Tơ hồng vương vấn

Chương 6



Vĩnh Xuân ra đi, tuy cậu ôm ấp một chí lập thân rất mạnh mẽ, lập thân đặng trả thảo, đặng phỉ tình, đặng thoát khỏi thấp hèn mà bước lên vinh diệu, song đò mở dây từ từ rời bến, cậu đứng ngoài vịn tay trên mui ghe, trong lòng cảm xúc vô cùng. Cậu ngó lên chợ, cậu đoán bây giờ có lẽ Cúc Hương đương bùi ngùi nhớ bạn trăm năm vì nhau mà phải ly hương, rồi cậu trông về xóm Cây Me Lớn, cậu nhớ bà mẹ già phải rán chịu vất vả, quạnh hiu, để cho con bay nhảy tranh đua, đặng tạo một đời sống mới mẻ, thảnh thơi, an vui, sang trọng.

Trạo phu chèo bỏ mái chèo sạt sạt, anh đà công một lát rúc tù và một hơi đặng kêu khách đi đò. Trong thuyền đã có một người khách trú, hai người đàn ông và hai người đàn bà, thành thử cái mui tum húp mà phải chứa đến sáu người. Vĩnh Xuân nghĩ mình chun vào đó nữa thì chật chội khó thở. Trời chưa nắng gắt, cậu đội nón ngồi ngoài cho mát mẻ.

Đò đi xa chợ rồi. Bây giờ hai bên mé rạch nhà cửa thưa thớt, nhưng vườn tược liên tiếp bịt bùng mà vườn nào cũng trồng dừa cau với chuối chớ ít thấy cây gì khác.

Mặt trời lên cao giọi nắng nóng mặt, Vĩnh Xuân chui vào mui, chen ngồi một bên người khách trú.

Hai người đàn bà xuống tại bến chợ là người bán trái cây thường lên Mỹ mua mít, bưởi, quít, cam, chở về chợ Giồng mà bán. Hai chị biết bà Hương văn Thanh, thấy Vĩnh Xuân giống bà mới hỏi phải là con của bà hay không. Cậu nói phải. Hai chị hỏi cậu đi Mỹ có việc chỉ. Cậu nói cậu đi học, sáng bữa sau là ngày khai trường.

Hai chị ráp nói chuyện với Vĩnh Xuân, nói đò ra Vàm Giồng bị nước ngược, lại gió ngược, nên đi lâu lắm, có lẽ tối mới lên tới Mỹ Tho. Vĩnh Xuân nghe như vậy thì than đò lên tối phải chờ tới sáng bữa sau vô trường mới được. Hai chị hỏi có quen với ai trên Mỹ Tho hay không. Vĩnh Xuân nói mới đi Mỹ Tho lần nầy là lần đầu nên chưa quen với ai hết.

Một chị nói: “Không có quen thì có chỗ đâu nlà nghỉ đêm nay. Em mướn phòng ngủ ở khách sạn phải tốn đến một đồng bạc. Như em muốn ít tốn thì em nói với chủ đò đêm nay ở luôn dưới đò mà nghỉ cũng như hai chị em qua vậy. Em trả thêm một cắc mà thôi!”.

Vĩnh Xuân nghe nói như vậy thì mừng, khỏi lo chỗ ngủ nữa.

Gần nửa chiều, đò lên ngang vàm Kỳ Hôn. Chủ đò đi góp tiền đò mỗi người 4 cắc. Vĩnh Xuân xin cho nghỉ dưới đò đợi sáng rồi sẽ nhập trường. Chủ đò biểu trả thêm một cắc. Vĩnh Xuân trả liền.

Tối đỏ đèn rồi đò mới lên tới chợ Mỹ Tho. Hành khách đi hết, chỉ còn có Vĩnh Xuân với hai chị mua bán trái cây mà thôi.

Vĩnh Xuân lên chợ ăn một tô cháo Quảng Đông no cành, mua hờ một ổ bánh mì, rồi thả theo mé sông mà chơi. Châu thành Mỹ Tho lớn hơn Gò Công, buôn bán thạnh hơn, mà dân cư cũng đông hơn. Quang cảnh thì vui, nhưng vì ban đêm, lại xứ lạ, Vĩnh Xuân không dám đi xa, đi tới nhà ga xe lửa rồi trở lại đò mà nghỉ.

Hai chị mua bán trái cây nằm trong mui, mà nằm phía sau, chừa phía trước cho Vĩnh Xuân nằm. Hai chị nói chuyện nhà với nhau, một chị thuật việc chồng mê sa vợ bé, nói mà giận, dường như muốn gây lộn. Chị kia cười ngất, rồi kiếm lời lẽ ôn hoà khuyên bạn: “Thứ đàn ông, ai cũng vậy, hơi nào nhà ghen. Họ có vợ bé, họ theo nó, thì mình khỏi tốn cơm khỏi hầu hạ họ”. Chị nọ nói: “Chị chưa có chồng, nên chị nói nghe xuôi quá. Để tôi chống con mắt mà coi chừng chị có chồng, chị sẽ vui bòng chia chồng với người khác hay không. Tôi nói thiệt với chị, tôi nhứt định bữa nào đây tôi phải xởn đầu tóc của con đó tôi mới nghe”.

Vĩnh Xuân nằm nghe hai chị nói chuyện ghen thì tức cười, không dè con người đã có vợ rồi, mà còn có thể đem tình yêu vợ san sớt cho người khác được.

Cậu nhớ lại Cúc Hương yêu cậu đắm đuối, yêu mà không ích kỷ, yêu mà lại quyết giúp cho cậu vượt lên cao hơn người, nên lo cho cậu từ chút, đã giúp bạc tiền cho cậu đi học, lại còn may quần áo cho cậu khỏi rách rưới. Có một người vợ như vậy ở trong nhà nỡ lòng nào mà yêu người khác nữa cho được. Có lẽ chị bán trái cây nầy ăn ở với chồng không có tình, không có nghĩa nên chồng buồn mới đi tìm tình yêu khác để vùi lấp những nỗi bực trí, khổ tâm.

