh Xuân mạnh giỏi và ăn học thành công đặng cưới tôi. Nếu tôi bội ước, không chờ Vĩnh Xuân, thì xin Ông vặn họng cho tôi chết”.
Vĩnh Xuân góp hai cây nhang đem cặp trên bàn thờ, rồi cùng với Cúc Hương lạy mỗi người bốn lạy. Vái lạy rồi hai người mới thủng thẳng nhẹ bước lui ra cửa, ngực nhảy thình thịch, mặt còn tái xanh. Chừng về tới vườn ông Giáo rồi, Cúc Hương mới níu Vĩnh Xuân đứng lại mà nói: “Hồi nãy mới bước vô chùa, em thấy cốt Ông em sợ quá. Anh dạn thiệt. May có anh, em với đám vái lạy, chớ một mình em chắc em trở ra liền, em có dám lại đứng trước bàn thờ đâu. Thôi, hôm trước ông Tơ đã định nhơn duyên, bây giờ ông Quan Đế lại làm chứng cho anh em mình kết nghĩa vợ chồng với nhau nữa. Việc đó đã chắc chắn rồi. Không ai làm sao cho rã rời được. Vậy anh cứ an lòng mà ăn học. Dầu phải chờ bao lâu em cũng chờ”.
Đến ngày 21 tháng giêng. Vĩnh Xuân với Cúc Hương chỉ còn nghe thầy giải năm tờ sách chót thì hết bộ Mạnh Tử. Ấy vậy ngày nay là ngày hai trẻ được chung chạ với nhau lần cuối cùng, rồi người đi học phương xa, kẻ ở nhà buôn bán.
Bữa ấy Cúc Hương đi học sớm, lại có đem một gói cuốn tròn ngoài bao giấy trắng và buộc nhợ gai chắc chắn. Chừng Vĩnh Xuân vô tới thì Cúc Hương cười mà nói: “Đôi ta còn gần nhau có một bữa nay mà thôi. Vậy thầy giảng sách rồi thì anh em mình vui chơi với nhau một bữa rồi có phân ly”.
Cô nói cô cười, mà cô ứa nước mắt.
Vĩnh Xuân tuy cảm xúc, song bề ngoài vẫn bình tĩnh như thường. Nhưng ngồi học một hồi, cậu liếc mắt ngó Cúc Hương, rồi cậu châu mày, lộ vẻ buồn lo về sự sắp ly biệt.
Đến trưa ông Giáo Huân cắt nghĩa bộ sách Mạnh Tử cho Cúc Hương với Vĩnh Xuân, dạy dứt rồi ông rất vui mừng mà nói: “Thầy lấy làm hài lòng mà dạy hai cháu được trọn bộ Tứ Thơ. Học Mạnh Tử rồi, thầy chắc hai cháu đã nhận thấy đạo học của thầy Mạnh. Đức Khổng Tử chủ chữ “nhân”. Ngài dạy “Sát thân dĩ thành nhân”. Chữ nhân của ngài nó hàm súc bao la tất cả mối đạo. Thầy Mạnh Tử chủ chữ “nghĩa”. Thầy dạy “Xá sanh nhi thủ nghĩa”. Chữ nghĩa của thầy nó cũng bao trùm cả đạo học như chữ nhân. Nhưng muốn nên người quân tử, phải làm cho tròn nhân tròn nghĩa. Kể từ ngày mai hai đứa sẽ rời xa thầy, đứa thì học chữ Tây, đứa thì về nhà ở nhà buôn bán. Trước khi từ biệt nhau, thầy dặn hai cháu điều nầy: dầu học thứ chi, dầu làm việc chi, hễ có rảnh hai cháu nên lấy bộ Tứ Thơ ra mà đọc đi đọc lại. Đọc Đại Học, Trung Dung, hai cháu sẽ nhớ nguyên tắc nho giáo. Đọc Luận Ngữ để tu tâm, dưỡng tánh. Còn đọc Mạnh Tử để hành vi xử sự. Đạo học của thầy Mạnh Tử có vẻ thực tế. Vậy hai cháu ở đời cứ đọc Mạnh Tử rồi nương theo ý thầy Mạnh mà xử sự thì khỏi sợ thua sút người. Hai cháu học đã dứt rồi, muốn về liền bây giờ cũng được”.
