Anh Chàng Mộ Bên

25.



Cuộc đời rối tinh và sôi nổi

Vào tay tôi sẽ biết mùi thôi

Dán nhãn, ghi tên và phân loại

Cho vào lưu trữ, thế là rồi!

Ngày hôm nay đã xảy ra một chuyện khá kinh khủng. Chỉ nghĩ đến nó thôi là tôi đã lạnh toát người.

Lundmark hôm qua không đi làm.

Mọi việc bắt đầu như thế.

Thật ra chúng tôi không nhận ra điều đó ngay. Thường thì chị là người đến sớm nhất. Sau khi để lại áo măng tô và chiếc mũ lông trong phòng làm việc, chị sẽ xuống kho lưu trữ để… mà phải rồi, thật ra chị làm gì khi không còn phụ trách mảng sách thiếu nhi nữa nhỉ? Tất cả chúng tôi đều nghĩ chị bận làm công tác phân loại, sắp xếp, nhưng không ai đặt câu hỏi, và sự hiện diện của chị ở thư viện đồng nghĩa với việc không ai trong chúng tôi có lý do gì để thắc mắc về công việc chị làm.

Càng ngày Lundmark càng ở dưới kho sách lâu hơn và chỉ để lại lời nhắn cho tôi hoặc Britt-Mari, để chúng tôi biết rằng chị giao phó khu vực sách thiếu nhi cho chúng tôi.

Chỉ đến trưa chúng tôi mới nhận ra sự vắng mặt của Lundmark. Chị luôn ngồi cạnh cửa sổ và luôn ăn món ngũ cốc trộn sữa chua trong khi đọc danh mục sách của Thư viện Quốc gia. Nếu căn phòng có tình cờ trở nên yên lặng, chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng thở hơi khò khè của chị, ngoài chuyện đó ra thì chị không có biểu hiện gì nổi bật.

Chị ngồi ở đó từ 12 giờ 1 phút đến 12 giờ 55 phút. Rồi chị đứng lên, rửa cái bát của mình và úp lên giá. Sau đó đi vệ sinh. Lịch trình của chị từ lâu đã thành đề tài trêu chọc của chúng tôi. Không phải ai cũng có một hệ tiêu hóa chạy đúng giờ hơn cả đồng hồ của chị.

Chúng tôi quen với những điều đó đến nỗi nó trở nên giống như tiếng kẻng khu tập thể: chúng tôi biết đã đến giờ đi ăn trưa khi chị đi ngang khu sách nhạc để đến phòng nhân viên, và tuyến nước bọt của chúng tôi lập tức vận hành chẳng khác nào chú chó trong thí nghiệm của Pavlov. Đôi khi chỉ cần nghe thấy tiếng thở của chị là chúng tôi đã cảm thấy đói. Còn lúc chị đứng dậy tiến đến bồn rửa bát sau khi đã nhấm nháp xong món ngũ cốc của mình, chúng tôi cũng vội vàng kết thúc các cuộc nói chuyện. Thậm chí chúng tôi không cần phải nhìn đồng hồ.

Hôm qua Lundmark không đến phòng nhân viên để dùng bữa. Chị cũng không cáo ốm và xin nghỉ. Chúng tôi đã bàn tán về chuyện đó trong khoảng hai phút – rõ ràng là chưa bao giờ chúng tôi nói về chị lâu đến thế kể từ khi tôi vào làm việc tại thư viện này.

Không ai trong chúng tôi từng tìm gặp chị, hợp tác hay đối đầu với chị.

Nhưng chúng tôi không né tránh chị, ngày nào chúng tôi cũng nói với chị về chuyện thời tiết mưa nắng và giờ giấc làm việc. Lundmark luôn là người phụ trách quà cáp cho các dịp quan trọng, khi có người nghỉ hưu, hoặc ai đó sinh em bé. Chị có năng khiếu bất ngờ trong việc chọn được những món quà thích hợp – thông dụng nhưng khiến người ta thích thú. Vậy đấy, trong hai phút đồng hồ chúng tôi đã hỏi nhau xem chị Lundmark ở đâu. Rồi như thường lệ, chúng tôi tự nhủ đó không phải vấn đề của mình, và ai nấy lại quay về với những mối bận tâm của bản thân.

Nhưng hôm nay chị cũng không đi làm. Thế là chúng tôi đã trao đổi với nhau về chuyện đó trong ba phút. Sau đó chúng tôi đã đi đến quyết định hỏi xem Olof có biết tin tức gì không. Anh ta không biết, và cũng không hiểu chị ấy tổ chức công việc như thế nào. Một lần Olof đã thử thảo luận các nhiệm vụ của Lundmark, và chị đã mất cả nửa buổi chiều để giải thích cho anh.

– Lundmark đỏ ửng mặt khi tôi hỏi. – Olof nói. – Chị ấy vội đi tìm quyển sổ của mình và kể lể chi li hệ thống phân loại đã triển khai. Tôi đã buộc phải viện cớ có hẹn với nha sĩ. Ý tôi là, làm thế nào tôi có thể bắt Lundmark bỏ cuốn sổ ghi chép bằng tay để sang dùng máy tính được?

Mọi quy trình ở thư viện vẫn trôi chảy khi Lundmark vắng mặt. Dạo gần đây, tôi thường phải một mình xoay xở với khu vực sách thiếu nhi, và tôi luôn biết ơn chị vì đã để tôi thỏa sức tung hoành. Không, diễn đạt như thế thì sáo rỗng quá, thành thật mà nói tôi biết mình có năng lực hơn, và tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu chị ấy tìm cách can thiệp vào cách thức quản lý khu sách thiếu nhi. Đến mức độ đối với tôi, chị Lundmark chỉ là một cỗ máy văn phòng ít tính năng mà chúng tôi có thể dễ dàng tống khứ đi ở đợt thanh lý sắp tới.

