40 Gương Thành Công
33. Oliver Wendell Holmes
Tôi xin kể bạn nghe chuyện một người đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của người Mỹ nhất là về luật pháp. Ông là một thiên tài của Hoa Kỳ.
Người đó là vị thẩm phán Olive Wendell Holmes. Ông thọ chín mươi bốn tuổi và biết hầu hết những nhân vật quan trọng ở Hoa Kỳ trong một thế kỷ nay.
Khi ông còn nhỏ, thân phụ ông thường bảo các con rằng trong bữa cơm ai nói được câu nào hóm hỉnh nhất sẽ được thưởng thêm mứt. Ông Wendell rất thích mứt nên tập ăn nói từ hồi đó (…)
Khi ông bắt đầu học luật năm 1857, cụ không bằng lòng vì thời đó người ta còn khinh môn luật. Cụ năn nỉ ông:
– Con nghe ba, đừng theo nghề đó, nó không đưa tới đâu cả.
Nhưng ông tin chắc rằng học luật có thể thành một người có danh vọng. Và ông nghiến ngấu sách luật như nghiến ngấu tiểu thuyết, trang nào cũng thấy say mê.
Năm 1861 ông sắp thi ở trường Harvard thì nội chiến bùng nổ. Ông liệng cả sách vào tủ, đăng lính. Ông chiến đấu anh dũng, bị thương ba lần. Một viên đạn xuyên qua gần đụng tim ông, đến nỗi một quân y thấy người ta khiêng ông trong một chiếc cáng, la lên.
– Đừng phí công với người đó nữa. Hắn chết rồi!
Chết rồi ư? Sự thực thì ông còn đương tuổi lớn. Ông còn lớn thêm bốn, năm phân nữa mới đủ một thước chín và còn sống để mà giúp cho nước được một việc quan trọng nhất là cứu cho tổng thống Lincoln thoát nạn năm 1864.
Trong khi đại tướng Grant đương chỉ huy ở Richmod, một đội quân phương Nam, do Jubal Early cầm đầu, đâm một mũi nhọn lên phía Bắc, tới Alexandrie ở Virginie, cách Hoa Thịnh Đốn không đầy bốn chục cây số.
Quân phương Bắc tính chặn họ lại ở For Stevens. Abraham Lincoln chưa ra chiến trường lần nào, cũng tới đó coi hai bên giao chiến. Ông đứng trên một nóc nhà, gần chỗ tay vịn khi súng bắt đầu nổ. Hình thù vạm vỡ của ông, mà ai cũng nhận ra được, ở ngay trước họng súng địch. Một vị tướng thưa với ông:
– Thưa ngài Tổng Thống, ngài nên lùi lại phía sau thì hơn.
Lincoln không để ý đến lời đó. Cách đó hai thước, ở chỗ tay vịn, một người ló đầu ra, lảo đảo rồi lăn ra chết. Lại gần hơn nữa, một người khác cũng ngã gục.
Thình lình ở sau lưng Lincoln có tiếng la lên:
– Đồ điên, xuống đi. Kiếm chỗ núp đi.
Lincoln nhảy một bước, quay lại: đại tá Holmes nhìn ông, giận dữ, mắt nảy lửa.
Lincoln mỉm cười, nói:
– Đại tá ăn nói ôn tồn lắm!
Rồi ông nhún vai, nhận là phải, kiếm chỗ núp.
Tin đó lan ra, nhiều người khen Wendell là anh hùng, nhưng ông ngắt lời ngay, giọng hơi xẵng:
– Đừng bảo tôi là anh hùng, tôi đã làm phận sự một người lính, chứ có gì khác thường đâu.
Chiến tranh xong ông về nhà, tiếp tục học như trước. Ông biết rằng học luật không kiếm được tiền: hồi đó có câu tục ngữ: “Luật sư năm đầu kiếm đủ tiền khắc bảng đồng ở cửa phòng việc là may”.
Olive Wendell Holmes không được như vậy nữa mà mãi ba mươi tuổi ông mới có một phòng việc riêng cho mình. Tôi không nói ngoa. Năm đó khi ông cưới bà Fannie Dixwell, một bạn gái từ hồi nhỏ, ông không có một xu dính túi. Hai ông bà phải ở trong một phòng ở từng thứ tư, trong nhà thân phụ ông, rồi phải ki cóp một năm để có tiền ra ở riêng. Họ mướn được hai phòng tồi tàn trên một tiệm bào chế và chỉ có mỗi một cái lò để nấu bếp.
Đó, một thiên tài mà ba chục tuổi còn long đong như vậy.
Rảnh quá, vì vắng khách, ông bổ túc rồi tái bản một bộ luật, bộ Phê bình luật Mỹ. Công việc đó vĩ đại, phải nghiên cứu, phê bình hằng ngàn trường hợp và không biết bao bản án của các tòa. Làm việc mấy năm mà vẫn chưa xong, ông đã hơi lo ngại, vì ông nghĩ rằng trong nghề của ông, trễ lắm là bốn chục tuổi phải có danh vọng mới được. Mà năm đó ông đã ba mươi chín. Một đồng hồ gõ mười hai tiếng, ông hỏi bà:
– Mình có tin rằng anh thành công không? Bà đương khâu, đáp:
– Chắc chắn là mình thành công. Em biết vậy.
