Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ

CHƯƠNG 4



Nắm vững chừng mực trong giao tiếp

Chọn việc có lợi và tránh việc có hại là bản tính của con người. Để tránh bị tổn hại, chúng ta phải cố gắng hết sức học cách tự bảo vệ mình. Có câu nói: “Không nên hại người nhưng nên đề phòng người”. Câu nói này nhắc nhở chúng ta dùng trí tuệ của mình tìm cách tránh xa những điều bất lợi hoặc những điều có hại để tự bảo vệ mình.

     Dùng kĩ năng giao tiếp để giải quyết các tình huống rắc rối

Đa số các nhà diễn thuyết đều rất yêu thích việc đọc sách, mỗi ngày ít nhất họ cũng phải đọc một tờ báo. Có người cho rằng: “Để có thể giao tiếp với mọi người tốt hơn và tìm được đề tài thích hợp thì nhất định phải am hiểu tin tức. Để am hiểu tin tức thì nhất định phải đọc nhiều sách”. Chỉ có cách tích lũy tri thức như vậy mới giúp chúng ta giao tiếp một cách tự tin.

Ai cũng có lúc nói sai, điều này sẽ khiến con người rơi vào tình trạng bối rối. Nhất là khi lỡ lời ở chốn đông người, tâm lí con người rất dễ bị căng thẳng. Nếu như không kịp thời tháo gỡ, người nói có thể sẽ bị chê cười, thậm chí còn dẫn đến sự thất bại trong một lĩnh vực nào đó.

Trong tình huống này, tìm cách nói năng khéo léo để thoát khỏi tình trạng bối rối là điều rất quan trọng. Hãy tìm một điểm mạnh của mình, dùng tài ăn nói khéo léo để cứu vãn lỗi sai của bản thân, nó không chỉ yêu cầu bạn phải có tâm lí vững vàng, mà còn cần kĩ năng giao tiếp giỏi.

Grimmer – nhà máy sản xuất bia Kirin là nhà máy rất nổi tiếng và lâu đời tại Nhật bản. Nhưng một vài năm trước, nhà máy này đã bị mất đi một phần lớn thị trường do sự cạnh tranh từ hãng bia mới Asahi, chính vì thế mà Grimmer rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Thế nhưng, Tổng Giám đốc nhà máy là ông Motoyama đã nói một câu nói rất hay: “Vì chúng tôi luôn kiên trì theo đuổi hương vị bia truyền thống nên đã không thể theo kịp trào lưu thời đại”.

Vị Tổng Giám đốc đã lấy việc kiên trì theo đuổi hương vị bia truyền thống làm điểm mạnh, mặc dù thừa nhận thất bại trong việc theo kịp trào lưu thời đại, nhưng ông đã lấy sự kiên trì theo đuổi để nêu bật được thành công của mình.

Khi nói sai trước mặt khách hàng, lỡ lời với lãnh dạo, làm sai việc gì đó đối với người thân, bạn bè hoặc không cẩn thận trượt ngã trước mặt người lạ, tất cả đều khiến bạn bối rối. Lúc này cần phải bình tĩnh, dùng lời nói để hóa giải sự bối rối đó. Việc làm này có thể sẽ mang lại những hiệu quả bất ngờ làm tăng sức hút của bạn.

Lincoln là vị tổng thống nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, ông đã có những cống hiến tích cực trong sự nghiệp giải phóng người da màu, thế nhưng tướng mạo của ông lại không được đẹp. Một lần, khi Lincoln tham gia diễn thuyết tranh cử, đối thủ đã công kích ông, nói ông là người hai mặt. Nghe xong, Lincoln mỉm cười và nói: “Nếu tôi còn một bộ mặt khác, thì tôi có dùng bộ mặt này để gặp gỡ mọi người không?”

Câu nói của Lincoln không chỉ hóa giải sự bối rối khi bị đối thủ công kích mà còn tạo được thiện cảm với các cử tri, giành được sự ủng hộ của nhiều người.

Chuyển chủ đề cũng là một cách hay để thoát khỏi tình trạng bối rối. Trong giao tiếp, khi lạc vào chủ đề nhạy cảm hoặc khi có yếu tố tác động gây ra sự thay đổi, việc chuyển chủ đề ngay lập tức sẽ khiến cuộc trò chuyện không bị rơi vào ngõ cụt.

Một thầy giáo dạy toán vừa bước lên bục giảng, đột nhiên các học sinh bật cười khiến cho thầy cảm thấy bối rối. Một học sinh nữ ngồi bàn đầu nói nhỏ với thầy: “Thưa thầy, thầy cài cúc áo lệch rồi”. Thầy giáo nhìn lại, thấy quả thật mình đã cài nhầm cúc áo. Sau phút giây bối rối, thầy giáo nói với các học sinh: “Tại thầy đang mải suy nghĩ, vội vàng quá nên không cẩn thận cài nhầm cúc áo trước khi lên lớp. Thế nhưng, điều này cũng không có gì đáng buồn cười, bởi ngày hôm qua khi các em làm bài kiểm tra, cũng có nhiều công thức toán học được vận dụng sai”.

