1984
Chương 3b
Winston đang nằm trên một thứ giường bố, khác cái là anh nằm cao trên đất hơn và anh bị buộc sao đó nên không cựa quậy được. Ánh đèn tuồng như sáng hơn thường đổ vào mặt anh. O Brien đứng cạnh anh, nhìn xuống anh chằm chặp. Bên kia ông ta đứng một người mặc áo khoác trắng, tay cầm ống tiêm.
Mặc dầu mắt anh đã mở hẳn, anh chỉ nhận ra xung quanh một cách tuần tự. Anh có cảm tưởng mình bơi lên căn phòng này từ một thế giới khác hẳn, một thủy giới từ tít dưới. Anh nằm như thế này từ bao lâu, anh chẳng biết nữa. Từ khi bị bắt anh không được thấy đêm tối hay ánh sáng ban ngày. Vả lại, trí nhớ của anh không được liên tục. Có nhiều lúc, ý thức, dù là loại ý thức hiện hữu trong giấc ngủ, phụt tắt rồi nẩy trở lại sau một quãng thời gian trống. Nhưng quãng thời gian đó là ngày, tuần hay chỉ là giây, không có cách nào biết được.
Ác mộng đã bắt đầu với cú đầu tiên trên khuỷu tay ấy. Sau này anh hiểu rằng tất cả những gì xảy ra hồi đó chỉ là một cuộc tra hỏi sơ bộ, thành nếp, mà hầu hết tù nhân phải trải qua. Có một loạt dài tội trạng — tội gián điệp, tội phá hoại, đại loại như vậy — hiển nhiên ai ai cũng phải thú nhận. Sự thú tội là một thủ tục, tuy sự tra tấn là một thực tế. Anh bị đánh đập bao nhiêu lần, những cuộc đánh đập kéo dài bao lâu, anh không nhớ được. Luôn luôn có năm sáu tên bận y phục đen đồng thời hành hạ anh. Khi thì quả đấm, khi thì dùi cui, khi thì giây thép, khi thì giầy ống. Có những lúc anh lăn trên sàn, không biết xấu hổ là gì giống như con vật, uốn người hết về bên này đến về bên kia trong một cố gắng tuyệt vọng vô tận hòng tránh cú đá; nhưng anh chỉ gợi thêm càng nhiều cú đá hơn, trên xương sườn, trên bụng, trên khuỷu tay, trên cẳng, trên bẹn, trên tinh hoàn, trên xương cụt. Có những lúc cuộc tra tấn kéo dài hoài cho tới khi sự xấu xa ác nghiệt không thể tha thứ được đối với anh không phải là sự lính canh tiếp tục đánh anh, mà là sự anh không thể ép mình ngất đi được. Nhiều khi cân não anh bỏ rơi anh đến mức anh vội hét xin tha trước khi sự đánh đập bắt đầu, lại khi chỉ cần cảnh tượng một quả đấm rụt lại lấy đà cũng đủ khiến anh thú nhận một tràng tội trạng thật sự cũng như tưởng tượng. Nhiều khi khác anh khởi sự với quyết tâm không thú nhận gì, mỗi lời của anh phải được cưỡng rút khỏi anh giữa cơn đau hổn hển, lại có khi anh yếu ớt cố kiếm một thỏa hiệp, bụng bảo dạ: “Mình sẽ thú tội, nhưng chưa thú vội. Mình phải cầm cự cho tới khi không chịu đựng nổi cơn đau nữa. Ba cú đá thêm, hai cú đá thêm, bấy giờ mình mới khai những điều chúng muốn.” Thỉnh thoảng anh bị đánh tới độ đứng không vững, rồi bị ném như cái bị khoai trên sàn đá một căn xà lim để anh lấy lại sức trong vài tiếng, xong bị lôi ra đánh đập trở lại. Cũng có những kỳ bình phục dài hạn hơn. Anh nhớ đến đó một cách mơ hồ, vì thời kỳ đó anh vốn li bì hay tê mê. Anh hồi tưởng một xà lim có giường phản hay một thứ ván từ tường nhú ra, có một chậu thiếc, với những bữa cơm có canh nóng và bánh mì, thỉnh thoảng lại có cà phê. Anh nhớ một viên phó cạo càu nhàu tới cạo nhẵn cằm anh và cắt tóc anh, và nhớ nhiều người đáng ghét, coi vẻ bận rộn, khoác áo trắng, cầm mạch anh, vỗ phản xạ anh, vạch mí mắt anh, đưa ngón tay cứng chạy khắp mình anh xem anh có gãy xương sống không, và tiêm vào cánh tay anh cho anh ngủ.
