Robinson Crusoe
Chương 10
Bốn năm đã qua. áo quần của tôi đã nối nhau rách như xơ mướp. Mặc dầu khí hậu miền này rất nóng, tôi vẫn phải dùng quần áo như thường. Hết áo quần bằng vải, tôi may bằng da thú. Tôi dùng những tấm da mềm nhất để may một cái mũ, mặt có lông trở ra ngoài. Dùng thử mũ thấy tốt, tôi bèn may một bộ quần áo bằng da lông thú. Bộ áo quần này dùng để che mưa nắng hơn là chống rét nên tôi may khá rộng rãi, mặt có lông trở ra ngoài để nước mưa trôi nhanh, khỏi thấm vào trong. Tôi đã phải mất nhiều công phu và thì giờ mới làm được một cái dù giống như thứ người ta vẫn dùng ở Bra-din, để chống cái nóng gay gắt. Làm đi hỏng lại nhiều phen trong một thời gian khá lâu tôi mới có được một đồ dùng tàm tạm để che mưa, che nắng. Thế nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn với kết quả đó và cả hai ba cái làm về sau cũng thế. Tôi có thể giương dù lên nhưng chưa cụp nó xuống được, nên cứ phải mang nó chềnh ềnh trên đầu, phiền phức quá! Cuối cùng, tôi cũng làm được một chiếc khung dù tạm dùng được rồi căng da lên, mặt có lông trở lên trên. Trời mưa, tôi đứng dưới dù cũng như đứng dưới mái hiên; trời nắng như thiêu như đốt, tôi vẫn đường hoàng đi dạo dưới bóng dù như những ngày râm mát. Lúc nào không cần thiết tôi cụp nó lại và cắp gọn gàng dưới nách. Ngoài những việc trên kia đã nói, suốt một thời gian năm năm không xảy đến chuyện gì đáng kể. Ngoài việc đi săn, gặt lúa phơi và cất nho khô, công việc chính của tôi là làm một cái xuồng nhỏ. Tôi đã làm xong chiếc xuồng và đào một con mương sâu sáu bộ, rộng bốn bộ, đưa xuồng ra biển. Còn chiếc xuồng thứ nhất, đồ sộ quá mức vì thiếu tính toán trước như các bạn đã biết, thì chẳng bao giờ tôi có thể hạ thủy nó được nữa! Tôi đã đi bộ suốt từ đầu này đến đầu kia đảo; những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc du lịch đó đã khiến tôi càng nôn nóng muốn biết rõ tất cả những phần bờ bể khác quanh hòn đảo.
Thế là tôi lại loay hoay vào việc đi thăm bờ biển. Để tiến hành cuộc đi cho cẩn thận và chắc chắn, tôi chuẩn bị hết sức chu đáo cho chiếc xuồng nhỏ. Tôi dựng một cột buồm rồi căng buồm đi thử, và thấy buồm rất ăn gió. Tôi lại làm những khoang, những thùng ở hai đầu để cất giấu thức ăn và thuốc đạn, phòng khi nước mưa, hoặc nước biển có tràn vào trong xuồng cũng không bị ướt. Tôi lại ngăn một khoang riêng để cất khí giới và che đậy cẩn thận. Cuối cùng tôi cắm cái dù vào sau lái thuyền để che mưa nắng. Hôm ấy là ngày mồng 6 tháng 11 thuộc về năm thứ sáu của “triều đại tôi” hoặc của sự cầm tù của tôi (các bạn muốn gọi là gì cũng được, tùy thích), tôi xuống xuồng bắt đầu đi thăm đảo. Cuộc du lịch này đã kéo dài trong một thời gian quá lâu, ngoài dự tính. Cứ nhìn bao quát thì hòn đảo không rộng lắm, nhưng ở về phía đông có một doi núi đá chạy nhô ra biển dài đến hai dặm đường, lủng củng những đá nhô lên trên mặt nước hoặc mọc ngầm dưới nước. Một dải cát khô tiếp theo doi đá chạy dài thêm ra ngoài biển chừng nửa dặm nữa, thành ra muốn vòng qua mỏm đất đó, tôi phải đi khá xa ra ngoài khơi. Trước trở ngại đó, tôi đã toan bỏ dở cuộc đi, phần vì chưa quen đường, phần ngại không biết sẽ trở về bằng cách nào. Tôi đã quay xuồng lại và nhả neo. Tôi cũng quên chưa nói để các bạn biết tôi đã làm được cả neo cho chiếc xuồng bằng một đoạn neo lớn lấy ở tàu đem về. Chiếc xuồng đậu yên chỗ rồi, tôi lấy khẩu súng săn và lên bộ rồi trèo lên một ngọn núi nhỏ. ở đó tôi nhìn suốt cái doi đá và cát, ước lượng được chiều dài của nó; thế là tôi quyết định tiếp tục cuộc du lịch. Tôi chú ý thấy ngoài khơi có một luồng nước chảy rất nhanh, xiết về phía đầu mỏm đất; nếu tôi sa vào đó thì dễ bị cuốn đi lắm. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, tôi thấy nếu điều khiển thuyền cho khéo thì cũng có thể tránh cái luồng nước ấy rồi nương theo cái cồn phía trái mà vòng qua bên kia dễ dàng. Tôi nghỉ lại ở đồi hai đêm vì gió đông nam thổi mạnh, ngược với dòng nước. Gió dồn sóng đập ầm ầm vào mỏm đá, thật là bất lợi: tôi không thể đi sát vào bờ mà cũng không dám ra xa ngoài khơi sợ có thể bị luồng nước ngoài đó cuốn đi mất.