Đầu tiên, người giáo viên này sử dụng cách nói hài hước để giải thích cho lỗi sai của mình, sau đó thầy đã linh hoạt liên tưởng tới việc học tập của học sinh, chỉ ra việc mắc lỗi sai là điều tự nhiên, rất nhanh chóng thầy đã thoát khỏi tình trạng bối rối. Đương nhiên, khi bản thân bị lâm vào tình huống bối rối một cách bị động, cách chuyển chủ đề hợp lí sẽ giúp bạn biến nguy thành an. Nếu nắm vững được kĩ năng này, giúp người khác thoát khỏi tình trạng bối rối và tránh để người khác bị mất mặt, bạn sẽ thực sự trở thành chuyên gia giao tiếp.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger có một chính sách ngoại giao hàng đầu, các cuộc ngoại giao con thoi của ông đã thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa các quốc gia Ả Rập và Israel, cải thiện mối quan hệ giữa Ai Cập và Israel. Trong thời kì chiến tranh Ả Rập năm 1970, Kissinger đã dẫn một đoàn đại biểu Mỹ tới thăm Ai Cập và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà. Khi cuộc hội đàm bắt đầu, sau khi Tổng thống Ai Cập mở đầu bằng vài câu nói đơn giản và đi thẳng vào nêu kế hoạch của mình với Kissinger, nội dung chủ yếu là yêu cầu phía Israel rút khỏi khu vực phía tây, sau đó tổng thống Ai Cập đã yêu cầu ông Kissinger lập tức bày tỏ ý kiến. Hội nghị vừa bắt đầu, cho dù ông Kissinger tán thành kế hoạch hay không đều vướng phải hai vấn đề rắc rối: Nếu phản đối, hội đàm sẽ lập tức rơi vào bế tắc. Còn nếu tán thành, do Ai Cập không nêu rõ điều kiện trao đổi, không có lí do để thuyết phục Israel thì phía Israel sẽ không chấp nhận.

Kissinger không hổ danh là một nhà ngoại giao tài ba, ông mỉm cười, chuyển chủ đề khác và nói: “Thưa ngài Tổng thống, trước khi tiến hành thảo luận, ông có thể nói cho tôi biết ngày 6 tháng 10, ông đã làm thế nào để phát động thành công cuộc tấn công? Đó là một điều quan trọng. Sở dĩ chúng ta có được cuộc hội đàm ngày hôm nay đều là do kết quả của cuộc tấn công đó”. Tổng thống Ai cập nghe xong tỏ ra rất hào hứng, bởi ngoại trưởng Mỹ đã nhắc đến việc ông tự hào nhất. Ông không yêu cầu ngoại trưởng Mỹ phải cho ý kiến về kế hoạch của mình nữa, trái lại, ông còn vui vẻ kể về những thành công của cuộc chiến do mình phát động.

Do ngoại trưởng Mỹ Kissinger nắm được tâm lí của Tổng thống Ai Cập, nên ông đã khéo léo chuyển chủ đề, tránh tình trạng bối rối và không phải ngay lập tức đưa ra ý kiến về kế hoạch với Israel.

Cách sửa sai khi lỡ lời

Trong cuộc sống và trong công việc, những người trẻ tuổi không thể tránh lỡ lời. Việc phải thừa nhận mình lỡ lời luôn khiến con người ta cảm thấy hối tiếc, vậy có cách nào để biến sự cố lỡ lời thành lời nói khéo léo hay không? Cách giải quyết hay nhất chính là: Khi bạn ý thức được mình nói sai điều gì, hãy lấy chính cái sai đó để sửa sai, thảo luận về cái sai để tìm ra điều đúng đắn.

Một sinh viên mới tốt nghiệp đại học đến xin việc ở một công ty, người phỏng vấn đưa cho sinh viên tấm danh thiếp. Do quá căng thẳng, cậu sinh viên chỉ nhìn qua tấm danh thiếp rồi nói: “Thưa ông, ông là người Nhật Bản, nhưng lại đến Trung Quốc lập nghiệp, thật đáng khâm phục.” Người phỏng vấn mỉm cười nói: “Tôi là người Trung Quốc.”

Cậu sinh viên mặt đỏ bừng, rất xấu hổ. Rất may cậu đã kịp thời phản ứng, sau giây lát suy nghĩ, cậu đã nói rất thành thật: “Xin lỗi, tên của ông khiến tôi nhớ đến thầy giáo Nhật Bản của Lỗ Tấn. Ông ấy đã dạy Lỗ Tấn biết rất nhiều đạo lí có ý nghĩa trên đời và giúp Lỗ Tấn thành công. Hôm nay ở đây, tôi cũng học được một bài học, đó là làm gì cũng phải cẩn thận, hi vọng sau này, trong công việc, ông sẽ chỉ dạy nhiều điều cho tôi.” Người phỏng vấn nghe thấy vậy mỉm cười và gật đầu, cuối cùng cậu sinh viên đã được nhận vào công ty làm việc.

Cậu sinh viên trong câu chuyện trên đã lỡ lời nói sai, sau khi xin lỗi, cậu đã chuyển đề tài rất thông minh, dùng chính điều sai mình vừa nói ra, khéo léo liên tưởng đến người thầy giáo của Lỗ Tấn để thoát khỏi tình trạng bối rối. Cậu không chỉ thừa nhận mình đã không cẩn thận, mà còn thể hiện được nguyện vọng muốn làm việc cho công ty, quả là một mũi tên trúng ba đích.

Không khó để nhận ra rằng, việc dùng chính lỗi sai để sửa sai trong lời nói là điều rất khó. Phải diễn giải và phát triển chủ đề thế nào là điểm quan trọng nhất.

Một lần, có người đến báo án với Nguyễn Kinh Thiên, người đó nói: “Có người đã giết mẹ!”

