Hẹn với tử thần

Chương 22



– Mình vẫn không hiểu, Hercule Poirot lẩm bẩm nói một mình.

Ông đóng cuốn sổ lại, rồi đi ra phía cửa, yêu cầu gọi Mahmoud tới chỗ ông.

Người phiên dịch này có dáng người khoẻ mạnh. Từ ngữ từ mồm anh ta cứ tuôn ra tuồn tuột.

– Bao giờ cũng vậy, bất cứ khi nào có chuyện thì tôi luôn là người lãnh trách nhiệm. Bất cứ chuyện gì xảy ra, luôn luôn là lỗi của tôi. Bao giờ cũng là tại tôi. Ngay cả khi quý bà Ellen Hunt bị bong gân do trượt ngã khi đi từ Nơi Tế lễ xuống, cũng là lỗi của tôi mặc dù đi leo núi mà bà ta lại đi giày cao gót. Bà ta quá già rồi, ít nhất là sáu mươi, thậm chí là bảy mươi. Cuộc đời tôi mới khốn khổ làm sao ! A ! Ông trời đối xử với chúng ta thật quá bất công, quá tệ bạc.

Cuối cùng thì Poirot đã thành công ngăn không cho anh ta tiếp tục rền rĩ, ông khéo léo đặt ra câu hỏi.

– Ông bảo là lúc năm giờ rưỡi à ?

– Không, tôi nghĩ là lúc đó chẳng có người phục vụ nào hết. Ông cũng biết là hai giờ chiều mọi người mới dùng xong bữa trưa. Sau đó thì tản đi hết. Họ ngủ suốt cả buổi chiều. Vâng những người Mỹ ấy mà, họ không uống trà đâu. Chúng tôi cũng đi ngủ cho tới ba giờ rưỡi. lúc năm giờ, thì tôi đi ra lều lớn vì biết đã đến giờ các quý bà người Anh uống trà rồi. Tôi là một người có trọng trách to lớn, luôn luôn coi sóc sao cho các quý ông, quý bà mà tôi phục vụ luôn thấy thoải mái. Nhưng lúc đó chẳng có ai ở đấy cả. Họ đi dạo hết. Đối với tôi như thế thật là hay. Hay hơn mọi hôm. Vì tôi có thể đi ngủ tiếp. Lúc sáu giờ kém mười lăm thì mọi sự rắc rối bắt đầu. Quý bà người Anh to béo, cái bà rất béo ấy quay lại và nói muốn uống trà cho dù cánh phục vụ chúng tôi lúc đó không còn phục vụ nữa. bà ta làm ầm ỹ lên, nói là nước phải đun sôi sùng sục lên cơ, chính mắt tôi nhìn thấy thế mà. Ôi, quý ông tốt bụng, ông thấy chưa, đúng là cuộc đời ! Tôi làm tất cả những gì mình có thể nhưng lại luôn luôn bị đổ lỗi. Tôi …

Poirot cắt ngang những lời than vãn của anh ta.

– Có một vấn đề nhỏ. Đó là nạn nhân trước khi chết đã tỏ ra giận dữ với một người trong số các anh. Anh có biết đó là ai và vì chuyện g ìkhông ?

Mahmoud giơ tay lên kêu trời.

– Tôi mà biết ư ? Nhưng rõ ràng là tôi không biết rồi. Quý bà đó không phàn nàn gì với tôi cả.

– Anh thử nghĩ xem ?

– Không, thưa quý ông kính mến, chuyện đó là không thể có được. Không một người phục vụ nào thừa nhận chuyện đó đâu. Ông nói là bà ấy giận dữ à ? thế thì rõ ràng chẳng một ai dám nói ra đâu. Nếu Abdul nói chuyện đóvới Mohammed, Mohammed sẽ nói với Aziz và Aziz sẽ nói với Aissa, vân vân và vân vân. Tất cả bọn họ đều là những người Á rập ngu xuẩn. họ chẳng hiểu gì đâu.

