Tơ hồng vương vấn
Chương 16
Trong sách nho có câu: „Thơ trung hữu kim ngọc“ nghĩa là trong sách có vàng có ngọc.
Người dụng tâm khuyến khích bạn trẻ phải ráng đọc sách nên mới viết ra một câu như vậy, họ không dè ý tứ câu trái ngược với nho giáo mà cũng không hạp với luân lý.
Môn đệ của Khổng Phu Tử kể đến số ba ngàn, cả thảy vì ham đạo đức, nghĩa nhân nên theo nghe giảng dạy, chớ đâu phải vì ham ngọc ngà, vàng bạc. Người đi học cứ mong hưởng giàu sang thì hèn quá, thấp quá. Nếu muốn có vàng ngọc cho nhiều thì ăn trộm, ăn cướp cũng có được cần gì phải học.
Ấy vậy khuyên bạn trẻ phải ham đọc sách, lại lấy vàng ngọc mà nhẹm thèm thì không hay ho chút nào hết.
Xúi bạn trẻ học giỏi cho đặng:
– Làm quan rồi bốc lột mà làm giàu chăng ?
– Hay là làm quan đặng cưới vợ giàu mà nhờ chăng ?
Không bao giờ ông Giáo Huân dạy Vĩnh Xuân mà nói đến câu „thơ trung hữu kim ngọc“ hay là câu „thơ trung hữu mỹ nữ“. Vĩnh Xuân ham học là vì nhà nghèo muốn thoát khỏi cảnh đói rách, và vì thấy mẹ cực nên muốn làm mà nuôi mẹ cho sung sướng tấm thân. Chỉ vì hai mục đích đó, sau lại còn bị Hia Mỹ khinh rẻ nữa, nên Vĩnh Xuân mới gia công mà học cho thành danh, chớ không phải học cho cao đặng để bốc lột, hoặc cưới vợ giàu.
Học thành công rồi, Vĩnh Xuân phải làm thông ngôn là bất đắc dĩ, rồi sau nầy còn phải cưới vợ giàu và đẹp đó cũng là bất đắc dĩ nữa. Vĩnh Xuân thất tình rồi ố tục, nên có muốn tiền nhiều, vợ đẹp là chi đâu. Làm tiệc thì thầy lập chí chánh trực thanh cao, ở nhà thì thầy cố tâm nuôi mẹ trọn đạo.
Vì muốn cho mẹ được vui lòng nên thầy phải vâng lời để mẹ lo vợ cho thầy, bởi vậy được vợ có sắc đẹp coi bộ thầy không biết vui mà thấy vợ đeo vàng nhiều dường như thầy hổ thẹn.
Đêm ấy vợ chồng Vĩnh Xuân đi ra nhà hàng dự tiệc của mấy ông mấy thầy đãi, chừng trở về nhà, Xuân để tấm hoành thêu trên bàn viết, thấy mẹ đương nằm trên bộ ván nhỏ thì bước lại hỏi:
– Má mệt hay không má ?
– Ối làm gì đâu mà mệt. Má dọn cái giường trong buồng để cho vợ chồng con ngủ. Má ngủ ngoài nầy.
– Làm vậy sao được má. Để con ngủ ngoài nầy mới phải chớ.
– Vợ chồng mới cưới phải ở trong buồng. Con thay đồ mà nghỉ đừng có cãi má.
Vĩnh Xuân không dám trái ý mẹ, vô trong thay đồ mát rồi để vợ nằm nghỉ, thầy trở ra bàn viết mở tấm hoành trình cho mẹ xem. Thầy ngồi ngó trân trân di bút của cúc Hương ngùi tưởng tình xưa, quên lửng duyên mới.
Bà Hương văn sợ con dâu mới nó buồn, bà phải nhắc Vĩnh Xuân đến hai lần, bà nói khuya rồi, thầy mới chịu đi nghỉ.
Sáng bữa sau, Vĩnh Xuân đi làm việc liền. Bữa phản bái, thầy nói để tan hầu về rồi sẽ đi chớ thầy cũng không chịu xin nghỉ.
