1984
Chương 1g
Winston viết: Nếu có hy vọng, nó nằm nơi dân đen.
Nếu có hy vọng, nó phải nằm nơi dân đen, vì chỉ trong đám quần chúng lúc nhúc bị khinh khi ấy, gồm tám mươi nhăm phần trăm dân số Đại Dương, mới có thể nẩy nở ra được cái sức mạnh tiêu diệt nổi Đảng. Đảng không thể bị lật đổ từ trong. Kẻ thù của Đảng, nếu có, chẳng có cách nào sát cánh nhau hay nhận diện ra nhau. Ngay nếu Hội Tình Thân hoang đường có thật, như có thể họa may, khó tưởng tượng họ tụ tập nổi quá hai ba hội viên. Lòng phản nghịch chỉ hiện ra trong ánh mắt, giọng nói, hay tiếng thì thầm nếu có dịp. Nhưng dân đen, giá có cơ ý thức được thế lực của mình, họ sẽ không cần mưu phản. Họ chỉ cần vùng lên và lay mình như ngựa phẩy ruồi. Nếu họ muốn, họ có thể thổi tan Đảng ngay sáng mai. Chắc chắn sớm muộn gì họ cũng nghĩ tới điều đó. Thế nhưng – !
Anh nhớ có lần anh đang tản bộ theo một đường phố đông đúc bỗng một tiếng la ó khủng khiếp của hàng trăm tiếng người — tiếng đàn bà — bùng lên từ một bên phố trước mặt anh. Đó là một tiếng gào ghê gớm vì tức giận và thất vọng, một tiếng “Ồ… Ồ…” to lớn sâu thẳm liên tiếp ù ù như tiếng chuông dội. Tim anh chồm lên. Bắt đầu rồi ! anh đã nghĩ vậy. Một cuộc nổi loạn ! Tận cùng dân đen đã phá xiềng ! Khi anh tới nơi anh thấy một đám đông gồm hai ba trăm phụ nữ bu quanh sạp hàng chợ phố, mặt mũi bi thảm như thể họ là hành khách sắp tử nạn của một con tàu đang chìm. Nhưng hiện thì nỗi thất vọng chung tan thành vô số cuộc cãi vã tư. Hóa ra có một sạp hàng bán chảo thiếc. Đó là những hàng tồi mỏng, nhưng các loại dụng cụ nấu bếp luôn luôn khan hiếm. Giờ thì hàng cung cấp bất ngờ hết sạch. Những bà có hên, bị đẩy đập bởi người khác, cố len ra ngoài với chảo của họ, trong khi hàng tá bà khác la ó quanh sạp hàng, đổ tội cho người giữ sạp thiên vị và còn dự trữ chảo đâu đó. Lại một trận hò hét mới. Hai bà mập, một người xõa tóc, tranh nhau một cái chảo, người nọ cố giựt nó khỏi tay người kia. Cả hai giằng co một hồi và cán chảo tuột ra. Winston kinh tởm nhìn họ. Thế mà, trong có một lúc, tiếng kêu chỉ từ vài trăm cuống họng phát ra một uy lực gần như hãi hùng biết bao ! Tại sao họ không bao giờ hò hét như vậy cho một chuyện đáng kể ? Anh viết:
