Bộ Tứ
Chương X
Viên thanh tra Scotland Yard đón chúng tôi rất nồng nhiệt.
– Ông Poirot! Có điều thú vị đây. Tôi nghĩ ông sẽ thích thú tham gia vụ này. Lần này trước mặt chúng ta là một sự bí ẩn hoàn toàn.
Đúng là anh chàng Japp đang lúng túng không biết xoay sở ra sao, nên rất chờ mong lời chỉ dẫn quý báu của nhà thám tử đại tài.
Croftlands là một toà nhà trắng, hình vuông, không có gì đặc biệt, tường phủ kín dây leo và hoa nhài vàng.
– Hoa nhài dường như là nỗi ám ảnh của ông già xấu số – Japp nhận xét – Trong cơn hấp hối mê sảng, ông ta tưởng mình ở trong vườn.
– Ông nghĩ thế nào, ông Japp? Tai nạn hay ám sát – Poirot hỏi.
Câu hỏi dường như làm viên cảnh sát khó trả lời.
– Nếu không có cái chuyện càri, thì kết luận là tai nạn; tuy nhiên khó có thể hình dung đầu của nạn nhân, lúc đó còn sống, lại được giữ trong đống lửa; nạn nhân phải kêu cứu, và cả nhà sẽ biết.
– Ông nói đúng, tôi chưa nghĩ đến điều đó, lần này ông thắng tôi rồi.
Japp đỏ mặt và nói mấy lời khiêm tốn; ông ngạc nhiên thấy mình được khen, vì thường ngày, Hercule Poirot chỉ tự khen mình.
Phòng làm việc của ông Paytner, nơi xảy ra tai hoạ, là một căn phòng lớn, trần thấp, với những tủ sách dọc các tường và những ghế bành lớn bọc da.
Poirot đưa mắt nhìn ngay vào cửa sổ thông ra sân thượng.
– Cửa sổ có được đóng bằng then móc không?
– Tất cả vấn đề là ở đó. Khi ông bác sĩ đi ra, ông chỉ khép cửa, vậy mà sáng hôm sau nó lại khoá từ bên trong. Ai khóa? Chính ông Paytner ư? Ah Ling cam đoan là cửa sổ đóng bằng then móc; bác sĩ Quentin lại nói nó chỉ đóng hờ, nhưng ông ta không dám khẳng định. Nếu ông Paytner bị giết, hung thủ phải vào hoặc lối cửa, hoặc cửa sổ. Trường hợp thứ nhất, mọi sự điều tra phải hướng vào những người nhà. Còn trường hợp thứ hai, thì kẻ giết người có thể là bất cứ ai. Khi cửa bị phá rồi, việc đầu tiên của cô hầu phòng là đến mở toang cửa sổ, cô ta nhớ là nó không cài then. Phải nói rằng cô hầu phòng này là một nhân chứng rất tồi, muốn bảo ả ta nhớ ra cái gì ả cũng nhớ hết!
– Còn chìa khoá?
– Nó nằm dưới đất lẫn trong vụn gỗ: có thể nó rơi khỏi ổ khi người ta phá cửa, mà cũng có thể được một người nào đó vứt xuống lúc đi vào. Hoặc đặt dưới khe cửa từ bên ngoài.
– Tóm lại, mọi thứ đều có thể?
– Đúng vậy, ông Poirot.
– Tất cả đều hết sức mơ hồ, có lúc hé sáng, có lúc lại chìm vào tối đen. Tôi chưa tìm ra được đường hướng gì, động cơ gì.
– À! Về động cơ, thì tôi thấy chàng thanh niên Gérald Paytner có nhiều – Japp đột nhiên nói – Trước khi đến với chú, anh ta đã có một cuộc sống hoang toàng, đầy thăng trầm. Nghệ sĩ mà, không phải lúc nào cũng đi đôi với đạo đức!
Poirot mỉm cười đáp :
– Ông Japp thân mến, có phải ông định đánh lạc hướng tôi? Tôi thừa biết là ông đang tập trung nghi ngờ vào tên hầu người Tàu. Ông cáo lắm: vừa nhờ tôi giúp đỡ vừa cố che giấu quan điểm của mình.
– Không lẫn đi đâu được, ông Poirot! Vẫn tinh quái như bao giờ. Quả là tôi cược vào tên người Tàu. Chỉ Ah Leng mới bỏ được thuốc phiện vào càri và khi đã một lần định hại chủ, thì hắn có thể thử lần thứ hai.