Tới ngày thứ ba, gió tạnh, biển lặng, tôi tiếp tục cuộc hành trình. Những người hoa tiêu hùng hổ và ngốc nghếch hãy chú ý tới việc sẽ xảy ra cho tôi sau đây mà rút kinh nghiệm. Tôi chưa ra được đến đầu doi đất đã thấy mình bơi thuyền trên một vùng biển sâu, giữa một dòng nước chảy mạnh như thác đổ. Lúc đó tôi chỉ cách bờ đất chừng bằng chiều dài chiếc xuồng. Luồng nước cuốn chiếc xuồng đi mạnh đến nỗi không lúc nào tôi có thể đưa nó lại gần bờ được. Tôi thấy mình bị cuốn đi xa dần cái cồn cát bên trái. Trời im phăng phắc, tôi chẳng còn trông chờ gì vào gió nữa. Cố gắng chèo chống bao nhiêu cũng thành vô ích. Tôi tự coi mình là người chết rồi, vì hòn đảo này có hai luồng nước chạy quanh, chỉ chừng vài dặm nữa là chúng gặp nhau và cuốn tôi ra biển cả. Đến nước này thì thật không còn bấu víu vào đâu được nữa. Tôi không còn há vọng sống, chẳng phải là sợ chết đuối nhưng vì thấy mình không thể nào thoát được nạn đói một khi lương ăn đã cạn. Luồng nước này sẽ cuốn tôi ra tận biển cả. Trong khi trôi lênh đênh hàng ngàn dặm, tôi sẽ không còn há vọng được gặp một bờ đất, một hòn đảo hay một dải đất liền; trên thuyền vẻn vẹn chỉ có một vò nước ngọt, một ít bánh khô và một con rùa lớn đã làm thịt sẵn. Không ai có thể hiểu thấu được hết nỗi đau lòng của tôi lúc thấy mình bị cuốn ra biển cả, xa hòn đảo thân yêu. Tôi đã bị cuốn đi xa tới hai dặm đường và chẳng còn há vọng gì trở lại nữa. Tuy vậy tôi vẫn cố gắng phấn đấu không ngã lòng. Tôi hết sức hướng cho chiếc xuồng chuyển về phía bắc, tức là về phía luồng nước mà tôi đã chú ý thấy có một bãi cồn chắn ngang. Chừng buổi trưa, hình như có một luồng gió nhẹ lướt qua mặt man mát và thổi từ hướng nam đông nam; tôi bắt đầu có há vọng. Chừng nửa giờ sau, gió thổi mạnh dần và trở thành rất thuận cho tôi. Lúc đó tôi đã cách xa hòn đảo lắm rồi, chỉ còn thấy lờ mờ nữa thôi. Nếu trời âm u thì thật rồi đời, vì tôi quên mang cả địa bàn đi biển nên chỉ có thể theo mắt nhìn vào hòn đảo mà định hướng trở về. Nhưng cũng may trời vẫn quang đăng; tôi giương buồm lên và nhằm hướng nam mà đi, cố gắng thoát khỏi luồng nước độc địa. Tôi vừa giương buồm lên, nhìn xuống thì đã thấy nước trong, báo hiệu có một sự thay đổi ở luồng nước; khi chảy mạnh thì nước có vẻ đục và khi sức chảy càng yếu đi thì nước càng trong dần. Đi về phía đông, được chừng nửa dặm biển, tôi gặp một ghềnh đá rải rác chạy dài ra biển. Ghềnh đá ấy chắn luồng nước rẽ thành hai dòng: dòng lớn chảy theo phía nam, như vậy là ghềnh đá nằm về phía đông bắc của nó; còn dòng kia bị đá chắn lại, đâm mạnh về phía tây bắc. Bây giờ tôi đứng giữa hai luồng nước, một luồng ở về phía nam tức là luồng nước đã cuốn tôi ra xa; một luồng ở về phía bắc, cách xa chừng một dặm đường thì dồn về hướng khác. Mặt biển thật phẳng lặng, không một gợn sóng, nhưng nhờ cơn gió nồm thổi thẳng tới đảo, tôi cứ tiến dần vào mặc dầu rất chậm, chậm hơn lúc tôi bị luồng nước cuốn ra ngoài khơi nhiều. Vào khoảng bốn giờ chiều tôi còn cách xa hòn đảo chừng một dặm đường nữa thì nhận ra chính cái