Họ còn chưa ý thức, họ không bao giờ nổi loạn, và họ còn chưa nổi loạn, họ không bao giờ ý thức. Điều này gần giống như một câu trích trong sách khái luận của Đảng, anh nghĩ. Cố nhiên, Đảng rao là đã giải phóng dân đen khỏi phận đọa đầy. Trước Cách Mạng, họ bị tư bản hà hiếp thậm tệ, họ bị bỏ đói đánh quật, đàn bà bị ép làm việc trong mỏ than (sự thể thì đàn bà vẫn làm việc trong mỏ than), trẻ con bị bán cho xưởng thợ ngay khi lên sáu. Nhưng đồng thời, đúng theo nguyên lý ý đôi, Đảng dạy rằng dân đen bẩm chất là bề dưới phải bị giữ trong sự phục tùng, giống như súc vật, nhờ sự áp dụng vài điều luật đơn giản. Thực ra sự hiểu biết về dân đen không có mấy. Không cần biết nhiều về họ. Họ còn tiếp tục làm việc và sinh sản, hoạt động khác của họ không đáng kể. Khi được để mặc, như đàn bò được thả lỏng trên đồng bằng Argentine, họ quay trở về lối sống bẩm sinh của họ, một mẫu sống cổ xưa. Họ sinh ra và lớn lên trong cảnh đê hèn, họ đi làm khi mười hai tuổi, họ trải qua một thời xuân sắc và tình dục ngắn, họ lấy vợ lấy chồng khi hai mươi tuổi, họ tới trung niên khi ba mươi tuổi, phần đông họ chết khi sáu mươi tuổi. Công việc nặng nhọc, sự săn sóc nhà cửa con cái, những cuộc cãi vã ty tiện với hàng xóm, phim ảnh, bóng đá, bia và trên hết cờ bạc, lấp đầy chân trời tinh thần của họ. Kiểm soát họ không khó gì. Vài nhân viên Cảnh Sát Tư Tưởng luôn luôn lưu hành giữa họ, phao tin đồn bậy rồi ghi tên và loại trừ số ít người có thể trở thành nguy hiểm; Nhưng không có sự thử thuyết phục họ theo học thuyết Đảng. Dân đen không nên có tinh thần chính trị mạnh. Chỉ nên đòi hỏi nơi họ một lòng yêu nước nguyên thủy có thể kêu gọi được mỗi khi cần khiến họ chấp nhận làm việc thêm nhiều giờ hay có ít khẩu phần hơn. Và ngay khi họ bất mãn, như thỉnh thoảng xảy ra, sự bất mãn của họ không đi đến đâu vì không dựa vào ý tưởng tổng quát, cho nên họ chỉ có thể tập trung cơn tức giận vào những mối phiền đặc thù nhỏ mọn. Những tai họa lớn không được họ lưu ý tới. Phần đông dân đen không có máy truyền hình trong nhà. Ngay cảnh sát dân sự cũng ít can thiệp vào chuyện họ. Tại Luân Đôn số kẻ phạm tội ác rất là lớn, có cả một thế giới trong thế giới trộm cướp, đĩ điếm, con buôn ma túy và quân tống tiền đủ kiểu; nhưng vì mọi chuyện xảy ra giữa dân đen với nhau, điều đó không quan trọng. Trong mọi vấn đề luân lý họ được phép theo tục lệ cổ truyền. Luật nghiêm khắc về sinh dục không ràng buộc họ. Họ không bị phạt vì chung chạ bừa bãi, và được phép ly dị. Phải nói là ngay sự phụng thờ tôn giáo cũng được cho phép nếu dân đen tỏ vẻ cần hay muốn vậy. Họ ở dưới mọi sự ngờ vực. Như khẩu hiệu của Đảng đề xướng: “Dân đen và thú vật có tự do”.