Những trận đòn ít dần và đặc biệt trở thành một điều hăm dọa, một trò khủng khiếp sẽ bắt lại anh bất cứ lúc nào nếu câu trả lời của anh không vừa ý. Bây giờ những kẻ tra khảo anh không phải là quân vô loại bận y phục đen mà là những nhà trí thức của Đảng, những người nhỏ vóc tròn trĩnh có cử chỉ nhanh nhẹn, đeo kính lóng lánh, thay phiên quanh anh hàng thời kỳ dài kéo một mạch tới mười hay mười hai tiếng — theo anh nghĩ, tuy anh không chắc. Những viên hỏi cung khác này chăm cho anh thường trực đau nhẹ, nhưng họ không tin cậy nhiều vào sự đau đớn. Họ tát anh, béo tai anh, dứt tóc anh, bắt anh đứng một chân, không cho phép anh đi tiểu, chiếu đèn sáng chói vào mặt anh cho tới khi mắt anh tuôn nước; nhưng mục đích của những phiền nhiễu đó chỉ là hạ nhục anh và hủy diệt khả năng phản biện và lý luận của anh. Khí giới thực của họ là sự chất vấn không thương kéo đi kéo lại hoài hoài, hết giờ này sang giờ khác, làm anh vấp váp, đặt anh vào bẫy, xuyên tạc mọi điều anh nói, mỗi bước thuyết anh phải nhận mình nói dối hay mâu thuẫn, cho tới lúc anh phát khóc vì tủi hổ cũng như vì mệt mỏi thần kinh. Có khi trong một kỳ hỏi cung, anh khóc đến nửa tá lần. Thông thường họ lớn tiếng thóa mạ anh, hễ anh chần chừ là họ hăm dọa giao anh trở lại cho lính canh; nhưng thỉnh thoảng họ đổi giọng, gọi anh là đồng chí, lấy danh nghĩa Anh Xã và Bác kêu gọi anh, buồn rầu hỏi anh liệu ngay giờ anh còn đủ lòng trung với Đảng để mong ước tháo gỡ điều ác anh làm nên không. Khi thần kinh anh rã rời sau nhiều tiếng tra khảo, ngay lời kêu gọi đó cũng khiến anh khóc rên lên được. Tận cùng những tiếng mắng mỏ làm anh suy nhược hoàn toàn hơn giầy ống và quả đấm của lính canh. Anh biến thành duy một cái miệng để nói, một bàn tay để ký, bất cứ điều gì đòi hỏi nơi anh. Điều độc nhất anh quan tâm đến là tìm hiểu họ muốn anh thú nhận gì, và thú nhận nhanh chuyện đó, trước khi trò sỉ nhục bắt đầu trở lại. Anh xưng tội ám sát một số Đảng viên lỗi lạc, phân phát truyền đơn phản loạn, lạm tiêu công quỹ, bán chác bí mật quân sự, phá hoại đủ loại. Anh khai anh là gián điệp tay sai cho chính quyền Đông Á tận từ 1968. Anh thú anh là một kẻ tín đạo, một kẻ khâm phục thuyết tư bản, một tên dâm loạn. Anh nhận anh đã giết vợ anh, mặc dầu anh biết, và kẻ hỏi cung chắc biết, vợ anh còn sống. Anh khai rằng đã nhiều năm nay anh giữ liên lạc với Goldstein và là hội viên của một tổ chức ngầm bao gồm gần hết những người anh quen biết. Thú nhận mọi sự và làm liên lụy mọi người dễ hơn. Vả lại, nói cho cùng mọi điều trên đúng cả. Thật sự anh từng là kẻ thù của Đảng, và dưới mắt Đảng không có sự khác biệt giữa tư tưởng và hành động.
Anh cũng có nhiều ký ức khác loại. Chúng hiện trong óc anh một cách rời rạc, tựa như những bức tranh bao quanh bởi bóng đen.
Anh ở trong một xà lim có thể sáng hoặc tối vì anh không nhìn thấy gì ngoài một đôi mắt. Gần tầm tay anh có một thứ máy kêu tích tắc, đều đều, chậm chạp. Đôi mắt đâm lớn và sáng hơn. Bỗng anh bay bổng khỏi ghế, nhào vào đôi mắt, và bị nuốt chửng.
Anh bị trói buộc vào một chiếc ghế bao quanh bởi mặt đồng hồ, dưới ánh sáng chói. Một người khoác áo trắng đọc số trên mặt đồng hồ. Có tiếng giầy ống nện bên ngoài. Cánh cửa mở bùng. Viên sĩ quan mặt sáp bước vào, đi theo bởi hai tên lính canh. “Phòng 101,” viên sĩ quan nói.
Người đàn ông khoác áo trắng không ngoảnh mặt lại. Hắn cũng không nhìn Winston; hắn chỉ nhìn đồng hồ.
Anh lăn người trên một hành lang vĩ đại, rộng một cây số, đầy ánh sáng vàng huy hoàng, vừa cười vang vừa thét rống lên những lời thú tội. Anh thú nhận mọi sự, cả những điều anh giữ kín được lúc bị tra tấn. Anh kể lại trọn cuộc đời anh cho một cử tọa đã biết nó rồi. Quanh anh có lính canh, các viên hỏi cung khác, những người khoác áo trắng, O Brien, Julia, ông Charrington, mọi người đều cùng lăn trên hành lang và cười thét. Một điều ghê sợ nằm trong tương lai đã được gác lại sao đó và đã không xảy ra. Mọi sự tốt lành, không còn đau đớn, chi tiết cuối trong cuộc đời anh đã được bày tỏ, thông cảm và tha thứ.
Anh ngồi phắt dậy trên phản, gần như chắc nghe thấy tiếng O Brien. Qua hết cuộc tra khảo, anh có cảm tưởng O Brien ở ngay cạnh anh, đứng ngoài tầm mắt anh, mặc dầu anh không bao giờ nhìn thấy ông ta. Chính O Brien chỉ huy mọi sự. Chính ông ta cho lính canh tấn công anh và ngăn không cho chúng giết anh. Chính ông ta quyết định khi nào anh phải thét lên vì đau đớn, khi nào cần tiêm thuốc vào cánh tay anh. Chính ông ta đặt câu hỏi và hướng câu trả lời. Ông ta là kẻ tra tấn, là kẻ che chở, là kẻ thẩm vấn, là kẻ bằng hữu. Và có một lần — Winston không nhớ khi đó anh đang ngủ mê vì thuốc hay ngủ bình thường, hay cả khi ấy anh đã thức tỉnh — có tiếng thì thầm vào tai anh: “Chớ có lo, Winston; tôi chăm sóc anh. Đã bẩy năm nay tôi canh chừng anh. Nay giờ quyết định đã điểm. Tôi sẽ cứu anh. Tôi sẽ khiến anh hoàn thiện.” Anh không chắc đó là tiếng O Brien; nhưng đó đúng là giọng đã nói với anh: “Chúng ta sẽ gặp nhau nơi không có bóng tối “, trong giấc mơ kia, bẩy năm về trước. Anh không nhớ một sự kết thúc nào trong cuộc hỏi cung. Có một quãng thời gian tối om, rồi xà lim hay căn phòng hiện tại cụ thể hóa dần quanh anh. Anh nằm gần bẹt ngửa, không cử động được. Thân thể anh bị túm xuống tại các điểm then chốt. Ngay gáy anh cũng bị ghì chặt sao đó. O Brien nghiêm nghị và hơi buồn bã nhìn xuống anh. Mặt ông ta, trông từ dưới lên, coi sần sùi mòn mỏi, với đôi mắt húp và nét nhăn nhíu từ mũi tới cằm. Ông ta già hơn Winston tưởng; có lẽ bốn mươi tám hay năm mươi tuổi. Dưới tay ông có một chiếc đồng hồ với đòn bẩy ở trên và con số quanh mặt. “Tôi có bảo anh rằng nếu chúng ta gặp lại nhau, đó sẽ là ở nơi đây,” O Brien nói.
“Phải,” Winston đáp.