Hai chị đàn bà ngủ quên không còn nói chuyện nữa. Bây giờ lại nghe xuồng bơi mà rao bán đồ ăn, vừa mới nghe rao bánh bò, bánh cam, rồi lại nghe rao thịt bò bánh hỏi!.

Vĩnh Xuân lạ cảnh, nhớ nhà, nằm trăn trở hoài, ngủ không được. Cậu thớ mẹ, nhớ Cúc Hương, nhớ Hai Tỷ, nhớ Giáo Huân, rồi cậu nhớ sáng mai cậu sẽ nhập trường để mở rộng học thức và rèn tập văn chương mà bay nhảy với người đời, cho mẹ già hết cực thân, cho tình nhơn được thỏa nguyện.

Sáng ngày sau, Vĩnh Xuân lên bờ mua một cặp lạp xưởng xuống ăn với ổ bánh mì mua hồi hôm rồi kêu xe kéo và từ giã chủ đò với hai chị bán trái cây, chở rương đi vô trường.

Nhà trường mở cửa: Đã có cả chục trò ở các hạt chực sẵn ngoài cửa đợi người ta cho vô. Vĩnh Xuân để rương trên lề đường, đứng chung lộn với đám học trò ấy, làm quen nói chuyện với nhau, hỏi thăm nhau cho biết trò nào ở hạt nào.

Đúng 8 giờ rưỡi, người giữ cửa trường mới mở cửa giữa kêu học trò vô và dắt hết đi thẳng vô phía trong xa. Có một thầy ngồi tại cái bàn để ngoài hành lang.

Mỗi trò đều phải ghé đó nói cho thầy biên tên họ và quê quán rồi thầy chỉ thang biểu đem rương lên lầu lựa giường mà nằm, năm thứ nhứt qua lầu phía tay nặt, năm thứ nhì qua lầu phía tay trái.

Vĩnh Xuân tuy là học trò mới, song cậu không bợ ngợ chút nào. Lên lầu cậu thấy giường sắp bốn hàng ngay ngắn, mỗi hàng kê hơn 30 cái, giường cây sơn đen, nhưng không có chiếu gối. Cậu nhắm hàng giường dựa bên cửa sổ, phía mặt trời mọc, có thanh khí sớm mơi, lại khỏi bị nắng chiều, cậu bèn đem rương để mà choán một cái ở khúc giữa.

Cậu đương bối rối không biết làm sao có một chiếc chiếu để trải giường mà nằm. Thời may trò Nguyễn Ngọc Chơn, ở Gò Công, thi đậu một khóa với cậu, trò đem rương lên tới.

Xuân mừng rỡ, kêu Chơn biểu lại choán cái giường kế đó đặng anh em nằm gần thau. Chơn nói Chơn đi tàu lên Chợ Lớn rồi đi xe lửa mới xuống tới. Anh em đương bàn tính về sự thiếu chiếu, thì nghe mấy trò chiếm hàng giường phía trong rủ nhau đi chơ mua chiếu, mua thau rửa mặt và mua ca để uống nước.

Chơn biểu Xuân ở đây coi chừng rương để Chơn đi mua đồ luôn cho hai người và mua bánh mì thịt xá xiếu đặng trưa ăn cho tiện, vì ngày mai nhà trường mới bắt đầu nấu cơm cho học trò ăn.

Xuân gởi 3 đồng bạc cho Chơn đi mua đồ, nói mền, gối, lược, bàn chải răng đã có sẵn trong rương rồi, nên khỏi mua mấy món đó.

Chơn đi rồi, Xuân đi một vòng giáp hết cái lầu đặng xem chơi. Học trò các hạt, tốp đôi ba trò, lần lượt tới hoài không ngớt. Vĩnh Xuân ngồi trên cái rương mà ngó, các trò đều lạ hoắc, phải chung sống với nhau một thời gian rồi mới quen. Cậu thầm nghĩ mà mừng Gò Công có được bạn Chơm thi đậu với cậu. May có được một bạn đồng hương để chia sớt buồn vui trong buổi đầu thì cũng đỡ khổ.

Đến trưa Chơn đi chợ về, chia đồ mua cho Xuân và tính giá như vầy:

Chiếc chiếu nhỏ để trải giường            … 4 cắc

Cái thau rửa mặt                                … 5 “

Cái ca múc nước                                … 2 “

Thịt xá xiếu                                        … 2 “

Hai ổ bánh mì                                     … l “

Chơn nói: “Phần bạn hết thảy là một đồng tư. Tôi mua thịt với bánh mì nhiều đặng để dành ăn luôn buổi chiều, khỏi đi mua nữa. Tôi mua phần tôi cũng y như vậy. Nhưng tôi thấy tiệm bánh có bánh bàn nhỏ coi bộ ngon lắm, nên tôi có mua riêng một cây để tối ăn chơi.

Chơn trả tiền dư lại cho Xuân một đồng sáu cắc.

Xuân lấy chiếc chiếu trải lên giường, mở rương lấy mền gối bỏ ra, rồi nhắm thử. Đủ đồ cần dùng rồi, cậu hết lo gì nữa, cậu đắc chí thầm nghĩ bà mẹ cậu thiệt là sáng suốt, đi học xa phải có tiền riêng, nếu không có thì làm sao có chiếu mà nằm, có thau mà rửa mặt.

