1Q84 - Tập 1

Chương 02: Một ý tưởng nho nhỏ khác – P2



Trên mái tóc dựng ngược lên như dây thép của Komatsu, phía trước đã bắt đầu lấm tấm bạc. Tóc rối bù, gần như che kín tai. Lạ một điều là độ dài mái tóc ấy lúc nào cũng giữ ở mức lẽ ra nên đi cắt từ một tuần trước. Sao làm được như vậy? Tengo không biết. Ánh mắt anh ta thi thoảng sáng bừng lên. Song đến khi có chuyện phải nghĩ ngợi, anh ta lại giống như ngọn núi đá ở phía bên kia mặt trăng, im lặng đến bất tận. Nét biểu cảm trên gương mặt gần như hoàn toàn biến mất, cả nhiệt độ cơ thể cơ hồ cũng mất nốt.

Tengo quen Komatsu khoảng chừng năm năm trước. Anh gửi bản thảo đến tham gia cuộc thi Tác giả mới ở tờ tạp chí Komatsu đang làm biên tập viên, và lọt vào vòng trung khảo. Komatsu gọi điện thoại tới, bảo muốn gặp mặt nói chuyện. Hai người gặp nhau tại một quán cà phê ở quận Shinjiuku (chính là quán cà phê này). Komatsu nói với Tengo, lần này các tác phẩm của cậu chắc khó có khả năng giành được giải Tác giả mới (quả nhiên là không được), nhưng mà cá nhân tôi rất thích. “Tôi không muốn lấy lòng cậu, có điều cậu nên biết rằng, tôi rất ít khi nói vậy với ai.” (Lúc đó Tengo không hề biết lời này hoàn toàn là sự thực). Komatsu lại nói: Vì vậy nên, tác phẩm sau của cậu, tôi muốn là người đọc đầu tiên. Tôi sẽ làm như vậy, Tengo nói.

Ngoài ra, Komatsu còn muốn biết Tengo là người thế nào, lớn lên ra sao, giờ đang làm gì. Những gì có thể nói, Tengo đều thành thực trả lời. Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Ichikawa tỉnh Chiba. Sau khi Tengo ra đời không lâu, mẹ anh đã bị bệnh qua đời. Ít nhất đấy là những gì anh có thể nói. Không anh chị em. Về sau cha anh cũng không tục huyền, một mình nuôi anh lớn. Hồi trước, cha anh làm nhân viên thu phí của đài truyền hình NHK, giờ thì bị bệnh Alzheimer, sống trong một viện điều dưỡng ở cực Nam bán đảo Boso. Tengo tốt nghiệp một khoa có cái tên hết sức kỳ quái của đại học Tsukuba, gọi là “Chuyên ngành toán học, ban tự nhiên, nhóm số một”, rồi vừa làm thầy dạy toán tại một trường dự bị ở Yoyogi, vừa viết tiểu thuyết. Lúc mới tốt nghiệp, Tengo đáng lẽ đã có thể trở thành giáo viên ở một trường cấp ba của tỉnh, nhưng anh lại chọn làm thầy giáo trường dự bị do thời gian làm việc tương đối tự do. Hiện giờ anh đang sống độc thân trong một căn hộ nhỏ ở Kôcnji.

Tengo cũng không rõ mình có thực sự khát khao trở thành nhà văn chuyên nghiệp hay không. Bản thân có tài viết tiểu thuyết hay không, anh cũng chẳng rõ. Trong lòng anh chỉ rõ một sự thực anh không thể chịu được nếu không viết tiểu thuyết mỗi ngày. Viết văn đối với anh giống như hít thở. Komatsu không hề phát biểu gì, mà chỉ lặng lẽ ngồi nghe Tengo nói.

