Phi Lý Trí
CHƯƠNG 9. HIỆU ỨNG CỦA SỰ MONG ĐỢI
Tại sao chúng ta lại cảm nhận theo những gì chúng ta mong đợi?
Giả sử bạn là một fan hâm mộ của đội Đại bàng Philadelphia và đang xem một trận đấu bóng bầu dục với một người bạn. Nhưng người đó lại lớn lên ở
New York và là một fan cuồng nhiệt của đội Những gã khồng lồ. Bạn không hiểu tại sao hai người lại trở thành bạn bè, nhưng sau một học kỳ ở chung phòng ký túc xá, bạn bắt đầu cảm thấy thích anh ta mặc dù anh ta là đối thủ của bạn trong môn bóng bầu dục.
Đội Đại bàng đang có bóng và đang bị dẫn trước 5 điểm. Thời gian hội ý cũng đã hết. Đồng hồ đã chỉ l4 giờ 15 phút và chỉ còn 6 giây nữa. Bóng đang ở trên vạch 11m Bốn cầu thủ bắt bóng dàn hàng chuẩn bị cho pha bóng cuối cùng. Cầu thủ tiền vệ phát bóng và đưa bóng vào lưới. Khi các cầu thủ đón bóng lao về cuối sân, cầu thủ tiền đạo tung cao bóng đúng lúc thời gian cho trận đấu kết thúc. Một cầu thủ bắt bóng của đội Đại bàng gần phía trái của khung thành lao đến trái bóng và thực hiện một pha bắt bóng thật đẹp mắt.
Trọng tài ra tín hiệu bàn thắng đã được ghi và cầu thủ của đội Đại bàng chạy ào ra sân ăn mừng chiến thắng. Hãy đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Liệu cầu thủ bắt bóng có để cả hai chân vào trong vạch không? Nhìn trên màn hình lớn thì chân anh ấy rất sát vạch, tổ trọng tài quyết định xem lại pha bóng. Bạn quay sang nói với anh bạn của mình: “Nhìn xem! Anh ta bắt đẹp thế cơ mà! Anh ta đã để chân trong vạch. Cần gì phải xem lại bàn thắng chứ?” Anh bạn của bạn tỏ vẻ giận dữ và nói: “Hai chân của anh ta hoàn toàn nằm ngoài vạch rồi! Tôi không tin trọng tài không nhìn thấy điều đó! Anh có điên không mà nghĩ anh ta đứng trong sân!”
Điều gì vừa xảy ra vậy? Liệu có phải anh ta vừa có một tư duy mang tính chất mong đợi? Có phải anh ấy đang tự lừa dối bản thân không? Tồi tệ hơn, liệu anh ta có đang nói dối không? Hay sự trung thành của anh ta với đội của mình – và sự kỳ vọng đội của mình sẽ chiến thắng – đã che lấp đi những nhận định của anh ta?
Tôi suy ngẫm về điều đó vào một buổi chiều tối khi đi dạo từ trường Cambridge đến Nhà tưởng niệm Walker của MIT. Làm sao mà hai người bạn – hai con người thật thà – lại có thể nhìn nhận một pha bóng theo hai cách khác nhau? Thực ra, làm thế nào mà hai người lại nhìn nhận cùng một sự kiện và diễn giải nó như là để ủng hộ cho quan điểm trái ngược của mình? Vì sao một đôi vợ chồng đang cãi nhau lại nhìn thấy nguyên nhân tranh cãi của họ hoàn toàn khác nhau?