Bốn giờ chiều nghe học trò nói có dán giấy biên tên chia ra hai lớp. Xuân với Chơn khóa rương rồi dắt nhau xuống từng dưới mà coi. Thiệt quả học trò năm thứ nhứt chia ra hai lớp A và B. Xuân học lớp A, còn Chơn nọc lớp B.

Chiều bữa đó học trò cũ và mới trong hai niên khóa đều tới đủ. Mỗi lầu có một thầy gác để giữ trật tự. Sáng bữa sau, học trò coi theo giấy mà vô lớp, rồi người ta phát sách, vở, mực, viết. Các việc xong rồi thì mấy giáo sư người Pháp bắt đầu dạy liền.

Cái ngày Vĩnh Xuân trông trót hai tháng nay đã tới.

Cậu được học chắc chắn rồi. Bây giờ chỉ lo học, học cho siêng, học cho giỏi, đặng mẹ già được vui lòng, đặng tình nhơn khỏi thất vọng.

Cách vài tháng sau, nhà trường phát áo quần, giày nón, đủ hết. Sáu chục cậu học năm thứ nhứt mới được lãnh y phục, có dấu hiệu của nhà trường bổn quốc, hễ lên lầu nghỉ trưa thì lấy ra săm soi. Ban đêm có cậu đợi thầy gác ngủ rồi, thì lén dậy bận thử đồ mới coi vừa hay không, rồi nhắm nhíu coi hình dáng đẹp thể nào.

Vĩnh Xuân quen tánh ôn hòa thận trọng, nhưng cũng không khỏi trông cho mau tới chúa nhựt đặng bận sắc phục mới mà đi chơi.

Học có bốn tháng rưỡi thì tới bãi trường nửa năm, học trò được về nghỉ 20 ngày. Tuy thời gian học tập ngắn ngủi, song Vĩnh Xuân đã sẵn chí tấn thủ, lại cũng đã được mấy giáo sư cũng như các bạn học trong lớp nhận thấy Vĩnh Xuân có đường giựt giải nhứt hay nhì cuối năm.

Xuân đã kết bạn thân với một trò nhà ở bên Chợ Cũ, nên bãi trường Xuân đem rương với mền chiếu qua nhà bạn mà gởi, nghĩ về nhà không tới ba tuần nên chẳng cần chở rương về làm chi. Xuân trải chăn gói hai bộ đồ của Cúc Hương may cho với các áo quần của nhà nước mới phát, đặng về cậy mẹ kết nút mấy bộ đồ tây cho chắc chắn và cắt sửa mấy bộ đồ mát lại đặng bận cho vừa. Cậu nghỉ nhờ nhà bạn một đêm rồi sáng kiếm đò chợ Giồng, cậu mới kêu xe kéo chở gói áo quần với gói sách vở cần ích qua đò mà về. Chủ đò đã có đưa cậu lên hôm tháng giêng rồi, đã quen với cậu, bây giờ thấy cậu đi về, mặc đồ tây đàng hoàng, áo nỉ nút bằng thau, bâu áo và trên nón có thêu lá cây bằng kim tuyến, không dám xem cậu là người khách thường, nên bải buôi, niềm nở hết sức.

Nghe đò còn cả giờ nữa mới lui, Xuân để đồ trong mui đặng lên chợ ăn uống cho no rồi sẽ trở lại. Cậu nghĩ đã nửa nằm rồi, mà mua đồ và ăn hàng chưa tới 4 đồng bạc, thế thì không cần phải tiện tặn thái quá. Cậu vô tiệm cháo ăn tới hai tô mì, mua hai ổ bánh mì với hai cặp lạp xưởng chung một gói, buộc đây chắn chắn rồi xách đi. Cậu ghé tiệm trà mua một gói trà Đại Hồng một cắc, với phong bánh in một cắc nữa. Cậu đi ngang tiệm Chà thấy có chăn bán đủ thử. Cậu trả giá lựa mua một cái chăn mới sáu cắc đặng gói đồ cho rộng rãi.

Trở xuống đò, Xuân thấy có một bà già mà thôi, hành khách chưa lại đông. Cậu móc gói bánh mì lạp xưởng trên mui ghe rồi cởi giày thay áo quần mặc đồ mát đặng nằm ngồi cho tiện.

Chuyến nầy cậu mới chịu mặc bộ đồ hàng trắng còn mới tinh. Cậu soạn đồ lại, sắp hết đồ của nhà trường phát vào cái chăn mới mà gói riêng. Còn một bộ đồ mát bằng vải trắng với khăn bàn, mu soa, kiếng, lược, bàn chải, thì cậu gói vào cái chăn cũ với trà tàu, bánh in và sách vở. Cậu để riêng một cuốn sách ở ngoài đặng nằm đọc chơi, còn mấy gói với giày cậu đẩy vào một góc cho trống chỗ.

Hành khách xuống thêm hai người nữa, một người đàn ông, một người đàn bà. Chủ đò nói bữa nay đò rộng, biểu đà công thổi tù và một cấp chót rồi có lui cho thuận nước. Thiệt quả có một người gánh lại gởi hai giỏ thơm cho một bạn hàng ở Chợ Giồng, trả tiền chở, chớ không đi theo, nhà cũng không có ai đi đò thêm nữa.

Đò lui. Hành khách chỉ có bốn người nên rộng rãi, ai cũng nằm được.

Gặp nước xuôi lại có gió xuôi, bởi vậy ra khỏi vàm rồi trạo phu trương buồm mà chạy, khỏi chèo. Mặt trời vừa trịt bóng đò đã tới Vàm Giồng, gặp nước lớn đi vô vàm đi xuôi nữa. Chủ đò đón trước bữa nay về tới Chợ Giồng sớm lắm, chừng nửa buổi chiều.