– Tôi cũng tự hỏi thế! – Poirot nói nhỏ.
– Nhưng động cơ thì tôi chưa nắm được… Phải chăng để trả thù? Đó là điều tôi phân vân – Japp nói.
– Có mất cắp gì không? Không? Đồ trang sức? Tiền bạc? Giấy tờ, đều không?
– Không… nghĩa là…
Tôi giỏng tai, cả Poirot cũng vậy. Japp giải thích:
– Tôi muốn nói không có mất cắp, nhưng ông Paytner có viết một cuốn sách, điều này biết là do sáng nay có thư của nhà xuất bản gửi tới, hỏi xem bản thảo đã tới đâu. Theo nhà xuất bản, cuốn sách vừa được viết xong. Tôi và Gérald Paytner đã tìm khắp nơi, nhưng không thấy; chắc nó được giấu ở nơi an toàn.
Mắt Poirot ánh lên một tia sáng mà tôi biết rõ.
– Tên cuốn sách là gì? – anh hỏi.
– Bàn tay bí ẩn ở Trung Hoa , tôi nhớ hình như thế.
– A! A! – Poirot hồi hộp – Gọi ngay Ah Ling lên!
Nét mặt anh chàng châu Á này không mảy may lộ vẻ xúc động. Hắn đứng trước Poirot, mắt nhìn xuống.
– Ah Ling, anh có đau buồn vì cái chết của ông chủ?
– Ồ! Nhiều lắm, ông chủ tốt!
– Anh có biết ai giết?
– Không biết. Nếu biết, đã nói với thanh tra.
Ah Ling kể hắn đã dọn món càri thế nào. Theo hắn, bếp trưởng không đụng đến, chỉ có hắn làm. Tôi tự hỏi hắn có hiểu lời thú nhận ấy là nguy hiểm nhường nào… Hắn nói cửa sổ nhất định đóng, chắc ông chủ mới mở về sau.
– Anh có thể lui – Poirot bảo Ah Ling.
Nhưng lúc hắn sắp ra khỏi phòng, Poirot gọi giật lại, hỏi:
– Anh chắc chắn là không biết gì về Hoa nhài vàng?
– Không! Không biết.
– Anh cũng không biết những gạch dưới mấy chữ này là có nghĩa gì?
Vừa hỏi, Poirot vừa cúi xuống chiếc bàn nhỏ, lấy ngón tay vẽ lên lớp bụi phủ một số 4 thật to.
Mặt tên Trung Quốc co rúm lại, nhưng ngay sau đó trở lại lì lợm. Hắn lí nhí:
– Không biết.
Rồi đi ra.
Thừa lúc vắng mặt Japp đang đi tìm chàng trai Paytner, Poirot thốt lên:
– Bọn Bốn Người! Hastings ơi, lại vẫn bọn Bốn Người! Paytner đi nhiều, nhiều năm sống ở Trung Hoa, rất có cơ sở để nghĩ rằng cuốn sách ông ta viết chứa đựng những phát hiện về hành tung của Li Chang-yen, tức “Số Một”, người cầm đầu cả bọn.
– Nhưng… nhưng… nhưng…
– Suýt! Họ đến.
Gérald Paytner là một thanh niên dễ mến, nhưng lập dị. Anh ta để râu màu nâu, đeo cà vạt Lavallierè. Anh nhã nhặn trả lời những câu hỏi của Poirot.
– Tối đó, tôi ăn ngoài thị trấn với gia đình Wycherly, hàng xóm. Tôi trở về giờ nào ư? Ồ! Khoảng mười một giờ. Tôi có chìa khóa riêng, không phiền ai. Các gia nhân đều ngủ, và tôi nghĩ chú tôi cũng thế. Ở cuối sảnh tôi thoảng trông cái tên Tàu chết tiệt đi lẹ như một cái bóng, song tiếc thay tôi không dám khẳng định.
– Trước khi đến ở với ông chú, anh không giáp mặt ông từ bao giờ?
– Tử lúc tôi lên mười. Cha tôi và ông không hoà hợp với nhau nên từ đó không gặp mặt nhau.
– Ông ấy tìm ra anh có dễ không?
– Dễ, tình cờ may mắn, tôi đọc thấy thông báo của người công chứng.
Poirot không hỏi thêm gì nữa.