Một người bạn của tôi đến làm việc ở Belfast, Ireland trong vai trò là một nhà báo nước ngoài, đã miêu tả cho tôi một cuộc gặp gỡ giữa anh với các thành viên của IRA (Irish Republican Army: Quân đội Cộng hòa Ireland). Cuộc phỏng vấn đang diễn ra thì có tin, Giám đốc Nhà tù Maze, một khu nhà tù giam giữ nhiều điệp viên của IRA đã bị ám sát. Các thành viên IRA đón nhận tin này với vẻ hài lòng và coi đây là một chiến thắng trong sự nghiệp của họ. Người Anh không nhìn nhận vấn đề theo cách đó. Ngày hôm sau, các tít báo ở London đều thể hiện sự tức giận sôi sục và kêu gọi sự trừng phạt. Thực tế, người Anh nhìn nhận sự kiện như là một bằng chứng chứng minh rằng các cuộc thảo luận với IRA sẽ không dẫn tới đâu và IRA phải bị tiêu diệt. Tôi là một người Israzel, vì vậy tôi không lạ lẫm với vòng bạo lực luẩn quẩn như vậy. Bạo lực không phải là chuyện hiếm hoi. Nó xảy ra thường xuyên đến mức mà chúng ta ít khi hỏi mình tại sao. Tại sao bạo lực lại xảy ra? Liệu đó có phải là một hệ quả của lịch sử, một cuộc đua chính trị? Hay phải có một cái gì đó mang tính phi lý trí trong mỗi chúng ta mà nó khuyến khích bạo lực, khiến chúng ta xem xét một vấn đề theo những cách hoàn toàn khác nhau?
Tôi, Giáo sư Leonard Lee (Đại học Columbia) và Giáo sư Shane Frederick (Trường MIT) không đưa ra được câu trả lời. Nhưng trong quá trình tìm kiếm căn nguyên cho tình trạng này, chúng tôi tiến hành một loạt các thí nghiệm để khám phá xem các ấn tượng trước đó có thể che phủ quan điểm của chúng ta như thế nào. Chúng tôi nghĩ ra một bài kiểm tra đơn giản trong đó, không sử dụng tôn giáo, chính trị hay các sự kiện thể thao làm các chỉ số mà sử dụng các ly bia.
Bạn đi vào Nhà tưởng niệm Walker bằng cách đi lên các bậc tam cấp rộng giữa các cột trụ có kiến trúc kiểu Hy Lạp cao chót vót. Khi vào trong (và sau khi rẽ phải), bạn bước vào hai căn phòng được trải bằng loại thảm có từ trước khi đèn điện được phát minh, với đồ đạc rất phù hợp với căn phòng và một mùi thơm từ rượu, hạt dẻ và không khí thân mật giữa mọi người. Chào mừng bạn đã đến với Muddy Charles. Đây là một trong hai quán rượu của MIT và là địa điểm cho một loạt thí nghiệm mà tôi, Leonard và Shane đã tiến hành. Mục đích của những thí nghiệm này là xác định xem liệu sự kỳ vọng của mọi người có ảnh hưởng đến quan điểm của họ về các sự kiện xảy ra sau đó hay không. Cụ thể hơn, liệu sự kỳ vọng của một số khách hàng trong quán rượu đối với một số loại bia nhất định có hình thành nên nhận thức của họ về hương vị của nó hay không.
Loại bia thứ nhất được phục vụ cho khách hàng đến quán Muddy Charles là Budweiser. Loại bia thứ hai là loại bia mà chúng tôi thường gọi là bia hơi MIT. Bia hơi MIT là gì vậy? Về căn bản nó là bia Budweiser được kết hợp cùng một “nguyên liệu bí mật” – hai giọt giấm thơm cho 28,4 g bia. (Một số sinh viên MIT không thích cách chúng tôi gọi là “bia” Budweiser, chính vì vậy trong các nghiên cứu sau đó chúng tôi sử dụng Sam Adams – một loại chất mà người dân Boston coi là “bia”).
Khoảng 7 giờ tối hôm đó, Jeffrey, một nghiên cứu sinh năm thứ hai chuyên ngành Tin học đã vào quán Muddly Charles. “Tôi có thể mời anh nếm thử miễn phí hai mẫu bia được không?” Leonard hỏi và tiến gần tới chỗ anh ta. Không do dự, Jeffrey đồng ý và Leonard đưa anh ta đến một cái bàn bày hai chai bia đang sủi bọt, một chai ghi nhãn A và chai kia ghi nhãn B. Jeffrey nhấp thử một loại, xoay tròn chiếc chai và suy nghĩ. “Anh thích uống loại bia nào hơn?” Leonard hỏi. Jeffrey suy nghĩ một lúc để chắc chắn rằng mình sẽ được nhâm nhi một loại bia mạch nha đích thực.