Vĩnh Xuân nghe nói như vậy bèn ngồi dậy. Bây giờ đò vô rạch Vàm Giồng, hai bên cây cối rậm rạp, án gió không bộc buồm được nữa. Trạo phu hạ buồm rồi gay chèo mà chèo, nhờ nước xuôi nên ghe đi lẹ lắm.

Ly hương đã gần năm tháng, hôm nay được trở về nhà, lúc gần tới, tự nhiên Vĩnh Xuân khoan khoái, trông đến cho mau đặng mừng mẹ, thấy người yêu, cho phỉ tình hoài vọng.

Vô khỏi Chợ Mới, chủ đò xin tiền đò. Vĩnh Xuân biết đò đã gần tới rồi, mới thay đồ, bận sắc phục học sinh trường bổn quốc mang giày, đội nón, ra đứng dựa mui mà ngó hai bên. Cậu nhớ gói bánh mì lạp xưởng mua hồi sớm mơi, nhưng sự vui mừng tràn ngập cành hông, bởi vậy cậu không muốn ăn thứ gì hết. Cậu đứng ngó vườn tược, ngó nhà cửa dài theo mé sông, ngó người ta đi trên bờ lộ, ngó thứ gì cũng vui, cũng đẹp.

Đò gần tới bến chợ. Anh đà công cầm tù và túc vài hơi. Trên bờ trẻ nhỏ chạy theo la: “Đò về”. Trong phố người ta bước ra đứng ngó. Hành khách sửa soạn hành lý. Vĩnh Xuân vói lấy cái gói bánh mì nhét vào gói chăn cũ, rồi chừng đò cắm sào, cậu xách hai tay hai gói, từ giã chủ đò mà lên bờ. Cậu do con đường bên hông chợ đi lên phía nhà việc đặng về xóm Cây Me Lớn.

Trời chiều mát mẻ, Vĩnh Xuân hân hoan. Hai bên phố ai thấy Xuân đi ngang cũng liếc mắt ngó, miệng Xuân chúm chím cười.

Bây giờ cậu mới săn bước, đi riết về nhà đặng thăm mẹ.

Bà Hương văn Thanh bưng thúng nếp đi ra sau hè tính vút cho ráo đặng khuya xôi mà bán. Nghe tiếng giày lộp cộp ngoài lộ, bà xây mặt ngó ra. Bà thấy con, bà vụt la lớn: “Xuân!”. Vĩnh Xuân cũng la lớn: “Má”.

Vĩnh Xuân xách gói đi riết vô sân. Bà Hương văn bưng luôn thúng nếp ra đón, mẹ con nhìn nhau, mừng vui không kể xiết.

Bà tía lia hỏi:

–         Bãi trường hay sao mà con về ?

–         Thưa, bãi trường nửa năm.

–         Nghỉ được bao lâu ?

–         Hai mươi ngày.

–         Thôi, vô… Vô nhà rồi sẽ nói chuyện.

Vĩnh Xuân xách hai gói vô để trên ván và đi và hỏi:

–         Mấy tháng nay má ở nhà mạnh giỏi luôn hả má ?

–         Ừ, má mạnh luôn luôn. Con học bình yên hay không con?

–         Bình yên lắm.

–         Đồ nhà nước phát cho con bận đó phải hôn ?

–         Thưa, phải.

–         Tốt quá.

–         Ngặt đồ tây họ kết nút sơ sịa nên sút hoài. Còn hai bộ đồ mát họ may rộng rinh, bận coi kỳ quá. Con đem hết về đặng mượn má kết giùm nút lại cho chắc. Còn đồ rộng thì xin má cắt sửa lại.cho vừa bận mới được.

Vĩnh Xuân lột nón máng vào cây đinh đóng sẵn trên cột nhà rồi cậu mở gói áo quần nhà trường phát, lấy hai bộ đồ mát đưa cho mẹ coi.

Bà Hương văn ngồi xề dựa hai bên cái gói. Bà đẩy thúng nếp vô xa, rồi xổ một bộ đồ mát ra coi. Bà nói: “Vải không được dày lắm, nhưng bận mà học cũng được. Cha chả, mà quần lại may kiểu xẻ đáy, dễ sút đường chỉ quá. Còn áo rộng quá, mà lại may tay xùng xình, bận coi như thầy bán quế. Tuy vậy mà không sao đâu. Để má sửa cho con bận. Mình nghèo cần có như vầy mà bận chớ chê nỗi gì”.

Vĩnh Xuân mở gói thứ nhì lấy đồ ra mà nói: “Con có mua một gói trà với một phong bánh in đây. Để nấu nước chế trà cúng cha rồi má ăn bánh in mà uống trà. Ừ, còn gói bánh mì đây nữa. Hồi sớm mơi ăn uống rồi con mua tới hai ổ bánh mì với hai cặp lạp xưởng, tính đem xuống đò trưa đói bụng có sẵn mà ăn. Té ra được về thăm má, con mừng quá quên đói, nên còn y nguyên. Má cất rồi lát nữa ăn.

Bà Hương văn nói:

–         Con xài lớn quá, mua tới trà bánh đem về làm chi. Phải để dành tiền đặng ăn mà học chớ.

–         Con có xài gì đâu mà má nói con xài lớn. Mấy tháng nay con xài có năm đồng mấy cắc. Mà xài tới số đó là tại con phải mua chiếu, mua chăn, mua thau, mua ca, với đi đò nữa. Về ăn uống con chắc không tới hai đồng.

–         Vậy thì tiền con còn đủ đi học tới mãn nạm.

–         Con còn gần mười đồng. Mà bây giờ khỏi mua gì nữa hết.

