Đàn bà xấu thì không có quà

Chương 06



Nấm tỉnh giấc thì đã hơn 9 giờ sáng. Nấm vội vàng nhổm dậy nhưng choáng váng vô cùng nên lại phải nằm xuống. Một lúc Nấm cảm thấy rất rõ là mình đã bị ốm rồi. Nấm cố bò đến điện thoại để gọi đến cơ quan xin nghỉ làm. Mọi người trong phòng lo lắng cho Nấm hỏi có cần phải đưa đi bệnh viện không. Nấm nói dối là đã có chị gái. Thực chất là Nấm chỉ muốn ở một mình để đọc lại những dòng chữ đã viết đêm qua. Nhưng quả là Nấm không còn đủ sức. Cơ thể Nấm bải hoải đến độ không thể nhấc nổi tay để với cốc nước. Nấm hoảng hốt oà khóc rồi gọi mẹ ơi. Khóc một chập mới thấy vô lí quá. Mẹ ở xa thế làm sao nghe thấy tiếng Nấm gọi được. Chị gái đi công tác. Gọi ai đến với mình bây giờ. Ôi ước gì có anh ở đây. Sao mà buồn thế này. Một nỗi buồn mênh mang của sự khao khát nhưng rất đỗi dịu dàng. Nấm cuộn tròn người lại. Đôi chân rất ngắn thu trên ngực. Một chập ướp mình trong nỗi buồn Nấm ngủ thiếp đi.

Điện thoại réo vang làm Nấm tỉnh giấc.
– Alô Nấm phải không? Chú nghe nói cháu bị ốm, ốm thế nào?
– Cháu đỡ rồi chú ạ.
– Có ai cơm nước thuốc men gì cho không?
– Lát nữa đỡ cháu sẽ dậy nấu cái gì ăn cũng được.
– Sao bảo có chị cơ mà.
– Chị cháu đi vắng.
– Được rồi cứ nằm đấy, một lát mọi người sẽ đến thăm.
Là người đàn ông tên H. Nấm mỉm cười nghĩ đến một sự trùng hợp kì lạ. Lần trước khi viết xong truyện ngắn đầu tiên thì người đàn ông này là người đọc đầu tiên. Và bây giờ khi truyện ngắn thứ hai vừa viết xong thì người đàn ông này đã gọi điện cho Nấm. Lát nữa khi mọi người đến thăm Nấm sẽ tuỳ dịp để khoe với người đàn ông này. Trong thâm tâm Nấm muốn H sẽ là người đọc đầu tiên và góp ý cho Nấm.
Nửa giờ sau H đến, chỉ có một mình H thôi.
– Mọi người đi hết rồi. Chú không yên tâm nên đến trước. Ốm thế nào?
– Đêm qua cháu lại viết được một truyện rồi sáng nay không dậy được nữa.
– Biết ngay mà. Chú cũng đoán thế. Chứ Nấm khoẻ lắm. Từ lúc vào làm ở toà soạn đến nay có nghỉ ốm bao giờ. Thôi dậy ăn cái gì cho khoẻ đi đã. Chú chẳng biết cách chăm người ốm đâu. Chỉ mua hai suất cơm hộp đây. Dậy cùng ăn.
– Vâng.
Sau giấc ngủ dậy Nấm thấy khoẻ ra rất nhiều. Nấm ăn suất cơm ngon lành và háo hức muốn khoe với H những điều vừa viết tối qua.
Nấm hồi hộp dõi theo từng biến đổi trên nét mặt H. Câu chuyện Nấm viết đã gây ấn tượng mạnh với H. Mặt H cứ tái dần rồi hai mắt đỏ hoe. Một lúc H bảo:
– Truyện xúc động nhưng không hay lắm. Dẫu sao thì chú vẫn khẳng định là cháu có tài đấy. Cố lên Nấm ạ. Thôi đi ngủ đi chú về đây.
