Vợ chồng Vĩnh Xuân về Cần Thơ, chồng biết chắc kiếp trước của vợ, còn vợ hiểu được tình nghĩa của chồng, thì trong gia đình vui vẻ đạo xướng tuỳ, thảo thuận niêm mẫu tử. Nào có dè vợ chồng lên xe đi khỏi nhà ông Giáo Huân rồi, thì cả chợ Giồng Ông Huê thiên hạ xôn xao, nhứt là trong giới đàn bà, người ta bàn luận đủ cách về con gái của Hia Mỹ cũng tưởng chết. Té ra còn sống nhăn, sống mà lại được làm vợ ông Phủ, đi xe hơi, sang trọng hết sức. Người nầy nói vầy, người kia cãi khác, mỗi người một chuyện riêng không phù hiệp với nhau, bởi vậy mới gây ra một cuộc tranh biện sôi nổi.
Có người tính hòa giải nên nói vợ chồng Vĩnh Xuân về ở mấy bữa, ở tại nhà ông Giáo Huân, có lại thăm và ăn cơm nhà Hai Tỷ, lại có bà Mỹ, là mẹ con Tư, đến đó, mẹ con gặp nhau nữa. Vậy nếu muốn biết rõ sự thiệt thì phải hỏi: bà Mỹ, thím Hai Tỷ với bà Giáo Huân tự nhiên phải biết được.
Có người chụp cái thuyết đó mà cãi: “Mấy chị thấy rõ chưa ? Ta nói không phải con Tư mà. Nếu vợ ông Phủ đó là con Tư, thì sao vợ chồng về đây không ở nhà Hia Mỹ, lại ở trên ông Giáo Huân ? Bao nhiêu đó đủ biết rồi”.
Một người khác cãi: “Tại hồi trước ép gả nó cho con Thôn Khoa, nó giận, nên bây giờ nó không thèm tới nhà chớ sao. Bà Mỹ lại nhà hai Tỷ khóc lóc năn nỉ hết sức mà nó cũng không chịu về.
Năm ba người đi lại nhà bà Mỹ hỏi bà Phủ về đó có phải là con Tư của bà hay không. Bà Mỹ: “Tôi nghe người ta đồn con Tư hồi trước làm bộ uống giấm với á phiện giả chết đặng chôn nó rồi có người cạy hòm đem nó đi giấu, sau mới gả nó cho con bà Hương văn Thanh. Vì vậy, nên bây giờ vợ chồng nó mới về đó. Tôi đi kiếm tôi coi phải không. Tôi gặp đủ vợ chồng ở nhà Hai Tỷ. Thiệt cô Phủ giống hệt con Tư tôi năm nó chết đó, giống mặt mày, tay chưn, bộ đi, tiếng nói, cái gì cũng giống hết thảy, nhưng tuổi nhỏ quá. Tôi hỏi thì cô nói mới 18 tuổi. Nếu con Tư tôi còn sống thì năm nay nó 39 tuổi, chớ đâu mà nhỏ như vậy được. Cô không biết tôi. Tôi hỏi ông Phủ cưới vợ ở đâu thì ổng nói cưới con Hương nhì nào ở bên Cần Thơ, mới cưới hơn một tháng nay. Vậy thì đâu phải con Tư mà mấy chị hỏi”.
Mấy chị ra về mà không chịu tin, nói rằng bà Mỹ kiếm con năn nỉ biểu nó về nhà, nó giận nó không thèm nhìn mẹ con, rồi mắc cỡ nên bày chuyện nhỏ tuổi, con Hương nhì, Hương nhứt đâu bên Cần Thơ đặng đỡ xấu.
Có mọt tốp đàn bà lại nhà Hai Tỷ mà hỏi gốc tích cô Phủ đó. Hai Tỷ nghĩ vợ chồng ông Phủ Vĩnh Xuân đã đi lên Sài gòn rồi, không cần phải giấu nữa, nên chị nói thiệt: “Cô Phủ đó kiếp trước là con Tư, nhưng kiếp nầy không phải. Con Tư chết rồi nó đầu thai vào nhà ông Hương nhì bên Cần Thơ. Ông Phủ thấy giống con Tư hồi trước nên ổng xin cưới. Sự thiệt là vậy đó. Cô nầy tên Hưởng. Tiền kiếp là con Tư. Vì con Tư có duyên nợ với Vĩnh Xuân, kiếp trước bị vợ chồng Hia Mỹ ham giàu làm cho nó giận mà tự tử, nên Trời khiến kiếp nầy hai người gặp nhau đặng phối hiệp với nhau”.