Jeffrey chọn bia B nhưng anh không hề biết rằng hai loại bia mà anh vừa uống thử là Budweiser và bia hơi MIT – và loại bia mà anh chọn là bia hơi MIT pha thêm giấm thơm.
Vài phút sau, Mina, một sinh viên đến từ Estonia cũng vào quán rượu của chúng tôi. “Cô có muốn uống bia miễn phí không?” Leonard hỏi. Câu trả lời của cô ấy là nụ cười và cái gật đầu. Lần này, Leonard cung cấp nhiều thông tin hơn. Anh giải thích, bia A là loại bia đạt tiêu chuẩn và bia B đã được làm giả với vài giọt giấm thơm. Mita nếm hai loại bia và đưa mũi ngửi loại bia B có pha thêm giấm thơm. Cô đã loại bia A.
Mina và Jeffrey chỉ là hai trong số hàng trăm sinh viên tham gia vào thí nghiệm này. Nhưng phản ứng của họ đều rất điển hình: nếu không biết trước về loại giấm thơm, hầu hết mọi người chọn loại bia hơi MIT pha giấm thơm. Nhưng khi biết bia hơi MIT đã bị pha thêm giấm thơm, thì phản ứng của họ lại hoàn toàn khác. Ngay lần đầu tiên uống thử một ngụm bia pha giấm thơm, họ đều nhăn mũi và yêu cầu loại bia chuẩn. Bài học rút ra ở đây là nếu bạn nói cho mọi người biết một cái gì đó sẽ có hương vị rất khó chịu thì có nhiều khả năng sau đó họ sẽ đồng ý thử – không phải sự trải nghiệm nói với họ mà bởi vì kỳ vọng của họ.
Nếu bạn đang cân nhắc việc thành lập một công ty bia hơi mới, đặc biệt là một công ty chuyên pha chế thêm giấm thơm vào trong bia, thì hãy xem xét những điểm sau: (1) Nếu mọi người đọc nhãn bia, hay họ đã biết về nguyên liệu làm nên loại bia đó, thì khả năng họ sẽ không thích bia của bạn. (2) Loại giấm thơm khá đắt vì vậy có thể sẽ tốn của bạn một khoản đầu tư lớn. Thay vào đó hãy pha chế một loại bia chất lượng tốt hơn.
Bia chỉ là phần khởi đầu cho một loạt thí nghiệm của chúng tôi. Các sinh viên MBA của trường Quản lý Kinh doanh Sloan của MIT còn rất nghiền cà phê. Vì vậy tôi, Elie Ofek (Giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard) và Marco Bertini (giáo sư của Trường Quản lý Kinh doanh London) mở một quán cà phê ngẫu hứng. Ở đây chúng tôi mời các sinh viên uống một ly cà phê miễn phí nếu họ trả lời một số câu hỏi về loại cà phê của chúng tôi. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã có được một hàng dài người xếp hàng. Có một chiếc bàn trên đó bày các loại đồ đi kèm với cà phê – sữa, kem, đường trắng và đường nâu. Ngoài ra còn có một số gia vị kỳ quặc như đinh hương, vỏ cam, lá hồi, ớt Hung ngọt và để thực khách thêm vào ly cà phê của mình.
Sau khi đã thêm vào các gia vị như ý (không có gia vị kỳ cục nào của chúng tôi được sử dụng) và thưởng thức cà phê, những người tham gia thí nghiệm điền vào một bản điều tra. Họ viết suy nghĩ của mình về loại cà phê đó và liệu họ có muốn nó được bán ở các quán ăn nhanh trong tương lai hay không, mức giá cao nhất họ sẵn sàng trả cho loại cà phê đặc biệt này là bao nhiêu.
