Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ

CHƯƠNG VII – VĂN HỌC ẤN ĐỘ



I. CÁC NGÔN NGỮ CỦA ẤN

Tiếng Sanscrit – Các thổ ngữ – Ngữ pháp.

Ở châu Âu thời Trung cổ, các tác phẩm triết học và đa số các tác phẩm văn học đều viết bằng một tử ngữ, quần chúng không hiểu, thì ở Ấn cũng vậy, các tác phẩm triết học và văn học thời cổ điển đều viết bằng tiếng Sanscrit, một ngôn ngữ đã từ lâu lắm không ai nói, nhưng vẫn còn được dùng như một espéranto (thế giới ngữ) trong giới các học giả để trao đổi tư tưởng với nhau[1]. Vì không còn liên hệ tới đời sống của dân tộc, thứ ngôn ngữ văn chương đó lần lần hoá ra cực cầu kì, cổ hủ, rởm; nó không thu nhận những từ ngữ do dân chúng tự nhiên tạo ra, mà muốn thoả mãn nhu cầu dạy giáo lí, nó phải nguỵ tạo thêm dụng ngữ, tới nỗi rốt cuộc tiếng Sanscrit của các triết gia mất hết sự giản dị hùng tráng trong các thánh ca của các kinh Veda mà thành một thứ tiếng kì quái có những từ (mot) dài vô tận y như những con sán ghê tởm trườn hết hàng trên xuống đến hàng dưới[2].

Nhưng vào khoảng thế kỉ thứ V trước Công nguyên, dân chúng miền Bắc Ấn Độ đã biến đổi tiếng Sanscrit thành tiếng Prakrit, cũng gần như người Ý biến đổi tiếng La Tinh thành tiếng Ý; tiếng Prakrit được dùng trong một thời gian để truyền bá đạo Phật và đạo Jaïn, rồi lại biến đổi để thành tiếng Pali, những kinh, sách cổ nhất của đạo Phật hiện nay chúng ta còn giữ được viết bằng tiếng Pali đó. Khoảng cuối thế kỉ thứ X sau Công nguyên, những “Ấn ngữ chuyển tiếp” đó phát sinh ra nhiều thổ ngữ mà thổ ngữ quan trọng nhất là tiếng Hindi. Tới thế kỉ XII, tiếng Hindi chuyển thành tiếng Hindoustani mà nửa Ấn Độ ở miền Bắc đều dùng. Sau cùng bọn xâm lăng Hồi đưa vào tiếng Hindoustani rất nhiều từ ngữ Ba Tư và biến nó thành một thổ ngữ mới, thổ ngữ Urdu. Tất cả những ngôn ngữ đó đều là những ngôn ngữ “Ấn – Nhật nhĩ man” không lan ra khỏi miền Indoustan (miền Bắc); miền Deccan ở cực Nam bán đảo vẫn giữ những cổ ngữ của dân tộc Dravidien như tiếng Tamul[3], Telugu, Kanarese, Malayalam, nhưng tiếng Tamul mới chính là ngôn ngữ văn chương của miền Nam. Thế kỉ XIX, ở Bengale, tiếng Bengali thay tiếng Sanscrit mà thành ngôn ngữ văn chương; nhà kể truyện Chatterjee là Boccace của miền Bengale, còn thi sĩ Rabindranath Tagore là Pétrarque[4] của miền đó. Hiện nay ở Ấn còn cả trăm ngôn ngữ khác nhau. Còn phong trào Swaraj[5] thì dùng ngôn ngữ của bọn xâm lăng.
Ngay từ sớm lắm, người Ấn đã nghiên cứu về nguồn gốc, diên cách[6], sự liên quan và cách tổ hợp các từ ngữ. Từ thế kỉ thứ IV trước Công nguyên, họ đã tạo ra môn ngữ pháp[7], và Panini có lẽ là nhà ngữ pháp vĩ đại nhất của mọi thời. Các công trình nghiên cứu của Panini, của Patanjali (khoảng 150 sau Công nguyên) và của Bhartrihari (khoảng 650) đã đặt nền tảng cho ngôn ngữ học; và môn học rất thích thú về cách thức các từ ngữ sinh ra lẫn nhau, sở dĩ xuất hiện được phần lớn là nhờ một sự phát kiến mới về tiếng Sanscrit hồi tương đối gần đây.
Như chúng tôi đã nói, thời Veda, người Ấn ít dùng chữ viết. Thứ cổ tự Kharosthi xuất hiện khoảng thế kỉ thứ V trước Công nguyên và phỏng theo chữ Sémitique [của các dân tộc cổ ở Syrie, Mésopotamie]. Trong các thiên anh hùng ca và các kinh sách đạo Phật đã thấy nhắc tới những người chuyên làm nghề viết chữ[8]. Thời đó họ viết trên lá cây[9] hay vỏ cây, bút là một cây sắt đầu nhọn; trước hết người ta phải dùng một cách làm cho vỏ cây hoá dai hơn, rồi dùng đầu cây sắt người ta vạch thành chữ chìm lên vỏ cây, sau cùng đổ một thứ mực lên, một lát sau, người ta chùi một lượt, mực chỉ còn thấm vào các nét gạch lên vỏ cây, tức các nét chữ. Chính người Hồi đã du nhập giấy viết vào Ấn, vào khoảng 1.000 sau Công nguyên, nhưng mãi tới thế kỉ XVII, giấy mới hoàn toàn thay thế vỏ cây. Người ta lấy dây xâu vào những trang bằng vỏ cây đó, đóng thành những cuốn sách cất trong các thư viện mà người Ấn gọi là “kho tàng của nữ thần Ngôn ngữ”. Có những tùng thư vĩ đại bằng vỏ cây đó thoát được sự tàn phá của chiến tranh và thời gian mà lưu truyền tới ngày nay[10].

II. GIÁO DỤC

Các trường học – Các phương pháp dạy học – Các đại học – Sự giáo dục của người Hồi – Quan niệm của một hoàng đế về giáo dục.

Cho tới thế kỉ XIX, chữ viết đóng một vai trò rất nhỏ nhoi, vô nghĩa. Có lẽ các tu sĩ nghĩ rằng để cho đại đa số tín đồ đọc được các Thánh kinh, là điều không có lợi cho họ [tức các tu sĩ]. Đọc sử Ấn Độ, đi ngược thời gian, chúng ta thấy từ hồi nào, sự giáo dục luôn luôn do các tu sĩ đảm nhiệm. Mới đầu trường chỉ mở để dạy con trai các Bà La Môn, lần lần cho thêm trẻ các tập cấp khác vô học, tập cấp cao được thu nhận trước, và hiện nay tập cấp “tiện dân” vẫn chưa được thu nhận. Mỗi làng có một ông thầy do quĩ công đài thọ; trước khi người Anh tới, riêng miền Bengale có khoảng 80.000 trường “bản xứ” như vậy, tính ra trung bình cứ bốn trăm người dân thì có một trường[11]. Hình như dưới triều đại Açoka, tỉ số người mù chữ thấp hơn ngày nay.

Sách lá cọ 

Trẻ em từ năm tới tám tuổi tới học trường làng, học từ tháng chín tới tháng hai. Bất kì môn gì cũng thấm nhuần giáo lí; nhiều khi người ta chỉ cho học sinh học thuộc lòng, các bài học thuộc lòng đều lấy trong các kinh Veda; tư cách con người quan trọng hơn là trí tuệ và giáo dục chú trọng nhất tới kỉ luật[12]. Hình như các ông giáo không dùng đến roi hoặc một thể hình nào khác, họ rán tập cho trẻ có những thói tốt về phép cư xử, cách sống, cách giữ gìn thân thể cho sạch sẽ. Tám tuổi, người ta giao trẻ cho một guru, một giáo sư riêng tựa như sư phó; trẻ sống với guru nếu có thể được cho tới hồi hai mươi tuổi, có bổn phận giúp đỡ thầy trong mọi việc lặt vặt, phải tiết dục, từ tốn, giữ mình cho sạch sẽ, cữ ăn thịt. Lúc đó mới bắt đầu học năm môn: ngữ pháp, nghệ thuật và nghề nghiệp, y học, luận lí học và triết học. Sau cùng thanh niên rời thầy ra đời, nhớ kĩ lời thầy dạy rằng sự giáo dục, một phần tư là công của thầy, một phần tư là công của chính mình, một phần tư nữa là nhờ bạn, và phần tư cuối cùng là do kinh nghiệm trong đời.

Nhiều khi, vào hồi mười sáu tuổi, thanh niên rời thầy để lại học trong một trường đại học. Những trường đại học này làm vẻ vang cho Ấn Độ thời Thượng cổ và thời Trung cổ, như các trường Bénarès, Taxila, Vidarbha, Ajanta, Ujjain, Nalanda. Thời Phật Tổ, Bénarès là đồn luỹ của chính giáo Bà La Môn mà nay cũng vậy. Khi vua Hi Lạp Alexandre xâm chiếm Ấn, Taxila nổi tiếng khắp châu Á là nơi có nhiều nhà bác học nhất của Ấn, trường Y khoa ở đó rất danh tiếng; Ujjain thì nổi tiếng về các nhà thiên văn; Ajanta nổi tiếng về các giáo sư dạy nghệ thuật. Ngày nay nhìn mặt tiền một toà nhà đã điêu tàn của trường Ajanta, chúng ta cũng tưởng tượng được thời xưa các trường đại học đó tráng lệ ra sao. Nalanda, học viện nổi danh nhất của Phật giáo được thành lập ít lâu sau khi Phật Tổ tịch, và triều đình cho viện thu thuế một trăm làng để chi tiêu. Hồi xưa, viện gồm mười ngàn sinh viên, một trăm giảng đường, có những kho sách lớn và sáu dãy mênh mông cao bốn từng dùng làm phòng ngủ. Huyền Trang bảo đài thiên văn của viện “khuất trong mây mù buổi sáng, những tầng lầu cao vượt lên khỏi mây”. Nhà sư Trung Hoa đó mến các tu sĩ bác học và cảnh âm u của viện tới nỗi ở lại Nalanda năm năm. Ông bảo: “Trong số các người ngoại quốc ước ao được lại học ở Nalanda, già nửa thấy môn học khó quá, theo không nổi, bỏ về liền; chỉ những người rất thông các môn học cổ, kim là theo nổi, mà tỉ số cũng rất nhỏ: mười người mới được hai, ba. Thí sinh được nhận vô học đã khỏi phải trả tiền học, lại còn được nuôi không nữa, nhưng phải tuân một kỉ luật nghiêm khắc gần như vào nhà tu kín. Họ không được nói chuyện với bất kì một người đàn bà nào; không được nhìn một người đàn bà nào; nội cái ý muốn được nhìn đàn bà cũng đủ là một tội nặng rồi; thật là nghiêm khắc y như các giới luật trong Tân Ước. Sinh viên nào mắc tội ái ân với đàn bà, thì phải khoác suốt một năm một tấm da lừa đuôi ngóc lên, và phải đi hành khất mà thú tội của mình với người bố thí. Mỗi buổi sáng, số sinh viên vĩ đại đó tắm trong mười cái hồ tắm lớn của viện.
Chương trình học kéo dài mười hai năm và một số sinh viên ở lại viện tới ba mươi tuổi, có người ở suốt đời.

