Tơ hồng vương vấn

Chương 13



Mấy bữa rồi, những người ở trong dãy phố bình an thanh tịnh nầy thảy đều công nhận duy có căn nhà của thầy thông Vĩnh Xuân là xinh tươi vui vẻ hơn cả.

Không xinh tươi sao được ? Chủ phố chú ý lo lắng đặc biệt, đã cho thợ dậm vá, sơn phết như phố mới, đã cho dân rửa quét sạch sẽ, lại còn chở đồ cho mượn dọn ở đàng hoàng.

Không vui vẻ sao được ? Vĩnh Xuân xuất thân đi làm việc trong lưng có sẵn tới 50 đồng. Trong một tháng rồi mua sắm ăn xài chỉ hao có mười mấy đồng. Mới lãnh lương rồi trả tiền cơm thì vợ chồng ông Kinh lại không chịu lấy, thành thử trong tủ của Vĩnh Xuân còn hơn 50 đồng bạc, làm sao thiếu hụt được mà lo. Huống chi bà Hương văn bán nhà và đồ đạc tom góp đem lên thêm tới bảy tám chục nữa. Tiền bạc đã dồi dào, mà ăn xài thì tiện tặn, nếu xài có thâm thủng thì cũng lâu lắm mới hết tiền. Đã vậy mà bữa mẹ lên tới, tối lại mẹ con to nhỏ bàn tính việc nhà, Vĩnh Xuân than số lương ít quá, không đủ sống thảnh thơi, thầy tính kiếm học trò mà dạy riêng ban đêm đặng kiếm tiền thêm một hai chục mới sống được thì mẹ khuyên con đừng lo vội, để thủng thẳng bà coi rồi bà sẽ liệu cho.

Tư cách bình tĩnh, lạc quan của bà Hương văn làm cho Vĩnh Xuân vui lòng an chí, nên mấy bữa rồi ban ngày thầy hăng hái làm việc, ban đêm thầy đốt đèn sáng rở rồi ông Kinh lại dạy đờn và tập làm thi làm phú mà chơi.

Còn bà Hương văn, bà nhờ bà Kinh mướn dùm cho bà được thím Tư Cam, thím đã năm mươi tuổi rồi nhưng còn mạnh mẽ, nhậm lẹ, siêng năng, vui vẻ. Thím pha phách, dọn dẹp trong nhà lại đi chợ nấu ăn, tuy không khéo, song cũng dễ ăn, mà mỗi tháng thím chỉ đòi có 3 đồng và xin cho thím trầu cau đặng thím ăn vậy thôi.

Có người phụ giúp, bà Hương văn rảnh rang. Sớm mơi bà đi chợ mua thịt cá về chỉ cho thím Tư Cam kho nấu. Nhiều bữa bà Kinh lại rủ bà đi chợ đặng chỉ cho bà biết chỗ nào bán thứ gì, đi vài lần thì bà đã thấy đủ hết. Đi một mình thì bà Hương văn thường nghểu nghến lối hàng bánh, coi họ bán chè, cháu, xôi, bún, bánh cam, bánh tét, bánh ếch, bánh chưng. Bà cũng hay đi dạo hàng bán trái cây coi thứ nào nhiều, thứ nào rẻ.

Đã quen nghề bán bánh trái thuở nay, bởi vậy bà sẵn có cặp mắt sáng suốt, liếc qua thì bà thấy thứ nào bán đắc, thứ nào bán ế, bà nhận thấy có hai việc bà làm thì chắc có lợi: thứ nhứt cậy chị chủ đò thương thuyết với mấy ngươi bán trái cây ở chợ Giồng rồi bà mua trái cây gởi theo đò chở về cho họ bán. Họ trả tiền chở và chịu tiền đầu cho bà; thứ nhì gói bánh ú bánh chưng, bánh tét mà đếm cho bạn hàng ngồi chợ hoặc bưng ra bến xe, bến tàu mà bán, gói những bánh ấy thì lựa nếp thiệt tốt, xào nhưn thiệt ngon, mỗi ngày gói 100 bánh ú, vài chục bánh chưng và một chục bánh tét, thì chắc chắn có lời không dưới ba đồng bạc.