Nguyễn Kinh Thiên nghe xong bèn nói: “Giết cha đã đành, tại sao lại có thể giết mẹ?”

Lời vừa nói ra, các quan văn võ trong triều đều rất ngạc nhiên, cho rằng ông nói điều thiếu đạo lí. Lúc này, Nguyễn Kinh Thiên cũng ý thức được mình đã nói sai nên lập tức giải thích: “Ý của tôi là, loài cầm thú chỉ biết đến mẹ chứ không biết đến cha. Giết cha thì chỉ như loài cầm thú, còn giết mẹ thì thậm chí không bằng loài cầm thú”.

Lời giải thích này đã khiến mọi người xung quanh không còn thắc mắc gì nữa, bản thân Nguyễn Kinh Thiên cũng tránh được họa sát thân.

Sau khi lỡ lời, Nguyễn Kinh Thiên đã sử dụng một mẹo nhỏ, nhanh chóng đổi chủ đề, sau đó dùng chính lỗi sai của mình để sửa sai.

Phương pháp này chính là tìm cách làm nổi bật chỗ sai, nắm lấy cơ hội để tìm lời giải thích hợp lí nhất, đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, chỉ có những người có kiến thức uyên thâm và giữ được tâm lí bình tĩnh mới có thể vận dụng tốt kĩ năng này.

Dùng lời hay ý đẹp đáp trả lại những lời khiêu khích

Ngôn ngữ là một thứ vũ khí rất có sức mạnh, giống như một thanh kiếm sắc có thể giúp bạn dẹp bỏ mọi chướng ngại. Có lúc, bạn sẽ gặp những người sử dụng ngôn ngữ để làm khó bạn, hoặc dùng ngôn ngữ để tấn công bạn, khiêu chiến với bạn. Lúc này, bạn không thể tranh cãi, bởi điều đó sẽ chỉ khiến mọi chuyện rắc rối hơn mà thôi, cách tốt nhất là dùng lời hay ý đẹp làm vũ khí để tấn công lại những người đang cố ý gây sự với bạn.

Tại một buổi họp báo, một phóng viên nước ngoài đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ văn hóa Trung Quốc Vương Hạo: “Xin hỏi, ông của những năm 50 và ông của những năm 80 có gì giống và khác nhau?”

Dụng ý của người phóng viên này là muốn tạo cơ hội để ông Vương Hạo nói về cảm nhận của mình đối với sự thay đổi của đất nước Trung Quốc. Ông Vương Hạo đương nhiên hiểu ý của phóng viên. Ông bình tĩnh trả lời: “Tôi của những năm 50 tên là Vương Hạo, tôi của những năm 80 vẫn tên là Vương Hạo, đó là điểm giống nhau. Điểm khác nhau là khi đó tôi mới 20 tuổi, còn bây giờ tôi đã hơn 50 tuổi rồi”.

Câu hỏi của phóng viên chỉ đưa ra phạm vi và giới hạn thời gian, Vương Hạo biết dụng ý của đối phương, nhưng lại cố ý hiểu sai đi và trả lời về vấn đề tuổi tác của mình, ông đã chọn cách trả lời rất khéo léo, không để cho đối phương có được bất cứ thông tin nào. Cách sử dụng ngôn ngữ mơ hồ của ông đã khiến đối thủ không thể có động thái nào khác.

Đương nhiên, khi đáp trả lại những lời khiêu khích, bạn cũng có thể dùng cách nói trực tiếp. Chỉ cần vận dụng tốt ngôn ngữ thì một câu nói đơn giản cũng có thể làm cho đối phương giống như một quả bóng bị xì hơi.

Năm 1949, trên sông Trường Giang xảy ra sự kiện “Thạch Anh tím”. Việc quân giải phóng Trung Hoa bắn pháo vào bốn tàu chiến của quân Anh đã tượng trưng cho việc phá vỡ thể chế và lợi ích của Anh tại Trung Quốc.

Ngày thứ tư sau khi xảy ra sự kiện này, lãnh đạo phe bảo thủ Anh phát biểu tại hạ viện Anh rằng, hành động của quân giải phóng Trung Hoa là hành động bạo lực, thậm chí còn yêu cầu chính phủ Anh triển khai hai tàu sân bay tới vùng biển của Trung Quốc để báo thù bằng vũ lực. Thủ tướng Anh đương nhiệm khi đó cũng lên tiếng cho rằng: “Tàu chiến của Anh có quyền đi vào sông Trường Giang”.

Cụm từ “báo thù bằng vũ lực” khiến chúng ta liên tưởng đến những cuộc báo thù của chủ nghĩa đế quốc Anh với danh nghĩa loại trừ cái ác. Trả lời về điều này, chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc đã lên tiếng cứng rắn: “Thưa ngài lãnh đạo phe bảo thủ, ông muốn “báo thù” cái gì? Việc mà các ông nên làm chỉ có một, đó là xin lỗi và bồi thường. Thưa ngài thủ tướng, Trường Giang là dòng sông của Trung Quốc, người Anh các ông có quyền gì mà đưa tàu chiến vào đó? Không có quyền nào như thế cả. Nhân dân Trung Quốc phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc, tuyệt đối không cho phép nước ngoài vào xâm lược”.

