Phi Lý Trí

CHƯƠNG 12. TÁC ĐỘNG CỦA BỐI CẢNH ĐẾN TÍNH CÁCH



Phần II

Tại sao khi làm những việc liên quan đến tiền, chúng ta lại trung thực hơn?

Nhiều phòng ký túc xá của MIT có những khu công cộng đặt rất nhiều tủ lạnh để các sinh viên ở gần đó có thể sử dụng. Một buổi sáng vào khoảng 11 giờ, khi các sinh viên còn đang ở trên lớp, tôi đã vào các phòng và tìm kiếm tất cả những tủ lạnh dùng chung.

Khi phát hiện được một chiếc, sau khi quan sát xung quanh, tôi cho vào đó 6 lon Coca rồi rời khỏi thật nhanh. Khi đã có một khoảng cách an toàn, tôi ghi lại thời gian và địa điểm chiếc tủ lạnh mà tôi để lại những lon Coca.

Vài ngày sau, tôi quay trở lại để kiểm tra số lượng lon Coca còn lại trong tủ lạnh. Tất cả đều đã biến mất trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên, không phải ở chiếc tủ lạnh nào tôi cũng đặt Coca. Thay vào đó, tôi để lại một chiếc đĩa chứa sáu tờ tiền, mỗi tờ trị giá 1 đô-la. Liệu số tiền đó có biến mất nhanh hơn những lon Coca không?

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin đặt ra một tình huống. Giả sử khi đang ở chỗ làm, bạn nhận được điện thoại của vợ hay chồng mình. Con gái bạn cần một chiếc bút chì màu đỏ cho buổi học tới. “Bạn có lấy một chiếc ở chỗ làm về không?” Bạn có cảm thấy thoải mái không khi mang một chiếc bút chì đỏ từ chỗ làm về cho con gái của mình? Không thoải mái? Hoàn toàn thoải mái?

Giả sử không có chiếc bút chì đỏ nào ở chỗ làm nhưng bạn có thể mua một chiếc ở tầng dưới với giá 1 xu. Hộp tiền lẻ trong văn phòng của bạn đang để mở và không có ai ở xung quanh. Liệu bạn có lấy 10 xu từ hộp tiền lẻ để mua chiếc bút chì đỏ không? Giả sử bạn không có tiền lẻ và bạn cần 10 xu. Bạn có làm điều đó không? Bạn có cảm thấy thoải mái khi lấy chúng không?

Quay trở lại với thí nghiệm với những lon Coca, trong vòng 72 giờ tất cả những lon Coca đều biến mất. Nhưng số tiền lẻ thì sao? Chiếc đĩa đựng sáu tờ đô-la không bị động tới cho đến thời điểm chúng tôi đưa nó ra khỏi tủ lạnh.

Vậy điều gì đang diễn ra ở đây?

Khi nhìn ra thế giới xung quanh, hầu hết những hành vi không trung thực mà chúng ta nhìn thấy đều không liên quan trực tiếp đến tiền mặt. Các công ty gian lận trong hoạt động kế toán, các nhà vận động hành lang gian lận bằng cách chiêu đãi tiệc tùng đối với các chính trị gia; các công ty dược gian lận bằng cách chu cấp những kỳ nghỉ sang trọng cho các bác sỹ và gia đình họ. Chắc chắn, họ không gian lận tiền trực tiếp. Đó là quan điểm của tôi: gian lận sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu nó không trực tiếp dính dáng đến tiền.

Những kiến trúc sư của vụ sụp đổ Enron – Kennenth Lay, Jefferey Skilling và Andrew Fastow đã lấy đi hàng triệu đô-la tiền lương của rất nhiều phụ nữ cao tuổi. Nhưng bạn có nghĩ rằng họ có thể đánh một người phụ nữ bằng dùi cui và cướp tiền trên tay họ không? Câu trả lời của tôi là không.

Vậy điều gì cho phép chúng ta gian lận khi nó không liên quan đến tiền? Động cơ phi lý trí đó hoạt động như thế nào?

