Phi Lý Trí
CHƯƠNG 5. ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ HƯNG PHẤN
Tại sao cái nóng lại nóng hơn mức chúng ta nhận thấy?
Khi tôi hỏi các sinh viên nam trên 20 tuổi là họ có dám quan hệ tình dục không an toàn không, ngay lập tức họ sẽ tuôn ra một tràng những kiến thức sách vở về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và mang thai ngoài ý muốn. Tôi đặt câu hỏi khi họ đang ở tâm trạng bình thản – đang làm bài tập hay nghe giảng – là họ có thích người yêu mình quan hệ tay ba với một người đàn ông khác không, thì họ cau mày. Họ sẽ không trả lời và thắc mắc không biết bạn mắc chứng bệnh gì mà lại hỏi họ những câu như vậy?
Năm 2001, khi ở Đại học Berkeley, tôi cùng Geogre Loewenstein – một người bạn, cộng sự lâu năm và là chuyên gia học thuật – mời một số sinh viên khá giỏi tham gia một thí nghiệm. Mục đích là để hiểu được mức độ mà những người thông minh, lý trí có thể dự đoán được thái độ của họ sẽ thay đổi như thế nào khi họ đang ở trạng thái bị kích thích mạnh.
Sỡ dĩ chúng tôi chọn nghiên cứu hành vi ra quyết định trong trạng thái hưng phấn tình dục không phải vì sở thích lệch lạc. Chúng tôi cho rằng hiểu biết về ảnh hưởng của hưng phấn tình dục đối với hành vi con người có thể giúp xã hội giải quyết được một số khó khăn lớn, ví dụ: tình trạng mang thai ở độ tuổi vị thành niên hay sự lây nhiễm HIV/AIDS.
Hơn nữa, để biết người tham gia thí nghiệm có dự đoán được họ sẽ hành xử thế nào trong một trạng thái cảm xúc cụ thể hay không, thì chúng tôi xác định cảm xúc đó phải là một thứ cảm xúc quen thuộc với họ. Đối với những nam sinh viên độ tuổi 20, thì đó chính là sự trải nghiệm thường xuyên hưng phấn tình dục.
Roy, một sinh viên chuyên ngành sinh học của Đại học Berkeley, mồ hôi đang vã ra đầm đìa – không phải anh đang ôn thi tốt nghiệp. Nằm trên chiếc giường đơn trong căn phòng ký túc xá tối đen không một ánh điện, bàn tay anh di chuyển trên bàn phím chiếc máy tính. Trước bức ảnh những cô gái khỏa thân với nhiều tư thế khêu gợi, tim anh đập mỗi lúc càng dồn dập.
Khi bắt đầu kích thích hơn, Roy điều chỉnh chiếc “đồng hồ hưng phấn” trên màn hình máy tính theo chiều đi lên. Khi anh chỉnh đến nấc đèn đỏ sáng rực, một câu hỏi xuất hiện trên màn hình:
Bạn có thể quan hệ tình dục với một người mà bạn ghét không?
Roy bấm vào câu trả lời của mình. Câu hỏi tiếp theo xuất hiện: “Bạn có cho phụ nữ uống thuốc kích thích để tăng khả năng quan hệ tình dục không?”
Roy tiếp tục lựa chọn câu trả lời, và một câu hỏi mới xuất hiện: “Bạn có thường xuyên dùng bao cao su không?”
Berkeley là một nơi bị chia cắt. Nơi đây từng diễn ra những cuộc nổi loạn chống lại bộ máy cai trị vào những năm 1960 và người dân ở khu Bay gọi thành phố phía bên trái của trung tâm nổi tiếng này là Nước Cộng hòa Nhân dân Berkeley. Nhưng khu đại học rộng lớn này là nơi thu hút một số lượng lớn đến ngạc nhiên những sinh viên ưu tú nhất. Trong một cuộc điều tra về những sinh viên năm thứ nhất (năm 2004), chỉ 51,2% những sinh viên cho rằng họ là người theo chủ nghĩa tự do. 36% cho rằng quan điểm của họ là quan điểm ôn hòa và 12% tuyên bố họ là những người theo chủ nghĩa bảo thủ. Điều làm tôi ngạc nhiên là khi đến Đại học Berkeley, tôi phát hiện ra sinh viên ở đây không phóng túng, nổi loạn hay ưa mạo hiểm như chúng ta nghĩ.