Winston với tay xuống chỗ loét giãn tĩnh mạch và cẩn thận gãi. Nó lại bắt đầu ngứa. Vấn đề luôn luôn ám ảnh anh là sự không thể biết được hồi trước Cách Mạng đời sống ra sao. Anh rút khỏi ngăn kéo một bản sách sử dạy trẻ con mượn được của bà Parsons, và bắt đầu chép một đoạn vào nhật ký: Thuở xưa (sách viết vậy), trước Cách Mạng hiển hách, Luân Đôn không phải là thành phố đẹp đẽ mà chúng ta biết ngày nay. Đó là một nơi tối tăm, bẩn thỉu, tồi tàn, hiếm ai đủ ăn, có hàng trăm hàng ngàn dân nghèo không có giầy ống để đi và không có cả mái nhà để ngủ. Trẻ con không lớn hơn các em phải làm việc mười hai tiếng một ngày cho bầy chủ ác nghiệt, họ quật roi vào chúng nếu chúng làm việc quá chậm và không cho chúng ăn uống gì ngoài vài mẩu bánh mì khô với nước. Nhưng giữa toàn sự nghèo khổ kinh khủng đó, có vài tòa nhà to lớn tráng lệ do người giàu ở với khoảng ba chục đầy tớ hầu hạ họ. Những người giàu đó được gọi là dân tư bản. Người họ mập mạp xấu xí, gương mặt họ đanh ác như người trong hình ở trang bên. Các em có thể thấy hắn mặc một chiếc áo khoác đen dài kêu là áo choàng rộng, và đội một cái mũ bóng lạ hình ống sưởi kêu là mũ cao thành. Đó là bộ đồng phục của dân tư bản, và không ai khác có quyền mặc như vậy. Dân tư bản làm chủ mọi thứ trên thế giới và mọi người khác đều là nô lệ của họ. Họ làm chủ mọi đất đai, mọi nhà cửa, mọi xưởng hãng và mọi tiền tài. Nếu ai không tuân lệnh họ, họ có thể tống người ấy vào tù, hoặc tước công việc của người ấy, hoặc bỏ người ấy chết đói. Khi một người thường nói chuyện với một dân tư bản, người ấy phải khúm núm, cúi chào, bỏ mũ và xưng với hắn ta: “Thưa ngài”. Kẻ đứng đầu các dân tư bản được gọi là Vua và — Nhưng anh thuộc phần liệt kê còn lại. Sẽ được nêu lên những giám mục trong cánh áo mỏng, những quan tòa trong áo lông chồn trắng, cái cột bêu tội nhân, những khối hàng tồn trữ, cái cối xay kỷ luật, cái roi chín đuôi, bữa tiệc mừng Thị Trưởng, và tục hôn chân Giáo Hoàng. Lại còn một thứ gọi là quyền đêm đầu tiên, chắc không được ghi trong sách dành cho trẻ con. Đó là một đạo luật cho phép các dân tư bản có quyền ngủ với mọi phụ nữ làm việc trong xưởng của họ.
Làm sao phân định được phần nói dối ? Có thể thật sự trung bình ra, con người ngày nay sống khá hơn thời trước Cách Mạng. Nghịch cứ độc nhất là sự phản kháng của xương cốt anh, linh giác rằng những điều kiện sống hiện tại không thể chấp nhận được, rằng phải có thời chúng khác hẳn. Anh bị kích động bởi ý nghĩ rằng đặc tính đúng của đời sống mới không phải là sự ác nghiệt hay bấp bênh của nó, mà chính là sự trống rỗng, vộ vị và vô tâm của nó. Nếu nhìn quanh, đời sống không những không giống những điều dối trá tuôn ra từ máy truyền hình, mà còn không giống những lý tưởng mà Đảng cố thực hiện. Quãng lớn đời sống, ngay đối với một Đảng viên, lừng chừng và không liên quan đến chính trị, nó là vất vả lo toan những công việc tẻ nhạt, là tranh giành một chỗ trong tàu hầm, là vá lại bí tất cũ rách, là xin xỏ một thẻ đường tinh, là để dành một mẩu thuốc lá. Lý tưởng do Đảng dựng lên là một cái gì to tát, khủng khiếp và chói lọi — một thế giới của thép và xi măng, của những máy móc quái gở và những khí giới kinh hồn —, một quốc gia chỉ gồm chiến sĩ và cuồng đồ hoàn toàn nhất trí tiến bước, cùng nghĩ như nhau, hô hào khẩu hiệu giống nhau, luôn luôn làm việc, chiến đấu, thắng trận và hành hạ người — ba trăm triệu người cùng một gương mặt. Thực tế là những thành phố đổ nát, buồn tẻ, trong đó dân chúng thiếu ăn lê qua lê lại trong những đôi giầy thủng lỗ tại những căn nhà vá víu xây từ thế kỷ mười chín hôi mùi rau cải và chuồng xí thối. Anh hình dung cảnh một thành phố Luân Đôn rộng lớn và đổ nát với một triệu thùng rác, và lẫn vào đó là hình ảnh của bà Parsons, một người đàn bà có khuôn mặt nhăn nheo và bộ tóc rối tung, đang loáy hoáy sửa một ống tháo nước.