Hai Tỷ cắt nghĩa rành, nhưng mấy chị đàn bà có biết nhân duyên, có hiểu luân hồi gì đâu mà mấy chỉ tin. Mấy chỉ mới đi hỏi vợ chồng ông Giáo Huân.
Ông Giáo sẵn ghét thói ham bạc tiền của vợ chồng Hia Mỹ, nên vừa nghe hỏi thì ông nói liền: “Cô Phủ Vmh Xuân, dâu cua bà Hương văn Thanh đó, là con gái của Hia Mỹ chớ ai. Tại hồi trước vợ chồng Hia Mỹ rúng ép con tầm bậy, nên bây giờ nó không thèm nhìn cha mẹ chớ có gì đâu”.
Ông Giáo là người kỳ lão, lại có danh học giỏi. Nghe ông nói như vậy thì những người quả quyết cô Phủ là con Tư, họ thỏa mãn, khoe mình không nói lầm, còn những người bên phe nghịch thì không dám cãi mạnh nữa.
Lần lần lời mạnh mẽ của ông giáo Huân nhờ phép truyền khẩu của quần chúng nên được lưu thông khắp trong chợ, ngoài đồng, làm cho mọi người đều khinh bỉ vợ chồng Hia Mỹ ngu muội, ham giàu bỏ mất đứa con gái, bây giờ nó có chồng làm tới quan Phủ rồi nó không thèm nhìn cha mẹ, trở về xứ nó không chịu bước chưn tới cửa.
Ở chợ Giồng ông Huê dư luận rộn rực rồi phê bình cử chỉ của vợ chồng Hia Mỹ rất nghiêm khắc như vậy, mà bà Hương văn Thanh với quan Phủ Vĩnh Xuân ở xa nên không hay gì hết.
Mà hay làm chỉ ?
Bà Hương văn Thanh đương vui sống mà thấy cô dâu mới của bà là Hưởng nầy khác hẳn với cô dâu trước là Cẩm Nhung; cô dâu mới biết chăm nom trầu cau, trà bánh cho bà, biết lo miếng ăn chỗ ngủ cho bà, ban ngày chồng mắc làm việc hễ thấy bà buồn thì lấy truyện đọc cho bà giải khuây, hễ thấy quần áo của Vĩnh Tân có dơ thì góp biểu thằng Ca giặt ủi sạch sẽ cho em bận đi học. Đã lo cho mẹ chồng, mà còn biết lo cho con chồng, cái đó làm cho bà cảm động hơn nữa.
Có đêm bà Hương văn nằm một mình trong phòng bà văng vẳng nghe tiếng Vĩnh Tân học bài phía bên kia, rồi nghe Vĩnh Xuân đờn réo rắt ở từng dưới, bà sung sướng mà nhận thấy cảnh đời lao khổ của bà hồi ở chợ Giồng bây giờ nó biến ra cảnh đời thần tiên. Bà hết ở chòi lá, tối gói bánh sáng ra chợ ngồi bán. Bây giờ bà được ở nhà lầu, ngủ nệm ấm, chung quanh có con thảo, có dâu hiền, lại có cháu nội thương yêu dan díu. Bà nhớ hồi trước hay Cúc Hương chết bà có than không thế nào bà cưới con dâu khác mà nó biết thương bà như Cúc Hương. Có lẽ lời than ấy thấu tới tai Cúc Hương nên nàng trở lại với bà cho bà hưởng hạnh phúc lúc già cả.
Còn Vĩnh Xuân từ ngày đi Gò Công về, ông biết chắc cô Hưởng là hậu kiếp của cúc Hương thì ông yêu quí cô không giới hạn, yêu quí người ơn mà cũng là người nghĩa vì Cúc Hương đã giúp cho ông lập thân danh, mà còn giữ nghĩa với ông toàn vẹn.