Người Hồi tàn phá gần hết các tu viện đạo Phật cũng như đạo Bà La Môn ở Bắc Ấn Độ. Học viện Nalanda bị san phẳng năm 1197 và bao nhiêu tu sĩ đều bị giết hết; nhìn những di tích còn lại chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi thời xưa đời sống ở Ấn Độ phong phú ra sao. Mà những kẻ tàn phá đó đâu phải là một dân tộc hoàn toàn dã man; họ cũng đã biết yêu những cái đẹp và biết tạ khẩu những cớ này cớ khác về tôn giáo ra vẻ thành kính lắm để biện hộ cho những cuộc cướp bóc của họ chứ. Khi người Mông Cổ thống trị Ấn, cũng đem vô Ấn một nền văn minh tấn bộ lắm, nhưng quan niệm hẹp hòi; họ yêu văn thơ cũng ngang với võ bị và có tài tấn công một thành cũng như có tài gieo vần. Người Hồi cho giáo dục một tính cách hoàn toàn cá nhân; gia đình nào giàu có thì đón một thầy dạy riêng cho con cái; đúng là một quan niệm quí phái. Họ cho giáo dục là một xa xí phẩm, đôi khi rất có ích cho một chính khách hay một con buôn, một nhà kinh doanh, nhưng có thể nguy hại cho quốc gia, gây rắc rối cho xã hội nếu truyền bá cho kẻ nghèo, những kẻ phải suốt đời chịu cái thân phận hèn mọn. Một trong những thầy học cũ của vua Aureng-Zeb có lần xin ông phong cho một chức quan nhàn hạ, lời đáp của ông đủ cho ta thấy lối dạy học thời đó ra sao. Bernier nghe người ta kể lại câu chuyện đó, rồi chép lại như sau:

Nhà thông thái Mullah-Gy[13], ông tới cầu ta điều chi đây? Cầu ta phong cho ông chức đại thần ở triều ư? Nếu trước kia ông dạy cho ta một cách đàng hoàng thì điều thỉnh nguyện đó rất hợp lí vì ta có tấm lòng của một đứa trẻ ngoan ngoãn, mang ơn thầy học cũng bằng hay hơn là mang ơn cha; nhưng ông có dạy bảo cho ta được điều gì quí báu không? Trước hết ông bảo ta rằng tất cả cái châu Frangistan (châu Âu) đó chỉ là một đảo nhỏ mà quốc vương lớn nhất xưa kia là vua Bồ Đào Nha, rồi sau tới vua Hoà Lan, rồi sau tới vua Anh; còn những vua khác như vua Franca (Pháp), vua Andalous[14], ông cho chỉ như bọn rajah nhỏ của mình, như vậy ông muốn cho ta hiểu rằng các vua Houmayou, Ekbar, Jehan Guyre, Shah Jehan[15], giàu có, uy quyền nhất thế giới, làm chủ thế giới; rằng Ba Tư, Usbec, Kach-guer, Tatar và Catay-Pégu (tức Thái Lan), Tchine và Machine[16] chỉ nghe thấy nói tới tên các vua Indoustan cũng run lên cầm cập rồi; cái môn địa lí của ông thật tuyệt! Đáng lí ra ông phải dạy cho ta phân biệt được đúng các quốc gia trên thế giới đó, cho ta biết rõ sức mạnh của họ ra sao, thắng được họ cách nào, phong tục, tôn giáo, chính trị của họ ra sao, họ mưu tính những gì; và dạy cho ta đọc kĩ lịch sử để biết các nước đó lập quốc gia ra sao, thịnh vượng rồi suy vi ra sao; do những biến cố, lỗi lầm nào của họ mà xảy ra những cuộc đại biến, những cuộc cách mạng đó. Ông chỉ dạy qua loa cho ta tên của các tiên vương, những đấng sáng lập ra đế quốc này, mà không cho ta biết đời các đấng đó, công lao lập quốc vẻ vang của các đấng đó. Ông đã dạy ta biết đọc và biết viết tiếng Ả Rập; ta mang ơn ông lắm, đã làm cho ta mất bao nhiêu ngày giờ học một ngôn ngữ cần mười, mười hai năm đèn sách mới thông thạo được, như thể ông nghĩ rằng một hoàng tử thì phải là một nhà ngữ pháp học hoặc một nhà luật học, rồi lại phải học thêm những ngôn ngữ khác ngoài những ngôn ngữ của các lân bang; mà thì giờ của một hoàng tử quí báu quá, có biết bao điều khác rất quan trọng phải học cho sớm. Cái lối học từ ngữ đó buồn tẻ, khô khan, tốn công mà lại không thích hợp, làm cho bộ óc nào mà chẳng chán ngấy rồi hoá mụ đi!

Bernier bảo: “Đấy, Aureng-Zeb có giọng bực tức như vậy đấy, nhưng vài nhà thông thái, hoặc vì muốn nịnh ông, hoặc vì ghen ghét Mullah-Gy, hoặc vì một lí do nào khác, loan truyền tin rằng nhà vua đã chịu ngưng cho đâu, nói lãng qua nhiều chuyện khác để cười cợt, rồi lại mắng tiếp Mullah”.

Ông không biết rằng tuổi thơ, kí tính thường rất mạnh, nếu khéo dạy dỗ thì có thể thu nhập được cả ngàn phép tắc tốt đẹp, cả ngàn tri thức ích lợi, nó khắc sâu vào trí óc suốt đời, làm cho tinh thần cởi mở, cao thượng để sau này thi hành những việc lớn, ông không biết vậy ư? Luật pháp, kinh kệ và khoa học, học bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta chẳng dễ dàng hơn, hiểu kĩ hơn là học bằng tiếng Ả Rập ư? Ông bảo với phụ vương Shah Jehan rằng ông dạy triết học cho ta; chắc phụ vương còn nhớ trong mấy năm ông giảng cho ta về những chuyện trên trời, những chuyện chẳng thoả mãn trí óc con người chút nào, mà cũng chẳng dùng được gì trong đời sống, toàn là những chuyện hão huyền, khô khan chỉ được mỗi cái điểm quí này là rất khó hiểu mà lại rất mau quên, làm cho phát ngấy lên, óc mụ đi, thành con người cố chấp không ai chịu nổi. Ta còn nhớ rõ sau khi ông đem cái môn triết đẹp đẽ của ông đó giảng cho ta không biết mấy năm trời, ta chỉ còn nhớ được vô số những triết ngữ dã man, tối tăm, làm cho những óc thông minh nhất cũng phải sợ, rối trí và chán ngắt; những triết ngữ mà những kẻ nào tạo ra đó chỉ để che dấu cái tự cao tự đại, cái ngu xuẩn của những con người như ông, những người muốn loè đời rằng cái gì mình cũng biết, rằng những từ ngữ tối tăm, hàm hồ đó, chứa những tư tưởng vĩ đại, những huyền bí lớn lao mà chỉ bọn họ hiểu nổi. Giá ông [đừng dạy những cái hão huyền đó mà] dạy cho ta cách lí luận để ta lần lần quen đưa ra những lí lẽ vững vàng; giá ông chỉ cho ta những phép tắc, những lời giáo huấn đẹp đẽ để nó nâng cao tâm hồn lên khỏi những chìm nổi của đời người, lúc nào cũng bình thản, không gì lay chuyển nổi, khi lên thì không vênh vênh tự đắc, lúc xuống thì không rầu rĩ, hèn nhát; giá ông khéo dạy cho ta biết bản thân chúng ta ra sao, phép tắc chính của vạn vật là gì, và giúp ta nhận định được sự vĩ đại của vũ trụ, sự biến chuyển và trật tự huyền nhiệm của các thành phần vũ trụ; giá ông dạy cho ta cái triết lí đó thì có phải là ta mang ơn ông vô cùng không, hơn vua Alexandre mang ơn Aristote, và bổn phận của ta là tạ ơn ông hơn Alexandre tạ ơn Aristote nữa. Con người nịnh bợ kia, sao không dạy cho ta một chút gì thật là cần thiết cho một ông vua như vậy, cho ta biết bổn phận vua tôi đối với nhau ra sao? Ít nhất thì ông cũng phải nghĩ rằng một ngày nào đó ta phải dùng đường gươm lưỡi kiếm để bảo vệ cái mạng ta và tranh ngai vàng với anh em ta chứ? Đó chẳng phải là số phận của hết thảy các con vua ở xứ Indoustan này ư? Vậy mà có bao giờ ông chịu khó dạy cho ta thuật tấn công một thành, thuật đem quân nghênh chiến? Và ta đã phải mất công học hỏi những người khác! Thôi, về vườn đi, mai danh ẩn tích ở quê hương ông đi, đừng cho thiên hạ biết ông bây giờ là ai, sau này là ai nữa[17].