Không đợi một dấu báo hiệu nào trừ một cử động nhẹ nơi tay O Brien, một làn sóng đau đớn truyền khắp người anh. Đó là một nỗi đau ghê rợn, vì anh không thấy gì xảy ra, và anh có cảm tưởng như đang phải chịu tử thương. Anh không biết thương tích có thực sự hay chỉ là hiệu ứng của điện; nhưng cơ thể anh bị vặn vẹo mất hình thù, các khớp người anh bị chậm rãi xé lẻ. Mặc dầu cơn đau làm anh toát mồ hôi trán, ghê nhất là nỗi e sợ cột sống sắp gẫy đến nơi. Anh nghiến răng thở mạnh qua mũi, cố im tiếng càng lâu càng hay.
“Anh sợ chốc nữa sẽ có gì gẫy,” O Brien vừa nói vừa nhìn vào mắt anh. “Nỗi e sợ chính của anh đặt nơi cột sống. Anh có ấn tượng rành mạch về xương sống gãy đứt với tủy chảy giọt ra ngoài. Anh đang nghĩ thế, phải không, Winston ?”
Winston không trả lời. O Brien kéo đòn bẩy trên đồng hồ về. Sóng đau đớn biến mất gần nhanh như khi đến.
“Bốn mươi đó,” O Brien nói. “Anh có thể thấy các con số trên mặt đồng hồ này lên tới một trăm. Suốt câu chuyện này, xin anh nhớ cho rằng tôi nắm quyền bắt anh chịu đau đớn bất cứ lúc nào và tới bất cứ độ nào tôi muốn. Nếu anh nói dối hay tính thoái thác kiểu nào chăng nữa, hay cả nếu anh thụt dưới mức thông minh thường lệ của anh, anh sẽ khóc vì đau đớn ngay lập tức. Anh hiểu thế không ?” “Có,” Winston nói.
Thái độ của O Brien ít nghiêm nghị hơn. Ông ta sắp kính lại với vẻ đăm chiêu, và đi đi lại lại một hai bước. Khi ông ta nói, giọng ông tử tế và kiên nhẫn hơn. Ông ta có vẻ như một thầy thuốc, một thầy giáo, ngay cả một giáo sĩ, lo giải thích và thuyết phục hơn là trừng phạt.
“Tôi mất công với anh, Winston,” ông ta nói, “vì anh đáng công. Anh thừa biết vấn đề của anh là gì. Anh biết nó từ hàng năm nay, tuy anh chống chọi sự hiểu biết đó. Anh bị loạn óc. Anh mắc bệnh kém trí nhớ. Anh không nhớ được sự kiện có thực và anh tin chắc anh nhớ nhiều sự kiện khác không bao giờ xảy ra. May mà bệnh anh chữa được. Anh không bao giờ tự chữa mình cho khỏi, vì anh không muốn vậy. Cần có một chút cố gắng nghị lực, nhưng anh không sẵn sàng bỏ nó ra. Ngay bây giờ, tôi thừa thấy, anh bám chặt vào bệnh tình với cảm tưởng đó là một đức tính. Đây tôi lấy một ví dụ. Hiện nay Đại Dương đánh nhau với cường quốc nào ?” “Khi tôi bị bắt, Đại Dương đánh nhau với Đông Á.”
“Với Đông Á. Đúng. Thế Đại Dương luôn luôn đánh nhau với Đông Á, có phải không ?”
Winston hít hơi. Anh mở miệng để nói nhưng rồi không nói. Anh không thể rời mắt khỏi mặt đồng hồ.
“Xin anh nói sự thật, Winston. Sự thật của anh . Nói cho tôi theo anh, anh nhớ gì.”
“Tôi nhớ rằng chỉ một tuần trước khi tôi bị bắt, chúng ta không hề đánh nhau với Đông Á. Chúng ta đồng minh với họ. Chiến tranh là chống Âu Á. Cuộc chiến ấy kéo dài bốn năm. Trước đó —” O Brien đưa tay chặn lời anh.
“Một ví dụ khác,” ông ta nói. “Vài năm trước anh có một ảo tưởng thật nghiêm trọng. Anh tin rằng ba người, ba kẻ có thời là Đảng viên tên là Jones, Aaronson và Rutherford — những tên đã bị xử tử vì phản bội và phá hoại sau khi thú tội hết sức đầy đủ — không phạm những tội mà họ bị khép vào.
Anh tin rằng anh đã trông thấy cứ liệu không thể nhầm lẫn được chứng tỏ những lời thú tội của họ bị giả mạo. Có một tấm hình nào đó anh có ảo giác thấy. Anh tin anh đã từng cầm nó trong tay. Đó là một tấm hình đại khái như thế này.”
Một mẩu giấy báo hình chữ nhật hiện giữa ngón tay O Brien. Trong khoảng năm giây nó nằm trong tầm thị giác của Winston. Đó là một tấm hình, và không có vấn đề về bản sắc của nó. Đó là tấm hình. Đó là một bản khác của tấm hình chụp Jones, Aaronson và Rutherford tại hội nghị Đảng ở Nữu Ước, mà anh may mắn bắt được và vội tiêu hủy mười một năm về trước. Nó ở trước mắt anh có một lát rồi ra ngoài tầm mắt anh. Nhưng anh đã thấy nó, không thể cãi được, anh đã thấy nó ! Anh hấp hối tuyệt vọng cố gắng quặn mình để giải thoát phần nửa người trên. Không thể đụng đậy về bất cứ phía nào quá một phân. Trong một lúc anh quên cả mặt đồng hồ. Anh chỉ muốn cầm tấm hình trong tay trở lại, hay ít nhất ngắm nó.
“Nó có thật !” anh kêu lên.
“Không,” O Brien nói.
Ông ta đi qua phòng. Có lỗ ký ức trong tường bên kia. O Brien mở nắp lưới lên. Không ai thấy, mẩu giấy mỏng manh xoay theo luồng khí ấm, biến mất trong một tóe lửa. O Brien quay lưng về phía tường.
“Tro,” ông ta nói. “Mà tro không nhận được ra. Bụi. Tấm hình không có thực. Nó không bao giờ có.”
“Nhưng mà nó có thực ! Nó có thực mà ! Nó có trong ký ức. Tôi nhớ nó ! Ông nhớ nó !”
“Tôi không nhớ nó,” O Brien bảo.