Mới lên ở chưa tới 10 bữa, mà bà Hương văn đã quen hết với các người ở trong dãy phố. Đã sẵn cách bải buôi mua bán, lại thêm tánh giản dị, bình dân, bà chinh phục thiện cảm của tất cả mọi người, đến mấy chị bán bánh, bán trái cây ngoài chợ, dầu họ chưa biết bà là mẹ của thầy thông ngôn đứng bàn quan Phó.

Một đêm, trong lúc ông Kinh lại dạy Vĩnh Xuân học đờn, thì bà Hương văn qua nhà bà Kinh nằm nói chuyện chơi. Hai bà đã thân thiết với nhau rồi, nên nói chuyện với nhau thì lấy thiệt tình mà nói, không cần phải dè dặt hay giấu giếm.

Bà Kinh mới dở chuyện vợ chồng bà thấy Vĩnh Xuân ăn lương ít, lại quyết giữ thanh liêm nên tính kiếm chỗ giàu làm mai cho thầy cưới vợ, đặng thầy nhờ cậy cho khỏi bần chật trong việc ăn xài.

Thầy nói thầy không thể cậy nhờ người đàn bà nuôi thầy, mà thầy đã quyết định thầy không cưới vợ, nên thầy xin đừng có tính tới việc đó. Nếu tiền lương không đủ ăn thì thầy sẽ kiếm học trò mà dạy riêng ban đêm, để có thêm tiền đủ nuôi mẹ, thầy sẽ rán sức một chút, tự nhiên sẽ có đủ tiền xài, chẳng cần phải cưới vợ đặng nhờ vợ. Bà Kinh khuyên bà Hương văn nên cắt nghĩa cho Vĩnh Xuân nghe, Vĩnh Xuân mới làm việc mà được quan yêu dân chuộng, đứng thông ngôn mà không ăn hối lộ, bởi vậy danh giá nổi như cồn. Nhà giàu ở đây ai cũng kỉnh ái, ai cũng muốn gả con. Vậy Vĩnh Xuân nên thừa nhơn tâm đương quí trọng đó mà cưới vợ giàu, đặng có sẵn tiền bạc mà xài mới nuôi tánh thanh liêm được.

Bà Hương văn nằm êm mà nghe cho hết câu chuyện rồi bà mới cười mà nói:

–         Ép nó cưới vợ không được đâu bà. Vì nó có một chuyện riêng, nên ba bốn năm nay nó thường nói nó không cưới vợ. Còn chuyện lương ít không đủ xài, nên nó tính dạy học ban đêm thì bữa tôi mới lên, tối lại nó có bàn với tôi. Tôi đã cản nó, tôi nói ban ngày làm việc rồi tối còn phải dạy học nữa thì mệt lắm, Để thủng thẳng cho tôi tính ít bữa rồi tôi sẽ liệu cho. Tôi không dám giấu bà, thuở nay tôi có cái nghề bán bánh trái đã quen rồi. Bây giờ nếu ăn rồi nằm co tôi chịu không nổi. Hổm nay đi chơi ngoài chợ tôi thấy có hai cách buôn bán khỏe lắm mà lại có lợi: hoặc mua trái cây ở đây gởi đò chở xuống chợ Giồng cho bạn hàng bán, mình ăn tiền đầu, hoặc gói bánh ú, bánh chưng, bánh tét đếm cho bạn hàng họ bán ngoài chợ với bến xe, bến tàu. Ở đây mấy thứ bánh đó họ gói dở quá. Mình gói cho ngon tự nhiên bán đắc. Bán trái cây có khi lời, khi lỗ, chớ bán bánh tôi chắc mỗi ngày lời hai ba đồng dễ như chơi.

–         Gói bánh mà bán thì cực chị lắm.

–         Có thím Tư Cam thím phụ thì có cực chi đâu. Điều cần nhứt là phải có nếp cho tốt, và phải có lá chuối cho sẵn, đủ cho mình gói bánh hằng ngày. Không biết trên đây họ có bán nếp tốt hay không. Nếu không có thì phải mượn chủ đò mua giùm dưới chợ Giồng chở lên.

–         Nếp trên nầy tốt lắm. Tôi có quen với tiệm gạo, nếu chị cần dùng mỗi tuần hoặc mỗi tháng bao nhiêu thì tôi dặn trước tiệm gạo họ kiếm mà trữ sẵn đặng bán cho chị. Còn lá chuối thiếu gì mà lo. Chung quanh đây là vườn, nhứt là bên phía Chợ Cũ, chị muốn dùng bao nhiêu cũng có.