III. ANH HÙNG CA

Anh hùng trường ca Mahabharata – Lịch sử bộ đó – Hình thức – Trường ca Bhagavad-Gita – Siêu hình học về chiến tranh – Cái giá của tự do – Trường ca Ramayana – Lâm tuyền tình ca – Vụ cướp nàng Sita – So sánh anh hùng ca Ấn Độ và anh hùng ca Hi Lạp.

Ngoài các trường làng và trường Đại học ra, Ấn Độ còn dùng những phương tiện khác để giáo dục quần chúng. Vì chữ viết ở xứ đó không được coi trọng như các nền văn minh khác, cho nên sự truyền khẩu là phương tiện chính để bảo tồn và truyền bá lịch sử cùng di sản văn học của dân tộc; nhờ cách kể truyện, ngâm vịnh trước công chúng mà phần di sản tinh thần quí báu nhất của họ được truyền bá trong dân gian. Hồi xưa ở Hi Lạp có những người kể chuyện vô danh truyền bá các truyện Iliade và Odysée; ở Ấn Độ cũng vậy, có hạng người chuyên kể truyện-dạo đi khắp nơi, từ cung đình tới làng xóm hẻo lánh, kể những anh hùng ca cứ mỗi thời một dài thêm, một lớn ra mà trong đó các người Bà La Môn đem chất vào cả cái kho tàng truyền thuyết dân gian[18].

Một học giả Ấn bảo rằng anh hùng ca Mahabharata là “tác phẩm tưởng tượng vĩ đại nhất của châu Á” và ông Charles Eliot cũng khen “bộ đó là một trường ca hay hơn Iliade”[19]. Về một khía cạnh nào đó lời phê phán đó đúng. Hồi đầu (khoảng 300 trước Công nguyên), Mahabharata chỉ là một bài ca trung bình có tính cách tự sự, rồi lần lần mỗi thế kỉ tăng thêm nhiều chi tiết mới, nhiều đoạn nghị luận thu hút trường ca Bhagavad-Gita và cả một phần truyện Rama (một trong những hậu thân của thần Vichnou), rốt cuộc ngày nay nó dài tới 107.000 đoạn[20] gồm những câu thơ tám cước, nghĩa là dài gấp bảy lần cả hai bộ Iliade và Odysée gom lại. Các tác giả của bộ đó nhiều vô kể: truyền thuyết cho rằng “Vyasa” là tác giả, mà tên đó có nghĩa là người sưu tập. Cả trăm thi sĩ đã góp công viết, cả ngàn người đã góp sức sửa chữa, tô chuốt, rồi tới triều đại các vua Gupta (khoảng 400 sau Công nguyên), các Bà La Môn lại đưa thêm những ý về tôn giáo và luân lí của họ vô trường ca đó mà kì thuỷ nguồn cảm hứng rõ ràng là của tập cấp chiến sĩ, thành thử tạo cho nó cái kích thước khổng lồ như ngày nay.

Đầu đề chính có vẻ không hợp cho việc dạy giáo lí vì vốn là một truyện bao động, cờ bạc, chiến tranh.
Ngay từ cuốn đầu, ta thấy xuất hiện nàng Shakunlata kiều diễm (sau nàng thành nhân vật chính trong bi kịch nổi danh đó của Ấn) và người con trai anh dũng của nàng tên là Bharata. Bharata là thuỷ tổ của các đại bộ lạc Bharata (do đó mà trường ca có tên là Mahabharata)[21], Kuru và Pandava mà những cuộc chiến đấu đổ máu là mối dây liên lạc – đôi khi đứt rồi nối – cho toàn truyện. Yudhishthira, vua bộ lạc Pandava đặt cả của cải, đạo quân, giang sơn, anh em, sau cùng là hoàng hậu Draupadi vào một canh bạc với vua bộ lạc Kuru; vua Kuru dùng những con thò lò gian lận nên thắng, và theo lời giao hẹn, bộ lạc Pandava phải bị đày ra khỏi tổ quốc mười hai năm, rồi sẽ được trở về làm chủ giang sơn như cũ. Hết hạn, bộ lạc Pandava nhắc bộ lạc Kuru giữ lời hứa, bộ lạc Kuru làm thinh, thế là hai bên choảng nhau. Bên nào cũng kiếm đồng minh, thành thử gần hết Bắc Ấn lâm vào cảnh binh đao[22]. Trong 18 ngày – kể trong năm cuốn – họ chém giết nhau như điên; cả bộ lạc Kuru bị giết hết, và bộ lạc Pandava chỉ còn sống sót được một số ít, vị anh hùng Bhishma một mình giết 100.000 người trong mười ngày; theo thi sĩ chép lại truyện đó thì tổng số người bị giết lên tới mấy trăm triệu. Giữa cảnh đổ máu đó, hoàng hậu Gandhari, vợ của vua Kuru đui tên là Dhrista-rashtra, gào thét kinh khủng khi thấy những con kên kên rỉa thây con trai bà, hoàng tử Duryodhan.

Rất mực tiết hạnh, nhân từ, thực là một hoàng hậu và một người vợ hoàn toàn, Bà Gandhari đứng uy nghi, trên một chiến trường
Đầy những sọ tóc dính bết, những tay chân rời thân thể. Mà đất thì đen lại vì thấm máu…

Trên cảnh tàn sát đó, vang lên tiếng tru kéo dài của những con chó rừng chuyên ăn thây ma, Tiếng vỗ cánh rùng rợn của bầy quạ đen và kên kên.
Không khí đầy những con Pishacha[23] tục tĩu uống máu, Và những con Raksha đói xé thây các chiến sĩ ra từng khúc, Người ta dắt vị lão vương qua cảnh chém giết, chết chóc đó;
Các phụ nữ bộ lạc Kuru run rẩy đi giữa đám thây ma nhiều vô kể. Và một tiếng rú thống khổ vang trên cánh đồng mênh mông,
Khi họ tìm thấy thây của con, của cha, của chồng họ, Khi họ thấy bầy chó sói trong rừng ăn thịt các chiến sĩ,
Y như những kẻ lang thang ăn đêm, rình mò dưới ánh sáng ban ngày. Họ khóc lóc rên rỉ vang cả chiến trường u ám.
Chân yếu ớt của họ lảo đảo, họ té xuống đất, Đau khổ quá, họ không nghĩ gì tới sống nữa,
Họ ngất đi, tưởng như chết rồi, và cánh đồng yên lặng được một chút Rồi một tiếng thở dài não nuột như xé ruột bà Gandhari,
Liếc mắt thấy các công chúa lo lắng, rầu rĩ, bà thưa với thần Krishna[24]: “Ngài nhìn các con gái đau khổ của tôi này, quả phụ của dòng họ Kuru,
Chúng khóc người thân của chúng này, như chim ưng mái khóc chim ưng trống. Coi những nét mặt hãi hùng của chúng, thấy lòng yêu chồng, con của chúng ra sao. Coi chúng lang thang hoài giữa đám chiến sĩ tử trận kìa:
Mẹ thì ghì thây con trai như thản nhiên ngủ say,

Vợ thì cúi xuống khóc chồng, lệ tuôn không ngớt…”

Hoàng hậu Gandhari đương rầu rĩ thưa với thần Krishna như vậy, Thì mắt bà ngơ ngác tìm thấy thây con trai của bà là Duryodhan, Bà bỗng thống khổ vô cùng, mê man, không còn biết gì nữa,

Như một gốc cây bị cơn dông bứng gốc, bà té bất tỉnh trên đất. Khi hồi tỉnh, bà lại đau xót ngó chỗ Con trai bà, thân thể đầy máu, ngủ dưới vòm trời. Rồi bà ôm lấy Duryodhan, ghì chặt vào lòng, Mà nức nở khóc, ngực phập phồng, toàn thân run rẩy, Lệ bà trào ra như mưa hè, ướt đẫm cái đầu cao quí của con trai, Cái đầu còn đeo một tràng hoa chưa héo, tràng hoa niska đỏ rực. “Khi con trai quí của tôi sắp ra trận, nó còn bảo tôi:
Khi con bước lên chiến xa, má chúc con vui vẻ khải hoàn nhé.

Tôi bảo con trai quí của tôi, Duryodhan: Trời phù hộ cho con bình an.

Yato dharma stato jayah – tài giỏi là phải thắng.

Thế là nó hăng hái ra trận, sự dũng cảm của nó đã chuộc hết tội lỗi của nó. Bây giờ nó ở thiên cung cùng với các chiến sĩ một lòng với tổ quốc.
Tôi không khóc Duryodhan nữa, nó đã chiến đấu và chết vinh dự như một quốc vương, Nhưng ai thấu được nỗi đau lòng của chồng tôi ra sao?…
Nghe kìa, tiếng tru rùng rợn của chó rừng ăn thây ma; coi kìa bầy chó sói rình mồi. Trước kia, những thiếu nữ giàu sang, giọng hát du dương, canh cho con trai tôi ngủ. Nghe kìa, bầy kên kên ghê tởm mỏ đầy máu, vỗ cánh trên các thây ma.
Những thiếu nữ phe phẩy cái quạt bằng lông pankha chung quanh ngự sàng của Duryodhan… Coi kìa, quả phụ quí phái, cao thượng của Duryodhan có vẻ hãnh diện về con trai là Lakshman. Hoàng hậu trẻ và đẹp đó, như một bàn thờ bằng vàng ròng,
Bây giờ không còn được chồng ôm ấp, được con trai quàng cổ nữa,

Đương tuổi xuân đẹp đẽ như vậy mà phải sống một đời đau khổ, tàn tạ.