Chúng tôi treo một số quảng cáo ở xung quanh Sproul Plaza như sau: “Cần tuyển: nam giới, thích quan hệ tình dục, từ 18 tuổi trở lên tham gia nghiên cứu về hành vi ra quyết định và hưng phấn tình dục”. Quảng cáo cũng ghi chú thêm là thời gian cho mỗi cuộc thí nghiệm khoảng 1 giờ đồng hồ, người tham gia thí nghiệm sẽ được trả 10 đô-la và thí nghiệm bao gồm cả dụng cụ kích dục. Những ai quan tâm xin liên hệ bằng thư điện tử với Mike, trợ lý nghiên cứu của chúng tôi.
Chúng tôi quyết định chỉ tuyển nam giới. Về mặt tình dục, khả năng đạt hưng phấn của họ dễ dàng hơn với phụ nữ. Một bản tạp chí Playboy và một căn phòng tối là tất cả những gì chúng tôi cần để đảm bảo cho cuộc thí nghiệm thành công cao nhất.
Điều lo lắng của chúng tôi là làm thế nào để dự án được chấp thuận ở trường Quản lý Kinh doanh Sloan thuộc MIT. Đây là một thử thách gay go. Trước khi cho phép dự án bắt đầu, ngài hiệu trưởng Richard Schmalensee đã thành lập một ủy ban (chủ yếu là nữ) để thẩm định dự án này. Ủy ban đã đặt ra một số vấn đề. Điều gì sẽ xảy ra nếu người tham gia phát hiện những ký ức đau buồn về việc bị lạm dụng tình dục nếu tham gia thí nghiệm? Nếu sau thí nghiệm, người tham gia phát hiện mình là người nghiện sex thì sao? Những câu hỏi này là không cần thiết vì bất kỳ một sinh viên nào có máy tính kết nối Internet đều có thể tiếp cận được những bức ảnh khiêu dâm.
Mặc dù Trường Quản lý Kinh doanh Sloan tỏ ra e ngại với dự án này, nhưng may mắn là tôi nhận được sự ủng hộ của Walter Bender, trưởng phòng thí nghiệm. Qua việc này, tôi phát hiện ra một điều là dù nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ thời Kinsey , sex vẫn là một đề tài cấm kỵ đối với công tác nghiên cứu – ít nhất là ở một số học viện.
Cuối cùng quảng cáo của chúng tôi cũng được phát và các nam sinh viên không hề e ngại. Chúng tôi đã có một danh sách dài những tình nguyện viên nhiệt tình đang đợi cơ hội để tham gia – trong đó có Roy.
Thực tế, Roy là trường hợp điển hình trong số 25 người tham gia thí nghiệm. Sinh ra và lớn lên ở San Francisco, anh là một người đa tài, thông minh và tốt bụng – một týp người mà bất kỳ một bà mẹ vợ nào cũng phải ao ước. Roy chơi piano và thích nhảy nhạc Techno. Trong suốt những năm học ở trường cấp ba, Roy là đội trưởng đội bóng chuyền của trường, điểm của anh luôn đạt loại A. Roy ủng hộ những người theo chủ nghĩa tự do và có xu hướng bầu cho Đảng Cộng hòa. Thân thiện và hòa nhã, Roy có một cô bạn gái rất chung tình mà anh đã hẹn hò được một năm. Anh dự định sẽ học trường Y.