Vĩnh Xuân với Cúc Hương đồng nói ở đặng dò hết lại coi có câu nào không hiểu rõ thì hỏi thêm, rồi chiều sẽ về. Ông Giáo gặt đầu rồi ông đi nghỉ trưa.
Cúc Hương đưa một cắc bạc mượn học trò ra chợ mua bánh trái đem về đãi Vĩnh Xuân đặng giã từ nhau. Cô đưa cho Vĩnh Xuân cái gói cô đem theo từ sớm mơi mà nói: ”Trong vài bữa nữa anh sẽ đi Gò Công học. Em chẳng biết lấy vật chi mà tặng anh. Hồi hôm em đi mua vài thước vải với vài thước hàng để anh may áo bận đi lọc. Anh bận áo thì anh nhớ em. Vậy xin anh đừng từ chối làm cho em buồn”.
Vĩnh Xuân bối rối không kiếm được lời mà từ, nên phải nhận lãnh, thầm tính đem về nhà nói dối với mẹ hàng vải của thầy cho thì khỏi mang tiếng gì hết.
Cúc Hương với Vĩnh Xuân dan díu, dặn dò nhau đủ điều. Đến xế ông Giáo trở xuống trường dọn bài các bàn đủ rồi ông cho học trò về. Cúc Hương với Vĩnh Xuân dắt nhau đến trước mặt mà tạ ơn và cáo biệt thầy. Ông Giáo chúc cho hai trẻ, tuy đi riêng hai ngả, song cả hai đều được thành công mĩ mãn và được đạo nhân nghĩa giúp cho rực rỡ, hiển vinh.
Vĩnh Xuân tuổi còn trẻ mà đã mang chí to. Vì nhà nghèo, cha chết sớm, mẹ cực thân, nên cậu nuôi cái chí tấn thủ thiệt mạnh, thiệt cao, quyết lấy sự học để lập thân, học cho giỏi cho nhiều đặng vượt ra khỏi cảnh bần hàn mà bước vào chốn vinh quang cho thân được thảnh thơi, danh được rỡ ràng, mẹ được sung sướng, mà vong linh của cha cũng được an vui nơi chín suối nữa.
Hôm nay Vĩnh Xuân lại mang thêm một khối tình riêng rữa, ngày như đêm nó cứ trìu trịu trong lòng. Theo thế thường, thanh niên mà vương vấn bịnh tình thì như say như mê, chỉ biết vui với người yêu, không còn kể thế gian thấp cao hay khôn dại gì nữa.
Đối với Vĩnh Xuân không phải vậy. Với Vĩnh Xuân tình không hại chi. Trái lại tình giúp thêm nghị lực, thêm hăng hái cho chí tấn thủ để lập thân, trước kia phải lập thân đặng vượt khỏi cảnh nghèo lang bang, bây giờ còn phải lập thân để được thỏa mãn tình yêu đầm ấm.
Khai trường, Vĩnh Xuân được Đốc Học chọn cho lên học lớp nhứt đặng thầy dạy rút rồi cuối năm cho đi thi. Vĩnh Xuân phấn chí, nỗ lực học hành, vào trường chăm chú nghe thầy giảng bài, về nhà cặm cụi kiếm thế học thêm, đêm ngày không rời cuốn sách.
Vợ chồng Ba Cao tuy thương Vĩnh Xuân như con, song dốt nát không dạy dỗ gì hết, chỉ cho ăn cơm mỗi ngày hai bữa vậy thôi. Mà cả hai vợ chồng lại có tánh ham bài bạc, nên thường ngồi sòng hoài, để Vĩnh Xuân thong thả học hay chơi tuỳ ý.
