Tay không gây dựng cơ đồ
Chương 3: Cưỡng lại số phận
Việc tiếp cận khách hàng là các công ty lớn của Nhật không dễ như đi bán lạc rang thuở nào của tôi. Lúc này tôi đã bắt đầu hiểu ra rằng văn hóa và tập quán làm ăn của người Nhật rất có quy củ, thứ tự trước sau rất phức tạp và rắc rối.
Nhưng điều đó không làm cho tôi chùn bước hay mất tinh thần, cùng lắm thì tạm rút lui để lấy sức, củng cố lực lượng và chờ đến ngày lớn mạnh hơn hoặc có cơ hội sẽ quay lại cũng không muộn. Bởi vì lúc này tôi chẳng có gì trong tay để thuyết phục bất cứ một công ty Nhật nào chấp nhận.
Đồng thời tôi cũng có ý nghĩ khác. Tôi thử liên hệ với các công ty của Đài Loan và Hồng Kông, vì hình như các công ty này dễ dàng hơn trong việc chấp nhận các đối tác là công ty nhỏ, mới thành lập như công ty của tôi mà không phải điều tra tìm hiểu nghiêm ngặt như các công ty Nhật. Hơn nữa, tôi cũng có kinh nghiệm với các công ty này trong thời gian học tại Đài Loan, vì dù sao thì người Hoa với nhau vẫn dễ nói chuyện hơn bằng một ngôn ngữ chung, nhất là với một doanh nhân nhỏ bé như tôi.
Quyết định như thế, tôi bắt đầu tìm hiểu tài liệu của Cục Hải quan và các hãng tàu biển về quan hệ thương mại giữa Thái Lan và Đài Loan, Hồng Kông để tìm kiếm cơ hội. Do lúc đó có rất ít các công ty Đài Loan buôn bán bột sắn nên tôi chỉ có danh sách một vài công ty. Không chần chừ, tôi viết thư bằng tiếng Hoa giới thiệu công ty của tôi và gửi bưu điện hỏa tốc đến các công ty tại Đài Loan và Hồng Kông.
Sau khi chờ đợi vài tuần lễ mà không hề nhận được hồi âm nào, tôi nghĩ nên dùng cách khác là nói chuyện trực tiếp bằng điện thoại quốc tế, dù lúc đó tôi không có nhiều tiền, nhưng so với chi phí thuê nhà và các khoản chi phí khác thì vẫn chấp nhận được.
Thời đó gọi điện thoại quốc tế phải đến tổng đài điện thoại trung tâm chứ không thuận tiện và nhanh chóng như ngày nay. Chờ đến khi nhân viên bưu điện nối được đường dây liên lạc cũng rất vất vả, có lần phải mất hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày vì phải chờ cho đến khi đường dây thông suốt, kể cả khó khăn về ngôn ngữ do nhân viên không nói được tiếng Hoa. Mỗi lần gọi điện thoại quốc tế quả là một thử thách đầy cam go.
Cú điện thoại quốc tế hôm đó là giữa tôi với ông chủ của công ty Đài Loan tên là Chau Uy Pin. Khi ông Chau biết tôi từng là du học sinh Thái tại Đài Loan thì cuộc nói chuyện trở nên thân mật. Tôi nhân cơ hội đó giới thiệu bột sắn và hỏi ông Chau có muốn mua không.
Câu trả lời của ông Chau làm cho tôi phấn chấn vì ông nói rằng ông cũng đang kinh doanh mặt hàng này, và cũng đang nhập bột sắn của Thái Lan và ông sắp sang Thái Lan. Từng đó thôi cũng đủ làm cho tim tôi muốn ngừng đập. Tay nắm chặt ống nghe, tôi hét to: “Xin cám ơn ông!” nhiều lần với giọng run run, không rõ ông Chau có nhận ra sự vui mừng của tôi không, nhưng điều chúng tôi chốt lại hôm đó là cả hai sẽ gặp nhau tại Bangkok.
Tôi trở về nhà mang theo giấc mơ đẹp, ăn ngủ không yên suốt mấy ngày liền mong chờ điện thoại của ông Chau. Tôi không dám đi xa nhà, cùng lắm chỉ đứng ngoài sân hay trong bếp vì sợ rằng sẽ không nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo, dù tôi đã vặn âm lượng lớn hết cỡ.