Ông Kinh lại chơi, ông thấy tấm hoành ông dở ra mà xem. Ông đốc Vĩnh Xuân phải đóng đinh mà treo trên vách, vì của mấy ông, mấy thầy chúc tặng, nếu không treo thì người ta buồn. Ông kiếm trúc làm nuông rồi phụ với Xuân đóng đinh mà treo lên vách. Ông đọc bốn chữ „Sắt cam hảo hiệp“, Vĩnh Xuân day mặt chỗ khác, miệng chúm chím cười.
Con sen mà thím Tư Cam mướn dùm năm trước bây giờ nó đã hai mươi tuổi rồi, nhờ có bà Hương văn tập rèn nên nó đi chợ nấu ăn được. Bà Hương văn đã tăng tiền công cho nó lên bốn đồng.
Phản bái lại rồi, thím Tư Cam xin để cho thím gói bánh lại mà đếm cho bạn hàng. Bà Hương văn thường phụ gói bánh với thím. Cẩm Nhung thấy bánh ú gói cả đống, cô hỏi gói làm chi mà nhiều dữ vậy. Thím Tư Cam nói gói đặng đếm cho bạn hàng đem đi bán. Cẩm Nhung cười. Bà Hương văn nói: „Xuân làm việc lương không đủ ăn mà nó không thèm của hối lộ. Má với thím Tư phải chịu cực một chút, nhờ vậy nên mấy năm nay trong nhà khỏi thiếu hụt, mà Xuân cũng giữ được tánh thanh liêm“.
Nếu Cám Nhung là gái khôn ngoan, cao kiến, nghe mẹ chồng nói vậy cô hăng hái phụ công, như xếp lá hoặc trao dây, thì đờn ăn nhịp, nước xuôi dòng. Té ra nghe như vậy cô lại ngó lơ bỏ lên giường mà nằm. Thím Tư Cam liếc mà ngó bà Hương văn, thấy bà buồn thì thím nói: „Bà đi lên nhà trên nằm nghỉ để thủng thẳng tôi gói, có gấp gi đâu“. Bà Hương văn lặng thinh cứ ngồi tiếp gói.
Vĩnh Xuân đi làm thì Cẩm Nhung ở nhà ra vô buồn hiu. Bà Hương văn thấy vậy mới biểu Cẩm Nhung hễ nhớ nhà hay nhớ chị sui thì kêu xe kéo về thăm. Cẩm Nhung thừa ý mẹ chồng rộng rãi, cô về Chợ Cũ mỗi ngày, khi đi sớm mơi khi đi buổi chiều, có bữa cô xin về ăn cơm với mẹ.
Vĩnh Xuân hay mẹ cho vợ về thăm nhà hằng ngày, thầy không cản trở. Còn về phận thầy thì chúa nhựt mẹ thầy có nhắc thầy mới đi thăm mẹ vợ, mà qua thăm một chút rồi về, chớ không ở lại. Đêm nào cũng như đêm nấy, thầy cứ đeo theo ông Kinh làm thi hoặc đờn. Thứ bảy thì dắt nhau xuống khách sạn uống trà, đàm luận với cụ Huấn Trai.
Một bữa Cẩm Nhung thấy chồng ngồi nhìn di bút của Cúc Hương, cô cầm mà coi rồi hỏi lộng kiếng mấy chữ nho đó làm chi vậy.
Vĩnh Xuân nói mấy chữ nho đó có ý nghĩa nhiều lắm. Cô không tìm hiểu thêm, mà cô lại chỉ hai chậu môn để trước thềm mà hỏi:
– Sao anh không trồng bông, để trồng chi hai bụi môn xấu hoắc vậy ?
– Qua trồng môn đặng ra vô ngó thấy mà nhớ tư cách của người quân tử.
– Tư cách quân tử là cái gì ?