Trong hai năm trước, Vĩnh Xuân để hai tuần lễ mới về thăm mẹ một lần, chiều thứ bảy về rồi khuya thứ hai đi xuống. Bây giờ bài vở nhiều, lại muốn dùng chúa nhựt rảnh mà coi lại bài cũ, bởi vậy Vĩnh Xuân định mỗi tháng về một lần chớ không về thường nữa.
Mới học lớp nhứt tháng đầu thì Vĩnh Xuân lại chiếm ưu hạng, được ông Đốc với thầy nhứt ban khen. Vĩnh Xuân vui lòng nên thứ bảy tuần đó về thăm mẹ. Cậu không để ý tìm kiếm Cúc Hương, nhưng sáng chúa nhựt cậu ra chợ chơi, dường như có ám lực xô đẩy cậu phải đi ngang qua nhà Cúc Hương rồi xây mặt ngó vào nhà. Cậu không thấy dạng Cúc Hương cậu lo buồn. Buổi chiều muốn đi nữa, mà sợ đi cũng không thấy rồi càng buồn thêm, bởi vậy nằm nhà dở sách Mạnh Tử đọc chơi, rồi khuya dậy sớm mà đi học.
Tháng sau, Vinh Xuân về nữa. Cậu nhứt định không léo hánh trước nhà Cúc Hương, vì sợ không thấy được thì buồn, mà dầu có thấy cũng không nói chuyện được.
Sớm mơi lúc chợ nhóm đông, Vĩnh Xuân thả bước ra chợ chơi. Cậu vào nhà lồng rộng lớn minh mông của chợ Giồng, bắt từ đầu trên, phía đình thờ thần, đi lần xuống phía chợ cá. Nửa cái nhà lồng phía trên không có ai mua bán vật chi hết, bỏ trống cho bầy con nít chạy vòng theo những cuộc gạch bự chơi cút bắt la om sòm. Đi tới phía trước mới có đàn bà con gái dọn hàng ngồi day lưng vô mấy gốc cột gạch mà bán. Vĩnh Xuân chợt thấy Cúc Hương ngồi tại một góc chợ, trước mặt và hai bên bày đồ bán đủ thứ: đường, đậu, chùm kết, bún tàu, thuốc giấy, hộp quẹt, nước mắm, đầu lửa, vải trắng, vải đen, chổi quét nhà, khăn lau mặt. Cậu đứng xa xa mà ngó, không muốn lại gần, vì có người khác cũng dọn đồ ngồi bán chung quanh, sợ lại đó nói chuyện rủi biểu lộ thâm tình rồi người ta nghi mà mang tiếng.
Chẳng dè Cúc Hương ngó thấy, cô đứng dậy kêu mà nói lớn: “Anh Xuân, anh mới về phải hôn ? Bước lại đây cho em hỏi thăm một chút”.
Vĩnh Xuân dụ dự, thấy kẻ mua người bán lăng xăng, không biết có nên lại nói chuyện với nhau hay nên làm lơ bét đi chỗ khác. Cúc Hương ngồi xuống, nhưng kêu nữa. Không thế làm lơ được, Vĩnh Xuân thủng thẳng đi lại mà trong bụng ái ngái cực điểm. May lúc ấy không có ai mua đồ của Cúc Hương. Mà có chị Tỷ, có chồng khách trú ở trong một căn phố phía sau chợ, chị cũng dọn gian hàng ngồi bán dựa bên Cúc Hương, chỉ ngó Vĩnh Xuân trân trân, làm cho cậu bối rối hết sức.
Thấy Vĩnh Xuân lại tới, Cúc Hương hỏi:
– Từ hôm khai trường đến nay anh ở luôn dưới mà học hay sao, nên không thấy về ?
– Năm nay bài nhiều nên một tháng tôi mới về một lần. Hôm tháng trước tôi có về.
– Em không hay. Năm nay anh được lên lớp nhứt phải hôn ?
– Phải.
– Em chắc anh học giỏi hơn người ta rồi.
– Thì rán học vậy thôi.