Sự lo âu, mong đợi về cú điện thoại xâm chiếm lòng tôi. Cả lúc ngủ tôi cũng mơ thấy mình đang ngồi cạnh chiếc điện thoại, đến nỗi tôi sợ rằng mình sẽ phát khùng với phi vụ làm ăn đầu tiên trong đời này mất! Nhiều ngày trôi qua vẫn chưa thấy ông Chau gọi điện đến, tôi bắt đầu lo lắng, hay là ông ấy đã đổi ý. Hôm đó do hồi hộp quá nên tôi quên hỏi ông sẽ đến Bangkok vào ngày nào. Tôi định gọi lại hỏi cho rõ, nhưng sợ ông ấy nghĩ rằng tôi quá sốt sắng nên lại thôi. Tôi kiên nhẫn chờ đợi.
Thế rồi vào một buổi tối, tôi mừng quýnh lên khi nghe tiếng chuông điện thoại reo và sau đó nghe tiếng “A-lô” của ông Chau trong ống nghe. Tôi cảm thấy như chưa bao giờ nghe thấy tiếng nói nào ngọt ngào và đầy ý nghĩa như thế. Sau khi biết ông ấy đang nghỉ tại Khách sạn Mirama, trung tâm Bangkok, tôi như muốn nhảy xổ đến chỗ ông ấy ngay lập tức, dù ông nói rằng chiều mai ông sẽ gặp tôi và ông còn lưu lại Bangkok ba, bốn ngày nữa.
Khỏi cần nói tôi hồi hộp đến mức nào, tôi vội vàng chuẩn bị các mẫu bột sắn trong các túi có ghi rõ nhà máy sản xuất để tránh nhầm lẫn, và chuẩn bị kỹ các tài liệu mới nhất đã được các nhà máy cung cấp.
Đêm đó tôi mất ngủ vì phấn khích. Tôi suy nghĩ miên man và không sao chợp mắt được. Đến gần sáng, tôi mới ngủ được một lúc nhưng tỉnh giấc ngay sau đó, lòng thấy khoan khoái và tràn đầy hy vọng.
Tôi kiểm tra lần nữa các khâu chuẩn bị của mình, giống như người lính chuẩn bị vũ khí trước khi ra trận. Không những thế, thay vì đi xe buýt như mọi khi, hôm đó tôi quyết định đi xe túc–túc (loại xe taxi ba bánh chạy bằng ga) để tránh không bị nhỡ hẹn và đến khách sạn Mirama trước giờ hẹn nửa tiếng.
Không sao cả, trong chuyện làm ăn, đến sớm so với giờ hẹn vẫn tốt hơn đến muộn, vì nó chứng tỏ tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng khách hàng. Tôi ngồi chờ cho đến đúng giờ hẹn mới gọi điện báo ông Chau là tôi đã có mặt.
Ông Chau mời tôi lên phòng riêng. Khi đẩy cửa bước vào, tôi gặp một người Hoa dáng lực lưỡng, cao độ 1 mét 68 và đeo kính râm, khuôn mặt chữ điền, thái độ vui vẻ hòa nhã. Ông Chau đưa tay ra trước, tôi đưa tay ra bắt và hơi cúi đầu chào vì thấy mình ít tuổi hơn. Sau đó tôi tự giới thiệu về mình một lần nữa và hỏi lại công việc kinh doanh của ông tại Bangkok. Tiếp theo tôi kể về thời gian tôi học tại Đài Loan và các mối quan hệ… Không khí cuộc nói chuyện rất thân mật, một phần vì ngôn ngữ chúng tôi dùng chung là tiếng Hoa.
Ông Chau hỏi tôi về việc ăn ở, học hành, chuyện sinh hoạt, chơi thể thao đua xe đạp của tôi và nhiều chuyện khác tại Đài Loan. Tôi cảm thấy ông Chau là người cởi mở, dễ gần gũi và không phải là người khó tính, mưu mẹo. Ông cũng được đào luyện theo kiểu Nhật Bản, giống như hầu hết người Đài Loan có tuổi khác. Một lý do nữa làm tôi gây được thiện cảm với ông là tôi có bằng tốt nghiệp đại học quốc gia của Đài Loan vì người Đài Loan xem trọng việc học hành, những người tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng thường được xã hội nể trọng.
Sau khi chuyện trò thăm hỏi, tôi tranh thủ trình bày với ông Chau về các loại bột sắn của mình. Tôi nói rõ đây là loại bột sắn được trồng tại Chonburi, là nơi đất đai màu mỡ hơn vùng Đông Bắc Thái Lan, được chế biến tại nhà máy Chaiyavat, là nhà máy chế biến bột sắn hàng đầu tại Thái Lan, bột sắn có màu sáng trong, không có màu đỏ, và dẻo hơn các loại khác.