Anh lại cúi xuống và gãi đầu gối. Đêm ngày máy truyền hình làm chói tai người với những con số thống kê chứng tỏ rằng ngày nay dân chúng có nhiều thức ăn hơn, nhiều quần áo hơn, nhà cửa tốt hơn, trò giải trí hay hơn — rằng họ sống lâu hơn, làm việc ít giờ hơn, cao lớn hơn, khỏe mạnh hơn, mập mạp hơn, sung sướng hơn, thông minh hơn, có giáo dục hơn năm mươi năm về trước. Không chứng minh hay bác bỏ được lời nào trong đó. Ví dụ, Đảng tuyên bố ngày nay 40% dân đen đứng tuổi biết đọc: trước Cách Mạng, theo Đảng, con số chỉ là 15%. Đảng bảo rằng ngày nay tỷ lệ trẻ con tử vong là 160/1000 trong khi trước Cách Mạng nó là 300/1000 — và cứ như thế. Y như một phương trình đơn với hai ẩn số. Rất có thể điều nào trong sách sử, ngay cả những điều được chấp nhận không đắn đo, cũng là điều bịa đặt. Theo chỗ anh biết, có thể chưa hề có điều luật nào là quyền đêm đầu tiên, có sinh vật nào là dân tư bản, hoặc có mũ nào là mũ cao thành.
Mọi sự tan biến trong mù mịt. Quá khứ đã bị san bằng, sự san bằng đã đi vào quên lãng, sự dối trá đã trở thành sự thật. Chỉ một lần trong đời anh anh đã nắm được — sau sự kiện: thế mới đáng kể — một bằng chứng cụ thể không thể lầm lẫn được về một hành động giả mạo. Anh đã giữ nó trong tay anh đến ba mươi giây. Năm 1973, chắc hẳn thế — dù sao đi nữa, đó là vào lúc anh và Katharine ly thân nhau. Nhưng thời gian hợp lý thực ra là bẩy tám năm về trước.
Câu chuyện thực sự bắt đầu vào khoảng giữa những năm sáu mươi, thời kỳ những cuộc đại thanh trừ khiến các lãnh tụ Cách Mạng khởi đầu bị quét sạch. Khoảng 1970 không còn một người nào tồn tại ngoại trừ Bác. Mọi người khác đã bị vạch trần là quân phản loạn hay phản Cách Mạng. Goldstein đã chạy trốn và ẩn nấu ở đâu không ai biết, còn những người khác thì một phần nhỏ mất tích trong khi phần lớn bị xử tử sau khi thú tội trong những phiên tòa công khai. Trong đám người sống sót cuối cùng có ba người tên là Jones, Aaronson và Rutherford. Ba người ấy chắc bị bắt vào khoảng năm 1965. Như thường xảy ra, họ mất tích trong vòng một năm hay hơn, khiến không ai biết họ sống hay chết, rồi bỗng nhiên họ được đưa ra ánh sáng để tự buộc tội như thường lệ. Họ thú tội đã thông đồng với kẻ thù (lúc đó kẻ thù cũng là Âu Á), đã biển thủ quỹ công cộng, đã ám sát nhiều Đảng viên trung thành, đã dùng thủ đoạn chống sự lãnh đạo của Bác, một sự lãnh đạo đã bắt đầu trước Cách Mạng, và đã có những hành động phá hoại làm chết hàng trăm hàng ngàn dân chúng. Sau khi xưng những tội ấy, họ được tha thứ, được thâu hồi vào Đảng, và được giao những chức vụ có tên kêu to nhưng thực sự nhàn rỗi. Cả ba đã viết trong Thời Báo nhiều bài vở dài, đê hèn, phân tích những lý do khiến họ làm phản và hứa sẽ chuộc tội.