Không hiểu vì duyên cớ gì, về mặt cá nhân. Komatsu hình như rất quý Tengo. Thân hình Tengo cao to (từ trung học đến đại học anh đều là cốt cán của câu lạc bộ nhu đạo), đôi mắt như của một nông dân dậy sớm. Tóc cắt ngắn, sắc da lúc nào cũng như cháy nắng, hai tai tròn và nhăn như hoa súp lơ, nhìn chẳng ra nhà văn trẻ cũng không hề giống thầy giáo dạy toán. Có lẽ đó chính là điểm Komatsu ưa thích. Tengo viết xong cuốn tiểu thuyết mới, liền mang đến cho Komatsu xem. Komastsu đọc xong, rồi lại nói cảm tưởng của mình với anh. Tengo sửa theo những góp ý chân thành của Komatsu. Sau đó anh lại mang bản thảo đã sửa tới, và Komatsu đưa ra những chỉ thị mới. Giống như huấn kuyện viên nâng độ khó lên từng tí một. “Trường hợp của cậu có lẽ cần phải từ từ,” Komatsu nói, “Chớ nên nôn nóng. Hạ quyết tâm viết liên tục mỗi ngày. Cố gắng giữ lại hết những thứ đã viết ra, đừng bỏ đi. Sau này có lẽ sẽ dùng được.” Tôi sẽ làm như vậy, Tengo đáp.

Komatsu còn giao một số việc viết lách vụn vặt cho Tengo. Tạp chí phụ nữ của nhà xuất bản nơi Komatsu làm việc cần một số bài viết không ký tên. Từ việc viết lại bản thảo gửi đến, hay giới thiệu sách mới phim mới, thậm chí cả những bìa viết về chiêm tinh bói toán, Tengo đều không chối từ, yêu cầu cái nào là viết xong cái đấy. Những bài về chiêm tinh bói toán mà Tengo tiện tay viết ra không ngờ lại nổi tiếng vì thường ứng nghiệm. Khi anh viết “e rằng buổi sớm có động đất,” sáng sớm hôm ấy quả nhiên có động đất thật. Nghề phụ này vừa mang lại thu nhập thêm, vừa là để luyện tập viết lách. Dù dước hình thức nào, những thứ mình viết ra được in ra đặt trên giá sách cũng là điều khiến người ta thích thú.

Cách đây không lâu, Tengo còn nhận được công việc làm người đọc bản thảo vòng sơ khảo cho giải thưởng Tác giả mới của tờ tạp chí văn nghệ. Anh vẫn đang dự thi giải Tác giả mới này, đồng thời lại là người đọc thẩm định lần đầu những tác phẩm tham gia thi khác. Thật là một chuyện lạ. Nhưng Tengo không hề để tâm hoàn toàn đến hoàn cảnh tế nhị của mình, vẫn đọc thẩm định các tác phẩm ấy một cách công bằng. Đọc một đống những tiểu thuyết vô cùng nhạt nhẽo dở tệ chất lên như núi, anh mới thấm thía thế nào là vô vị nhạt nhẽo, dở tệ dở hại. Mỗi lần đọc cả trăm bản thảo, chọn ra trong đó chừng mười mấy tác phẩm có chút ý nghĩa gì đó, rồi đưa cho Komatsu. Mỗi tác phẩm đều kèm thêm một tờ giấy ghi lại cảm tưởng. Cuối cùng, sẽ có năm tiểu thuyết được lọt vào vòng chung khảo, để từ đó bốn vị giám khảo chọn ra giải thưởng Tác giả mới này.

Ngoài Tengo, cũng có những người làm thêm khác làm việc thẩm định ban đầu này: Không kể Komatsu, còn có mấy biên tập viên khác phụ trách tuyển lựa. Tình trạng là tuy cố gắng để có thể công bằng, nhưng cũng không cần quá mất công. Bởi số lượng có nhiều đến đâu thì tác phẩm có chút gì đó đáng đọc cùng lắm cũng chỉ được vài quyển, ai đọc thì cũng không thể bỏ sót được. Tác phẩm của Tengo từng ba lần lọt vào chung khảo. Đương nhiên anh chẳng đến nỗi phải tự chọn tác phẩm của mình, mà là hai người đọc thẩm định đầu tiên, và cả người phụ trách vòng sơ khảo trong ban biên tập là Komatsu đã cho qua. Những tác phẩm này sau rốt đều không được giải Tác giả mới, nhưng Tengo không hề nản lòng. Komatsu đã in sâu vào tâm thức, hơn nữa anh cũng không muốn trở thành nhà văn ngay lúc này.