–         Vậy thì xong lắm. Để tôi sắm chã ba, sắm đồ hấp bánh cho đủ bộ vận rồi tôi cậy bà tiến đẫn cho tôi làm quen vơi tiệm gạo đặng tôi mua nếp mà làm.

–         Gói bánh rồi phải gánh ra chợ ngồi bán hay sao ?

–         Không. Mình đếm cho bạn hàng họ vô nhà lấy mà đi bán chớ. Họ mua một chục,  mình phải thêm cho họ hai bánh đặng họ có lời. Tôi có nói chuyện với vài người rồi. Họ chịu lãnh bánh của tôi họ bán. Thím Tư Cam thím nói có vài đứa cháu gái, thím sẽ biểu nó lãnh bưng đi bán theo bến xe, bến tàu

–         Còn hồi nãy chị nói thầy thông có chuyện riêng, nên thấy không chịu cưới vợ, không thế gì ép thầy được. Chuyện riêng là chuyện gì vậy. Bộ thầy đã hứa hẹn với ai rồi hay sao chí ?

–         Tại vậy đó. Mà hư hỏng rồi, nên nó nản chí thất tình mới ghét con gái, không thèm cưới vợ.

–         A ! Tại vậy à ! Hèn chi lại đây hơn một tháng rồi ông Kinh để ý không khi nào thầy thèm ngó con gái.

–         Không phải tình nhân nó phụ bạc nên nó giận rồi oán hết con gái. Tình nhơn nó vì thương nó mà phải tự vận, làm cho nó bực tức và tưởng nhớ đêm ngày, không đành cưới vợ nào khác.

–         Thương sao lại tự vận đi ?

–         Chuyện kỳ cục lắm; để tôi nói cho bà nghe. Nhưng xin bà đừng có nhắc lại với nó. Nhắc tới nó buồn lắm. Con nhỏ đó đích đáng thiệt. Nói tới tôi cũng động lòng. Tôi chắc không thế nào tôi kiếm con dâu nó biết thương thằng Xuân và biết lo cho tôi bằng con đó. Số là năm trước bãi trường nó đi học thêm chữ nho. Nó gặp con Cúc Hương, con gái của một người buôn bán giàu có ở trong chợ. Con nọ học chung với nó mà cũng học giỏi như nó. Hai đứa thương nhau rồi lén thề thốt với nhau thế nào tôi không hay. Chừng Xuân thi đậu học bổng được học thêm bốn năm đặng sau làm thầy thông thầy ký, tôi mới than với con rằng tuy nhà nước chịu cơm, chịu áo quần, song con cũng phải có tiền mà ăn bánh, sắm đồ, đi xe, đi tàu. Nhà nghèo tôi bán bánh trái kiếm lời nuôi sống hằng ngày, tôi làm sao có tiền mà nuôi con đi học xa, lại phải học tới bốn năm. Tôi khuyên nó thôi, bỏ học để xin làm giáo tổng lãnh lương đủ ăn cho tiện. Nó buồn, nó nói mình nghèo, phải học cho nhiều mới lập thân danh được. Nếu tôi ở nhà mua bán đủ ăn thì để cho nó nói với thầy nó bao tiền dùm cho nó học đủ bốn năm, sau nó ra làm việc rồi nó sẽ trả lại. Cách ít bữa nó nói với tôi có con Hai Tỷ, bán hàng ngoài chợ, nghe nó học giỏi mà nghèo, thì thương nó như em ruột, nên chịu ra tiền cho nó ăn học đến cùng. Nó cậy giúp mỗi năm 10 đồng, Hai Tỷ chê ít nên đưa cho nó 15 đồng đặng sửa soạn đi học năm đầu, sau mỗi năm cứ giúp một số như vậy hoài.

–         Chà, người có tiền mà biết làm ơn làm nghĩa như vậy thì sẽ được phước lắm.

–         Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi cảm ơn Hai Tỷ lằm. Xuân đi học được vài tháng, hai Tỷ đem vô nhà cho tôi một vóc xuyến để may áo bận đi xóm cho lành lẽ với người ta. Nó lại dặn tôi nếu có túng rối thì cho nó hay, nó sẽ giúp đỡ, đừng ái ngại chi hết. Tôi càng cảm ơn hơn nữa.

–         Vậy thì chị Hai Tỷ nầy tử tế quá, ít ai được vậy.