Tim Winston sụm xuống. Đó là ý đôi. Anh có cảm tưởng bất lực chết thôi. Nếu anh chắc O Brien nói dối, sự thể sẽ hầu như không quan trọng. Nhưng rất có thể O Brien đã quên thật tấm hình. Và nếu vậy ông ta đã quên ông ta chối không nhớ nó, rồi quên cả sự quên lãng ấy. Làm sao biết chắc được đó không phải là một trò gian trá đơn giản ? Có lẽ sự phân loạn trí óc có thể xảy ra thật: đó là ý nghĩ đánh bại anh.
O Brien đăm chiêu nhìn anh. Hơn bao giờ hết ông ta có vẻ như một thầy giáo tốn công với một đứa trẻ lầm lạc nhưng nhiều hứa hẹn.
“Có một khẩu hiệu của Đảng liên quan đến sự kiểm soát quá khứ,” ông ta nói. “Xin anh nhắc lại câu đó.”
“Kẻ kiểm soát quá khứ là kẻ kiềm chế tương lai: kẻ kiểm tra hiện tại là kẻ kiểm soát quá khứ,” Winston vâng lời nhắc lại.
“Kẻ kiểm tra hiện tại là kẻ kiểm soát quá khứ,” O Brien vừa nói vừa gật gù chậm rãi tán thành. “Theo ý anh, Winston, quá khứ có thực sự hiện hữu không ?”
Lại nữa, cảm tưởng bất lực trào xuống mình Winston. Mắt anh lảo đảo hướng về phía đồng hồ. Không những anh không biết lời đáp sẽ cứu anh khỏi đau là “có” hay “không”, anh còn không hiểu anh tin lời đáp nào đúng.
O Brien mỉm cười nhẹ. “Anh không phải là một nhà siêu hình học đâu, Winston,” ông ta nói. “Cho tới lúc này anh chưa bao giờ suy xét hiện hữu là gì. Để tôi trình bày rõ hơn. Quá khứ có hiện hữu một cách cụ thể trong không gian không ? Ở đâu đó, có chốn nào, có thế giới nào trong đó quá khứ vẫn tồn tại hay không ?”
“Không.”
“Thế quá khứ ở đâu, nếu có chỗ cho quá khứ ?”
“Trong tài liệu. Nó được viết lại.”
“Trong tài liệu. Và —”
“Trong tâm. Trong trí nhớ con người.”
“Trong trí nhớ. Giỏi đa. Chúng tôi, tức Đảng, kiểm soát mọi tài liệu; chúng tôi lại kiểm soảt mọi trí nhớ. Như vậy là chúng tôi kiểm soát quá khứ, có đúng không ?”
“Nhưng làm sao các ông ngăn được dân chúng nhớ sự kiện ?” Winston thốt kêu, nhất thời quên khuấy cái đồng hồ. “Sự nhớ không tùy ý chí. Nó không lệ thuộc cá nhân. Làm sao các ông kiểm soát được trí nhớ ? Các ông đã không kiểm soát được trí nhớ của tôi !” Thái độ của O Brien nghiêm nghị trở lại. Ông ta đặt tay trên đồng hồ.
“Ngược lại,” ông ta nói, ” anh đã không kiểm soát được nó. Đó là lý do khiến anh bị đưa tới đây. Anh ở đây vì anh thiếu nhún nhường, thiếu kỷ luật bản thân. Anh đã không chịu phục tùng là giá phải trả cho sự lành mạnh. Anh thích là một kẻ khùng, một kẻ biệt lập. Chỉ một tinh thần có kỷ luật mới thấy được thực tế, Winston ạ. Anh tin rằng thực tế là một cái gì khách quan, ngoại trú, tự nó mà có. Anh còn tin rằng bản chất của thực tế tự hiển nhiên. Khi anh có ảo tưởng anh thấy điều gì, anh cho rằng ai khác cũng cùng một nhận thức như anh. Nhưng Winston này, tôi bảo cho anh biết, thực tế không ở ngoài chúng ta. Thực tế nằm trong tâm người, không ở đâu khác. Nó không ở trong tâm cá nhân vì cá nhân có thể nhầm lẫn, lại sớm tiêu tán dù thế nào đi nữa: nó chỉ ở trong tâm của Đảng, bởi Đảng tập thể và bất tử. Bất cứ cái gì Đảng cho là sự thật là sự thật. Không thể thấy được thực tế ngoài cách nhìn qua mắt của Đảng. Đó là điều anh phải học lại, Winston ạ. Nó đòi hỏi một hành động tự hủy, một sự cố gắng của ý chí. Trước khi lành mạnh, anh phải tự hạ mình.” Ông ngưng một hồi, như để thấm lời ông vừa nói.
“Anh còn nhớ không,” ông tiếp tục, “anh có viết trong nhật ký của anh: “Tự do là tự do bảo hai cộng hai là bốn ?”
“Có,” Winston nói.
O Brien giơ tay trái lên, mu hướng về phía Winston, ngón cái bị che và bốn ngón kia chìa ra.
“Tôi đang giơ mấy ngón tay, Winston ?”
“Bốn.”
“Nhưng nếu Đảng bảo đó không không phải là bốn mà là năm — thì có bao nhiêu ngón ?”
“Bốn.”
Lời đáp dứt trong tiếng hổn hển đau đớn. Kim đồng hồ đã vụt lên số năm mươi nhăm. Mồ hôi tủa khắp người Winston. Không khí hít vào xé phổi anh và thoát ra ngoài giữa những tiếng rên xiết không thể dằn nổi dù anh nghiến chặt răng. O Brien nhìn anh, bốn ngón tay vẫn duỗi. Ông ta kéo đòn bẩy về. Làn này cơn đau chỉ hơi dịu xuống thôi.
“Có mấy ngón tay, Winston ?”
“Bốn.”
Kim nhẩy lên số sáu mươi.
“Có mấy ngón tay, Winston ?”
“Bốn ! Bốn ! Tôi nói gì khác được ? Bốn !”
Kim chắc nhẩy lên nữa, nhưng anh không nhìn thấy. Gương mặt nặng nghiêm và bốn ngón tay choán đầy thị giác anh. Mấy ngón tay sừng sững trước mắt anh tựa như cột trụ, to lớn, mờ ảo, hình như rung chuyển, nhưng có bốn thôi không thể lầm được. “Có mấy ngón tay, Winston ?”
“Bốn ! Ngưng lại ! Ngưng lại ! Sao ông có thể tiếp tục được ? Bốn ! Bốn !”