– Tía em giao cho em ít trăm đồng bạc làm vốn đặng tập mua bán. Em mua đồ rồi mới dọn ra đây bán chừng mươi bữa rày. Em chưa thạo cách mua bán. May nhờ có chị hai ngồi một bên em đây chị chỉ dẫn dùm cho em, nên chắc ít tháng em quen rồi em làm được. Chúa nhựt nào anh có về thì ghé đây nói chuyện chơi. Mỗi bữa tảng sáng em dọn ra đây bán, chừng tan chợ thì dọn về.
Chị hai Tỷ, tuổi lối 30, chị hỏi Vĩnh Xuân.
– Em là con thím Hương văn phải hôn ?
– Thưa, phải.
– Em học dưới Gò Công hay học ở đâu ?
– Tôi học dưới Gò Công.
Có một bà già ghé lại gian hàng hai Tỷ lựa đường táng mà mua. Liền đó lại có hai chị bưng thúng ghé gian hàng Cúc Hương hỏi giá đặng mua dầu lửa với nước mắm. Vĩnh Xuân nhơn dịp có khách hàng lại mua đồ mới từ Cúc Hương với Hai Tỷ mà đi.
Cúc Hương không cầm lại mà dặn: „Tuần nào anh có về thăm bác thì ra đây nói chuyện chơi!“.
Vĩnh Xuân ừ, nhưng thầm tính không nên vởn vơ chỗ Cúc Hương buôn bán, vì gặp nhau Cúc Hương hay hỏi việc nầy việc nọ lăng xăng, rủi cô nói lỡ lời, làm cho mấy người ngồi gần đó họ hiểu được tình ý, thì sanh chuyện không tốt.
Thiệt quả mấy lần sau Vĩnh Xuân về, cậu ít muốn ra chợ. Lần nào cậu nhớ Cúc Hương quá, tính thấy hình dạng một chút cho nguôi bớt nỗi lòng, thì cậu đi ngoài xa đặng thấy mặt nhau vậy thôi, chớ không dám lại gần mà nói chuyện trước mắt thiên hạ, nhứt là trước cặp mắt láo liên của chị Hai Tỷ, hễ chị thấy cậu thì chị chúm chím cười, cười bởi duyên cớ nào cười mừng hay là cười ngạo ?
Lật bật đã tới bãi trường nửa năm.
Vĩnh Xuân đã chắc chắn chiếm cái địa vị của một trò giỏi nhứt trường Gò Công, không có trò nào còn lăm le muốn tranh giành, mà ông Đốc với mấy giáo viên đồng đặt hy vọng vào Vĩnh Xuân để giựt giải trong kỳ thi học bổng sắp tới.
Vĩnh Xuân rất vui lòng thấy sự cố gắng của mình được kết quả tốt đẹp. Nhưng vật nào có bề mặt, thì cung có bề trái, là cái bề thô bỉ xấu xa.
Vĩnh Xuân học thì tinh tấn như vậy, mà vợ chồng ông cậu là Ba Cao, bài bạc thua khiến mắc nợ lút đầu. Còn có ba tháng nữa Vĩnh Xuân đi thi thì vợ chồng ca Cao phải bán hết xe, ngựa cùng nhà cửa đặng trả nợ rồi tính dắt nhau xuống Vàm Láng ở mà mua bán cá biển.
Vĩnh Xuân bối tối. May cậu còn lãnh học bổng mỗi tháng năm đồng, lại may có trò học một lớp nhà ở xóm Cầu Tàu, dắt cậu về thưa với cha mẹ cho cậu ở ăn cơm quán mà học cho đến mãn năm. Người ta thấy tình thế của Vĩnh Xuân nguy nan, học giỏi mà nhà nghèo, người ta chịu nuôi cơm giùm, mỗi tháng chỉ đòi ba đồng mà thôi để hai đồng cho cậu ăn bánh sớm mơi mà đi học.
Nhờ cái may đó nên Vĩnh Xuân có chỗ dung thân mà học cho đến cuối năm rồi đi thi. Năm đó trường Gò Công chọn sáu trò cho lên Sài Gòn thi chung với học trò các trường sơ học trong Lục Tỉnh. Trường Gò Công có hai trò được chấm đậu Phan Vĩnh Xuân với một trò nữa tên Nguyễn Ngọc Chọn gốc ở chợ Tổng Châu.