Được chồng yêu chuộng, cô Hưởng đã không nhõng nhẻo như hạng gái tầm thường, trái lại cô càng lo phụng sự chồng hết lòng, lo sắp đặt áo quần, lo tài bồi tâm trí. Ban đêm hễ Vĩnh Tân lên lầu mà học và bà Hương văn đi nghỉ, thì cô Hưởng bổn thân đi chế một bình trà ngon bưng để trong thơ phòng cho chồng.
Còn Vĩnh Xuân đêm nào ông cũng biểu vợ vô thơ phòng nằm chơi với ông. Ông lấy tập thi phú của ông làm, ông biểu vợ đọc lại cho ông nghe, rồi có lúc ông ngâm nga một bài, có lúc ông đờn chơi vài bản. Vợ chồng âu yếm, tình nghĩa mặn nồng, vợ chồng ông sống với chuỗi ngày đầm ấm, thuận hòa, sống với cảnh đời thung dung trong sạch.
Vì ở Cần Thơ, Vĩnh Xuân chưa gặp được bạn cầm thi mà đàm luận, nên ông xem người vợ cũng như tri âm.
Một đêm Vĩnh Xuân ngâm chơi một bài thi của cụ Phan Lương Khê rồi ông hỏi vợ:
– Mấy tháng nay em đã học hết tập thi của qua hay không ?
– Em đọc đi đọc lại đến mấy lần. Có nhiều bài em thuộc lòng nữa, chớ em ở nhà có làm gì đâu. Em đọc hoài tối ngày.
– Tâm hồn của qua phát hiện rõ ràng trong tập thi đó. Theo ý em thì tâm hồn của qua cao thấp thể nào. Qua muốn em phê bình cho qua nghe thử coi.
Cô Hưởng ngó chồng mà cười.
Vĩnh Xuân cứ theo nài nỉ vợ phải phê bình tâm chí của ông.
Cô Hưởng nói:
– Em không biết làm thi, em cũng không có học chữ nho. Còn chữ Pháp thì em đọc lem nhem chưa biết chỗ thâm thúy. Em đâu dám phê bình văn chương nhất là văn chương và tâm chí của anh đã được người ta yêu mến tán tụng lung lắm.
– Để qua nói tâm chí của qua cho em hiểu đặng em phê bình. Qua sanh trưởng trong nhà bần hàn. Nhờ Cúc Hương trưởng chí và giúp tiền cho qua nên qua mới ăn học được. Qua đi học với mục đích học cho giỏi, lập cho được thân danh đặng thoát khỏi cái khổ nghèo hèn, mà lên cái địa vi khá khá nuột chút. Thiệt hồi nhỏ qua muốn theo học nho học hơn tân học, ngặt ai cũng nói đời nay nho học vô dụng. Ai cũrg xúi qua phải đi đường mới, Cúc Hương cũng đồng ý đó. Chẳng dè qua học nửa chừng thì Cúc Hương chết đi. Qua chán nản muốn bỏ vì qua có mẹ già nghèo khổ, lại thêm Cúc Hương chết mà cứ theo căn dặn phải học cho đến cùng, gởi tiền lại đủ cho qua ăn học, nên qua phải rán. Khi học thành công rồi, qua lãnh chức thông ngôn, ký lục, qua quyết chí tu tâm dưỡng tánh, qua lấy “thanh cao chánh trực” làm căn bổn, làm thầy làm quan thì thẳng ngay, trong sạch, không hối lộ, không bóc lột, không hà hiếp, không dua bợ, không nịnh hót. Ai hung dữ tham lam mặc ai, qua cứ giữ hiền lương nhân nghĩa. Được làm quan mà qua không cần phải giàu tiền bạc như người ta, qua chỉ muốn vui thú phong lưu trong sạch, bởi vậy qua học đờn để dưỡng tâm, tập làm thi để ngôn chí. Qua ghi rõ tâm chí của qua trong tập thi đó. Qua muốn biết coi ý em có hiệp hòa với tâm chí của qua không ?