Anh ta nghỉ lấy hơi rồi nói tiếp :

– Còn tôi, tôi thì lại có ưu thế là được học hành tử tế. Tôi sẽ kể cho anh nghe về các bạn Keats, Shelley, Ladadoveandasweedovediel …

Poirot ngán ngẩm. Dù tiếng Anh không phải là thứ tiếng mẹ đẻ của ông, ông cũng hiểu mình đã phải chịu đựng như thế nào với cái lối phát âm kỳ cục của Mahmoud.

– Tuyệt vời ! Anh ta vội vàng nói tiếp. – Hay thật đấy ! Tôi sẽ giới thiệu ông với tất cả bạn bè của tôi.

Poirot đang nghĩ cách thoát ra khỏi câu chuyện của người phiên dịch. Ông cầm lấy tờ danh sách ban nãy mang tới cho đại tá Carbury đang ở văn phòng.

Carbury kéo cái cà vạt lệch sang một chút và lên tiếng hỏi :

– Có gì chưa ?

Poirot ngồi xuống.

– Liệu tôi có thể nói với ông về những suy luận của tôi được không ?

– Vâng, nếu ông muốn. – đại tá Carbury nói và thở dài. Trong cuộc đời mình, ông đã bao lần phải nghe đủ loại lý thuyết.

– Theo lý thuyết của tôi thì môn tội phạm học là môn khoa học dễ nhất trên đời ! Mọi người bắt tên tội phạm phải khai ra và sớm muộn gì thì hắn cũng sẽ nói ra tất thôi mà.

– Tôi nhớ là anh đã nói như thế một lần trước đây rồi. Thế những ai đã khai báo với anh vậy ?

– Tất cả mọi người.

Poirot thuật lại một cách ngắn gọn các cuộc thẩm vấn mà ông đã tiến hành vào buổi sáng.

– Hừm, Carbury nói . – Có thể là ông đã có được trong tay một hay hai hướng điều tra nào đó. Nhưng thật đáng tiếc, dường như chúng đều đi lệch sang các hướng khác. Tôi muốn biết là anh đã có lời giải đáp chưa ?

– Chưa.

Đại tá Carbury lại thở dài.

– Tôi e là mình cũng chưa có nốt.

– Nhưng trước khi đêm xuống, – Poirot nói – Ông sẽ có được sự thật !

– Thế đấy, anh cũng đã từng hứa với tôi như vậy rồi. Đại tá Carbury nói – Và tôi hơi nghi ngờ đấy ! Anh có chắc chắn không ?

– Tôi hoàn toàn chắc chắn.

– Tốt, nếu anh cảm thấy như vậy, – đại tá bình luận.

Và nếu như trong mắt ông có phảng phất đôi chút thất vọng, thì Poirot cũng không thể nhận ra.

Poirot đưa ra tờ ghi chép của mình.

– Rất gọn ghẽ, – đại tá tán thưởng.

Và ông cúi xuống đọc.

Sau chừng một lúc, ông ngửng lên nói :

– Anh có muốn biết tôi nghĩ gì không ?

– Tôi sẽ rất vui nếu ông nói ra.

– Cậu thanh niên Raymond Boynton không có dính líu gì.

– A ! Ông nghĩ thế sao?

– Đúng vậy. Những gì anh ta nghĩ đều thật rõ ràng. Chúng ta có thể thấy là anh ta vô can. Anh ta thuộc tuýp người hay thấy trong các câu chuyện trinh thám. Vì chính anh đã tình cờ nghe thấy anh ta nói sẽ khử bà già ấy nên chúng ta biết điều đó có nghĩa là Raymond Boynton vô tội!

– Ông cũng đọc các truyện trinh thám sao?