mỏm đá là nguyên nhân tất cả những chuyện rắc rối đó. Nó chạy dài về phía nam và gây ra một luồng nước cực mạnh, đồng thời cũng trở thành một ghềnh đá hướng lên phía bắc. Dòng nước chỗ này phẳng lặng, không đẩy tôi về phía bờ được, nhưng tôi đã lợi dụng sức gió và điều khiển buồm thật đúng hướng, len lỏi qua ghềnh đá theo một con đường ngắn nhất. Khoảng một giờ đồng hồ sau, tôi chỉ còn cách bờ độ một dặm biển. Mặt biển yên tĩnh và chẳng mấy chốc tôi đã vào tới bờ. Vừa nhảy lên bãi cát, tôi quì xuống như muốn tha thiết ôm chầm lấy hòn đảo thân yêu. Tôi quyết định từ nay sẽ không làm những chuyện dại dột nguy hiểm như thế này nữa. Tôi neo tạm chiếc xuồng trong cái vũng nhỏ, dưới một đám cây.
Thể xác và tinh thần đều mệt nhọc quá độ, tôi lăn kềnh ra đánh một giấc không còn biết trời đất là gì nữa.
Ngủ dậy, tôi muốn đi men theo bờ đảo phía tây để tìm một nơi yên ổn mà cất chiếc xuồng, lúc nào cần đến là có ngay. Được độ một dặm đường tôi gặp một cái vũng rất vừa ý; càng vào sâu trong đất liền nó càng hẹp lại cho tới lúc gặp một dòng suối nhỏ chảy thẳng ra vũng. Tôi neo chiếc xuồng ở đó. Bây giờ tôi phải tìm xem mình hiện ở vào chốn nào trên đảo. Thì ra cũng không xa chỗ hôm trước, khi tôi bắt đầu đi xuyên qua đảo. Thấy vậy, tôi để tất cả mọi thứ cần dùng lại trong xuồng, trừ khẩu súng và chiếc dù (vì trời rất nắng) rồi tôi lên đường. Mặc dầu hãy còn rất mệt, tôi vẫn đi một cách vui thích; buổi chiều, tôi đã tới cái trại gây dựng hồi trước. Đó là ngôi “biệt thự” của tôi ở nông thôn. Tôi vẫn chăm sóc trồng trọt cây cối cho nên hoa quả sinh sôi nảy nở rất nhiều và rất nhanh. Tôi trèo qua rào mà vào bên trong. Mệt quá, tôi nằm dài dưới bóng cây nghỉ ngơi và ngủ một giấc thật say. Các bạn đương theo dõi câu chuyện của tôi, các bạn tưởng tượng xem tôi đã ngạc nhiên tới mức độ nào khi chợt nghe bên tai có tiếng ai gọi mình dậy, gọi luôn một lúc mấy lần chính tên tôi: “Rô-bin-xơn, Rô-bin-xơn, Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô, anh Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô khốn khổ! Trước kia anh ở đâu?”. Vì đã chèo xuồng suốt cả buổi sáng, đi bộ suốt cả buổi chiều nên mệt quá, tôi không dậy hẳn được. Nửa mê nửa tỉnh, tôi tưởng như nằm mơ thấy ai nói chuyện với mình. Nhưng tiếng nói ở đâu vẫn nhắc đi nhắc lại: “Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô, Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô”, làm cho tôi cuối cùng tỉnh dậy hẳn. Hoảng hốt vô cùng và kinh ngạc tột bực, tôi ngơ ngác nhìn quanh. Thấy con vẹt của tôi đậu trên hàng rào, dần dần tôi trấn tĩnh lại và đoán ra nó đã gọi tôi, bởi vì chính tôi đã dạy nó nói những tiếng đó. Thường ngày, nó vẫn đến đậu trên ngón tay tôi và ghé cái mỏ lại gần mặt tôi, kêu lên: “Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô đáng thương ơi! Anh ở đâu? Trước kia anh ở đâu? Làm sao anh lại đến nơi này?” và nhiều câu tương tự. Mặc dầu biết chắc chắn không còn có thể có ai nói chuyện với mình ngoài con vẹt, tôi vẫn phải cố gắng lắm mới trấn tĩnh hẳn được.