“Có mấy ngón tay, Winston ?”
“Năm ! Năm ! Năm !”
“Không, Winston, vô ích. Anh nói dối. Anh vẫn nghĩ chỉ có bốn thôi. Có mấy ngón nào ?”
“Bốn ! Năm ! Bốn ! Bao nhiêu cũng được, tùy ông. Chỉ xin ngưng thôi, ngưng cơn đau lại !”
Đột nhiên anh đã ngồi dậy với tay O Brien quàng qua vai anh. Có lẽ anh đã ngất đi mất vài giây. Dây buộc người anh xuống đã được tháo ra. Anh cảm thấy lạnh cóng, mình run bần bật, răng nghiến kèn kẹt, nước mắt chảy lăn xuống má. Trong một lúc, anh bám vào O Brien như một đứa bé, được an ủi lạ lùng bởi cánh tay nặng choàng vai anh. Anh có cảm tưởng O Brien là người che chở anh, dường như cơn đau từ ngoài đến, từ một nguồn gốc khác, trong khi O Brien là kẻ cứu anh khỏi đau. “Anh là một kẻ học chậm, Winston à,” O Brien nhẹ nhàng nói.
“Làm sao khác được ?” anh mếu máo. “Làm sao tôi cản được tôi thấy những gì trước mắt tôi ? Hai cộng hai là bốn.”
“Thỉnh thoảng thôi, Winston. Có khi nó lại là năm. Khi thì nó là ba. Có lúc đồng thời nó là cả ba, lẫn bốn, lẫn năm. Anh phải cố gắng hơn. Trở thành lành mạnh không phải dễ dàng.”
Ông ta đặt Winston nằm trên giường. Chân tay bị bó chặt trở lại, nhưng cơn đau đã rút và sự run rẩy đã ngưng, anh chỉ còn yếu lạnh. O Brien nhếch đầu ra hiệu cho người đàn ông khoác áo trắng, suốt cuộc vẫn đứng yên. Người khoác áo trắng cúi xuống, nhìn kỹ vào mắt Winston, xem mạch anh, đặt tai trên ngực anh, khẽ đập đây đó, rồi gật đầu với O Brien. “Lại nữa nào,” O Brien nói.
Cơn đau xuyên người Winston. Mũi kim chắc chỉ bẩy mươi, bẩy mươi nhăm. Lần này anh nhắm mắt. Anh biết mấy ngón tay vẫn đó, vẫn có bốn. Chỉ có một điều đáng kể là làm sao còn sống khi cơn quặn đau chấm dứt. Anh đã hết lưu ý mình khóc hay không. Cơn đau dịu dần. Anh mở mắt ra. O Brien đã kéo đòn bẩy về.
“Có mấy ngón tay, Winston ?”
“Bốn. Tôi cho là bốn. Nếu có thể, tôi sẽ thấy năm. Tôi cố thấy năm.”
“Anh muốn gì: thuyết phục tôi là anh thấy năm, hay thực sự thấy năm ?”
“Thực sự thấy năm.”
“Lại nữa nào,” O Brien nói.
Có lẽ kim lên tới tám mươi — chín mươi. Winston không nhớ được từng hồi tại sao cơn đau trỗi lên. Sau mí mắt nhắm nghiền của anh, một rừng ngón tay hình như chuyển động theo một thứ vũ khúc, quấn ra quấn vào, ngón nọ biến sau ngón kia, để rồi tái hiện. Anh cố đếm chúng, không nhớ tại sao. Anh chỉ biết không thể đếm được chúng, có thể gọi là vì một hằng vật bí mật ở giữa năm và bốn. Cơn đau lại dứt. Khi anh mở mắt ra, đó là để thấy mình vẫn nhìn cảnh trước. Muôn vàn ngón tay như cây rung chuyển vẫn bay bổng khắp phía, bay qua bay lại. Anh nhắm mắt trở lại. “Tôi đang giơ mấy ngón tay, Winston ?”
“Tôi không biết. Tôi không biết. Ông sẽ giết tôi nếu ông còn làm thế. Bốn, năm, sáu — quả thực, tôi không biết.”
“Khá hơn trước,” O Brien nói.
Một mũi kim xiên vào cánh tay Winston. Gần như đồng thời một sức ấm an lạc khoan dịu lan khắp người anh. Cơn đau đã gần bị quên. Anh mở mắt thụ ơn ngước nhìn O Brien. Trước gương mặt nặng nề nhăn nheo, rất xấu mà cũng thật thông minh, tim anh làm như đảo ngược. Nếu đụng đậy được, anh đã duỗi tay ra đặt trên cánh tay O Brien. Anh chưa bao giờ yêu quý ông ta sâu đậm như lúc này, và đó không phải chỉ vì ông chặn lại cơn đau. Cảm tưởng cũ, cho rằng rốt cuộc O Brien là bạn hay thù không quan hệ, đã tái hiện. O Brien là một người anh có thể nói chuyện với được. Có lẽ con người không muốn được yêu thương bằng được hiểu. O Brien đã tra tấn anh tới suýt nổi điên, và chốc nữa, chắc chắn ông ta dám đưa anh về cõi chết. Không sao. Có chiều mối liên hệ giữa anh và ông ta thâm hơn tình bạn, họ là một đôi tri kỷ: đâu đấy, mặc dầu những lời thực tại không bao giờ được thốt ra, có một nơi chốn trong đó họ có thể gặp nhau và nói chuyện được với nhau. O Brien nhìn xuống anh với một vẻ ra điều ông ta cũng cùng một ý nghĩ như anh trong đầu. Khi ông lên tiếng, giọng ông dễ dãi, chuyện trò.
“Anh có biết anh ở đâu không, Winston ?” ông ta nói. “Tôi không biết. Tôi đoán được. Tại Bộ Tình Yêu.” “Anh có biết anh ở đây bao nhiêu lâu rồi không ?”
“Tôi không biết. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng — tôi cho là hàng tháng rồi.”
“Theo như anh tưởng thì tại sao chúng tôi đưa người vào đây ?”
“Để bắt họ khai tội.”
“Không, không phải vì lý do đó. Anh thử nghĩ lại đi.”
“Để trừng phạt họ.”