Sự cương quyết của chủ tịch Mao Trạch Đông đã khiến người Anh hiểu rõ thực lực của Trung Quốc. Trước sự cảnh cáo của người Trung Quốc, họ đã chùn bước, không những không điều tàu sân bay đến, mà còn chủ động thiết lập quan hệ ngoại giao với

Trung Quốc, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thừa nhận nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Trong việc này, chủ tịch Mao Trạch Đông đã không phát biểu quá nhiều, chỉ với vài câu nói ngắn gọn đã khiến đối phương nhận ra, nếu làm nghiêm trọng sự việc sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp. Đây chính là một minh chứng cho tài ăn nói khéo léo.

Con người khó tránh khỏi những lúc bị chỉ trích, nhất là những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội. Đương nhiên, chỉ trích, phê bình cũng chia làm hai loại:

– Loại thứ nhất là người nói bị đặt câu hỏi do những điều họ nói, họ làm còn nhiều điểm nghi vấn hoặc bất đồng ý kiến. Người chỉ trích, phê bình ở loại này hầu hết đều có thiện ý. Với những lời phê bình có thiện ý, cần phải nghiêm túc tiếp thu, xem xét lại và nói rõ về quan điểm của mình cũng như giải đáp rõ ràng câu hỏi của đối phương.

– Loại thứ hai là chỉ trích ác ý, cố tình làm khó người nói để đạt mục đích khiến người nói bối rối và xấu hổ. Khi gặp những lời chỉ trích ác ý, nên vận dụng ngôn ngữ khéo léo, dùng lời hay ý đẹp với sắc thái kiên quyết, cứng rắn để đối đáp lại.

Khi đối đáp lại lời chỉ trích ác ý, có thể sử dụng ngôn ngữ đa dạng: Từ sắc thái cứng rắn đến sắc thái hài hước, tóm lại không được để cho người chỉ trích đắc ý. Lúc đó, việc tranh cãi là không nên, bởi tranh cãi sẽ chỉ khiến những người xung quanh hiểu nhầm, gây hại đến bản thân mình.

Cựu Tổng thống Mỹ Bush trong một lần diễn thuyết đã nhận được một mảnh giấy, trên mảnh giấy có ghi “đồ ngốc”. Ông bình tĩnh mỉm cười và nói: “Từ trước tới giờ, mọi người gửi giấy lên cho tôi đều đặt câu hỏi và không để lại danh tính, nhưng hôm nay, mảnh giấy này chỉ để lại danh tính chứ không có câu hỏi”.

Tổng thống Mỹ khi gặp lời nói ác ý đã không tranh cãi mà khéo léo dùng chính lời ác ý đó để chỉ trích người gửi mảnh giấy. Đây là những kĩ năng quý giá mà mọi người nên học tập, bởi trong công việc và trong cuộc sống, bạn khó tránh khỏi có lúc gặp chuyện như vậy, chỉ cần đáp trả khéo léo, bạn sẽ không bao giờ thất bại.

Gậy ông đập lưng ông

Tác phẩm Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung đã trở nên rất quen thuộc với chúng ta. Một trong số những nhân vật rất quan trọng trong tác phẩm là người có biệt hiệu “Bắc Kiều Phong – Nam Mộ Dung” – Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục sinh ra trong gia đình gia giáo, võ công cao cường, thông minh và rất đa tài. Gia tộc Mộ Dung có nhiều bí kíp võ công, trong đó, chiêu Đẩu chuyển tinh di vang dội khắp chốn giang hồ. Tuyệt kĩ của Đẩu chuyển tinh di chính là chiêu Gậy ông đập lưng ông. Khi đối phương tấn công bằng loại võ công nào, Mộ Dung Phục sẽ dùng chiêu Đẩu chuyển tinh di, sử dụng chính võ công của đối phương để tấn công lại, vô số người đã phải chịu thất bại trước Mộ Dung Phục.

Thực tế, sử dụng chiêu này trong giao tiếp cũng rất hợp lí. Khi trò chuyện, có nhiều người sẽ nói ra những quan điểm sai lầm, hoặc thể hiện tư tưởng không đúng đắn. Có lúc bạn sẽ không thể chấp nhận nhưng cũng không nhất thiết phải trực tiếp chỉ ra lỗi sai của đối phương, bởi điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ xã giao của chính bạn. Bạn hãy sử dụng chính những điều người đối diện vừa nói để chỉ ra điểm mâu thuẫn, như vậy không cần phải tấn công mà luận điểm của đối phương sẽ tự động bị phá vỡ.

Có một nhà sản xuất muốn giới thiệu với mọi người về sản phẩm công nghệ cao của mình nên nói đã sử dụng vật liệu nano để tạo ra những sản phẩm chống lửa, chống nước, rất tiện dụng. Sau đó ông ta lại giới thiệu chiếc máy khò công nghệ cao có thể tạo ra lửa không khói, không độc, làm tan chảy mọi thứ. Nghe xong, mọi người đã đặt câu hỏi, vậy chiếc máy khò công nghệ cao tốt hơn, hay những sản phẩm làm từ nano chắc chắn hơn? Người đàn ông đã không thể nói gì thêm.

Khi nói chuyện hoặc biện luận, cũng có thể sử dụng chính cách nói khoa trương của đối phương, nói những điều vô lí hơn như thế để phản đối quan điểm của người đó, khiến họ “Nhấc đá tự ghè vào chân mình”.

Một hôm, một vị quan của nước nọ cứ đi đi lại lại trong vườn hoa, không ngừng thở vắn than dài. Cháu trai của ông ta thấy vậy bèn hỏi: “Ông ơi, ông gặp chuyện gì khó khăn phải không?”. Người ông trả lời: “Cháu à, không biết quốc vương nghe lời ai xúi giục mà đòi ăn trứng gà trống, lệnh cho tất cả các quan đi tìm, nếu không tìm được sẽ bị phạt.”