Nếu phân bố chương trình hợp lý, một tuần anh sẽ có bốn ngày được ở nhà làm viêc mình thích. Tengo đã dạy ở một trường dự bị liên tiếp bảy năm, rất có tiếng trong đám học sinh. Vì anh giảng bài ngắn gọn, đi vào trọng tâm, không vòng vo, và có thể trả lời tức khắc bất kể câu hỏi nào. Chính bản thân Tengo cũng thấy kinh ngạc, không ngờ mình lại có tài ăn nói đến thế. Cách giải thích rõ ràng, giọng nói giõng dạc, anh vẫn luôn cho rằng mình là kẻ ăn nói vụng về. Mà kỳ thực, cho tới bây giờ, khi mặt đối mặt nói chuyện với người khác, anh vẫn rất căng thẳng, thậm chí còn tắc tị chẳng nói được gì. Khi mấy người cùng ngồi với nhau, anh lúc nào cũng chỉ đóng vai người lắng nghe. Nhưng cứ đứng lên bục giảng, đối mặt với một đám đông không xác định, óc anh liền đột nhiên trở nên sáng suốt, miệng nói không ngừng. Con người đúng là thứ không thể đoán biết hết được, Tengo thầm nghĩ.

Anh không phàn nàn gì về chuyện lương lậu. Thu nhập không thể nói là cao, nhưng trường dự bị trả thù lao dựa theo năng lực. Học sinh sẽ định kỳ đánh giá giáo viên, ai được điểm cao thì mức đãi ngộ cũng tăng lên tương ứng. Vì họ sợ những giáo viên ưu tú sẽ bị trường khác giành giật mất (sự thực thì công ty săn đầu người cũng mấy lần tìm đến tận cửa nhà anh rồi). Trường học bình thường thì không thể như vậy được, tiền lương quyết định dựa trên thâm niên làm việc, cấp trên còn quản lý cả đời sống riêng; năng lực và danh tiếng chẳng hề có ý nghĩa. Tengo thích công việc ở trường dự bị này. Hầu hết học sinh đến lớp học đều có mục đích rõ ràng, đó là thi vào đại học, nhiệt tình nghe giảng. Thầy giáo lên lớp chỉ cần dạy là đủ, những thứ khác không cần quan tâm. Đối với Tengo, đây là điểm đáng quý hiếm có. Không cần phải đau đầu vì những chuyện kiểu như học sinh hạnh kiểm kém hay vi phạm nội quy, chỉ cần đứng trên bục giảng dạy cách giải toán là được, mà sử dụng toán học làm công cụ suy diễn các khái niệm thuần túy lại vốn là ngón tủ trời cho của Tengo.

Những lúc ở nhà, anh dậy từ sáng sớm, và thường viết tiểu thuyết đến chiều tối. Cây bút máy Mont Blanc, mực xanh và giấy viết bốn trăm ô. Chỉ cần có thế, Tengo đã cảm thấy thỏa mãn lắm rồi. Tuần một lần, người tình đã có chồng của anh sẽ đến căn hộ này, hai người ở bên nhau suốt một buổi chiều. Làm tình với người đàn bà đã có chồng già hơn mười tuổi, tuy không có tương lai gì, nhưng lại rất thoải mái, đầy đủ về nội dung. Chiều tối anh đi tản bộ một quãng dài, trời tối thì một mình vừa nghe nhạc vừa đọc sách. Không xem ti vi. Khi nhân viên thu phí của đài NHK đến, anh liền từ chối lịch sự, nói: Xin lỗi, tôi không có ti vi. Thực sự không có, anh có thể vào kiểm tra. Có điều, bọn họ chưa từng bước chân vào nhà anh. Nhân viên thu phí đài NHK không được phép vào nhà người ta.