– Tư cách quân tử là thanh cao chánh trực kín đáo, được ở trên phải che chở cho dưới, ưa làm ơn mà cũng phải có oai, khi nên mềm thì mềm, khi phải cứng thì cứng.
– Em không hiểu. Mà những chuyện như vậy ở đâu trong bụi môn mà anh trồng đặng ngó.
– Em không có học, em hiểu sao nổi mà cắt nghĩa.
Thiệt vậy, một trắng với một đen khác nhau nhiều quá, một trời với một vực cách nhau xa quá, làm sao hiểu nhau được mà nói chuyện.
Vĩnh Xuân học nhiều mà bị thất tình chán nản nên thầy khinh thế ngạo vật, không ưa lòe lẹt, không ham bạc tiền, thầy thích bài văn cứng, ngón đờn tươi, thầy yêu cụm mây xanh, vừng trăng tỏ.
Chồng mang chứng bịnh chán đời, nếu vợ khôn ngoan sáng suốt dọ dẫm cho hiểu tâm hồn của chồng, biết đau khổ chỗ nào, rồi cậy sắc đẹp thiên nhiên, tỏ tình yêu thành thiệt lần lần chữa bịnh cho chồng, thủng thẳng khuyến dỗ chồng nếm thử lạc thú của thế gian, lâu ngày chầy tháng có lẽ chồng sẽ yêu thích mùi trần rồi khuây lãng chuyện xa xuôi mà vui sống với cảnh đời trước mắt.
Cẩm Nhung có sắc đẹp hơn Cúc Hương bội phần, mà tiền cô cũng có nhiều hơn. Nếu cô biết dùng nhân nghĩa mà gieo cảm tình cho Vĩnh Xuân thì chắc cô sẽ làm cho Vĩnh Xuân quên Cúc Hương mà dan díu với cô được.
Tiếc vì Cầm Nhung có sắc, có tiền mà không có trí. Ưng Vĩnh Xuân cô tưởng sắc với tiền của cô đủ dẫn Vĩnh xuân, cô chẳng cần lo cho mệt. Đã vậy mà học lực của cô chỉ biết đọc và biết viết chữ quốc ngứ mà thồi. Cô chưa nghe nói giáo dục gia đình, cô cũng chưa hiểu được luân lý xã hội. Từ bữa bà Chủ gả cô cho Vĩnh Xuân thì cả nhà từ bà mẹ xuống tới anh chị ai cùng nói cô sẽ làm „cô thông“ mà không cắt nghĩa cách làm cô thông là thể nào, cũng không ai dạy cho cô hiểu đạo làm dâu, đạo làm vợ, đạo làm mẹ đặng khi về nhà chồng biết thảo thuận, chừng sanh con biết chăm nom nuôi con, có lẽ tại cả nhà đều tưởng gái có sắc, có tiền thì chồng yêu, mẹ chồng chuộng, chẳng cần đạo nghĩa gì hết.
Khi bái từ đường đặng lên xe mà về nhà chồng, Cầm Nhung thầm tưởng cô sắp bước vào cảnh thiên đàng hoặc tịnh độ, cô sẽ vui như thần nữ, như tiên nga, vật gì cũng tươi cười, người nào cũng chiều chuộng. Té ra bước vô nhà cô thấy lúng túng chật hẹp, đồ đạc xấu xa, ván giường tệ lậu. Cô bắt đầu thất vọng. Mà chừng dòm thấy ông chồng nguội lạnh chớ không hăng hái, còn mẹ chồng phải gói bánh ú, bánh chưng mà bán mới có đủ cơm gạo để nuôi sống hằng ngày thì cô hết vui, lại có mòi hối hận. Làm cô thông là vầy đây hay sao ? Có vui sướng sang trọng gì đâu mà mẹ mình nong nả muốn cho mình làm cô thông, cô ký.