Roy đến gặp Mike, trợ lý của chúng tôi, rồi cùng trò chuyện. “Cảm ơn anh đã trả lời quảng cáo của chúng tôi” Mike nói, rút ra một vài tờ giấy và đặt chúng lên bàn. “Trước tiên, chúng ta hãy bàn về bản thỏa thuận nhé.”
Mike nhấn mạnh: “Đây là nghiên cứu về hành vi ra quyết định và hưng phấn tình dục. Sự tham gia là tình nguyện. Các dữ liệu sẽ được bảo mật. Người tham gia có quyền liên hệ với ủy ban đặc trách về bảo vệ quyền của người tham gia thí nghiệm, v.v…”
Roy gật đầu liên tục. Bạn sẽ không thể tìm được tình nguyện viên nào sẵn sàng đồng ý hơn anh.
“Anh có thể dừng thí nghiệm bất cứ lúc nào, “Mike kết thúc. “Anh đã nắm rõ tất cả mọi thứ chưa?”
“Vâng,” Roy trả lời rồi đặt bút ký vào bản thỏa thuận.
“Thật tuyệt vời!” Mike rút ra từ balô một chiếc máy tính Apple iBook và mở nó ra. Ngoài bàn phím chuẩn, Roy nhìn thấy một bàn phím số nhiều màu sắc, tất cả là 12 phím.
“Đây là chiếc máy tính được trang bị đặc biệt,” Mike giải thích. “Anh hãy chỉ sử dụng vùng phím này để trả lời.” Nói rồi Mike nhấn vào những phím số đầy màu sắc và nói: “Chúng tôi sẽ cho anh mật mã để bắt đầu thí nghiệm. Trong quá trình thí nghiệm, anh sẽ được hỏi một số câu hỏi mà anh có thể trả lời “không” hoặc “có”. Nếu anh đồng ý, hãy trả lời “có” và ngược lại. Nhớ rằng anh đang được yêu cầu dự đoán anh sẽ hành xử như thế nào và anh muốn thực hiện loại hành động nào khi đang hưng phấn”.
Roy gật đầu đồng ý.
Mike tiếp tục: “Anh sẽ ở một mình trong phòng, ngồi lên giường với chiếc máy tính được đặt trên ghế phía bên trái chiếc giường và có thể sử dụng bàn phím số dễ dàng”.
Roy hơi nheo mắt.
“Khi kết thúc thí nghiệm, hãy gửi e-mail cho tôi và chúng ta sẽ gặp lại nhau, anh sẽ nhận được 10 đô-la”.
Mike không nói cho Roy biết trước các câu hỏi. Cuộc thí nghiệm bắt đầu với yêu cầu Roy hãy tưởng tượng rằng anh đang hưng phấn tình dục và phải trả lời các câu hỏi về việc anh sẽ làm gì trong trạng thái đó. Một loạt câu hỏi đưa ra liên quan đến sở thích tình dục của anh. Ví dụ, anh có thấy đôi giày của phụ nữ khơi gợi ham muốn không? Anh có thể tưởng tượng là mình bị hấp dẫn bởi một người phụ nữ 50 tuổi không? Anh có thích quan hệ tình dục với người quá béo không? Anh có hứng thú quan hệ với một người mà anh ghét không? Anh có thích quan hệ trong tư thế bị trói hay trói bạn tình lại không? “Chỉ hôn suông” có làm cho anh khó chịu không?
Loạt câu hỏi thứ hai về khả năng thực hiện các hành vi phi đạo đức như cưỡng dâm trong hò hẹn. Anh có tán tỉnh người phụ nữ để tăng khả năng cô sẽ đồng ý quan hệ với anh không? Anh có khích cô uống nhiều rượu để tăng khả năng là cô sẽ quan hệ với anh không? Liệu anh có cố tình quan hệ khi cô đã từ chối không?
Loạt câu hỏi thứ ba về khả năng Roy sẽ thực hiện các hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Việc sử dụng bao cao su có làm giảm cảm giác hưng phấn khi quan hệ không? Anh có luôn sử dụng bao cao su nếu không biết “lịch sử” quan hệ tình dục của bạn tình mới không? Anh có sử dụng bao cao su ngay cả khi e sợ người phụ nữ có thể thay đổi quyết định khi anh đi lấy nó?