Ông thành công thật. Bộ sách đó mà ngày nay ai cũng coi là một công trình bất hủ về luật Mỹ, được in xong năm ngày trước khi ông đúng bốn chục tuổi. Hai ông bà cụng ly với nhau để ăn mừng.
Trường đại học Harvard rất thích công trình của ông, tặng ông một ghế giáo sư luật khoa, lương bốn mươi lăm ngàn Mỹ kim một năm. Ông sung sướng vì vinh dự đó, nhưng còn hỏi ý kiến bạn thân là George Shattuck đã. Ông này khuyên:
– Anh nên nắm lấy cơ hội đi, nhưng buộc họ một điều kiện là nếu anh được bổ làm thẩm phán ở tòa Massachusetts thì anh có quyền hủy giao kèo liền.
Ông cho bạn quá lo xa, nhưng cũng nghe theo.
Không đầy ba tháng sau, ông Shattuck chạy lại trường Harvard lôi Holmes ra khỏi lớp học, hổn hển bảo:
– Có tin mừng lớn. Có một chỗ trống ở Tối cao pháp viện Massachusetts. Chính phủ chỉ muốn giao cho anh chỗ đó, nhưng buộc anh phải nạp hồ sơ trước mười giờ trưa. Mà bây giờ mười một giờ rồi.
– Chỉ còn một giờ nữa, Holmes lượm nón, rồi hai ông chạy lại tòa Thống Đốc. Một tuần sau, ông được bổ nhiệm. Ông đã qua một chương mới trong đời ông.
Ở tòa án Masschusetts ông nổi tiếng là “li khai” vì rất ít khi ông đồng ý với bạn cộng sự. Chẳng hạn năm 1896 ông bênh vực bọn thợ thuyền đình công, mặc dầu ông không ở trong giai cấp họ. Quyết định xong, ông nói với một người bạn thân: – Tôi mới tự cấm tôi thăng chức.
Biết vậy mà ông vẫn giữ vững lập trường. Tư lợi không khi nào ảnh hưởng tới sự tài phán của ông được. Ông chỉ nghĩ đến sự công bình thôi.
Lạ lùng thay, vụ xử đó và nhiều vụ khác nữa đã chẳng làm hại bước đường công danh của ông mà còn đưa ông lên những chức vụ vẻ vang nữa. Tổng Thống Theodore Roosevelt lúc đó muốn tấn công các tổng hợp sản xuất và thương mại ở Hoa Thịnh Đốn, dùng tất cả uy quyền để diệt những công ty độc quyền, khi nghe người ta nói về Holmes, la lên:
– Như vậy mới là một vị thẩm phán. Tôi cần dùng người đó.
Và giấy tờ làm rất gấp để bổ Holmes lên chức thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ. Đó là danh dự lớn nhất trong nghề. Tổng Thống tưởng rằng Holmes sẽ nghị quyết theo ý mình. Ông lầm. Ngay trong vụ xử lớn đầu tiên, Holmes đã chống Roosevelt. Roosevelt giận la:
– Con người gì mà mềm như bún vậy!
Roosevelt quạu, nhưng công chúng lại mừng, Holmes đã xử theo lòng mình, không tùy thuộc ai, đứng trên hết các đảng phái.
Trong ba chục năm Holmes cương quyết giữ đường lối đó và thành một vị thẩm phán được quốc gia trọng vọng nhất.
Năm ông chín mươi mốt tuổi, sức ông bắt đầu suy nhiều, phải có hai người đỡ ông bước xuống bệ.
Một hôm ông nói với viên lục sự:
– Ngày mai tôi không lại nữa.
Và từ đó ông không trở lại tòa nữa.
Hai năm sau ông chín mươi ba tuổi. Franklin D. Roosevelt mới lên làm tổng trưởng, lại thăm ông và thấy ông đương đọc Platon, hỏi: – Thưa cụ, xin cụ cho biết tại sao cụ đọc Platon.
Ông đáp:
– Để trí thức được thêm phong phú.
Bạn thử tưởng tượng: chín mươi ba tuổi….
Quả thực tại Hoa Kỳ chưa có người nào nhân cách cao như ông, mà cũng chưa ai làm cho pháp luật thay đổi sâu xa như ông. Những bản án của ông sau này còn có ảnh hưởng lâu tới cách sống của người Mỹ.
Và đây, thêm một chi tiết nữa mà tôi chắc bạn muốn biết: Khi mất, vị thẩm phán danh tiếng đó để lại tất cả gia tài khoảng hai trăm rưởi ngàn Mỹ kim, cho chính phủ. Tất cả tủ sách của ông, ông cũng tặng hết cho quốc dân.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.