Vợ chồng Vĩnh Xuân khác nhau từ tâm hồn cho đến tham vọng. Trong vài mgày đầu thì Vĩnh Xuân đã nhận thấy rõ ràng. Vì sợ mẹ buồn nên thầy không nói ra, tính để thủng thẳng quen rồi thây sẽ tập cho vợ biết cái thiệt cao, thiệt quí, kẻo vợ còn lầm lộn cái thấp lại cho là cao, cái hay lại tưởng là dở.
Một đêm Vĩnh Xuân lại nói chuyện chơi với ông Kinh. Bà Kinh nói: „Bữa nay tôi có qua Chợ Cũ thăm bà chủ. Bà chủ nói cô thông về bển cô than bên nầy ngày đêm nằm tiu hiu, nên cô buồn quá. Sao ban đêm thầy không đắt cô đi chơi cho cô vui chút đỉnh vậy thầy thông?“
Vĩnh Xuân chau mày hỏi lại.
– Ở đây có chỗ nào vui đâu mà chơi ?
– Đi coi hát, hoặc đi thăm mấy thầy, hoặc đi xuống cầu tàu hứng gió.
– Bà thấy mấy năm nay tôi có đi chơi như vậy hồi nào đâu ? Thú vui của tôi là hòa đờn đàm luận, họa thi chơi với ông Kinh và ông Huấn Trai, hoặc nằm nhà đọc sách. Vợ tôi nó có biết vui với mấy thú đó đâu. Thú vui của nó có lẽ khêu gợi mối sầu cho tôi. nếu tôi dắt nó đi chơi cho vui, mà tôi phải ôm sầu ngồi chừ bự một bên, thì tội nghiệp cho tôi quá.
– Thôi thì thứ bảy, chúa nhựt vợ chồng đi lên Sài Gòn chơi.
– Tôi không có quen ai ở trên Sài Gòn, lên trển rồi chỗ đâu là nghỉ ?
– Nhà hàng thiếu gì. Cô thông có người chị thứ hai có chồng làm thầy giáo trên Sài Gòn. Thầy lên thăm rồi ở nhà chị vợ được chớ.
– Người ta ở phố chật hẹp. Mình tới làm nhọc lòng người ta.
– Nghe nói nhà cô hai Bình rộng rãi lắm. Vợ chồng ở tới hai căn phố lận. Đồ đạc tốt lắm.
– Theo ý tôi, nhà nào cũng không bằng nhà của mình, mặc dầu nhà họ tốt, nhà mình xấu. Ở nhà mình thì thong thả khỏi bị kềm chế.
– Nói như thầy vậy, thôi có ai đi chơi đâu; ai ở nhà nấy, không ai tới lui thăm ai hết.
– Phải đồng tâm, đồng chí với nhau thì tới lui mới có chuyện mà nói, chớ tới chơi với nhau mà mỗi người một thế, không hòa hiệp với nhau, tôi sợ sanh cuộc cãi lẫy, có vui gì mà tới. Tôi tưởng nên tránh trước thì tốt hơn.
– Nầy, bà Chủ còn trách thầy, bà nói sao thầy ít qua Chợ Cũ quá.
– Má tôi cho vợ tôi về thăm hằng ngày, tôi còn qua nữa làn chi. Tôi mắc làm việc, tôi đi với vợ tôi sao được. Chúa nhựt nào rảnh tôi mới đi thăm. Tôi tưởng xử như vậy cũng đủ lễ. Theo cách xã giao, không nên thiếu, là cũng không nên dư. Thiếu thì lỗi, còn dư thì nhục. Làm sao cho vừa trúng lễ.
Ông Kinh xen vô khen: “Thầy nói như vậy tôi chịu lắm. Ai hay thầy cưới con bà Chủ cũng khen thầy có phước, nghèo mà học giỏi nên được nhà giàu kêu gả con. Nếu thầy tới lui thường quá, thì chẳng khỏi người ta nói bợ đỡ đặng nhờ nhõi. Tôi biết tánh ý thầy. Thầy cưới vợ là vì hiếu chớ không phải vì tiền. Nhưng thiên hạ họ có hiểu như tôi vậy đâu. Họ mê tiền rồi họ tưởng ai cũng như họ vậy hết”.
