Bộ Tứ

Chưong III



Tính tới việc tên giám thị quay trở lại, tôi nhất định trong bốn mươi tám giờ liền không rời căn hộ Poirot một lát. Theo như tôi suy đoán, hắn không có lý do gì để nghĩ rằng chúng tôi đã biết tông tích hắn dưới cái bộ dạng cải trang. Tôi cho rằng hắn có thể quay lại để mang cái xác đi. Nhưng Poirot cười khẩy vào lập luận đó.

– Tất nhiên, nếu thích thú, anh cứ việc ở đây mà rình rập. Tôi thì tôi không tiêu phí thời giờ kiểu ấy.

– Nhưng thế thì anh giải thích tại sao tên giả danh giám thị nhà thương ấy dám mạo hiểm đến đây, dù chỉ một lần? Nếu hắn đã đến, tức thị hắn có ý định trở lại để cướp xác đi, hòng tránh mọi sự kết tội về phía hắn. Nếu không, chỉ đến một lần thì hắn có lợi gì?

Poirot nhún vai một cái thật thong đong:

– Anh không nhìn mọi thứ bằng con mắt của “Số Bốn”. Anh nói đến kết tội: vậy ta kết hắn vào tội gì? Ở đây có một xác chết, nhưng không có bằng chứng gì là án mạng. Axid prussique hít vào không để lại dấu vết. Cũng không có nhân chứng. Không ai nhìn thấy kẻ sát nhân đột nhập vào khi ta vắng nhà. Cuối cùng, ta hoàn toàn không biết gì về hành tung của ông bạn Mayerling xấu số… Không, “Số Bốn” không để lại dấu vết gì và hắn biết như vậy. Hắn đến đây chỉ để trinh sát. Có thể hắn muốn biết chắc chắn là Mayerling đã chết thật. Nhưng cũng có thể nữa là hắn muốn gặp Hercule Poirot và nói chuyện với đối thủ duy nhất mà hắn có phần kinh sợ.

Tôi thấy lập luận của Poirot đầy vẻ tự phụ, nên miễn tranh luận.

– Thế còn cuộc điều tra, sẽ như thế nào? Hy vọng anh sẽ trình bày rõ mọi việc, và sẽ mô tả tỉ mỉ chân dung “Số Bốn” với cảnh sát?

– Để làm gì? Liệu chúng ta có đủ bằng chứng thuyết phục hội đồng xét xử? Không, cứ để họ kết luận đơn giản “chết do tai nạn”. Như vậy, tên cướp ranh ma kia tha hồ tự hào là đã hạ gục Hercule Poirot ngay từ hiệp đầu.

Như mọi khi, Poirot lại đúng. Tên giám thị nhà thương điên không quay trở lại, và cuộc điều tra trong đó có tôi ra làm chứng (Poirot, anh ta lảng tránh) được báo chí bỏ qua, không nói tới.

Trước khi tôi đến, Poirot đã giải quyết mọi công việc để đi Nam Mỹ; do đó lúc này anh không bận việc gì, phần lớn thời gian đều ở nhà. Nói ít và không làm gì cả. Anh ngồi thu lu trong ghế bành, nhiều lần tôi gợi chuyện đều không kết quả.

Một buổi sáng, khoảng tám ngày sau đó, anh yêu cầu tôi cùng đi đến một nơi định viếng thăm.

Tôi mừng thầm, thâm tâm vẫn sợ anh sẽ mắc sai lầm nếu chỉ lui hui một mình, chỉ sử dụng khả năng của “chất xám”.

Nhưng anh không chịu bắt chuyện, và tôi không biết mình đi đâu.

Poirot thích chơi trò bí mật. Không bao giờ anh chia sẻ với các cộng sự mẩu tin tức gì, trừ ở phút cuối cùng.

