Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ

CHƯƠNG III – TỪ ALEXANDRE TỚI AURENG-ZEB



I. CHANDRAGUPTA

Vua Alexandre vô Ấn Độ – Nhà giải phóng: Chandragupta – Dân chúng – Đại học Taxila – Cung điện – Một ngày của một ông vua – Một Machiavel thời cổ – Tổ chức hành chánh – Luật pháp – Y tế – Giao thông và chuyên chở, đường sá – Cơ quan hành chánh ở các thành thị

Năm 327 trước Công nguyên, Đại đế Hi Lạp Alexandre mới chiếm xong Ba Tư, xua quân qua đèo Hindoukouch tiến vô Ấn Độ. Trong một năm ông xông pha trong các tiểu quốc trù phú ở Tây Bắc, trước kia thuộc đế quốc Ba Tư, tới đâu cũng bắt dân chúng cung cấp lương thực cho đại quân của ông và đóng thuế cho ông. Đầu năm -326, ông vượt sông Indus, vừa đánh vừa tiến từ từ xuống phương Nam và phương Đông, qua các xứ Taxila và Rawalpindi. Ông gặp và đánh tan đạo quân của vua Porus gồm 30.000 bộ binh, 4.000 kị binh, 300 chiến xa và 200 thớt voi, giết 12.000 quân của Porus. Porus đã anh dũng chiến đấu tới cùng, cho nên khi ông ta đầu hàng, Alexandre vừa phục sự can đảm, vừa khen vóc dáng to lớn, tướng mạo đường đường lẫm liệt của ông, hỏi ông muốn được đối xử ra sao. Vua Porus đáp: “Alexandre, ông nên đãi tôi vào hàng quân vương”. Alexandre đáp: “Đành rồi, đó là chuyện của tôi, nhưng ông cho tôi biết ông muốn gì hơn cả”. Porus bảo Alexandre hỏi như vậy là đủ cho mình mãn nguyện rồi, không đòi gì nữa. Lời đáp đó làm cho Alexandre thích chí, và Alexandre cho Porus làm vua trọn phần Ấn Độ mà ông mới chiếm được. Từ đó, Porus phải lệ thuộc xứ Macédoine (tổ quốc của Alexandre) nhưng là đồng minh trung tín và cương nghị. Alexandre muốn tới biển đông – tức vịnh Bengale – nhưng quân sĩ không chịu tiến thêm nữa. Thuyết phục rồi giận dỗi cũng vô hiệu, ông đành phải nhượng bộ, kéo đoàn quân kiệt quệ trở về, mới đầu dọc theo bờ sông Hydaspe rồi theo bờ biển, ngược lên Gédrosie và Béloutchistan. Trong cuộc lui binh đó, ông qua nhiều miền có những bộ lạc bất qui phục và gần như ngày nào quân đội của ông cũng phải chiến đấu. Sau hai mươi tháng rút quân như vậy, trở về tới Suse thì đạo quân ông xua vào Ấn Độ ba năm trước, nay xơ xác, thiểu não.

Bảy năm sau Macédoine không còn giữ được chút quyền hành gì ở Ấn Độ nữa. Sở dĩ có sự thay đổi hoàn toàn đó là nhờ hoạt động của một nhân vật lãng mạn nhất trong lịch sử Ấn Độ, tài cầm quân kém Alexandre – dĩ nhiên – nhưng tài nội trị và ngoại giao thì vượt xa Alexandre: Chandragupta, vốn là một thanh niên quí tộc Kshatriya, bị quốc vương Nanda, có họ hàng với chàng, đày ra khỏi Magadha. Được Kautilya Chanakya, một người quỉ quyệt, giàu thủ đoạn, làm cố vấn, chàng tổ chức một đạo quân nhỏ, dẹp được hết các đồn quân Macédoine và tuyên bố Ấn Độ độc lập. Rồi chàng tiến về Pataliputra[1] kinh đô vương quốc Magadha, gây một cuộc cách mạng, chiếm ngôi báu và sáng lập triều đại Mauryan, triều đại này làm chủ Hindoustan và A Phú Hãn trong một trăm ba mươi bảy năm. Vừa can đảm vừa biết dùng mánh khoé khôn khéo của Kautilya, Chandragupta làm cho triều đại của ông thành mạnh nhất thời đó.
Khi Mégasthènes, với tư cách là sứ thần của Seleucus Nicator, vua Syrie, tới kinh đô Pataliputra, ông ngạc nhiên thấy một nền văn minh mà ông ta về khoe với các người Hi Lạp ngây thơ rằng không kém nền văn minh Hi Lạp chút nào – ta nên nhớ văn minh Hi Lạp thời đó toàn thịnh.

Mégasthènes đã lưu lại nhiều trang ca tụng đời sống ở Ấn đương thời, có lẽ ông ta hơi tô điểm một chút. Trước hết ông lấy làm lạ rằng Ấn không có chế độ nô lệ[2], và dân chúng chia làm nhiều tập cấp tuỳ theo nghề nghiệp, ông cho sự phân chia xã hội như vậy rất tự nhiên, hợp lí, chấp nhận được. Vị sứ thần đó bảo dân chúng sống sung sướng.

Vì cách thức họ bình dị mà đời sống của họ đạm bạc. Không khi nào họ uống rượu, trừ trong các buổi lễ tế thần… Luật pháp và cách lập khế ước của họ rất giản dị, chứng cớ là gần như không bao giờ họ ra toà. Họ không kiện cáo nhau vì các tờ hợp đồng hoặc vì cho vay mượn, họ không cần dùng con dấu hoặc người làm chứng vì họ tin nhau… Họ trọng đạo đức và tính thành thực… Đa số đất đai đều cày cấy, mỗi năm hai mùa… Vì vậy người ta bảo Ấn Độ chưa hề biết nạn đói kém, chưa bao giờ thiếu thức ăn cho dân chúng.

Thời Chandragupta, Bắc Ấn có khoảng hai ngàn thị trấn, và thị trấn cổ nhất là Taxila, cách thị trấn Rawalpindi hiện nay khoảng ba chục cây số về phía Bắc. Arrien bảo thị trấn đó “lớn và thịnh vượng”, Strabon bảo nó rộng và có nhiều luật lệ rất tốt. Nó vừa là một quân khu vừa là một đất văn vật vì nó có một địa vị rất quan trọng về phương diện chiến lược, ở trên con đường chính đưa sang Tây Á, mà lại có trường đại học lớn nhất đương thời Ấn Độ. Sinh viên mọi nơi đổ xô lại Taxila cũng như thời Trung Cổ họ đổ xô lại Paris, ở đó có những giáo sư giỏi nhất dạy đủ các môn nghệ thuật và khoa học, trường Y khoa Taxila nổi danh khắp phương Đông[3].

Mégasthènes đã tả Pataliputra, kinh đô của Chandragupta như sau: kinh đô dài khoảng mười lăm cây số, rộng ba cây số, cung điện nhà vua tuy cất bằng cây nhưng Mégasthènes cho là đẹp hơn các cung điện ở Suse và Ecbatane, và chỉ kém các cung điện Persépalis thôi. Cột đều bọc một lớp vàng, vẽ những hình chim và lá cây, trong cung bày những đồ đạc vàng son rực rỡ. Nền văn minh đó vẫn có chút vẻ khoe khoang đặc biệt của phương Đông, chứng cớ là có những bình lớn bằng vàng trực kính một thước tám mươi; một sử gia Anh sau khi nghiên cứu các tài liệu văn học hoặc hội hoạ, các cổ vật còn lại, kết luận rằng thế kỉ thứ IV và thứ III trước Công nguyên, nghệ thuật và kĩ nghệ của đế quốc Maurya không kém nghệ thuật và kĩ nghệ dưới thời các vua Mông Cổ mười tám thế kỉ sau.

Chandragupta dùng võ lực chiếm được ngôi rồi, sống trong cảnh vàng son rực rỡ của cung điện hai mươi bốn năm, chỉ đôi khi mới ra ngoài thành tiếp xúc với dân chúng, những lúc đó, bận bộ triều phục bằng lụa là thêu kim tuyến, ngồi trong một chiếc kiệu bằng vàng hoặc cưỡi một thớt tượng trang sức lộng lẫy. Trừ những buổi đi săn hoặc tiêu khiển, còn thì ông dùng hết thì giờ vào việc cai trị một quốc gia đương phát triển mạnh. Mỗi ngày của ông chia làm mười sáu khoảng, mỗi khoảng chín mươi phút.
Khoảng thứ nhất, ông thức dậy, trầm tư, khoảng thứ nhì ông đọc các bản điều trần của các đại thần rồi ban các mật lệnh, khoảng thứ ba ông họp với các nhà cố vấn trong một điện riêng, khoảng thứ tư, lo về vấn đề tài chính và binh bị, khoảng thứ năm, đọc các sớ thỉnh cầu của dân và xử án, khoảng thứ sáu dùng để tắm và ăn, khoảng thứ bảy thu thuế và các cống phẩm, bổ dụng quan lại, khoảng thứ tám lại họp nội các, nghe các lời báo cáo của bọn mật vụ và bọn triều thần cũng do thám cho ông, khoảng thứ chín dùng để nghỉ ngơi, tụng niệm, khoảng thứ mười và mười một dùng để giải quyết các vấn đề võ bị, khoảng thứ mười hai cũng nghe báo cáo mật, khoảng thứ mười ba để tắm và ăn bữa tối, ba khoảng cuối cùng, mười bốn, mười lăm và mười sáu để ngủ. Sự thực không chắc đã đúng như vậy, có lẽ đó chỉ là chương trình lí tưởng mà sử gia mong cho Chandragupta theo được hoặc muốn cho dân chúng tưởng rằng Chandragupta theo được. Các tin tức trong cung điện đưa ra ít khi đúng sự thật lắm.

Sự thực mọi quyền hành do viên đại thần quỉ quyệt Kautilya nắm hết. Kautilya vốn là một tu sĩ Bà La Môn, biết rõ giá trị của tôn giáo về phương diện chính trị, nhưng trong cách hành động lại không theo các qui tắc đạo đức, như các nhà độc tài hiện thời, ông ta cho rằng phương tiện nào cũng tốt miễn là có lợi cho quốc gia. Con người đó vô sở bất vi, tráo trở, nhưng rất trung tín với vua, ông ta hầu hạ Chandragupta trong cảnh lưu đày, trong cơn thất bại, trong thời mạo hiểm, bày mưu lập kế cho chủ để giết người, thắng trận, và nhờ thủ đoạn khôn khéo, làm cho đế quốc của chủ hoá mạnh nhất Ấn Độ thời đó, các thời trước cũng không bằng. Như Machiavel ở Ý thời Trung cổ, tác giả cuốn Prince, Kautilya nghĩ nên chép lại những thuật ông ta dùng trong chiến tranh và ngoại giao, theo truyền thuyết ông ta là tác giả cuốn Arthshastra, cuốn sách cổ nhất viết bằng tiếng Sancrit. Bảng liệt kê các cách ông đề nghị để chiếm một đồn đủ cho ta thấy óc thực tế của ông “tế nhị” ra sao. Các cách đó là “gian kế, dùng gián điệp, hối lộ bên địch, bao vây, xung phong”. Rõ ràng là ông ta muốn phí ít sức nhất. Cách trị dân của Chandragupta và viên tể tướng của ông không có tính cách dân chủ, nhưng triều đại đó vẫn là triều đại tốt nhất, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Ấn Độ. Akba, minh quân bậc nhứt của Mông Cổ “không so sánh được với Chandragupta và người ta có thể tin rằng không một thành thị Hi Lạp nào thời cổ được tổ chức khéo hơn”. Chính quyền rõ ràng là dựa trên sức mạnh của quân đội. Nếu lời của Mégasthènes đáng tin (nhưng có lẽ lời của ông cũng đáng ngờ như lời các phóng viên báo chí ngày nay ở ngoại quốc) thì Chandragupta có một đạo quân gồm 600.000 bộ binh, 30.000 kị binh, 9.000 thớt voi, và một số chiến xa không biết rõ là bao nhiêu. Nông dân và tu sĩ Bà La Môn được miễn dịch, Strabon bảo nông dân được yên ổn cày ruộng trong thời chiến. Theo nguyên tắc, quyền của nhà vua không bị hạn chế, nhưng sự thực một phần quyền hành thuộc về một hội đồng – có khi do nhà vua chủ toạ, có khi không – nhiệm vụ là thảo luật, quyết đoán về tài chánh, lo việc ngoại giao và bổ nhiệm cả vài chức lớn trong triều đình. Mégasthènes nhấn mạnh vào “tư cách cao thượng và sáng suốt” của các vị cố vấn đó mà nhiệm vụ trong chính quyền thật là quan trọng.

Nội các gồm nhiều bộ có quyền hạn rõ rệt và một số công chức đủ các cấp: các bộ đó lo việc thu thuế, đánh thuế quan, cấp giấy thông hành, giải quyết các vấn đề biên giới, giao thông, thuế gián thu, mỏ, canh nông, mục súc, thương mại, lâm sản, thuyền bè, kho chứa hàng, xưởng đúc tiền, cả vấn đề du hí trong dân gian và mãi dâm nữa. Chẳng hạn viên tổng giám đốc thuế gián thu kiểm soát việc bán thuốc men, rượu, quyết định cho mở bao nhiêu quán rượu, ở đâu, mỗi quán được bán bao nhiêu rượu. Viên tổng giám đốc mỏ định chu vi khai thác cho những người được phép, những người này phải nộp một số thuế nhất định là bao nhiêu đó cho triều đình và nộp cho ông ta một số tính theo lợi tức, về canh nông cũng gần gần như vậy vì theo nguyên tắc, đất thuộc về quốc gia hết. Viên tổng giám đốc du hí kiểm soát các sòng bạc, cung cấp các con thò lò, các sòng phải nộp thuế mới được dùng các con thò lò đó, ngoài ra còn nộp cho quốc khố 5% số lời. Viên tổng giám đốc mãi dâm coi chừng các gái điếm, coi chừng sự chi tiêu của họ, bắt họ phải nộp mỗi tháng hai ngày tiền họ kiếm được, ông ta còn nuôi hai ả trong cung để họ “tiếp đãi” khách khứa của ông và cũng để làm gián điệp cho ông nữa. Làm nghề nào cũng phải đóng thuế, ngoài ra triều đình thỉnh thoảng quyên tiền của bọn phú gia nữa. Triều đình định giá cả các món hàng, cứ đúng kì hạn kiểm soát xem thước và cân có đúng cách thức không; lập các xưởng quốc gia để chế tạo một số hoá phẩm nào đó; chính quyền còn bán rau và giữ độc quyền về mỏ, muối, gỗ, tơ lụa, ngựa và voi.

Tại các làng, chính các hương trưởng hoặc các panchayat – hương hội gồm năm hương chức – lo việc xử kiện, tại các thành phố, quận hoặc tỉnh, có những toà án thuộc nhiều cấp; tại kinh đô, Nội các lãnh nhiệm vụ của tối cao pháp viện, và nếu cần thì nhà vua sẽ xử các vụ chống án cuối cùng. Hình phạt rất nghiêm khắc: chặt tay, chặt chân, khổ hình và tử hình, thường thường là quyết định theo luật báo thù hoặc luật bồi thường. Nhưng chính quyền không phải chỉ lo trừng trị tội ác, mà còn săn sóc đến vệ sinh, y tế, mở nhiều dưỡng đường, nhiều cơ quan từ thiện, gặp những năm đói kém thì lấy thóc gạo, thức ăn trong kho ra phát chẩn, bắt buộc người giàu bố thí cho kẻ nghèo, và những năm kinh tế khủng hoảng, tổ chức các đại công tác cho dân thất nghiệp có công ăn việc làm.