“Tôi đang tính chuyện lớn hơn một chút,” Komatsu nói.

“Chuyện lớn hơn?”

“Phải. Giải Tác giả mới là thứ nhỏ nhặt không cần nhắc đến, nếu đã làm, chúng ta phải nhắm tới cái gì đó lớn hơn.”

Tengo không nói gì. Ý đồ của Komatsu vẫn chưa rõ. Nhưng anh cảm thấy trong ý tứ có thứ gì đó khiến người ta bất an.

“Giải Akutagawa ấy,” Komatsu ngưng lại giây lát rồi mới nói.

“Giải Akutagawa ấy,” Tengo như thể đang cầm một cây gậy ngắn viết chữ Hán lên nền cát ẩm ướt, lặp lại một lượt lời của người đối thoại.

“Giải Akutagawa. Mặc dù cậu không hiểu chuyện đời, nhưng cái này thì hẳn là cậu biết. Trên báo đầy ra đấy, mà thời sự trên ti vi cũng đưa tin.”

“Ừm, anh Komatsu này, tôi không hiểu anh đang nói gì nữa. Không phải chúng ta đang bàn về Fukaeri à?”

“Đúng thế, chúng ta đang bàn về Fukaeri và Nhộng không khí. Chắc là không có chủ đề nào khác.”

Tengo cắn môi, muốn đọc ra được ý đồ phía sau của anh ta.

“Nhưng mà chẳng phải từ đầu chúng ta đã nói tác phẩm này còn chẳng có khả năng giành được giải Tác giả mới còn gì? Chẳng phải cứ tình hình này thì vô kế khả thi hay sao?

“Thì đó, với tình hình trước mắt thì đúng là vô kế khả thi. Đó là sự thực rành rành.”

Tengo cần thời gian để suy nghĩ. “Ý anh là, phải sửa lại bản thảo?”

“Chẳng còn cách nào khác. Với những tác phẩm dự thi có hy vọng, biên tập đưa ra kiến nghị để tác giả viết lại cũng là chuyện thường thấy, chẳng có gì lạ. Có điều, lần này không phải do tác giả sửa, mà để một người khác.”

“Ai vậy?” Tengo hỏi. Kỳ thực từ trước lúc mở miệng ra, anh đã biết đáp án rồi, chẳng qua muốn hỏi lại cho chắc chắn mà thôi.

“Cậu sẽ viết lại,” Komatsu nói.

Tengo lục tìm từ ngữ biểu đạt, nhưng không tìm được từ nào thích hợp. Anh đành thở dài một tiếng, nói: “Nhưng mà, anh Komatsu này, tác phẩm này nếu chỉ sửa chữa chút ít thì chẳng có ích gì cả đâu. Chỉ sợ phải viết lại toàn bộ từ đầu chí cuối mới ra hồn được.”

“Đương nhiên là phải làm lại từ đầu đến cuối. Cốt truyện sẽ giữ nguyên. Không khí trong cách hành văn cũng cố gắng giữ lại. Nhưng câu chữ thì gần như phải viết lại hết. Đây gọi là ‘thay da đổi thịt’ đấy. Viết lại cụ thể thế nào sẽ do cậu đảm nhiệm, tôi phụ trách về mặt tổng thể”.

“Chuyện này liệu có thành được không?” Tengo như đang tự nói với mình.

“Cậu nghe đây,” Komatsu cầm chiếc thìa nhỏ lên, chỉ về phía Tengo, như thể người nhạc trưởng giơ gậy chỉ huy ra hiệu cho nghệ sĩ solo trong dàn nhạc, nói: “Cô bé tên là Fukaeri có thứ gì đó đặc biệt, chỉ cần đọc Nhộng không khí là rõ ngay. Khả năng tưởng tượng không hề tầm thường. Nhưng thật tiếc, văn chương lại quá tạp nham, không cứu vãn nổi. Còn cậu thì viết được, tố chất tốt, cậu lại vừa có lý tính vừa tinh tế, mà có cả khí lực nữa. Song trái ngược với Fukaeri, cậu vẫn chưa rõ mình nên viết cái gì. Vì vậy, lần nào cũng chưa thấy được mạch chính của câu chuyện. Thứ cậu nên viết ra ấy, chắc chắn là nó đang lẩn trốn trong tim cậu. Nhưng nó giống như một con vật nhỏ nhút nhát, trốn tít vào trong hang sâu, sống chết cũng không chịu ra. Biết rõ là nó trốn trong hang sâu, nhưng nó không chui ra, thì cậu không bắt được. Tôi nói đừng nôn nóng, cứ phải từ từ, chính là ý đó.”