Những ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục bán cà phê nhưng thỉnh thoảng lại thay đổi hộp đựng các loại gia vị kỳ quặc. Lúc thì là những hộp đựng làm bằng kim loại và thủy tinh rất đẹp, đặt trên một chiếc khay kim loại với những chiếc thìa bằng bạc nhỏ xíu và được dán nhãn vuông vắn. Lúc thì là những chiếc tách nhựa Styrofoam. Nhãn được viết tay bằng bút nỉ. Thậm chí, chúng tôi còn tỉa miệng cốc thành đường viền mấp mô nữa.
Kết quả là gì? Hộp đựng các loại gia vị kỳ quặc dù bắt mắt đến đâu cũng không thể thuyết phục thực khách nào pha vào cà phê của họ. Nhưng điều thú vị là khi các gia vị kỳ quặc để trong những hộp đựng vui mắt thì thực khách có xu hướng thích cà phê hơn, họ sẵn sàng trả hậu hĩnh cho những loại cà phê đó. Nói cách khác, khi không gian uống cà phê trông sang trọng hơn thì người uống sẽ cảm thấy cà phê ngon hơn.
Vì vậy, khi chúng ta tin rằng một cái gì đó tốt, thì nó sẽ tốt – và khi chúng ta nghĩ nó tệ thì nó sẽ tệ. Nhưng sự ảnh hưởng này sâu sắc đến mức nào? Liệu chúng chỉ thay đổi niềm tin của chúng ta hay chúng thay đổi cả trải nghiệm? Nói cách khác, liệu sự hiểu biết trước đó có thay đổi hoạt động của thần kinh làm nền tảng cho cảm nhận về hương vị không, để khi chúng ta mong đợi cái gì đó có hương vị ngon (hay không ngon), thì nó sẽ thật sự có hương vị như vậy?
Để kiểm chứng khả năng này, tôi, Leonard và Shane lại sử dụng bia để làm thí nghiệm một lần nữa, nhưng với một thay đổi quan trọng. Chúng tôi đã thử nghiệm bia hơi MIT theo hai cách – nói cho những người tham gia thí nghiệm về sự có mặt của giấm thơm trong bia trước khi họ uống thử bia và cách thứ hai là không nói gì cả. Nhưng giả sử ban đầu chúng tôi không nói cho họ biết về sự có mặt của giấm thơm trong bia, sau đó mời họ nếm thử bia và bật mí cho họ biết rằng loại bia họ vừa uống có pha thêm giấm thơm rồi hỏi về cảm nhận của họ. Liệu phản ứng chúng ta nhận được từ họ có khác với những người tham gia đã biết trước khi trải nghiệm?
Chúng ta chuyển từ bia sang một ví dụ khác trong giây lát. Giả sử bạn nghe nói có một loại xe thể thao chạy rất thích, bạn đi thử và sau đó nói lên ấn tượng của mình về chiếc xe. Liệu ấn tượng của bạn có khác với những người không rành về xe thể thao đi thử xe, rồi sau đó nghe nói chiếc xe đang rất được ưa chuộng không? Nói cách khác, sự hiểu biết đến trước và sau trải nghiệm có tạo nên sự khác biệt không? Nếu như vậy, sự truyền đạt thông tin nào quan trọng hơn? Sự truyền đạt thông tin trước hay sự truyền đạt thông tin, sau khi trải nghiệm đã diễn ra?
Ý nghĩa của câu hỏi này là: nếu chỉ được thông báo về tình trạng của một sự vật, thì sẽ không có vấn đề gì cho dù người tham gia thí nghiệm nhận được thông tin trước hay sau khi uống bia.
Vậy, liệu những sinh viên biết về sự có mặt của giấm thơm sau khi nếm thử bia có thích nó như những sinh viên biết điều đó trước khi nếm thử bia hay không? Liệu họ có thích loại bia đó nhiều như những sinh viên không được thông báo về sự có mặt của giấm thơm? Còn bạn nghĩ sao?
Thực tế, những sinh viên được thông tin là có giấm thơm trong bia sau khi uống lại thích loại bia đó nhiều hơn so với những người biết trước khi uống. Họ cũng thích loại bia đó như những người không bao giờ biết rằng trong loại bia mà họ uống có pha thêm giấm thơm.