Nấm cười rất tươi cảm ơn H. Tiễn H ra cửa Nấm trở lại màn hình vi tính. Nấm đọc thật chậm từng câu từng chữ truyện ngắn Nàng thơ. Đọc đến đoạn em nàng thơ chết Nấm lại khóc. Khóc một chập nguôi ngoai dần. Nấm chọn một kiểu chữ thật đẹp viết ở chỗ mở đầu câu chuyện dòng chữ: Tác phẩm này dành tặng nữ thi sĩ Đ. Xong xuôi Nấm cóp vào đĩa rồi tắt máy. Nấm nhìn đồng hồ mới gần bốn giờ chiều. Một ngày quả là dài. Nấm mong chờ buổi tối. Buổi tối người đàn ông của Nấm sẽ gọi điện. Nấm thèm muốn được nghe tiếng của anh. Tiếng em từ miệng anh nói ra sao mà ngọt ngào đến vậy. Em phải không? Em đã ngủ chưa? Em có nhớ anh không?…Những câu hỏ đó cứ ngân vang trong tim Nấm. Nấm chìm đắm trong sự đê mê ngọt ngào. Buổi tối sao mà lâu thế.
À phải rồi lần trước Nấm đã ghi số điện thoại của anh. Nấm bảo anh khi nào thật nhớ anh em sẽ gọi. Anh đã rất vui vì điều đó. Nấm không biết cách gọi ra nước ngoài phải nhờ đến 1080. Tim Nấm đập bụp bụp. Nấm nghe rõ từng tiếng và ngón tay bấm những con số cứ run bắn lên. Lần thứ ba mới không ấn nhầm số. Đường dây đã thông và chuông đang đổ. Nấm nín thở. Một tiếng nói là lạ: Alô tôi nghe đây. Cho tôi hỏi thăm đây có phải là số máy của T không? Vâng tôi là T đây. Là em đây. Em đang ở đâu đấy. Em đang ở nhà. Sao hôm nay em không đi làm? Em bị ốm. Sao thế, sao lại để bị ốm thế? Em không biết nữa. Bây giờ em thấy thế nào? Em khỏi rồi. Em ốm kiểu gì vậy? Em nhớ anh. Anh biết. Nhưng nhớ là lần sau không được ốm nữa đấy. Ở xa anh không yên tâm chút nào đâu cô bé. Em có đánh thức anh dậy không đấy, giờ ở đây mới là 5 giờ chiều. Không sao anh thức để hôn em mà. Sao đấy. Em khóc đấy à? Để anh lau nước mắt cho em nào. Đừng khóc nữa anh sắp về rồi. Nào, công việc của em thế nào.? Em có viết được tác phẩm nào nữa không? Đêm qua em vừa viết xong một truyện ngắn. Em thức đến gần sáng nên mới bị ốm. Vì thế em rất vui mới gọi điện cho anh phải không? Vâng. Anh cũng định tối nay sẽ gọi điện cho em. Em biết nhưng em chờ mãi mà chưa đến tối. Anh chỉ là một nhà khoa học bình thường còn em là một nhà văn, khi gặp anh rồi em có chê anh không? Anh có biết em muốn gì không? Em muốn gì? Em rất muốn gặp anh và lại chẳng muốn bao giờ gặp anh. Sao buồn cười thế? Vì sự tưởng tượng khác xa với thực tế. Chẳng hạn khi gặp nhau rồi anh sẽ chê em xấu. Nhưng em chẳng bao giờ xấu cả. Đấy là anh nghĩ vậy thôi. Gặp em anh sẽ chán ngay. Anh mong chóng gặp em để mà chán đây. Còn bây giờ anh muốn ôm chặt em vào lòng. Em muốn ngả đầu vào vai anh. Sẽ được. Vai anh rất chắc đấy. Em nằm vào lòng anh nhé. Em hơi bụ bẫm. Còn anh cao 1m75 và nặng gần 80kg cơ. Em có bụ bẫm thế nào thì cũng sẽ lọt thỏm trong lòng anh thôi. Sao thế, sao thở dài thế. Thôi em đi nấu cơm đi. Để lúc nào anh sẽ goi lại cho em kẻo tốn tiền lắm đấy. Anh ơi. Gì thế em? Em muốn nói với anh điều này. Anh đã làm thay đổi số phận của em. Em đã rất tin tưởng anh phải không? Anh cảm động vì điều đó. Nào hôn em nào. Vâng.