– Nếu em nói thì em phải nói ngay. Mà nói ngay thì sợ anh cho em không đồng tâm, đồng chí.
– Không phải vậy. Thuở nay qua tôn trọng lẽ phải. Nếu em nói đúng với lẽ phải thì qua phải kính phục em chớ.
– Anh tu tâm dưỡng tánh, anh lấy bốn chữ “thanh cao chánh trực” làm chủ đích thì hay lắm. Anh vui chơi thì anh học đờn, tập thi, đặng nếm thú phong lưu, cũng hay nữa. Còn làm thầy, làm ông thì anh ghét bốc lột, hống hách, anh không chịu làm như thiên hạ, anh muốn nghèo mà sạch sẽ, chớ không muốn giàu mà dơ dáy, cái đó đáng khen thiệt. Đọc hết thi vãn của anh, tuy em thiếu học, song em cũng như người khác, em nhận thấy tâm hồn ngược đời, thoát tục của anh phát hiện một cách rõ ràng. Nhận thấy rồi, tự nhiên em cũng ngợi khen kính trọng anh như người khác. Nhưng mà …
– Nhưng mà … sao nữa ? Em cứ nói ngay ra. Không hại gì đâu mà em ái ngại, nên không dám nói cho hết lý.
– Em nói thì anh đừng buồn nghe hôn. Có vậy thì em mới dám nói.
– Không. Qua không buồn đâu. Dầu tâm chí của qua có chỗ nào dở, em dòm thấy, em chỉ cho qua biết, đặng qua sửa đổi lại, thì qua suy nghĩ mà liệu định. Vợ chồng ta sẽ bàn luận mà tổ chức một cảnh đời hoàn toàn cao vọi để sống chung với nhau, vậy thì càng hay chớ có sao đâu mà buồn.
– Nghe giọng đờn của anh, rồi đọc thi văn của anh nữa, em nhận thấy mang tâm hồn bi quan nặng nề, nên anh giữ tánh khí thụ động vững chắc. Anh là người đa sầu, đa cảm, nên từ ngón đờn đến câu văn, thảy đều là giọng than khóc, tiếng ưu phiền. Nghe giọng đờn của anh thiệt em muốn chết cho rồi. Đọc bài văn của anh thiệt em thắt thẻo gan ruột. Anh nghĩ coi, đờn mà cứ “ai” cứ “oán” thì làm sao mà vui được, làm sao mà phấn khởi chí khí, để mạnh dạn cạnh tranh đặng tiến bước với thiên hạ. Còn tả cảnh thì anh tả “Trăng lu lờ”, “Đêm mưa rỉ rả”, “Tiếng dế ngoài hiên” thì như vậy, hễ đọc thì rũ riệt tinh thần, tiêu tan hăng hái hết.
Vĩnh Xuân ngồi chăm chỉ nghe. Thấy cô Hưởng ngừng thì ông biểu:
– Còn thấy gì nữa, em cứ nói hết đi mà.
– Em nhớ trong sách cũ có những câu văn như “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” như “Nắm tay nhau lên chốn võ đài cho rõ mặt anh hùng thế giới”. Văn phải mạnh mẽ như vậy, người ta đọc mới phấn khởi được chớ. Em dốt, em không biết chỗ cao xa, em thấy sao thì em nói vậy. Nếu em nói bậy thì anh dạy giùm cho em biết cái hay của âm nhạc cái cao của văn chương, đặng ern thưởng thức với anh.
– Không. Tuy ý của em khác với ý của thiên hạ, song em chỉ trích mấy điểm đó thì trúng lắm, chớ phải nói bậy đâu.
Cô Hưởng vô tâm hay là hữu ý không hiểu, mà cô đâm ngay cây dùi nhọn trúng cả gan ruột của Vĩnh Xuân, làm cho ông châu mày nhăn măt. Ông bước lại bàn ngồi rót uống vài chung trà rồi chống tay lên trán mà suy nghĩ.