Chúng tôi tiến hành một thí nghiệm khác. Chúng tôi nói trước cho nhóm thứ nhất biết về sự có mặt của giấm thơm (điều kiện “trước”) và nói cho nhóm thứ hai sau khi họ đã thử xong (điều kiện “sau”). Ngay sau khi thử xong, chúng tôi đưa cho họ một vại bia không pha trộn, một chút giấm thơm, một chiếc ống và công thức cho loại bia MIT (hai giọt giấm thơm cho 28,4g bia). Chúng tôi muốn xem mọi người có thêm giấm thơm vào bia của mình không; nếu có, thì họ sẽ dùng bao nhiêu; kết quả này phụ thuộc vào việc những người tham gia nếm bia trước hay sau khi biết về sự có mặt của giấm như thế nào.
Điều gì xảy ra? Việc nói cho những người tham gia sau khi họ thử bia đã làm tăng gấp đôi số người tham gia quyết định thêm giấm thơm vào bia của mình. Họ không ngại thử nó thêm một lần nữa.
Như bạn thấy, sự mong đợi ảnh hưởng tới hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Giả sử bạn đang cần thuê một khách sạn tổ chức tiệc cưới cho con gái. Một khách sạn tự hào nói về “món gà rang gừng phong cách Á châu ngon tuyệt” và món “salad Hy Lạp đầy hương vị với loại dầu ô-liu kalamata (Hy Lạp) và pho mát trắng (Hy Lạp)”. Một khách sạn khác, đưa ra món “ức gà bổ dưỡng, được quay hoàn hảo và phun một lớp nước xốt nâu ngậy làm từ loại nho chuyên dùng để sản xuất rượu đỏ, đặt ngập trong lớp bột mỳ nấu với nước thịt theo kiểu của Israel, cùng với nhiều thảo mộc” và một “hỗn hợp cà chua bi tươi ngon nhất từ Roma và các loại rau đồng tươi mát, kẹp với các lát pho mát từ sữa dê”.
Mặc dù không có cách nào để biết món ăn của khách sạn nào ngon hơn nhưng qua sự miêu tả kỹ lưỡng, chúng ta có thể trông đợi nhiều hơn món salad đơn giản làm từ khoai tây và pho mát sữa dê. Điều này cũng có nghĩa là nếu được đọc bản miêu tả món ăn, thực khách sẽ rất thích thú món đó.
Cách làm trên rất hữu ích đối với tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ ẩm thực. Chúng ta có thể thêm vào những điều nho nhỏ nghe có vẻ lạ và sang trọng cho cách nấu ăn của mình (nước sốt xoài chế biến cùng ớt chuông (có màu xanh đen, được sấy khô và hun khói) giờ đây đã trở nên rất thịnh hành, hoặc hãy thử thịt trâu thay cho thịt bò). Các nguyên liệu này có thể không làm cho món ăn ngon hơn nhưng chúng tác động tới vị giác của người thưởng thức.
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự trình bày. Đó là lý do tại sao ở các trường dạy nấu ăn, học cách trình bày món ăn trên đĩa một cách nghệ thuật cũng quan trọng như việc học cách nướng và rán.
Một lời khuyên nữa là: Nếu bạn muốn nâng cao trải nghiệm của các thực khách, hãy đầu tư mua một bộ ly rượu đẹp.
Giả sử khi mời mọi người đi xem phim, bạn có thể làm tăng sự thích thú của họ bằng cách nói rằng bộ phim đó được đánh giá rất cao. Điều này cũng rất quan trọng đối với việc xây dựng danh tiếng cho một nhãn hiệu hay một sản phẩm. Đó chính là tiếp thị – cung cấp thông tin nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Nhưng sự mong đợi được tạo ra nhờ tiếp thị có thật sự thay đổi được sự thích thú của chúng ta không?
Tôi chắc bạn vẫn còn nhớ quảng cáo truyền hình nổi tiếng Thách thức Pepsi (hoặc ít nhất bạn có thể đã từng nghe nói tới). Trong đoạn quảng cáo, những người được chọn ngẫu nhiên sẽ uống thử Coca và Pepsi, sau đó đưa ra nhận xét về loại họ thích hơn. Quảng cáo của Pepsi tuyên bố rằng mọi người thích Pepsi hơn Coca. Trong khi đó, quảng cáo của Coca tuyên bố rằng mọi người thích Coca hơn Pepsi. Tại sao lại như vậy? Có phải hai công ty này giả mạo thống kê của mình?