Sau khi đã lên xe buýt và chuyển hai lần tàu, tới gần một khu dân cư thuộc loại buồn tẻ nhất phía Nam London, anh mới mở miệng:

– Hastings, chúng ta sắp làm quen với con người am hiểu nhất về nước Trung Hoa huyền bí.

– Ai vậy?

– Hẳn anh chưa từng nghe nói. Một ngài tên gọi John Ingles. Về mọi mặt, là công chức hưu trí mẫu mực. Người Anh, lớp trung lưu. Thông minh vừa phải. Nhà ông ta chất đầy đồ mỹ nghệ Trung Quốc – cái thú gàn dở ấy khiến bạn bè đều phiền lòng. Tuy nhiên, tôi tin rằng người duy nhất có thể cung cấp thông tin mà tôi tìm kiếm, chính là Ngài John Ingles.

Chúng tôi bước qua cổng biệt thự “Anh Đào”. Phần tôi, nhìn quanh chẳng thấy khóm anh đào nào.

Một người Trung Quốc bộ mặt lầm lì dẫn chúng tôi vào gặp chủ.

John Ingles là một người thấp béo, nước da vàng nhạt, đôi mắt hõm sâu và đặc biệt tinh anh.

Ông đứng lên tiếp chúng tôi, để sang bên lá thư đã mở đang cầm trên tay, lá thư mà sau đây ông sẽ nói tới.

– Mời các ông ngồi. Halsey nói các ông cần một tin tức mà tôi có khả năng giúp.

– Chính vậy, thưa ông. Tôi muốn biết ông có quen người nào tên Li Chang-yen?

– Kỳ lạ thật! Làm thế nào các ông nghe nói tới người đó?

– Vậy ra ông có quen?

– Tôi có gặp hắn một lần và biết chút ít về hắn; cũng không nhiều như mình muốn đâu! Thật ngạc nhiên là ở nước Anh, còn có người nào khác nghe nói về hắn. Trong loại người như hắn thì hắn là người có tầm vóc, thuộc tầng lớp quan lại; nhưng chỗ mạnh của hắn không phải ở đó. Hơn cả một ông quan, hắn là trụ cột của tổ chức.

– Tổ chức gì?

– Tổ chức quấy rối toàn cầu, gây ra khủng hoảng, chiến tranh, ở một số nước. Thậm chí có thể là ở hầu hết các nước! … Những người am hiểu còn cho rằng đứng sau tổ chức này – là một bộ não. Nhưng người nổi danh nhất chỉ là công cụ của hắn. Tôi không có bằng chứng, nhưng tôi tin như đanh đóng cột rằng bộ não ấy là Li Chang-yen.

– Không thể chấp nhận! – tôi kêu. Làm sao một người Tàu lại xâm nhập được vào việc của nhiều nước đến thê?

Poirot chau mày, ném cho tôi một cái nhìn bất đồng.

– Người ta xâm nhập vào việc của nhau là bình thường Với anh, Hastings, cái gì anh không tin thì anh cho là không thể xẩy ra. Phần tôi, tôi đồng ý với ngài Ingles. Xin mời ông nói tiếp.

Vị công chức hưu trĩ không chờ phải yêu cầu lâu:

– Tôi không rõ vì sao Li Chang-yen làm những việc ấy. Chắc hắn mắc căn bệnh giống những bộ óc vĩ đại khác từ Alexandre đến Napoleon. Căn bệnh đó là sự thèm khát quyền lực, muôn chiếm địa vị độc tôn. Từ trước đến nay, kẻ đi chinh phục cần đến lực lượng vũ trang, nhưng ở thời đại rối ren nay, một người như Li Chang-yen có thể dùng các phương tiện khác. Tham vọng của hắn là bá chủ toàn thế giới! Tôi tin chắc hắn có trong tay nguồn tài chính vô hạn dùng để tuyên truyền, mua chuộc. Căn cứ vào vài dấu hiệu, tôi nhận ra là hắn đang cố chiếm lĩnh việc ứng dụng một phát minh khoa học có sức mạnh cao hơn tất cả những gì thế giới đã biết.