–         Má cám ơn con Hai Tỷ quá. Nó bao cho con ăn học, mà hôm tháng ba nó còn mua đem vô cho má một vóc xuyến đen. Má không chịu lãnh. Má nói nó giúp cho con ăn học, ơn đã lớn lắm rồi, má không dám chịu ơn hơn nữa. Nó cứ ép má phải lấy vóc xuyến may áo mà bận đặng đi xóm có áo mặc cho lành lẽ với người ta. Nó nói thương con cũng như em ruột nó vậy. Nó giúp má đặng con yên lòng mà học. Chừng con học nên danh rồi con sẽ đền ơn lại cho nó. Nó biểu má đừng ngại chi hết. Mua bán có thiếu hụt chút đỉnh thì cho nó hay, nó sẽ giúp đỡ cho. Con Hai Tỷ thiệt là tử tế. Con về đây con phải đi thăm nó nghe hôn con.

Vĩnh Xuân hiểu Cúc Hương giúp mình, mà còn mượn tay Hai Tỷ giúp mẹ mình nữa, bởi vậy cậu cảm động hết sức, nhưng phải dằn lòng nói dối với mẹ: “Chị Hai Tỷ thấy con nghèo nhà ham học nên chỉ thương con, chớ không có ý chi hết. Vậy con đi học, ở nhà má có việc chi rắc rối, má cho chỉ biết, chắc chỉ sẵn lòng gỡ rối cho má. Con còn ở nhà lâu, để mai mốt con sẽ đi thăm chỉ”.

Bà Hương văn vói bưng thúng nếp mà nói: “Thôi, để má vút ba hột nếp rồi lo nấu cơm cho con ăn. Có lạp xưởng con đem về đây thêm được một món nữa”.

Bà bưng thúng nếp ra phía sau.

Vĩnh Xuân đem trà với bánh in để trên bàn thờ, lấy bộ đồ vải trắng vô buồng thay mà bận cho mát. Cậu soạn sách vở để một bên đó rồi xếp hết áo quần gói cất. Thấy mẹ cặm cụi nấu cơm, cậu đi vô nhà bếp ngồi nói chuyện chơi với mẹ.

Cậu thuật chuyện học tập cho mẹ nghe, cậu nói cậu đủ sức theo chúng bạn và xin mẹ đừng lo cậu thua người ta; nếu Trời Phật phò hộ cho mẹ mạnh khoẻ đặng cậu học đủ bốn năm, thì chắc chắn cậu sẽ nuôi mẹ, không để cho mẹ cực khổ nữa.

Nồi cơm gần chín, bà Hương văn nhớ trong nhà chỉ còn có ít cá sặt nhỏ kho mặn đủ cho bà ăn buổi cơm chiều, nên bà tính ra quán mua vài trứng vịt về chiên cho con ăn. Vĩnh Xuân can không cho mẹ đi mua đồ thêm. Cậu lấy gói bánh mì lạp xưởng đưa cho mẹ đặng xắt lạp xưởng ăn cơm cũng được.

Bữa cơm chiều sơ sài như vậy, nhưng mẹ con gặp nhau vui mừng nên ăn ngon như mâm cỗ đầy. Bà Hương văn lâu ăn bánh mì, nên bà ăn gần hết một ổ, bà khen ngon, còn bao nhiêu bà để dành đặng khuya bà ăn nữa.

Ăn cơm rồi thì trời cũng vừa tối. Bà Hương văn dọn dẹp, còn Vĩnh Xuân đốt đèn, lấy bình bỏ trà, chế nước sôi, rồi đem lên bàn thờ mở phong bánh in và rót trà cúng cha.

Đêm ấy mẹ con tiếp nói chuyện với nhau nữa, nói chuyện hiện tại thì mẹ con hăng hái vui cười, rồi bàn đến chuyện tương lai thì con cương quyết nỗ lực vượt lên cao, trước trả thảo cho mẹ cha, sau khỏi hổ với đất nước.

Vĩnh Xuân cúng cha rồi, cậu bưng bình trà với bánh in để trên ván mời mẹ ăn uống. Bà Hương văn muốn làm vui lòng con, nên bà ăn vài miếng bánh in rồi uống một tách trà. Bà nói khuya rồi, bà biểu con đi nghỉ, để bà lo chõ xôi và đổ bánh bèo đặng sáng có mà bán.

Vĩnh Xuân đi đò bị nắng gió, rồi về nhà mừng ngủ không được, nên sáng bữa sau cậu dậy trễ, mẹ đã bưng xôi bánh mà đi ra chợ bán rồi. Cậu rửa mặt, chải đầu, thay đồ mà mặc sắc phục của nhà trường, rồi ăn hết một chén xôi, khép cửa gởi nhà cho ông Hai ở bên kia đường đặng đi thăm ông Giáo Huân.

Ông Giáo Huân thấy Xuân vô cửa, ông mừng quá, kêu bà vợ ra coi học trò trường trên mặc y phục hẳn hòi, chớ không phải lem luốc như học trò trường làng. Vợ chồng ông cầu chúc cho Xuân thành công rực rỡ, mặc dầu ông biết chắc Xuân thông minh lại ham học, nên dầu học chỗ nào, học chữ gì Xuân cũng giỏi hơn các bạn.

Thăm thầy rồi, Vĩnh Xuân đi luôn ra chợ đặng thăm chị Hai Tỷ với Cúc Hương. Chợ đương nhóm đông, ai thấy cậu ăn mặc khác thường cũng đứng ngó rồi trầm trồ với nhau. Cậu còn đi trên đầu chợ mà Cúc Hương đã ngó thấy rồi nên kêu chị Hai Tỷ chỉ mà nói: “Đó, chiều hôm qua em đứng chỗ khúc quanh, em thấy ở dưới đò đi lên, bận đồ như vậy đó, nên hồi sớm mơi em mới nói với chị chớ. Em thấy rõ em mới nói, chớ đâu phải chiêm bao. Chị coi phải hôn ?”

Hai Tỷ cười..