Vì chúng ta ngụy biện quá giỏi cho hành động gian lận của mình nên rất khó để phác thảo một bức tranh là làm thế nào các vật thể phi tiền tệ lại ảnh hưởng đến sự gian lận của chúng ta. Ví dụ, khi lấy một cái bút chì, chúng ta có thể ngụy biện rằng các đồ dùng văn phòng là một phần tiền chúng ta được hưởng. Chúng ta có thể nói rằng việc lấy một lon Coca từ tủ lạnh công cộng là không có vấn đề gì, bởi xét cho cùng, thì tất cả chúng ta đều đã bị lấy đi một vài lon Coca. Có thể Lay, Skilling và Fastow nghĩ rằng việc gian lận sổ sách của Enron sẽ không có vấn đề gì vì đó là một giải pháp tạm thời khắc phục khó khăn của công ty.

Vì vậy, để hiểu đúng bản chất của sự không trung thực, chúng ta cần phải phát triển một thí nghiệm thông minh, trong đó những đối tượng thí nghiệm sẽ được phép đưa ra một số lý do. Chúng tôi cùng suy nghĩ về điều này. Giả sử chúng tôi sử dụng loại tiền mang tính chất tượng trưng, ví dụ như tiền xu giả. Liệu nó có giúp chúng ta hiểu rõ về quá trình gian lận không? Chúng tôi không chắc chắn nhưng vẫn quyết định làm thí nghiệm.

Khi gặp các sinh viên ở trong quán cà phê tự phục vụ của MIT, chúng tôi hỏi họ có muốn tham gia vào một thí nghiệm kéo dài 5 phút không. Tất cả những gì họ phải làm là giải 20 bài toán đơn giản (tìm hai số có tổng bằng 10). Sau đó, họ sẽ nhận được 50 xu cho mỗi câu trả lời đúng.

Thí nghiệm được tiến hành như nhau trong tất cả các trường hợp nhưng kết thúc bằng một trong ba cách khác nhau. Đối với nhóm đầu tiên, sau khi hoàn thành bài kiểm tra, họ sẽ nộp bài cho giám thị, người sẽ đếm số câu trả lời đúng và thưởng cho họ 50 xu cho mỗi câu trả lời đúng. Nhóm thứ hai được xé bài làm và thông báo cho giám thị số điểm của họ để để đổi lấy tiền thưởng.

Nhóm thứ ba được yêu cầu khác đi một chút. Cũng như hai nhóm trước, sau khi làm bài xong, họ có thể xé bài của mình và nói với giám thị số câu trả lời đúng. Nhưng lần này, giám thị sẽ không thưởng tiền cho họ mà chỉ thưởng một đồng xu tượng trưng cho mỗi câu trả lời đúng. Sau đó, những sinh viên sẽ đi bộ khoảng 12 phút đến gặp một người tổ chức thí nghiệm khác để đổi mỗi một đồng xu tượng trưng lấy 50 xu thật.

Liệu việc đưa một đồng tiền tượng trưng vào giao dịch – một loại tiền không có giá trị, phi tiền tệ – có ảnh hưởng đến tính trung thực của các sinh viên hay không? Liệu đồng tiền tượng trưng có khiến các sinh viên nhận tiền kém trung thực hơn các sinh viên được thưởng bằng tiền thật khi tính số câu trả lời đúng không? Nếu như vậy, mức chênh lệch sẽ là bao nhiêu phần trăm?

Chúng tôi rất ngạc nhiên trước kết quả: Nhóm thứ nhất (những người không có bất kỳ một cơ hội nào để gian lận) trung bình giải đúng được 3,5/20 câu hỏi.

Nhóm thứ hai (những người được xé bài làm), thông báo họ đã trả lời đúng trung bình 6,2/20 câu hỏi (có thể 2,7 câu hỏi họ khai báo là gian lận).