Tengo vụng về thay đổi tư thế ngồi trên chiếc ghế nhựa, không nói lời nào.

“Sự việc rất đơn giản,” Komatsu nhẹ nhàng vung vẩy thìa, nói tiếp, “Chỉ cần kết hợp hai người làm một, tạo ra một Tác giả mới là xong. Từ cốt truyện thô mộc gồ ghề của Fukaeri, cậu đắp cho nó lời văn hoàn mỹ. Đây là một sự kết hợp lý tưởng. Cậu đủ sức làm chuyện này. Chẳng phải chính vì vậy mà cá nhân tôi từ trước đến nay luôn ủng hộ cậu sao? Đúng không? Những chuyện còn lại cứ để tôi lo. Chỉ cần đồng tâm hiệp lực, giải Tác giả mới là chuyện không cần phải bàn. Kể cả giải Akutagawa cũng dư sức. Tôi làm nghề này bao nhiêu năm, đâu chỉ ăn không ngồi rồi. Tôi biết đến chân tơ kẽ tóc phải xử lý thế nào.”

Tengo hơi mấp máy miệng, ngây người nhìn Komatsu. Komatsu đặt cái thìa nhỏ lại trên đĩa, làm phát ra âm thanh lớn đến độ không tự nhiên.

“Nếu được giải Akutagawa thì sẽ ra sao?” Tengo định thần lại, hỏi.

“Được giải Akutagawa tiếng tăm sẽ như cồn. Người đời đa phần không hiểu được giá trị thực sự của tiểu thuyết, nhưng lại không chịu lạc hậu với trào lưu. Hễ thấy tác giả là nữ sinh trung học, người ta sẽ càng phát cuồng. Sách bán chạy sẽ kiếm được một khoản bộn đấy. Tiền kiếm được ba chúng ta chia nhau theo tỷ lệ thích hợp. Về mặt này tôi sẽ sắp xếp ổn thỏa.”

“Mấy chuyện chia chác đó, hiện giờ tôi không quan tâm,” Tengo nói, giọng khô khan. “Làm chuyện này, không mâu thuẫn gì với đạo đức nghề nghiệp của biên tập viên à? Chẳng may vụ này bị lộ ra thì sẽ lớn chuyện đấy. Anh cũng đừng mong tiếp tục làm việc ở nhà xuất bản, phải không?”

“Không dễ bị lộ thế đâu. Chỉ cần tôi muốn, mọi chuyện sẽ êm xuôi. Mà dù có bị lộ thì tôi ngại gì mà không bỏ quách cái công ty ấy! Đằng nào thì cấp trên cũng không khoái mình, toàn cho ăn cơm hẩm. Gì chứ công việc thì sẽ tìm được ngay thôi. Tôi ấy à, tôi làm vậy hoàn toàn không phải vì tiền. Tôi chỉ muốn hạ nhục cái giới văn chương này một trận. Cả một lũ chen chúc trong hang động tối tăm, vừa tâng bốc, bợ đít, rồi thì giẫm đạp lẫn nhau, lại vừa cao giọng khoác lác sứ mệnh văn học thế này thế nọ, cái đám vô dụng này, tôi muốn chọc cho chúng một trận. Chui qua lỗ hổng của cơ chế, chơi chúng một vố thật đau. Cậu không cảm thấy làm vậy rất vui sao?”