Lòng sắt đá của tôi đã bị nỗi thống khổ đè nặng, thấy cảnh nó mà làm sao không nát ngấu.

Số kiếp của Gandhari này là phải sống để trông thấy con trai và cháu nội cùng bị chém giết một lúc ư?

Vậy bây giờ đây, nhìn quả phụ Duryodhan kìa, nó ôm trong bàn tay cái đầu đầy máu của chồng. Coi nó âu yếm nhẹ nhàng đặt đầu chồng xuống kìa, Hết ngó chồng nó lại quay đầu nhìn con trai cưng, Nó nghẹn ngào nức nở, nước mắt trào ra Coi nó y như một đọt sen vàng kìa.

Ôi đoá sen của tôi, con gái của tôi, niềm vui vinh dự cho dòng Bharat và dòng Kuru!

Nếu lời tụng các kinh Veda mà đúng thì Duryodhan dũng cảm bây giờ hiện ở trên thiên cung; Thế thì sao ta còn đau khổ làm chi vì mất tình yêu thương của nó,
Nếu lời trong Shastra mà đúng thì con trai tôi, con trai anh dũng của tôi bây giờ ở trên thiên cung. Nó mãn kiếp trần của nó rồi thì ta còn đau khổ, rầu rĩ làm chi nữa?”.
Chỉ có một đề tài ái tình và chiến tranh đó mà tác giả đã miêu tả, thêu dệt cả ngàn cách. Thần Krishna làm ngưng cuộc chém giết để thuyết về tính cách cao quí của chiến tranh và sự cao quí của chính ngài; khi sắp tắt thở, vị anh hùng Brishma cũng rán kéo dài thêm đời sống để tỉ mỉ giảng giải về luật lệ của tập cấp, luật kế thừa, về hôn nhân, phép tặng dữ, về tang lễ, về triết thuyết Shankhya, về các Upanishad, kể một loạt huyền thoại, truyện hoang đường, truyền thuyết và diễn thuyết một hồi về bổn phận của các ông vua. Giữa những đoạn mà tình tiết hoàn toàn có tính cách bi tráng, lời tươi đẹp như những ốc đảo, xen vào những đoạn dài khô khan, bụi lầm như sa mạc, trong đó tác giả chép phổ hệ các vua chúa, tả về địa lý, biện luận về thần học và siêu hình học. Trong trường ca Mahabharata có đủ hết: ngụ ngôn, truyện thần tiên, truyện tình, đời sống các vị thánh, và tất cả bộ thơ trường thiên vĩ đại đó thành một mớ hỗn độn kém xa Iliade và Odyssée về phương diện hình thức, nhưng tư tưởng thì có phần phong phú hơn. Mới đầu chỉ là một trường ca tả sự hoạt động, lòng anh dũng, cảnh chiến tranh, nguồn hứng của tập cấp Kshatriya (chiến sĩ), rồi sau các tu sĩ Bà La Môn lợi dụng nó để giảng cho dân chúng luật Manou, các qui tắc yoga, các phép tắc luân lí, và các cái đẹp của cảnh Niết Bàn. Hoàng kim qui tắc được lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức[25]; có vô số cách ngôn về sự minh triết[26]; lại có những truyện ngụ ý khuyên răn đạo làm vợ, phải trung tín, kiên nhẫn với chồng (Nala và Damayanti, Savitri), đúng với quan niệm của các phái Bà La Môn.

Trường thi triết lí vĩ đại của nhân loại là Bhagavad-Gita (Bác Già – Phạn khúc), tức thánh ca của Thượng Đế, cũng đem xen vô giữa cuộc giao chiến. Nó là bộ Tân Ước của Ấn Độ, được trọng gần ngang với các kinh Veda, được dùng tại các toà án để các chứng nhân đặt tay lên nó trước khi thề, cũng như Thánh kinh ở các xứ Anglo-saxon và kinh Coran ở các xứ Hồi giáo. Guilliaume de Humboldt bảo nó là “thiên trường thi đẹp nhất, có lẽ duy nhất trong lịch sử các nền văn học… tác phẩm thâm thuý nhất, cao thượng nhất mà nhân loại có thể sáng tác được”. Ấn Độ ít chú trọng đến cá nhân, người viết không cần kí tên mà người đọc cũng chẳng muốn biết tác giả là ai, nên ngày nay bộ đó không mang tên tác giả, cũng không ghi sáng tác năm nào, có thể là 400 trước Công nguyên, mà cũng có thể là 200 sau Công nguyên.

Thi phẩm tả cuộc đại xung đột giữa bộ lạc Kuru và bộ lạc Pandava, một chiến sĩ Pandava tên là Arjuna không chịu chiến đấu vì phía địch có một số thân thích của mình. Thần Krishna, cũng như một thần của Homère, tham chiến ở bên cạnh Arjuna; Arjuna thưa với Krishna, lời lẽ y như của thánh Gandhi hoặc chúa Ki Tô:

Khi tôi thấy ở phía kia đám bà con tôi

Lại đây để hai bên cùng đổ máu với nhau,

Thì tay chân tôi rã rời, lưỡi tôi khô lại trong miệng…

Điều đó không nên, ôi Keshav! Tốt sao được, Khi chém giết lẫn nhau như vầy! Tôi ghét
Sự thắng lợi, sự thống trị, ghét cảnh phú quí

Đoạt được bằng cách đó! Hỡi ơi, thắng lợi nào

Mà vui cho được, hỡi Govinda, làm sao có thể hưởng

Những chiến lợi phẩm đoạt được bằng cách đó; quyền hành làm sao bù lại cho được. Đời sống còn vui thú gì khi phải trả giá bằng máu của người thân?…
Vì ham quyền hành

Mà chém giết bà con, bạn bè như vậy, Ôi Ahovat! Còn tội lỗi nào bằng!
Nếu bà con tôi muốn đâm tôi

Thì thà tôi tay không, phanh ngực ra

Để nhận mũi tên lưỡi kiếm của họ, chứ không muốn đâm chém trả lại họ.

Krishna mặc dầu là thần linh mà cũng khoái chiến đấu, nghe vậy, bèn lấy tư cách uy nghiêm của hậu thân Vichnou, đáp rằng theo các Kinh Thánh và theo ý kiến những người có uy tín nhất thì giết bà con mình trên chiến trường là điều rất công bằng; rằng bổn phận của Ajuna là phải tuân theo luật lệ tập cấp Kshatriya của mình, phải chiến đấu, chém giết không gớm máu, không chút ân hận trong lòng; vả lại xét cho cùng, có chém giết thì chỉ cái thể xác là chết thôi, chứ linh hồn vẫn còn kia mà. Thế rồi thần Krishna giảng giải thuyết Purusha (tinh thần) thâm thuý của triết hệ Sankhya, thuyết Atman (linh hồn vũ trụ) bất diệt trong các Upanishad.

Bất diệt,

Sự sống bất diệt, nhớ đấy, sự sống gieo rắc sự sống ra khắp chốn; Không ở một nơi nào trong vũ trụ, không có cách nào
Giảm nó được, bắt nó ngừng lại, hoặc thay đổi được.

Còn những hình thức phù du nhất thời trong đó nó thổi vào

Một tinh thần bất diệt, vô tận và bất khả tận kia.

Những hình thức đó phải huỷ diệt. Thì cứ để cho chúng huỷ diệt đi, và nhà vua chiến đấu đi! Kẻ nào bảo: “Than ôi! Tôi đã giết một người!”
Kẻ nào nghĩ bụng: “Hỡi ơi! Người ta đã giết tôi!”, những kẻ đó

Đều ngu xuẩn cả. Sự sống không thể huỷ diệt được. Sự sống không bao giờ chết! Tinh thần không bao giờ sinh ra; nó không bao giờ không còn.
Không có cái thời xưa nào mà nó không có: Chung và Thuỷ (Khởi đầu và Tận cùng) toàn là ảo tưởng
cả!

Tinh thần còn hoài, nó không sanh ra, nó không thể chết, không thể biến đổi;

Mặc dầu cái thể xác như ngôi nhà của nó có vẻ chết đi, nhưng nó thì không khi nào chết.

Krishna lại dạy siêu hình học cho Arjuna nữa, tổng hợp hai triết thuyết Sankhya và Vedanta, đúng theo chủ trương của phái Vaishnavite thờ thần Vichnou. Ngài tự cho mình là Đấng Tối Cao, bảo:

Vạn vật lệ thuộc vào ta cả,

Như những hạt châu lệ thuộc vào sợi dây của chuỗi hạt. Ta là mùi vị của dòng nước trong; ta là
Ánh bạc của vầng trăng, ánh vàng của mặt trời,

Là lời cầu nguyện trong các kinh Veda, sự rung động Nó truyền qua không trung, là sức mạnh.
Của tinh dịch loài người. Ta là mùi dịu dàng mát mẻ Của mặt đất ướt, ta là ánh lửa đỏ rực.
Là sinh khí lưu động trong những vật chuyển động.

Là sự linh thiêng của linh hồn linh thiêng, là nguồn gốc Bất diệt sinh ra mọi vật;
Là sự minh triết của nhà hiền triết, là óc sáng suốt Của nhà bác học, sự vĩ đại của những cái gì vĩ đại, Sự đẹp đẽ của những cái gì đẹp đẽ…

Đối với người minh triết trông thấy hết thảy,

Đối với tu sĩ Bà La Môn thành kính, đã đọc thiên kinh vạn quyển, Thì con bò cái, con voi, con chó ghẻ,
Kẻ ti tiện ăn thịt chó kia, tất cả chỉ là một.