Poirot nghe Ingles hết sức chăm chú.

– Còn ở Trung Hoa? – Anh hỏi – Theo ông, hắn cũng hoạt động cả ở đó?

John Ingles gật đầu:

– Tôi không dẫn ra được bằng chứng cụ thể, nhưng tôi biết hắn điều khiển mọi sự kiện. Mệnh lệnh của hắn được thực hiện từ xa. Chúng ta không hiểu gì về phương Đông, mãi mãi sẽ không bao giờ hiểu.

– Không người nào có thể chống lại hắn sao?

Ingles ngả người về phía trước, đáp:

– Trong bốn năm mới đây, bốn người đã thử, bốn người quả cảm, lương thiện và cực kỳ thông minh.Từng người một lẽ ra có thể ngáng trở những mưu đồ của Li Chang-yen.

– Rồi sao? – Tôi hỏi.

– Rồi sao ư? Cả bốn đều chết. Người thứ nhất viết một bài báo trong đó nêu tên Li Chang-yen nhân những vụ nổi loạn; hai hôm sau anh ta bị đâm chết ngoài phố. Không bắt giữ được hung thủ. Người thứ hai nói đến Li Chang-yen trong một diễn văn, liền bị đầu độc. Người thứ ba, nhân một cuộc trò chuyện, tỏ ý nghi ngờ Li Chang-yen là nguồn gốc của một vụ rối ren nào đó: hôm sau ông ta chết vì thổ tả (một trường hợp đơn lẻ không liên quan đến một vụ dịch nào); cuối cùng là người thứ tư cũng dại miệng như trên, bị phát hiện chết trên giường của mình. Nguyên nhân tử vong không được làm rõ, nhưng một bác sĩ đã khám nghiệm tử thi nói với tôi rằng anh ta bị cháy xém, chết co quắp như là bị phóng điện với công suất cực mạnh không thể tin.

– Còn Li Chang-yen? – Poirot hỏi. Tất nhiên không có một bằng chứng nào chống lại hắn? Dù sao phải có một số dấu tích nào dò tìm ra hắn chứ?

Ingles nhún vai:

– Hừ, dấu tích… tất nhiên! Đây, một thí dụ đáng chú ý: một lần, tôi làm quen với một nhà hóa học Trung Hoa trẻ tuổi, danh tiếng, người được Li Chang-yen bảo trợ. Một hôm, chịu không nổi, anh ta đến tìm tôi, trong thể trạng đáng thương, sắp ngất xỉu. Anh ta cho biết, trong lâu đài của Li Chang-yen, anh bị buộc phải làm thí nghiệm trên những con người tội nghiệp. Tất cả đều dưới sự chỉ đạo của tên quan ấy. Chàng trai trẻ kinh hoàng mô tả. Tôi cố gắng an ủi anh và đưa anh vào nằm một phòng trên gác nhà tôi, định đến hôm sau mới hỏi chuyện kỹ; tôi thật vô cùng xuẩn ngốc! Giữa đêm hôm đó, tôi thức giấc và thấy nhà mình bốc cháy… chỉ nhờ một sự may mắn lạ lùng mà tôi thoát chết. Điều tra sau đó chứng minh là hoả hoạn bắt đầu từ trên tầng gác và xảy ra với cường độ kỳ lạ. Anh bạn hóa học trẻ biến thành một đống cháy đen.

Nghe Ingles say sưa kể, tôi hiểu là ông đang để cho lòng đam mê bay bổng; ông cũng chợt nhận ra điều ấy và cười xòa như để cáo lỗi.

– Dĩ nhiên – ông nói – tôi chẳng có bằng chứng gì. Và, như tất cả những người khác đã nghe tôi, các ông sẽ suy ra rằng tôi nói bậy.

Poirot bình thản đáp:

– Không, không. Có nhiều lý do để chúng tôi tin ông. Chúng tôi hết sức quan tâm đến những kỳ tích của Li Chang-yen, nên không chút nào nghi ngờ sự thành thật của ông.