Nhưng xét về mức độ gian lận lộ liễu, thì những người nằm trong nhóm thứ ba chiếm vị trí thứ nhất. Họ không thông minh hơn những người ở hai nhóm trước, nhưng họ thông báo là đã giải đúng 9,4/20 câu hỏi – hơn 5,9 câu so với nhóm kiểm soát và 3,2 câu với nhóm chỉ xé bài làm.

Điều này có nghĩa, khi có cơ hội để gian lận trong những tình huống bình thường, những sinh viên gian lận trung bình 2,7 câu hỏi. Nhưng khi họ có cùng một cơ hội tương tự để gian lận với những loại không phải là tiền, thì sự gian lận của họ tăng lên 5,9 câu – thậm chí, còn gấp đôi về quy mô.

Nếu con số trên làm bạn ngạc nhiên, thì hãy xem xét điều này. Trong số 2.000 người tham gia vào thí nghiệm về sự trung thực của chúng tôi, chỉ có bốn người tuyên bố là họ đã giải được tất cả các bài toán. Nói cách khác, tỷ lệ “gian lận tuyệt đối” là 4/2.000.

Nhưng trong thí nghiệm chúng tôi đưa vào sử dụng đồng xu giả, 24/450 người tham gia vào nghiên cứu đều gian lận “từ đầu đến cuối”, tương đương với khoảng 320/2.000 người tham gia thí nghiệm. Điều này có nghĩa là không chỉ đồng tiền tượng trưng “giải phóng” con người khỏi ràng buộc đạo đức mà đối với một số ít người, quy mô của sự giải phóng này hoàn hảo đến nỗi họ gian lận hết mức có thể.

Đừng quên rằng đồng tiền tượng trưng trong thí nghiệm của chúng tôi được đổi thành tiền thật chỉ trong giây lát. Vậy tỷ lệ không trung thực sẽ là bao nhiêu nếu việc chuyển đổi từ một đồng tiền tượng trưng sang tiền mặt mất mấy ngày, mấy tuần hay mấy tháng? Liệu có thêm nhiều người gian lận ở quy mô lớn hơn không?

Chúng tôi rút ra kết luận, nếu có cơ hội, thì mọi người sẽ gian lận. Nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không nhìn thấy điều này. Khi chúng tôi hỏi sinh viên trong một thí nghiệm khác dự đoán xem khi họ nhận được đồng tiền tượng trưng, họ có gian lận nhiều hơn khi nhận được tiền mặt không, các sinh viên trả lời là không và mức độ gian lận sẽ vẫn như vậy.

Nhưng họ đã sai! Họ không thấy được họ có thể hợp thức hóa sự không trung thực của mình khi chỉ một bước chân là họ đã có thể nhận tiền mặt. Có lẽ, đó là lý do tại sao có quá nhiều sự gian lận diễn ra.

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc phải điểm yếu này. Hãy nghĩ về tất cả những hành vi gian lận bảo hiểm đang diễn ra. Người ta ước tính rằng khi những người tiêu dùng thông báo mất mát đồ đạc trong nhà hay xe ô tô, họ đã cường điệu mức độ thiệt hại vào khoảng 10%. Nhiều người mất một chiếc tivi 27-inch nhưng lại khai báo là chiếc 32-inch; người đánh mất chiếc tivi 32-inch lại khai báo mất chiếc 36 inch. Chắc chắn, khả năng họ ăn trộm tiền trực tiếp từ công ty bảo hiểm là rất thấp, nhưng họ sẽ khai báo tăng quy mô và giá trị của vật đã mất lên một chút. Điều này làm cho họ đỡ cắn rứt lương tâm hơn.

Bạn đã bao giờ nghe đến thuật ngữ wardrobing chưa? Wardrobing là hành động mua một món đồ nào đó, sử dụng một thời gian, rồi trả lại nó trong một hiện trạng buộc cửa hàng phải nhận lại nhưng không thể bán được nữa. Bằng cách thực hiện hành vi wardrobing, người tiêu dùng không trực tiếp lấy tiền từ công ty. Nhưng hậu quả ngành công nghiệp may mặc phải gánh chịu ước tính hàng năm thiệt hại do wardrobing khoảng 16 tỷ đô-la (gần bằng với tổng thiệt hại của các vụ đột nhập nhà riêng và ăn trộm xe).