Cuộc tiếp xúc tiếp theo là với bác sĩ Quentin. Nhưng ông ta không nói gì hơn những điều đã khai.
Ông tiếp chúng tôi ngay trong phòng mạch của ông. Vẻ người thông minh, nhưng hơi điệu bộ, ông ta nói thẳng:
– Tôi rất muốn nhớ chính xác xem cửa sổ mở hay đóng, khốn thay, thật nguy hiểm khi muốn nhớ lại một điều mình chỉ thấy thoáng qua. Dễ khẳng định hoặc bác bỏ một sự việc thực ra không có. Đó là một hiện tượng tâm lý, phải không ông Poirot? Ông thấy đấy, tôi đã đọc tất cả những gì viết về ông. Tôi là một trong những người rất hâm mộ ông. Theo tôi, chính tên người Tàu đã bỏ thuốc phiện vào càri, nhưng hắn không bao giờ thú nhận đâu, kể cả lý do của hành động ấy… Còn giữ chặt một người ấn vào lửa, thì hắn không có tính cách ấy. Ý kiến tôi là vậy.
Lúc cùng đi dọc phố chính của Market Handrord với Poirot, tôi hỏi:
– Anh có cho là họ đồng phạm với nhau? Ta có thể nhờ Japp theo dõi ông bác sĩ? Tay chân của lũ Bốn Người là rất năng động.
– Japp đã được giao theo dõi bác sĩ ngay từ đầu. Nhưng không tiến triển gì.
– Dù sao, chúng ta biết rằng Gérald Paytner vô tội.
– Hastings, anh biết nhiều hơn tôi quá đấy! Xin hoan nghênh!
– Anh cáo lắm – tôi cười – chuyên ngậm miệng ăn tiền. Tuy nhiên, tôi tin là anh đã nhìn ra ánh sáng!
– Đúng, vụ việc với tôi lúc nay khá rõ, trừ điều liên quan đến “hoa nhài vàng”. Có thể những từ đó không dính dáng gì đến án mạng. Trong một vụ loại này, điều cần biết trước tiên là ai trong số các nhân chứng nói dối hoặc giấu chúng ta điều gì. Việc đó nay đã rõ. Tuy nhiên…
Bạn tôi bỗng ngừng bặt, rẽ vào một hiệu sách bên đường, rồi lát sau đi ra với một bọc sách trên tay. Japp, đã từ biệt chúng tôi để đảo qua văn phòng, lúc nay lại tới để đưa chúng tôi về nhà trọ.
Sáng hôm sau tôi dậy hơi muộn và lúc xuống nhà đã thấy Poirot ở trong phòng khách dành riêng: anh đi đi lại lại, vẻ mặt cau có.
– Đừng nói gì! – Anh bảo – Để tôi xem xem mọi việc đã ổn chưa, hắn đã bị bắt giữ chưa, quả thực tôi đã thiếu một chút tâm lý. Một người viết gì trước khi chết thì hẳn điều đó là rất quan trọng. Mọi người đọc: “Hoa nhài vàng”. Chả có nghĩa gì. Có khối ở ngoài vườn, thế thôi. Nhưng mà không! Tôi đã tìm ra. Nghe đây!
Và Poirot giở cuốn sách nhỏ trên tay, đọc to:
– Gelsemium Sempervirens: Nhài Virginie, hoặc Nhài vàng. Thành phần: Gelsiminine alcoloide C11H11Az1O1, độc dược mạnh tác động như cicutine. Gelsemine: C11H11Az1O1, tác động như strychnine. Acide Gelseminine, v.v.. Gelsemium là chất làm suy hệ thần kinh. Đến giai đoạn cuối, nó làm tê liệt hai đầu các dây thần kinh chỉ đạo cử động; dùng nhiều, nó gây ra chóng mặt, tiếp theo là mất mọi khả năng cơ bắp. Hậu quả là cái chết do tê liệt hệ hô hấp. Giờ anh đã hiểu chưa? Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy Japp có lý, không thể giữ mãi một người ấn đầu vào lửa: từ đó suy ra cái xác bị đốt cháy đã chết từ trước.
– Nhưng tại sao? Nhằm mục đích gì?