Bộ giao thông trên thuỷ qui định sự chuyên chở bằng đường thuỷ, che chở các hành khách đi trên sông hoặc trên biển; tu bổ các cầu, hải cảng, giang cảng, đặt những đò đưa qua sông chỗ nào tư nhân không lập sẵn bến – lối tổ chức nửa công nửa tư đó rất tốt, một mặt các tổ chức tư nhân không bóc lột dân chúng được vì còn có sự cạnh tranh của chính phủ, một mặt, nhờ có những tổ chức tư nhân mà các tổ chức chính phủ không phung phí quá vì không được độc quyền mà phải cạnh tranh. Bộ giao thông trên bộ đắp và sửa tất cả các đường trong nước, từ những hương lộ dùng cho xe bò, nối làng nọ với làng kia, tới những thương lộ (đường để giao thông buôn bán) rộng mười thước và vương lộ (tức như quốc lộ) rộng gần hai chục thước. Một trong những vương lộ đó dài gần hai ngàn cây số, đưa từ kinh đô Pataliputra tới biên giới Tây Bắc, nghĩa là bằng nửa đường băng ngang Hoa Kì từ Đông qua Tây. Mégasthènes bảo bên bờ lộ, cứ cách ngàn rưỡi thước lại cắm một cây trụ ghi hướng đi về đâu và khoảng đường còn bao xa.
Cùng cách khoảng gần đều đều, người ta trồng cây có bóng mát bên lề đường, đào giếng, dựng các nhà trạm và các lữ điếm. Chuyên chở thì dùng xe bò, kiệu, xe trâu, ngựa, lạc đà, voi, lừa và phu phen. Đi bằng voi là cách thức sang nhất, chỉ hoàng tộc và các đại thần mới dùng, cách đó được dân rất ham mê và người ta cho rằng một con voi đáng quí hơn cái trinh tiết của đàn bà[4].

Việc hành chánh trong các thị trấn cũng tổ chức theo qui tắc phân phối các dịch vụ thành nhiều ti riêng biệt. Chẳng hạn kinh đô Pataliputra gồm một hội đồng gồm ba mươi nhân viên chia làm sáu ti. Một ti điều khiển kĩ nghệ, một ti lo về ngoại kiều, kiếm chỗ ở cho họ, hướng dẫn họ mà cũng dò xét sự di chuyển của họ, một ti giữ sổ sinh và sổ tử, một ti nữa cấp giấy phép cho thương nhân, qui định việc bán các sản phẩm tự nhiên, kiểm soát các đồ đo lường, một ti nữa kiểm soát việc bán hoá phẩm, một ti nữa đánh thuế 10% vào mọi việc giao dịch. Hawell bảo: “Tóm lại, ở thế kỉ thứ IV trước Công nguyên, Pataliputra có vẻ là một đô thị tổ chức và cai trị rất hoàn hảo theo những qui tắc tốt nhất của môn xã hội học”. Còn Vincent Smith thì khen: “Sự tuyệt hảo của các biện pháp đó đáng làm cho ta ngạc nhiên dù ta chỉ mới xét các đại cương mà thôi, nếu đi sâu vô chi tiết thì ta càng thán phục rằng ba trăm năm trước Công nguyên, làm sao Ấn Độ đã sáng lập và thực hành được một nền hành chánh như vậy”.

Chính quyền đó chỉ có mỗi một nhược điểm là chuyên chế, do đó luôn luôn phải dùng đến sức mạnh và mật vụ. Như mọi nhà cầm quyền chuyên chế, ngai vàng của vua Chandragupta rất lung lay, ông ta luôn luôn sợ một vụ nổi loạn, sợ bị ám sát. Đêm nào cũng phải đổi phòng ngủ, không dám ngủ hoài một phòng, và lúc nào cũng có vệ binh ở chung quanh. Theo truyền thuyết Ấn mà các sử gia châu Âu cho là đúng, có lần một nạn đói kém kéo dài quá (lời của Mégasthènes) làm cho nước điêu tàn, Chandragupta

thất vọng vì bất lực, không cứu nổi dân, thoái vị, sống cuộc đời khổ hạnh như các tín đồ Jaïn trong mười hai năm nữa rồi tuyệt thực để chết. Voltaire bảo: “Đành rằng xét cho cùng thì đời sống của một gã đưa đò có phần sướng hơn đời sống của một vị đại-thống-lãnh, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, nên chẳng cần phải phí công bàn”.

II. ÔNG VUA TRIẾT NHÂN

Açoka – Sắc chỉ tự do tín ngưỡng – Các nhà truyền giáo của Açoka – Sự thất bại của ông – Sự thành công của ông Bindusara, ông vua kế vị Chandragupta, chắc chắn là một người có cảm tình với giới trí thức. Vì người ta kể chuyện rằng ông ta xin Antiochus, vua Syrie, tặng ông ta một triết gia Hi Lạp; trong thư còn nói rõ rằng cần thứ triết gia Hi Lạp “chính hiệu”, giá cả bao nhiêu cũng không ngại. Đề nghị đó không có kết quả vì Antiochus kiếm đâu ra một triết gia để bán, nhưng Trời cũng không phụ lòng Bindusara, cho ông ta một người con trai triết nhân.

Bản đồ Béloutchistan

Açoka Vardhana lên ngôi năm 273 trước Công nguyên, làm chủ một đế quốc rộng lớn nhất từ trước chưa hề có ở Ấn Độ vì đế quốc đó gồm A Phú Hãn, Béloutchistan[5], toàn thể Ấn Độ ngày nay trừ miền Tamilakam, tức xứ của người Tamil, ở phía cực Nam bán đảo. Trong một thời gian, ông ta cai trị y như ông nội ông, Chandragupta, nghĩa là tàn ác đấy, nhưng đàng hoàng. Nhà sư Huyền Trang ở Trung Hoa qua thỉnh kinh, sống ở Ấn Độ nhiều năm (thế kỉ thứ VII sau Công nguyên), chép rằng dân chúng còn nhớ khám đường Açoka cho xây cất ở phía Bắc kinh đô, mà truyền thuyết gọi là “Địa ngục của Açoka”. Dân Ấn kể cho Huyền Trang rằng Açoka dùng đủ các cực hình có thể tưởng tượng được để tra tấn, trừng trị tội nhân. Nhà vua lại còn ra lệnh kẻ nào đã vô trại giam đó thì đừng để cho ra mà còn sống. Nhưng một hôm một vị thánh tăng lớ vớ vô cớ bước vô, bị liệng vào vạc dầu mà không chết. Viên cai ngục bèn báo cho Açoka, Açoka tới tức thì, nhìn tận mắt, thấy hiện tượng đó kì dị, tính quay ra thì viên cai ngục tâu rằng theo lệnh của nhà vua, không một kẻ nào được ra khỏi ngục mà sống, như vậy mới tính làm sao bây giờ? Açoka nhận lời đó là đúng bèn bảo liệng chính viên cai ngục vào vạc dầu.

Người ta còn bảo khi về tới cung điện, Açoka đổi tính hẳn đi, ra lệnh phá khám đường và sửa lại hình luật cho nhân đạo hơn. Đúng lúc đó ông ta hay tin quân đội mới đại thắng bộ lạc nổi loạn Kalinga, giết được mấy ngàn quân phiến loạn và bắt được một số lớn nữa làm tù binh. Açoka hối hận “vì cảnh cảnh chém giết tàn nhẫn đó mà làm cho bao nhiêu tù binh phải xa người thân của họ”. Ông bèn bảo thả hết các tù binh, trả đất lại cho bộ lạc Kalinga, lại còn gởi họ một bức thư xin lỗi nữa. Thật là một hành động vô tiền trong lịch sử, mà cũng gần như khoáng hậu nữa, vì đời sau rất ít người bắt chước ông. Rồi ông ta xin qui y, bận áo vàng trong một thời gian, không đi săn, không ăn mặn nữa, và theo con đường Bát chánh.
Ngày nay chúng ta khó mà biết được trong truyền thuyết đó phần nào hoang đường, phần nào đúng sự thực, chúng ta cũng không biết rõ được vì những lí do nào mà ông hành động như vậy. Có lẽ ông thấy đạo Phật đã phát triển mạnh, và nghĩ rằng những lời Phật dạy phải từ bi, yêu hoà bình có thể vừa ích lợi cho dân chúng lại giúp ông giảm được số cảnh sát, mật vụ đi chăng? Dù sao thì trong năm thứ mười một triều đại của ông, một loạt sắc lệnh được ban bố mà ai cũng nhận là những sáng kiến kì dị nhất chưa chính quyền nào nghĩ ra; ông lại đục khắc lên núi đá, lên cột các sắc lệnh đó viết theo thổ ngữ từng miền để bất kì người Ấn nào biết chữ cũng có thể đọc được. Người ta thấy nhiều sắc lệnh khắc trên núi đá ở nhiều nơi tại Ấn Độ, ngày nay mười cây cột lớn còn đứng vững và có thể định được vị trí của hai chục cây cột khác. Những sắc lệnh đó tỏ rằng nhà vua đã hoàn toàn tin lời dạy của đạo Phật và rán áp dụng nó vào việc trị nước, nghĩa là vào khu vực hoạt động khó đem nó ra thực hành nhất. Cũng như thể một quốc gia hiện đại (ở Tây Phương) nhất đán tuyên bố rằng sẽ đem đạo Ki Tô ra thực hành.

Những sắc lệnh đó rõ ràng chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng hình như không có khuynh hướng tôn giáo. Trong các sắc lệnh có chỗ nói tới một đời sống vị lai đấy, và chỉ điểm đó cũng cho ta thấy rằng tư tưởng, tín ngưỡng của Phật tử đã khác xa chủ trương hoài nghi của Phật Tổ rồi. Nhưng không có đoạn nào trong các sắc lệnh bảo dân phải thờ phụng một vị thần nào cả, chẳng những vậy, ngay đến Phật, cũng không bắt dân thờ nữa. Rõ ràng là các sắc lệnh không quan tâm tới thần học: sắc lệnh ở Sarnath bảo phải giữ sự hoà thuận trong các đền chùa, tăng hội và kẻ nào đề xướng sự li giáo làm cho tăng hội suy nhược thì sẽ bị tội; nhưng nhiều sắc lệnh khác bảo phải khoan dung về phương diện tôn giáo, trọng sự tự do tín ngưỡng. Phải bố thí cho các tu sĩ Bà La Môn cũng như các tăng đồ, không được mạt sát tín ngưỡng của người khác. Nhà vua tuyên bố rằng tất cả các thần dân đều là con cưng của ngài chẳng cần biết người nào theo tôn giáo nào, đối đãi với mọi người như nhau cả. Sắc lệnh số XII, khắc trên tảng đá, có một giọng mà ta tưởng là giọng của thời đại chúng ta:

Hoàng Thượng Chí Từ Chí Linh chào hết thảy các thần dân trong mọi giáo phái, dù là hạng tu hành khổ hạnh (ở trong hang) hay là hạng tu tại gia.

Hoàng Thượng không cho những tặng vật và những lời chào hỏi bề ngoài là quan trọng bằng cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái. Cái chủ yếu đó có thể tấn bộ theo nhiều hình thức, nhưng điều căn bản là phải giữ gìn lời ăn tiếng nói; không nên vô cớ đề cao giáo phái của mình, chê bai giáo phái của người.

Muốn chê bai thì phải có những lí do vững vàng vì tất cả các giáo phái khác đều có một khía cạnh nào đó đáng cho ta kính trọng.

Nếu giữ được như vậy thì vừa làm cho giáo phái của mình phấn khởi, vừa giúp được các giáo phái khác. Trái lại là làm hại giáo phái của mình và các giáo phái khác… Sự hoà thuận là điều đáng khen.

Cái “bản chất chủ yếu” đó đã được định nghĩa rõ hơn trong sắc lệnh người ta gọi là Sắc lệnh trên cột thứ nhì. “Đạo sùng kính là điều rất tốt, nhưng thế nào là sùng kính? Sùng kính là ít nghịch đạo, làm nhiều điều thiện, từ bi, khoan dung, thành thực và trong sạch”. Chẳng hạn Açoka ra lệnh cho các quan phải thương dân như con, dịu dàng kiên nhẫn với họ, không có lí do chắc chắn thì không được bắt giam, tra khảo họ; ông còn ra lệnh cứ đều đều đúng kì hạn phải đọc những chỉ thị đó trước công chúng cho mọi người biết.

Những sắc lệnh có tính cách khuyên răn đó có ảnh hưởng gì tới thái độ và ngôn hành của đại chúng không? Có lẽ nhờ những sắc lệnh đó mà giới luật ahimsa (không làm tổn thương sinh vật) được truyền bá rộng trong giới thượng lưu, họ ít ăn thịt, ít uống rượu hơn. Dĩ nhiên, Açoka, như mọi nhà cải cách chân chính, rất tin rằng những lời răn của mình khắc trên đá tất hiệu nghiệm; trong Sắc lệnh số IV khắc trên tảng đá, ông cho biết rằng ông đã gặt được những kết quả kì diệu và đoạn trần thuật dưới đây cho ta hiểu thêm giáo lí của ông:

Bây giờ do sự sùng đạo của Hoàng Thượng Chí Từ Chí Linh, tiếng vang của Đạo đã thay tiếng trống thúc quân… Một việc từ lâu đã không xảy ra, là ngày nay nhờ những cố gắng của Hoàng Thượng Chí Từ Chí Linh để truyền bá đạo, người ta nhận thấy số sinh vật bị hi sinh để tế thần mỗi ngày mỗi giảm hoài, số loài vật bị giết cũng giảm, dân chúng kính trọng cha mẹ và các tu sĩ Bà La Môn hơn, người ta nghe lời cha mẹ và ông già bà cả hơn. Cho nên có thể nói rằng về nhiều điểm, Đạo đã được tuân hành hơn, Hoàng Thượng Chí Từ Chí Linh sẽ gắng sức làm cho Đạo được tuân hành mỗi ngày mỗi nhiều hơn nữa.

Con, cháu của Hoàng Thượng Chí Từ Chí Linh sẽ gắng sức làm cho Đạo được tuân hành mỗi ngày mỗi nhiều hơn nữa, cho tới thời gian vô cùng.

Ông vua nhân từ đó quá tin lòng mộ đạo của con người và sự hiếu thuận của các con ông. Riêng phần ông, ông hăng say làm việc cho tôn giáo mới, tự xưng là Giáo chủ, tặng Tăng hội vô số tiền, cho xây cất
84.000 ngôi chùa và dựng ở khắp nơi trong nước nhiều dưỡng đường cho bệnh nhân, cả cho loài vật nữa. Ông phái các cao tăng đi truyền bá đạo Phật ở khắp Ấn Độ, Tích Lan, Syrie, Ai Cập, tới cả Hi Lạp nữa (có lẽ những cao tăng đó đã giúp cho dân chúng phương Tây sau này dễ chấp nhận luân lí Ki Tô), khi ông vừa mới mất thì nhiều phái đoàn khác đi truyền bá đạo Phật ở Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ và Nhật Bản[6]. Ngoài những hoạt động đó ra về tôn giáo, Açoka rất siêng năng trị nước, ông làm việc suốt ngày và ai cũng có thể vô yết kiến ông bất kì lúc nào để bàn về việc nước.

Tật lớn nhất của ông là sự tự cao tự đại, một nhà cải cách khó mà khiêm tốn được. Tật đó hiện rõ trong các sắc lệnh của ông và ông đáng là người anh tinh thần của Marc Aurèle[7]. Ông không biết rằng các tu sĩ Bà La Môn ghét ông và tìm mọi cách để hạ ông, cũng như các tu sĩ Thèbes (Ai Cập) đã hạ Ikhnaton ngàn năm trước. Không riêng các tu sĩ Bà La Môn bất bình, vì cấm giết sinh vật để cúng tế thì họ đâu còn được hưởng phần thịt nữa, mà các thợ săn, các người đánh cá cũng oán hận vì phải bỏ nghề nếu không thì có thể bị trừng trị nặng, ngay đến nông dân cũng bực tức vì luật “cấm đốt cỏ khô vì các sinh vật có thể có trong cỏ”. Thế là một nửa dân chúng chỉ mong cho Açoka chết phứt đi.

Huyền Trang bảo rằng theo truyền thuyết Phật giáo, về già, Açoka bị cháu nội và quần thần truất ngôi. Họ rút lần các quyền hành của ông, và ông đành phải thôi, không tặng được gì cho Tăng hội nữa. Ngay cả về phần ăn người ta cũng rút xuống hoài, tới một ngày nọ chỉ cung cấp cho ông mỗi bữa nửa trái analaka.

Nhà vua rầu rĩ nhìn phần ăn của mình rồi sai đem tặng cho các đạo huynh, có cái gì ông cũng đã tặng hết cho họ rồi. Nhưng sự thực chúng ta không biết chút gì về những năm cuối trong đời ông, cũng chẳng biết ông mất năm nào nữa. Chỉ một thế hệ là đế quốc của ông đủ tan rã như đế quốc của Ikhnaton (vua Ai Cập) thời trước. Đế quốc Magadha sở dĩ duy trì được là do truyền thống hơn là do sức mạnh, cho nên lần lần các tiểu quốc không chịu phục tòng “Vua của các vì vua” ở Pataliputra nữa. Dòng dõi Açoka vẫn còn làm vua Magadha cho tới thế kỉ thứ VII sau công nguyên nhưng triều đại Maurya do Chandragupta khai sáng đã tắt từ khi Brihadratha bị ám sát. Quốc gia mà mạnh là nhờ tư cách, tinh thần của con người chứ không nhờ lí tưởng.