Vĩnh Xuân lại tới, dở nón chào Hai Tỷ với Cúc Hương. Cậu ngó Cúc Hương với cặp mắt chan chứa ân tình, nhưng không dám nói chi hết. Còn Cúc Hương liếc ngó mặt cậu, ngó sắc phục của cậu thì cô hãnh diện mà tự hào, dường như ý cô muốn hỏi thiên hạ cả chợ, người yêu của tôi như vậy đó, bà con coi có ai hơn hay không ?

Chị Hai Tỷ hỏi:

–         Em về đò hồi chiều hôm qua phải không ?:

–         Phải. Sao chi biết ?

–         Có người trông em, họ rình họ ngó thấy rồi hồi sáng họ cho chị hay.

–         Có vậy hay sao ? Em không dè, ở nhà mạnh giỏi hết thảy phải không chị Hai ?

–         Mạnh hết, lại nhắc nhở em hoài. Bãi trường hay sao mà em về được ?

–         Bãi trường nghỉ 20 ngày.

–         Nghỉ lâu như vậy cũng dễ chịu. Thôi em đi chơi. Buổi chiều có rảnh ra nhà chị đặng chi hỏi thăm việc trên Mỹ một chút.

Vĩnh Xuân thấy Cúc Hương không bải buổi cười nói như khi trước, rồi lại nghe chị Hai Tỷ biểu mình đi chơi, thì hiểu ý hai người thấy mình về tuy mừng, song không muốn mình chà lết trước gian hàng, nên chị Hai Tỷ mới biểu mình chiều ra nhà chị rồi sẽ nói chuyện. Vĩnh Xuân từ giã đi liền. Cúc Hương ngồi ngó theo với cặp mắt tự hào, tự đắc.

Thấy còn sớm,. Vĩnh Xuân đi thẳng vô phía chùa Phật viếng mộ cha, rồi chừng trở về nhà thì mẹ đương lục đục nấu cơm trong bếp. Bà Hương văn hỏi con đi đâu từ sớm mơi tới giờ. Xuân nói thiệt đi thăm thầy, thăm chị Hai Tỷ rồi đi viếng mộ cha. cậu lại nói chị Hai Tỷ mắc buôn bán nên chưa tỏ lời cám ơn chị được, để chiều sẽ ra nhà chị mà nói chuyện dông dài.

Bà Hương văn lấy đưa cho con một đôi guốc mới mà nói: “Má có mua cho con một đôi guốc đây. Con mang cho sạch chưn”.

Đến xế mát, Vĩnh Xuân thấy mẹ đương gói bánh ú, bánh chưng, cậu mới hỏi:

–         Sao bữa nay má lại gói bánh nầy, mà không bán xôi nữa ?

–         Má chắc con thèm bánh ú, bánh chưng, nên má làm má bán đặng cho con ăn luôn thể.

–         Má lo cho con làm chi. Hồi sớm mơi má để chén xôi con ăn cũng được.

–         Ở trên trường sớm mơi họ có cho ăn lót lòng hay không con ?

–         Có. Cho ăn cháo trắng.

–         Ăn cháo mà chịu đến trưa sao nổi ?

–         Ăn ít bữa quen bụng rồi chịu cũng được.

–         Trong trường có bán bánh trái gì hay không ?

–         Thưa, có. Mà họ bán mắc lắm má ơi. Một miếng chuối khô trải trên một miếng bánh phồng sống rồi cuốn tròn lại, mà họ bán tới 5 đồng xu, thì ăn làm sao nổi. Mà ăn như vậy có no, có bổ chỗ nào đâu, bởi vậy đói con rán chờ cơm, con không thèm ăn gì hết. Thôi, má ở nhà gói bánh, để con ra thăm chị Hai Tỷ một lát.

Vĩnh Xuân mặc bộ đồ hàng trắng, đầu đội nón, chưn mang guốc ra đi. Cậu nghi Cúc Hương có thể lại nhà chị Hai Tỷ chơi đặng gặp cậu. Té ra bước vô nhà cậu thấy một mình chị Hai Tỷ nằm trên ván, có chị đàn bà ở gánh hàng đương cầm chổi quét nhà.

Hai Tỷ mừng rỡ, ngồi dậy mời Xuân ngồi cái ghế gần bộ ván rồi xít lại một bên mà nói nhỏ: “Hồi sớm mơi cơn Tư thấy em nó mừng quá. Nó nghe chị mời em chiều nay ra nhà chị chơi, chừng em đi rồi, nó tính nó cũng vô đây đặng gặp em mà nói chuyện”.

–         Hèn chi hồi sớm mơi cô không nói chi hết. Em tưởng cô phiền em chớ.

–         Có chuyện gì mà phiền. Nó tưởng nhớ em dữ lắm chớ. Cách mấy bữa trước nó nghe học trò trường tổng nói gần bãi trường. Nó mừng, nó khoe với chị rằng em sắp về. Hồi sớm mơi ra chợ vừa gặp chị thì nó cho chị hay em về đò hồi chiều hôm qua rồi. Chị hỏi tại sao nó biết. Nó nói nghe bãi trường nên mấy bữa rày hễ đò về túc tù và thì nó đi lại khúc quanh đứng coi chừng. Chiều hôm qua nó thấy em ở dưới đò xách gói đi lên, nó mừng dữ quá.

–         Tội nghiệp ! Hữu tình quá ! Vậy mà em vô ý, em không thấy chớ. Để cô vô đây em sẽ xin lỗi với cô.

–         Không. Nó không vô đâu.

–         Sao hồi nãy chị nói cô tính vô đây định gặp em.