Vài ngày sau, sau khi trả lời các câu hỏi trong trạng thái “lạnh” và lý trí, Roy gặp lại Mike.
“Đó là những câu hỏi thú vị,” Roy nhận xét.
Mike điềm tĩnh nói: “Vâng, tôi biết. Chúng tôi có một loạt thí nghiệm khác nữa. Anh có muốn tiếp tục tham gia không?”
Roy nhoẻn cười, lắc đầu rồi gật.
Mike đưa mấy trang giấy về phía anh và nói: “Lần này chúng tôi cũng yêu cầu anh ký một bản thỏa thuận giống như trước, nhưng nhiệm vụ tiếp theo sẽ hơi khác một chút. Thí nghiệm này sẽ rất giống với thí nghiệm trước nhưng chúng tôi muốn anh tự đưa mình vào trạng thái hưng phấn bằng cách xem một số hình ảnh khiêu dâm. Điều mà chúng tôi muốn anh làm là sẽ “tự kích thích” mình lên một mức độ hưng phấn cao nhất.
Mike giải thích rằng Roy sẽ xem một số bức ảnh khiêu dâm trên máy tính để giúp anh đạt đến một mức độ hưng phấn thích hợp, sau đó anh sẽ trả lời những câu hỏi tương tự như trước.
Trong ba tháng, một số sinh viên ưu tú sắp tốt nghiệp của trường Berkeley đã trải qua rất nhiều thí nghiệm khác nhau. Trong loạt thí nghiệm được tiến hành khi họ đang ở trạng thái “lạnh” (trạng thái không bị kích thích) và bình thản, họ dự đoán những quyết định liên quan đến tình dục và đạo đức của họ sẽ như thế nào khi họ đang hưng phấn. Trong loạt thí nghiệm tiến hành khi họ đang ở trạng thái hưng phấn, họ cũng sẽ dự đoán quyết định của mình – nhưng lần này vì bị chế ngự bởi cảm xúc, họ có thể ý thức được về sở thích của mình hơn. Khi nghiên cứu được hoàn thành, các kết luận được rút ra hoàn toàn nhất quán và rõ ràng đến mức đáng kinh ngạc.
Trong tất cả các trường hợp, các cộng tác viên trẻ trung, thông minh của chúng tôi đưa ra các câu trả lời khi họ đang hưng phấn khác với những câu trả lời mà họ đưa ra khi ở trạng thái “lạnh”. Trong số 19 câu hỏi về sở thích tình dục, khi Roy và những người tham gia thí nghiệm khác đang hưng phấn, họ dự đoán sẽ thực hiện các hoạt động tình dục kỳ quặc gần như cao gấp đôi (cao hơn 72%) so với dự đoán của họ khi ở trạng thái “lạnh”. Ví dụ, ý tưởng quan hệ với động vật trở nên hấp dẫn gấp đôi khi họ đang
ở trạng thái hưng phấn so với lúc ở trạng thái “lạnh”. Trong 5 câu hỏi về xu hướng thực hiện những hành vi vô đạo đức, khi đang hưng phấn, họ dự đoán xu hướng của họ cao hơn gấp đôi (cao hơn 136%) so với dự đoán trong trạng thái “lạnh”. Tương tự, trong loạt câu hỏi về sử dụng bao cao su, mặc dù đã được nhồi nhét vào trong đầu những khuyến cáo về tầm quan trọng của bao cao su, khả năng họ dự đoán mình sẽ không dùng bao cao su trong trạng thái hưng phấn là lớn hơn 25% so với lúc ở trạng thái “lạnh”. Trong tất cả các trường hợp này, họ đã không dự đoán được sự ảnh hưởng của hưng phấn tình dục đối với sở thích tình dục, đạo đức và biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
Kết quả cho thấy: khi Roy và những người tham gia thí nghiệm khác đang ở trong trạng thái “lạnh”, lý trí bị chi phối bởi cái tôi siêu ngã, họ tôn trọng phụ nữ; họ không bị hấp dẫn bởi những hoạt động tình dục kỳ quặc; họ luôn đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu và cho rằng mình sẽ luôn sử dụng bao cao su. Họ nghĩ rằng họ hiểu bản thân, hiểu sở thích của mình và những hành động mà họ có thể thực hiện. Nhưng thực tế, họ đã đánh giá chưa đúng mức phản ứng của mình.