Tôi tự hỏi: “Tại sao nó lại bay đến đây mà không tìm mình ở chỗ khác!”. Nhưng thực ra ở đây chỉ có nó mới có thể nói với tôi được thôi. Cho nên tôi cũng chẳng nghĩ xa nghĩ gần thêm nữa. Tôi gọi rõ tên nó; con chim đáng yêu bay lại đỗ trên ngón tay cái của tôi và, ra vẻ mừng rỡ lại được thấy tôi, nó lại nói: “Anh Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô khốn khổ ơi !Trước kia anh ở đâu?” Tôi vuốt ve nó và sau đó tôi đem nó về nhà. Tôi sống yên ổn trên đảo chịu đựng số phận mình hơn một năm nữa. Suốt thời gian đó tôi không ngồi rỗi, bằng lòng với những thứ mình đã có. Tôi vẫn làm việc không mệt mỏi. Tôi say sưa với công việc. không còn nghĩ ngợi vẩn vơ. Luôn luôn tôi được hưởng cái thú hoàn thành một kết quả lao động mà trước kia mình phải bó tay. Mặt khác, càng ngày tôi càng lành nghề trong nhiều ngành thủ công. Tôi đã trở thành thợ nặn rất khéo; ngoài bát đĩa, chum vại, bình vò thừa dùng để cất đặt mọi thứ lương ăn, tôi còn nặn được một cái tẩu hút thuốc, một công trình tuyệt mỹ đối với tôi, mặc dầu còn thua xa thứ tẩu vẫn bán ở phố. Tôi rất thích thú với cái tẩu hút thuốc: tôi đã có thuốc lá nay lại có cả tẩu để hút. Tôi lại cũng trở thành một tay đan giỏi. Tôi đã tìm được một thứ miên liễu, cành rất dẻo, có thể đan được rất nhiều thứ. Trước hết tôi đan một đôi thúng thật chắc, mỗi lần săn bắn được hoặc kiếm được thức ăn thì bỏ vào thúng quẩy về nhà. Dạo trước nhiều khi vì nặng không xách về được hết, phải bỏ sót lại thật uổng. Tôi lại đan cả bồ đựng thóc và nhiều đồ dùng khác nữa. Thuốc đạn càng ngày càng khan, lương thực cũng vơi dần. Tới năm thứ mười một ở trên đảo, tôi phải chú trọng đặc biệt đến việc nuôi dê. Đánh bẫy được một con dê đực và hai con dê cái, tôi bèn dựng một cái chuồng để nuôi chúng.
Trong khoảng một năm rưỡi, tôi đã có một đàn mười hai con dê vừa nhớn vừa nhỏ. Hai năm sau, số dê lên tới bốn mươi ba con và tôi bắt đầu giết thịt ăn dần. Tôi làm thêm tất cả năm chuồng nữa nhỏ hơn, mỗi chuồng có nhiều ngăn để lúc cần thì bắt dê cho tiện. Nuôi được khá nhiều dê cái, tôi mới nhớ đến chuyện vắt sữa. Mặc dầu nghĩ đến hơi muộn, sữa dê vẫn làm cho tôi thích thú vô cùng. Tôi tiến hành công việc và có ngày vắt được bảy tám chai sữa. Thừa sữa uống, tôi bèn làm thử bơ và pho-mát. Sau vài ba lần hỏng, tôi đã làm nhiều bơ và pho-mát ngon lành, tăng thêm chất và vị cho bữa ăn. Các bạn thử nghĩ, một mình trên một hòn đảo hoang vắng mà bữa sáng có sữa tươi, bữa ăn thường ngày có bánh mỳ, bánh bột gạo tẻ, thịt dê, trứng rùa, bơ và pho-mát; tráng miệng thì có các thứ hoa quả, nhất là nho tươi, nho khô, thiết tưởng cũng thịnh soạn không kém ở những khách sạn bình thường tại các thành phố. Dạo này, mỗi lần đi ra ngoài, tôi diện một bộ quần áo bằng da rất kỳ lạ. Giá có người nào trông thấy tôi, nếu không kinh sợ thì cũng bò ra mà cười! Tôi xin tả vài nét hình thù của ông “chúa đảo” khi đi chu du trong địa hạt của mình: Tôi đội một cái mũ bằng da dê cao lêu đêu trông thật không ra cái hình thù