Dù đây là lần đầu tiên tôi giới thiệu sản phẩm với khách hàng đầu tiên của mình, nhưng nét mặt ông Chau cho thấy ông rất hài lòng với chất lượng mặt hàng do tôi trình bày vì ông đã làm trong lĩnh vực này khá lâu. Tôi không rõ ông có mệt mỏi khi nghe tôi nói thao thao bất tuyệt hay không, nhưng tôi thấy ông rất tập trung lắng nghe mà không có chút biểu hiện phân tán tư tưởng nào. Sau đó tôi mời ông đi ăn cơm trưa. Đó quả là một việc làm gan dạ vì trong túi tôi lúc đó chỉ có hơn 1.000 bạt.
Tôi tự nhủ đến đâu thì đến, hôm nay phải liều một phen, đằng nào đây cũng là sự đánh dấu mở đầu giai đoạn trở thành doanh nhân đích thực của tôi, tôi không thể cứ tằn tiện keo kiệt mãi được.
Tôi hỏi ông Chau muốn ăn cơm gì. Ông nói thích ăn cơm tàu nhưng bình thường thôi, không cần đến hiệu ăn sang trọng đâu. Có thể vì mới quen và hơn nữa tuổi tôi chỉ vào hạng con cháu của ông nên ông giữ ý. Nếu ông biết được trong túi tôi chỉ có chừng đó tiền, không chừng ông còn chủ động mời cơm tôi nữa chứ. Cuối cùng, tôi mời ông ăn tối tại một nhà hàng ở khu phố tàu.
Cuộc chuyện trò thân tình trong bữa ăn làm tan biến sự căng thẳng lúc đầu của tôi. Bí quyết là nhờ có bia Sing (bia nhãn hiệu “Sư tử” nổi tiếng của Thái Lan) ướp lạnh, vừa rẻ vừa mát dịu cộng với bốn món ăn mà chúng tôi cùng gọi nên không khí trở nên thân mật hơn rất nhiều so với cuộc làm việc trước đó.
Có thể ông Chau thấy tôi còn rất trẻ, lúc đó tôi mới 24 – 25 tuổi, và cùng là người Hoa với nhau, trông mặt mũi cũng hiền lành, dáng dấp quê mùa cộng với thái độ khiêm nhường hết mực của tôi nên ông có cảm tình và muốn giúp đỡ tôi. Tôi không bao giờ quên câu nói của ông tối hôm đó: “Thế này nhé, tôi sẽ thử mua của cậu đợt đầu 50 tấn hàng, nếu mọi chuyện tốt đẹp tôi sẽ mua tiếp.”
Lần thứ hai tôi cảm thấy vui sướng, tim đập mạnh như muốn nhảy khỏi lồng ngực, sau lần thứ nhất khi nhận được cú điện thoại của ông Chau tối hôm trước. Tôi bắt tay ông Chau cảm ơn rối rít, nhìn ông với đôi mắt thể hiện lòng biết ơn sâu sắc vì ông đã tin tưởng nhận làm bạn hàng mua bột sắn của tôi với khối lượng lớn, bạn hàng đầu tiên trong cuộc đời kinh doanh của tôi.
Tôi tự nhủ, phen này mình thoát chết rồi, trời đã phù hộ cho mình có được một hợp đồng làm ăn thực sự, sau khi đã đầu tư mở văn phòng mất vài chục ngàn bạt. Quả là việc này đã thực sự cứu sống tôi, một cảm giác vui sướng dễ chịu tràn ngập toàn thân tôi.
Tôi bắt đầu nhìn thấy ánh hồng trên bầu trời buổi bình minh với một tương lai tươi sáng. Bữa ăn tối hôm đó quả là đáng giá, dù tôi tốn đến 900 bạt, nhưng nó rất có ý nghĩa và mang một hương vị đậm đà mà tôi chưa từng có trong đời, một niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời.
Suốt quãng đường đi xe buýt trở về nhà, tôi chọn chỗ ngồi bên cửa sổ để làn gió mát ban đêm thổi vào mặt và bay bổng với những suy tư cùng mơ ước tự do, lòng vui mừng khôn tả. Không vui sao được khi những hạt giống tôi gieo trồng bấy lâu nay bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Suốt hai năm qua tôi đã bỏ biết bao công sức, tiền bạc vào công việc kinh doanh mà chưa thu về được đồng nào, trong khi các khoản chi ngày càng chồng chất, số tiền vay cộng lãi đã lên đến hơn 100.000 bạt.