Dù chúng ta có nhìn vào các số liệu theo cách nào đi chăng nữa thì rõ ràng là mức độ dự đoán sai của người tham gia thí nghiệm là tương đối lớn. Kết quả cho thấy trong trạng thái không hưng phấn, họ không biết mình sẽ như thế nào khi hưng phấn. Sự đề phòng, bảo vệ, sự bảo thủ và đạo đức biến mất hoàn toàn. Đơn giản là họ không thể dự đoán mức độ mà sự đam mê có thể thay đổi họ.
Hãy tưởng tượng một buổi sáng thức dậy, bạn soi mình vào gương và bỗng phát hiện ra rằng có một con người khác – một cái gì đó xa lạ nhưng là con người – đã chiếm lấy cơ thể của bạn. Bạn trở nên xấu xí hơn, thấp hơn, nhiều tóc hơn, môi mỏng đi, và những chiếc răng cửa của bạn mọc dài ra, các móng tay của bạn rất bẩn, mặt của bạn mỏng hơn, con mắt lạnh lùng như mắt của loài bò sát đang nhìn chằm chằm vào bạn. Bạn muốn đập phá, bạn muốn cưỡng đoạt ai đó. Bạn không còn là bạn nữa. Bạn đang là một con quái vật.
Ám ảnh bởi cơn ác mộng đó, Robert Louis Stevenson đã thét lên trong giấc ngủ vào một buổi sáng sớm mùa thu năm 1885. Ngay sau khi vợ ông đánh thức ông dậy, ông bắt tay ngay vào công trình mà ông gọi là “Câu chuyện ma quỷ tuyệt vời” – Dr. Jekyll and Mr. Hyde (Tiến sĩ Jekyll và Ngài Hyde) – trong đó ông nói: “Trong mỗi con người không phải là một mà có hai con người.” Cuốn sách thu được thành công bất ngờ. Cuốn sách đã làm thỏa mãn trí tưởng tượng của những người sống ở thời Victoria, những người bị thu hút bởi sự phân cực giữa tính đúng đắn hà khắc – đại diện là nhà khoa học có phong thái nền nã Tiến sĩ Jekyll – và sự đam mê khó kiểm soát ở bên trong sát thủ Hyde. Tiến sĩ Jekyll nghĩ rằng ông biết cách điều khiển mình. Nhưng khi ngài Hyde xuất hiện, hãy coi chừng.
Đây là một câu chuyện kinh dị và đầy hoang tưởng. Rất lâu trước tác phẩm Oedipus Rex của Sophocles và Macbeth của Shakespeare, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác vẫn luôn là đề tài cho các câu chuyện thần kỳ, tôn giáo và văn học. Theo cách nói của Sigmund Freud , trong mỗi con người chúng ta đều ẩn chứa một cái tôi đen tối và đôi khi không thể kiểm soát được. Vì vậy đã xảy ra những chuyện người hàng xóm thân thiện của chúng ta vì quá bực bội đã lao chiếc xe của mình vào bức tường chung giữa hai ngôi nhà. Một thiếu niên dùng súng bắn vào các bạn của mình. Một cha xứ cưỡng bức một đứa bé. Bình thường chúng ta tưởng là đã hiểu được chính mình. Nhưng trong trạng thái phấn khích mãnh liệt, bỗng nhiên có một sự chuyển đổi nội tại nào đó và mọi thứ thay đổi.