Câu trả lời nằm ở sự khác nhau trong cách thức hai công ty đánh giá sản phẩm của mình. Nghiên cứu thị trường của Coca dựa trên sở thích của người tiêu dùng khi họ có thể nhìn thấy mình đang uống gì, kể cả nhãn hiệu đăng ký màu đỏ nổi tiếng của sản phẩm này. Trong khi đó, Pepsi thực hiện quảng cáo bằng cách bịt mắt người tham gia. Liệu có thể là Pepsi có vị ngon hơn trong thí nghiệm bịt mắt nhưng Coca lại có vị ngon hơn trong thí nghiệm không bịt mắt (có nhìn thấy)?
Để hiểu rõ hơn bài toán giữa Coca và Pepsi, một nhóm các nhà khoa học thần kinh xuất sắc – Sam McClure, Jian Li, Damon Tomlin, Kim Cypert, Latané Montague và Read Montague – tiến hành các thí nghiệm của riêng mình về hương vị của Coca và Pepsi. Thí nghiệm này sử dụng chiếc máy fMRI rất hiện đại (hiển thị hình ảnh cộng hưởng từ theo tương quan hàm số). Nhờ đó, những nhà nghiên cứu có thể theo dõi hoạt động của não người tham gia trong khi họ dùng đồ uống.
Thử đồ uống trong khi dùng máy fMRI không đơn giản, vì người được quét phải hoàn toàn nằm im. Để khắc phục vấn đề này, Sam và các đồng nghiệp phải đặt một ống nhựa dài vào bên trong miệng người tham gia, và từ xa, bơm loại đồ uống thích hợp (Pepsi hoặc Coca) qua ống đó vào miệng của họ. Khi nhận đồ uống, những người tham gia được nhìn thấy thông tin cho thấy mình sắp nhận Coca, Pepsi hay một thứ đồ uống nào khác. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu có thể quan sát sự kích hoạt não của họ khi dùng Coca và Pepsi, cả khi họ biết mình đang uống loại nào và cả khi không.
Kết quả cho thấy, sự kích hoạt não của những người tham gia khác nhau phụ thuộc vào việc tên loại đồ uống có được tiết lộ hay không. Bất cứ khi nào người tham gia nhận được một lần bơm Coca hoặc Pepsi, trung tâm não bộ liên quan tới các cảm giác mạnh về kết nối cảm xúc – vùng não nằm ở khu vực giữa trán (gọi tắt là VMPFC) – bị kích thích. Nhưng khi những người tham gia biết họ sắp nhận được Coca, khu vực não trước – phần lưng bên của khu vực giữa trán (DLPFC), khu vực có liên quan tới các chức năng cao hơn của não người như ký ức, nhận thức và tư tưởng – cũng được kích hoạt. Điều này cũng xảy ra với Pepsi, nhưng rõ ràng phản ứng với Coca mạnh hơn so với Pepsi.
Lợi thế của Coca so với Pepsi là do thương hiệu của mình – kích hoạt các cơ chế não bộ bậc cao hơn. Vậy thì, chính điều này chứ không phải thành phần hoá học của đồ uống khiến Coca có lợi thế trên thị trường.
Cũng rất thú vị khi xem xét cách não bộ trước kết nối với trung tâm khoái cảm như thế nào. Nhờ sự tồn tại của một liên kết dopamine, phần não trước hướng và kích hoạt các trung tâm khoái cảm. Điều này lý giải vì sao Coca được yêu thích hơn khi người uống biết nhãn hiệu – các mối liên hệ trở nên mạnh hơn, cho phép phần não tương ứng với các liên hệ này tăng cường hoạt động trong trung tâm khoái cảm của não. Đây sẽ là tin tốt cho bất kỳ hãng quảng cáo nào, vì nó có nghĩa là chiếc lon màu đỏ chói, những dòng chữ uốn lượn và vô số những thông điệp vẫn được truyền tới người tiêu dùng trong hàng năm qua (ví dụ: “Mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn với…”) là nguyên nhân của tình yêu chúng ta dành cho Coca so với bản thân nước uống bên trong nó.