Người cháu nghe xong chớp mắt và nói: “Ông ơi, ông đừng lo, cháu có cách, ngày mai cháu sẽ lên triều thay ông.”

Ngày hôm sau, đúng là cậu bé lên triều thay ông thật, cậu đi thẳng vào cung điện, lễ phép chào quốc vương. Quốc vương không vui nói: “Trẻ con đến chốn này làm gì, ông nội của ngươi đâu?” Cậu bé trả lời: “Thưa bệ hạ, hôm nay ông nội không thể đến đây, ông đang chuẩn bị sinh con ở nhà nên bảo cháu lên triều thay ông.”

Quốc vương nghe xong liền bật cười: “Thằng nhóc này, ngươi đang nói gì vậy, đàn ông làm sao mà sinh được em bé?”

Đứa trẻ tiếp lời: “Bệ hạ đã biết đàn ông không thể sinh con, vậy tại sao gà trống lại có thể đẻ trứng?”

Yêu cầu mà quốc vương nêu ra đã rất vô lí, nhưng câu chuyện mà cậu bé kể còn vô lí hơn, ngay cả quốc vương cũng không tin được, cậu bé đã lấy chính câu chuyện để hỏi lại quốc vương khiến quốc vương không còn điều gì để nói.

Một lần, một đài truyền hình của Anh tiến hành phỏng vấn nhà văn trẻ đương đại Trung Quốc – Lương Hiểu Thanh, cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp. Phóng viên người Anh đột nhiên ngừng máy quay, sau đó nói với Lương Hiểu Thanh: “Câu hỏi tiếp theo, hi vọng cô sẽ dùng từ Có hoặc Không khi trả lời, được không?” Lương Hiểu Thanh không biết đó là một cái bẫy nên đồng ý ngay. Không ngờ người phóng viên đó vỗ tay cái đét một tiếng rồi đưa micro lên hỏi: “Nếu không có đại cách mạng văn hóa, sẽ không thể có được thế hệ nhà văn trẻ như các cô, vậy theo quan điểm của cô, đại cách mạng văn hóa có phải là việc tốt hay không?” Nói xong, phóng viên lập tức đưa micro về phía Lương Hiểu Thanh. Máy quay cũng quay thẳng vào mặt cô.

Lúc đó, dù Lương Hiểu Thanh trả lời Có hay Không thì đều không ổn. Lương Hiểu Thanh biết đối phương đang cố ý làm khó mình. Sau giây lát, Lưu Hiểu Thanh lên tiếng: “Trước khi trả lời câu hỏi của các vị, tôi cũng muốn hỏi các vị một câu: Không có chiến tranh thế giới thứ hai, thì cũng sẽ không có những phóng viên nổi tiếng nhờ đưa tin về sự kiện này, vậy các vị thấy chiến tranh thế giới thứ hai có phải việc tốt hay không?”, nói rồi Lương Hiểu Thanh chuyển micro về phía các phóng viên người Anh.

Trong trường hợp này, Lưu Hiểu Thanh đã dùng chiêu Đẩu chuyển tinh di, gậy ông đập lưng ông, khéo léo nắm bắt suy nghĩ của đối phương và dùng chính cách thức đó để hóa giải rắc rối.

Biết sửa sai, nhất định sẽ chiến thắng

Có câu nói: “Người có lúc làm sai, ngựa có lúc chạy sai”. Trong quá trình giao tiếp với mọi người, đối với những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, do thiếu kinh nghiệm và kĩ năng nên thường mắc lỗi trong lời nói. Mặc dù chỉ là một câu nói, nhưng lại có thể gây ra hậu quả khó lường, thậm chí còn dẫn đến kết quả tồi tệ và tạo ra ảnh hưởng không tốt.

Người biết cách ăn nói sẽ lập tức có biện pháp cứu vãn khi chẳng may lỡ lời để tránh những kết quả không hay. Điểm quan trọng nhất khi khắc phục sự cố lỡ lời là phải kịp thời nói lại, nhanh chóng sửa lỗi sai để tránh mắc lỗi liên tiếp. Ví dụ, sau khi phát ngôn một câu sai, phải lập tức nói: “Nói một cách chính xác là…” hoặc nói: “Điều tôi vừa nói được giải thích như sau …” Như vậy bạn có thể khắc phục sự cố lỡ lời, đưa ra kết luận mới và đạt được thành công trong giao tiếp.

Trong một cuộc thi trí tuệ, người dẫn chương trình hỏi: “Từ “tam cương” trong câu “Tam cương ngũ thường” nói về điều gì?”

Một nữ sinh vội trả lời: “Quân cương với vua, con cương với cha và vợ cương với chồng”. Câu trả lời đã khiến mọi người bật cười.

Lúc này, nữ sinh cũng đã ý thức được mình vừa nói sai, cô vội vàng sửa lỗi, lập tức nói to: “Cười gì chứ? Thời đại đổi mới rồi, quan niệm “tam cương” cũ đã không còn tồn tại nữa, điều tôi muốn nói là quan niệm “tam cương” mới.”

Người dẫn chương trình hỏi: “Vậy “tam cương” mới là gì?”