“Không phải !,” O Brien thốt lên. Giọng ông biến đổi khác thường, mặt ông bỗng đâm vừa nghiêm nghị vừa linh hoạt. “Không. Không phải chỉ để lấy khẩu cung của các anh, không phải để trừng phạt các anh. Có cần bảo anh tại sao chúng tôi đem anh vào đây không ? Để chữa bệnh anh ! Để khiến anh lành mạnh ! Anh có hiểu không, Winston, không ai được chúng tôi đưa vào đây mà không khỏi bệnh khi rời tay chúng tôi. Chúng tôi không quan tâm đến những tội ngớ ngẩn do anh phạm phải. Đảng không để ý đến hành động công khai: chúng tôi chỉ chú trọng đến tư tưởng. Chúng tôi không loại kẻ thù không thôi, chúng tôi thay đổi họ. Anh có hiểu tôi muốn nói gì không ?”
Ông ta cúi mình trên Winston. Mặt ông coi to tướng vì gần kề, và xấu xí tệ vì được nhìn từ dưới lên. Hơn nữa, nó coi bộ đầy vẻ kích thích, đầy cường độ cuồng dại. Tim Winston se trở lại. Nếu được anh đã chùn sâu vào giường. Anh chắc O Brien sắp vì lên hứng mà vặn đồng hồ. Tuy nhiên, đúng lúc đó O Brien quay người đi. Ông ta lên lên xuống xuống một hai bước. Rồi ông bớt hăng hái hơn tiếp tục. “Điều trước nhất anh phải hiểu là nơi đây không có sự tuẫn đạo. Anh đã từng đọc về các cuộc đàn áp đạo giáo trong quá khứ. Thời Trung Cổ có Tòa Án Dị Giáo. Đó là một biện pháp sơ lậu. Nó được lập để trừ tiệt dị giáo và kết cục nó lưu truyền dị giáo. Vì cứ một kẻ dị giáo bị đốt trên giàn thiêu là hàng nghìn kẻ khác nổi dậy. Tại sao vậy ? Vì Tòa Án Dị Giáo giết kẻ địch công khai và giết họ khi họ chưa hối tội: thực ra, Tòa giết họ vì họ không hối tội. Dân chúng chết vì không muốn bỏ tín ngưỡng thực thụ của mình. Đương nhiên toàn vinh dự thuộc về nạn nhân và toàn ô nhục dành cho quan Tòa Dị Giáo đốt họ. Sau này, vào thế kỷ hai mươi, có những thành phần được gọi là dân độc tài. Có Đức Quốc Xã, có Cộng Sản Nga. Dân Nga truy hại kẻ theo tà thuyết còn ác độc hơn Tòa Án Dị Giáo. Và họ tưởng đã học được lỗi lầm của quá khứ; ít nhất thì họ cũng biết không thể để cho có kẻ tuẫn đạo. Trước khi bêu nạn nhân ra tòa án công cộng, họ ra sức hủy diệt phẩm cách của những người ấy. Họ dùng sự tra tấn và nỗi cô đơn để hành hạ nạn nhân cho tới khi nạn nhân biến thành đồ ti tiện đáng khinh, khai bất cứ điều gì họ rỉ vào miệng, tự dổ tội lên đầu mình, tố cáo lẫn nhau để tự che chở, rên la van cầu. Thế nhưng chỉ vài năm sau chuyện cũ lại xảy ra. Kẻ chết trở thành kẻ tuẫn đạo và sự mất phẩm giá của họ bị quên lãng. Một lần nữa, tại sao thế ? Thứ nhất vì những lời khai của nạn nhân thấy không thành thật và bị cưỡng ép rõ ràng. Chúng tôi không phạm phải lỗi lầm này. Mọi lời khai thốt ra tại đây đều thật cả. Chúng tôi khiến chúng thành thật. Và trên hết chúng tôi không cho phép kẻ chết đứng dậy chống lại chúng tôi. Anh phải thôi nghĩ rằng hậu thế sẽ trả thù cho anh, Winston hỡi. Hậu thế sẽ không bao giờ biết đến anh. Anh sẽ bị hất sạch khỏi dòng lịch sử. Chúng tôi sẽ biến anh thành khí và trút anh ra quyển bình lưu. Anh sẽ không để lại gì, dù một tên trong sổ sách, dù một ký ức trong óc người sống. Anh sẽ bị tiêu tan trong quá khứ cũng như trong tương lai. Anh sẽ không từng sống bao giờ.”
Vậy thì tại sao còn mất công tra tấn tôi ? Winston nhất thời cay đắng nghĩ. O Brien dừng bước như thể Winston đã nói to lên ý nghĩ của mình. Khuôn mặt to lớn xấu xí của ông tiến gần lại, đôi mắt khẽ nhíu.
“Anh đang nghĩ rằng,” ông bảo, “nếu chúng tôi định tiêu hủy anh, khiến không gì anh nói hay làm mảy may quan hệ, — thì chúng tôi phiền phức tra hỏi anh trước làm chi ? Anh đang nghĩ thế phải không ?”
“Đúng,” Winston nói.