Bhagavad-Gita là một trường ca[27] màu sắc rực rỡ, chứa đầy những mâu thuẫn luân lí và siêu hình học, nó chính là phản ánh của các mâu thuẫn và phức tạp trong đời sống. Mới đọc chúng ta hơi thấy chướng: con người thì cương quyết bênh vực một luân lí cao thượng, còn thần linh gì mà lại nguỵ biện viện cái lẽ rằng không thể diệt sự sống được, rằng cá thể là cái gì hư ảo, không phải là thực thể để thuyết chúng ta gây chiến và chém giết nhau; nhưng nghĩ lại thì có lẽ tác giả muốn cho tâm hồn người Ấn thoát ra khỏi cái tinh thần an nhiên thư thái đến bực mình của đạo Phật, để họ phát sinh cái ý muốn chiến đấu cho tổ quốc; đó là lời phản kháng của một Kshatriya (chiến sĩ) cảm thấy rằng tôn giáo làm cho tổ quốc suy nhược, rằng có những cái khác còn quí báu hơn sự yên ổn. Tóm lại, đó là một bài học tốt; nếu Ấn Độ hiểu nó thì có lẽ đã bảo tồn được sự tự do, độc lập của họ.

Anh hùng ca thứ nhì của Ấn, trường ca Ramayana nổi danh nhất mà cũng được nhiều người thích nhất; dễ hiểu nhất đối với người phương Tây. Trường ca đó ngắn hơn trường ca Mahabharata: không quá một ngàn trang, mỗi trang bốn mươi tám hàng; và mặc dầu nó cũng như các trường ca khác, được người sau thêm hoài vào, tính ra mất năm thế kỉ mới hoàn thành – từ thế kỉ thứ III trước Công nguyên tới thế kỉ thứ II sau Công nguyên – nhưng ít có những đoạn xen đại vô, nên đề tài chính dễ nhận ra hơn. Theo truyền thuyết tác giả là một người nào đó tên là Valmiki có nhắc tới mình trong truyện, cho là đã sáng tác một trường thi quan trọng hơn; nhưng có lẽ tác phẩm là một công trình tập thể của nhiều thi-sĩ-rong (barde), tức như hạng người hiện nay còn đi khắp nơi kể, ngâm những trường ca đó cho dân chúng nghe, có khi kể liên tiếp chín chục đêm làm cho thính giả say mê.

Trường ca Mahabharata thuật một chiến tranh có cả các thần linh tham chiến, mà chiến tranh đó xảy ra một phần cũng vì sắc đẹp tuyệt trần của một người đàn bà, vậy cốt truyện giống với Iliade; trường ca Ramayana trái lại, giống Odyssée, cũng thuật lại những nỗi gian truân, lưu lạc khắp nơi của một vị anh hùng, trong khi đó người vợ ở nhà ngong ngóng trông chồng từng ngày. Ngay đoạn đầu, ta đã thấy tác giả tả một thời đại hoàng kim khi vua Dasaratha, đóng đô ở Ayodhya, trị vì xứ Kosala (nay là Oudh) trong cảnh thanh bình:

Vua tài giỏi, vừa cao sang, vừa biết nhiều, học rộng,

Dasaratha cầm quyền trị dân ở cái thời đại Veda sung sướng xưa kia…

Dân chúng lương thiện sống trong cảnh thanh bình, phong túc mà họ đáng được hưởng; Không ai mang lòng ghen ghét nhau, không miệng nào thốt những lời dối trá.
Gia đình nào cũng an ổn hưởng vườn đất, nhà cửa, súc vật, lúa gạo, vàng bạc của mình;

Ở kinh đô Ayodhya tuyệt nhiên không thấy cái cảnh khổ sở, đói rét.

Gần đó có một vương quốc nữa tên là Videha, dân chúng ở dưới quyền của vua Janak cũng được an cư lạc nghiệp. Cũng can đảm, giản dị như Cincinnatus [một viên Chấp chính thời xưa ở La Mã], nhà vua “cầm cày, cày lấy ruộng”. Một hôm, đương cày, ông thấy trong luống cày, dưới lưỡi cày ngoi lên một thiếu nữ tuyệt đẹp, nhà vua bèn đem về nuôi, và nàng thành công chúa. Sau đó ít lâu, nàng tới tuổi cặp kê, nhà vua tổ chức một cuộc thi để lựa phò mã: hễ thanh niên nào uốn cong nổi cây cung của nhà vua thì sẽ được làm phò mã. Trong số các thanh niên rắp ranh “bắn sẻ”, có hoàng tử Rama, con cả của vua Dasaratha. Chàng có “bờm sư tử, mắt như hạt sen, chàng đẹp như chúa sơn lâm (tức voi) cặp ngà thật mạnh, bím tóc xoắn lấy nhau”. Khi thử sức, thì chỉ có mình chàng là uốn nổi cây cung và vua Janak gả công chúa cho chàng, theo đúng lễ nghi Ấn, đọc những lời dưới đây:

Đây là Sita, ái nữ của Janak mà Janak quí hơn sinh mệnh của mình;

Từ nay con gái ta sẽ chia xẻ những đức của hoàng tử, thành hiền thê của hoàng tử. Sẽ đồng cam cộng khổ với hoàng tử, dù đi đâu cũng có nhau;
Hoàng tử nắm tay nó đi, vui hay buồn thì vợ chồng cũng yêu nhau; Vợ chồng như bóng theo hình,
Và Sita, con của ta, người vợ hiền nhất từ nay sẽ theo Hoàng tử suốt đời, cho tới lúc chết.
Rama dắt nàng Sita “trán như ngà, môi tựa san hô, răng sáng ngời như hạt châu” về Ayodhya. Tính tình hiếu thảo, tấm lòng rộng rãi, vẻ người duyên dáng, nàng được mọi người xứ Kosala quí mến liền. Rồi bỗng tai hoạ tới làm tan cảnh lạc thú đó. Nguyên do là tại một sủng phi của nhà vua, tên là Kaikeyi.
Dasaratha nhu nhược hứa với Kaikeyi rằng muốn gì cũng sẽ chiều lòng hết; bà ghen với chánh cung, vì con trai là Rama được làm đông cung thái tử, nên xin nhà vua đày Rama ra khỏi xứ mười bốn năm.
Dasaratha trọng danh dự như một thi sĩ không màng tới chính trị, phải giữ lời hứa và đành đứt ruột đày người con trai yêu quí của ông đi. Rama không oán cha, sửa soạn để vô một khu rừng sống đời cô độc, nhưng Sita nhất định đòi theo chồng. Không có một cô dâu Ấn Độ nào mà không thuộc lòng mấy câu thơ dưới đây chép lời nàng Sita thốt ra lúc đó:

Xe ngựa, lâu đài, cái đó người đàn bà không coi ra gì cả,

Cái bóng của chồng còn quí hơn nhiều, đối với người vợ yêu chồng và được chồng yêu. Sita sẽ sống trong rừng sung sướng hơn trong cung điện của phụ vương,
Không nghĩ tới nhà cửa, gia đình, nàng sẽ nép trong lòng yêu của chồng… Và trái cây nàng sẽ hái trong rừng mát mẻ, ngào ngạt hương thơm,
Với thức ăn của Rama, sẽ là thức ăn nàng thích nhất.

Em của Rama là Lakshman cũng đòi đi theo anh:

Vậy ra anh tính tìm con đường tối tăm của anh một mình với chị Sita nhu mì, hiền hậu ư? Anh cho phép đứa em trung thành này coi chừng cho chị từng bước,
Anh cho Lakshman đeo cung tên vô rừng với,

Lưỡi búa của em sẽ phá rừng và em sẽ cất nhà cho anh chị.

Tới đây thi phẩm chuyển qua cái giọng tình ca lâm tuyền; cả ba: Rama, Sita và Lakshman đều vô rừng; dân chúng ở kinh đô Ayodhya thương tình cảnh của họ, tiễn đưa họ ngày đầu; rồi đêm đó có kẻ đi người ở bịn rịn chia tay nhau. Ba anh em cởi bỏ hết y phục trong cung điện mà che thân bằng vỏ cây và cỏ đan; họ dùng gươm mở một lối đi trong rừng và từ nay sống bằng trái cây hái trong rừng.

Thỉnh thoảng vợ Rama quay lại nhìn chồng, thích thú tò mò

Hỏi tên một cây, một dây leo, một trái hay một bông mà nàng mới thấy lần đầu… Chim công vui vẻ bay chung quanh họ, khỉ đánh đu trên cành…
Vừng đông đỏ rực vừa mới ló dạng là Rama xuống suối tắm, Sita cũng thích nước như bông huệ thích mọc bên bờ suối.
Họ cất một cái chòi bên dòng suối, lần lần quen sống ở giữa rừng. Nhưng một công chúa goá chồng ở phương Nam tên là Surpra-nakha, một hôm dạo cảnh trong rừng, gặp Rama, và mê chàng; chàng quyết liệt từ chối, bà ta nổi giận, bảo em trai là Ravan tìm cách cướp nàng Sita. Ravan bắt cóc được nàng, nhốt nàng trong một lâu đài ở xa và dụ dỗ tán tỉnh nhưng nàng không thuận. Các thần linh và các thi sĩ vẫn có phép thần thông, nên Rama lập ngay được một đạo quân mạnh mẽ tấn công vương quốc của Ravan; thắng trận, giải thoát cho Sita; lúc đó cũng hết hạn bị đày, chàng cùng với vợ bay lên không trung, về kinh đô Ayodhya và một người em, cũng trung tín như Lakshman, trả lại ngôi báo cho chàng.
Trong đoạn kết rõ ràng là do người đời sau thêm vào, Rama đuổi hết bọn hoài nghi không tin rằng Sita ở trong cung điện của Ravan lâu như vậy mà không thất thân với hắn. Mặc dầu nàng đã thắng được cuộc thử lửa[28], tỏ rằng mình trong sạch vô tội, Rama bị con quỉ di truyền nó bắt chúng ta kiếp này mắc lại những tội lỗi đã làm cho ta đau khổ trong kiếp trước, đày vợ trong một khu rừng. Nàng gặp Valmiki[29] ở đó và sanh được hai đứa con trai với Rama[30].