Thi rồi trở về, hai trò thi đậu được ông Đốc Học với mấy thầy giáo ngợi khen nức nở. Ông Đốc nói nếu không muốn học thêm bốn năm nữa thì ông sẽ xin với tham Biện cấp bằng cho làm giáo tổng, lương mỗi tháng 12 đồng: Thầy nhứt và mấy thầy đều khuyên rán học thêm bốn năm, đặng làm thông ngôn, ký lúc, lương lớn hơn, mà sau lại còn được lên chức Huyện, Phủ, vinh hiển. Học được nhà nước nuôi cơm cháo lại phát áo quần, có tốn hao gì mà không chịu học.
Vĩnh Xuân bươn bả về nhà cho mẹ hay đặng mẹ mừng mà cũng cho Cúc Hương hay đặng cô vui.
Bà Hương văn Thanh thấy con về, nghe con thi đậu, thì bà vui mừng cực điểm. Bà hỏi thi đậu rồi làm việc gì. Vĩnh Xuân đem lời của ông Đốc Học nói với lời của mấy thầy giáo khuyên mà thuật lại cho mẹ nghe, rồi cương quyết nói thế nào cũng phải đi học thêm bốn năm nữa, chớ được người ta nuôi cơm nước, phát áo quần, mà mình bỏ để lãnh chức giáo tổng thì uổng lắm.
Sáng bữa sau Vĩnh Xuân đi thăm ông Giáo Huân. Ông nghe thi đậu ông mừng hết sức, rồi ông cũng khuyên ráng học thêm, vì ông biết với trí thông minh và tánh cần mẫn của Vĩnh Xuân thì nên học cho đến cùng, đặng thân danh được hiển đạt.
Vĩnh Xuân trở ra chợ, đi ngay lại gian hàng của Cúc Hương mà báo tin thi đậu, vì cậu thấy đường tấn thủ đã mở rộng, chí lập thân còn hùng hào, cậu không thèm ái ngại điều gì nữa.
Cúc Hương rất vui mừng. Chị Hai Tỷ rất khen ngợi. Chị hỏi thi đậu rồi được làm thầy giáo hay là còn phải đi học nữa. Vĩnh Xuân cương quyết nói còn đi học tiếp bốn năm nữa, hai năm tại Mỹ Tho, hai năm tại Sài Gòn, rồi làm thông ngôn, ký lục.
Cúc Hương tiếp cắt nghĩa cho chị Hai Tỷ hiểu học bốn năm nữa mà nhà nước nuôi cơm và chịu quần áo, mình khỏi tốn gì hết, đi học như vậy sung sướng quá, người ta muốn hết sức mà muốn không được chớ phải dễ hay sao.
Vĩnh Xuân khoái chí nên chúm chím cười.
Cúc Hương hỏi:
– Rồi chừng nào anh mới lên Mỹ Tho học?
– Còn lâu mà. Ăn Tết rồi, lối cuối tháng giêng tôi mới đi.
– Ở chợ mình có ghe đi Mỹ Tho mỗi ngày, anh đi cũng tiện lắm. Anh có lên thưa cho thầy hay rồi chưa ? Anh lên nói chắc thầy mừng lắm.
– Tôi đi thăm thầy rồi tôi mới ra đây. Thày mừng dữ. Thầy biểu phải chịu cực học thêm cho nên danh, đừng ham làm giáo tổng không có tương lai gì hết.
– Anh nên vâng lời thầy. Ý em cũng muốn như vậy.
Vĩnh Xuân nghe Cúc Hương nói câu chót thì sợ câu chuyện kéo dài rồi rối nùi, nên cậu từ giã chị Hai Tỷ với Cúc Hương mà đi. Cúc Hương nói Vĩnh Xuân còn nghỉ lâu, vậy thì buổi sớm mơi nào rảnh ra đây nói chuyện chơi.
Vĩnh xuân làm lơ mà đi, không dám hứa.