O Brien mỉm cười. “Anh là vết nứt trong mẫu hình, Winston ạ. Anh là một vết nhơ phải bị tẩy sạch. Tôi không vừa mới bảo anh chúng tôi khác các nhà thẩm vấn thời quá khứ đấy ư ? Chúng tôi không hài lòng với sự tuân mệnh tiêu cực, hay cả với sự phục tùng đê hèn nhất. Khi cuối cùng anh thuận theo chúng tôi, sự đầu hàng ấy phải do anh tự ý chọn. Chúng tôi không tiêu diệt kẻ tà giáo vì hắn chống đối chúng tôi: hắn còn chống đối chúng tôi thì chúng tôi không bao giờ diệt hắn. Chúng tôi cảm hóa hắn, chúng tôi bắt lấy tâm trí hắn, chúng tôi cải tạo hắn. Chúng tôi thiêu mọi ác ý và ảo tưởng trong hắn; chúng tôi khiến hắn về phe chúng tôi, không phải theo võ miệng mà theo xác thực với cả tâm trí. Chúng tôi biến hắn thành người của chúng tôi trước khi thủ tiêu hắn. Chúng tôi không thể chấp nhận có một tư tưởng sai lầm hiện hữu đâu đó trên thế giới, dù nó thầm kín bất lực đến đâu chăng nữa. Chúng tôi không thể cho phép một tư tưởng lệch lạc nào phát hiện, ngay cả vào lúc lâm chung. Thời xưa khi bước lên đoạn đầu đài kẻ dị giáo vẫn là một tên dị giáo, tuyên bố dị giáo của mình, hớn hở trong đó. Ngay nạn nhân của các cuộc thanh trừ bên Nga vẫn mang theo lòng đối nghịch khép kín trong óc khi bước trên lối đi đợi đạn. Cái nhưng là chúng tôi khiến trí óc lành mạnh trước khi cho nó nổ tung. Giới luật của các chế độ chuyên chế xưa là “Ngươi không được”. Giới luật của các chế độ độc tài là “Ngươi phải”. Giới luật của chúng tôi là “Ngươi là”. Không bao giờ có ai được chúng tôi đưa tới đây còn trở ra chống đối chúng tôi. Ai cũng được tẩy sạch. Ngay cả ba tên phản trắc khốn kiếp mà có thời anh tin là những kẻ vô tội — Jones, Aaronson và Rutherford — tận cùng cũng bị chúng tôi bẻ gẫy. Chính tôi có dự cuộc thẩm vấn chúng. Tôi trông thấy chúng dần dần xuống tinh thần, rên rỉ, bò lê, khóc lóc — và rốt cuộc làm thế không phải vì đau đớn hay sợ hãi, mà vì sám hối. Tới khi chúng tôi xong việc với chúng, chúng chỉ còn là xác người. Không còn gì lưu trong chúng ngoài lòng phiền muộn về sự đã làm, và lòng kính yêu Bác. Thật cảm động khi thấy đến độ nào chúng yêu Bác. Chúng lạy lục để được chóng bị bắn, làm sao cho chúng chết đương khi tinh thần chúng còn trong sạch.”
Giọng ông đâm gần như mơ màng. Sự kích thích, vẻ nồng nhiệt cuồng dại vẫn hiện trên khuôn mặt ông. Ông ta không giả vờ, Winston nghĩ, ông ta không phải là một kẻ đạo đức giả, ông ta tin tưởng từng lời ông ta nói. Điều đè nặng lòng anh là ý thức trí tuệ mình kém cỏi. Anh nhìn hình dáng nặng nề mà đẹp mắt bước đi bước lại ra vào qua thị giác anh. O Brien là một người lớn hơn anh về mọi mặt. Không một tư tưởng nào mà anh đã có hay có thể có không được O Brien biết, xét và bác bỏ từ lâu. Trí óc của ông chứa đựng trí óc Winston. Nhưng trong trường hợp đó làm sao đúng O Brien điên khùng được ? Chắc hẳn, chính anh, Winston, là người điên. O Brien dừng bước nhìn xuống anh. Giọng ông đã nghiêm trở lại.
“Chớ có tưởng rằng anh sẽ cứu được mạng anh, dù anh có đầu hàng chúng tôi hoàn toàn thế nào chăng nữa. Không kẻ nào đã từng lạc hướng được tha bao giờ. Và dầu cho chúng tôi quyết định để anh sống tới hạn tự nhiên, anh cũng không bao giờ thoát ly. Sự gì xảy ra với anh nơi đây còn đó mãi mãi. Anh hãy hiểu trước như thế. Chúng tôi sẽ cán nát anh tới mức anh không thể trở lại được như cũ. Nhiều điều sẽ đến với anh khiến anh không thể bình phục được dù anh có sống cả ngàn năm nữa. Anh sẽ không bao giờ có nổi trở lại tình cảm bình thường của con người. Mọi sự sẽ chết trong anh. Anh sẽ không bao giờ biết được trở lại thế nào là tình yêu, tình bạn, sự ham sống, sự vui cười, trí tò mò, hay lòng trung thực. Anh sẽ trống tuếch. Chúng tôi sẽ vắt rỗng anh, và chúng tôi sẽ nhét chúng tôi đầy người anh.”
Ông ngưng nói và ra hiệu cho người khoác áo trắng. Winston hiểu có một bộ máy nặng đang được đẩy tới sau đầu anh. O Brien ngồi xuống cạnh giường, khiến cho mắt ông gần ngang mặt Winston. “Ba nghìn,” ông ta nói, miệng hướng qua đầu Winston về phía người khoác áo trắng.
Hai miếng gối nhỏ mềm, thấy hơi âm ẩm được ấn vào thái dương Winston. Anh rùng mình. Cơn đau sắp đổ tới, một cơn đau khác loại. O Brien đặt một tay vỗ về, gần như dịu dàng, lên tay anh. “Lần này sẽ không có tổn thương,” ông ta nói. “Dính mắt nhìn tôi.”
Đồng thời có sự nổ toang, hay cái gì tựa như sự bùng nổ, mặc dầu không chắc có tiếng động. Nhưng rõ ràng có một luồng ánh sáng chói. Winston không bị thương, chỉ lả người đi. Tuy anh đã nằm ngửa khi sự thể xảy ra, anh có cảm giác lạ lùng đã bị đập xuống tư thế đó. Một cú hãi hùng nhưng không đau đã đánh bẹp anh. Thêm vào có gì xảy ra trong óc anh. Khi mắt anh quay về tiêu điểm, anh nhớ lại anh là ai, anh đang ở đâu, và nhận ra khuôn mặt nhìn anh trừng trừng; nhưng đâu đó có một quãng trống lớn, như thể một mảnh óc anh bị cắt tước đi.
“Sẽ không lâu đâu,” O Brien nói. “Nhìn vào mắt tôi. Đại Dương đánh nhau với nước nào ?”
Winston nghĩ ngợi. Anh biết Đại Dương là gì và biết chính anh là một công dân Đại Dương. Anh cũng nhớ Âu Á và Đông Á; nhưng ai đánh nhau với ai thì anh chịu. Thực sự anh không biết có chiến tranh nữa kìa.
“Tôi không nhớ.”
“Đại Dương đánh nhau với Đông Á. Anh có nhớ thế không ?”
“Có.”
“Đại Dương bao giờ cũng đánh nhau với Đông Á. Từ khi anh bước vào đời, từ khi Đảng mới thành lập, từ khi lịch sử bắt đầu, chiến tranh đã tiếp tục không ngưng, vẫn một cuộc chiến. Anh có nhớ thế không ?”
“Có.”