Ít lâu sau khi họ được thả, Winston thấy cả ba trong quán cà phê Cây Lật. Anh nhớ lại sức thôi miên ghê gớm lôi cuốn anh liếc nhìn họ. Họ lớn tuổi hơn anh nhiều, họ là di sản của thế giới cũ, gần như là những nhân vật lớn chót của thời anh hùng của Đảng. Uy tín của cuộc tranh đấu ngầm và của cuộc nội chiến phảng phất quanh họ. Anh có cảm tưởng anh biết tên họ sớm hơn biết tên Bác, mặc dầu sự kiện và ngày tháng lúc bấy giờ đang lu mờ. Nhưng họ cũng là kẻ sống ngoài vòng pháp luật, là kẻ thù, kẻ không nên đụng tới, chắc chắn sẽ bị hành quyết một hai năm nữa.
Không có ai ngồi tại bàn cạnh họ. Bị bắt gặp gần những người như vậy không hay tí nào. Họ ngồi yên lặng trước cốc rượu gin tẩm đinh hương là món đặc biệt của quán cà phê. Trong ba người Rutherford có dáng điệu làm xúc động Winston nhất. Rutherford có thời là người vẽ biếm họa danh tiếng, những bức họa hung tợn của ông đã nung nấu dư luận quần chúng trước và sau Cách Mạng. Ngay bây giờ, lâu lâu biếm họa của ông xuất hiện trên Thời Báo. Những bức ấy chỉ mô phỏng văn phong xưa của ông, và lạ thay không sống động và không có sức thuyết phục. Luôn luôn những bức ấy nhai lại các đề tài cũ — nhà ổ chuột, trẻ con chết đói, trận đánh ngoài phố, dân tư bản đội mũ cao thành — ngay trên rào chặn dân tư bản hình như bo bo lấy mũ cao thành — quả là một sự cố gắng vô vọng trở về quá khứ. Ông ta là một người quái dị với chòm tóc xám mỡ, một khuôn mặt xị nhão đầy sẹo, và đôi môi dày như môi người da đen. Có thời ông ta phải vĩ đại lắm; nay thì thân hình to lớn của ông sụt xuống, xiêu khum lại, ngả sụm tứ phía. Ông hình như tản mát trước mắt mọi người, tựa một trái núi vỡ vụn. Lúc đó là mười lăm giờ, giờ vắng vẻ. Winston không nhớ được tại sao anh lại đến quán cà phê vào giờ ấy. Quán gần như trống không. Một điệu nhạc đanh sắt tuôn ra từ máy truyền hình. Ba người ngồi trong xó của họ, không đụng đậy, không nói năng gì. Không đợi lệnh, người bồi bàn mang đến trước họ ba cốc rượu gin lạnh. Có một bàn cờ trên một bàn cạnh họ, với quân cờ đã đặt sẵn, nhưng ván chưa bắt đầu. Vào lúc đó, có lẽ trong một nửa phút, một việc xảy ra trên máy truyền hình. Bản nhạc đang đánh biến đổi và cả điệu nhạc cũng đổi. Thay vào đó — nhưng khó tả nổi — là nó. Một điệu đặc biệt, gẫy đoạn, vang vang, riễu cợt. Trong trí anh, Winston gọi nó là nhạc vàng. Và rồi một giọng hát cất lên từ máy truyền hình:
Dưới cây lật tỏa rộng
Tôi bán anh và anh bán tôi;
Họ nằm kia và ta nằm đây
Dưới cây lật tỏa rộng.
Ba người đàn ông không hề nhúc nhích. Nhưng khi Winston liếc nhìn lại gương mặt tàn phá của Rutherford, anh thấy ông ta đầm đìa nước mắt. Và lần đầu tiên anh nhận thấy cả Aaronson lẫn Rutherford đều có mũi gẫy, mà thầm rùng mình — tuy anh không hiểu anh run sợ gì —.
Ít lâu sau cả ba người bị bắt trở lại. Ra chừng họ dấn thân vào nhiều cuộc mưu phản mới ngay từ khi được thả ra ngoài. Lần xử thứ hai họ thú mọi tội cũ của họ một lần nữa cùng với một tràng tội mới. Họ bị xử tử và phận của họ được ghi trong các lịch sử Đảng để răn hậu thế. Khoảng năm năm sau đó, năm 1973, Winston đang giở một cuộn tài liệu tuột khỏi ống hơi xuống bàn giấy của anh, bỗng vớ được một mảnh giấy hiển nhiên bị lẫn quên trong mớ giấy khác. Anh vừa trải nó ra đã thấy ngay ý nghĩa quan trọng của nó. Đó là một nửa trang Thời Báo rách in khoảng mười năm về trước — nửa trang trên cho nên có ghi ngày tháng — có đăng hình các đại biểu trong một hành vụ gì đó của Đảng tại Nữu Ước. Đáng chú ý ở giữa là Jones, Aaronson và Rutherford. Không thể nhận nhầm họ được, vả lại tên họ được ghi chú dưới hình.