– Giả thử, anh cầm dao đâm một người đã chết; người ta sẽ phát hiện ra ngay là vết thương do dao gây ra sau khi người đã chết! Nhưng nếu đầu bị cháy thui, không ai nghĩ đến chuyện tìm ra nguyên nhân thực sự của cái chết. Hơn nữa, không ai tin một người có vẻ như vừa thoát khỏi một âm mưu đầu độc lại có thể tiếp tục bị đầu độc ngay sau đó. Vậy ai đã nói dối ta? Vẫn là câu hỏi ấy. Tôi thì tôi tin Ah Ling.
– Sao? – Tôi thốt lên.
– Anh lạ lắm sao? Ah Ling biết có bọn Bốn Người, nhưng không biết là vụ án này do chúng gây ra. Hắn chỉ đoán ra khi tôi nói xa nói gần đến bọn chúng. Nếu được tôi luyện từ trước, hắn đã không tái mặt và giật mình khi tôi viết con số 4. Vì vậy tôi quyết định tin những gì Ah Ling nói và chuyển mọi nghi ngờ sang Gérald Paytner. Tôi nghĩ bọn Bốn Người dễ dàng bịa ra một người cháu từ lâu không gặp.
– Đó là “Số Bốn” chăng? – Tôi hỏi, lòng hồi hộp vô tả.
– Không, không phải “Số Bốn”. Khi biết định nghĩa khoa học của Hoa nhài vàng, tôi hiểu ngay sự thật. Rõ như ban ngày.
– Nhưng không rõ với tôi – Tôi ngọt nhạt.
– Vì anh không chịu bắt chất xám làm việc. Theo anh, ai đã có thể đụng vào món càri?
– Ah Ling, và chỉ một mình hắn.
– Không còn ai nữa? Còn ông bác sĩ?
– Ông ấy chỉ đụng đến sau khi…!
– Đồng ý! Không hề có thuốc phiện trong món càri đem lên cho ông Paytner! Chỉ do ảnh hưởng của người bác sĩ điều trị trước đó, ông già sinh ra nghi ngờ nên không ăn. Ông ta cho gọi bác sĩ đến, đưa món càri đòi ông đem đi xét nghiệm. Lấy cớ an thần, bác sĩ Quentin tiêm một mũi không phải strychnine, mà là Hoa nhài vàng. Mũi tiêm chết người. Khi tác dụng của thuốc bắt đầu, Quentin ra, sau khi đã mở cửa sổ để đến đêm sẽ quay trở lại lấy bản thảo; lần thứ hai này hắn mới đẩy xác ông Paytner vào lửa. Nhưng hắn ta không chú ý tới tờ báo vương dưới đất. Hắn ta không ngờ là phút chót, nạn nhân trong một cơn minh mẫn loé sáng, đã nhận ra chất độc bị tiêm vào đoán ra bàn tay của Bộ Tứ. Trong một nỗ lực cuối cùng, kẻ hấp hối cố nguệch ngoạc vài chữ lên lề tờ báo, để tố cáo lũ sát nhân. Còn Quentin, hắn bỏ thêm thuốc phiện vào càri trước khi đưa xét nghiệm, là việc dễ ợt. Còn câu chuyện hắn nói đã trao đổi với ông Paytner, rõ ràng chỉ là tưởng tượng. Quentin nói đã tiêm strychnine cốt để vết tiêm để lại trên da khỏi bị để ý. Tìm thầy thuốc phiện trong càri. Ah Ling sẽ bị nghi ngờ…
– Dù sao bác sĩ Quentin không phải là “Số Bốn”.
– Tại sao không? Có thể có một bác sĩ Quentin thật mà “Số Bốn” chỉ mượn danh! Bác sĩ Bolitho bố trí người thay thế đều qua thư từ, vì các người mà ông ta chọn thay thế mình lại bị ốm vào phút chót.
Poirot giải thích đến đó, thì Japp ập vào, mặt nhớn nhác.
– Ông tóm được hắn chưa? – Poirot xúc động không kém.
Japp lắc đầu, không nói nên lời. Mãi rồi mới thốt ra:
– Bác sĩ Bolitho vừa ở nơi nghỉ về sáng nay, nói là có điện gọi ông về mà không biết ai đánh điện. Còn bác sĩ Quentin thay thế, hắn đã tếch chiều qua. Hãy tin là chúng tôi sẽ tóm được hắn!
– Tôi không tin – Poirot nói, đầu lắc nhè nhẹ.
Và anh lấy mũi dao vạch một con số 4 lớn lên bàn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.