Vĩnh Xuân cười mà nói: “Xin lỗi ông bà, tôi không dám nói phách với ông bà, ở đời tôi đã lập chí vững vàng, tôi cứ theo đó mà xử sự. Tôi không sợ ai chê, mà cũng không cầu ai khen, vì lời chê khen đời nầy không đúng chánh nghĩa. Họ hay tôi cưới vợ giàu, họ cho tôi có phước, họ có hiểu phước là gì đâu. Họ tưởng tiền nhiều đó là phước, họ không dè lắm khi tiền nhiều là họa. Ông bà lớn tuổi lịch lãm việc đời, tôi chắc ông bà đã từng thấy họa phước vần xây, ông bà không cho tôi nói điên”.
Ông Kinh nói: “Thầy nói đúng lắm chớ. Lợi danh như mây nổi, mới thấy đó rồi mất đó, có chắc chắn gì đâu. Duy nhơn nghĩa, duy đạo đức mới bền dai, mới đáng kể”.
Bà Hương văn với Cẩn Nhung bước vô. Bà Kinh vui vẻ tiếp mừng và mời đi thẳng lại ván ngồi chơi. Bà nói: “Tôi cằn nhằn thầy thông nãy giờ. Có vợ mà không chịu dắt vợ đi chơi, cứ bó rọ ở nhà, coi bộ cô thông cổ buồn”.
Bà Hương văn nói: “Thiệt nó như con gái, đi làm về cứ lục đục ở nhà, hoặc đi lại đằng nầy chơi với ông Kinh, không chịu đi đâu hết.
Ông Kinh cười và nói: “Tôi thấy có thầy ham đi chơi quá, đêm nào cũng đi, có khi đi tới hai ba giờ khuya mới về, thì vợ cằn nhằn. Thầy thông không đi đâu hết nên thẩy cũng bị trách sao không đi, thì thẩy mới biết làm sào cho vừa lòng được. Tôi tưởng cô thông mà gặp người chồng không chịu đi chơi đó là may mắn lắm, cô thông không nên buồn”.
Bà Kinh cãi:
– Đi chơi với vợ có hại gì đâu, chớ phải đi một mình, đi ta bà hay sao mà vợ cằn nhằn.
– Ban đầu đi với vợ; đi quen chưn rồi bữa nào vợ bận việc thì đi một mình, đi riết rồi tự nhiên sanh chuyện.
– Đi chơi đàng hoàng thì thôi, tại đi bậy ba mới sanh chuyện.
– Ai đi chơi cũng nói chơi phải, có ai chịu nhận mình chơi bậy đâu. Chừng đổ bể rồi mới té nghiêng, té ngửa.
– Ông khéo kiếm chuyện binh thầy thông.
– Không phải tôi binh. Tôi sợ hậu quả của sự ham đi chơi nên tôi nói ngay ra chớ. Theo tôi hễ có vợ thì ở nhà vui thú gia đình tốt hơn là kiếm thú vui khác.
– Đàn ông biết đờn, biết làm thi, biết đọc sách thì ở nhà chơi với mấy thú đó khỏi buồn. Còn đàn bà không biết mấy việc đó, ăn rồi nằm co buồn thúi ruột.
– Đàn bà không biết hòa đờn làm thi, thì thêu giày, thêu gối, may áo, may quần, làm mứt, làm bánh cũng vui vậy cần gì phải đi chơi.
Bà Hương văn hiểu ý ông Kinh muốn dạy dâu bà về nữ công, nữ hạnh, nên bà hưởng ứng tiếp nói: “Ý tôi giống ông Kinh. Đàn ông hay đàn bà cũng vậy, đi chơi vô ích mà có khi lại sanh hại. Nếu mệt trí, mệt xác lắm thì mới đi chơi một chút đặng giải khuây vậy thôi. Đi thường quá, đi đặng bẹo hình, bẹo dạng, khoe áo khoe quần, làm như vậy thì không nên”.