Điều quan hệ là trong cả hai phiên tòa ba người đã xưng hồi đó họ ở đất Âu Á. Họ đã bay từ một phi trường mật tại Gia Nã Đại tới một nơi hẹn đâu đó tại Tây Bá Lợi Á, và đã họp cùng nhân viên thuộc Tổng Tham Mưu Âu Á, để phản nước và khai những điều bí mật quân sự quan trọng. Ngày đó in rõ trong ký ức Winston vì ngẫu nhiên hôm ấy là ngày trung hạ; nhưng toàn thể câu chuyện thế nào cũng được ghi trong vô số công văn. Chỉ có một kết luận đúng lý là: những bản thú tội láo toét.
Dĩ nhiên đấy không phải là một sự phát giác mới lạ. Ngay hồi đó Winston đã không nghĩ rằng những người bị loại trong các cuộc thanh trừ thực sự phạm những tội vu cho họ. Nhưng đây là một bằng chứng cụ thể; nó là một mẩu quá khứ đã bị hủy bỏ, như một khúc xương hóa thạch đã xuất hiện trong một lớp không hợp dự tính, phá tan một thuyết địa chất học. Nó đủ thổi tan Đảng nếu có cách đăng nó cho hoàn cầu biết, cho ý nghĩa của nó được phổ biến.
Anh đã tiếp tục làm việc. Thoạt nhận ra tấm hình và hiểu ý nghĩa của nó, anh đã vội phủ mẩu tài liệu với một tờ giấy khác. May thay, khi anh trải nó ra, nó ngược chiều với máy truyền hình.
Anh đặt tấm lót tay để viết trên đầu gối và kéo lùi ghế hết sức xa máy truyền hình. Giữ cho mặt thản nhiên không khó, và ngay hơi thở cũng có thể kiềm chế được, nếu cố gắng: nhưng không thể chế ngự được tiếng đập của con tim, và máy truyền hình đủ nhạy để ghi tiếng này. Anh để trôi mười phút theo ước tính của anh, suốt mười phút đó anh bứt rứt lo sợ một sự bất trắc — chẳng hạn, một luồng gió bỗng thổi trên bàn giấy của anh — có thể phản anh. Rồi, để khéo không cho mảnh tài liệu lộ rõ, anh ném nó vào lỗ ký ức cùng với vài tờ giấy nháp khác. Nội một phút nữa, có lẽ, nó sẽ tan thành tro.
Đấy là mười — mười một năm về trước. Ngày nay có lẽ anh đã giữ tấm hình ấy. Lạ là đối với anh sự đã cầm nó trong tay thay đổi mọi sự, dù tấm hình cũng như sự kiện nó ghi lại chỉ còn là kỷ niệm. Anh tự hỏi không hiểu sự nắm giữ quá khứ của Đảng có bớt mạnh đi vì một mảnh bằng chứng không còn nữa đã có lần hiện hữu không ?
Nhưng ngày nay, ví cho tấm hình có cách nào từ tro tái sinh, nó cũng không thể là một bằng chứng được. Ngay hồi anh khám phá ra nó, Đại Dương không còn đánh nhau với Âu Á, và ba người chết phải phản quốc với điệp viên Đông Á mới đúng. Từ hồi đó có nhiều thay đổi khác — hai, ba, bao lần anh không nhớ rõ. Rất có thể những bản thú tội đã được viết đi viết lại cho tới khi những sự kiện hay ngày tháng nguyên thủy không còn mảy may ý nghĩa. Không những quá khứ thay đổi, nó còn biến đổi không ngừng. Điều làm anh sầu não nhất cùng cho anh cảm giác sống trong ác mộng là sự anh không hiểu tại sao sự đại bịp bợm kia dược thực hiện. Những lợi ích tức thì của sự xuyên tạc hiển nhiên rồi, nhưng động cơ cuối cùng của nó thật bí mật. Anh nhấc bút lên trở lại và viết: Tôi hiểu NHƯ SAO: Tôi không hiểu TẠI SAO.