Nữ sinh đáp: “Bây giờ, đất nước do nhân dân làm chủ. Dù các vị lãnh đạo có chức to thế nào cũng đều do dân bầu ra, đó chẳng phải là quân cương với vua sao? Việc sinh đẻ có kế hoạch khiến cho mỗi gia đình chỉ có hai con nên cha mẹ nuông chiều con cái, những đứa con này trở thành cậu ấm cô chiêu của cha mẹ, đó là con cương với cha. Bây giờ, trong rất nhiều gia đình, quyền lực của người vợ vượt xa người chồng, vợ quản việc lớn, chồng quản việc nhỏ, đó chính là vợ cương với chồng”.

Vừa dứt lời, tất cả mọi người đều dành cho cô nữ sinh những tràng pháo tay không ngớt.

Do mất bình tĩnh nên cô nữ sinh trong câu chuyện đã nói ngược ý nghĩa của “tam cương”, thế nhưng cô không hề nhận lỗi sai mà nói lại về đáp án chính xác, sau đó khéo léo sửa lỗi và giải thích cặn kẽ về quan niệm “tam cương mới” của mình bằng cách nói hài hước nhưng thông tin cũng rất chính xác. Kĩ năng này không chỉ giúp cô nữ sinh thoát khỏi tình cảnh bối rối do lỡ lời, mà còn giành được sự ủng hộ của mọi người.

Đương nhiên, cũng có những người gặp rắc rối do bảo thủ không chịu nhận mình sai. Hãy cùng theo dõi một ví dụ khác.

Ngày 6 tháng 10 năm 1976, Tổng thống Mỹ Gerald Ford và đối thủ cạnh tranh Jimmy Carter tiến hành đợt tranh cử thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kì tiếp theo. Tại buổi tranh cử, Tổng thống Ford đã mắc sai lầm khi trả lời câu hỏi của phóng viên “Thời báo New York” về vấn đề Ba Lan, ông đã nói: “Ba Lan không bị Liên Xô khống chế”, “Không hề có sự đô hộ của Liên Xô ở Đông Âu”. Đây là một sự nhầm lẫn rõ ràng, người phóng viên thậm chí còn nhắc khéo tổng thống Ford, nhưng ông Ford cho rằng việc thừa nhận lỗi sai trước nhân dân cả nước không phải một ý

hay, do đó ông tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình, kết quả ông đã phải trả giá đắt khi thất bại trong cuộc bầu cử sau đó.

Sau sự việc này, giới truyền thông đồng loạt đưa tin về sự nhầm lẫn nghiêm trọng của tổng thống Ford, thậm chí họ còn đặt câu hỏi: “Tổng thống nhầm thật hay ông quá cứng nhắc?”

Một chuyên gia giao tiếp giỏi, hoặc một thanh niên nắm vững các kĩ năng giao tiếp sẽ tuyệt đối không bao giờ dùng lời lẽ cứng rắn trong các tình huống nhạy cảm dễ gây hại cho bản thân, mà họ sẽ tìm cách khéo léo chuyển chủ đề. Như vậy, mọi người sẽ thấy được bạn là người thông minh khéo léo và sẽ nói với bạn rằng: “Bạn rất tuyệt!”

Vượt qua chướng ngại bằng cách tự chê cười chính mình

Khi khuyết điểm của bản thân bị người khác cười nhạo hoặc khi gặp tình huống có thể khiến mình bối rối, nhiều người sẽ khó tránh khỏi cảm giác căng thẳng. Khi gặp trường hợp như vậy, hãy dùng cách tự chê cười chính mình để hóa giải mọi chướng ngại.

Vào một ngày năm 1862, luật sư da đen nổi tiếng nước Mỹ là John Mark chuẩn bị có một bài diễn thuyết. Trước buổi nói chuyện, ông được thông báo rằng tất cả người nghe đều là người da trắng, trong đó có không ít người có thành kiến với người da đen. Do đó ông đã ngay lập tức thay đổi lời mở đầu để tạo thiện cảm với người nghe.

“Thưa các quý ông quý bà, nếu nói tôi đến đây để diễn thuyết, chi bằng nói tôi thêm một chút màu sắc cho nơi đây”.

Mọi người nghe xong đều bật cười, không khí trở nên sôi nổi, kể cả những người có tư tưởng thành kiến cũng cười rất to. Cuộc diễn thuyết sau đó đã diễn ra thuận lợi trong không khí tích cực và đạt được thành công lớn. Đây chính là bài viết nổi tiếng trong lịch sử – “Phải giải phóng nô lệ da đen”.

Trong cuộc sống và trong công việc, mọi người không thể hoàn toàn hiểu hết về nhau. Bị người khác có thành kiến dù ít dù nhiều là điều khó tránh khỏi trong cuộc đời mỗi người. Sự thành kiến giống như một bức tường, ngăn cản con người ta kết bạn và tìm hiểu về nhau. Hãy sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo để tự chê bản thân, xóa bỏ thành kiến của đối phương. Đặc biệt là trong giao tiếp với khách hàng, khi muốn khách hàng chấp nhận sản phẩm hoặc suy nghĩ của bạn, cách làm này sẽ có thể giúp bạn mở cánh cửa giao tiếp với người khác một cách tự nhiên nhất.

Khi gặp khó khăn trong công việc, hay khi xảy ra những việc không có lợi cho bản thân, chúng ta phải căn cứ theo tình hình thực tế để kịp thời tự chê mình, giải tỏa áp lực cho bản thân, chuyển sự tập trung của mọi người sang hướng khác, thoát khỏi tình trạng bối rối và tạo ra hoàn cảnh có lợi.