Trông đợi cũng hình thành sự rập khuôn. Xét cho cùng, sự rập khuôn là một cách phân loại thông tin, với hy vọng phán đoán trước các trải nghiệm. Não không thể phân tích ngay lập tức trong mọi tình huống mới. Nó phải dựa vào những gì nó đã được nhìn thấy trước đó. Về bản chất, rập khuôn không xấu. Nó giúp chúng ta giải nghĩa thế giới đầy phức tạp nhanh nhất. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn hình dung, một người già sẽ cần hướng dẫn sử dụng máy tính và một sinh viên học tại Harvard thì thông minh. Nhưng đôi khi sự rập khuôn cũng có thể ảnh hưởng không tốt cho cả cảm nhận và hành vi của chúng ta.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chúng ta phản ứng khác đi khi có sự rập khuôn về một nhóm người nào đó, đồng thời bản thân những người rập khuôn cũng có phản ứng khác biệt khi họ nhận thức được cái mác mình bị buộc phải đeo vào. Ví dụ, một định kiến về người Mỹ Á là họ đặc biệt có năng khiếu về toán và khoa học. Một định kiến phổ biến về phụ nữ là họ yếu toán. Điều này có nghĩa là phụ nữ Mỹ Á có thể bị ảnh hưởng bởi cả hai quan niệm đó.
Thực tế đúng là như vậy. Margaret Shin, Todd Pittinsky và Nalini Ambady đã yêu cầu một số phụ nữ Mỹ Á làm một bài kiểm tra toán khách quan. Họ chia những người này thành hai nhóm. Một nhóm được hỏi các câu hỏi liên quan đến giới tính. Nhóm thứ hai được hỏi các câu hỏi liên quan tới chủng tộc. Những câu hỏi này đề cập tới ngôn ngữ họ biết, ngôn ngữ họ nói tại nhà và lịch sử gia đình của họ tại Mỹ, do đó hướng ý nghĩ của họ tới các vấn đề liên quan đến chủng tộc.
Thành tích của hai nhóm này khác nhau và tương xứng với các định kiến dành cho phụ nữ nói chung và phụ nữ Mỹ Á nói riêng. Những người được gợi nhắc mình là phụ nữ có kết quả kém hơn so với những người được gợi nhắc mình là người Mỹ Á. Kết quả này cho thấy hành vi của chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các định kiến của chính mình, sự kích hoạt các định kiến phụ thuộc vào tình trạng tinh thần hiện tại và cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình vào thời điểm đó.
Sự rập khuôn cũng ảnh hưởng tới hành vi của con người, ngay cả khi bạn không là một phần của nhóm bị rập khuôn đó. Trong một nghiên cứu đáng chú ý, John Bargh, Mark Chen và Lata Burrows đã cho những người tham gia hoàn thành một bài tập sắp xếp từ xáo trộn thành câu (chúng tôi đã từng bàn về loại bài tập này trong Chương 4). Với nhóm thứ nhất, bài tập được dựa trên những từ mang ý nghĩa như hung hăng, thô lỗ, khó chịu và xâm phạm. Với nhóm thứ hai, bài tập được dựa trên những từ mang ý nghĩa như vinh dự, chu đáo, lịch sự và nhạy cảm. Mục tiêu của hai danh sách này là gợi cho những người tham gia nghĩ về sự lịch sự hoặc thô lỗ do việc sắp xếp những từ này (đây là một kỹ thuật rất phổ biến trong môn tâm lý học xã hội, và nó hoạt động hiệu quả đến mức đáng kinh ngạc).
Sau khi những người tham gia hoàn thành bài tập sắp xếp câu, họ đi tới phòng thí nghiệm khác để tiếp tục làm bài tập số hai. Ở đây, họ sẽ thấy một người có vẻ như đang cố gắng giải thích nhiệm vụ cho một người tham gia không hiểu được vấn đề (thực ra đây là một cộng tác viên của người làm thí nghiệm). Bạn nghĩ những người tham gia sẽ mất bao lâu để xen vào cuộc đối thoại và hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo?