Người thứ hai đã mang nỗi cô đơn đến căn nhà của Nấm để giải toả là H. Chính là người đàn ông mà Nấm đã nghĩ rằng mình rất biết. Nấm đã quen với người đàn ông này từ hơn ba năm, từ khi Nấm đến làm việc tại toà soạn báo. Ban đầu là Nấm đánh máy những bài báo của H. Sau nữa Nấm đã được nghe các câu chuyện buổi sáng với những sự bình luận sắc sảo và hóm hỉnh của H. Rồi đến việc hai tác phẩm đầu tay của Nấm đều được H đọc trước tiên và sửa cho câu chữ. Đặc biệt là những lời động viên khích lệ của H. Trong thâm tâm Nấm coi H như người thầy đầu tiên của mình. Cho đến khi mọi việc xảy ra rồi Nấm vẫn không sao hiểu nổi có phải là nỗi cô đơn hay nghiệp chướng của kẻ sáng tạo là một thứ thuốc độc đã giết chết con người. Buổi tối cú điện thoại khuya là của H.
– Nấm đã ngủ chưa?
– Cũng sắp chú ạ.
– Có làm phiền Nấm không đấy?
– Không đâu. Cháu cũng hay thức khuya.
– Nấm có định viết gì không?
– Cháu chưa nghĩ được.
– Thường thì khi viết, cái tứ truyện Nấm nghĩ như thế nào?
– Tứ truyện là như thế nào?
– Học tổng hợp văn mà quên hết rồi à?
– Thì chú tính ra trường chỉ là nhân viên đánh máy.
– À, nói cho nôm na. Ví như Chú Ngoẹo chẳng hạn. Chú Ngoẹo là có thật. Một bà mẹ như vậy cũng là có thật. Cái khó là đặt bối cảnh trong đó có Chú Ngoẹo và bà mẹ như kiểu của Nấm.
– Cháu cũng không biết thế nào. Chỉ có điều là khi viết được hai cái truyện ngắn đó cháu đã đau lắm chú ạ. Truyện thứ nhất thì cháu đã nghĩ về mẹ cháu. Những tình cảm của mẹ cháu đối với cháu có khác gì mẹ chú Ngoẹo với chú Ngoẹo đâu. Cháu cũng là một cô bé tật nguyền mà. Chỉ có trước đây cháu chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Lúc cháu viết cháu mới nghĩ thấu đáo. Cơn đau đã làm cháu co ngoắc người lại và cháu có cảm giác đang chìm xuống vực. Cháu không nghĩ cháu có viết nổỉ một truyện ngắn thứ ba nữa không. Cháu đã rất sợ những cơn đau đó.
– Chú cũng đã nghĩ rất nhiều. Chú cũng muốn viết một cái gì đó.
– Chú đã viết được rất nhiều rồi đấy thôi.
– Chú muốn viết những tác phẩm kia.
– Hôm nào chú cho cháu đọc với nhé.
– Chuyện thế đủ rồi. Ngủ đi nhé.
Một đêm trời rất khuya. Không phải là cú điện thoại mà là tiếng gõ cửa. H đã say mèm ôm một đống giấy vào nhà Nấm.
– Con vợ nó chỉ biết ngủ thôi. Nấm đọc tác phẩm đi này.
Nấm co rúm người lại vì sợ hãi.
– Đọc đi. Tác phẩm để đời đấy. Chú đã nghĩ kĩ rồi mới viết được như thế đấy. Ba cái bài báo hằng ngày kia ấy à. Vứt. Đọc xong là vứt. Đây mới là tác phẩm để đời.
Nấm đi pha một cốc nước chanh rồi rón rén lại gần đưa cho H. H chộp lấy tay Nấm làm đổ cốc nứơc.
– Nấm bé nhỏ ơi lại đây nào. Nấm bé nhỏ như vậy mà còn viết được thế còn ta đây một đấng nam nhi hẳn hoi mà không làm được vậy ư? Nấm bé nhỏ ta phục lắm đấy. Lại đây. Hãy truyền cho ta nghị lực của Nấm nào. Nấm đau lắm hả. Còn ta lại trốn vào rượu thế này.
Nấm cố rút tay ra nhưng H lại càng nắm chặt lấy rồi ôm gọn Nấm vào lòng.
– Nấm bé nhỏ và thiệt thòi. Nấm chưa được yêu bao giờ phải không? Để ta yêu Nấm nhé rồi Nấm truyền cho ta nghị lực. Nào đừng sợ. Chớ có làm ồn hàng xóm kéo sang xem đông như kiến bây giờ. Tivi nhạt hoen hoét chỉ có chuyện hàng xóm là đáng xem thôi.
