Hẹn với tử thần

Chương 13: PHẦN II



Đại tá Carbury mỉm cười và nâng cốc với tất cả các vị khách đang ngồi tại bàn ăn

– Ah , xin chúc mừng tội ác !

Thám tử Hercule Poirot hấp háy mắt khi thấy món bánh mì nướng xuất hiện thật đúng lúc.

Ông đã tới Amman mang theo bức thư giới thiệu của đại tá Raca tới cho đại tá Carbury.

Về phần mình, đại tá Carbury tỏ ra rất thích thú được tiếp đón một nhân vật nổi tiếng thế giới mà tài năng đã làm cho bạn ông và những đồng nghiệp của họ trong cơ quan Tình báo rất mực khâm phục.

– Đây là một vụ án ít nhiều phải sử dụng tới khả năng suy đoán tâm lý mà tôi nghĩ là ông từng gặp!, – đại tá Race đã viết vậy khi nói tới vụ giết người ở Shaitana.

– Chúng tôi sẽ trình bày với ông tất cả những gì có liên quan mà chúng tôi tìm thấy, – đại tá Carbury nói, tay vân vê bộ râu mép đã có phần lưa thưa của mình. Đó là một người đàn ông ăn vận lôi thôi, cao mức trung bình, dáng người to bè, với cái đầu đã bị hói một nửa và đôi mắt xanh nhạt lơ đãng. Trông ông chẳng có chút gì giống một người lính. Thậm chí ông còn không có vẻ lanh lợi nữa. Trông ông hoàn toàn không giống như một người đang thi hành pháp luật như mọi người thường nghĩ. Thế mà ở Transjordania này, ông lại là một người rất có quyền lực.

– Đâylà Jerash, ông nói – Ông có quan tâm không ?

– Tôi quan tâm tới tất cả mọi thứ.

– Đúng, đại tá Carbury nói – Đó là cách duy nhất để đối phó với cuộc dời này. Rồi ông ngừng lời.

– Nào cho tôi biết đi, ông có thấy là cái công việc rất đặc biệt này đã giúp ông có cơ hội được đi đây đi đó không ?

– Sao cơ ?

– Ồ, thôi thì cứ nói thẳng. Đã bao giờ ông đến một nơi nào đó để điều tra vì phải đi tìm hiểu những xác chết thì ông lại có được cơ hội nghỉ ngơi chưa ?

– Chuyện đó có xảy ra rồi, vâng, mà không chỉ một lần đầu.

– Hừm, – đại tá Carbury nói nhưng mắt lại nhìn lơ đãng đâu đó.

Ông bỗng xoay mình thật nhanh như để tỉnh táo.

– Tôi rất tiếc vì ở đây lại mới xảy ra một vụ án. – Ông nói.

– Thật sao ?

– Vâng, ở chính Amman này. Một lệnh bà người Mỹ. Bà ta đến Petra cùng với gia đình. Bà ta bị đau tim nhưng vẫn gắng sức đi trong cái nóng bất thường này, bà ta không thể hình dung nổi những vất vả trong chuyến đi, tim phải làm việc quá căng – thế là bà ta nghẻo !

– Ở đây, ở Amman này sao ?

– Không hẳn là vậy, dưới Petra. Ngày hôm nay họ đã mang xác bà ta tới.

– À !

– Mọi việc rất bình thường, rất tự nhiên giống như trên trái đất này chuyện gì cũng có thể xảy ra được, chỉ có điều …

– Điều gì cơ ?

Đại tá Carbury đưa tay gãi chiếc đầu hói của mình.

– Tôi có một suy nghĩ thế này, – ông nói- chính gia đình bà ta đã để bà ta chết !

– À ha ! Cái gì khiến ông suy nghĩ như vậy?

Đại tá Carbury không trả lời thẳng vào câu hỏi.

– Có vẻ như bà ta là một phụ nữ không mấy dễ chịu. Cái chết của bà ta không hề gây một tổn thất tình cảm nào. Nói chung mọi người đều cho rằng cái chết của bà ta là điều đáng mừng. Dù sao đi nữa thì cũng khó mà chứng minh vì gia đình bà ta rất gắn bó với nhau và nếu cần thiết, họ cũng sẽ nói dối chết thôi. Chẳng ai muốn gặp phải rắc rối hay bất kỳ sự khó chịu nào cả. Đơn giản nhất là mặc kệ nó! Chẳng vấn đề gì. Tôi biết một tay bác sĩ. Hắn bảo hắn chỉ nghi ngờ khi nào bệnh nhân của hắn vội vã sang thế giới bên kia trước thời hạn! Hắn nói tốt nhất là im lặng trừ khi là ông quá tốt để xem xét chuyện đó! Nếu không thì làm om sòm lên làm gì trong khi vụ án vẫn không sáng tỏ, và người bác sĩ chăm chỉ trung thực đó lại phải nhận một điểm liệt. Đại loại như thế. Kiểu gì thì cũng thế cả. – Ông lại đưa tay gãi đầu. – Tôi là một người gọn ghẽ. Ông bất ngờ nói.

Cravat của đại tá Carbury bị kéo lệch sang bên tai trái, đôi tất nhàu nghĩ, còn áo khoác ngoài thì vừa rách vừa bẩn. Tuy vậy, nhưng Hercule Poirot không thấy buồn cười chút nào. Ông thấy rất rõ, đằng sau cái vẽ ngoài xộc xệch đó là những suy nghĩ rạch ròi, những lập luận được sắp xếp chặt chẽ và những linh cảm được phân loại kỹ càng của đại tá Carbury.