Thời gian chờ đợi phụ thuộc vào nhóm từ có liên quan trong bài tập sắp xếp từ xáo trộn. Những người làm bài tập có nhóm từ lịch sự, kiên nhẫn đợi khoảng 9 phút rồi mới chen ngang, trong khi đó những người làm bài tập có nhóm từ thô lỗ chỉ đợi khoảng 5 phút trước khi ngắt lời.
Một thí nghiệm khác cũng được tiến hành tương tự bằng cách gợi khái niệm người già, sử dụng những từ như Florida (tên một tiểu bang của Mỹ), bingo (trò chơi lô-tô) và cổ đại. Sau khi những người tham gia thí nghiệm làm xong bài tập sắp xếp từ xáo trộn, họ rời phòng, nghĩ rằng mình đã hoàn thành – nhưng mấu chốt của cuộc nghiên cứu mới chỉ bắt đầu. Điều các nhà nghiên cứu thật sự quan tâm là sẽ mất bao lâu để những người tham gia đi hết đoạn hành lang khi rời khỏi toà nhà. Chắc chắn là những người trong nhóm thí nghiệm bị ảnh hưởng bởi các từ “già”: tốc độ bước chậm hơn đáng kể so với một nhóm không bị gợi ý trước đó. Điều đáng chú ý là những người tham gia bị gợi ý, bản thân họ không phải là những người già – họ mới chỉ là các sinh viên đang theo học tại NYU.
Tất cả các thí nghiệm này thuyết phục chúng ta rằng, sự mong đợi không chỉ đơn thuần là sự hình dung về một quảng cáo đến từ loại nước Coca có ga. Sự mong đợi khiến chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của một đoạn hội thoại trong một căn phòng ồn ào hoặc có thể đọc được các tin nhắn văn bản trên máy di động mặc dù một vài từ trong đó bị xáo trộn.
Vậy những cổ động viên bóng đá và đường chuyền quyết định đội chiến thắng của chúng ta thì sao? Mặc dù hai người bạn cùng xem một trận đấu nhưng họ nhìn qua các lăng kính khác nhau. Một người thấy nó vẫn trong đường biên. Người kia lại thấy nó đã ra ngoài. Trong thể thao, những tranh cãi kiểu như thế không gây tổn hại đặc biệt. Vấn đề là những diễn biến định kiến kiểu như vậy có thể ảnh hưởng tới việc chúng ta trải nghiệm các khía cạnh khác của thế giới ra sao. Trong thực tế, chúng là nguyên nhân chính gây ra sự leo thang trong hầu hết mọi cuộc xung đột, cho dù đó là giữa Israel – Palestin, Mỹ – Irắc, Sécbi – Croatia, hoặc Ấn độ – Pakistan.
Trong các thí nghiệm của chúng tôi, việc nếm thử bia mà không biết gì về giấm thơm, hoặc biết về giấm thơm sau khi đã thử bia, cho phép người tham gia cảm nhận được hương vị thật. Phương pháp tương tự cũng nên được sử dụng để giải quyết các tranh cãi: Quan điểm của mỗi bên được trình bày mà không đưa ra quyết định cuối cùng là mình thuộc phe nào. Loại điều kiện “mù” này có thể giúp chúng ta nhận ra sự thật tốt hơn.
Loại bỏ các định kiến và tri thức có từ trước là điều không thể, nhưng ít nhất cũng nên thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có thành kiến. Nếu chúng ta thừa nhận là bị mắc kẹt trong chính cách nhìn nhận của mình, làm che giấu một phần sự thật, có thể chúng ta sẽ chấp nhận ý kiến trung lập của bên thứ ba. Tất nhiên, chấp nhận lời của bên thứ ba không dễ và không phải lúc nào cũng có thể; nhưng khi có thể, nó sẽ tạo ra những lợi ích to lớn. Vì lý do đó, chúng ta phải tiếp tục cố gắng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.