Tengo không thấy vui vẻ cho lắm. Anh vẫn chưa hiểu gì về cái gọi là giới văn chương ấy. Biết được một người tài cán như Komatsu lại định đi qua một cây cầu nguy hiểm chỉ vì một động cơ trẻ con như thế, trong phút chốc anh chẳng nói được câu nào.

“Những điều anh nói, tôi nghe cứ như trò lừa đảo.”

“Hình thức hợp tác này không hề hiếm gặp,” Komatsu chau mày nói. “Các loại manga đăng trên tạp chí có đến quá nửa là như vậy. Mọi người cùng góp sức động não nghĩ ra một câu chuyện, họa sĩ vẽ ra các đường nét cơ bản, rồi thì các trợ lý sẽ vẽ nốt các chi tiết, tô màu. Việc này với việc chế tạo đồng hồ trong nhà máy cũng cùng một cách thức thôi. Trong giới viết tiểu thuyết cũng có những trường hợp tương tự. Ví dụ, tiểu thuyết lãng mạn là như vậy đấy, hầu hết đều dựa trên các công thức định sẵn của nhà xuất bản, rồi thuê tác giả viết lại cho màu mè. Nói cách khác, đây chính là hệ thống phân công lao động. Không làm thế thì đừng mong sản xuất hàng loạt được. Chỉ có điều, trong giới văn học thuần túy bảo thủ, phương thức này vẫn không thể thực hiện công khai, vì thế, chiến lược sẽ là, chúng ta cần đưa cô bé Fukaeri ấy lên sân khấu. Nếu chẳng may bị lộ, có lẽ sẽ trở thành xì căng đan, nhưng đâu có vi phạm pháp luật. Cách làm này đã là xu thế của thời đại rồi. Hơn nữa có phải chúng ta đang nói tới Balzac hay Muarsaki Shikibu[2] đâu. Chẳng qua chỉ sửa chữa một chút để tác phẩm thô vụng, hớ hênh của một nữ sinh trung học thành một tác phẩm nên hồn mà thôi! Thế thì có gì mà không được? Tác phẩm này sau khi gia công có chất lượng tốt, được nhiều độc giả ưa thích, chẳng phải là đã đủ rồi sao?”

[2] Nữ văn sĩ cung đình thời Heian Nhật Bản, tác giả của kiệt tác tiểu thuyết “Chuyện chàng Genji” (khoảng 1000-1012).

Tengo nghĩ ngợi một lát về những điều Komatsu nói, rồi cẩn trọng chọn lựa từ ngữ: “Có hai vấn đề. Thực ra chắc là có rất nhiều vấn đề, nhưng tôi tạm thời chỉ nêu lên hai cái. Trước tên, cô bé Fukaeri kia có đồng ý để người khác viết lại tác phẩm của mình không? Nếu cô ấy có đồng ý, tôi có thể viết lại câu chuyện này cho hay được không, cũng là một vấn đề. Việc viết chung này hết sức tế nhị, chỉ sợ không đơn giản như anh nghĩ đâu.”

“Tengo à, chắc chắn cậu làm được.” Komatsu dường như đã đoán trước được vấn đề này, Tengo vừa dứt tiếng thì anh ta đã tiếp lời ngay tức khắc. “Không nghi ngờ gì cả, chắc chắn cậu sẽ làm được. Khi bắt đầu đọc Nhộng không khí, ý tưởng này đã đột nhiên nảy lên trong đầu tôi rồi, đây chính là câu chuyện để Tengo viết lại! Nói cho rõ hơn một chút, đây là câu chuyện thích hợp cho cậu viết lại. Là một câu chuyện đang đợi cậu viết lại. Cậu không nghĩ thế à?”

Tengo chỉ lắc đầu, không nói được gì.

“Đừng kết luận nhanh thế,” Komatsu bình tĩnh nói, “Chuyện này hết sức quan trọng. Cứ suy nghĩ hai ba ngày. Đọc lại Nhộng không khí một lượt. Rồi nghĩ kỹ về đề nghị của tôi. À phải rồi, còn cái này nữa tôi đưa luôn cho cậu.”