Anh tự hỏi, như bao lần tự hỏi trước, không hiểu anh có khùng không. Có thể người khùng chỉ là một người thiểu số đơn độc. Có thời tin rằng trái đất xoay quanh mặt trời là dấu hiệu của bệnh điên; ngày nay triệu chứng điên là tin rằng quá khứ không thể biến chất được. Có thể một mình anh tin vậy và nếu anh có một mình, anh là một người khùng. Nhưng ý nghĩ mình điên không làm anh xúc động nhiều: điều khủng khiếp là sự có thể anh lầm.
Anh nhấc cuốn sách sử dành cho trẻ em lên và nhìn ảnh Bác in trên đầu sách. Đôi mắt thôi miên nhìn chòng chọc vào mắt anh. Đôi mắt như thể có một sức mạnh lớn lao đè bẹp bạn — một uy lực nhập vào sọ bạn, đập vào óc bạn, làm bạn khiếp sợ từ bỏ những điều bạn tin, gần như thuyết phục bạn chối nhận những bằng chứng hiển nhiên của giác quan bạn. Tận cùng Đảng sẽ tuyên bố rằng hai cộng hai là năm, và bạn phải tin như vậy. Sớm muộn gì chúng cũng sẽ xướng ngôn điều đó: luận lý của cương vị chúng đòi hỏi như vậy. Không riêng gì hiệu lực của kinh nghiệm mà cả sự hiện hữu của thực tế bị triết lý của chúng phủ nhận. Tà thuyết vượt các tà thuyết là lương tri. Và điều ghê rợn không phải là sự chúng giết bạn vì bạn nghĩ khác, mà là có thể chúng có lý. Bởi, dù sao chăng nữa, làm sao biết được rằng hai cộng hai là bốn ? Rằng sức trọng lực hữu hiệu ? Hay rằng quá khứ không thể biến đổi được ? Nếu cả quá khứ và thế giới bên ngoài chỉ có trong trí tuệ thôi, và nếu trí tuệ có thể kiểm soát được — thế thì sao ?
Nhưng không ! Lòng can đảm của anh bỗng dưng tự nhiên cứng lại. Gương mặt của O Brien, tuy không được gợi bởi một liên tưởng nào, thoáng qua mắt anh. Anh biết chắc chắn hơn trước O Brien đứng về phe anh. Anh đang viết nhật ký vì O Brien — cho O Brien: nó tựa một lá thư vô tận không bao giờ ai đọc được, nhưng đề gửi một cá nhân và có màu sắc nhờ sự kiện đó.
Đảng bảo phải bác bỏ bằng chứng của tai mắt. Đó là giới luật sau cùng, chủ yếu nhất của chúng. Tim anh lịm đi khi nghĩ tới quyền lực to tát triển khai chống anh, tới sự bất cứ nhà trí thức nào của Đảng cũng có thể tranh luận thắng anh dễ dàng, tới những luận chứng tinh tế mà anh không hiểu nổi mà cũng không đáp lại nổi. Thế nhưng anh có lý ! Chúng sai và anh phải. Sự hiển nhiên, sự ngây ngô và sự thật phải được bảo vệ. Lẽ đương nhiên đúng, phải bám vào đó ! Thế giới vững chắc có thật, luật lệ của nó không thay đổi. Đá cứng, nước ẩm, vật không chỗ dựa rơi về phía trung tâm trái đất. Với cảm tưởng anh đang nói chuyện với O Brien, cũng như đang đặt ra một tiền đề cốt yếu, Winston viết: Tự do là tự do nói rằng hai cộng hai là bốn. Nếu điều này được thừa nhận, mọi điều khác theo sau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.