– …
– Nấm thiệt thòi của ta, hôm nay ta cho Nấm tình yêu nhé.
Nấm cứng đờ không biết phải làm gì nữa. Mặc cho H lần lượt cởi bỏ xống áo trên người. Khi trên người Nấm chẳng còn thứ y phục nào H bỏ Nấm ra rồi nhìn. Rồi H lấy chiếc chăn trên giường phủ lên người Nấm. H lấy tay bưng mặt khóc nức nở. Một chập dường như đã tỉnh rượu H chắp tay vái Nấm hai lần rồi về. H về rồi thì Nấm mới khóc. Khóc vì tủi thân. Đến một kẻ say rượu cũng nhận ra sự tật nguyền của Nấm mà tỉnh rượu. Khóc vì ngày mai không biết còn nhìn mặt nhau thế nào.
Nấm biết không thể ngủ bèn mang đống giấy tờ H mang đến ra xem. Những câu chuyện buổi sáng được ghi chép lại kèm cả những lời bình. Mới chỉ có vậy chưa có đầu có cuối. Nhưng mà đọc đã rất thú vị. Nấm định bụng ngày mai sẽ nói chuyện với H. Động viên H viết tiếp. Vì với trực giác của Nấm, Nấm biết H đang tìm kiếm một lối viết nhưng đang bế tắc.
Buổi sáng hôm sau Nấm đi làm thì H vẫn chưa đến. Nấm nghĩ thầm, đêm qua say quá rồi ngủ quên. Gần trưa người đàn bà đẹp trong phòng sau khi nghe điện thoại đã rú lên rồi ngồi phịch xuống ghế mặt tái nhợt. Cả phòng xúm vào hỏi han. Lát sau từ đôi mắt đẹp chảy dài hai dòng nước mắt xuống má. Người đàn bà đẹp khóc nức lên:
– H bị tai nạn xe máy đêm hôm qua. Vừa chết rồi.
Nấm chồm lên:
– Chị ơi chị nói gì vậy.
– H chết rồi.
Trừ hai dòng nước mắt trên má người đàn bà đẹp, cả phòng tái nhợt vì bàng hoàng.
Buổi chiều cả phòng thay nhau trực bên thi thể của H. Mọi người vẫn mang những gương mặt tái nhợt mà không có nước mắt, kể cả Nấm. Cứ bốn người thay nhau đứng ở bốn góc. Nấm lặng lẽ đứng ở phía dưới chân.
Buổi tối chỉ còn đàn ông ở lại, đàn bà về nhà. Nấm cũng về nhà trong trạng thái vô cảm. Vào trong nhà mới thấy mệt rã rời. Ăn uống qua loa rồi lên giường nằm cố tĩnh tâm để ngủ. Ngày mai sẽ đưa H về quê. Không thể nào nhắm mắt nổi. Cố gắng khép hai mắt vào thì lại phải mở ra ngay vì hai tròng mắt khô đau rát rạt. Nấm nhủ mình, hay là khóc đi một tí. Nhưng nghĩ về hình ảnh nào để khóc bây giờ. Hình ảnh H nằm trong mớ khăn áo trắng toát ư? Hình ảnh đó thật dể chịu. H nằm yên ả và bình thản. Vẻ mặt H như vừa trải qua một sự như ý vừa lòng. Vậy tại sao phải khóc. Hình ảnh H chắp tay vái Nấm như để tạ với tội lỗi đã gây ra cho Nấm ư? Nấm đã tha thứ cho H rồi vậy thì không thể khóc được. Thôi thế thì hãy đọc một cái gì vậy. Phải rồi còn một vài trang trong đống bản thảo H mang đến Nấm chưa đọc.
Nấm lấy tập bản thảo của H xuống giường xếp thật phẳng phiu. Còn ba trang cuối Nấm để riêng. Bây giờ Nấm mới nhận ra những bản thảo của H hoàn toàn được viết bằng tay. Nấm bật đèn bàn rồi hướng tâm hồn vào nơi nghiêm trang nhất và đọc.
Hôm nay có gì mới không?