Komatsu lấy trong túi áo khoác ra một phong bì màu nâu, đưa cho Tengo. Bên trong phong bì là hai tấm ảnh màu. Ảnh của một cô bé, một tấm chụp chân dung từ ngực trở lên, tấm kia là kiểu ảnh sinh hoạt chụp toàn thân, hình như được chụp cùng thời gian. Cô đứng trước một cầu thang nào đó. Bậc thang đá rộng rãi. Gương mặt đẹp theo kiểu cổ điển, mái tóc dài buông thẳng. Áo trắng. Dáng người nhỏ nhắn, hơi gầy. Đôi môi quá đỗi nghiêm túc. Đôi mắt như thể đang theo đuổi thứ gì đó. Tengo lần lượt xem cả hai tấm ảnh một lúc. Không hiểu tại sao, nhìn hai tấm ảnh này, anh chợt nhớ lại mình vào tầm tuổi ấy, lồng ngực hơi nhâm nhẩm đau. Đó là cảm giác đau đớn đặc biệt, lâu lắm rồi anh chưa từng có lại. Trong dáng người cô gái dường như có thứ gì đó gợi lên nỗi đau ấy trong anh.

Komatsu nói: “Chính là Fukaeri đấy. Khá đẹp phải không. Hơn nữa còn thuộc loại giản dị, sạch sẽ. Mười bảy tuổi. Chẳng có gì để bới móc bắt bẻ. Tên thật là Fukaeri Eriko. Nhưng chúng ta sẽ không công bố tên thật, mà chỉ sử dụng tên ‘Fukaeri’ thôi. Cậu không thấy nếu cô bé giành được giải Akutagawa thì chắc chắn sẽ thành chủ đề nóng hay sao? Bọn truyền thông hẳn sẽ như lũ dơi buổi hoàng hôn, kết thành từng đàn bay lượn trên đầu. Sách sẽ in không đủ bán cho mà xem.”

Komatsu kiếm đâu ra mấy tấm ảnh này? Tengo lấy làm lạ. Gửi bản thảo đến đâu cần kèm theo ảnh. Nhưng Tengo không muốn hỏi. Một trong những lý do là vì không thể đoán được câu trả lời như thế nào… phần nữa là vì anh cũng không muốn biết.

“Cậu cầm luôn đi. Biết đâu lại có tác dụng gì,” Komatsu nói. Tengo liền nhét hai tấm ảnh trở lại phong bì, đặt lên phía trên bản phô tô của Nhộng không khí.

“Anh Komatsu, tôi gần như chẳng biết gì về chuyện trong giới, nhưng theo lẽ thường mà suy đoán thì đây là một kế hoạch hết sức nguy hiểm. Một khi anh đã nói dối cả xã hội thì sẽ buộc phải tiếp tục nói dối mãi, phải che đậy lấp liếm mãi. Cả về phương diện tâm lý lẫn kỹ thuật, đây là chuyện không hề đơn giản. Chỉ cần một người bất cẩn làm sai chuyện gì đó là rất có thể sẽ mang họa đến cho tất cả những người còn lại. Anh không thấy vậy sao?”

Komatsu rút một điếu mới, châm thuốc. “Cậu nói đúng. Vừa hợp lẽ lại vừa chính xác. Đây đúng là một kế hoạch hết sức mạo hiểm. Trong lúc này, những nhân tố chưa xác định còn quá nhiều. Không thể dự đoán được rốt cuộc sẽ có chuyện gì xảy ra. Có khi sẽ thất bại, mang đến cảm giác rất không vui cho mỗi người. Tôi hoàn toàn hiểu được điều này. Thế nhưng, Tengo à, sau khi nghĩ kỹ tất cả mọi điều, bản năng nói với tôi rằng: Hãy tiến lên! Bởi vì đây là cơ hội ngàn năm có một đấy! Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa từng một lần gặp được cơ hội như thế. Chỉ sợ sau này cũng chẳng có nữa đâu. Đem so với việc đánh bạc có lẽ không được thích hợp lắm, nhưng mà, trên tay giờ đã có hết những quân bài đẹp rồi. Xèng cũng chất đầy một đống. Mọi điều kiện đều đã sẵn sàng. Nếu bỏ qua cơ hội lần này, chắc chắn ta sẽ hối hận về sau.”