– Các ông biết hắn là cả một sự kỳ lạ, tôi cứ nghĩ là ở nước Anh này, không ai biết hắn. Nếu không có gì phải giữ kín, tôi muốn hiểu bằng cách nào các ông biết được hắn.

– Rất sẵn lòng, không có gì phải giữ kín. Cách đây ít lâu một người khách lạ đã vào ẩn trong nhà tôi: có vẻ hơi bị một cú choáng lớn. Tuy nhiên hắn đã nói một số điều để chúng tôi phải lưu ý đến Li Chang-yen. Hắn nói về bốn người: “Bọn Bốn người” hay “Bộ Tứ vĩ đại” đứng đầu một tổ chức đến nay chưa ai ngờ tới. Theo hắn, “Số Một” là Li Chang-yen. “Số Hai” là một người Mỹ chưa rõ tên. “Số Ba” là một phụ nữ Pháp cũng chưa rõ. và “Số Bốn” là một người giữ vai trò thực hiện, là tên đao phủ bậc nhất, biệt danh “Kẻ Tiêu Diệt’. Chỉ nói được thế thì hắn ta chết. Đó là tất cả những gì tôi biết. Còn ông, ông Ingles, ông có nghe nói đến lũ “Bốn người”?

– Dính dáng đến Li Chang-yen thì không. Nhưng cách đây không lâu, tôi có nghe, hay đúng hơn, đã đọc cái này chắc sẽ làm ông quan tâm… Tôi nhớ là vụ việc rất đặc biệt. A! Đây rồi.

Ông đứng lên, đi tới chiếc bàn sơn mài đẹp, rút ra một lá thư.

– Đây là thư của một thuỷ thủ già tôi gặp một lần ở Thượng Hải. Tóc bạc trắng, người tàn tạ. Ông ta nghiện rượu và tôi không tin gì vào những lời lảm nhảm của lão.

Ingles đọc to nội dung bức thư.

“Kính thưa ông,

Có thể ông không nhớ tôi, nhưng tôi thì không quên sự giúp đỡ to lớn mà ông đã dành cho tôi, cách đây đã lâu, ở Thượng Hải. Tôi cầu xin ông giúp tôi việc nữa. Tôi đang cần tiền để đi khỏi đây. Hiện lúc này, tôi đang được che giấu tốt, ít nhất theo như tôi nghĩ. Song người ta có thể tìm ra chỗ ẩn náu của tôi lúc nào đó. Lũ Bốn người rình rập. Chúng truy đuổi tôi. Tính mạng tôi tuỳ thuộc vào đó. Tôi có của nả, nhưng không dám sử dụng, e lộ tông tích. Tôi van ông hãy gửi cho tôi hai trăm livrơ. Xin thề sẽ trả lại ông sớm. Trân trọng.

JONATHAN WHALIEY”

– Mẩu thư này được gửi từ địa chỉ “Granite Bungalow”. Ở Hoppaton (Dartmoor). Thú thật tôi đã coi nó như một thủ đoạn thô kệch để lấy của tôi hai trăm livrơ, đối với tôi món tiền không phải nhỏ. Nếu thư này có ích gì cho ông, xin cầm lấy!

Vừa nói Ingles vừa đưa chúng tôi.

– Cảm ơn ông – Poirot tuyên bố – tôi sẽ đi ngay đến Hoppaton.

Ingles giật nẩy mình.

– Sao, ông coi chuyện ấy là nghiêm túc? Đột nhiên, tôi cũng thấy tò mò. Tôi cùng đi có được không?

– Còn gì bằng, nhưng ta phải đi ngay, để kịp tới trước khi trời tối.

Trong nháy mắt John Ingles đã sẵn sàng.