Unesco chia văn hoá ra làm hai loại: Văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định bán mười tám hécta đất trồng đào để lấy tiền kề hồ Tây. Như vậy là bán văn hoá phi vật thể để lấy tiền tu bổ cho văn hoá vật thể. Phải thôi văn hoá phi vật thể là cái không thể sờ mó được. Một ông quan chức đã trả lời rõ ràng trên báo rằng chẳng có hoa đào thì chơi hoa khác. Với lại bây giờ có mấy ai chơi hoa đào đâu.
Trên mảnh đất văn hoá phi vật thể vừa bị bán đó mọc lên hai cái cổng theo kiểu kiến trúc Indo, mang cái tên là Fucotura. Trong cái cổng này là những ngôi biệt thự theo kiến trúc Indo rộng một trăm tám mươi mét vuông. Những người được đăng kí mua theo dự án ban đầu là hai trăm USD. Sau hai năm bán lại với giá ba trăm ngàn USD.
Rồi đến những dòng bị dập xoá. Căng mắt vài giây Nấm đọc được mấy chữ bị xoá là: Tham nhũng… chẳng biết làm gì.
Thế là thế hệ mai sau lại có thêm việc để làm. Những nhà cao tầng kia lại phải phá đi. Hai cái cổng mang đậm kiến trúc kiểu indo kia sẽ phải phá đi. Cào bỏ lớp cát rồi cải tạo đất để trồng lại đào. Vì người ta biết đến Hà Nội bởi đào Nhật Tân chứ không phải là hai chiếc cổng và những toà nhà cao tầng kia. Nhưng không biết lớp trẻ có biết cách xin tiền của Sida, của Ford không nhỉ?
Những dòng văn mang đậm khẩu ngữ của H. Nhưng tại sao lại có những dòng bị dập xoá. Ai đã xoá những dòng H đã viết. Nấm giở lại những trang bản thảo của H đã được xếp gọn gàng. Thì ra đêm qua Nấm đã không để tâm. Nhưng trang bản thảo của H bị dập xoá rất nhiều. Có trang bị xoá đến một phần ba. Có trang chưa bị xóa nhưng bên lề có một dòng sổ đỏ thẳng đánh dấu với những chữ to: Biên tập lại nếu không cắt bỏ. Rõ ràng là chữ của H. Thì ra là H đã tự biên tập chính mình. Hai chục năm làm nghề biên tập kiếm cơm áo gạo tiền đã làm cho H không còn viết tung tẩy được nữa. H muốn viết một cái gì đó để đời, một cái gì đó thoả mãn cho chính mình. Nhưng rồi H lại tự biên tập đi. Tại sao thế? Điều này thì Nấm không thể tự trả lời. Có lẽ chỉ có H mới có thể trả lời được thôi, Nhưng H chết rồi.
Hôm sau trong dòng người đưa H về với đất mẹ Nấm lặng lẽ đi sau cùng.
Anh gọi điện cho Nấm rằng chỉ còn khoảng một tháng nữa anh sẽ về. Nấm hoảng lên. Chỉ còn một tháng nữa anh sẽ về ư? Em sao thế, em không muốn được gặp anh à? Có chứ. Em rất muốn nhưng em sợ. Em sợ điều gì? Em sợ anh sẽ chê em. Anh chê em ấy à? Tại sao anh lại phải chê em cơ chứ. Anh biết em là một cô gái có tâm hồn trong trắng và rất tài năng. Em thông minh và nhạy cảm. Bằng ấy thứ có đủ không anh? Đủ để một người đàn ông có thể yêu một người đàn bà? Chỉ cần một phần thế thôi cũng đủ rồi em ạ. Nhưng nếu người đàn bà đó xấu? Cười. Sao anh cười thế? Vì anh hình dung thấy em là một cô gái rất xinh đẹp. À mà sao chưa bao giờ chúng mình yêu cầu nhau gửi ảnh nhỉ? Em nghĩ sự tưởng tượng về nhau sẽ thú vị hơn là khi xem ảnh. Em nói đúng. Cũng như một tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh, dẫu đạo diễn có tài năng đến đâu cũng không bao giờ chuyển tải được hết những cái hay của tác phẩm văn học đó. Anh nói thật hay. Vì anh rất thích đọc sách. Mà nhỡ đâu em sẽ chê anh thì sao. Vì em là nhà văn kia mà. Không bao giờ xảy ra điều đó đâu anh ạ. Dù câu chuyện của anh và em có kết thúc thế nào thì em cũng mãi mãi biết ơn anh. Anh đã thay đổi cả cuộc đời em. Thật đấy. Em hôm nay làm sao thế. Em làm anh sợ đấy. Vì em bằng lòng với những gì mình đang có. Em có anh trong sự tưởng tượng của mình. Thỉnh thoảng anh goi điện cho em. Em chỉ cần nghe tiếng anh thôi. Anh sẽ về với em mà. Anh sẽ mang đến cho em sự lắng đọng dịu dàng. Em biết. Những điều anh nói anh đã mang đến cho em rồi và maĩ mãi sau này vẫn thế.Anh hứa đấy. Anh đừng hứa. Em sao thế? Anh đừng hứa. Thôi không nói chuyện này nữa. Anh sẽ không báo trước ngày anh về đâu. Anh sẽ đột ngột xuất hiện trước mặt em. Nào bây giờ em bé của anh. Anh hôn em nhé. Được không? Vâng đi. Vâng. Thế giờ em ngủ ngon đi nhé.