–         Khoan.  Để tôi nói tới cho bà nghe. Chừng bãi trường cuối năm Xuân về, vừa bước vô nhà thì nó liền hỏi tôi phải Cúc Hương là con Hia Mỹ chết hay không. Tôi nói phải, vì cha mẹ nó ép gả lấy chồng chỗ giàu có, mà nó không chịu, nên tự vận. Xuân nghe như vậy thì ré lên khóc dữ quá. Nó mới chịu nói thiệt với tôi nó cùng Cúc Hương đã có thề nguyền kết nghĩa vợ chồng với nhau, thiệt Cúc Hương buôn bán kiếm lời đặng bao cho nó đi học. Cúc Hương cũng mua cho tôi vóc xuyến, có cậy Hai Tỷ ra mặt đặng tránh tiếng cho nó mà thôi.

–         Người có tình, có nghĩa như vậy tôi nghe tôi cũng cảm. Thầy thông thẩy tưởng nhớ, không đành cưới vợ, nghĩ cũng phải.

–         Xuân nhờ con Cúc Hương nó mới học được mà làm thầy ký, thầy thông đây, bởi vậy hôm tôi mới lên, nó mừng, nhưng tối lại nó nhớ con nọ nó khóc mà tiếc bây giờ thành công danh toại, mẹ con sum hiệp mà thiếu Cúc Hương đặng chung vui cùng nhau cho phỉ tình mãn nguyện.

–         Mà bãi trường thầy thông về thầy hay cô nọ chết. Thầy có hỏi coi tại sao cô nọ chết hay không ? Cha mẹ ép gả lấy chồng, ta không ưng thì thôi, hoặc ta bỏ nhà mà đi, dại gì mà tự vận.

–         Có chuyện nầy hiển hích lắm bà à. Xuân nói đêm rằm tháng 11, còn có vài tuần nữa tới bãi trường nó đương ngủ, đến khuya nó chiêm bao thấy Cúc.Hương đứng trên đầu giường vỗ mặt kêu mà nói cho nó hay cô đã chết rồi; cô biểu về hỏi Hai Tỷ sẽ biết tại sao cô chết. Cô lại căn dặn đừng có buồn rầu mà thôi học, phải học cho đủ bốn năm, cô đã sắp đặt trước rồi cô mới chết, nên không có điều chi trở ngại hết. Xuân lo sợ, nhưng tưởng chiêm bao là mộng mị. Chừng về nghe tôi nói chết thiệt, nó mới chạy ra hỏi Hai Tỷ. Theo lời Hai Tỷ thuật lại thì cha mẹ Cúc Hương ham giàu nên ép gả cô cho con trai của một điền Chủ. Nó không ưng. Nó nói thiệt nó đã thương Xuân và có thề nguyền kết vợ chồng với Xuân. Cha mẹ nó chê Xuân nghèo, cứ ép gả nó. Nó không đành bội ước với Xuân, mà cũng không dám cãi lịnh cha mẹ, nó mới tính tự vận. Nhưng mà nó không chịu nói cho Hai Tỷ biết. Cha mẹ nó định bữa rằm tháng 11 nhóm họ rồi sáng 16 đưa dâu. Cúc Hương đem một gói mà gởi cho Hai Tỷ, dặn Xuân về thì đưa lại cho Xuân, biểu Xuân phải học cho đến cùng, vì trong gói đó nó có để 50 đồng bạc đủ cho xuân ăn học ba năm nữa, lại có gởi cho tôi một vóc lãnh đặng tôi may tôi bận, Xuân khỏi lo tôi rách tưới. Đây xuyến với lãnh nó để lại cho tôi năm nay vẫn còn, tôi đương bận đây.

–         Tội nghiệp quá ! Sắp chết nhà cũng còn nhớ tới mẹ chồng.

–         Bởi vậy tôi nói không thế nào tôi kiếm con dâu khác bằng nó được. Con Hai Tỷ nói chiều rằm nó có đi đám nhóm họ. Cúc Hương ra vô như thường. Hai Tỷ tưởng nó gởi gói đồ và dặn công việc là dặn đặng đi lấy chồng, chớ có dè trối đặng chết đâu. Đến tối Hai Tỷ từ giã ra về thì Cúc Hương mời nó vô buồng khóc mà từ biệt và căn dặn phải rán an ủi cho Xuân đừng buồn rầu, biểu Xuân phải học cho nên danh đặng trước nuôi mẹ sau khỏi bị người ta khinh khi nghèo hèn nữa. Hai Tỷ về.  Đến nửa đêm nghe người ta rước thầy chạy thuốc làm vỡ lở, nói Cúc Hương uống giấm với á phiện mà tự vận. Hai Tỷ chạy lại thì con nọ mê man không biết gì nữa hết, rồi mòn hơi lần lần, đến khuya thì chết.