Vĩnh Xuân bước lại lấy cây đờn kìm ngồi đờn. Ông Kinh nghe một hồi, ông ngứa nghề nên lấy ống tiêu thổi hòa theo, tiếng kìm thanh tao, tiếng tiêu giéo giắt, làm cho hai người bộ sung sướng như ngồi trên mây bay theo gió, giũ sạch cả hồng trần, trút hết bầu tục lụy.
Hai người hòa đờn với nhau một hồi rồi uống nước trà mà luận việc đời.
Bà Hương văn thấy Cẩm Nhung buồn ngủ, bà mới dắt dâu mà về để Vĩnh Xuân ở lại nói chuyện với ông Kinh.
Nhờ cơ hội thuận tiện, bà Kinh nới nói với Vĩnh Xuân:
– Thầy thông thấy hôn ? Cô thông buồn quá. Hồi cô chưa có chồng, tôi với chị Hương văn qua thăm bà Chủ thì cô vui vẻ, nhặm lẹ lắm, chớ có phải ngồi bí sị như bây giờ đâu. Thầy phải làm cho cô vui mới được.
– Tôi biết làm sao bây giờ ? Vợ chồng tôi không giống nhau ở chỗ nào hết, tâm chí bất đồng, học thức bất đồng, giáo dục cũng bất đồng, bởi vậy cái tôi vui thì vợ tôi không thể thích. Có lẽ tại vậy nên vợ tôi buồn. Mà lại còn nhiều cớ khác nữa làm cho nó chán nản, không thể nào vui được. Thuở nay nó sanh sống trong một tòa nhà nguy nga lộng lẫy, nó quen hưởng sung sướng cao sang. Về nhà tôi nó thấy cái cảnh chật hẹp bần hàn, chỗ ngủ không được ấm êm, bữa ăn không có mỹ vị, má tôi phải gói bánh là bán mới đủ nuôi sống trong gia đình. Hồi ông Kinh dắt lôi đi coi vợ rồi về, bà hỏi tôi đành hay không. Tôi trả lời liền, tôi nói không được, một là vì cô đẹp quá lại nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, hai là vì cô là con nhà cự phú, không thể vợ chồng hiệp hòa với nhau được. Ông bà viện đủ lý lẽ mà bác hai cái thuyết của tôi. Ông bà cứ nói người ta đẹp và nhỏ mà người ta ưng mình, người ta giàu có mà người ta chịu gả, thì mình sợ gì mà không dám cưới. Tôi sợ hai điều: một là vợ tôi thất vọng rồi nó buồn, hai là vợ tôi khinh rẻ mẹ con tôi. Điều thứ nhứt tôi sợ đó đã phát hiện rồi. Vợ tôi thấy nhà tôi nghèo nên nó buồn. Còn điều thứ nhì nữa, nếu điều đó mà phát hiện thì chắc chắn hết mong sum hiệp, bởi vì tôi không thể để cho ai được khinh rẻ tôi hoặc má tôi.
Bà Kinh nghe lời Vĩnh Xuân nói chí lý, giọng thầy cương quyết bộ thầy nghiêm trang, bà kính nể lại thêm bối rối, nên không dám cãi đùa.