Anh sắp về. Ban đầu khi anh mới gọi điện cho Nấm khoảng ba bốn lần Nấm đã mong được gặp anh đến tức ngực. Nấm đã tưởng tượng ra hàng chục cái cách anh và Nấm sẽ gặp nhau. Nhưng cho dù cách gặp nhau như thế nào thì bao giờ bàn tay to của anh cũng nắm gọn bàn tay bé nhỏ của Nấm. Chỉ thế thôi. Sự tưởng tượng của Nấm mới chỉ có thế. Thực ra sự tưởng tượng của con người cũng chỉ dựa trên sự trải nghiệm của con người mà thôi. Tất nhiên có những người ưu tú hơn. Họ sẽ tưởng tượng ra những điều đi trước thời đại. Nấm chỉ là một người bình thường. Còn bây giờ thì Nấm rất sợ cuộc gặp mặt đó. Nhất là sau cái đêm H đã vừa khóc vừa chắp tay vái Nấm. Trong cái đêm đó tiếng khóc của H và ánh mắt của người anh rể đã nhìn Nấm năm Nấm 16 tuổi đã làm chết sự tự tin cuối cùng là khuôn mặt khả ái của mình.
Anh sắp về. Có cách gì để không có cuộc gặp mặt. Nấm sẽ thay đổi chỗ làm việc và địa chỉ nhà ở ư. Toàn là những điều không thể. Nấm không thể bỏ làm việc được. Sẽ chẳng có nơi nào nhận Nấm vào làm việc. Trời đã chỉ cho Nấm một cơ may duy nhất. Nấm biết rất rõ điều đó. Cả hai địa chỉ của Nấm, Nấm đều cho anh biết. Còn một cách để không có cuộc gặp mặt đó. Nấm sẽ nói với anh rằng toàn bộ câu chuyện giữa anh và Nấm chỉ là một sự đùa cợt cho vui. Rằng Nấm chỉ coi anh là một sự giải khuây tầm phào. Nấm sẽ bịa ra một câu chuyện như sáng tác một truyện ngắn. Anh sẽ nghĩ sao nhỉ? Nấm không biết chắc cụ thể con người anh thế nào nhưng bằng linh cảm đàn bà thì Nấm biết anh có tình cảm thật lòng với Nấm. Gần hai năm anh đã gọi cho Nấm mấy chục cú điện thoại. Nấm đã nhớ rất kĩ. Tuần đầu khi mới quen Nấm thì anh gọi hàng ngày. Sau đó một tuần một lần. Sau đó hai tuần một lần. Cứ đều đặn như vậy. Nếu anh chỉ muốn giải khuây với Nấm như câu chuyện Nấm muốn bịa ra chắc anh chẳng mất thời gian và tiền bạc như thế. Nếu anh chỉ muốn giải khuây thì với số tiền đó thi thoảng anh có thể giải trí với một cô gái tóc vàng. Vậy câu chuyện mà Nấm bịa ra đó sẽ làm anh tổn thương rất nhiều. Anh sẽ rất đau khổ. Nấm đọc trong tiểu thuyết thấy người ta nói rằng đàn ông đau khổ và tự ái nhất khi bị đàn bà xỏ mũi dắt vào một trò lừa dối là tình yêu. Không, thà Nấm bị đau chứ không thể gây nỗi đau cho anh. Trong lòng Nấm vẫn đang tràn ngập một tình yêu với anh. Nấm không thể gây cho anh một nỗi đau nào. Mỗi buổi tối khi Nấm đi ngủ Nấm đều nghĩ về anh với một sự đê mê. Nhiều lần Nấm đã muốn viết một truyện ngắn cho anh. Viết về kỉ niệm cho anh và Nấm. Để khi không còn anh nữa Nấm sẽ sống bằng hoài niệm về anh. Hoài niệm về một tình yêu của anh và Nấm. Hoặc ít ra không phải là tình yêu thì là cảm xúc anh đã mang đến cho Nấm để Nấm tưởng tượng đó là tình yêu. Cuộc sống không thể không có tình yêu. Nấm chưa viết là vì Nấm còn sợ các cơn đau mà khi viết hai truyện ngắn trước Nấm đã phải trải qua. Nấm sợ cơn đau sau sẽ đau hơn và Nấm không thể chống đỡ nổi.