–         Chết rồi hồn xuất đi lên nhà trường kêu thầy thông mà cho hay đó chớ gì. Vậy thì linh quá.

–         Còn cái nầy mới linh nữa chớ. Xuân nghe rõ công chuyện rồi nó thối chí, nhứt định không học nữa để xin làm giáo tổng đặng nuôi tôi. Nó mượn Hai Tỷ dắt chỉ mả đặng nó cúng vái: Tối lại nó chiêm bao thấy Cúc Hương về biểu nó phải học cho đủ bốn năm chớ không được bỏ. Cúc Hương lại nói nó đã kiện dưới Diêm Chúa nên Diêm đình huỡn đầu thai cho nó, để hồn theo phò hộ cho Xuân học đủ bốn năm. Có vậy nên Xuân mới chịu tiếp tục học luôn. Mà hôm Xuân thi đậu ký lục rồi, còn chiêm bao thây Cúc Hương về mừng cho Xuân và từ giã đặng đi đầu thai, nói rằng từ đó hồn không còn theo Xuân nữa được, dặn Xuân phải cưới vợ đặng có người giúp nuôi mẹ và lo cơm nước cho, còn duyên nợ thì để kiếp sau rồi sẽ tương hội.

–         Hồn Cúc Hương biểu thầy thông phải cưới vợ đó chớ có cản đâu.

–         Vậy mà nó không chịu. Nó còn thương nhớ con nọ quá, nên nó không muốn ai hết. Tôi tưởng phải để đôi ba năm đặng nguôi ngoai rồi ông Kinh giúp cắt nghĩa giùm, có lẽ nó sẽ hồi tâm mà lo lập gia thất như ngươi ta..

–         Ừ, thôi để thủng thẳng coi rồi vợ chồng tôi sẽ liệu mà an ủi thẩy. Thiệt đáng thương hết sức. Nhỏ tuổi, học giỏi, biết điều, có thiện chí, mộ nghĩa nhân, mà bị cái họa làm cho thất tình chán nản, tội nghiệp quá. Ông chủ phố ái mộ, ổng muốn gả con, nên ổng sửa phố và cho mượn đồ mà dọn nhà đó.

–         Vậy hay sao ?

–         Mà không được chị à. Ông chủ phố thì nhiều tiền, nhưng con gái ổng kém bề nhan sắc quá. Thiếu gì con gái khác cũng có tiền, mà lại có sắc nữa.

–         Hai ông bà nói làm sao cho nó chịu cưới vợ, thiệt tôi mang ơn lắm.

–         Chi để vợ chồng tôi lo cho.

Qua bữa sau, nhằm chúa nhựt, sớm mơi bà Hương văn đi chợ về, bà thấy Vĩnh Xuân đương thay đồ bà hỏi thầy tính đi đâu. Thầy nói thầy đi vòng xuống mé sông coi có bán sách gì đặng đọc thì mua đọc chơi.

Vĩnh Xuân đi một hồi rồi trở về đưa cho mẹ một gói trà, còn một gói lớn nữa thầy để trên bàn viết. Thầy thay đồ rồi ra ngồi tại bàn viết mà mở cái gói lớn đó. Té ra trong gói chỉ có một khuông kiếng để lộng hình, chớ chẳng có vật chi khác. Thầy lấy giẻ lau kiếng sạch sẽ, rồi nới đem miếng lụa trắng của Cúc Hương viết hàng chữ nho mà để lại hồi năm trước đó, thầy để vào khuông kiếng và treo ngay trước mặt mà nhắm.

Vĩnh Xuân đương ngồi xem di bút của người bạn yêu quá vãng thì ông Kinh Lương bước vô. Ông thấy cái khuông kiếng lộng tấm lụa viết hàng chữ “Xá sanh nhi thủ nghĩa” dưới lại có hai chữ “Cúc Hương”. Hồi hôm ông dạy Vĩnh Xuân học đờn, chừng ông vô bà Kinh đã có thuật tâm sự của Xuân cho ông nghe, bây giờ ông thấy chữ viết trong tấm lụa đó thì ông hiểu, nhưng ông cũng cứ hỏi:

–         Thầy lộng kiếng mà treo câu chữ nầy làm chi vậy thầy thông?