Chúng tôi nhanh chóng ra ga Paddington. Ở đó có tàu đưa chúng tôi đến Moretonhamstead. Tiếp tục đi xe hơi mười bốn cây số đến Hoppaton, một làng nhỏ nằm nép dưới đáy thung lũng, gần một khu trảng lớn.

Chúng tôi tới nơi lúc tám giờ chiều, có nghĩa trời còn hơi sáng, vì là tháng bảy.

Chúng tôi hỏi thăm đường. Một anh nông dân gặp ở Phố Lớn có vẻ ngạc nhiên:

– “Granite Bungalow”? Có đúng các ông định tới “Granite Bungalow”? Ở đằng kia!

Và anh chỉ một ngôi nhà màu xám ở đầu phố.

– Các ông đến gặp ông thanh tra ư?

– Thanh tra nào? – Poirot hỏi lại ngay. Anh bảo sao?

– Thế các ông không biết vụ án mạng xảy ra à? Kinh khủng! Nghe thiên hạ nói, máu chảy lênh láng.

– Trời! – Poirot lẩm bẩm – Cần gặp ngay tay thanh tra ấy.

Năm phút sau, chúng tôi đối diện với thanh tra Meadows. Mới đầu vị đại diện cảnh sát này tỏ ra không hồ hởi lắm, nhưng khi chúng tôi nhắc tên thanh tra Japp ở Scotland Yard, thì như có phép thần kỳ, ông ta dịu hẳn nét mặt.

– Vâng, thưa ông, án mạng xẩy ra sáng nay. Kinh tởm! Họ điện tới Moreton, và tôi được cử đến ngay. Hoàn toàn bí hiểm! Nạn nhân là một người bảy mươi tuổi, nằm vật trên sàn phòng khách. Một vết thương trên đầu, cổ họng bị cắt từ tai này sang tai kia. Căn phòng ngập máu. Quá trình điều tra, ta biết một số điều: hình như ông lão nát rượu! Betsy Andrew, bà người ở, cho biết chủ bà ta có một bộ sưu tập tượng nhỏ Trung Hoa bằng ngọc thạch, giá trị lớn; bộ sưu tập ấy biến mất. Vậy có phải vụ án có động cơ ăn cắp? Nhưng, qua nghiên cứu thuyết này không đứng vững.

Ông lão có hai người phục vụ: Betsy Andrews, người địa phương, và Robert Grant từ nơi khác tới, típ người hơi lạ, cục, bí bí mật mật. Betsy thì chuyện trò ở bên ngoài với một bà hàng xóm. Cô ta vắng nhà từ lúc mười giờ đến mười giờ rưỡi; chính khoảng thời gian ấy vụ án xảy ra. Grant trở về đầu tiên, hắn đi vào bằng lối cửa bên để mở (ở đây không ai khoá cửa, nhất là ban ngày); hắn đặt sữa vào phòng ngoài rồi trở về buồng mình hút thuốc đọc báo. Hắn không hề biết chuyện gì xảy ra, ấy là miệng hắn nói thế. Đến lượt Betsy về, bà ta đi vào phòng khách. Nhìn thấy chủ bị sát hại, bà hét lên một tiếng sởn óc! Đến đây, mọi việc đều rõ. Lúc hai người phục vụ vắng nhà, có người đã tới giết ông lão. Xin chú ý là người này khá táo tợn, vì hắn hoặc phải đi qua phố, hoặc trèo qua khu vườn giáp ranh: ông thấy đấy, chung quanh “Granite Bungalow” đều san sát nhà cửa. Tại sao không ai trông thấy hắn?

Viên thanh tra ngừng nói, vẻ mãn nguyện.

– A! A! Tôi hiểu rồi – Poirot nói. Rồi sao nữa?

– Tôi thấy mọi việc có vẻ quá phức tạp, nên đã chịu khó quan sát chung quanh. Trước tiên, giá trị các tượng ngọc thạch liệu có làm lóa mắt một tên lưu manh tầm thường? Hắn có điên không khi giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Lão già có thể kêu cứu ầm ĩ lắm chứ?