Vậy các bản báo cáo chi tiêu thì sao? Trong một nghiên cứu, tôi và Nina phát hiện ra rằng không phải tất cả các chi phí đều giống nhau xét về khả năng giải trình chi phí công tác của mọi người. Ví dụ, mua một cái bình với giá 5 đô-la cho một người lạ rõ ràng là vượt quá giới hạn nhưng mua cho người ấy một cốc nước ngọt trị giá 8 đô-la ở một quán bar thì dễ giải trình hơn. Sự khác biệt không phải ở chi phí của món hàng hay nỗi sợ hãi bị phát hiện mà là khả năng của con người giải trình sự hợp lý của các khoản chi tiêu.

Một số nghiên cứu khác cũng cho những kết luận tương tự. Chúng tôi phát hiện ra là đa số mọi người nộp lại hóa đơn thiếu trung thực cho nhân viên hành chính.

Cách đây vài năm, tôi đã trải nghiệm về sự không trung thực. Ai đó đã vào được tài khoản Skype của tôi (một phần mềm trực tuyến rất tuyệt vời) và yêu cầu tôi trả một khoản tiền để lấy lại tài khoản PayPal (một hệ thống thanh toán trực tuyến).

Tôi nghĩ thủ phạm không phải là một tên tội phạm chuyên nghiệp. Nếu thế anh ta đã có thể đột nhập vào Amazon, Dell hay là một tài khoản thẻ tín dụng và nhận được nhiều tiền hơn thế. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một cậu nhóc thông minh hoặc một cậu học trò đã từng bị tôi cho điểm kém và quyết định trả thù tôi vì điều này.

Liệu cậu nhóc này có lấy tiền từ trong ví của tôi không, ngay cả khi biết chắc rằng không ai có thể bắt được nó? Tôi nghĩ câu trả lời là không. Khi đột nhập vào phần mềm Skype của tôi, cậu nhóc có thể thực hiện hành vi gian dối mà không cảm thấy bị chỉ trích về mặt đạo đức.

Một ấn tượng xấu tôi rút ra từ các nghiên cứu của mình. Những người tham gia thí nghiệm là những người rất thông minh, quan tâm đến người khác và đáng được tôn vinh, những người đã có một giới hạn rõ ràng về mức độ gian lận mà họ sẽ thực hiện. Đối với hầu hết những người này, có một điểm mà tại đó lương tâm kêu gọi họ phải dừng lại và họ đã dừng lại. Theo đó, sự không trung thực mà chúng ta nhìn thấy trong các thí nghiệm của chúng tôi có lẽ là một giới hạn thấp hơn về sự không trung thực của con người.

Một ý nghĩ đến với tôi, nếu chúng ta tiến hành thí nghiệm với những loại tiền tệ tượng trưng hay với những cá nhân ít quan tâm đến tiền nong, hay với những hành vi không thể quan sát nơi công cộng được, chúng ta có thể thấy cấp độ gian lận cao hơn. Mức độ gian lận mà chúng ta quan sát được ở đây có thể chưa phán ánh đúng hết mức độ gian lận mà chúng ta sẽ thấy trong những hoàn cảnh và những cá nhân khác nhau.

Chúng ta có thể hy vọng xung quanh mình là những con người tốt bụng, có đạo đức nhưng chúng ta phải thực tế. Thậm chí, cả những người tốt cũng không thể tránh khỏi những lúc bị chính suy nghĩ của mình làm cho mù quáng. Sự mù quáng này cho phép họ hành động để đạt lợi ích kinh tế mà bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức.

Tuy nhiên, không chỉ các cá nhân mà cả các doanh nghiệp (giống như Enron và Worldcom) đều vấp phải sự không trung thực. Có những công ty không ăn trộm trực tiếp tiền mặt mà bằng cách nào đó bòn rút ngân quỹ.