Về sau hai người con đó lớn lên thành người đi hát rong, một hôm vô tình hát cho Rama đau khổ nghe bản anh hùng ca về đời ông ta, bản trường ca đó do Valmiki soạn ở trong rừng sau khi nghe Sita kể lại mọi chuyện. Rama nhận ngay ra con trai mình và sai sai sứ giả vô rừng rước Sita về cung. Nhưng Sita bị chồng nghi oan, đau xót quá, biến mất vào trong lòng đất hồi xưa là mẹ của nàng và đã sanh ra nàng khi nàng ở trong luống cày ngoi lên. Rama còn trị vì được nhiều năm nữa nhưng lúc nào cũng cô độc, rầu rĩ, ông hiền từ tới nhu nhược, dân chúng vẫn còn được hưởng cảnh thanh bình sung sướng như dưới triều Dasaratha:

Và các hiền nhân thời xưa kể rằng dưới triều đại sung sướng của Rama, Dân chúng không ai chết yểu, không ai đau đớn ghê gớm;
Quả phụ không nát lòng vì chồng chết;

Mẹ không gào thét khi thần Yama tới bắt con đi; Bọn trộm cắp, lừa gạt không nói láo, bịp bợm nữa; Láng giềng thân yêu nhau, dân chúng yêu nhà vua.

Tới mùa, cây nào cây nấy trĩu những trái.

Và ruộng nương năm nào cũng vui vẻ được mùa.

Mưa thuận gió hoà, không bao giờ có những cơn giông tàn phá Thung lũng nào, vườn tược và đồng cỏ nào cũng xanh tốt.
Đâu đâu cũng nghe tiếng dệt vải và tiếng búa đập trên đe; đất cày bừa kĩ và phì nhiêu, Toàn dân sống trong cảnh vui vẻ như thời tổ tiên họ.
Truyện thật hay và nhà phê bình thời nay dù rất nghiêm khắc, đọc cũng vẫn có thể thấy thú nếu còn giữ tâm hồn cho tươi mát để thỉnh thoảng thưởng thức được tiểu thuyết và nhạc trong thơ. Những trường ca đó có lẽ kém tác phẩm của Homère về mặt văn chương – bố cục không hợp lí bằng, lời văn không bóng bẩy bằng, mô tả nhân vật đôi khi kém sâu sắc, không trọng sự thực bằng – nhưng bù lại, diễn những tình cảm đẹp đẽ, một ý niệm cao thượng về bổn phận của đàn ông và đàn bà, và có những bức hoạ mạnh mẽ, tới mức tả chân. Rama và Sita hoàn toàn quá, khó mà có thực được, nhưng các nhân vật Draupadi và Yudhishthira, Dhrita-rashtra và Gandhari cũng gần sinh động bằng Achille và Hélène, Ulysse và Pénélope. Một người Ấn nhận định rất đúng rằng một người ngoại quốc khó mà hiểu các trường ca đó được, đừng nói chi là phê phán nữa; vì đối với người Ấn, những trường ca đó không phải là những truyện như mọi truyện khác; mà là cả một cuộc triển lãm các nhân vật trong huyền thoại của Ấn để người Ấn nhìn vào đó mà học cách cư xử, biết giữ phẩm hạnh; nó là một tập ghi lại các truyền thống, triết học và tôn giáo của dân tộc; người Ấn kính cẩn đọc những trường ca đó cũng gần như người theo Ki Tô giáo đọc cuốn Imitation de Jésus Christ (Noi gương chúa Ki Tô) hoặc cuốn Vies des Saints (Đời các vị Thánh).
Người Ấn mộ đạo tin rằng Krishna và Rama là hậu thân của các thần linh, ngày nay họ còn cầu nguyện, khấn vái các nhân vật đó, và khi đọc truyện của Krishna và Rama trong các trường ca vĩ đại đó, ngoài cái thú về văn chương, cái lợi thấy tâm hồn mình cao thượng lên, họ còn hãnh diện rằng mình làm tròn bổn phận một kẻ tu hành. Họ tin chắc rằng đọc trường ca Ramayana bao nhiêu tội lỗi của họ được chuộc hết và thánh thần sẽ phù hộ cho họ có con trai; cho nên họ hết lòng tin đoạn kết rất tự đắc dưới đây của trường ca Mahabharata là đúng:

Người nào đọc Mahabharata mà tin những thuyết trình bày trong đó thì gột được hết tội lỗi của mình và chắc chắn chết đi sẽ được lên Thiên đường… Món bơ bổ hơn các món khác ra sao, các người Bà La Môn cao quí hơn các người khác ra sao… đại dương so với một cái ao nhỏ, mênh mông ra sao, con bò cái quí hơn các loài bốn chân khác ra sao, thì Mahabharata cũng cao quí hơn, mênh mông hơn các truyện khác như vậy… Người nào chăm chú nghe các shloka[31] trong Mahabharata mà tin thì sẽ trường thọ, có danh tiếng vững vàng trên cõi trần này và kiếp sau sẽ được hưởng vĩnh phúc trên cõi Thiên đường.

IV. TUỒNG HÁT

Nguồn gốc – “Chiếc xe đất sét” – Tính cách của tuồng hát Ấn Độ – Kalidasa – Truyện Shankuntala – Phê phán hí khúc Ấn Độ.

Ta có thể nói ở Ấn Độ, tuồng hát cũng cổ như các kinh Veda, vì trong các Upanishad, chúng ta đã thấy mầm sống của hí khúc. Lại thêm, đã từ lâu, trước khi các tác phẩm đó được soạn, thì các cuộc cúng tế, rước xách, hội hè về tôn giáo đã có thể là nguồn cảm hứng phong phú cho hí khúc Ấn Độ rồi; sau cùng môn vũ – không phải cái thứ vũ để tiêu khiển, mà thứ vũ thuộc về lễ nghi – diễn lại các hành động hoặc các đại sự trong đời sống của bộ lạc, cũng đã có thể là một nguồn gốc của hí khúc. Cũng có thể rằng hí khúc xuất hiện nhờ các người hát rong vừa kể lại các anh hùng trường ca vừa làm các điệu bộ mô tả các nhân vật. Mấy yếu tố đó đều dự phần vào việc sáng tác ra tuồng hát Ấn Độ và có lẽ chính nguồn gốc đó làm cho tuồng Ấn có tính cách tôn giáo cho tới thời đại cổ điển[32], nghĩa là đầu đề của hí kịch đều nghiêm trang, hầu hết rút từ trong các kinh Veda hoặc các anh hùng trường ca, và trước mỗi buổi diễn, luôn luôn có làm một cuộc lễ tôn giáo.

Tuy nhiên, có lẽ phải đợi tới sau cuộc xâm lăng của Alexandre, Ấn và Hi Lạp liên lạc với nhau rồi, tuồng hát Ấn mới được kích thích mà bắt đầu thực sự xuất hiện. Không có một chút dấu vết gì về nghệ thuật hí khúc trước thời vua Açoka, mà trong thời đó chúng ta cũng chỉ còn biết được ít đoạn hí khúc không được chắc chắn lắm. Những tuồng Ấn Độ cổ nhất mà hiện nay chúng ta được biết là những bản viết tay lên lá gồi[33] mới phát kiến hồi gần đây ở miền Tân Cương (Turkestan Chinois). Người ta đã tìm thấy ba hí kịch, một hí kịch tên tác giả là Ashvaghosha, một nhà thần học danh tiếng ở triều đại Kanishka. Xét cách xây dựng kịch đó, thấy một vai hề giống với một mô hình truyền thống của tuồng Ấn Độ, người ta kết luận rằng trước khi Ashvaghosha ra đời, tuồng đã là một hình thức nghệ thuật có từ lâu ở Ấn Độ rồi. Năm 1910, người ta tìm thấy ở Travancore mười ba vở viết bằng tiếng sanscrit mà người ta đoán là của Bhata (khoảng 350 trước Công nguyên), một nhà soạn kịch trước Kalidasa mà Kalidasa rất khen tài. Trong đoạn mở đầu vở Malavika, Kalidasa đã vô tình bày tỏ rất đúng rằng cái gì cũng tương đối, khi xét về thời gian và… các hình dung từ. Ông ta tự hỏi: “Chúng ta sau này có coi thường tác phẩm của các danh sĩ Bhasa, Saumilla và Kaviputra không? Khán giả sau này có thể nào còn thích tác phẩm một thi sĩ hiện đại, chẳng hạn Kalidasa không?”.

Cho tới thời mới đây, vở hí kịch cổ nhất của Ấn Độ mà chúng ta được biết là tuồng “Chiếc xe đất sét”. Trong vở có ghi – nhưng điều này chưa chắc đã đúng – rằng tác giả là một ông vua ít tiếng tăm, tên là Shudraka, hiểu rất rộng về các kinh Veda, môn toán, mà cưỡi voi cũng tài, trong tình trường cũng là một cao thủ. Dù sao thì ông vua đó quả là biết soạn tuồng. Vở của ông là vở thú vị nhất của Ấn Độ còn truyền lại cho ta. Kịch khéo xen lẩn truyền kì và tưởng tượng phóng túng, có những đoạn tả tài tình và những đoạn thơ hay, giọng rất nhiệt thành.