Ông ngồi trầm ngâm một hồi rồi kêu cô Hưởng biểu lại ngồi cái ghế ngay mặt ông và ông nói:
– Thuở nay qua chưa hề nghĩ tới những điều em mới nói đó. Qua lấy làm đau khổ về non sông sụp đổ, quốc gia tiêu vong, nước mất dân nguy, hoa sầu cỏ héo. Vì qua có học chữ nho nên bước chân vào đường đời, qua đã buồn về việc đó, mà lại còn buồn thêm nỗi rời rã tình duyên nữa. Chắc là tại cái buồn dồn dập ấy un đúc tâm hồn qua đa cảm, đa sầu, coi cảnh đời tối đen, đường đời bít chịt, thành thử qua có đầu óc bi quan, rồi nó phát hiện ra câu văn, giọng đờn, nên em mới thấy được. Mà em thấy cái thuở nay các bạn cầm thi của qua chưa ai thấy, thiệt qua khen em lắm, khen trí sáng suốt đó.
Từ đây Vĩnh Xuân càng yêu quí cô Hưởng hơn nữa, yêu quý vì cô học ít mà thông minh.
Đêm nào cũng vậy, hễ ăn rồi vợ chồng đi ngoài sân chơi ít vòng rồi rút vô thơ phòng uống trà đọc sách, hoặc bàn luận việc đời, hiệp ý đồng tâm, trên hòa dưới thuận.
Vĩnh Tân học mãn niên khóa thi đậu bằng sơ học. Nhà nước đã có tính mở rộng trường Cần Thơ ra làm trường trung học, nhưng nhà cửa mới bắt đầu cất, có lẽ một năm nữa mới mở dạy được.
Không lẽ bắt Vĩnh Tân nằn không mà chờ, nên Vĩnh Xuân phải làm đơn xin cho con thi vào trường Trung học Mỹ Tho.
Năm nay bà Hương văn đã già yếu đi xa không tiện, nên Vĩnh Xuân viết một phong thơ cho anh vợ, là ba Khai, hay trước, cậy chăm nom giùm cho Vĩnh Tân thi, rồi sai thằng Ca cầm thơ đưa Vĩnh Tân qua mỹ Tho.
Vĩnh Tân thi đậu nữa.
Vĩnh Tân học trường Mỹ tho gần mãn năm thì cô Hưởng sanh được một đứa con trai. Bà Hương Văn mừng quá, Vĩnh Xuân đặt tên là Vĩnh Thái.
Tới bãi trường, Ba Khai bổn thân đưa Vĩnh Tân về, đặng thừa dịp qua thăm bà Hương văn và mừng cho vợ chồng ông Phủ mới được thêm con trai nữa.
Tối lại Ba Khai mới tỏ với bà Hương văn và Vĩnh Xuân rằng Vĩnh Tân thấy vài anh em bạn được cha mẹ cho qua Tây mà học. Nó nôn quá tỏ ý muốn đi. Ba Khai dòm thấy ý mẹ con bà Hương văn dụ dự, mới nói tiếp: “Má tôi thấy cháu ham học, lại nghĩ dượng Phủ mới được thêm một đứa cháu nữa, nên má tôi biểu tôi thưa với bác và dượng Phủ vui lòng cho cháu Tân xuất đương du học như chúng bạn. Má tôi nói cháu ngoại hay cháu nội cũng là cháu, vậy má tôi xin cho phép má tôi chịu các học phí của cháu, dượng Phủ khỏi lo việc đó. Phận tôi thì tôi có tới ba đứa con gái mà không có con trai. Vậy tôi cũng phụ nuôi cháu Tân ăn học cho đến cùng đặng ngày sau cháu khỏi thua sút thiên hạ”.
Vĩnh Xuân đã có ý muốn cho con qua Pháp mà học nên không phản kháng.
Bà hương văn đã có thêm một đứa cháu nội nữa trong nhà nên bà dục dặc rồi cũng để cho Vĩnh Tân đi.
Vì vậy nên trong lúc bãi trường nầy Vĩnh Tân được đi Tây mà học, qua cho kịp khai trường dạy về niên khóa mới.
Cách sáu năm sau, Vĩnh Tân có bằng tú tài rồi và đã thi đậu được vào học trường bách nghệ kỹ thuật.
Saigon, 24-6-1955
CHUNG