–         Đó là di bút của người bạn học thân yêu với tôi đã quá vãng nên tôi lộng kiếng để kỷ nịệm, thấy chữ cũng như thấy người.

–         Mà di bút lại viết câu của Mạnh Tử như vầy, chắc người bạn của thầy muốn cho thầy hiểu ý nghĩa sao đó, chớ không phải vô cớ mà viết liều đâu.

Vĩnh Xuân lặng thinh, lấy cây đờn trao cho ông Kinh rồi lấy gói trà mới mua, tính bỏ trà chế nước cho khách uống. Ông Kinh cản mà nói mới uống trà vừa rồi nên không khát và mời Xuân lại nhà đờn chơi.

Hai người xách đờn đi qua nhà ông Kinh, đờn được một bản rồi, ông Kinh để cây đờn trên ván mà hỏi:

–         Thầy thông, nghe nói bà chị tính làm bánh mà bán, phải hôn ?

–         Phải. Má tôi nói ăn ở không thì buồn quá, nên tính kiếm công việc mà làm cho vui.

–         Tôi sợ coi không được.

–         Sao lại coi không được ? Lương ít quá, không đủ xài. Hôm trước tôi có hỏi thử ông Phó vậy chớ tôi làm việc mà ban đêm tôi được phép dạy riêng học trò hay không. Ông nói ngoài giờ hầu ai muốn học thì tôi dạy, không có luật nào cấm việc đó, dạy riêng năm mười đứa nhỏ trong nhà có hại gì đâu. Má tôi lên tôi nói cho má tôi hay, tôi phải dạy học ban đêm mới có đủ tiền mà sống. Má tôi sợ tôi mệt nên không cho: Má tôi nói để má tôi gói bánh ú bánh tét đếm cho bạn hàng họ đi bán, làm như vậy khỏe mà có lợi nhiều. Tôi sợ làm việc mà để cho mẹ mua bán thì trái luật. Tôi mới hói thử ông Phó, ổng nói tôi làm việc thì riêng phận tôi, còn cha mẹ mua bán thì riêng phần của cha mẹ. Ví như người ta đương làm nghề buôn bán, người ta cho con ăn học nó được vô giúp việc nhà nước rồi nhà nước bắt buộc người ta phải dẹp nghề buôn bán hay sao. Có vợ của người làm việc thì không được, vì sợ vợ cậy oai quyền của chồng mà cạnh tranh với bọn buôn bán khác. Mà nói chuyện buôn bán đây là mở tiệm lớn bán hàng hoá nhiều kìa, chớ lương ít, cha mẹ, vợ con làm bánh mà bán đặng kiếm lời cho đủ sống khỏi sanh tâm hối lộ, cái đó người ta khen lắm, ai mà cấm bao giờ.

–         Té la thầy có nói chuyện trước với ông Phó hay sao ?

–         Có. Hôm nọ rảnh, ổng nói chuyện chơi với tôi. Sẵn dịp tôi hỏi ông cho khỏi trái luật.

–         Hèn chi quan Huyện nói ông Phó nói thầy ăn lương không đủ sống, mà không chịu hối lộ, hôm nọ tính dạy học trò ban đêm đặng kiếm tiền thêm cho đủ ăn, rồi bây giờ lại tính để mẹ làm lánh mà bán. Ông Phó quyết định thầy làm mãn năm thế nào ổng cũng xin cho thầy lên chức đặng số lương tăng thêm 10 đồng nữa cho thầy đủ sống. Ông yêu thầy lắm. Trong nhà hầu ai cũng biết hết.

–         Có lẽ đó là hoa quả của những cây “Thanh cao chánh trực” tôi vun phân tưới nước hằng ngày, chớ có gì lạ đâu ông Kinh.

–         Thiệt như vậy. Không thèm đồng tiền phi nghĩa thì được kẻ yêu người chuộng. Thầy thông còn nhỏ mà biết chọn con đường thẳng ngay, xán lạn đặng tiến bước. Thầy giỏi quá. Vậy thì cần gì phải ăn hối lộ hay là phải cưới vợ giàu làm chi.