– Đúng vậy, tôi luôn là một người gọn gàng. – đại tá Carbury nói tiếp. Ông vẩy tay lơ đãng. – Tôi rất ghét lộn xộn. Nếu vô tình nhìn thấy cái gì lộn xộn là tôi chỉ muốn dọn sạch ngay. Ông hiểu ý tôi không?

Hercule Poirot trang nghiêm gật đầu. Ông hiểu.

– Ở dưới đó không có bác sĩ à ? – Ông hỏi.

– Có chứ, hai vị. Một đang bị sốt rét. Còn người kia là một cô gái vừa xong thời gian thực tập. Tuy vậy, tôi thấy cô ta rất biết việc mình làm. Chẳng có gì đặc biệt trong cái chết này cả. Một bà già với trái tim bệnh hoạn. Bà ta luôn phải dùng thuốc trợ tim. Chẳng có gì ngạc nhiên khi bà ta chết bất ngờ như vậy.

– Bạn của tôi ơi, thế cái gì khiến ông lo lắng vậy ? – Poirot nhẹ nhàng hỏi.

Đại tá Carbury hướng đôi mắt xanh đầy ưu tư của mình về phía nhà thám tử.

– Anh đã bao giờ nghe nói đến tiến sĩ Gerard người Pháp chưa ? Theodore Gerard ?

– Chắc chắn rồi. Một con người xuất sắc trong giới của ông ta.

– Ông ta rất giỏi chữa các bệnh về thần kinh, – đại tá Carbury khẳng định. – Lúc lên bốn tuổi, vì say mê chị giúp việc mà anh cứ khăng khăng muốn trở thành tổng giám mục Canterbury khi nào anh 38 tuổi. Anh không thể hiểu tại sao anh lại suy nghĩ như vậy và sẽ không bao giờ hiểu tại sao anh lại suy nghĩ như vậy và sẽ không bao giờ hiểu, nhưng những tay bác sĩ kiểu ông ta có thể giải thích được mà lại rất thuyết phục nữa đấy.

– Tiến sĩ Gerard chắc chắn là một người rất có uy tín về chữa một số chứng loạn thần kinh dạng nặng, – Poirot mỉm cười đồng tình. – Thế à, ý kiến của ông ta về việc xảy ra ở Petra dựa theo hướng lập luận đó chăng ?

Đại tá Carbury lắc đầu cương quyết.

– Không, không. Nếu là thế thì đã không phải quan tâm. Anh đừng nghĩ là tôi không tin chuyện đó là có thật. Chỉ có điều, nó giống như một chuyện mà tôi không tài nào hiểu nổi. Đó là những người Á rập xuống xe khi đang đi giữa sa mạc, sờ vào cát dưới chân và có thể nói chính xác anh đang ở đâu trong vòng một hoặc hai dặm. Đó không phải là phép mầu, nhưng cũng gần như vậy. Còn câu chuyện về tiến sĩ Gerard là hoàn toàn có thật. Chỉ là những lập luận rõ ràng. Anh thấy đấy, nếu anh tỏ ra quan tâm, thì anh sẽ rất chú ý, đúng thế không ?

– Vâng, vâng.

– Tốt lắm anh bạn. thế thì tôi sẽ gọi điện cho tiến sĩ Gerard lên đây và anh có thể tự mình kiểm nghiệm câu chuyện về ông ta.

Nói rồi đại tá Carbury nhắc máy ra lệnh cho gọi tiến sĩ. Poirot hỏi :

– Thế thành phần gia đình người Mỹ ấy là như thế nào ?

– Gia đình đó họ là Boynton. Có hai con trai, một đã kết hôn. Vợ anh ta là một cô gái xinh đẹp, kiểu người ít nói, nhạy cảm. còn có hai cô con gái nữa. Cả hai đều rất ưa nhìn dù mỗi người một vẻ. Cô trẻ hơn có vẻ căng thẳng nhưng chắc là do bị sốc.

– Boynton, – Poirot lẩm bẩm, lông mày khẽ nhướn lên. – Có cái gì đó lỳ lạ … rất kỳ lạ.

Đại tá Carbury nhìn ông vẻ dò hỏi. Nhưng thấy Poirot không nói gì thêm, ông lại nói tiếp :

– Có vẻ như bà mẹ đó là một người rất khó chịu ! Bà ta bắt họ phải chờ đợi và giữ họ xung quanh để phục dịch mình. Bà ta nắm hầu bao rất chắc và chẳng ai trong số các con có nổi một đồng xu.

– A ha ! Thú vị thật. Thế có ai biết bà ta để tiền lại như thế nào không?

– Tôi cũng vừa nghĩ tới vấn đề này, cũng như bình thường thôi. Nó được chia đều cho các con của bà ta.

Poirot gật đầu. Ông hỏi tiếp:

– Ông cho là các con bà ta đều liên quan tới cái chết của bà mẹ?

– Không biết. Cái khó là ở chỗ ấy. Tôi cũng không biết liệu đó có phải là một nỗ lực chung của họ hay chỉ là sáng kiến riêng của một cá nhân nào đó. Mà cũng có thể tất cả chỉ là một phát kiến ảo huyền mà thôi! Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng rất muốn nghe những ý kiến của một người chuyên nghiệp như ông. À, mà tiến sĩ Gerard đây rồi


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.