Tôi mường tượng rồi đây mình sẽ có tiền để dần dần hoàn trả lại mẹ và chị Tu, con gái bác tôi. Tôi thầm nghĩ đến công ơn và tấm lòng thương yêu của mẹ đã dành cho tôi. Bà đã tần tảo sớm hôm, làm việc quần quật tối ngày để có tiền cho tôi vay, nhưng bà chưa bao giờ hỏi tôi dùng tiền làm gì và bao giờ trả lại.
Khi tôi đưa cho mẹ số tiền hơn 10 ngàn bạt, là khoản lãi có được từ phi vụ bán hàng đầu tiên, mẹ tôi vui mừng không nói nên lời. Tôi nhân thể còn nói bốc đồng với mẹ và chị Tu rằng tôi đang gặp thời vận của mình, do đó không lâu nữa tôi sẽ hoàn trả hết số nợ còn lại lẫn lãi, mọi người không phải lo gì!
Kỳ thực lúc đó tôi cũng không tự tin lắm, rằng mình sẽ đi tiếp được bao xa, không biết sau đây sẽ còn ai mua hàng của mình nữa không. Tôi cũng không biết đi tìm khách hàng mới ở đâu, mọi thứ hình như trở lại trống vắng như trước đây. Chẳng có gì giống với cảnh tượng mơ mộng của tôi. Dù rằng mơ mộng không tốn kém gì, nhưng trên thực tế thì không có thứ gì mà không cần đến vốn liếng và công sức cả! Thế mà lúc đó, tôi chẳng có gì trong tay.
Trong hai, ba năm đầu tôi bắt tay vào công việc kinh doanh, mặc dù gặp phải hết cơn bão này đến cơn bão khác, nhưng tôi không hề dao động hay thay đổi mục tiêu. Tôi vẫn luôn nhắm đến các công ty ngoại quốc vì nhận thấy tiềm lực tài chính mạnh của họ, cũng như các cơ hội làm ăn với họ trong tương lai.
Tôi tin rằng nguyên nhân làm cho Nhật Bản và Đài Loan phát triển kinh tế thành công, trở thành những nước giàu có trên thế giới, dù hai nước này hầu như không có tài nguyên gì, là vì họ có khả năng làm ra các sản phẩm xuất khẩu mà nhiều nước cần đến và thu được nhiều ngoại tệ. Vì vậy, tôi quyết tâm làm kinh doanh theo kiểu người Nhật và Đài Loan, lấy việc xuất khẩu ra thị trường thế giới làm nền tảng. Muốn thế phải biết thị trường cần cái gì, và coi sự thành công đó là mô hình phát triển kinh tế và công nghiệp của Thái Lan trong tương lai.
Ngoài ra tôi đi tìm cơ hội làm ăn bằng cách tăng cường tiếp xúc gặp gỡ các doanh nhân, tham gia các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức ngành nghề… càng nhiều càng tốt để tìm kiếm các cơ hội thương mại mà không cần bận tâm người khác có thể nhìn tôi bằng ánh mắt xem thường vì tôi vốn là kẻ quê mùa, lông bông.
Tuy nhiên, tôi là người có lòng trung thực, không dối trá lừa gạt ai bao giờ nên tôi có niềm tự hào và quyết tâm của riêng mình. Tôi có thể hòa mình ở mọi nơi vì tôi không gây hại hay sỉ nhục ai. Ngoài ra, điều lớn hơn nữa là tính tự lập, “luôn luôn là chính mình”. Tôi không hề run sợ khi phải nói chuyện với bất cứ ai, dù họ là lãnh đạo cấp cao đến đâu, vì tôi luôn xem mình là một người trẻ tuổi cầu tiến, năng động và khao khát được thành đạt một cách xứng đáng bằng chính tài năng của mình.
Ở cộng đồng, tôi chưa bao giờ mất tự tin khi làm quen hay nói chuyện với người lạ, vì tôi tâm niệm rằng đó là con đường có thể dẫn tôi đến thành công. Cho nên, dù nghèo khó, tôi vẫn không bao giờ cảm thấy hổ thẹn khi phải nói chuyện với bất kỳ người nào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.