Thí nghiệm của chúng tôi ở Đại học Berkeley không chỉ đơn thuần chỉ ra một điều quá quen thuộc là tất cả chúng ta đều giống Jekyll và Hyde, mà còn đưa ra một phát hiện mới rằng tất cả chúng ta, dù “tốt” thế nào đi nữa, đều không dự đoán đúng mức được tác động của sự đam mê đối với hành vi của mình. Trong mọi trường hợp, những người tham gia thí nghiệm đều dự đoán sai với mức độ lớn. Khi đam mê lên đến cực điểm, thậm chí cả người thông minh và lý trí nhất cũng không còn là con người mà họ nghĩ nữa.
Bình thường, Roy là một chàng trai bảnh bao, lịch sự, tử tế và đáng tin cậy. Não của anh hoạt động bình thường và anh hoàn toàn kiểm soát được hành vi của mình. Nhưng khi ở trạng thái hưng phấn tình dục và cái tôi bên trong bắt đầu nắm lấy sự kiểm soát, anh trở thành một người mà chính bản thân anh cũng không nhận ra nổi.
Anh không hiểu được rằng khi hưng phấn trở nên mạnh mẽ, anh sẽ không còn quan tâm đến bất cứ điều gì nữa. Do đó, nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và dẫn đến có con ngoài ý muốn là rất cao. Khi hoàn toàn bị kiểm soát bởi dục vọng, cảm xúc trong anh sẽ xóa đi ranh giới giữa cái đúng và cái sai.
Hơn nữa, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng dù có nhiều kinh nghiệm nhưng sự bất lực của chúng ta trong việc hiểu bản thân mình ở một trạng thái cảm xúc khác cũng không được cải thiện; chúng ta đã dự đoán sai ngay cả khi chúng ta dành nhiều thời gian ở trạng thái này (như các sinh viên của trường Berkeley dành cho hưng phấn tình dục). Hưng phấn tình dục là một trạng thái quen thuộc, riêng tư, rất con người và hoàn toàn phổ biến. Thậm chí ngay cả vậy, chúng ta đều không dự đoán đúng mức độ mà sự hưng phấn tình dục có thể ảnh hưởng tới cái siêu bản ngã của chúng ta và cách mà các cảm xúc kiểm soát hành vi của chúng ta.
Vậy điều gì sẽ xảy ra, khi cái tôi phi lý trí của chúng ta xuất hiện ở một trạng thái cảm xúc mà chúng ta nghĩ là quen thuộc nhưng thực tế không phải vậy? Nếu chúng ta không thật sự hiểu được chính bản thân mình thì liệu chúng ta có thể đự đoán chúng ta hay những người khác sẽ cư xử thế nào khi ở trạng thái mất kiểm soát – khi tức giận, đói, sợ hãi hay hưng phấn tình dục? Liệu chúng ta có thể làm gì trong những trường hợp này?
Câu trả lời cho những câu hỏi này rất sâu sắc bởi chúng chỉ ra rằng, chúng ta phải thận trọng với những tình huống mà khi Ngài Hyde bên trong chúng ta sẽ kiểm soát. Khi sếp phê bình chúng ta trước mặt mọi người, có thể chúng ta sẽ đáp trả lại bằng một bức thư điện tử với những lời lẽ phản bác kịch liệt. Liệu sẽ tốt hơn chăng nếu chúng ta lưu bức thư đó vào mục thư nháp một vài ngày?
Sau đây là một số ví dụ nữa về cách bảo vệ chúng ta khỏi chính bản thân chúng ta:
Quan hệ tình dục an toàn
Nhiều bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên, khi đang ở trong trạng thái “lạnh” và lý trí, có xu hướng tin rằng lời hứa về sự kiềm chế “Hãy nói không” là biện pháp phòng vệ đầy đủ để tránh các bệnh truyền nhiễm và mang thai ngoài ý muốn. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng khi cảm xúc đang thăng hoa, tất cả chúng ta đều có nguy cơ chuyển từ “Hãy nói không” sang “Có” và nếu không có sẵn bao cao su, chúng ta sẽ có thể sẽ nói có, bất chấp các rủi ro.