Anh sắp về. Nấm sẽ được gặp anh một lần, hai lần hay ba lần rồi không còn được gặp nữa. Không còn cả những cú điện thoại. Nấm không còn được chờ mong nữa. Nếu có một lần vô tình gặp nhau ngoài đường thì đi qua như khôg quen biết. Hoặc anh vội vã quay đi. Đời ơi sao lại thế? Nấm không biết nước mắt đã rơi lã chã từ khi nào. Rồi đến lúc nức lên tức tuởi.
Nấm muốn khóc rất lâu. Bởi nước mắt rơi nhưng lòng lại rất đỗi dễ chịu. Khóc như đang hờn dỗi anh thôi. Nấm sẽ đi viết cho anh một lá thư dỗi hờn man mát. Nấm bật máy vi tính mở hộp thư. Bạn có một thư mới. Ôi anh vừa gọi điện cho Nấm xong lại viết thư ngay. Em. Anh thấy không yên tâm. Em không muốn gặp anh phải không? Sao thế? Có lần em nói em muốn quên anh đi. Ừ hãy quên anh đi em ạ. Anh chẳng có gì cho em nhớ đâu. Anh bình thường như mọi người khác thôi. Cố quên anh đi nhé. Khi nào về anh sẽ đến gặp em.
Anh định hôn em nhưng vì em đang cố quên anh thì thôi vậy.
Ngủ ngon em bé nhé!
Đọc thư của anh Nấm thấy lòng mình thật dịu dàng. Nấm định dỗi mát anh thì anh lại dỗi Nấm. Vậy anh yêu em thật lòng ư? Em sẽ viết về tình yêu của anh cho em nhé. Em chưa biết tình yêu thật sự như thế nào. Nó có giống như sự tưởng tượng của em không. Và nụ hôn nữa nó có giống như sự tưởng tượng của em không. Nhưng trong tim em đang đầy ắp cảm xúc yêu đương. Em biết rồi khi anh gặp em anh cũng như anh rể của em thôi. Nếu em là một cô gái hoàn hảo thì tình yêu của em dành cho anh sẽ là một sự ngọt ngào nhất trên đời. Nhưng em lại là một cô gái tật nguyền thì tình yêu đó sẽ là một sự ghê tởm phải không anh. Nhưng anh đã cho em giờ phút lãng mạn nhất. Em đã biết cách gìn giữ nó cho cuộc sống mai kia của em. Và em cũng còn biết cả cách tự mang tình yêu đến thoả mãn cho mình. Cuộc đời có rất nhiều nẻo để sống. Chắc gì cái cách nhân loại đang làm lại có chất lượng tốt hơn cách của em. Nhưng từ đáy con tim em, em vẫn muốn một lần được thực sự yêu anh, con người bằng xuơng bằng thịt chứ không phải là hoài niệm. Chứ không phải là bằng sự tưởng tượng ra. Em lại xa xỉ rồi. Cuộc đời không cho em nhiều thế đâu. Em sẽ viết tặng anh. Khi nào trống trải nhất em sẽ mang nó ra đọc lại.
Con chữ trào ra và Nấm chỉ việc gõ trên bàn phím.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.