“Mười một năm về trước anh đặt ra huyền thoại về ba người bị xử tử vì tội phản trắc. Anh quả quyết đã thấy một mảnh giấy tỏ rằng họ vô tội. Không hề có một mảnh giấy nào như vậy. Anh bịa đặt ra nó, rồi sau anh đâm tin vào nó. Bây giờ anh nhớ cái lúc đầu tiên anh bịa chuyện đó. Anh nhớ chứ ?”
“Nhớ.”
“Mới đây tôi có chìa ngón tay cho anh xem. Anh thấy năm ngón. Anh nhớ chăng ?”
“Có.”
O Brien giơ các ngón tay trái lên, để giấu ngón tay cái. “Đây có năm ngón tay. Anh có thấy năm ngón không ?” “Có.”
Và anh thấy cả năm thật, thoáng qua thôi, trước khi cảnh tượng trong óc anh thay đổi. Anh thấy năm ngón, không méo mó chút nào. Rồi mọi sự bình thường trở lại, và nỗi sợ hãi cũ, mối căm hờn và trạng hoang mang ùn ập hồi quy. Nhưng chắc chắn rõ ràng, đã có một lúc — anh không biết bao lâu, có lẽ ba mươi giây — mỗi điều mới do O Brien gợi ý đã choán đầy một quãng trống không và trở thành sự thực tuyệt đối, lúc đó hai cộng hai dễ dàng thành ba cũng như thành năm nếu cần. Lòng tin đó đã tan biến trước khi O Brien hạ tay xuống; nhưng dù anh không bắt lại được nó, anh có thể nhớ lại nó, như người ta nhớ một kinh nghiệm sắc bén của quãng đời khi mình thật ra là một con người khác.
“Bây giờ anh hiểu rằng dù thế nào đi nữa đó là một sự có thể thực hiện được,” O Brien nói.
“Đúng,” Winston nói.
O Brien đứng dậy với vẻ hài lòng. Bên trái anh Winston thấy người khoác áo trắng bẻ một ống thuốc và kéo nòng thụt của một ống tiêm. O Brien quay mặt lại phía Winston mỉm cười. Gần với điệu bộ cũ, ông chỉnh kính lại trên mũi.
“Anh có nhớ anh viết trong nhật ký rằng tôi là bạn hay thù không quan hệ, miễn tôi là một người hiểu anh và nói chuyện được với anh không ?” ông bảo. “Anh có lý. Tôi thích nói chuyện với anh. Tâm trí anh kích thích tôi. Nó giống như chính tâm trí tôi, khác một cái là anh không lành mạnh. Trước khi cuộc thẩm vấn chấm dứt anh có thể hỏi tôi một vài điều, nếu anh muốn.” “Bất cứ câu hỏi gì cũng được ư ?”
“Bất cứ.” Ông ta thấy mắt Winston ngước về phía đồng hồ. “Tắt máy rồi. Câu hỏi đầu tiên của anh là gì ?”
“Các ông đã làm gì Julia ?”
O Brien lại mỉm cười. “Cô ta đã phản, anh, Winston ạ. Ngay lập tức — không một chút ngần ngại. Tôi ít thấy ai quay về với chúng tôi nhanh như vậy. Anh khó lòng nhận ra cô ấy nếu gặp lại cô ta. Tất cả óc chống đối, lòng lừa dối, sự điên rồ, trí dơ dáy của cô ta — mọi sự đã bị thiêu sạch. Đó là một sự cải thuận hoàn hảo, một trường hợp giáo khoa.” “Ông tra tấn nàng ư ?”
O Brien lờ đi không trả lời. “Câu hỏi sau,” ông ta nói.
“Bác có thật không ?”
“Dĩ nhiên là có. Đảng có thật. Bác là hiện thân của Đảng.”
“Bác có hiện hữu kiểu như tôi hiện hữu không ?”
“Anh không hiện hữu,” O Brien nói.
Lại nữa cảm giác bất lực tràn ngập anh. Anh biết, hay có thể đoán, những lý lẽ chứng tỏ sự bất hiện hữu của anh; nhưng đó không có nghĩa lý gì, chỉ là một sự chơi chữ. Câu “Anh không hiện hữu” chẳng chứa đựng một sự vô lý về mặt luận lý là gì ? Nhưng nói ra có ích lợi gì ? Anh rợn óc khi nghĩ tới những cứ luận điên khùng không bẻ lại được mà O Brien sẽ đưa ra để đập anh.
“Tôi cho là tôi hiện hữu,” anh thều thào nói. “Tôi có ý thức về hằng tính của tôi. Tôi đã được sinh ra và tôi sẽ chết. Tôi có tay có chân. Tôi choán một vị trí đặc biệt trong không gian. Không một hình khối khác nào có thể đồng thời cùng chiếm đóng chỗ với tôi. Bác có hiện hữu theo nghĩa đó không ?”
“Điểm đó không quan trọng. Bác có hiện hữu.”
“Bác có bao giờ chết không ?”
“Dĩ nhiên là không. Bác chết thế nào được ? Câu hỏi sau.”
“Hội Tình Thân có thật không ?”
“Điều đó, anh sẽ không bao giờ biết, Winston. Cho là chúng tôi quyết định thả anh sau khi xong việc với anh, và cho anh sống tới chín mươi tuổi đi, anh vẫn không bao giờ biết được lời đáp của câu hỏi đó là Có hay Không. Anh còn sống điều đó còn là một điều bí ẩn không giải đáp được trong trí anh.” Winston nằm im. Ngực anh phập phồng nhanh hơn một chút. Anh vẫn chưa hỏi cái câu xuất hiện đầu tiên trong óc anh. Anh phải hỏi điều đó, thế nhưng lưỡi anh không thốt được ra lời. Có dấu thích thú trên mặt O Brien. Ngay cặp kính của ông cũng hình như đượm một tia mỉ mai. Ông ta biết, Winston bỗng nghĩ, ông ta biết mình sắp hỏi gì. Nghĩ vậy anh vụt lên tiếng. “Trong Phòng 101 có gì ?”
Sắc mặt O Bien không thay đổi. Ông ta xẵng giọng trả lời:
“Anh biết trong Phòng 101 có gì, Winston. Ai cũng biết trong Phòng 101 có gì.”
Ông giơ một ngón tay ra hiệu cho người khoác áo trắng. Hiển nhiên cuộc thẩm vấn đã chấm dứt. Một mũi kim xiên vào cánh tay Winston. Gần tức thì anh chìm trong một giấc ngủ say sưa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.