–         Nó tính như vậy mà chị cản, chị biểu đừng vô. Em mới về, ai cũng dòm ngó em. Hồi sáng em tuốt ra chợ mà thăm, chị sợ người ta nghi rồi. Nếu chiều nay cho hai em gặp nhau tại nhà chị nữa, thì chẳng khỏi người ta xầm xì rồi hai em mang tiếng, mà chị cũng không khỏi bị người ta trách làm mai, làm mối. Em ở nhà lâu; để thủng thẳng ít bữa rồi sẽ gặp nhau, có muộn gì. Nó mượn chị hỏi em coi tiền bạc còn đủ xài hay không ?

–         Còn nhiều. Tuy em có sắm đồ chút đỉnh đặng vô trường, song em cũng còn gần 10 đồng.

–         Thế thì em không ăn bánh ăn hàng gì hết hay sao, mà tiền còn nhiều vậy ?

–         Em quyết đi học đặng lập thân, chớ phải đi chơi hay sao. Em có tiền, nếu thiếu thứ gì cần ích lắm em mới mua, em không dám xài bậy. Chị làm ơn nói giùm với cô Cúc Hương, em còn tiền nhiều. Còn về sự học tập thì em cố gắng nên không thua sút ai hết.

–         Con Tư nó biết tánh em, nên nó chắc em học giỏi, nó không lo việc đó.

–         Em về nghe má em nói chị có cho má em một cái áo xuyến dài. Em xin cám ơn chị chiếu cố đến má em. Chừng em làm nên em không dám quên ơn chị.

–         Vóc xuyến đó của con Tư nó mua, nó mượn chị đem cho thím Hương văn và phải nói của chị đặng tránh tiếng cho nó.

–         Vậy hay sao ? Lo cho tôi ăn học, rồi lo cho mẹ tôi khỏi rách rưới nữa !

–         Nó còn biểu chị dặn thím Hương văn nếu mua bán có thiếu hụt thì cứ cho chị hay. Chị cứ giúp thím, rồi nó trả lại cho chị.

Vĩnh Xuân xúc động nên ứa nước mắt.

Hai Tỷ nói:.

–         Con Tư nó thương em thiệt tình, nó sợ thím Hương văn nghèo khổ quá, em buồn rồi em học không được, nên nó lo từ chút.

–         Người đối đãi với em đủ tình, đủ nghĩa như vậy, em biết làm sao đền đáp cho vừa. Em cậy chị Hai nói giùm với cô Cúc Hương, em nguyện làm tròn các điều em hứa hẹn với cô dầu phải nát thân em cũng không dám lỗi hẹn.

–         Chị thấy hai em yêu nhau mà yêu một cách khác hơn thiên hạ, yêu cao thượng, yêu theo người có học, thiệt chị khen quá. Trai với gái yêu nhau như vậy thì nên, chớ hư hay sao mà sợ. Chị dặn em đừng có ra chợ thường nữa. Để bữa nào con Tư nó vô nhà chị mà chơi thì chị sẽ cho em hay rồi em ra đây nói chuyện với nói một lát.

Vĩnh Xuân nói chuyện với Hai Tỷ đến mặt trời gần lặn mới về.

Mấy bữa sau cậu không đi chơi nữa, cứ nằm nhà học bài vở cũ lại cho nhuần rồi dở sách coi trước những bài chưa học đặng chừng khai trường học bài mới cậu khỏi bợ ngợ.

Thiệt có bữa cậu tưởng nhớ Cúc Hương, nhưng cậu sực nhớ lại chị Hai Tỷ khen cách yêu cao thượng hôm nọ thì cậu dằn lòng, không muốn léo hánh ngoài chợ, mà cũng không nỡ cậy Hai Tỷ nhắn với Cúc Hương cho cậu gặp một chút, trước khi cậu đi học.

Còn có năm ngày nữa thì Vĩnh Xuân phải xuống đò đến Mỹ Tho đặng nhập trường. Lối nửa chiều cậu đương ngồi học, bỗng có chị gánh hàng cho Hai Tỷ vô nói Hai Tỷ mời cậu có rảnh ra nhà chị chơi một lát.

Vĩnh Xuân biết có Cúc Hương vô, nên biểu chị đàn bà ấy về trước rồi cậu bận áo và thưa với mẹ mà đi liền.

Thiệt quả ra tới nhà Hai Tỷ cậu thấy cửa mở có một cánh, còn khép một cánh. Cậu bước vô, thấy Cúc Hương ngồi phía trong vách, sau cánh cửa khép, nên người đi ngoài đường không thấy cô được.

Còn chị Hai Tỷ thì ngồi tại đầu ván ngó ra. Hai người đương ăn thơm mà nói chuyện.

Vĩnh xuân với Cúc Hương mừng nhau. Hai Tỷ chỉ cái ghế gần chị, mời Vĩnh Xuân ngồi ăn thơm chơi.

Cúc Hương hỏi Vĩnh Xuân:

–         Chừng nào anh đi học ?

–         Còn năm bữa nữa.

–         Vì sợ thiên hạ đàm tiếu, nên hổm nay chị Hai không muốn anh ra chợ đặng gặp em. Em nghĩ nếu anh đi mà không gặp em đặng từ giã nhau, chắc anh buồn, bởi vậy em vô đây rồi mời anh ra đặng em hỏi thăm một chút. Theo lời chị Hai nói thì anh tiện tặn quá. Học đã nửa năm rồi, mà anh xài mới có năm đồng. Phải ăn xài như người ta. Như có thiếu em đưa thêm, cần gì phải hà tiện dữ vậy.

–         Qua đi học chớ phải đi xài tiền đâu em, nhứt là tiền em buôn bán mệt nhọc. Qua đã có nói với em, mỗi năm qua có 10 đồng thì đủ cho qua lập thân được.

–         Anh đừng ngại chi hết. Nếu anh muốn mua thứ gì thêm thì anh lấy thêm tiền mà mua.