Buổi chiều cậu đi viếng mộ cha. Cậu vái vong linh cha phò hộ cho cậu mạnh khỏe học đến cùng đặng lập thân và báo hiếu.
Tháng chạp, sớm mơi chợ nhóm đông đảo, lại buổi chiều tại đầu cầu sắt người ta gánh gạo chở lúa vào bán cũng vui. Thế mà Vĩnh Xuân sợ gặp Cúc Hương rồi tình yêu khêu gợi sanh chuyện không hay, nên cậu ít muốn đi chơi, cứ lục đục ở nhà đọc sách cũ lại, đặng chừng vào trường lớn học, khỏi thua sút chúng bạn.
Một đêm bà Hương văn Thanh nằm nói chuyện học hành của con, bà than rằng ba năm nay con học dưới Gò Công, nhờ vợ chồng Ba Cao nuôi cơm, lại nhờ có thêm học bổng để may áo quần mà bận lành lẽ. Bây giờ đi học xa tuy nhà nước nuôi cơm và chịu áo quần, song mình cũng phải có tiền đặng ăn bánh trái chút đỉnh với người ta, lại còn phải có tiền đặng lúc khai trường và lúc bãi trường đi tàu, đi xe chớ. Thế nào mỗi năm bà cũng phải có ít lắm là một chục đồng bạc để cung cấp cho con. Ngặt bà không có vốn, nên mua bán bánh trái lặt vặt mỗi ngày lời năm ba cắc đủ mua cơm gạo là may. Nếu dành dụm có dư thì may áo quần mà bận cho khỏi lang thang rách rưới, làm sao tom góp cho tới bạc chục mà giúp con. Vậy thì ông Đốc Học nói như muốn thôi học ông cho làm giáo tổng, lương mỗi tháng 12 đồng, con nên chịu lãnh chức ấy phứt cho rồi, có lương ăn liền, khỏi lìa xa mẹ già, khỏi cực thân học tới bốn năm, lại cũng khỏi lo tiền bạc thiếu thốn.
Vĩnh Xuân ngồi học, cậu nghe mẹ than như vậy thì cậu châu mày, ngó sững ngọn đèn rồi thủng thẳng nói:
– Con xin má đừng lo. Con đi học con ăn cơm ăn cháo của nhà trường mà thôi. Con không cần bánh hàng gì hết mà. tốn tiền.
– Con nói bướng như vậy sao được. Đi học thế nào con cũng phải cần dùng vật nầy, vật nọ chớ.
– Nhà trường phát sách, giấy, viết mực, đủ thứ hết má à.
– Còn khai trường và bãi trường, tiền đâu con đi tàu, đi xe ?
– Con đi bộ.
– Trời ơi ! Đi sao nổi con! Hai năm đầu con học Mỹ Tho. Ở đây lên Mỹ thì gần. Có thể đi bộ được. Lại có ghe đò, đi mỗi chuyến có năm ba cắc bạc chẳng nói làm chi. Chừng con lên học Sài gòn, đường xa xuôi cách bức quá, đi làm sạo cho nổi ?.
– Tàu lên Chợ Lớn ăn có chín cắc.
– Mà mỗi năm con phải tựu trường hai lần và bãi trường con phải về hai lần, thì tiền tàu đã tới 4 đồng bạc rồi, chớ phải ít sao ? Đó là chưa kể tiền xe từ đây xuống Gò Công và từ Chợ Lớn ra Sài Gòn. Chớ chi má mua bán mỗi ngày lời tới một hai đồng thì má có lo đâu con.
Vĩnh Xuân cảm xúc, không dám đối đáp với mẹ nữa. Cậu chống tay ngồi ngó ngọn đèn dầu leo lét, mặt cậu buồn hiu. Trong nhà, ngoài sân đều im lìm, chỉ nghe có tiếng gà gáy xa xa.
Bà Hương văn đi ngủ. Vĩnh Xuân gài cửa rồi tắt đèn lại ván mà nằm. Sự mừng vui hôm mới về nó hừng hực trong lòng làm cho cậu hăng hái nhảy bay, tưởng bước đường dễ dàng, êm ấm, không có chi cản trở.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.