Vĩnh Xuân không nói nữa, lấy cây đờn ngồi tập đờn.

Cách ít bữa sau, bà Kinh tiến dẫn bà hương văn làm quen với chủ tiệm gạo đặng bà Hương văn mua nếp, rồi bà còn dắt chỉ tiệm cho biết mà mua đậu. Bà cũng chỉ vườn cho thím Tư Cam đi mua lá chuối đặng gói bánh mà bán.

Ban đầu bà Hương văn không dám làm nhiều. Bà gói 100 bánh ú, 20 bánh chưng với 5 đòn bánh tét mà đếm cho bạn hàng bưng đi bán thử. Mới bán vài bữa đầu, ai ăn cũng khen bánh ngon, nên bạn hàng bán một lát thì hết ráo. Họ kêu nài xin làm cho nhiều đặng có đủ bán tối ngày. Bà Hương văn phải gói thêm mỗi bữa tới 250 bánh ú rồi lần lần tới 300, còn hai thứ kia tốn nếp với nhưn nhiều, tự nhiên giá bán cao hơn nên khó bán, bởi vậy nên mỗi bữa chỉ gói có 30 bánh chưng với 10 đòn bánh tét.

Bán trong một tháng, bà Hương văn tính số lời đã lên 50 đồng, hết lo tiền xài thiếu hụt. Mà bà nhận thấy thím Tư Cam cực quá, khuya phân phát bánh cho bạn hàng xong rồi, thím phải qua vườn gánh lá chuối đem về. Bà Hương văn đi chợ mua cá thịt. Hễ thím Tư Cam về tới thì ráp vô bếp lo nấu ăn rồi còn vút nếp, nấu nhưn, phơi lá. Xế bà Hương văn bắt đầu gói bánh thì thím phải phụ với bà, rồi tối hấp bánh tới ba lò thì thím phải thức canh chừng lửa củi.

Bà Hương văn thấy bán bánh có lời nhiều mà thím Tư Cam thì cực quá, bà mới tăng tiền công của thím lên 5 đồng và biểu thím kiếm mướn giùm thêm một đứa nhỏ chừng 15 tuổi để phụ giúp thím như đi gánh nếp, gánh lá chuối, quét nhà, chẻ cúi, chụm lửa.

Thím Tư Cam thấy chủ nhà biết xét công lao của thím thì thím cảm nghĩa, nên thím nỗ lực gia công mà giúp chủ. Thím mướn giùm cho bà Hương văn một đứa con gái mỗi tháng 2 đồng. Đi gánh lá chuối thím dắt nó theo vài lần cho nó quen rồi sớm mơi thím giao việc đó cho nó, thím ở nhà đi chợ mua ăn thế cho bà Hương văn. Xế gói bánh thì thím tập gói. Nhờ có bà Hương văn chỉ biểu nên thím gói ít bữa rồi quen tay, thím gói lẹ làng và đễ coi.

Tuy bà Hương văn làm rần rộ như vậy, song bà biết sắp đặt cho việc làm có giờ, có khắc, nên trong nhà êm ấm, bộ bà khỏe ra. Tối hấp bánh thì có thím Tư Cam coi, nên bà cũng lại nằm nói chuyện đời với bà Kinh mà chơi thong thả.

Vĩnh Xuân nhờ cái nghề của mẹ giúp cho thầy khỏi bối rối về tiền bạc nữa, thì thầy khỏe trí, ban ngày đi làm việc cho nhà nước mà lãnh lương, ban đêm tập đờn, ngâm thi với ông Kinh, vui hưởng thú phong lưu, không thèm ghé mắt đến cuộc cạnh tranh danh lợi.

Thầy nhớ lời của ông Giáo Huân dặn, thầy kiếm xin hai thứ môn đem về trồng hai chậu để trước thềm. Đi ra, đi vô thấy hai chậu môn, thầy hay ngâm hai câu của ông Giáo Huân để nhớ khiếu quân tử:

Trung thông, ngoại trực, vô mạn vô chi

Thượng cái, hạ tàn, hữu văn hữu chất.

Mà ngồi lại bàn viết, thầy ngó bút tích của Cúc Hương đề câu “Xá sanh nhi thủ nghĩa” thì thầy áo não ngậm ngùi, tức cuộc đời hữu thỉ vô chung, thương bạn ngọc dám quyên sinh cho trọn nghĩa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.