–         Qua có đủ đồ cần dùng rồi, có mua gì nữa đâu. Mà qua còn hơn 9 đồng, học nửa năm sau dư dật. Qua nghe nói em lo cho tới má qua ở nhà thiệt qua cảm đức, cảm tình em hết sức.

–         Anh mắc đi học. Em ở nhà phải chăm nom bà già giùm cho anh chớ sao.

–         Cám ơn em. Qua nói thiệt với em, vì qua mang tình nghĩa của em nặng quá, nên qua lo học ngày, học đêm cho thành công đặng đền bồi lại cho em. Sự nên hư đều do nơi mạng Trời, qua không dám đoán trước. Nhưng riêng về bổn phận của qua, thì trước mặt chị Hai đây qua dám hứa chắc với em trong sự học tập, bất luận môn nào, qua không nhường chúng bạn của qua. Em cứ tin lời qua, đừng sợ qua thua sút họ.

–         Về việc học thì em biết trước có thế nào họ qua mặt anh nổi mà em lo. Em chỉ cầu chúc cho anh mạnh khỏe mà học luôn luôn cho mãn bốn năm rồi tự nhiên anh hiển đạt.

Chị Hai Tỷ nghe hai trẻ nói chuyện, lời nào cũng thân yêu nhưng chánh đáng chớ không nhảm nhí, thì chị rất vui lòng. Bây giờ chị mới chen vô mà nói: “Việc tình duyên của hai em là việc lâu dài. Chị khuyên hai em rán giữ một mực bình tĩnh mà đối đãi với nhau. Người ta hát: “Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa”. Vậy hai em phải tránh cái “vội” cho khỏi bị cái “lìa”. Hai em không gần gũi nhau thường. Bữa nay gặp nhau đây từ biệt nhau luôn, chẳng cần gặp nhau nữa làm chi. Mỗi kỳ bãi trường hội hiệp với nhau một lần đặng nói chuyện, nghĩ cũng đủ. Làm lộng quá, rủi bể chuyện sợ e khó lòng”.

Cúc Hương nói: “Chị Hai nói phải lắm. Nếu đổ bể, má tía em hay thì khó cho em. Em nói khó chẳng phải em sợ phải lìa xa anh Xuân. Đã có ông Tơ mách bảo lại còn thêm ông Quan Đế chứng minh, ai làm sao lìa xa nhau được. Em chỉ sợ đổ bể rồi em bị bó buộc, không còn phương tiện lo lắng cho anh Xuân đến cùng, tự thủy chí chung như lời em hứa hẹn. Vậy thì bữa nay gặp nhau đây, em nói chuyện đủ rồi, em không còn chuyện gì nữa. Em chỉ xin anh Xuân bữa anh xuống đò đi học, anh đi ngang gian hàng của em đặng anh em thấy mặt nhau, thấy mà thôi, chớ không cần nói, thấy rồi rẽ phân, kẻ ở người đi, một người một ngả. Em cũng xin anh Xuân vào trường, nếu có việc chi bối rối thì anh cứ nhớ em. Hễ nhớ tới em thì anh định tĩnh tâm hồn mà vượt các khó khăn, quên hết phiền não”.

Vĩnh Xuân nói: “Qua sẽ làm y theo lời em dặn. Qua chúc em với chị Hai ở nhà an vui mạnh khỏe luôn luôn, Qua đi tháng chạp, bãi trường cuối năm qua về rồi chúng ta sẽ gặp gỡ lại nữa.

Cúc Hương đứng dậy nói cô đi chơi đã lâu rồi, nên cô cáo từ mà về, vì sợ ở lâu cha mẹ sai người đi kiếm. Chị Hai không nỡ cầm. Cúc Hương nhìn Vĩnh Xuân với cặp mắt thân yêu cô ứa nước mắt mà nói: “Thôi, em chúc anh Xuân đi học mạnh giỏi. Nhớ mấy lời em dặn hồi nãy nghe hôn. Em về nghe chị Hai”.

Cúc Hương cầm khăn bước ra cửa, day lại ngó Vĩnh Xuân một lần nữa rồi mới đi.

Chị Hai Tỷ mời Vĩnh Xuân ăn thơm. Cậu vị tình ăn một miếng, uống lột tách nước trà, rồi từ giã ra về, hứa sẽ ra thăm Hai Tỷ một lần nữa, trước khi xuống đò.

Giữ lời hứa, còn một bữa nữa thì đi, Vĩnh Xuân ra thăm Hai Tỷ, xin chị ở nhà an ủi cho Cúc Hương vui lòng. Chị biểu Xuân cứ lo học tập, chị sẽ chăm nom việc nhà giùm cho, đừng lo chi hết.

Sáng bữa sau Vĩnh Xuân mặc sắc phục nhà trường, ăn uống no rồi, mới mượn người lối xóm xách giùm hai gói xuống đò. Bà Hương văn gởi theo một đòn bánh tét nhỏ đặng trưa con có đói thì ăn. Bà muốn đưa con xuống đò. Vĩnh Xuân không cho, nói rằng cậu đã lớn rồi, mẹ chẳng nên đưa rước như trẻ nhỏ.

Vĩnh Xuân ra tới chợ, thấy Hai Tỷ với Cúc Hương đứng ngó, cậu dở nón chào rồi đi thẳng xuống đò.

Chủ đò thấy cậu thì niềm nỡ nói bữa nay đi gặp nước xuôi chắc bốn giờ chiều sẽ tới Mỹ Tho. Vĩnh Xuân nghe như vậy thì mừng thầm, nghĩ tới 5 hoặc 6 giờ vô trường cũng kịp.

Chuyến nầy hành khách có bốn người, xuống đủ rồi thì chủ đò biểu túc tù và đặng mở dây đi cho kịp nước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.