Chúng ta có thể bảo rằng Açoka đã thất bại về phương diện chính trị, nhưng về phương diện khác ông đã thực hiện được một nhiệm vụ lớn nhất trong lịch sử. Trong khoảng hai trăm năm sau khi ông mất, đạo Phật lan tràn khắp Ấn Độ và bắt đầu xâm chiếm châu Á một cách hoà bình. Nếu, cho tới ngày nay, từ Kady ở đảo Tích Lan, tới Kamakura ở Nhật Bản, nét mặt an tĩnh của Đức Thích Ca còn gợi cho người ta khoan hồng với người đồng loại và yêu mến hoà bình, thì một phần là vì một người mơ mộng – có thể là một vị thánh, chưa biết chừng – đã có thời làm vua ở Ấn Độ.

III. HOÀNG KIM THỜI ĐẠI

Các cuộc xâm lăng – Các vua Kushan – Đế quốc Gupta – Pháp Hiển qua Ấn Độ – Văn học phục hưng – Hung Nô vô Ấn Độ – Harsha đại độ – Huyền Trang qua Ấn Độ thỉnh kinh

Suốt một thời gian gần sáu trăm năm từ khi vua Açoka băng cho tới khi Đế quốc Gupta thành lập, các kí tái và tài liệu Ấn Độ rất hiếm, thành thử cả một đoạn sử còn chìm trong bóng tối. Như vậy không có nghĩa rằng thời đó là thời các nhà cầm quyền theo chính sách ngu dân; nhiều trường Đại học như trường Taxila vẫn tiếp tục hoạt động, trong khi ở Tây Bắc Ấn Độ, ảnh hưởng của Ba Tư về kiến trúc, của Hi Lạp về điêu khắc, gây nên được một nền văn minh phồn thịnh theo dấu vết của vua Alexandre. Hai thế kỉ thứ II và thứ I trước Công nguyên, các dân tộc Syrie, Hi Lạp, Scythe tràn vào miền Pendjab, làm chủ miền này và tạo nên nền văn minh Hi Lạp – Bactriane[8] tồn tại ba trăm năm. Ở thế kỉ thứ I kỉ nguyên mà chúng ta có óc hẹp hòi gọi là kỉ nguyên Ki Tô, một bộ lạc ở Trung Á, bộ lạc Kushan, cùng một huyết thống với dân tộc Thổ (Turc), xâm chiếm Kaboul, rồi từ đô thị đó, thống ngự lần lần tất cả miền Tây Bắc Ấn Độ và một phần lớn Trung Á. Dưới triều vua Kanishka, ông vua hùng cường nhất của họ, nghệ thuật và khoa học rất tấn bộ, ngành điêu khắc Hi lạp – Phật giáo sản xuất được vài công trình đẹp nhất; ngành kiến trúc cũng tạo được những đền đài rực rỡ ở Peshawar, Talixa và Mathura. Charaka có công lớn với Y khoa, còn Nagarjuna và Ashvaghosha đặt cơ sở cho phái Mahayama (Đại thặng hoặc Đại thừa), nhờ đó mà đạo Phật truyền bá mạnh ở Trung Hoa và Nhật Bản. Kanishka chấp nhận mọi tôn giáo, mới đầu thờ đủ các thứ thần, sau cùng theo một phái Tân Phật giáo có tính cách thần thoại, thờ Thích Ca như một vị thần tối cao, dưới Ngài có vô số Bodhisattwa (Phật Bồ Tát) và Arhat (La Hán); ông ta lập một đại hội nghị Phật giáo, triệu tập các nhà thần học Phật giáo tới để thảo luận và định những tín điều cho tân tín ngưỡng, rồi ông cho truyền bá tín ngưỡng này; có thể coi ông là Açoka thứ nhì của Ấn Độ. Hội soạn 300.000 sutra (cách ngôn, lời kinh), hạ thấp triết lí Phật xuống cho bình dân hiểu được và tôn Đức Phật thành một vị thần.

Trong khoảng thời gian đó, Chandragupta I (không nên lộn với Chadragupta Maurya, cũng gọi là Chandragupta I) đã sáng lập triều đại các vua bản thổ Gupta. Người kế vị ông, Samudragupta, trị vì năm chục năm, nổi danh là một trong những minh quân bậc nhất suốt trong mấy ngàn năm lịch sử Ấn Độ. Ông thiên đô từ Pataliputra tới Ayodhya, chỗ xưa kia của Rama[9] trong thần thoại; xua quân và phái các quan thu thuế vô miền Bengale, miền Assam, miền Népal và miền Nam Ấn, ông dùng số tiền các nước chư hầu nộp cống để phát triển văn học, tôn giáo, khoa học và nghệ thuật. Chính ông, khi nào không cầm quân thì làm thơ và chơi đàn, vào hạng có tài. Con trai ông, Vikamaditya (Mặt trời của Uy quyền) tiến xa hơn nữa về võ bị cũng như về văn hóa, nâng đỡ kịch tác gia danh tiếng Kalidasa và qui tụ được ở kinh đô Ujjaïn một đám đông thi sĩ, triết gia, nghệ sĩ, bác học, học giả ưu tú. Dưới hai triều vua đó, Ấn Độ đạt tới một trình độ văn minh chưa hề có từ thời Phật Thích Ca và một sự thống nhất chính trị ngang với các triều đại Açoka và Akbar.

Trong tập kí sự về lần qua Ấn thỉnh kinh ở đầu thế kỉ thứ V sau Công nguyên, nhà sư Pháp Hiển đã ghi lại ít nét về văn minh Gupta. Ông là một trong số nhiều nhà sư Trung Hoa qua Ấn Độ trong thời đại hoàng kim đó, mà số người hành hương đó còn ít hơn số các thương nhân, sứ thần từ đông hoặc từ tây vượt các dãy núi cao để vô Ấn Độ, có người từ La Mã tới, làm cho Ấn được cái lợi tiếp xúc với các phong tục và tư tưởng ngoại quốc. Sau khi liều mạng vượt qua được các tỉnh phía Tây Trung Hoa, nhà sư Pháp Hiển ngạc nhiên rằng ở Ấn Độ, người ta yên ổn đi khắp nơi được, không gặp một tên trộm cướp, không bị ngăn cản, ức hiếp. Ông cho chép trong tập nhật kí rằng ông mất sáu năm mới tới Ấn Độ, ở Ấn sáu năm nữa, rồi mất ba năm nữa để trở về Trung Hoa theo đường biển, đi ngang qua Tích Lan và Java. Ông thán phục sự giàu có, thịnh vượng, đức hạnh và hạnh phúc của dân Ấn, thán phục sự tự do mà họ được hưởng về phương diện xã hội và tôn giáo. Ông ngạc nhiên về sự rộng lớn, đông đúc của các đô thị, nhất là đâu đâu cũng có những nhà thương thí và mọi cơ quan từ thiện[10].[11] Bức tranh ông lưu lại về Ấn Độ thực là nên thơ, trừ chuyện chặt bàn tay mặt:

Dân trong xứ đông mà sung sướng, không phải theo một nghi thức hành chánh nào cả mà cũng chẳng phải tuân một vị phán quan nào; chỉ những người cày cấy đất của nhà vua là phải nộp cho Quốc gia một phần lợi tức thôi. Muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở. Nhà vua trị dân mà không bao giờ xử trảm ai, cũng không phải dùng đến thể hình. Tội nhân chỉ phải đóng một số tiền phạt, ngay như tái phạm tội phản nghịch mà cũng chỉ bị chặt bàn tay mặt thôi… Trong khắp nước, không một người nào giết một sinh vật nào, và họ không ăn tỏi, ăn hành. Chỉ trừ những người Chadala… Xứ đó không nuôi heo, gà mái, cũng không bán gia súc, ở chợ không thấy bán thịt, quầy rượu.

Pháp Hiển còn nhận thấy rằng các tu sĩ Bà La Môn, từ thời Açoka không còn các vua triều đại Maurya hậu đãi nữa, lại bắt đầu giàu có, hống hách trở lại dưới triều đại Gupta. Họ phục hồi lại truyền thống văn học thời tiền – Thích Ca và đương làm cho tiếng Sanscrit thành một thứ “thế giới ngữ” cho khắp các nhà trí thức Ấn Độ. Nhờ ảnh hưởng của họ và nhờ sự khuyến khích, bảo trợ của Triều đình, mà các anh hùng ca Mahabharata và Ramayana được viết thành hình thức lưu lại hiện nay. Cũng ở dưới triều đại đó, nghệ thuật Phật giáo đạt tới mức cao nhất nhờ các bích hoạ trong các hang Ajanta. Theo ý kiến một học giả Ấn hiện đại thì “nội những tên Kalidasa và Varahamihira, Gunavarman và Vashubandu cũng đủ làm cho thời đại đó thành hoàng kim thời đại của văn minh Ấn Độ rồi”. Havell bảo: “Một sử gia vô tư, không thể nào không nghĩ rằng sự cai trị của người Anh nếu làm cho Ấn Độ được hưởng lại những lợi ích tổ tiên họ đã hưởng ở thế kỉ thứ V sau Công nguyên, chỉ làm được bấy nhiêu thôi thì cũng là thành công nhất rồi”.

Kỉ nguyên rực rỡ của văn hóa Ấn Độ đó bị cuộc xâm lăng của Hung Nô làm gián đoạn, dân tộc này thời đó tàn phá châu Á và châu Âu, diệt trong một thời gian Đế quốc Ấn Độ và Đế quốc La Mã. Trong khi Attila (A-Đề-Lạp) tàn phá châu Âu thì Toramana chiếm Malwa, và Mihiragula tàn nhẫn kinh khủng, cướp ngôi của các vua Gupta. Ấn Độ phải chịu cảnh nô lệ và hỗn loạn trong một thế kỉ. Rồi một hậu vệ của giòng Gupta, vua Harsha-Vardhana giành lại được Bắc Ấn, dựng kinh đô ở Kanauj và trong bốn mươi hai năm, lặp lại được cảnh thanh bình trong một vương quốc rộng lớn, văn học và nghệ thuật lại bắt đầu đâm bông. Theo truyền thuyết thì khi bọn xâm lăng Hồi giáo chiếm Ấn Độ vào năm 1018 sau Công nguyên, chúng tàn phá một vạn ngôi đền ở Kanauj, như vậy thì kinh đô Kanauj rộng rãi, thịnh vượng và rực rỡ biết bao – nhưng truyền thuyết đó khó tin được. Những công viên đẹp đẽ, những hồ tắm miễn phí chỉ là một phần những ân huệ của triều đại mới. Chính Harsha là một trong số rất hiếm minh quân làm cho người ta nghĩ rằng chế độ quân chủ là chế độ hoàn hảo nhất – trong một thời gian. Ông là một người đủ tài đức, đẹp trai, làm những bài thơ, soạn những vở kịch mà hiện nay người Ấn còn đọc. Nhưng tài văn thơ đó không làm hại tài trị nước của ông. Huyền Trang bảo: “Ngài làm việc không biết mệt, thấy ngày ngắn quá, Ngài tận tuỵ với việc nước tới nỗi quên ngủ”. Mới đầu ông theo giáo phái Shiva, sau cải giáo, theo đạo Phật, thành một Açoka, cũng mộ đạo và có công với đạo như Açoka. Ông cấm dân chúng ăn thịt, dựng trong lãnh thổ của ông những tha-la cho khách bộ hành nghỉ chân, và cất trên bờ sông Gange mấy ngàn điện Phật nhỏ gọi là “tope”.

Huyền Trang, nhà sư đi thỉnh kinh nổi tiếng nhất của Trung Hoa, bảo rằng Harsha cứ năm năm lại tổ chức một đại lễ để bố thí. Ông mời đại diện tất cả các tôn giáo, gọi tất cả những người nghèo khổ trong nước lại. Ông có thói quen, trong quốc khố còn chứa bao nhiêu tiền thuế dành dụm từ đại lễ lần trước (nghĩa là năm năm trước), lần này đem ra bố thí hết. Huyền Trang ngạc nhiên thấy biết bao nhiêu vàng bạc, tiền và nữ trang, tơ lụa gấm vóc chất đống trong một khoảng rộng, chung quanh có cả trăm cái lều chứa cả ngàn người. Ba ngày đầu cúng bái, tụng kinh, ngày thứ tư bắt đầu bố thí. Theo lời vị cao tăng đó – có vẻ không tưởng tượng nổi – hàng vạn tăng được cấp thức ăn thức uống, rồi được tặng mỗi người một viên ngọc trai, y phục, hoa, dầu thơm và trăm đồng tiền. Các tu sĩ Bà La Môn cũng được hậu tặng gần như vậy, rồi tới các tu sĩ Jaïn, rồi tới các tu sĩ khác, sau cùng tới lượt các người nghèo không theo một tôn giáo nào, những trẻ mồ côi trong nước. Có khi bố thí tới ba bốn tháng mới hết. Sau cùng chính nhà vua Harsha cởi hết y phục rực rỡ, lột hết vàng bạc châu báo đeo trong mình để phân phát.

Theo kí sự của Huyền Trang thì dân Ấn thời đó mộ đạo một cách hoan hỉ, ai thấy cũng thích. Danh tiếng Ấn Độ thời đó vang lừng ở ngoại quốc, chẳng vậy mà một nhà vọng tộc Trung Hoa từ bỏ cảnh phú quí, mạo hiểm qua các tỉnh miền Tây Trung Hoa, thời đó còn bán khai, qua Tachkent và Samarcande (một thành phố rất phồn thịnh), vượt dãy núi Hymalaya để tới Ấn Độ siêng năng học trong ba năm ở tu viện Nalanda (Na-Lan-Đà). Ông vừa là một nhà quí phái, vừa nổi danh học rộng biết nhiều, nên tới đâu cũng được các vua chúa tiếp rước long trọng.

Khi Harsha hay tin Huyền Trang đương ở triều đình Kumara, quốc vương xứ Assam, ông ra lệnh cho Kumara cùng với Huyền Trang lại yết kiến ông ở Kanauj. Mới đầu Kamura từ chối, bảo Harsha có thể chặt đầu mình chứ không thể cướp vị quốc khách của mình được. Harsha đáp: “Ta muốn cái thủ cấp của nhà vua đấy”. Thế là Kamura phải tới. Thấy cử chỉ, ngôn ngữ cao nhã, sức hiểu biết siêu quần của Huyền Trang, Harsha kính trọng liền, tập hợp một đám cao tăng Ấn để nghe Huyền Trang thuyết pháp về Đại thặng. Huyền Trang viết luận đề rồi treo ở cửa đền, chỗ sẽ có cuộc tranh biện, và theo thói thời đó, thêm một câu rằng: “Ai thấy trong luận đề có chỗ nào không vững, và bác được thì tôi xin đưa đầu cho mà chặt”. Cuộc tranh biện kéo dài mười tám ngày, và theo lời Huyền Trang, ông thắng được mọi người, làm cho những kẻ theo tà giáo phải luống cuống. (Theo một thuyết khác thì các người tranh biện với ông thấy thắng không được, nổi lửa đốt ngôi đền). Sau biết bao gian nan nữa, ông trở về tới Trung Hoa[12], được một minh quân Trung Hoa [vua Đường Thái Tôn] tiếp đón long trọng, các kinh Phật mà vị thánh kiêm Marco Polo đó thỉnh ở Ấn Độ về, được chứa trong một ngôi chùa đẹp đẽ và ngày đêm, một nhóm Cao tăng bác học được nhà vua phái tới, giúp ông cùng dịch[13].

Nhưng danh vọng của triều đại Harsha phù du và giả tạo vì chỉ dựa vào sự khôn khéo và đức độ của một ông vua, mà vua chẳng phải chết? Harsha băng rồi, một kẻ tiếm ngôi, và cái bề trái của chế độ quân chủ lại hiện rõ. Ấn Độ phải trải qua gần một ngàn năm hỗn loạn. Ấn Độ cũng có thời Trung cổ suy đồi như châu Âu, cũng bị các rợ xâm lăng, chia cắt, tàn phá. Phải đợi tới khi đại vương Akbar xuất hiện, cảnh thái bình và thống nhất mới được phục hồi.