Tengo im lặng không nói gì, ngước nhìn nụ cười chẳng lành nở ra trên gương mặt người đối diện.

“Điều quan trọng nhất nằm ở chỗ chúng ta sẽ nhào nặn lại để Nhộng không khí trở thành một tác phẩm xuất sắc. Đây là một câu chuyện lẽ ra phải được viết tốt hơn. Bên trong nó có thứ gì đó cực kỳ quan trọng. Một thứ gì cần phải được một ai đó khéo léo lôi ra. Chắc chắn là cậu cũng nghĩ như vậy. Hay là tôi sai? Vì mục đích này, chúng ta hãy cùng hiệp lực. Tạo ra một dự án kết hợp khả năng của tất cả mọi người. Động cơ dù có trương ra bất cứ đâu cũng không có gì phải xấu hổ.”

“Có điều, anh Komatsu này, cho dù có đưa ra lý do cao thượng thế nào, danh phận đường hoàng thế nào, nói gì thì nói, nó vẫn giống hành vi lừa gạt. Có thể chẳng có gì xấu hổ khi để lộ động cơ, nhưng thực tế lại chẳng thể trương ra đâu được. Chỉ có thể hành động một cách lén lút. Nếu dùng từ ‘lừa gạt’ không được thích đáng thì có thể gọi là hành vi bội tín. Dẫu không vi phạm pháp luật, nhưng ở đây còn vấn đề đạo đức nữa. Anh nghĩ thử xem, mình là biên tập lại đi tự tạo ra tác phẩm đoạt giải Tác giả mới của tạp chí văn nghệ thuộc nhà xuất bản của mình, thế có khác nào giao dịch cổ phiếu nội bộ không?”

“Văn chương đâu thể so sánh với cổ phiếu được. Hai thứ ấy hoàn toàn khác nhau.”

“Anh nói thử xem khác nhau ở điểm nào chứ?”

“Chẳng hạn nhé, phải rồi, cậu đã bỏ qua một sự thực hết sức quan trọng,” Komatsu nói. Miệng anh ta ngoác ra cười thích thú, Tengo chưa thấy miệng Komatsu ngoác to như vậy bao giờ. “Phải nói là cậu cũng đã nôn nao muốn thử rồi. Ý cậu đã muốn viết lại Nhộng không khí rồi. Thoáng nhìn qua là tôi biết ngay. Mạo hiểm hay đạo đức chẳng là cái cóc gì! Tengo à, chắc chắn lúc này trong lòng cậu đang rất hy vọng có thể tự tay sửa chữa lại tiểu thuyết Nhộng không khí đó, chắc chắn rất muốn thay Fukaeri, đưa cái gì đó ấy ra. Đấy, đây chính là điểm khác biệt giữa văn chương và cổ phiếu. Ở đây không có xấu hay tốt, chỉ có một động cơ còn hơn cả tiền bạc đang thúc đẩy sự vật tiến lên phía trước. Cậu về nhà tự hỏi lại mình đi. Đứng trước gương mà quan sát mặt mình thật kỹ vào. Trên mặt cậu đã viết rất rõ điều ấy rồi đó.”

Tengo cảm thấy không khí xung quanh mình dường như đột nhiên trở nên loãng hẳn. Anh đảo mắt nhìn xung quanh một lượt. Đoạn hình ảnh ấy lại sắp xuất hiện rồi sao? Nhưng không có vẻ gì là như vậy cả. Bầu không khí loãng này từ một vùng khác đến. Anh lấy trong túi ra chiếc khăn tay, lau mồ hôi trên trán. Những điều Komatsu nói thường đều rất chính xác. Không hiểu tại sao nữa?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.