– Thưa ông thanh tra – Ingles nói – Tôi cho rằng vết thương ở đầu xảy ra trước khi chết?

– Đúng thế! Đầu trên, hung thủ đập một nhát vào sọ nạn nhân cho chết, rồi cắt cổ; nhưng không biết làm thế nào ở một xóm làng nhỏ bé như thế này, người lạ rất dễ bị nhận ra, vậy mà không ai trông thấy hắn. Tôi đã xem xét mọi nơi. Đêm rồi trời mưa, nên trong bếp dễ nhận thấy những vết chân đi vào và đi ra; trong phòng khách, tôi nhìn ra hai loại dấu chân: của Betsy Andrews, bà ta dừng chân trước cửa phòng; của ông Whalley đi dép dạ, và của một người khác dẫm cả lên máu. Do đó rất dễ theo dõi vết chân này cho tới bếp, nhưng đến đây là hết. Đó là điều đầu tiên ta xác định. Ở cửa phòng của Grant, tôi tìm thấy một vệt máu mờ mờ: điều thứ hai. Cuối cùng, điều thứ ba là đôi giầy của Grant, anh ta đã tháo chúng ra: dấu giày khớp như in với các vết chân? Vậy vấn đề đã giải quyết. Tôi đã cho bắt Grant. Và ông có biết khi lục lọi phòng hắn, tôi tìm thấy gì không? Những tượng nhỏ ngọc thạch! Robert Grant chính là Alraham Biggs, đã có tiền án về trộm cắp và tội ác cách đây năm năm!

Viên thanh tra nói vẻ đắc thắng:

– Các ông nghĩ sao về chuyện này?

– Tôi nghĩ – Poirot đáp – chúng ta đứng trước một vụ việc hết sức đơn giản, đơn giản lạ kỳ. Cái anh chàng Biggs hay Grant hoàn toàn không có vẻ gì tinh ranh lắm. Ông có thấy thế không?

– Ồ! Đúng, tôi đồng ý, một con người chậm chạp, rất bình thường. Hầu như hắn không có chút khái niệm gì về tầm quan trọng của một vết chân để lại.

– Vâng, vâng, hắn không có cái sáng suốt của một thám tử… Ông thanh tra, xin phép được khen ngợi ngài? Ông cho phép chúng tôi đến thăm hiện trường vụ án chứ?

– Tôi xin đích thân dẫn các ông, và mong các ông nhìn kỹ những vết chân đó.

– Hay lắm, tôi rất quan tâm.

Chúng tôi đi ngay, ông Ingles và viên thanh tra đi trước. Tôi giữ Poirot lại để nói thầm:

– Poirot, tôi cam đoan là với anh, vụ án này phức tạp hơn nhiều, không như ông thanh tra tưởng.

– Tất cả vấn đề là ở đó, anh bạn ạ. Trong thư, Whalley nói rõ là bọn Bốn người đang truy lùng; mà Bốn người không phải là những bóng ma, những ngáo ộp tưởng tượng – điều đó tôi và anh đều biết. Tất nhiên có vẻ như Grant là thủ phạm. Vấn đề là hắn giết nhằm mục đích gì. Có phải để lấy cắp các tượng ngọc thạch? Hay hắn là tay sai của cái lũ quái đản kia? Thú thật tôi ngã về giả thuyết thứ hai. Ít có khả năng một con người loại này hiểu chính xác giá trị của ngọc thạch và phạm tội ác đến thế chỉ để lấy cắp. Chi tiết này lẽ ra phải được viên thanh tra lưu ý. Hơn nữa Grant có thể lấy cắp tượng mà không cần phải phạm tội ác man rợ như vậy. Điểm ấy nữa, ông bạn thanh tra của chúng ta có lẽ chưa vận dụng hết chất xám của mình. Ông ta đã đo đạc các vết chân, nhưng quên chưa sắp xếp lại trật tự trong lập luận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.