IV. LỊCH SỬ RAJPUTANA

Các “võ sĩ” Ấn Độ – Thời đại các hiệp sĩ – Thành Chitor thất thủ

Trong suốt thời đại u ám đó, chỉ có công nghiệp anh hùng của miền Rajputana là chiếu bừng lên một lát. Miền đó gồm những tiểu quốc tên rất du dương: Mewar, Marwar, Amber, Bikaner vân vân… Dân chúng, một nửa là người bản xứ, một nửa là hậu duệ các dân tộc xâm lăng Scythe hay Hung Nô, đã dựng nên một nền văn minh phong kiến, các “rajah” (tiểu vương Ấn Độ) của họ hiếu chiến và chỉ nghĩ tới nghệ thuật hưởng thụ chứ không nghĩ tới bồi dưỡng nghệ thuật. Mới đầu họ chịu phục tòng các vua Maurya và Gupta, rồi sau biết bảo vệ sự độc lập của họ, và của toàn thể Ấn Độ khi các rợ Hồi giáo vô cõi. Các thị tộc của họ chiến đấu rất anh dũng, ít miền khác nào bằng[14]. Theo Tod, sử gia tán dương họ, thì mỗi người đàn ông là một Kshatriya bất khuất và mỗi đàn bà là một nữ kiệt. Tên của dân tộc họ, Rajput, có nghĩa là “con vua”, và đôi khi họ gọi xứ họ là Rajasthan, tức “xứ của vua chúa”.

Tất cả cái điên khùng và tất cả cái thi vị của thời hiệp sĩ Trung cổ châu Âu – can đảm, trung tín, mê nhan sắc phụ nữ, tranh nhau, chém giết nhau, đầu độc, ám sát nhau – tất cả những cái đó đều có đủ trong lịch sử của xứ anh dũng Rajputana. Sử gia Tod bảo: “Các thủ lãnh Rajpute có đủ các đức hiệp sĩ châu Âu mà trí tuệ còn hơn nhiều”. Phụ nữ của họ rất khả ái, đàn ông sẵn sàng hi sinh cho đàn bà mà đàn bà cho sự tự hỏa thiêu để chết theo chồng là một phép lịch sự chứ không có gì đáng khen. Một số ít phụ nữ có văn hóa cao, vài rajah là thi sĩ hoặc nhà bác học nổi danh, thỉnh thoảng vẽ những bức hoạ rất đẹp bằng màu pha nước theo kiểu Ba Tư thời Trung cổ. Trong bốn thế kỉ họ gom góp được không biết bao nhiêu vàng bạc châu báo tới nỗi có thể trong một ngày tiêu một số tiền bằng bốn trăm triệu quan hiện nay[15] vào lễ đăng quang.

Họ hãnh diện rằng coi chiến tranh là nghệ thuật tối cao và một số nhà quí phái Rajpute thì không nên làm nghề gì khác nghề võ, đó là bi kịch của lịch sử họ. Nhờ tinh thần thượng võ đó họ chống cự nổi với bọn Hồi giáo và khét tiếng là anh dũng[16], nhưng đồng thời họ cũng ham gây lộn với nhau quá, nội chiến lung tung, các tiểu quốc chia rẻ nhau, yếu đi, và khi gặp nạn ngoại xâm, mặc dầu họ chiến đấu can đảm mà cũng không tự cứu được. Chuyện thành Chitor – một trong những kinh đô của họ – thất thủ, do Tod kể lại, đọc cũng say mê như truyện hoang đường Athur hoặc truyện Charlemagne, vì tài liệu đều mượn của các sử gia Rajpute, những người quá yêu nước, chắc là không chép hết sự thực, cho nên bộ sử Rajasthan có lẽ cũng chỉ là những truyện hoang đường như La Mort d’Arthur hoặc La chanson de Roland. Theo người chép sử, tướng Hồi xâm lăng Alau-d-din không muốn chiếm thành Chitor mà muốn chiếm công chúa Pudmini – “danh hiệu này chỉ để tặng người đẹp nhất trong nước” – Viên tướng Hồi bảo sẽ rút quân, không bao vây thành Chitor nữa nếu viên phụ chánh chịu dâng công chúa cho hắn. Viên phụ chánh không chịu, hắn lại đề nghị sẽ rút quân nếu chỉ cho hắn được thấy mặt công chúa thôi, cũng lại từ chối nữa, sau cùng hắn chỉ xin được thấy cái bóng của công chúa trong gương thôi, như vậy mà cũng bị từ chối nữa. Chẳng những vậy, các phụ nữ Chitor cũng tiếp sức chồng con để bảo vệ đô thành và đàn ông Rajpute thấy mẹ và con gái chết trong chiến tranh bên cạnh mình thì càng hăng mà chiến đấu tới người cuối cùng. Khi Alau-d-din vô được Chitor thì trong thành không còn lấy một người sống sót, bao nhiêu đàn ông đều chiến đấu mà chết hết, còn những phụ nữ nào không ngả gục bên cạnh chồng con thì theo tục Jokur ghê gớm, tự chất củi, châm lửa để thiêu mình.

V. THỜI CỰC THỊNH CỦA PHƯƠNG NAM

Các vương quốc miền Deccan – Vijayanagar – Krishna Raya – Một Mẫu quốc thời Trung cổ – Luật pháp – Nghệ thuật – Tôn giáo – Hí kịch

Bọn xâm lăng Hồi càng tiến sâu vô thì văn hóa Ấn Độ càng lùi xuống phương Nam, thành thử tới cuối thời Trung cổ, chỉ ở miền Deccan là còn thấy những nét cao nhã nhất của nền văn minh Ấn Độ.

Trong một thời gian, bộ lạc Chalyuka còn duy trì được nền độc lập của vương quốc vắt ngang qua Trung Ấn, từ bờ biển bên đây qua bờ biển bên kia, dưới triều Pulakeshin II, vương quốc đó khá vinh quang và hùng cường để thắng được Harsha, làm cho Huyền Trang phải phục và sứ thần Ba Tư Chosroès II phải tỏ lòng tôn kính. Chính dưới triều đại đó, trong vương quốc của Pulakeshin, xuất hiện những bức hoạ quan trọng nhất của Ấn Độ, tức những bích họa Ajanta. Ngai vàng của Pulakeshin bị vua Pallava lật đổ, và ông vua này thống trị Trung Ấn trong một thời gian ngắn. Ở cực Nam, và từ thế kỉ thứ I, các bộ lạc Pandya đã thành lập một vương quốc gần Madura, Tinnevelly và vài phần của Travancore, họ xây cất ở Madura một đền thờ vĩ đại và vô số công trình kiến trúc nhỏ hơn, làm cho Madura thành một trong những đô thị đẹp nhất thời Trung cổ Ấn Độ. Nhưng rồi họ bị các bộ lạc Chola đánh tan, sau bị bọn Hồi xâm chiếm. Người Chola cai trị cả hai miền từ Madura tới Mabras, phía Tây tiến tới Mysore. Họ đã xuất hiện từ thời Thượng cổ vì trong các sắc lệnh của Açoka có nói tới họ, nhưng tới thế kỉ thứ IX chúng ta không biết gì về họ cả, thế kỉ này họ mới thịnh lên, mở màn cho một loạt xâm lăng và tất cả các tiểu vương Nam Ấn, cả Tích Lan nữa, phải triều cống họ. Rồi họ suy lần và phải lệ thuộc quốc gia lớn nhất miền Nam, Vijayanagar[17].

Vijayanagar – tên này vừa là tên một vương quốc, vừa là tên một kinh đô – gợi cho ta niềm hoài cảm về sự phù du của vinh quang và tính mau quên của loài người. Thời cực thịnh, nó gồm các tiểu quốc hiện nay của bán đảo, kể cả Mysore và Madras. Muốn biết thời đó nó thịnh ra sao chỉ cần nhớ rằng vua Krishna Raya, trong trận Talikota, chỉ huy 703.000 bộ binh, 32.600 kị binh và 551 thớt voi, chưa kể mấy trăm ngàn người, nào là con buôn bán đồ vặt, theo quân đội, gái điếm và cả một bọn giang hồ thời xưa thường bu chung quanh một đạo quân ra mặt trận. Chính sách chuyên chế dịu bớt nhờ cái lệ cho các làng tương đối tự trị và nhờ thỉnh thoảng có được một minh quân nhân từ. Krishna Raya thống trị Vijayanagar ngang thời vua Henri VIII ở Anh[18] và có thể so sánh với ông vua cực đa tình này. Ông công bằng, đại độ, bố thí nhiều, tôn trọng tự do tín ngưỡng, yêu và khuyến khích văn chương, nghệ thuật, tha tội cho kẻ địch bại trận, không phá thành thị của địch, và siêng năng trị nước. Một nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Domingo Paes (1522)[19], viết về ông như sau:

Ông là ông vua hoàn toàn nhất, được dân kính sợ nhất; tính tình vui vẻ, ông tiếp đãi các người ngoại quốc một cách niềm nở, lễ độ… Đáng là một đại vương, rất công bằng nhưng thỉnh thoảng phát cơn thịnh nộ lên… Ông uy nghiêm hơn hết thảy các vua khác, quân đội rất đông, đất đai rất rộng, nhưng có tài như ông thì đáng lẽ kho tàng của ông phải phi thường chứ, vậy mà hình như không có là bao. Ông hoàn toàn về mọi mặt.

Kinh đô của ông thành lập năm 1336, có lẽ là đô thị giàu nhất Ấn Độ cho tới thời đó. Nicolo Conti[20] lại thăm thành đó vào khoảng 1420, bảo rằng chu vi dài non trăm cây số, Paes khen là “lớn bằng thành La Mã và rất đẹp”, và có “nhiều hoa viên, nhiều ống nước”, vì các kĩ sư đã đắp trên sông Tungabadra một cái đập lớn, tạo thành một hồ chứa nước, rồi đặt một cống nước dài hai mươi bốn cây số đưa nước về thành, có chỗ phải đục núi mấy cây số cho cống nước qua. Abdu-r-Rajzzad thăm kinh đô đó năm 1443, bảo “khắp thế giới, chưa trông thấy mà cũng chưa nghe thấy nói có một thành phố nào được như vậy”.

Paes bảo “sự cung cấp thực phẩm ở đây hoàn hảo nhất thế giới, thứ gì cũng có”. Cũng theo ông ta, thành phố có trên một trăm nghìn nóc nhà nghĩa là dân cư tới nửa triệu. Ông ta ngạc nhiên thấy trong một lâu đài nọ có một phòng cất toàn bằng ngà, “rực rỡ, đẹp đẽ lạ thường, khó mà thấy một phòng thứ hai như vậy”. Khi vua Hồi giáo[21] ở Delhi là Firoz Shah cưới con gái của vua Vijayanagar – lễ cưới cử hành tại kinh đô Vijayanagar – thì khắp con đường dài mười cây số trải toàn là nhung, sa tanh, nỉ thêu kim tuyến và các thứ hàng quí khác. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng anh chàng nào đi xa về cũng nói khoác.

Đám thần dân ở dưới gồm nông nô và lao động sống lúc nhúc trong cảnh nghèo khổ, mê tín; nhưng luật lệ rất nghiêm khắc tới tàn nhẫn nên họ không dám gian manh, tương đối lương thiện trong thương mại. Hình phạt có nhiều đẳng: bị chặt chân, chặt tay, bị voi giày, bị chặt đầu, hoặc bị đóng cọc vào đít lên tới ruột khi còn sống hoặc bị móc sắt vào cằm rồi treo lên cho tới khi chết; bọn cướp đường bị trừng trị theo lối đó. Mãi dâm không bị cấm, và triều đình đặt ra qui chế, kiểm soát để thu thuế. Abdu-r-Razzad bảo: “Trước sở đúc tiền là toà thị chánh, viên thị trưởng có 12.000 cảnh sát mà tiền lương đều do thuế mãi dâm đài thọ. Những hồng lâu đó trang hoàng rực rỡ, ả nào ả nấy rất đẹp, có tài tán tỉnh đưa tình làm cho quan viên mê mệt, không bút nào kể xiết”. Xét chung thì đàn bà phục tòng chồng, khi chồng chết thì tuẫn tiết, có khi tự thiêu sống nữa.

Dưới triều các Raya, vua Vijayanagar, văn học thịnh vượng; tác phẩm viết bằng tiếng sanscrit, ngôn ngữ cổ điển, và tiếng Telugu, thổ ngữ miền Nam. Krishna không những trọng đãi thi sĩ, chính ông cũng là thi sĩ, và thi sĩ ở triều đình được ông mến nhất, Alasani-Peddana, là một trong những “thi sĩ rong” ca tụng chiến công anh hùng, nổi tiếng nhất của Ấn Độ. Hoạ và kiến trúc phát triển mạnh, người ta xây cất những đền vĩ đại mà mặt đá gần như chỗ nào cũng chạm trổ. Đạo Phật đã mất ưu thế, một giáo phái Bà La Môn riêng thờ thần Vichnou được nhiều người theo hơn cả. Không khi nào giết bò cái vì coi là linh vật, nhưng có giết những loài khác để tế thần và dân chúng cũng ăn thịt trâu, ngựa, dê, gà. Tôn giáo có tính cách tàn bạo mà cử chỉ lại phong nhã.

Tất cả sức mạnh và sự xa hoa đó bị tiêu diệt trong có một ngày. Các dân tộc Hồi xâm lăng cứ tiến chầm chậm về phương Nam, thình lình vua Hồi các xứ Bijapur, Ahmadnagar, Golconde và Bidar hợp lực để chiếm nốt cái góc mà các vua Ấn còn giữ được. Liên quân của họ gặp đạo quân non nửa triệu của Rama Raja ở Talikota[22], nhưng quân Hồi còn đông hơn nữa và thắng được. Rama Raja bị bắt và chặt đầu trước mắt quân Ấn, quân Ấn thất vọng, đào tẩu hết. Trong cuộc rút lui vội vàng đó, non năm trăm ngàn quân Ấn bị giết, máu đỏ cả dòng sông trong miền. Quân Hồi vô kinh đô cướp bóc được biết bao nhiêu của cải tới nỗi “bất kì tên lính nào cũng hóa giàu, có vàng, có đồ tư trang, vải vóc, lều, ngựa và nô lệ”. Cướp bóc, luôn năm tháng trời: dân vô tội cũng bị giết, giết hết, và vơ vét các kho lẫm, các cửa tiệm hết nhẵn rồi họ tàn phá các cung điện, đền đài, kiên nhẫn huỷ từng bức tranh, bức tượng, sau cùng họ cầm đuốc đi khắp các đường phố, gặp cái gì cháy được là đốt cho rụi mới thôi. Khi họ rút lui, Vijayanagar hoang tàn như sau một cơn động đất, không còn một phiến đá nào lành. Thực là một cuộc tàn phá hoàn toàn, dữ dội, đặc biệt của sự xâm lăng ghê gớm mà người Hồi đã bắt đầu từ ngàn năm trước, bây giờ thì hoàn thành.

VI. CUỘC XÂM CHIẾM CỦA NGƯỜI HỒI

Ấn Độ suy nhược – Mahmud de Ghazni – Triều đại Hồi ở Delhi – Công trình văn hóa – Chế độ tàn nhẫn của họ – Bài học của lịch sử Ấn Độ

Suốt lịch sử nhân loại có lẽ không có trang nào đẫm máu bằng trang sử Hồi xâm chiếm Ấn Độ. Đọc nó ta đâm ra chán nản vì thấy rằng văn minh là cái gì rất mong manh, cái thế thái bình bấp bênh, trật tự mà lại tự do, văn vẻ đó có thể bị phá huỷ bất kì lúc nào, do những kẻ dã man ở ngoài vô, có khi do những quân dã man sinh ra ở ngay trong xứ nữa. Người Ấn Độ đã phí sức trong các cuộc tranh biện và nội chiến, họ đã theo đạo Phật và đạo Jaïn, mà những đạo đó không hợp với sự tranh đấu dũng cảm cần thiết cho đời sống; họ lơ là với việc phòng vệ biên cương và kinh đô, bảo vệ của cải và tự do, và các dân tộc Scythe, Hung Nô, A Phú Hãn, Thổ rình rập ở chung quanh, lúc nào thấy tinh thần quốc gia của Ấn giảm xuống là xông vô liền. Trong bốn trăm năm (600-1000), Ấn Độ là cái mồi nhử họ, và sau cùng cuộc xâm lăng xảy ra.