Có một lần, người dẫn chương trình Dương Lan của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc làm MC tại một buổi tiệc, khi bước xuống bậc thang, do không cẩn thận nên cô bị vấp ngã. Lúc này mọi người đều khựng lại, không khí chùng xuống, tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt về Dương Lan để xem cô xử lí thế nào. Dương Lan trấn tĩnh lại rồi đứng dậy, sau đó cô nói với mọi người: “Tôi định biểu diễn tiết mục “sư tử lăn” cho mọi người xem nhưng đã thất bại, sẽ tốt hơn khi để các diễn viên

chuyên nghiệp biểu diễn, tiếp theo, xin kính mời quý vị hướng lên sân khấu để chờ đón tiết mục rất độc đáo ngay sau đây…”

Khi Dương Lan vừa dứt lời, mọi người đều vỗ tay nhiệt liệt.

Lời nói của Dương Lan đã chinh phục khán giả, cô đã dùng trí thông minh của mình để thoát khỏi tình cảnh bối rối và giữ được thể diện. Điểm đáng khen nhất là Dương Lan đã dùng lời tự chê mình để gián tiếp giới thiệu chương trình, chuyển sự chú ý của mọi người lên tiết mục trên sân khấu.

Vậy chúng ta phải làm thế nào khi gặp phải tình huống như vậy?

Khi người khác công kích bạn, khiến bạn lâm vào hoàn cảnh bối rối, không nên tỏ thái độ bất bình hoặc nổi giận, mà cần phải dựa vào tình hình thực tế, khéo léo sử dụng ngôn ngữ để hóa giải khó khăn, đánh lạc hướng chú ý của mọi người xung quanh. Điều này không chỉ giúp giải tỏa áp lực tâm lí bản thân, mà còn có thể giúp bạn nhận được sự ủng hộ của người khác, rút ngắn khoảng cách tình cảm với đối phương.

Một nhà thơ khi đến giao lưu tại trường đại học, có một sinh viên đặt câu hỏi: “Ông nhìn nhận thế nào về cuộc sống của những người chỉ sáng tác văn học trong xã hội ngày nay?”

Ý của sinh viên này là trong xã hội mà lợi ích trên hết, những người chỉ sáng tác văn học sinh tồn như thế nào.

Nhà thơ trả lời: “Ví dụ như tôi đây, sở dĩ tôi có thể kiên trì theo đuổi nghiệp sáng tác, đó là nhờ công của vợ tôi. Cô ấy mở một nhà hàng nhỏ, do đó vấn đề ăn uống của cả nhà tôi đã được giải quyết”.

Câu trả lời của nhà thơ đã thể hiện sự chua xót, nhưng cách trả lời như vậy để lại ấn tượng sâu sắc hơn so với việc trực tiếp nói và thể hiện sự khó khăn vất vả của người làm nghề sáng tác.

Trong một số trường hợp, khi không tiện nói thẳng về sự khó khăn hay bày tỏ thẳng thắn sự bất mãn, tốt nhất nên diễn đạt bằng cách tự chê mình, như vậy thì người nghe không chỉ hiểu suy nghĩ của bạn mà còn cảm thấy bạn là người rất đáng quý.

Kĩ năng nói chuyện khéo léo

Trong cuộc sống và trong công việc, bạn sẽ gặp phải một số người không hiểu lí lẽ, không thể nói lí và không dễ nói lí khiến bạn cảm thấy phiền phức. Lúc này, những câu nói ngắn gọn, khéo léo sẽ rất có hiệu quả.

Chỉ cần sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, khéo léo vận dụng ngôn ngữ thường ngày, sẽ đạt được kết quả bất ngờ.

Trong trận chiến với Thái Bình Thiên Quốc, đội quân Tương quân của Tăng Quốc Phiên ba lần tấn công nhưng đều thất bại. Cuối cùng, toàn bộ quân số trong đội quân của ông đều tử nạn. Thế nhưng, vị tướng bại trận này không những không bị phạt mà còn được thăng quan.

Một trong những nguyên nhân chính là do triều đình đang trong thời kì sụp đổ, hủ bại, nhưng Tăng Quốc Phiên đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ để tạo ra hiệu quả. Ông nói với bề trên: “Binh lính đã rất cố gắng, nhưng lũ bại lũ chiến, dù kiên trì cũng

không được…”

Chỉ một câu “lũ bại lũ chiến” đã biến Tăng Quốc Phiên thành anh hùng và được công nhận. Nếu ông báo cáo lên trên rằng “lũ chiến lũ bại” thì hậu quả sẽ rất khó lường. Điều này cũng khiến chúng ta không thể không khâm phục kĩ năng sử dụng ngôn ngữ khéo léo của Tăng Quốc Phiên.

Hỏi lại, tạo sức mạnh cho lời nói

Trong cuộc sống và trong công việc, có lúc chúng ta sẽ gặp tình huống người khác nêu yêu cầu không hợp lí. Lúc này, nếu trực tiếp từ chối thì sẽ không hay, do đó nên dùng cách hỏi lại, bắt đối phương phải trả lời câu hỏi này.

Trong xã hội cũ, có một địa chủ đối xử rất tệ bạc với người giúp việc trong nhà mình, thường xuyên bắt người này phải thức dậy và làm việc lúc nửa đêm. Người giúp việc nói với chủ của mình: “Đợi tôi khâu xong quần áo sẽ làm”. Người chủ cười nhạt và nói: “Trời tối thế này, ngươi có nhìn thấy gì không?” Người giúp việc lập tức hỏi lại: “Vậy trời tối như thế này, tôi có thể làm được việc gì?” Chỉ một câu hỏi lại ngắn gọn, nhưng người chủ cứng họng không biết trả lời thế nào.