Tôi đã gọi điện về nhà chị. Máy trả lời tự động thông báo tôi đã gọi đến nhà của Inez Lundmark và tạm thời chị chưa thể nghe điện thoại. Tôi gọi to hai, ba lần “Chị Inez? Chị Inez? Em đây, Désirée đây!” để phòng trường hợp chị có mặt ở đó mà không muốn trả lời, nhưng tôi thậm chí không biết tiếng nói của mình vang lên trong căn phòng nào, cũng như liệu tôi và chị ấy có thân thiết đến mức ấy – trước đây tôi chưa bao giờ gọi chị bằng tên.

Tôi không phải thuộc dạng cực kỳ tốt tính. Trên nguyên tắc, sẽ hợp lý hơn nhiều nếu Liliane xoắn hai tay với nhau và nói “chúng ta phải làm điều gì đó” – và tất cả chúng tôi đều hiểu chữ “chúng ta” đó có nghĩa là “ngoại trừ chị ta”. Để rồi Britt-Mari, bà mẹ năm con, người có ít thời gian rỗi rãi nhất trong số bọn tôi, sẽ phụ trách khâu thực hiện.

Dẫu vậy, tôi cũng cảm thấy hơi nhói lòng, khi nghe câu chuyện Olof kể, về việc anh ta phải lấy cớ chữa răng để tống tiễn Lundmark trong khi chị nhiệt tình giải thích hệ thống phân loại của mình. “Inez. Phải chị ta tên là Inez không nhỉ?”

– Anh ta còn hỏi như thế. Phải, tôi thấy xót xa một chút trong lòng. Hay đúng hơn là trong dạ dày. Một chút gợn, một cơn khó ở.

Tôi đã bảo Olof cho tôi một, hai tiếng để đến nhà Lundmark kiểm tra. Chị không cáo ốm, trong khi anh ta cũng không rõ phải bắt ai gánh lấy trọng trách, nên anh ta chỉ gật đầu và có vẻ nhẹ nhõm. Thế là tôi đi.

Lundmark sống trong một tòa nhà đồ sộ xây bằng gạch vừa tối vừa bẩn, ngày xưa chắc nó từng khá khẩm hơn. Cầu thang bộ được trang trí bằng ốp tường giả đá cùng với những cái hốc có lẽ từng là nơi đặt tượng. Trong hốc, kẻ nào đó đã dùng sơn xịt vẽ dòng chữ “Đồ con chó!”.

Lundmark ra mở cánh cửa sơn nâu ngay sau hồi chuông đầu tiên. Chị đã cẩn thận cài xích an toàn bên trong. Chị ngập ngừng trong giây lát, trước khi gỡ xích để mời tôi vào nhà.

– Em chào chị ạ! – Tôi nói với một nụ cười gượng gạo. – Chị có khỏe không? Ở thư viện mọi người lo cho chị lắm!

Lundmark lầm bầm gì đó, rồi khoát tay về hướng phòng khách. Thế là tôi đi theo chị vào một căn phòng lớn, chẳng có gì ngoài những tủ hồ sơ kê sát hai bên tường. Tủ hồ sơ á?

– Chị sống… một mình ạ? – Tôi thắc mắc. – Em hỏi hơi đường đột. Chị giấu ngài Lundmark ở đâu thế ạ?

– Từ những năm sáu mươi, người ta bắt đầu dùng chữ “bà” để gọi những phụ nữ không có gia đình. – Lundmark nói, cằm hơi vênh lên. – Tôi nhớ hình như cánh nhà báo là những người đầu tiên khởi xướng chuyện đó. Nếu không thì do các bệnh viện, để cho những người làm mẹ đơn thân đỡ tủi hổ.

Tôi phải nói gì đây. Rằng không ai trong chúng tôi quan tâm việc chị được gọi bằng “chị” hay “bà” à?

– Tôi cảm thấy hơi mệt trong người.

– Sau đó chị Lundmark lên tiếng. – Hy vọng mọi người không phiền. Chuyện này sẽ qua nhanh thôi.

Không phiền á? Thế còn tờ khai, thời gian hưởng chế độ ốm đau, xác nhận y tế? Theo tôi biết thì trước đây Lundmark chưa bao giờ bị ốm. Chắc chị không hiểu là người ta không thể cứ thế mà nghỉ ở nhà rồi xin lỗi là xong. Nhưng xét cho cùng, tôi đến đây đâu phải với tư cách đại diện ban lãnh đạo?

Im lặng một chút.

– Chị cất gì trong mấy cái tủ này thế?

– Tôi hỏi bâng quơ.

Lundmark nhìn ra cửa sổ một lúc. Lá sách cửa sổ nhà chị được sơn xen kẽ hai màu trắng và xanh ngọc, giống như thời thập niên năm mươi.

– Cô là người tử tế, cô biết không. – Cuối cùng chị lên tiếng. – Tử tế hơn cô tưởng nhiều. Thế nên nếu cô muốn, tôi sẽ chỉ cho cô xem.

Và chị nói là làm.

Hai tiếng đồng hồ sau, tôi loạng choạng bước xuống những bậc cầu thang bằng đá mòn vẹt giữa âm thanh vang dội nhức óc, nước mắt lưng tròng. Tôi cần phải nói chuyện với ai đó, và Märta không phải là người đầu tiên hiện lên trong đầu tôi. Tôi đã nói quá nhiều về giờ giấc ăn uống vệ sinh của Lundmark với cô ấy mất rồi. Tôi vào một buồng điện thoại công cộng và gọi cho Benny.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.