Lần tấn công đầu tiên chỉ là một cuộc nhập khẩu ngắn ngủi do Multan chỉ huy, đánh thốc vào miền Tây Pendjab rồi rút về (664 sau Công nguyên). Trong ba trăm năm, tiếp theo nhiều cuộc nhập khẩu khác, hậu quả là người Hồi chiếm được thung lũng Indus, gần đúng vào lúc người Ả Rập thua ở Poitiers (732 sau Công nguyên), hết làm chủ châu Âu. Nhưng cuối thế kỉ thứ X, người Hồi mới thực sự xâm chiếm Ấn Độ.

Năm 997, một thủ lãnh Thổ tên là Mahmud làm vua tiểu quốc Ghazni, ở miền Đông A Phú Hãn. Hỡi ơi, ông ta thấy rằng vương quốc của mình trẻ trung quá mà lại nghèo, còn Ấn Độ ở bên kia biên giới thì đã già cỗi mà lại giàu, thế là lòng tham của ông nổi lên. Viện cái cớ thiêng liêng là để diệt thói sùng bái ngẫu tượng ở Ấn[23], ông ta dắt một đạo quân thờ cái “đạo” cướp bóc, vượt biên giới Ấn. Ông ta đánh tan đạo quân Ấn không chuẩn bị kĩ ở Bhimnagar, tàn phá các thành thị, đền chùa và chở về nước không biết bao nhiêu của cải người Ấn đã tích luỹ trong mấy thế kỉ. Về tới Ghazni, ông ta trải các của cướp bóc được cho các sứ thần ngoại quốc coi, làm cho bọn này ngạc nhiên, vô cùng tán thưởng: thôi thì đủ hết “đồ tế nhuyễn, các viên ngọc trai, hồng ngọc lấp lánh như nước hoà với rượu rồi đông lại, các viên ngọc bích y như trái sim[24], và những viên kim cương lớn bằng trái lựu”.

Từ đó, quen mùi, mỗi mùa đông ông ta lại đem quân xuống Ấn Độ, vơ vét cho đầy kho tàng của ông và cho quân lính thả cửa giết chóc, cướp bóc, qua mùa xuân lại trở về kinh đô, càng ngày càng giàu có hơn. Ở Mathura (trên bờ sông Jumna) ông ta vô một ngôi đền, khiêng hết các tượng nạm vàng và ngọc, vàng, bạc, đồ thờ cũng vơ hết; ông ta ngạc nhiên sao mà kiến trúc của ngôi đền vĩ đại thế, tính phỏng rằng muốn xây cất lại thì phải tốn một trăm triệu dina[25] và làm việc trong hai trăm năm; vậy mà ông ông sai quết thạch du[26] lên, đốt cho cháy rụi mới thôi. Sáu năm sau ông ta cướp phá một thành phố trù phú khác ở Bắc Ấn, thành Smanath, giết sạch năm chục ngàn dân rồi chở hết của cải về Ghazni, thành một người có lẽ giàu nhất trong lịch sử nhân loại. Đôi khi ông ta tha chết cho dân chúng các thành phố chiếm được, lôi hết về nước, bắt làm nô lệ; nhưng số nô lệ quá nhiều đến nỗi chỉ trong vài năm, giá rẻ mạt, vài quan tiền Pháp một tên. Trước khi ra trận, Mahmud quì xuống cầu nguyện Allah phù hộ cho mình. Ông giữ ngôi được một phần ba thế kỉ và khi chết, được các sử gia Hồi coi là ông vua lớn nhất của thời đại, một trong những ông vua lớn nhất của mọi thời.

Thấy tên ăn cướp hạng nhất đó được coi như thần thánh, các lãnh tụ Hồi khác muốn noi gương nhưng không thành công bằng. Năm 1186, bộ lạc Ghuri ở A Phú Hãn[27] xâm lăng Ấn Độ, chiếm Delhi, đốt phá các đền đài, chiếm của cải rồi lập một triều đại Hồi ở Delhi, làm cho suốt ba thế kỉ dân Bắc Ấn chịu một chế độ độc tài của ngoại nhân, thỉnh thoảng phẫn uất quá, phải nổi loạn ám sát. Vua Hồi khát máu đầu tiên là Kutb-d-Din Aibak đáng làm “kiểu mẫu” cho cả loạt: cuồng tín, dữ như beo, tàn nhẫn. Một sử gia Hồi bảo: “Ông ta phân phát của cải tới mấy trăm ngàn, nhưng những kẻ bị ông giết cũng tới mấy trăm ngàn”. Sau một lần thắng trận, ông “bắt năm chục ngàn người nô lệ, cánh đồng đen nghịt người Ấn”, mà hồi nhỏ chính ông ta đã bị bán làm nô lệ đấy. Một vua Hồi khác, Balban, trừng trị tụi côn đồ hoặc phiến loạn, bằng cách cho voi giày hoặc lột da, hoặc vùi vào đống rơm cho chết ngạt, hoặc treo cổ lên ở cửa thành Delhi. Khi một số người Mông Cổ lại làm ăn ở Delhi, cải đạo theo Hồi giáo, muốn nổi loạn, vua Hồi Alau-d-Din (người đã hạ thành Chitor), trong một ngày giết hết các đàn ông Mông Cổ – từ mười lăm tới ba chục ngàn mạng. Vua Hồi Muhammad-bin-Tughlak, kẻ đã giết cha để đoạt ngôi, thành một nhà bác học nổi danh và một nhà văn có tài; mặc dầu nghiên cứu toán, vật lí và triết học Hi Lạp, ông ta còn tàn bạo hơn hết thảy các vua trước. Một người cháu ông nổi loạn, ông bắt vợ con người đó phải ăn thịt chồng và cha. Ông phá giá tiền tệ, cướp bóc, giết chóc, làm cho trong xứ điêu tàn tới nỗi dân phải trốn vào rừng ở. Ông giết không biết bao nhiêu người Ấn, và chính một sử gia Hồi đã phải bảo rằng “trước lều và trong sân hoàng cung luôn luôn có hàng đống xác người, bọn đao phủ phải lôi kéo, đâm chém nạn nhân suốt ngày tới mệt đừ ra”. Muốn dời đô lại Delautabad, ông bắt tất cả dân cư ở Delhi đi theo ông và Delhi thành một hoang địa, hay tin một người mù còn ở lại Delhi, ông ta bảo lính lôi xềnh xệch người đó tới kinh đô mới, và tới nơi kẻ khốn nạn chỉ còn có mỗi một giò. Ông ta phàn nàn rằng dân không yêu ông, không nhận đúng đức công bằng sắt đá của ông. Ông ta thống trị Ấn Độ một phần tư thế kỉ và chết trên giường bệnh. Người nối ngôi ông, Firoz Shah, chiếm xứ Bengale, ra lệnh hễ ai cắt được một đầu người Ấn thì được thưởng và ông đã thưởng 180.000 đầu. Thiếu nô lệ thì ông tấn công các làng xóm, và Trời cho ông ta hưởng thọ được tám mươi. Còn vua Hồi Ahmed Shad, mỗi khi hay tin nội trong một ngày quân đội ông giết được hai chục ngàn thường dân Ấn thì mở tiệc ăn mừng luôn ba ngày liền.

Những ông vua đó thường có khả năng hết mà bọn trung thành với họ đều can đảm, khéo mưu tính, nên họ mới giữ được quyền hành mà cai trị dân Ấn đông hơn họ gấp bội. Phải nhận rằng một phần cũng nhờ tôn giáo nhất thần của họ có xu hướng hiếu chiến, khắc kỉ, cương cường hơn các tín ngưỡng trong dân gian Ấn Độ. Trong bọn độc tài khát máu đó có vài người có học thức, che chở nghệ thuật, khuyến khích các nghệ sĩ và thợ thuyền – hầu hết là gốc Ấn – xây cất các giáo đường Hồi giáo và lăng tẩm đẹp đẽ, có người vào hàng học giả thích đàm đạo với các sử gia, thi sĩ và và nhà bác học. Một học giả nổi danh nhất của châu Á, Alberuni theo vua Mahmud xứ Ghazni vô Ấn viết một bộ sách về Ấn có thể so sánh được với bộ Histoire naturelle của Pline hoặc bộ Cosmos của Humboldt. Sử gia Hồi cũng đông gần bằng tướng lãnh Hồi mà cũng không thua bọn này về tinh thần hiếu chiến, khát máu. Bọn vua Hồi dùng thuật đánh thuế – một thuật rất cổ – và cả phương pháp cướp giật nữa để vơ vét hết tiền bạc của dân Ấn, nhưng họ ở lại trong xứ, lại dùng tiền đó tiêu pha và đồng tiền luân chuyển trong nền kinh tế Ấn Độ.
Nhưng chính sách khủng bố và bóc lột vô liêm sỉ đó làm cho dân tộc Ấn suy nhược đi cả về thể chất lẫn tinh thần, mà dân tộc Ấn vốn đã suy nhược sẵn rồi vì thời tiết, vì thiếu ăn, vì chia rẽ về chính trị và vì ảnh hưởng của các tôn giáo bi quan.

Chính sách cai trị của các vua Hồi đã được Alau-d-Din vạch rõ khi ông ta ra lệnh cho các cố vấn thảo những “luật để bóp nặn dân Ấn tới kiệt, không còn chút của cải nào nữa, để họ không còn sức đâu mà bất bình, nổi loạn”. Xưa các vua Ấn chỉ bắt nông dân nộp một phần sáu huê lợi, nay các vua Hồi bắt nộp một nửa huê lợi. Một sử gia Hồi bảo: “Không một người Ấn nào dám chắc giữ được thủ cấp, vàng bạc hoặc một vật thừa nào của mình… Đánh đập, bêu chợ, nhốt khám, cột chân cột tay, mọi phương tiện đều được dùng để bắt họ phải nộp thuế”. Một viên cố vấn trách chính sách đó tàn nhẫn, Alau-d-Din bảo: “Khanh là một nhà bác học đấy nhưng thiếu kinh nghiệm, ta vô học nhưng ta biết rõ công việc của ta. Khanh nên tin chắc rằng khi nào tụi Ấn nghèo mạt thì chúng mới hoá nhu thuận. Vì vậy ta đã ra lệnh để cho chúng có đủ sữa, lúa ăn đợi tới mùa sau, chứ không được dư để chứa trong kho mà làm giàu”.

Đó là vài nét chính về lịch sử Ấn Độ thời đó. Bị các chia rẽ nội bộ làm cho suy nhược, dân tộc Ấn không chống nổi bọn xâm lăng, bị bọn xâm lăng làm cho nghèo mạt, họ không còn đủ sức chống cự lại nữa và tìm nguồn an ủi trong những thuyết siêu nhiên, họ bảo làm chủ hay làm nô lệ thì cũng chỉ là ảo tưởng, cái gì cũng hư vô hết, đời người ngắn ngủi quá, hơi đâu mà nghĩ tới chuyện bảo vệ tự do của mình hoặc của dân tộc. Bi kịch đó để lại cho ta một bài học chua chát: phải luôn luôn cảnh giới mới bảo vệ được nền văn minh. Một dân tộc nên yêu hoà bình, nhưng cũng phải luôn luôn giữ gìn cho thuốc súng được khô.

VII. ĐẠI VƯƠNG AKBAR

Tamerlan – Babur – Humayun – Akbar – Cách trị dân của ông – Tính tình ông – Che chở nghệ thuật
– Mê triết lí – Có thiện cảm với Ấn giáo và Ki Tô giáo – Tôn giáo mới của ông – Những ngày cuối cùng trong đời ông

Chính quyền nào thì cũng hủ hoá vì như Shelley đã nói, quyền hành làm đồi truỵ những cái gì đụng chạm tới nó. Những lạm dụng thái quá của các vua Delhi riết rồi làm cho toàn dân – chẳng những dân Ấn mà cả dân Hồi nữa – oán ghét họ. Khi một bọn xâm lăng mới cũng từ phương Bắc xuống – luôn luôn như vậy – thì các vua Hồi bị đánh bại một cách dễ dàng cũng y như hồi xưa dân Ấn bị họ đánh bại.

Người thắng họ đầu tiên là Tamerlan – gọi là Timur-i-lang thì đúng hơn – một người Thổ cho Hồi giáo là một lợi khí chiến tranh và tự xưng là hậu duệ của Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) để được rợ Mông Cổ giúp sức. Khi đã chiếm được ngai vàng xứ Samarcande, ông ta muốn vơ vét cho được nhiều vàng hơn nữa và một hôm nghĩ ra rằng Ấn Độ hãy còn đầy bọn tà giáo, nghĩa là chưa theo Hồi giáo. Các tướng lãnh của ông biết sự dũng cảm của bọn Hồi, nên còn do dự, tâu với ông rằng tụi tà giáo đó [tức dân Ấn] đương ở dưới cái ách của Hồi giáo rồi. Các Mullah[28] thuộc làu làu kinh Coran [Thánh kinh của Hồi giáo] bèn đọc một thánh thi, thiên khải: “Ôi, Giáo Tổ [tức Mahomed], phải đem quân tấn công tụi tà giáo không thờ ta đi, trừng trị chúng thật gắt đi”. Thế là Timur-i-lang nghe lời Chúa dạy, vượt sông Indus, tàn sát hoặc bắt làm tù binh hết thảy những kẻ nào không trốn thoát, đánh tan đạo quân của vua Hồi Mahmud Tughlak, chiếm Delhi, thản nhiên hạ sát trăm ngàn tù binh, cướp bóc tất cả các của cải mà triều đại A Phú Hãn[29] đã tích luỹ, rồi trở về Samarcande với một đoàn phụ nữ, nô lệ, tới đâu cũng gây cảnh hỗn loạn, đói kém và rắc bệnh dịch hạch cho dân chúng.

Khi quân đội ông ta rút về rồi, các vua Hồi ở Delhi lại trở lên ngai vàng, tiếp tục bóp nặn dân Ấn thêm một thế kỉ nữa, tới khi bị xâm lăng hẳn. Babur, người sáng lập triều đại Mông Cổ[30] không kém Đại đế Hy Lạp Alexandre về can đảm và sức cám dỗ. Ông ta khôn khéo như tổ tiên ông là Timur và Gengis Khan, hai cái mầm tai hoạ của châu Á đó, nhưng không tàn nhẫn như họ. Có thể nói rằng sự quá dồi dào về sinh lực thể chất cũng như tinh thần làm cho ông khổ. Không thể ngồi yên được, phải chiến đấu, săn bắn, đi khắp nơi, không nghỉ, trong năm phút chỉ dùng một tay mà giết được năm quân thù, điều đó đối với ông chỉ là một trò chơi. Có lần trong hai ngày, ông ta phi ngựa hai trăm năm mươi sáu cây số, hai lần lội qua sông Gange, và khi về già ông nhớ lại thì ra từ hồi mười một tuổi, không bao giờ giữ nguyệt trai Ramadan[31] ở một nơi tới hai lần.

Trong tập Hồi kí của ông bắt đầu như sau: “Năm mười hai tuổi ta làm vua xứ Ferghana”. Mười lăm tuổi ông bao vây rồi hạ được thành Samarcande, nhưng rồi lại phải bỏ vì không đủ tiền trả quân lính; ông suýt chết vì bệnh, phải trốn trong rừng một thời gian, rồi chỉ cầm đầu hai trăm bốn chục quân, ông chiếm lại được thành; lại mất thành một lần nữa vì có kẻ phản, phải sống hai năm trong cảnh nghèo tại một nơi hẻo lánh, đã có ý muốn rút về Trung Hoa sống một đời nông dân, nhưng rồi ông cũng tập hợp được một đạo quân mới, truyền tinh thần dũng cảm cho binh sĩ và chiếm được Kaboul. Năm đó ông hai mươi hai tuổi[32]. Chỉ có mười hai ngàn quân, một số kị binh thiện chiến, ông ta thắng được trăm ngàn quân của vua Hồi Ibrahim ở Panipat, giết hàng ngàn tù binh, chiếm Delhi, sáng lập ở đó một triều đại đáng coi là vẻ vang nhất, thi hành được nhiều ân huệ nhất trong số các triều đại ngoại nhân đã đô hộ Ấn Độ. Ông sống bốn năm yên ổn ở Delhi, làm nhiều bài thơ rất hay, viết hồi kí và mất hồi bốn mươi bảy tuổi, nhưng cứ xét những hoạt động cùng mạo hiểm của ông thì bốn mươi bảy năm đó cũng bằng trên một trăm năm.