Điều này nói lên điều gì? Thứ nhất, chuẩn bị sẵn bao cao su là một việc làm cần thiết, lúc nào cũng phải sẵn có để đề phòng. Thứ hai, trừ khi chúng ta hiểu được chúng ta phản ứng thế nào trong một trạng thái cảm xúc, nếu không chúng ta sẽ không thể đự đoán được sự chuyển đổi này. Đối với trẻ em vị thành niên thì vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, giáo dục giới tính nên tập trung nhiều hơn vào cách làm chủ được những cảm xúc phát sinh khi hưng phấn tình dục. Thứ ba, chúng ta phải thừa nhận rằng mang theo bao cao su và hiểu biết mơ hồ về sự dâng trào cảm xúc của hưng phấn tình dục vẫn là không đủ.
Một lời khuyên cho các bạn trẻ muốn tránh xa sex đó là hãy tránh xa khỏi ngọn lửa đam mê khi họ bị kiểm soát bởi chúng. Chấp nhận lời khuyên này không dễ nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, đấu tranh với sự cám dỗ trước khi nó nảy sinh hơn là sau khi nó đã kiểm soát được họ. Nói cách khác, tránh khỏi sự cám dỗ sẽ dễ hơn là vượt qua nó.
Không nói tới những ý kiến tán thành hay phản đối quan hệ tình dục ở tuổi vị thành nhiên, nhưng nếu chúng ta muốn giúp thanh thiếu niên tránh quan hệ tình dục, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn, chúng ta có thể áp dụng hai chiến lược. Bạn có thể dạy họ cách để nói “không” trước khi bị sự cám dỗ hoàn toàn kiểm soát; hoặc chúng ta có thể hướng dẫn cho chúng cách đối phó với hậu quả của việc nói “có” khi ham muốn đang trỗi dậy bằng cách mang theo bao cao su. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải giúp họ hiểu rằng phản ứng của họ khi đang ở trạng thái bình thường sẽ khác khi hormon của họ đang hoạt động mạnh.
Lái xe an toàn
Tương tự, chúng ta cần giáo dục cho trẻ vị thành niên (và tất cả mọi người) không được lái xe khi đang ở trạng thái phấn khích. Có ai nghĩ về rủi ro trong tình huống đó không? Một nghiên cứu gần đây cho thấy, một thanh niên lái xe một mình, thì khả năng gây tai nạn cao hơn so với người lớn là 40%. Nhưng nếu có một thêm một thanh niên khác trong xe, thì tỷ lệ này còn gấp đôi – và nếu xuất hiện thêm một thanh niên nữa, thì tỷ lệ này lại cao gấp đôi.
Tại sao chúng ta lại không lắp đặt những thiết bị báo động trong ô tô để ngăn chặn những hành vi quá khích của các thanh thiếu niên? Nếu chiếc xe chạy vượt quá 65 km/h trên đường cao tốc, hoặc hơn 40 km/h ở khu dân cư, thì sẽ có hậu quả xảy ra. Nếu chiếc xe chạy quá tốc độ cho phép hay bắt đầu lượn lách, thì chiếc radio có thể chuyển từ nhạc 2Pac sang bản Symphony thứ hai của Schumann (bản nhạc này sẽ làm giảm tốc độ đối với hầu hết các thanh thiếu niên). Hay chiếc xe có thể tự động bật chế độ quạt gió cho máy điều hòa vào mùa đông, chuyển sang chế độ nóng vào mùa hè hay tự động gọi “Mẹ”. Với những hậu quả tức thì này, người cầm lái sẽ nhanh chóng nhận ra rằng đã đến lúc Ngài Hyde phải nhường chỗ cho Tiến sĩ Jekyll.