Ông Kinh thấy vậy mới nói: „Hồi bà nó nói chuyện con gái út của bà Chủ, vợ chồng tôi có thể làm mai cho thầy được, tôi xuôi thuận tôi còn đốc vô, tôi dắt thầy đi coi, là vì tôi tưởng bà Chủ có qua nhà thầy mà thăm chị Hương văn, bà biết gia đạo của thầy. Nếu bà chịu gả con cho thầy thì chắc bà ái mộ tài đức của thầy, bà không kể sự giàu nghèo, Trước khi cho cưới, bà phải nói trước bề ăn ở của thầy cho con bà biết, rồi bà đặn dò con, bà dạy con về nhà chồng phải làm sao cho chồng cảm, mẹ chồng yêu. Nếu bà chủ có dạy trước, hoặc nếu cô Cẩm Nhung là gái khôn ngoan thì cô dễ làm cho bên chồng mến đức, cảm tình quá. Tại tôi nghĩ như vậy nên tôi mới hăng hái làm mai đốc cưới. Bây giờ cô Cẩm Nhung buồn, chắc tại bà Chủ không có dạy khôn cho con. Cô Cẩm Nhung ưng có lẽ cô tính cô sẽ làm cô thông, vợ của thầy thông ngôn đứng bàn quan lớn. Cô sẽ sang trọng, được tổng làng kính nể. Té ra về nhà chồng, cô không thấy ai kính nể gì hết, chỉ thấy nhà cửa lôi thôi, bạc tiền eo hẹp, làm sao mà cô không buồn. Tôi với bà nó đứng làm mai, vợ chồng mình có trách nhậm. Vậy mình phải lo bồi bổ chỗ thiếu sót, sửa chữa chỗ lầm lạc, soi sáng chỗ tối tăm. Tôi mắc làm việc, lại đàn ông khó nói chuyện với đàn bà. Bà nói dễ hơn tôi. Bữa nào tôi với thầy thông đi làm việc, bà nó ở nhà mời cô thông lại, rồi thì thầm cắt nghĩ việc đời cho cô hiểu. Phải nói tánh tình của thầy thông là tánh tình thanh cao, hiếu nghĩa, ngay thẳng, nhơn từ, không ai bì kịp, vì vậy nên thầy mới được mọi người kính mến. Cái nghèo của thầy thông thơm tho quí báu, ai muốn đem cái giàu mà đổi thầy cũng không thèm đổi đâu. Có được người chồng học giỏi, khôn ngoan, thanh liêm, chánh trực như thầy, thì cô có phước lớn, chớ không phải thầy cưới được người vợ nhà cao, vườn rộng, nhiều lúa, nhiều tiền như cô mà thầy có phước đâu. Cô phải dụng tình dụng nghĩa mà chinh phục mến yêu của thầy, không nên thấy nhà chồng nghèo mà buồn rầu, khinh rẻ. Bà nó cũng qua Chợ Cũ mà cắt nghĩa cho bà Chủ nghe, khuyên bà hễ cô thông có về thăm thì bà dạy dỗ cô, dạy cho cô quí trọng, chiều chuộng chồng với mẹ chồng cho trọn đạo người vợ hiền, con dâu thảo“.
Bà Kinh hứa bà sẽ gia công cắt nghĩa chỗ cao chỗ thấp cho cô Cẩm Nhung với bà chủ Thiệu hiểu, bà sẽ gắn cho khít mấy chỗ hở, hâm cho ấm tâm tình của đôi bên.
Vĩnh Xuân nói: „Hổm nay nằm ngó tấm hoành của mấy ông, mấy thầy chúc tặng tôi thì tôi bắt tức cười. Thêu bốn chữ „Sắt cần hảo hiệp“ coi như thế không trúng. Phải mướn thêu „Sắt cầm lỗi nhịp“ thì trúng ngay“.
Ống Kinh cười mà cãi.: „Chúc tặng thì phải chúc việc tốt, chớ lẽ nào mà chúc việc xấu cho được. Mà dầu có lỗi nhịp thì mình sửa chữa, mình gia công tập luyện một ít lâu rồi nó sẽ ăn nhịp chớ có khó gì đâu. Ban đầu chưa quen tự nhiên kèn trống phải chinh lịch. Chừng quen rồi sẽ ăn rập chớ gì“.
Bà Kinh nói: „Tôi sẽ rán làm cho ăn rập“.
Vĩnh Xuân nói: „Nhạc sư rán tập luyện mà người cầm đờn cũng phải quyết chí, thì có lẽ mới thành công. Chớ bà sốt sắng dạy mà môn đệ không sốt sắng tập, thì không có hiệu quả chi hết“.
Ông Kinh nói: „Để thủng thẳng coi. Không nên bi quan”.
Vĩnh Xuân về nghỉ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.