Con trai ông, Humayun nhu nhược và do dự quá, chỉ mê ả phù dung nên không tiếp tục sự nghiệp của ông được. Một thủ lãnh A Phú Hãn tên là Sher thắng ông trong hai trận huyết chiến và trong một thời gian lại thống trị Ấn Độ, Sher Shah tuy đủ tư cách giữ truyền thống Hồi là giết người như ngoé, nhưng cho xây cất lại Delhi, tỏ ra hiểu nghệ thuật kiến trúc lắm, lại cải cách nền hành chánh, dọn đường cho chính quyền sáng suốt của Akbar. Hai “Shar”[33] nữa tầm thường, giữ ngôi báu trong mười năm, rồi Humayun sau mười hai năm lang thang cực khổ, tổ chức được một đạo quân ở Ba Tư, trở vô Ấn Độ, khôi phục lại được ngai vàng. Tám tháng sau, từ sân thượng thư viện, ông té xuống mà bỏ mạng.

Trong hồi ông phiêu bạt, cực khổ, bà vợ sinh được một người con trai, mà ông thành kính lựa tên Muhammad để đặt cho, nhưng sau này sử Ấn Độ chỉ gọi là Akbar, nghĩa là “tối đại”. Trời cho Muhammad đủ những tài đức để thành một vĩ nhân, và cơ hồ như tổ tiên ông cũng đồng tình hợp lực để ông được hưởng mọi di truyền tốt vì ông là hậu duệ của Babur, Timur và Gengis Khan. Ông có vô số sư phó nhưng không chịu học ai cả, ngay đến tập đọc cũng không chịu. Chỉ thích những môn thể thao nguy hiểm, tập sự nghề làm vua bằng cách phi ngựa, chơi polo [mã cầu: cưỡi ngựa mà đánh cầu], trị những con voi dữ nhất, lúc nào cũng sẵn sàng đi săn sư tử, cọp, không ngại một sự khó nhọc, một nỗi nguy hiểm nào. Cũng như mọi “hảo hán” Thổ, ông giết người mà không tởm. Hồi mười bốn tuổi, để được xứng với cái tôn hiệu Ghazi – “Sát tà đạo” – ông huơ gươm chém một nhát rụng đầu một tù nhân Ấn. Đó, con người sau này thành một ông vua hiền minh nhất, có học thức nhất trong lịch sử nhân loại, hồi trẻ dã man như vậy đó[34].

Mười tám tuổi, ông không cần viên phụ chánh nữa, đích thân nắm hết mọi quyền hành, cai trị lấy thần dân. Lúc đó giang sơn của ông gồm khoảng một phần tám Ấn Độ: một dải đất rộng trung bình khoảng năm trăm cây số, từ Multan tới biên giới Tây Bắc và tới Bénarès. Ông tham lam vô cùng như ông nội ông, tận lực mở rộng đất đai, và sau nhiều chiến dịch tàn khốc, chiếm được toàn cõi Ấn Độ, trừ tiểu quốc Rajpute ở Mewar. Trở về Delhi, cởi xong binh giáp, ông bắt tay liền vào việc tổ chức lại đế quốc. Ông dùng chính sách chuyên chế, đích thân bổ nhiệm mọi quan lại lớn nhỏ, cả tại những tỉnh hẻo lánh nhất. Ông có bốn quan cận thần: một vị tể tướng gọi là Vakir, một bộ trưởng tài chính , đôi khi gọi là Vazir (Vizier), có khi gọi là Diwan, một Triều trưởng gọi là Bakhshi, và một Giáo trưởng, gọi là Sadr, làm chủ Hồi giáo ở Ấn Độ. Uy tín ông càng tăng, càng vững nhờ truyền thống, ông càng rút bớt quân đội đi, sau chỉ còn giữ một đạo quân thường bị là hai mươi lăm ngàn người thôi. Khi hữu sự, các võ quan tỉnh trưởng mộ thêm quân để tăng cường quân số nhỏ nhoi đó, nhưng phương tiện đó bấp bênh và chính sách đó làm cho Đế quốc Mông Cổ dưới thời Aureng-Zeb dễ sụp đổ[35]. Các viên tỉnh trưởng và thuộc hạ ăn cắp, ăn hối lộ tới nỗi ông phải bỏ già nửa thì giờ vào việc trị tham nhũng. Ông hết sức tiết kiệm trong mọi chi tiêu của triều đình và cung điện tới nỗi định giá lấy thực phẩm, vật liệu và nhân công cung cấp cho quốc gia. Khi ông băng, trong quốc khố còn dư một số bằng khoảng một tỉ Mĩ kim ngày nay và đế quốc ông mạnh nhất thế giới.

Luật pháp rất nghiêm, thuế tuy nặng nhưng không bằng trước. Thuế điền thổ bằng từ một phần sáu tới một phần ba số thu gặt được, mỗi năm được khoảng hai tỉ quan. Nhà vua nắm trong tay cả ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, là tối cao thẩm phán, ông phải bỏ ra nhiều thì giờ xử những vụ quan trọng nhất. Ông ban các đạo luật cấm tảo hôn, cấm bắt quả phụ phải hoả thiêu theo chồng, cho quả phụ được tái giá, bỏ chế độ nô lệ, cấm giết sinh vật để tế thần, tôn giáo nào cũng được tự do, có tài thì làm nghề nào cũng được, không phân biệt nòi giống và tôn giáo, bãi bỏ thuế thân mà các vua Hồi thời trước đánh vào những người Ấn không theo Hồi giáo. Khi ông mới lên ngôi, còn dùng hình phạt chặt tay chặt chân, nhưng về cuối đời ông, hình luật Ấn có lẽ nhẹ hơn hết ở thế kỉ XVI. Các quốc gia mới thành lập, bắt đầu phải dùng chính sách cường bạo, rồi nếu được an ổn thì lần lần chính sách hoá ôn hoà hơn, tự do hơn.

Muhammad Akbar (1542-1605)

Nhưng tư cách, cá tính cương cường của một quốc trưởng thường là nguyên nhân suy nhược của chính quyền. Chế độ chúng tôi vừa mới miêu tả chỉ dựa trên những tài đức siêu phàm của Akbar, cho nên khi ông băng rồi, chế độ tự nhiên lung lay. Ông nuôi nhiều sử quan quá và tự nhiên, bọn này hết sức ca tụng ông, khen ông có đủ mọi đức: võ sĩ bậc nhất, kị sĩ bậc nhất, rồi về kiếm thuật, kiến trúc, môn nào cũng vào hạng nhất, dong mạo thì đường bệ, oai phong không ai bằng. Sự thực, cánh tay ông dài quá, chân vòng kiềng, mắt ti hí như mọi người Mông Cổ khác, đầu lúc nào cũng nghiêng qua bên trái và có một nốt ruồi ở trên mũi. Nhưng bề ngoài coi cũng đẹp, nhờ sạch sẽ, nghiêm trang, bình tĩnh, cặp mắt sáng ngời “như mặt biển dưới ánh nắng” (lời một người đồng thời), tia mắt rọi vào ai thì có thể làm cho người đó sợ run lên, như Vandamme run trước Napoléon. Y phục giản dị: một cái mũ chụp, một chiếc áo ngắn, một chiếc quần bằng gấm thêu, vài món châu báu, đi chân không. Không thích ăn thịt, về già thường bảo: “Không nên dùng bao tử của mình làm cái mồ chôn sinh vật”. Nhưng lực lưỡng, ý chí mạnh, giỏi về các môn thể thao kịch liệt, một ngày đi bộ được sáu chục cây số như chơi. Ông ta mê chơi “polo”, chế tạo một trái cầu chiếu sáng để chơi ban đêm. Ông được di truyền những bản năng tàn bạo của tổ tiên, và hồi trẻ, ông rất có thể giải quyết một chuyện khó xử bằng thủ đoạn ám sát, cũng như các vua theo Ki Tô giáo thời đó. Nhưng lần lần ông biết cách ngồi lên hoả diệm sơn của ông[36] – như tổng thống Wilson[37] nói – và nhờ tinh thần công bằng, rất hiếm thấy trong hạng vua chúa phương Đông, ông vượt hẳn lên trên các nhà cầm quyền đương thời. Firishta bảo: “Đức khoan hồng của ông vô biên, tới nỗi có thể nói là khinh suất nữa”. Ông nhân từ, bố thí rất nhiều, hoà nhã với mọi người, nhất là với người nghèo. Một nhà truyền giáo Dòng Tên bảo: “Ông hoan hỉ nhận những tặng vật nhỏ mọn của người nghèo, đưa tay đỡ lấy, đặt vào lòng, còn những bảo vật các nhà quí phái dâng ông thì ông không tỏ vẻ trịnh trọng như vậy”. Một người đương thời bảo ông hơi điên khùng, có người lại bảo ông u uất tới cái mức thành bệnh. Có thể ông uống rượu một cách điều độ, và hút thuốc phiện; thân phụ ông và các con ông cũng có những tật đó nhưng phóng túng hơn ông[38]. Hậu cung của ông cũng lớn, xứng với đế quốc ông, người ta kể lại rằng “ở Agra và Fathpur-Sikri, hoàng thượng có ngàn thớt voi, ba mươi ngàn[39] con ngựa, một ngàn bốn trăm con hoẵng nuôi đã thuần và tám trăm cung nữ”. Nhưng hình như ông không đam mê nhục dục. Ông có nhiều vợ, nhưng đó chỉ là vấn đề chính trị, các vua Rajpute tặng công chúa cho ông thì ông nhận để làm vui lòng họ, mà họ chống đỡ ngai vàng cho ông; từ hồi đó, các vua Mông Cổ đều lai Ấn hết. Một người Rajpute thành nguyên soái của ông và một rajah làm tể tướng cho ông. Mộng của ông là đoàn kết Ấn Độ.

Ông không có cái óc thực tế và tinh mật một cách thản nhiên như César hay Napoléon; mê siêu hình học, và nếu ông bị cướp ngôi thì rất có thể sống một đời ẩn sĩ theo thần bí giáo. Óc ông lúc nào cũng hoạt động, lúc rảnh thì sáng chế cái này, cải thiện cái kia. Như Harounal-Rashid[40], có lần ông cải trang, vi hành ban đêm và trở về cung, trong đầu đầy những ý nghĩ cải cách. Bận rộn vì bao công việc rắc rối, mà ông vẫn có thì giờ thu thập được một thư viện quan trọng gồm toàn những bản viết tay rất đẹp, khắc tỉ mỉ, công trình của những thư sĩ (người viết chữ tốt) mà ông coi là những nghệ sĩ ngang hàng với các hoạ sĩ, kiến trúc sư làm vẻ vang cho triều đại ông. Ông khinh thuật in, cho là máy móc, không phát hiện được tài hoa của mỗi người, và ông liệng bỏ những mẫu ấn loát của phương Tây mà các tu sĩ Dòng Tên đã lựa chọn để tặng ông. Thư viện của ông chỉ có hai mươi bốn ngàn cuốn, nhưng những người cố đánh giá những vật vô giá, sản phẩm của tinh thần đó, phỏng định giá trị là non chín chục triệu quan tiền Pháp[41]. Ông rộng rãi tưởng lệ các thi sĩ, rất quí mến thi sĩ Ấn Birbal, vời về triều, phong làm tướng quân, nhưng ra trận, tướng quân ta đại bại, chạy dài, chẳng nên thơ chút nào cả và bị địch giết, tội nghiệp[42]. Akbar bảo các văn sĩ ở triều dịch các danh tác về văn học, lịch sử và khoa học Ấn Độ ra tiếng Ba Tư, ngôn ngữ chính thức hồi đó, ông đích thân coi sóc công việc dịch anh hùng ca dài vô tận Mahabharata[43]. Nhờ sự bảo trợ và khuyến khích của ông mà mọi nghệ thuật đều toàn thịnh. Thời đó là một trong những thời rực rỡ của nhạc, thơ; và hoạ (cả hoạ Ấn lẫn hoạ Ba Tư), một lần nữa, lên tới tuyệt đỉnh. Ở Agra ông sai dựng một thành luỹ danh tiếng, trong thành có năm trăm toà nhà, lâu đài mà người đương thời cho là đẹp nhất thế giới. Nhưng vua Ba Tư Jehan hung hăng sai đập phá hết và bây giờ các công trình kiến trúc thời Akbar chỉ lưu lại ít tàn phế, như mộ Humayun ở Delhi và vài di tích ở Fathpur-Sikri, nơi có phần mộ của nhà tu hành khổ hạnh Shaik Salim Chisti – bạn thân của Akbar, phần mộ đó là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của Ấn Độ.

Đáng quí hơn nữa, Akbar còn thích suy cứu về triết lí. Vị đế vương quyền uy cơ hồ trùm thiên hạ đó trong thâm tâm muốn thành một triết gia, cũng gần như các triết gia ước ao được thành đế vương và trách Thiên ý thật kì cục, chính mình đáng được thống trị thiên hạ thì lại không cho mình lên ngai vàng. Sau khi chinh phục thế giới rồi, Akbar đau khổ thấy mình không sao hiểu nổi nó. Ông bảo: “Mặc dầu tôi làm chủ tể một đế quốc mênh mông, có đủ quyền uy, nhưng cái chí cao chí đại chính là thuận ý Thượng Đế, mà óc tôi lại thấy ngượng nghịu khi tiếp xúc với tất cả các giáo phái, các tín ngưỡng đó, thì làm sao tôi có thể thích việc cai trị thần dân được? Tôi mong có ai tới giúp tôi cởi những thắc mắc của lương tâm tôi… Tôi thích những cuộc đàm đạo về triết lí tới nỗi quên cả những công việc khác và tôi phải gắng sức tự kiềm chế mình, đừng mãi miết với triết lí để khỏi sao nhãng bổn phận trị dân”. Badaoni bảo: “Từng đoàn các nhà bác học khắp các nước, từng đoàn các nhà hiền triết trong mọi tôn giáo, mọi giáo phái lại triều đình và được nhà vua tiếp riêng. Sau khi điều tra, tìm tòi suốt ngày thâu đêm, các nhà đó họp nhau đàm luận về các vấn đề khoa học rất khó hiểu, về các tế nhị của sự mặc thị, về các điều kì dị trong lịch sử, trong thiên nhiên”. Akbar bảo: “Phần cao cả của con người ở trong cái bảo vật là lí trí”.

Các triết gia thường rất chú ý tới tôn giáo, ông cũng vậy. Vì chăm chú đọc anh hùng ca Mahabharata và thân mật đàm đạo với các hiền triết, thi sĩ Ấn Độ, riết rồi ông thích nghiên cứu các tôn giáo Ấn. Ít nhất là trong một thời gian ông tin thuyết luân hồi, có lần ông ra trước công chúng mà trên trán mang dấu hiệu của Ấn giáo, làm cho các cận thần Hồi của ông khó chịu, ngạc nhiên. Ông biết tỏ ra ân cần, hoà nhã với mọi tín ngưỡng: ông bận một chiếc áo lót và đeo chiếc dây lưng thiêng liêng của đạo Zoroastre (ở Ba Tư) nên các tín đồ Zoroastre thích ông; ông theo lời yêu cầu của tín đồ đạo Jaïn, không đi săn nữa và mỗi tháng cấm sát sinh vài ngày. Khi ông mới nghe thấy nói về một tôn giáo gọi là Ki Tô giáo mà người Bồ Đào Nha tới buôn bán ở Goa truyền bá vô Ấn Độ, ông sai một sứ giả tới yêu cầu các nhà truyền giáo phái Pauliste [một giáo phái Ki Tô giáo, theo giáo lí của Thánh Paul] ở Goa, phái tới ông hai tu sĩ uyên bác nhất. Sau có vài tu sĩ Dòng Tên tới Delhi thuyết giáo làm cho ông thích chúa Ki Tô và ông bảo các thư kí của ông dịch Tân Ước cho ông. Ông cho phép các tu sĩ Dòng Tên tự do truyền đạo và nhờ họ dạy hoàng tử nữa. Vào cái thời mà ở Pháp, các tín đồ Công giáo tàn sát tín đồ Tin Lành, thời mà ở Anh [dưới triều nữ hoàng Elizaberh] tín đồ Tin Lành tàn sát tín đồ Công giáo, cái thời mà Pháp đình tôn giáo xử tử Do Thái ở Y Pha Nho, mà Giordano Burno[44] bị thiêu ở Ý, thì Akbar mời đại biểu tất cả các tôn giáo ở Ấn Độ dự một hội nghị, cho họ được an ổn hành đạo, ban hành những sắc lệnh về tự do tín ngưỡng, tự do thờ phụng, và để tỏ mình trung lập trong vấn đề đó, cưới những bà vợ theo các đạo Bà La Môn, Phật và Hồi.

