40 Gương Thành Công
27. Đại tá Robert Falcon Scott
Tôi chưa thấy truyện nào kích thích hơn, có những nét anh hùng mà bi thảm hơn đời đại tá Robert Falcon Scott, người thứ nhì đã tới Nam cực. Cái chết của ông và hai bạn ông ở Ross còn làm cho nhân loại cảm động.
Tin ông mất tới nước Anh vào một buổi chiều nắng ráo tháng hai 1913. Cây ky phù lam nở đầy bông ở vườn Regent Park. Dân tộc Anh choáng váng như tin Nelson mất ở Trafalgar thời trước.
Hai mươi hai năm sau, nước Anh dựng một viện kỷ niệm Scott, một viện khảo cứu lưỡng cực, viện thứ nhất về loại đó trên thế giới. Ngay trên cửa viện có một hàng chữ: “Người tìm những bí mật của Nam Cực và Người đã tìm thấy những bí mật của Thượng Đế”.
Scott bắt đầu cuộc thám hiểm ở Terra Nova, và từ khi tầu ông tiến vào cõi băng tuyết là sự rủi ro cứ theo riết, quấy phá ông hoài.
Những ngọn sóng vĩ đại đập vào tàu đánh trôi hết những hàng hóa ở trên boong xuống biển. Hàng tấn nước biển ào ào như sấm, cuồn cuộn chảy vào hầm tàu. Nước tràn cả vào lò lửa đốt nồi súp de. Máy bơm hóa vô dụng. Và mấy ngày như vậy, chiếc tàu hùng dũng cứ lăn ở giữa những làn sóng, trên mặt biển tung tóe, không cách gì cứu được.
Nhưng sự rủi ro nào đã hết đâu. Đó mới chỉ là những bước đầu.
Ông đem theo mấy con ngựa nhỏ khỏe mạnh đã quen chịu lạnh ở miền băng tuyết xứ Sibérie; nhưng lúc đó chúng hấp hối, dãy dụa trên băng tuyết, cẳng thì gẫy vì thụt xuống hố; thành thử ông phải bắn cho chúng chết.
Tới chó cũng vậy. Ông dắt theo toàn là giống chó mạnh khỏe ở Yukon, mà chúng hóa ra như khờ dại, cứ nhắm mắt chạy trên bờ những lỗ nẻ trong băng.
Thành thử Scott và bốn người bạn đồng hành phải thay ngựa, thay chó, kéo một chiếc xe lướt tuyết nặng nửa tạ, thui thủi trên đường tới Nam cực. Ngày lại ngày, họ mắm môi mắm lợi tiến trong cánh đồng băng tuyết, hổn hển đẩy hoặc kéo, nghẹt thở vì không khí lạnh và loãng ở một nơi cao, cách mặt biển ba ngàn thước.
Vậy mà họ không phàn nàn. Vì ở cuối con đường đau khổ đó, họ sẽ thấy sự thành công, sẽ thấy Nam cực huyền bí, nằm yên lặng từ hồi khai thiên lập địa tới nay. Nam cực, nơi mà không có lấy một sinh vật, cả đến bóng một con hải âu lạc bầy cũng không có.
Và tới ngày thứ mười bốn, họ tới được Nam cực. Nhưng họ sửng sốt và đau lòng làm sao! Trước mặt họ, ở đầu một cây gậy, một miếng vải rách phất phới bay trong gió lạnh. Họ nhìn kỹ thì là một ngọn cờ, ngọn quốc kỳ của Na Uy, Amundsen, người Na Uy, đã tới trước họ! Thành thử, sau mấy năm dự bị, sau mấy tháng đau khổ, họ đã thất bại chỉ vì trễ mất năm tuần lễ.
Chán nản, họ trở về.
Cuộc chiến đấu lâm ly trên đường về đáng là một khúc ngâm đoạn trường. Gió lạnh buốt tới xương, áo họ đầy tuyết và râu họ đó băng. Họ lảo đảo té: mỗi vết thương đưa họ tới gần cõi chết hơn một chút. Trước hết, sĩ quan Evans, người lực lưỡng nhất trong đoàn, trượt chân, té, đầu đập vào băng, chết tươi.
Rồi tới đại táOates đau. Chân ông bị lạnh quá, nứt ra. Ông đi không nổi. Ông biết rằng mình làm chậm việc hồi hương của các bạn. Cho nên, một đ êm ông làm một việc chỉ thần thánh mới làm nổi. Giữa cơn dông tuyết gầm thét, ông rời bạn bè, đi ra ngoài trời để chết cho các bạn sống.
Không làm bộ anh hùng, cũng không tỏ vẻ quan trọng, ông bình tĩnh bảo các bạn: “Tôi ra ngoài một chút”. Rồi ông đi luôn. Không ai tìm thấy xác chết cóng của ông. Nhưng hiện nay một đ ài kỷ niệm được dựng tại chỗ ông ra đi, trên đ ài có hàng chữ: Ở khoảng này, một vị trượng phu anh hùng đã lìa đời.
Scott và hai bạn còn lại lảo đảo tiến. Họ không còn ra vẻ con người nữa. Mũi, ngón tay, chân đều nứt nẻ vì lạnh. Và ngày mười chín tháng hai năm 1912, nghĩa là mười lăm ngày sau khi họ rời Nam cực, họ cắm trại lần cuối cùng. Họ còn đủ than để nấu hai chén trà, và đủ thức ăn cho hai ngày. Họ tin rằng họ sẽ thoát chết vì chỉ còn khoảng hai chục cây số nữa là tới một chỗ mà họ đã chôn thức ăn trong lúc đi. Rán sức: ghê gớm thì tới được.
Thình lình tai nạn thê thảm xảy ra.
Từ chân trời, một cơn dông tuyết gào thét, ào ào thổi tới, mạnh tới nỗi cắt ngang những chỏm băng. Trên trái đất không có sinh vật nào tiến trong cơn dông tuyết đó mà sống nổi. Scott và hai bạn đ ành ngừng bước, nằm trong lều mười một ngày nghe dông gầm. Thức ăn đã hết. Tất chết. Họ biết rằng họ phải chết.
Có một cách để chết, một cách êm ái. Họ mang theo nha phiến để phòng những lúc cần phải chết như lúc này. Nuốt một phân lượng lớn là họ nằm đó, lơ mơ mộng thích thú rồi ngủ luôn.
Nhưng họ không thèm dùng nha phiến. Họ quyết nhìn thẳng vào cái chết một cách trượng phu đặc biệt của nước Anh thời cổ.
Trong giờ cuối cùng của đời ông, Scott viết một bức thư tả cảnh chết cho ông James Barrie. Thức ăn hết đã lâu. Thần chết đã lởn vởn ở trong lều. Vậy mà Scott viết:”Nếu ông nghe được chúng tôi ca vang cả lều thì lòng ông chắc cũng vui vui”.
Tám tháng sau, một ngày nọ, trong khi mặt trời Nam cực yên lặng chiếu sáng cảnh băng tuyết lấp lánh, mênh mông, một đoàn người kiếm được thi hài của ba vị anh hùng đó.
Người ta chôn ba vị ở ngay chỗ ba vị lìa trần, chôn dưới một thánh giá làm bằng hai cái pa tanh cột với nhau. Và trên nấm mồ chung đó, người ta viết những vần thơ này của Tennyson:
Có tính bình tĩnh của những tâm hồn anh hùng,
Thì mặc dầu thời vận, số mạng làm cho yếu nhưng chí vẫn mạnh.
Để phấn đấu, tìm tòi, thấy, chứ không chịu khuất phục.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.