Muốn cho độc giả nhận thấy những nét căn bản của hí kịch Ấn, tôi nghĩ tóm tắt tình tiết trong vở còn hơn là phê bình dài dòng. Ở màn I chúng ta thấy Charu-datta xuất hiện, chàng trước kia giàu có, rồi vì quá rộng rãi lại gặp vận rủi nên hoá nghèo. Bạn thân của chàng, gã Maitreya, một người Bà La Môn ngốc nghếch, đóng vai hề trong suốt vở kịch. Charu bảo Maitreya làm lễ tế thần, nhưng gã từ chối: “Cúng tế làm quái gì, anh cầu nguyện thần linh mà thần linh có giúp cho anh được chút gì đâu?”. Rồi bỗng một thiếu nữ Ấn, con nhà sang trọng, rất giàu, chạy ùa vào sân nhà Charu để trốn một kẻ đeo sát nàng, tên là Samsthanaka, em của ông vua đang trị vì. Charu hiền lương, từ thiện bao nhiêu thì Samsthanaka tàn ác bấy nhiêu. Charu che chở thiếu nữ, đuổi Samsthanaka đi, hắn doạ dẫm, chàng chỉ cười. Thiếu nữ đó tên là Vasanta-sena xin Charu giữ giùm cho một cái tráp chứa các đồ tế nhuyễn vì sợ kẻ thù muốn cướp giật của nàng; như vậy nàng có cơ hội thỉnh thoảng lại thăm ân nhân của mình. Chàng bằng lòng, nhận cái tráp, rồi đưa nàng về biệt thự của nàng.

Màn II là một màn phụ khôi hài. Một con bạc bị hai con bạc khác đuổi, chạy trốn vào một ngôi đền. Khi tên vô sau tới đền thì tên thứ nhất đã ngồi theo một tư thế, y như pho tượng. Hai tên kia ngờ ngợ, véo thử xem có thực tượng đá hay không, không thấy nhúc nhích. Chúng bèn thôi không thử nữa, đánh thò lò với nhau ở dưới chân bàn thờ. Trò chơi thú quá tới nỗi “tượng” ta không nhịn được, ở trên bệ nhảy xuống đòi chơi, bị hai tên kia đánh cho một mẻ, co giò chạy một mạch, được nàng Vasanta-sena cứu thoát vì nhận ra hắn là tên đầy tớ cũ của Charu-datta.

Màn III, Charu và Maitreya đi nghe hoà nhạc về. Một đứa ăn trộm tên là Sharvilaka bẻ rào, thó mất cái tráp đựng nữ trang. Khi Charu hay được, lấy làm xấu hổ, sai đem chuỗi hạt trai cuối cùng của chàng lại thường cho Vasanta-sena. Màn IV, tên trộm Sharvilaka đem cái tráp tặng nữ tì của Vasanta-sena, tình nhân của hắn. Nhưng nữ tì nhận ra được nữ trang của chủ, mắng hắn là quân ăn trộm. Hắn đáp lại, giọng chua chát không kém Schopenhauer:

Hễ ta có tiền thì đàn bà sẽ chiều ta, mỉm cười hay khóc Tuỳ ý ta; họ buộc đàn ông phải tin họ Còn họ thì họ chẳng tin gì đàn ông. Đàn bà bất thường như ngọn sóng Trên biển cả, lòng yêu của họ vụt qua Như bóng tà rực lên trong đám mây. Họ yêu đắm đuối người đàn ông nào
Cho họ nhiều tiền; họ bòn rút cho kì hết Như ta vắt trái cam rồi liệng vỏ đi.
Nữ tì bác lời mạt sát đó và tha thứ cho hắn, còn Vasanta-sena cũng tha tội cho hắn, cho hai đứa cưới nhau.

Đầu màn V, Vasanta-sena lại nhà Charu, đem trả cho chàng chuỗi hạt trai chàng đã cho mang lại và cũng lại gởi chàng giữ giùm chiếc tráp nữa. Trong khi nàng ngồi chơi thì cơn dông nổi lên, nàng tả cơn dông bằng một thứ tiếng sanscrit rất trau chuốt[34]. Trời cũng chiều lòng, cơn dông càng lúc càng lớn, và đêm đó nàng ở lại nhà Charu, mà không có vẻ gì là bực mình.

Màn VI, Vasanta sáng hôm sau ở nhà Charu ra về[35]. Vì vô ý, nàng không leo lên chiếc xe Charu đã kiếm cho, mà lại leo lầm lên chiếc xe của tên khốn nạn Samsthanaka. Màn VII diễn một tình tiết phụ không liên quan gì đến tình tiết chính. Màn VIII, xe đưa Vasanta không phải về biệt thự của nàng mà vào dinh kẻ thù mà nàng không ngờ, nàng gần như ở trong tay Samsthanaka. Hắn tán tỉnh nàng, nàng chống cự, hắn bóp cổ rồi vùi thây nàng. Kế đó hắn vô triều, vu oan rằng Charu đã giết Vasanta để cướp nữ trang của nàng.

Màn IX, trong khi xử kiện, tại pháp đình, gã ngu ngốc Maitreya vụng về đánh rớt những nữ trang của Vasanta mà gã bỏ trong túi, thành thử Charu không chối cãi vào đâu được, chàng bị xử tử.

Màn X, người ta điệu chàng ra pháp trường. Con chàng xin bọn đao phủ được chết thay cha, nhưng bị từ chối. Tới lúc cuối cùng, bỗng đâu Vasanta xuất hiện. Thì ra Sharvilaka thấy Samsthanaka chôn nàng, đào kịp được, cứu nàng và nàng hồi tỉnh. Trong khi Vasanta minh oan cho Churu và cứu chàng thì Sharvilaka vạch tội sát nhân của Samsthanaka. Nhưng Charu không kiện cáo, bỏ qua vụ đó, Samsthanaka được tha, thế là mọi người đều vui vẻ.

Ở phương Đông, mọi công việc hoặc hầu hết, đều làm bằng tay mà người ta lúc nào cũng rảnh rang nhàn hạ; còn ở phương Tây trái lại, vô số máy móc làm thay công việc cho ta được mà chúng ta lúc nào cũng bận rộn. Vì vậy mà các hí kịch Ấn Độ dài gấp hai hí kịch phương Tây. Mỗi vở gồm từ năm tới mười màn, và mỗi màn cũng chia ra nhiều “xen” như ở phương Tây, hễ có một vai trò ra hoặc vô là qua một “xen” khác. Không theo luật đồng thời, đồng sở (unité de temps, de lieu); người ta tha hồ tưởng tượng. Sự dàn cảnh rất sơ sài, nhưng y phục rất loè loẹt. Đôi khi ta thấy những loài vật sống xuất hiện trên sân khấu cho thêm vẻ tự nhiên. Trước khi diễn, một vai kép hoặc chính ông bầu ra đọc lời mào để phê bình tuồng hát; có lẽ Goethe đã mượn ý của Kalidasa mà cho kịch Faust một đoạn mở đầu. Cuối đoạn mào, vai chính xuất hiện và vô đề ngay. Có vô số những đoạn trùng hợp nhau và tình tiết biến chuyển nhiều khi do sự tham dự của thần linh. Trong vở nào cũng phải có một truyện tình và một vai hề. Tuồng Ấn không có bi kịch, vở nào cũng phải có hậu, như để bù vào cái thực tại của kiếp người: ở hiền thì gặp lành, mối tình chung thuỷ nào cũng đưa tới cảnh đoàn viên, người thiện thì luôn luôn được trời đáp. Thơ Ấn Độ đầy những đoạn nghị luận lạc đề về triết lí, mà tuồng thì tuyệt nhiên không; như đời sống, hí kịch phải răn đời bằng động tác chứ không bằng lời suông. Tuỳ đầu đề, nhân vật và tình tiết, người ta có thể xen thơ trữ tình vào văn xuôi. Những nhân vật tập cấp cao nói tiếng sanscrit, còn phụ nữ và những nhân vật tập cấp thấp nói tiếng prakrit. Tâm lí nhân vật thường không được sâu sắc nhưng các đoạn miêu tả lại rất hay. Đào và kép đóng trò rất tận tâm, không vội vàng như đào kép phương Tây mà cũng không khoa đại như các đào kép Viễn Đông. Cuối vở là một đoạn kết trong đó các đào kép cầu nguyện vị thần tác giả sùng kính nhất hoặc vị thần nơi họ diễn, phù hộ cho quốc thái dân an. Từ khi William Jones dịch rồi Goethe khen vở kịch Shakuntala của Kalidasa thì vở đó thành vở nổi danh nhất của Ấn Độ. Nhưng chúng ta biết tác giả chỉ là nhờ ba vở của ông và nhờ những huyền thoại thiên hạ kính mộ loan truyền về ông. Hình như ông thuộc vào nhóm “Cửu châu”[36] tức chín thi sĩ, nghệ sĩ, triết gia tô điểm cho triều đình vua Vikramaditya (380-413 sau Công nguyên) ở kinh đô Ujjain dưới triều Gupta[37].

Hí kịch Shakuntala gồm bảy màn, một phần là văn xuôi, một phần là thơ rất linh động. Sau đoạn mào trong đó ông bầu gánh hát mời khán giả ngắm các cảnh đẹp thiên nhiên, thì màn vén lên, lộ một cảnh rừng thưa, nơi ở của một tu sĩ với người con gái nuôi tên là Shakuntala. Có tiếng xe phá sự tĩnh mịch của cảnh; vua Dushyanta xuống xe, và chớp nhoáng như trong tiểu thuyết, nhà vua mê liền nàng Shakuntala. Trong màn I, ông cưới nàng rồi thình lình có việc phải về kinh đô, ông bỏ thiếu phụ ở lại, dĩ nhiên là hứa hễ xong việc thì trở lại liền. Một tu sĩ bảo thiếu phụ tội nghiệp bị bỏ rơi đó rằng hễ còn giữ được chiếc nhẫn nhà vua thì nhà vua sẽ không quên, nhưng một hôm đi tắm, nàng vô ý đánh mất nó. Sắp tới ngày sanh, nàng tới triều đình, và hỡi ơi, nhận thấy rằng nhà vua đã quên mình rồi như đa số các đàn ông đối với những phụ nữ dễ dãi với họ quá. Nàng rán làm cho vua nhớ lại chuyện cũ.

Shakuntala. Hoàng thượng có nhớ hôm đó,

Dưới một bụi lài, hoàng thượng đã gạn vào lòng bàn tay chút nước mưa.