Khi lửa lòng tuổi trẻ đã dịu rồi, nỗi vui nhất của ông là được đàm luận ung dung về các vấn đề tôn giáo. Ông bỏ hết các tín điều của đạo Hồi, làm cho các thần dân Hồi của ông bất bình mà không dám nói ra, trách ông là thiên vị. Thánh François Xavier có lẽ nói hơi quá rằng: “Ông vua đó từ bỏ hẳn, đã diệt nguỵ đạo của Mahomet. Trong đô thị đó không còn lấy một giáo đường Hồi, một bản kinh Coran – kinh của đạo Hồi – và những giáo đường Hồi trước kia nay dùng làm chuồng ngựa, làm kho chứa đồ”. Akbar không tin Mặc khải, chỉ chấp nhận những tín ngưỡng dựa vào triết lí và khoa học. Ông thường họp các bạn bè và các đầu mục của mọi giáo phái để đàm đạo không ngớt với họ về tôn giáo, từ chiều thứ năm đến trưa thứ sáu mỗi tuần. Khi các mullah Hồi giáo và các mục sư Công giáo cãi nhau, thì ông trách cả hai bên, bảo rằng phải thờ Thượng Đế một cách sáng suốt, thông minh chứ không nên nhắm mắt theo một lối mặc khải tưởng tượng nào đó. Ông bảo: “Mỗi người tuỳ theo tôn giáo, xứ sở của mình mà gọi Đấng Tối Cao bằng một tên nào đó, nhưng sự thực, làm sao có thể đặt tên cho Đấng Bất Khả Tri được”. Như vậy là có lẽ ông chịu ảnh hưởng của các Upanishad. Một hôm, một số người Hồi đề nghị với ông dùng phép thử lửa để xem Ki Tô giáo và Hồi giáo bên nào phải bên nào trái: một mullah cầm kinh Coran và một mục sư Công giáo cầm một sách Phúc âm cùng nhảy vô lửa một lúc; ai ra khỏi lửa mà không tổn thương một chút gì thì là người đó nắm được chân lí. Akbar không ưa vị mullah mà phe Hồi giáo đề cử thí nghiệm, nên hăng hái chấp nhận đề nghị, nhưng các tu sĩ Dòng Tên gạt bỏ đề nghị, cho là bất kính, nghịch đạo, nếu không phải là nguy hiểm. Lần lần các nhà thần học không tới dự các hội nghị đó nữa mà xa lần Akbar và các cận thần, bạn bè theo chủ nghĩa duy lí của ông.

Chán ngán về tình trạng chia rẽ trong các tôn giáo và lo ngại rằng mình chết rồi, tình trạng đó sẽ làm cho đế quốc tan rã. Akbar quyết định ban bố một tôn giáo mới mà giáo lí thực giản dị và chứa tất cả những điều cốt yếu của các tín ngưỡng đối nghịch nhau. Nhà truyền giáo Dòng Tên Bartoti kể lại việc đó như sau:

Ông tổ chức một đại hội nghị tôn giáo, với các nhà bác học nổi danh nhất và các viên tư lệnh các tỉnh thành chung quanh, trừ cha Ridolfo vì ông biết rằng cha sẽ phản đối đề nghị bất kính của ông. Khi họ đã họp đủ mặt rồi, ông mánh khoé, gian xảo nói với họ như sau:

“Trong một đế quốc chỉ do một người cầm đầu thì không nên để cho thần dân chia rẽ, làm cho ý kiến kẻ này bất đồng với kẻ khác… như thế thì có bao nhiêu tôn giáo là có bấy nhiêu loạn đảng. Vì vậy chúng ta nên họp các tôn giáo làm một, cho các tôn giáo tuy “nhiều” mà vẫn là “một”; cái lợi lớn nhất là vẫn giữ được phần tốt trong mỗi tôn giáo mà lại được hưởng tất cả những cái hay nhất trong các tôn giáo khác. Như vậy là tỏ lòng sùng ngưỡng Thượng Đế, dân chúng được an ổn mà đế quốc được an ninh.

Dĩ nhiên hội nghị phải tán thành đề nghị đó. Akbar mới đầu tự phong cho cái chức giáo chủ tối cao, không khi nào lầm lẫn; đó là ý quan trọng nhất ông mượn của Ki Tô giáo. Còn chính tôn giáo đó thì là một thứ nhất thần giáo có tính cách phiếm thần, hoàn toàn theo truyền thống Ấn Độ, pha thêm chút thờ lửa, thờ mặt trời để mua chuộc các tín đồ Zoroastre, một lời khuyên cữ ăn thịt để lấy lòng các tín đồ Jaïn. Giết bò cái thành một tội nặng: điểm này người Ấn rất hoan nghênh, nhưng người Hồi lại rất bất bình.

Một sắc lệnh nữa buộc toàn dân phải ăn chay ít nhất là một trăm ngày mỗi năm; ông cũng cấm ăn hành tỏi để tôn trọng thành kiến trong dân chúng. Đồng thời lại cấm xây cất các thánh đường Hồi giáo, cấm làm lễ Ramadam, cấm hành hương ở La Mecque, và đa số các tục Hồi khác. Một số lớn người Hồi phản kháng và bị tội đày. Ở giữa sân Hoà Bình tại Fathpur-Sikri, người ta cất một đền Tôn giáo – hợp nhất, (đền nay vẫn còn), biểu hiện hi vọng của ông muốn được thấy toàn dân Ấn cùng thờ một Thượng Đế, cùng coi nhau như anh em.

Về phương diện tôn giáo, Akbar không thành công chút nào cả vì đụng nhằm nhiều truyền thống mạnh quá. Vài ngàn người theo tôn giáo mới, đa số là vì lợi, muốn lấy lòng ông, còn dân chúng vẫn theo tín ngưỡng cũ của họ. Về phương diện chính trị, có được vài kết quả tốt. Sự bãi bỏ thuế thân và thuế hành hương hồi trước đánh vào người Ấn, sự tự do ban hành cho các tôn giáo[45], sự cuồng tín về nòi giống, tôn giáo giảm đi, do đó dân chúng bớt hăng say chống nhau về giáo lí, tất cả những cái lợi đó dư để bù những bất lợi khác của chính sách Akbar. Sau cùng dân Ấn, ngay cả những người không chịu theo tôn giáo mới cũng trung thành với ông hơn, và ta có thể nói rằng ông đã đạt được mục đích: thống nhất về chính trị.

Trái lại, đối với những người Hồi, thì chính sách của ông gây nhiều nỗi khó khăn quan trọng, có nhiều cuộc phản loạn xảy ra và ngay hoàng tử Jehangir cũng âm mưu chống lại cha. Jehangir phàn nàn rằng cha đã trị vì bốn chục năm mà thể chất vẫn mạnh mẽ quá, không có hi vọng gì ông chết sớm. Chàng tập hợp được một đạo quân gồm ba vạn kị binh, giết Abu-l-Fazl, sử quan và là bạn rất thân của nhà vua, rồi tự xưng đế. Akbar bảo con có muốn sống thì qui phục đi, Jehangir biết không chống lại nổi, đành qui phục và hai mươi bốn giờ sau được ông tha; nhưng ông đau lòng về sự phản bội của con, về cái chết của mẹ ông và người bạn thân nhất của ông, nên cũng không sống thêm được bao lâu nữa. Mấy năm cuối cùng trong đời ông, các con bỏ bê ông mà chỉ lo tranh giành ngôi báu. Khi ông tắt nghỉ – có lẽ vì bệnh lị, hoặc bị Jehangir đầu độc – chung quanh chỉ có vài người thân; các tu sĩ Hồi giáo thuyết ông trở lại đạo Hồi nhưng không được. “Nhà vua băng mà không được một Giáo hội, giáo phái nào tụng cho câu kinh, câu kệ”. Đám tang rất sơ sài, chẳng có một đám đông nào theo quan tài, trừ mấy người con, mấy cận thần, nhưng vừa chôn xong, ngay tối hôm đó, họ đã cởi bỏ ngay áo tang, hoan hỉ được kế thừa ngôi báu và đế quốc mênh mông của ông. Thực đáng buồn cho ông vua công bằng nhất, minh triết nhất của châu Á.

VIII. ĐẾ QUỐC MÔNG CỔ SUY TÀN

Con cái các vĩ nhân – Jehangir – Shah Jehan – Sự xa hoa lộng lẫy của ông – Ông mất ngôi – Aureng Zeb – Sự cuồng tín của ông – Cái chết của ông – Người Anh tới Ấn

Các con của Akbar trước kia mong từng ngày cho ông chết, nay thấy rằng khó mà giữ được đế quốc cha đã sáng lập nên. Tại sao con các bậc vĩ nhân lại hầu hết là tầm thường quá đỗi? Có phải tại thiên tài của các vĩ nhân vừa do di truyền vừa do sinh lí, chỉ lâu lâu may mắn xuất hiện một lần, chứ không thể tái hiện được? Hay tại bậc thiên tài đã phải phí nhiều sinh lực về tinh thần và thể chất quá, không còn đâu để truyền lại cho con cái được? Hay tại con cái họ sống sung sướng, dễ dàng quá, ngay từ hồi nhỏ, không được nhu cầu và cao vọng kích thích, cho nên mau suy đốn? Jehangir chẳng những rất tầm thường mà còn đồi truỵ nữa. Cha là dòng dõi Thổ, mẹ là công chúa Ấn Độ, đông cung thái tử đó ngay từ nhỏ đã rượu chè, trai gái, có thói bạo dâm của rợ Thát Đát (Hung Nô), thói đó tiềm tàng trong máu của ông cha chàng: Babur, Humayun và Akbar, tới chàng mới phát ra. Khi lên ngôi rồi, Jehangir thích thấy cảnh lột da, đóng nõ đít, voi giày tội nhân. Trong tập Hồi kí, ông ta chép lại rằng một mã quan (quan giữ ngựa) và mấy người theo hầu vô ý xuất hiện thình lình làm cho con mồi của ông hoảng, chạy đi mất, ông nổi giận sai chém ngay mã quan đó và chặt gân nhượng chân của bọn theo hầu, thành thử bọn này suốt đời tàn tật. Sau khi chứng kiến cảnh hành hình rồi, ông ta bảo: “Ta tiếp tục cuộc săn bỏ dở”. Khi con trai ông, Khusru, âm mưu thoán nghịch, ông sai đóng nõ đít bảy trăm kẻ phiến loạn, sắp theo một hàng dài trong đường phố Lahore; và thấy họ hấp hối lâu rồi mới chết, ông ta hoan hỉ. Để thoả mãn nhục dục, ông ta có sáu ngàn cung tần mĩ nữ, nhưng quí nhất bà Nur Jehan[46] mà ông ta đã giết chồng để cướp vợ. Về tư pháp, ông tỏ ra nghiêm khắc nhưng vô tư; nhưng ông ta tiêu pha quá độ, thành một gánh nặng cho một quốc gia phú thịnh nhất thế giới nhờ tài trị nước sáng suốt của Akbar và nhờ hưởng được nhiều năm thái bình.

Về khoảng cuối đời, Jehangir càng say sưa, uống rượu suốt ngày, bỏ bê công việc triều đình. Như vậy thì dĩ nhiên có nhiều cuộc âm mưu để truất ngôi ông; ngay từ năm 1622, con trai ông là Jehan đã muốn thoán vị, Jehangir vừa mới chết thì Jehan đương trốn ở miền Deccan cấp tốc về triều, giết hết các em để khỏi lo hậu hoạn.

Ông ta cũng cuồng bạo, vô độ y hệt cha. Số tiền tiêu pha về cung điện và trả lương cao cho vô số quan lại làm cho lợi tức của dân chúng mỗi ngày một kiệt. Akbar cho các tín ngưỡng được tự do, Jehangir không quan tâm tới tôn giáo, Jehan trái lại, phục hồi đạo Hồi, ngược đãi các tín đồ Ki Tô giáo và tàn phá các đền thờ Ấn một cách dã man.

Nhưng Shah Jehan được điều này cứu vớt lại phần nào: rộng rãi với bạn bè, bố thí cho dân nghèo, thích nghệ thuật, cho xây cất những đền đài đẹp nhất của Ấn Độ và chung tình với vợ: Mumtaz Mahal, “Trang sức của cung điện”. Trước khi cưới bà hồi hai mươi mốt tuổi, ông đã có hai người con trai với bà vợ trước. Trong mười tám năm Mumtaz sanh được mười bốn người con, và đứa út mới ra đời thì bà mất, thọ ba mươi chín tuổi. Shah Jehan thương tiếc vô cùng, sai cất lăng Taj Mahal[47], một công trình kiến trúc toàn màu trắng, cực đẹp, rồi trở lại cuộc đời truỵ lạc, dâm đãng. Lăng tráng lệ nhất thế giới đó chỉ là một trong trăm công trình kiến trúc mà Jehan đã cho xây cất, đặc biệt là ở Agra và Tân Delhi, chính ông đã vẽ bản đồ thành phố sau. Phí tổn của những kiến trúc đó, sự xa hoa phóng túng ở triều đình, biết bao bảo ngọc để xây Ngọc điện Khổng tước[48] làm cho dân chúng chắc phải điêu đứng về thuế má. Tuy nhiên triều đại dài ba chục năm của ông chính là thời cực thịnh, uy danh lừng lẫy của Ấn Độ, mặc dầu có một nạn đói tàn phá Ấn Độ dữ dội chưa từng thấy. Ông vua xa xỉ và kiêu căng đó có tài năng, tuy làm phí rất nhiều sinh mạng của dân trong các chiến tranh với ngoại quốc, nhưng bảo vệ được cảnh thái bình trong nước suốt một thế hệ. Đúng như một nhà cai trị Anh ở Bombay, Mounstuart Elphinstone đã viết:

Những người trông thấy tình trạng Ấn Độ ngày nay có ý nghi ngờ các văn sĩ của họ đã phóng đại cảnh thịnh vượng huy hoàng của Ấn thời xưa; nhưng những châu thành bỏ hoang, những cung điện đổ nát, những thuỷ lộ huỷ hoại, những hồ nước và đê đập mà thỉnh thoảng chúng ta gặp trong rừng, những mặt đường hư hỏng, di tích các giếng nước, các trạm trú chân trên những quốc lộ thời xưa, tất cả những cái đó, với những thiên kí sự của các du khách thời xưa đủ cho chúng ta tin rằng các sử gia Ấn không thêu dệt đâu mà chép đúng sự thực đấy.

Jehan giết hết các em để lên ngôi, nhưng ông quên không giết hết các con trai ông, để cho một người con sau này truất ngôi ông. Năm 1657, người con thông minh nhất của ông, Aureng-Zeb, nổi loạn trong miền Deccan, Jehan cũng như David [vua Do Thái thời cổ] ra lệnh cho các tướng lãnh dẹp quân phiến loạn nhưng rán đừng giết con ông. Nhưng Aureng-Zeb thắng được hết các đạo quân triều đình, bắt sống được cha, giam vô đồn Agra, tại đó Jehan sống thêm chín năm đau khổ, uất hận, không một lần nào được con trai vô thăm, thui thủi với người con gái hiếu thảo Jahanara, suốt ngày ở trong tháp Jasmine, nơi ông bị nhốt, nhìn sang lăng tẩm trắng toát của Mumtaz, người yêu của ông, trên bờ bên kia sông Jumna.