Trong trường hợp này, người giúp việc bị địa chủ đưa ra yêu cầu vô lí nên đã dùng phương pháp phủ định để khẳng định ý phản bác, cách làm này có tác dụng hơn nhiều so với việc nói trực tiếp.

Một công ty nọ tổ chức buổi diễn thuyết với chủ đề “Quý trọng nghề nghiệp”, người diễn thuyết là đại diện của phòng hành chính phát biểu: “Chủ đề diễn thuyết tôi nêu ra với các bạn là Chấp hành nội quy làm việc”. Nói xong, bà đi ra khỏi hội trường, bên dưới mọi người xôn xao. Khoảng 2 phút sau, bà quay lại bục diễn thuyết và nói với đám đông bên dưới: “Tôi đang diễn thuyết nhưng lại bỏ vị trí đi ra ngoài là điều mọi người không chấp nhận nổi. Vậy trong thời gian làm việc, mọi người thường bỏ vị trí của mình, lẽ nào điều đó không đáng phê phán?” Sau giây lát yên lặng, cả hội trường vỗ tay rầm rập. Câu hỏi lại đó đã khẳng định rõ ràng tầm quan trọng của việc chấp hành nội quy làm việc.

Hai ví dụ trên đây, cho dù là trình bày quan điểm của mình hay chỉ trích lỗi lầm của đối phương đều vận dụng cách hỏi lại rất khéo léo, hiệu quả tốt hơn nhiều so với câu trần thuật. Đáp án đã có luôn trong câu hỏi khiến mọi người rất dễ tiếp nhận.

Hỏi lại còn có một tác dụng nữa, đó là khi không tiện trả lời hoặc từ chối trả lời một câu hỏi nào đó, ta có thể dùng cách hỏi lại.

Một phóng viên nêu câu hỏi với ngoại trưởng Mỹ Kissinger: “Nước Mỹ có bao nhiêu đầu đạn được bố trí trên tên lửa đạn đạo Minuteman?” Kissinger hài hước trả lời: “Nỗi khổ của tôi là biết số lượng, nhưng không biết đó có phải bí mật không.” Người phóng viên vội nói: “Không phải bí mật đâu.” Kissinger hỏi lại: “Vậy cô nói xem là bao nhiêu?”

Cách hỏi lại khéo léo đã mang câu hỏi trả lại cho người hỏi, người bị hỏi không chỉ từ chối trả lời câu hỏi của đối phương mà còn khiến đối phương không thể tiếp tục hỏi nữa.

Thuật nắm bắt tâm lí

Trong giao tiếp, đôi lúc mọi người sẽ có suy nghĩ trái ngược nhau về một việc hay một chủ đề nào đó, có khi điều này còn gây căng thẳng cho đôi bên. Muốn phá bỏ sự

căng thẳng, đạt được mục đích giao tiếp, bạn có thể sử dụng ngôn ngữ nắm bắt tâm lí đối phương, sau đó tấn công tâm lí, đi theo hướng suy nghĩ của người đối diện để tìm ra điểm yếu và chiến thắng người đó.

Một cô gái rất xinh đẹp đang đi trên đường, đột nhiên cô phát hiện phía sau có một nam thanh niên cứ đi theo mình. Phải làm sao đây? Cuối cùng cô đã có cách. Cô quay lại và nói với người thanh niên: “Tại sao anh cứ đi theo tôi?” Nam thanh niên trả lời:

“Cô xinh đẹp quá. Tôi thực sự rất thích cô, chúng ta kết bạn nhé!” Cô gái nghe xong mỉm cười và nói: “Cảm ơn anh đã khen, cô gái đi phía sau đằng kia là em gái của tôi, cô ấy còn xinh đẹp hơn tôi nhiều.”, “Thật không?” Chàng trai nghe thấy vậy lập tức quay đầu lại nhìn nhưng không thấy có bất cứ ai cả. Biết mình mắc bẫy, anh lại tiếp tục đi theo cô gái xinh đẹp và hỏi cô tại sao lại lừa mình. Cô gái đáp: “Tôi không lừa anh, là anh lừa tôi. Nếu anh thực sự thích tôi, vậy tại sao anh lại theo một người con gái khác. Vậy mà cũng muốn kết bạn với tôi, anh hãy tránh ra đi.” Chàng trai đỏ bừng mặt, vội vàng bỏ đi.

Sở dĩ cô gái trong câu chuyện vừa rồi có thể đuổi chàng trai đi, đó là nhờ nắm bắt được tâm lí của anh ta. Cô đã tấn công tâm lí, khiến đối phương xấu hổ và chủ động từ bỏ ý định kết bạn, cô gái đã đạt được mục đích của mình.

Từ ví dụ này có thể thấy, nắm bắt tâm lí trên thực tế cũng là một chiến thuật. Hiểu động cơ và nhu cầu của đối phương, tạo ra một cái bẫy, chờ người đó mắc bẫy, tấn công quyết đoán và chiến thắng đối thủ.

Sử dụng thuật nắm bắt tâm lí, chúng ta còn có thể xoay chuyển tình thế, làm chủ mọi tình huống, dùng chính tâm lí của đối phương để tấn công vấn đề của họ. Chúng ta phải không ngừng học tập các kĩ năng ngôn ngữ, để bản thân trở thành một chuyên gia luôn thành công trong các cuộc giao tiếp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.