Gần đây, một người bạn của tôi, người đã tích lũy số km bay để đi đến hãng hàng không đổi lấy một kỳ nghỉ. Người đại diện của hãng nói với anh rằng tất cả những ngày mà anh muốn đi đều bị cắt điện. Nói cách khác, mặc dù anh ta đã tích lũy được 50.000 km bay nhưng lại không thể sử dụng chúng. Người đại điện nói nếu anh ta muốn sử dụng 100.000 km thì có thể còn chỗ ngồi.

Đối với người bạn của tôi, con số 50.000 km mà anh đã tích lũy được tương đương với một khoản tiền rất lớn. Liệu hãng hàng không có bóp chẹt khoản tiền đó của anh ta không? Liệu hãng hàng không này có lấy khoản đó từ tài khoản ngân hàng của anh ta không? Không. Hãng ăn trộm khoản tiền đó bằng hình thức yêu cầu anh phải bổ sung thêm 50.000 km nữa.

Một ví dụ khác, hãy nhìn xem các ngân hàng đang làm gì với mức phí thẻ tín dụng. Có rất nhiều biến thể của trò bịp bợm này, nhưng ý tưởng cơ bản là khi bạn không thanh toán hóa đơn đầy đủ thì nhà phát hành tín dụng sẽ không chỉ áp dụng mức lãi suất cao đối với những lần mua sau mà còn tính lãi suất đối với những lần mua trước đó của bạn. Ví dụ, một người đàn ông ở Ohio rút 3.200 đô-la từ thẻ của mình bỗng chốc phát hiện ra số nợ của anh ta lên tới 10.700 đô-la vì bị phạt, phí và lãi suất.

Chúng ta trở về với quan sát ban đầu: đồng tiền thật lạ lùng phải không? Khi làm gì đó liên quan đến tiền, chúng ta có xu hướng nghĩ về hành động của mình như thể chúng ta vừa ký một Quy tắc Danh dự. Thực tế, khi nhìn vào đồng 1 đô-la, bạn sẽ thấy hình Geogre Washington hiện lên. Ở mặt sau, còn thể hiện sự nghiêm trang hơn với dòng chữ: IN GOD WE TRUST.

Nhưng hãy nhìn vào những quyền mà chúng ta có với vật trao đổi phi tiền tệ. Chúng ta có thể lấy một chiếc bút chì từ chỗ làm, một lon Coca từ tủ lạnh và tìm một lý do để giải thích tất cả những điều đó. Chúng ta có thể không trung thực mà không hề nghĩ mình thiếu trung thực. Chúng ta có thể ăn cắp khi lương tâm vẫn ngủ say.

Làm thế nào có thể khắc phục được điều này? Chúng ta cần thức tỉnh mối liên kết giữa đồng tiền có hình thức phi tiền tệ và xu hướng gian lận của chúng ta. Chúng ta cần nhận ra là một khi tiền mặt cách chúng ta một bước chân, chúng ta sẽ gian lận bằng một cách lớn hơn mình có thể tưởng tượng. Chúng ta, với tư cách là một cá nhân hay một quốc gia, cần thức tỉnh về điều này.

Tại sao? Một mặt, thời kỳ của tiền đã sắp kết thúc. Tiền là sự nối dài của lãi suất ngân hàng – họ muốn thoát khỏi nó. Mặt khác, các công cụ điện tử đem lại rất nhiều lợi nhuận. Lợi nhuận từ các thẻ tín dụng của Mỹ tăng từ 9 tỷ đô-la năm 1996 lên mức kỷ lục 27 tỷ đô-la năm 2004. Các chuyên gia phân tích của ngành ngân hàng cho biết vào năm 2010 sẽ có 50 tỷ đô-la trong các giao dịch điện tử mới và gần gấp đôi con số đó được xử lý bằng Visa và Master Card năm 2004. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát xu hướng gian lận của mình. Chúng ta có thể làm gì khi tiền mặt không còn phổ biến nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.