Người con đã tàn nhẫn, bất hiếu với cha như vậy nhưng là một trong những vị thánh của đạo Hồi và có lẽ là nhân vật siêu quần nhất trong số các đế vương Mông Cổ. Các mullah sư phó của ông đã truyền cho ông những tín ngưỡng rất mạnh tới nỗi hồi trẻ ông đã có lần muốn từ bỏ xã hội, từ bỏ ngôi báu để sống trong một nhà tu kín. Mặc dầu độc tài, giỏi ngoại giao, có một quan niệm về luân lí đặc biệt, chỉ hợp với tôn giáo của ông thôi, ông luôn luôn là một người rất mộ đạo, đọc kinh hằng giờ, nhịn ăn mấy ngày, thuộc làu kinh Coran và đem quân diệt các dân ngoại đạo, tóm lại lúc nào cũng theo đúng kinh Coran. Về chính trị, ông tính toán một cách lạnh lùng, có thể nói dối khéo léo miễn là có lợi cho nước và cho Chúa. Nhưng vua Mông Cổ mà như ông thì còn là ít tàn bạo nhất đấy, có thể nói là hiền từ nhất nữa; dưới triều đại ông, sự giết chóc giảm đi, hình phạt cũng nhẹ hơn trước. Thái độ lúc nào cũng khiêm tốn, ai trêu chọc thì kiên nhẫn chịu, gặp tai hoạ thì an phận. Theo đúng những điều tôn giáo nghiêm cấm về rượu, thức ăn và các thứ xa xỉ; mặc dầu giỏi về âm nhạc mà không ham, cho nó là một thú vui gợi dục quá; hình như ông đã giữ đúng quyết định phải làm lụng bằng chân tay để kiếm ăn và kiếm được bao nhiêu thì chi tiêu bấy nhiêu thôi. Đúng là Thánh Augustin ngồi trên ngai vàng.

Vua Jehan đã dùng một nửa lợi tức để khuyến khích ngành kiến trúc và các nghệ thuật khác. Aureng- Zeb trái lại không quan tâm gì tới nghệ thuật, óc hẹp hòi tới man rợ, sai phá hủy hết các đền chùa của bọn “dị giáo”, suốt nửa thế kỉ cầm quyền, ông tìm mọi cách diệt hết các tôn giáo khác ở Ấn Độ. Ông ra lệnh cho các tỉnh trưởng, quan lại triệt hạ hết các đền Ấn Độ, các nhà thờ Ki Tô giáo, đập hết các ngẫu tượng[49] và đóng cửa hết các trường học Ấn. Chỉ trong một năm, riêng tại Amber, đã có sáu mươi ngôi đền bị phá huỷ; ông cho triệt hạ ở Chitor sáu mươi ba đền, ở Udaipur một trăm hai mươi ba đền, mà cho xây cất ở Bénarès một thánh đường Hồi giáo ngay trên nền cũ của một ngôi đền người Ấn đặc biệt quí trọng, thực là chửi vào mặt toàn dân Ấn. Ông cấm người Ấn thờ phụng thần thánh của họ, kẻ nào không cải đạo theo Hồi giáo thì phải đóng một thứ thuế thân nặng. Hậu quả của thái độ cuồng tín đó là hàng ngàn ngôi đền bị tàn phá, thế là nghệ thuật Ấn trong cả ngàn năm bị mai một, và những di tích còn lưu lại ngày nay không thể cho ta một ý niệm đúng về cảnh huy hoàng đẹp đẽ của Ấn Độ hồi xưa ra sao.

Aureng-Zeb làm cho một số người Ấn nhút nhát phải cải giáo theo đạo Hồi, nhưng triều đại và quốc gia của ông vì ông mà suy vong, đành rằng có một số người theo đạo Hồi sùng bái ông như thánh, nhưng hằng triệu, hằng triệu người Ấn vì sợ quá mà phải câm miệng chứ vẫn cầu nguyện thầm cho ông mau chết, coi ông như một con quỉ và trốn chui trốn nhủi khi thấy bóng bọn quan đi thu thuế. Dưới triều đại Aureng-Zeb, đế quốc Mông Cổ đạt tới mức thịnh nhất ở Ấn Độ và lan rộng tới miền Deccan; nhưng sự cường thịnh đó không đâm rễ sâu vào lòng dân nên khi bị quân thù hơi mạnh tấn công thì nó tan rã liền. Chính Aureng-Zeb trong mấy năm cuối đời nhận thấy óc hẹp hòi, ngu tín của mình đã làm hại sự nghiệp của tổ tiên. Mấy lời ông viết trên giường bệnh trước khi chết thực ai oán:

Ta không biết ta là ai, ta đi đâu, và kẻ đầy tội lỗi này sẽ chịu những hình phạt nào… Ta sống mà không ích lợi gì cho ai cả. Chúa ở trong lòng ta mà cặp mắt mờ ám của ta không thấy hào quang của Ngài… Ta không còn chút hi vọng gì ở tương lai nữa. Cơn sốt đã hạ, nhưng ta chỉ còn da bọc xương… ta đã mắc nhiều tội quá, và ta không biết sẽ bị hành hạ ra sao. Ta chúc các người khỏi bị Chúa trừng trị.

Ông ra lệnh làm đám tang cho ông cực kì đơn giản, khăn liệm đừng tốn quá bốn ru-pi [tiền Ấn], tức số tiền công ông khâu mũ chụp. Quan tài chỉ phủ một tấm vải thô. Ông đã chép kinh Coran, tiền công được ba trăm ru-pi, ông để lại hết cho người nghèo. Chết hồi tám mươi chín tuổi, kiếp trần của ông đã kéo dài quá lắm.

Ông chết rồi, chỉ mười bảy năm là đủ cho đế quốc của ông tan tành. Sự tàn bạo của Jehangir, thói xa xỉ phung phí của Jehan và tinh thần cuồng tín, cố chấp của Aureng-Zeb đã làm cho dân chúng xưa trung thành với Akbar nay đâm oán triều đại Mông Cổ. Thiểu số theo Hồi giáo bị khí hậu nóng quá làm cho thần kinh và thể chất suy nhược, không còn hăng hái chiến đấu như hồi xưa nữa; mà nhà vua lại không mộ thêm tân binh ở phương Bắc để củng cố uy quyền đã lung lay. Trong lúc đó, một đảo nhỏ ở bên kia trời Tây[50] phái con buôn tới vơ vét những nguồn lợi của Ấn Độ. Ít lâu sau họ chở súng tới để chiếm đế quốc mênh mông mà thiên tài của hai dân tộc Ấn và Hồi đã liên hiệp nhau để tạo nên một nền văn minh vào bậc lớn nhất thế giới đó.

[1] Nay là Patna.

[2] Arrien cũng ngạc nhiên rằng mọi người dân Ấn đều tự do, không có một người nào là nô lệ.

[3] Nhà khảo cổ John Marshall đã cho đào đất ở chỗ nền cũ thị trấn Taxila và tìm được nhiều phiến đá chạm trổ tất khéo, những bức tượng rất đẹp, những đồng tiền có từ 600 năm trước Công nguyên và những đồ thuỷ tinh mà sau này Ấn Độ không thời nào chế tạo khéo hơn được. Vincent Smith bảo: “Hiển nhiên Ấn Độ thời đó đã đạt một trình độ cao về văn minh vật chất vì chúng ta thấy ở đó có sản phẩm của đủ các nghệ thuật, các nghề nghiệp làm cho đời sống thêm phong nhã.

[4] Phụ nữ Ấn rất tiết hạnh, không chịu mất trinh tiết vì một nguyên do gì khác, nhưng nếu người đàn ông nào tặng họ một con voi thì khi họ nhận voi, họ chịu thất tiết với người đó để đáp lại. Đàn ông Ấn không cho cách thức mãi dâm đó là xấu, còn đàn bà Ấn thì lấy vậy làm vinh hạnh vì sắc đẹp của mình đáng giá một con voi: Theo Arrien trong cuốn Indica.

[5] Béloutchistan: còn gọi là Baloutchistan, gồm một phần miền đông của Iran, một phần là miền Tây của Pakistan và một phần là miền Nam của Afghanistan ngày nay (xem bản đồ ở trên). (Goldfish).

[6] Theo Wikipedia thì “Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử (ở Hưng Yên ngày nay) học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189”. (Goldfish).

[7] Hoàng đế và triết gia La Mã (121-181).

[8] Nước Bactrane ở miền Tây Vực xưa.

[9] Theo truyền thuyết Ấn Độ, Rama là hậu thân của thần Vichnou.

[10] Như vậy là các tổ chức từ thiện ở Ấn Độ xuất hiện ba trăm năm trước nhà thương thí đầu tiên thành lập ở Âu, tức nhà thương Maison-Dieu xây cất ở Paris thế kỉ thứ VII sau Công nguyên.

[11] Câu này, bản tiếng Anh còn có đoạn sau: “at the number of students in the universities and monasteries, and at the imposing scale and splendor of the imperial palaces”. Tạm dịch: về số sinh viên trong các trường đại học và tu viện, và ở qui mô hoành tráng và lộng lẫy của các cung điện hoàng gia. (Goldfish).

[12] Bản tiếng Anh chép là: back to Chang-an, nghĩa là trở về Trường An. Đời Đường, Trường An là kinh
đô của Trung Hoa. (Goldfish).

[13] Theo Văn học sử Trung Quốc, ông chở ở Ấn Độ về 657 bộ kinh, trong 18 năm (645-663) mãi miết dịch được 73 bộ, gồm 1330 quyển. (ND).

[14] Tuy nhiên, ta nên nhớ lại lời Arrien nói về cổ Ấn Độ: “Người Ấn là dân tộc chiến đấu can đảm nhất, hơn hẳn các giống người khác ở châu Á thời đó.

[15] Sách này viết trong thế chiến vừa rồi. (ND).

[16] Bá tước Keyserling viết về thành Chitor: “Không có nơi nào trên trái đất này mà con người dũng cảm như vậy, có tinh thần hiệp sĩ và hăng hái để tìm cái chết như vậy”.

[17] Trong cái đám tiểu quốc đó mà ngày nay gần như không còn ai nhớ nữa, có thời văn học, nghệ thuật, kiến trúc đã phát triển, có những kinh đô giàu có, những cung điện lộng lẫy, và những ông vua chuyên chế hùng cường. Nhưng Ấn Độ là một xứ rộng quá, lịch sử của nó dài quá, nên trong đoạn này chi tiết đã quá nhiều rồi, chúng tôi đành phải bỏ qua, không nhắc tới những ông vua đã có một thời tưởng mình làm bá chủ thế giới đó. Chẳng hạn ông vua Vikramaditya thống trị dân tộc Chalyukan trong nửa thế kỉ (1076- 1126), đánh trận nào thắng trận nấy, nên có hồi muốn, như triết gia Đức Neitzche, tạo một đời sống mới, một kỉ nguyên mới, các biến cố sẽ được ghi là xảy ra “trước” hoặc “sau” Vikramaditya. Ngày nay người ta chỉ có thể ghi lại đời ông trong một cước chú ngắn ở cuối trang.

[18] Vua Henry VIII của Anh trị vì từ 1491 đến 1547. (Goldfish). [19](1522): con số này tôi ghi thêm theo bản tiếng Anh. (Goldfish).
[20] Tức Niccolò de Conti (1385-1469), nhà thám hiểm người Venice, từng du lịch đến Ấn Độ, Đông Nam Á. (Goldfish).

[21] Sultan (ND).

[22] Trận này xảy ra năm 1565. (ND).

[23] Chúng ta nên nhớ Hồi giáo không thờ thần nào khác, ngoài thần Allah, tức như Thượng đế của họ, và thù các tôn giáo khác. (ND).

[24] Myrte. (ND).

[25] Tiền cổ Ả Rập. (ND).

[26] Naphte: dầu hoả ở trong mỏ, chưa lọc. (ND).

[27] Bộ lạc Ghuri cũng của người Thổ. Nguyên văn: “the Ghuri, a Turkish tribe of Afghanistan”. (Goldfish)

[28] Các giáo sĩ Hồi giáo. (Goldfish).

[29] Vì Mahmud trước kia vốn là vua tiểu quốc Ghazni, ở Đông A Phú Hãn. (ND)

[30] Mogol, Mongol, hoặc Mogul. Sự thực họ là những người Thổ, những người Ấn xưa kia và ngày nay vẫn gọi tất cả các dân tộc theo Hồi giáo ở phương Bắc, trừ dân tộc A Phú Hãn, là Mongol. “Babur” là một biệt hiệu Mông Cổ có nghĩa là “sư tử”; chính tên thực của ông vua Mông Cổ đầu tiên cai trị Ấn Độ là Zahiru-d-Din Muhammad.

[31] Ramdan là tháng chín âm lịch Hồi, trọn tháng đó, tín đồ Hồi giáo nào cũng phải nhịn ăn từ khi mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn, ban đêm tha hồ ăn gì cũng được. (ND).

[32] Sách in hai mươi tuổi, tôi sửa lại thành hai mươi hai tuổi theo bản tiếng Anh: twenty-second year. (Goldfish).

[33] Shah có nghĩa là vua Ba Tư. (ND).

[34] Sau ông mới thấy sách có ích, nhưng vẫn không biết đọc, ông bảo người ta đọc cho nghe hằng giờ liên tiếp, cả những sách khó hiểu, trừu tượng. Nhờ vậy ông thành một nhà bác học không biết chữ, yêu văn chương, nghệ thuật và tặng những số tiền rất lớn để khuyến khích những ngành đó.

[35] Quân đội Mông Cổ lúc đó, về pháo binh mạnh nhất Ấn Độ, nhưng không bằng châu Âu được. Akbar không kiếm được những đại bác tốt hơn, sự thua sút đó, cộng thêm với sự suy đồi của những người kế tiếp ông làm cho Ấn Độ bị người Âu xâm chiếm.

[36] Nghĩa là tự chủ, nén được cơn giận. (ND).

[37] Tức Thomas Woodrow Wilson (1856–1924), Tổng thống Mĩ thứ 28. (Goldfish).

[38] Ông có hai người con chết hồi còn trẻ vì nghiện rượu.

[39] Sách in là ba ngàn, tôi sửa lại thành ba mươi ngàn theo bản tiếng Anh: thirty thousand. (Goldfish).

[40] Harounal-Rashid (763-809): là vị vua kiệt xuất của nhà Abbasid, là người đã đưa nền chính trị và văn hóa của đế quốc Ả Rập lên tới tột đỉnh vinh quang. Dưới triều đại ông, Bagdad là trung tâm nghệ thuật của thế giới Hồi giáo. (Theo Wikipedia). (Goldfish).

[41] Bản tiếng Anh chép là: $3,500,000. (Goldfish).

[42] Các người Hồi vốn ghét Birbal, hay tin ông ta chết, hoan hỉ lắm. Sử gia Hồi Badaoni kể lại cái chết
đó, bằng một giọng vui thích dã man: “Birbal sợ chết, đào tẩu, bị giết, và xuống địa ngục với loài chó”.

[43] Tương truyền là của Vyasa, viết vào khoảng thế kỉ thứ II trước Công nguyên tới thế kỉ thứ V sau Công nguyên, dài 200.000 câu.

[44] Linh mục Giordano Burno (1548-1600) là một nhà triết học, nhà vũ trụ học và nhà huyền bí người Ý. Ông ủng hộ thuyết nhật tâm của Nicolaus Copernicus, bị tòa án La Mã kết tội là một dị giáo và bị hỏa thiêu. (Theo Wikipedia). (Goldfish).

[45] Trừ một thời gian ngắn (1582-85) ngược đãi đạo Hồi.

[46] Có nghĩa là “Ánh sáng thế giới”, cũng có tên là Nur Mahal, “Ánh sáng cung điện”; Jehangir có nghĩa là “Người chinh phục thế giới”; Shah Jehan là “Vua thế giới”.

[47] Lăng này được thi sĩ Đoàn Thêm tả trong tập thơ Taj Mahal. (ND).

[48] Ngọc điện này bảy năm mới xây cất xong, làm toàn bằng vàng bạc châu báu. Chiếc ngai có bốn chân bằng vàng khối; mười hai chiếc cột bằng ngọc bích đỡ một cái long đỉnh bằng sứ; mỗi cột có hai con công (khổng tước) cẩn ngọc, đứng ở một gốc cây cành lá toàn bằng kim cương, hồng ngọc, ngọc bích, ngọc trai. Hết thảy tốn 175.000.000 (bản tiến Pháp không nói là tiền gì). Năm 1739, vua Nadir chiếm chiếc ngai đó chở về Ba Tư rồi phá ra lần lần để trả tiền tu bổ sân rồng Ba Tư. [Số tiền, trong bản tiếng Anh chép là: $7,000,000. Vì 1 đô la ăn khoảng 25 quan Pháp, nên ta suy ra đơn vị của con số 175.000.000 là đồng quan Pháp. Vua Nadir chiếm Delhi năm từ 1937 đến 1938. (Goldfish)].

[49] Vì đạo Hồi cấm thờ tượng thần; người Hồi không khi nào dám đục tượng, đúc tượng. (ND).

[50] Ý nói nước Anh. (Goldfish).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.