Ngày nay, những chiếc xe hiện đại được trang bị cả máy tính điều khiển việc tích trữ nhiên liệu, hệ thống thời tiết và hệ thống âm thanh. Một số xe với công nghệ Onstar còn được kết nối với mạng không dây. Với công nghệ ngày càng tiến bộ, thì việc một chiếc xe cài chế độ tự động gọi “Mẹ” không phải là điều quá khó.
Những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc đời
Những phụ nữ mới mang thai lần đầu thường nói với bác sỹ rằng họ không sử dụng bất kỳ một loại thuốc giảm đau nào. Quyết định họ đưa ra trong trạng thái “lạnh” thật đáng khâm phục, nhưng khi đó họ không thể tưởng tượng được cơn đau đẻ sẽ như thế nào (chưa nói đến thách thức của việc nuôi con). Kết quả sau những lời thề thốt và sau khi đẻ xong là gì, họ ước mình đã được gây mê.
Tôi và Sumi – người vợ yêu quý của mình, đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng Amit, muốn thử thách lòng can đảm trước khi quyết định có sử dụng thuốc gây mê hay không. Để làm điều này, Sumi ngâm tay vào một xô đá lạnh khoảng 2 phút (theo lời khuyên của một bác sỹ phụ sản, người khẳng định với chúng tôi rằng cơn đau này sẽ giống với cơn đau đẻ), trong khi tôi dạy cô ấy cách thở. Nếu Sumi không chịu được cơn đau này, thì cô ấy sẽ cần dùng đến thuốc giảm đau khi đẻ. Sau 2 phút nhúng tay vào xô đá, Sumi mới hiểu rõ sự cần thiết của thuốc gây mê.
Để đưa ra những quyết định đúng đắn, chúng ta cần trải nghiệm và hiểu được cảm xúc mà chúng ta sẽ trải qua khi đang ở trạng thái đối lập. Học cách rút ngắn khoảng cách là điều cần thiết để đưa ra những quyết định quan trọng cho cuộc đời của mỗi người.
Chúng ta sẽ không chuyển đến một thành phố khác trước khi hỏi bạn bè đang sống ở đó là họ thấy thành phố đó như thế nào, hoặc chúng ta sẽ không chọn xem một bộ phim mà không đọc trước lời bình luận về bộ phim đó. Một điều thật lạ là chúng ta đầu tư rất ít thời gian vào việc tìm hiểu hai con người trong chính bản thân mình. Chúng ta cần hiểu được hai trạng thái “lạnh” và nóng trong cùng một con người; cần nhìn thấy được khoảng cách giữa hai trạng thái đó mang lại lợi ích cho cuộc sống của chúng ta như thế nào và khi nào nó dẫn chúng ta đi lầm đường lạc lối.
Thí nghiệm của chúng tôi đã chỉ ra: không tồn tại “con người nhất thể”. Thực tế, chúng ta là tổng thể của rất nhiều cái tôi. Chỉ cần nhận thức được rằng chúng ta có nguy cơ đưa ra quyết định sai lầm khi bị kiểm soát hoàn toàn bởi cảm xúc mãnh liệt có thể giúp chúng ta, áp dụng kiến thức của mình về cái tôi “Hyde” vào hoạt động hàng ngày.
Làm thế nào chúng ta có thể khiến cái tôi “Hyde” trong mình cư xử tốt hơn? Đó là nội dung mà Chương 6 sẽ đề cập đến.
PHỤ LỤC: CHƯƠNG 5
Đây là danh sách đầy đủ các câu hỏi mà chúng tôi đã đưa ra kèm theo phản hồi của người tham gia thí nghiệm và sự khác biệt về tỷ lệ. Mỗi câu hỏi được trình bày trên thang điểm VAS (Visual Analogue Scale) thay đổi từ “không” bên tay trái đến “có thể” ở giữa (50) và “có” bên tay phải (100).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.