– Hàng nghìn cuốn chứ ít à, – Đại tá Carbury nói. Ông nói tiếp bằng cái giọng nuối tiếc như của cậu bé nhớ lại thời đi học của mình. – Tôi hy vọng là anh sẽ không làm những việc giống như người thám tử trong sách đã làm chứ? Liệt kê ra những chứng cớ đã được phơi bày hiển nhiên, những thứ có vẻ như vô nghĩa mà thực ra lại hết sức quan trọng có phải vậy không?

– À, – Poirot tử tế nói. – Ông thích loại truyện trinh thám như thế ư? Nhưng chắc chắn là tôi sẽ làm như thế để ông được vui lòng

Ông kéo một tờ giấy trắng về phía mình và viết rất nhanh, gọn ghẽ.

Những điểm đáng lưu ý:

1- Bà Boynton đã tiêm một hỗn hợp thuốc có chứa chất digitalin.

2- Tiến sĩ Gerard mất một sy – lanh tiêm.

3- Bà Boynton rất thoải mái khi cho phép các con mình vui chơi với những người khác.

4- Bà Boynton, vào buổi chiều hôm đó, khuyến khích con cái mình đi chơi, mà không việc gì phải lo cho bà ta.

5- Bà Boynton là người có bệnh về thần kinh.

6- Khoảng cách từ lều lớn tới chỗ bà Boynton ngồi là “xấp xỉ” hai trăm thước.

7- Lennox Boynton lúc đầu nói anh ta không biết mình quay trở về khu trại lúc mấy giờ, nhưng sau đó lại nhận là có chỉnh lại thời gian ở chiếc đồng hồ đeo tay của mẹ anh ta.

8- Tiến sĩ Gerad và cô Ginevra Boynton sống ở hai chiếc lều cạnh nhau.

9- Lúc 6 giờ 30, khi bữa tối đã dọn sẵn, một người hầu được cử đi mời bà Boynton.

Đại tá đọc đi đọc lại tờ giấy với vẻ rất hài lòng.

– Rất hay! – ông nói. – Duy chỉ có một điều! Ông đã làm cho nó có vẻ khó hiểu và dường như là không có liên quan gì tới nhau. Rõ ràng chúng chỉ là những chi tiết có thực nhưng rất vụn vặt mà thôi. Tuy nhiên, tôi có cảm giác là ông đã bỏ qua một hay hai chi tiết. Những chi tiết đó, tôi dám chắc là ông dùng để nhử một anh chàng cả tin nào đó phải không?

– Mắt Poirot sáng lên, tuy vậy ông không trả lời câu hỏi.

– Ví dụ như ở điểm thứ hai, – đại tá Carbury nói vẻ thăm dò. – Tiến sĩ Gerard mất một chiếc sy – lanh tiêm . Đúng. Nhưng ông ta còn mất cả một lọ đựng dung dịch digitalin đậm đặc hay một cái gì đại loại như thế.

– Điểm cuối cùng là không hề quan trọng, – Poirot nói – Tuy nhiên việc ông ta bị mất chiếc sy – lanh thì lại quan trọng.

– Rất hay, – đại tá Carbury nói, và nở một nụ cười rạnh rỡ. – Tôi không nói như thế. Tôi nói là chất digitalin thì quan trọng hơn nhiều là cái sy – lanh! Thế còn cái chi tiết mới nảy sinh thì sao? Một người phục vụ được cử đi mời bà ta dùng bữa tối và câu chuyện bà ta giơ gậy đánh một người phục vụ vào đầu giờ chiều hôm đó thì sao? Cuối cùng, anh không định nói với tôi là một trong những con người tội nghiệp ngốc nghếch đó đã khử bà ta đấy chứ? Bởi vì, Đại tá Carbury nghiêm nghị nói, – bởi vì nếu như vậy, thì chắc chắn đó là một trò lừa đảo.

Poirot mỉm cười nhưng vẫn không trả lời.

Và khi bước chân ra khỏi văn phòng của đại tá, ông lẩm bẩm một mình:

– Thật không thể nào tin được! Những người Anh chẳng bao giờ tỏ ra chín chắn cả!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.