gì. Tôi buộc vào sau mũ nửa tấm da dê nữa chùm kín gáy và cổ để che mưa nắng; mưa nắng ở miền này thì thật khủng khiếp! Tôi lại mặc một cái áo chẽn cũng cắt bằng da dê, tà áo chấm ngang đầu gối. Quần ngắn thì rộng thùng thình, may bằng một tấm da lông một con dê xồm; lông dê dài lê thê, buông thõng xuống đến gần mắt cá, thành ra quần đùi mà cũng không khác gì quần dài. Thắt lưng của tôi cũng làm bằng ra lông; đáng lẽ mang đoản kiếm và mã tấu thì tôi giắt một cái cưa và một cái búa ở hai bên hông. Một sợi dây da vòng qua cổ sang phía tay trái, đeo lủng lẳng hai cái túi hình dáng lạ lùng: một túi đựng thuốc súng, một túi đựng đạn ghém. Sau lưng, tôi cőng một cái gùi, vai mang súng và trên đầu là cái dù xoè ra, bao che tất cả thân mình. Mặt tôi rám nắng, đen sạm lại, tuy chưa đến nỗi như cột nhà cháy; râu tuy thỉnh thoảng có cạo, nhưng vẫn đâm ra như chổi xể. Trên mép, theo ý thích riêng, tôi lại để một cặp ria theo kiểu người Thổ-nhĩ-kỳ vừa dài vừa rậm khác thường, tô đậm thêm nét cổ quái vào diện mạo của tôi. Lần đầu tiên thấy tôi trong lệ bộ ấy, con chó có vẻ kinh ngạc và khiếp sợ. Nó nghi nghi hoặc hoặc, chạy nép vào một góc nhà đứng nhìn ra, có ý dò xem cái con vật quái dị kia là bạn hay là thù. Thấy điệu bộ nó như thế, tôi bật cười, lên tiếng gọi. Nhận đúng tiếng chủ, nó chạy ra ngay, ngửi ngửi vào bộ quần áo da dê, sủa lên mấy tiếng rồi mới yên tâm chạy theo sau. Bây giờ nó cũng đã già rồi nên thường cứ lẽo đẽo theo tôi chứ không chạy tung tăng như trước nữa. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu có nguy biến, nó cũng vẫn hăng hái liều mình bảo vệ tôi. Mỗi lần đi ra như thế mất chừng năm sáu ngày. Tôi men theo bờ biển, đi thẳng tới chỗ chiếc xuồng. Nhiều lần thấy gió lặng sóng yên, mặt biển im lìm êm ả, những luồng nước đổi hướng chạy ra ngoài xa, tôi đã định đưa chiếc xuồng trở về gần nhà. Nhưng tai nạn khủng khiếp hôm trước lại đến ám ảnh tôi. Cuối cùng tôi chọn một cách khác chắc chắn hơn nhưng đòi hỏi nhiều công sức hơn, đó là đóng thêm một chiếc xuồng nữa và sẽ để nó ở bên này. Thế là tôi có hai chiếc xuồng, mỗi cái ở một phía đảo. Một hôm, không xa chỗ để chiếc xuồng cũ bao nhiêu, đúng lúc thủy triều lên cao nhất, tôi bắt gặp trên bãi cát dấu chân người rất rõ ràng! Chưa bao giờ tôi kinh hoảng đến như thế này: tôi đứng sững lại như bị sét đánh, hoặc thấy ma quỉ hiện hình. Tôi nín thở, im lặng lắng nghe; tôi nhìn quanh nhìn quẩn, nhưng tuyệt nhiên không nghe và thấy gì khác cả! Tôi trèo lên đồi cao để nhìn ra xa hơn. Tôi lại trở xuống rồi đi thẳng ra biển; nhưng tôi vẫn chẳng thấy gì khác hơn. Không có vết tích gì của con người, ngoài những dấu chân lúc nãy tôi đã gặp. Tôi quay lại chỗ cũ, tưởng rằng lúc nãy mình hoa mắt, trông gà hóa cuốc cho nên mới kinh hoàng đến thế. Nhưng tôi vẫn thấy rõ ràng những dấu vết ấy, rành rành dấu vết bàn chân, có đủ ngón, có gót hẳn hoi và tất cả những đặc điểm chứng tỏ đó là bàn chân người.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.