Đọng trên một tàu sen không?

Nhà vua. Cứ kể tiếp Cho ta nghe.
Shakuntala. Đúng lúc đó, đứa con nuôi của thiếp,

Tức con hươu cái con, mở tròn cặp mắt rất dịu dàng, chạy lại, Và hoàng thượng, đáng lẽ uống nước đó thì chìa lòng bàn tay ra, Bảo con vật nhỏ bé đó: “Uống trước đi,

Hươu ơi, hươu dễ thương quá!” Nhưng nó không dám uống trong lòng bàn tay người lạ. Vậy mà, ngay sau lúc đó, khi thiếp
Gạn ít nước vào lòng bàn tay của thiếp, thì nó uống liền. Không nghi ngại gì cả. Và hoàng thượng mỉm cười, Bảo: “Loài vật nào cũng chỉ tìm đồng loại thôi.
Em và nó đều là con của một khu rừng, nên

Tin lẫn nhau, biết rằng không có gì đáng ngại cả,

Nhà vua. Đứa con gái nhu mì, xinh đẹp và dối trá ấy! Đàn bà làm cho đàn ông hoá điên… Loài nào cũng vậy, giống cái có tài lừa gạt,
Nhưng nhất là bọn đàn bà.

Con tu hú mái lừa gạt các giống chim khác để chúng ấp trứng cho Rồi cất cánh bay một mạch, yên tâm và ra vẻ đắc thắng”.
Shakuntala bị khinh bỉ và thất vọng, được một phép thần đưa nàng bay bổng lên trời rồi hạ xuống một khu rừng khác, nơi đó nàng sanh một em trai – sau này chính là vị Bharata mà con cháu đã dự tất cả các cuộc đại chiến kể trong trường ca Mahabharata. Trong khi đó một người đánh cá tìm được chiếc nhẫn nàng đánh mất, nhìn trên nhẫn thấy dấu của nhà vua, lại triều trả nhà vua. Dushyanta bây giờ mới nhớ lại hết chuyện cũ, đi tìm thiếu phụ khắp nơi. Ông ta cũng biết cưỡi mây, vượt dãy núi Himalaya, bất ngờ đáp xuống đúng ngay chỗ Shakuntala đương sống ủ rũ. Nhà vua thấy em Bharata đương chơi trước cửa chiếc chòi của mẹ mà ước ao cảnh của cha mẹ em:

Ôi! sung sướng thay người cha và người mẹ nào Khi bồng đứa con trai nhỏ bé mình đầy đất cát lên
Làm dơ bàn tay và quần áo của mình; nó âu yếm nép Vào lòng mình, chỗ nương náo mà nó thích nhất đó Khi nó toét miệng cười chẳng hiểu vì lẽ gì
Thì thấy răng nó nhú ra như các búp trắng nõn;

Nó ráng bập bẹ mà không thành một tiếng nào cả…

Vậy mà nghe nó bập bẹ lòng ta mềm đi còn hơn là nghe tiếng nói.

Shakuntala ở trong lều bước ra, nhà vua xin lỗi nàng, và phong nàng làm hoàng hậu, mối tình đã đứt nay nối lại. Cuối vở là một lời cầu nguyện kì dị, rất đặc biệt:

Cầu mong các vị vua chúa chỉ lo hạnh phúc cho dân! Cầu mong nữ thần Sarasvati đã tạo ra
Ngôn ngữ và nghệ thuật hí khúc,

Luôn luôn được các đại nhân, triết nhân thờ phụng! Và xin vị hồng thần[38], tự sinh, tự tồn tại,
Ban sinh lực cho khắp cả vũ trụ,

Phù hộ cho linh hồn tôi khỏi phải đầu thai nữa.

Sau Kalidasa, tuồng Ấn Độ không suy vi nhưng cũng không còn vở nào sánh được với vở Shakuntala và vở Chiếc xe đất sét. Theo một truyền thuyết không phải là ngẫu nhiên mà có, thì vua Harsha đã soạn ba vở hí khúc được diễn đi diễn lại trong mấy thế kỉ. Trăm năm sau một người Bà La Môn miền Berar, tên là Bhavabhuti soạn ba vở lãng mạn được coi trọng gần ngang với các vở của Kalidasa. Nhưng văn của ông kiểu cách, tối tăm tới nỗi chỉ một số rất ít thính giả hiểu nổi – và dĩ nhiên, ông lấy vậy làm hãnh diện. Ông viết: “Những người phê bình tôi chẳng hiểu gì tôi cả. Tôi có soạn kịch cho họ coi đâu. Nhưng, chắc chắn là ở nơi nào đó hiện nay đã có, nếu không thì sau này sẽ có được vài người biết thưởng thức tôi; thời gian thì dài mà thế giới thì rộng”.

Nói cho ngay thì chúng ta không thể đặt hí khúc của Ấn ngang hàng với kịch của Hi Lạp thời cổ hoặc của Anh thời nữ hoàng Elizaberth; nhưng nó không thua gì tuồng Trung Hoa hay Nhật Bản. Người ta trách tuồng Ấn là rắc rối, không giản dị, nhưng đó là chuyện thời thượng, mà đã gọi là thời thượng thì chỉ được chuộng một thời rồi thời sau có thể trái ngược hẳn lại. Người Ấn thích cho thần tiên xuất hiện trong hí khúc, điểm đó trái với quan niệm của chúng ta về kịch, nhưng các kịch của Euripide thì cũng có những chỗ thần linh từ trên trời xuống thang để hiện ra trên sân khấu[39]; chẳng qua chỉ là một cái “mốt” trong lịch sử. Một người ngoại quốc mà phê phán tuồng Ấn Độ thì không khỏi thiên lệch, nhưng tôi cũng xin kể – mà không tự tin lắm – những nhược điểm của nó: trước hết là cú điệu không tự nhiên vì có nhiều điệp vận (allitération) và nhiều chỗ “chơi chữ” quá, tâm lí nhân vật có vẻ đơn điệu, kẻ tốt thì hoàn toàn tốt, kẻ xấu thì hoàn toàn xấu; có những tình tiết không thể tin được vì dựng trên những sự trùng hợp vô lí, lại thêm cái tật các nhân vật biện thuyết nhiều quá, tả các động tác nhiều quá, mà kịch khác tiểu thuyết ở chỗ diễn các động tác chứ không tả bằng lời.

Ưu điểm cũng khá nhiều: tưởng tượng tự do, đa cảm, nên thơ, tế nhị, yêu cảnh đẹp thiên nhiên nhưng cũng tả nỗi rùng rợn trước sức mạnh của thiên nhiên. Phê bình các hình thức nghệ thuật đặc biệt của một dân tộc nào là mắc cái lỗi bàn phiếm vô ích vì chúng ta chỉ có thể xét theo những thành kiến của chúng ta, hạng người ngoại quốc, mà nhiều khi lại chỉ căn cứ vào những bản dịch nữa. Vậy chúng ta chỉ cần nhớ rằng Goethe, người Âu có tinh thần khoáng đạt nhất, xoá bỏ các hàng rào phân cách các quốc gia, đã nhận rằng một trong những kinh nghiệm phong phú nhất của đời ông là đọc hí khúc Shakuntala, và ông tỏ tấm lòng mang ơn của ông trong mấy câu thơ dưới đây:

Bạn có muốn hưởng những đoá hoa của tuổi xuân và những trái ngọt của tuổi già không? Muốn gom tất cả những cái gì bồi dưỡng tâm hồn, làm sao cho nó say mê, vui thích không? Bạn có muốn diễn tất cả cái đẹp trên trời và dưới đất bằng một tên duy nhất không? Nếu muốn thì tôi chỉ cho bạn một tên này thôi cũng đủ, tên Shakuntala.

V. VĂN XUÔI VÀ THƠ

Ở Ấn Độ, văn xuôi và thơ chỉ là một – Ngụ ngôn – Sử kí – Truyện – Các thi sĩ thứ yếu – Văn học bình dân xuất hiện – Chandi Das – Tulsi Das – Các thi sĩ phương Nam – Kabir.

Văn xuôi mới xuất hiện ở Ấn hồi gần đây và ta có thể nói rằng nó là hậu quả một tác động bại hoại do tiếp xúc với người Âu. Dân tộc Ấn có tâm hồn thi sĩ thiên phú, cho rằng đề tài gì cũng có một nội dung nên thơ và có thể viết thành thơ. Họ nghĩ hễ là văn chương thì phải dễ đọc lên, ngâm lên, mà tác phẩm nào có giá trị trường cửu thì tất phải truyền bá bằng miệng chứ không phải là chữ viết, nên tự nhiên họ tìm ra một hình thức có âm điệu hoặc cô đọng như cách ngôn để cho dễ ngâm, dễ nhớ. Vì vậy hầu hết văn học Ấn Độ viết bằng thơ; tác phẩm khoa học, y học, luật học hoặc nghệ thuật thường viết bằng thơ, hoặc ít nhất cũng bằng một thứ văn xuôi nhịp nhàng, có vần; ngay cả sách ngữ pháp và tự điển cũng có hình thức đó. Ngụ ngôn và sử kí ở phương Tây viết bằng văn xuôi, ở Ấn thì đặt thành thơ rất du dương.

Văn học Ấn Độ đặc biệt phong phú về ngụ ngôn và có thể rằng đa số những ngụ ngôn lưu hành khắp thế giới như một thứ tiền tệ quốc tế, đều xuất phát từ Ấn Độ[40]. Khi các truyền kì Jakata về lúc sanh và tuổi xuân của Phật Tổ được truyền bá khắp nơi ở Ấn thì đạo Phật đạt tới mức thịnh nhất. Tập ngụ ngôn nổi danh nhất là tập Panchatantra (Năm phương pháp[41]) (khoảng 500 sau Công nguyên) chứa một số lớn các ngụ ngôn mà châu Á và châu Âu đều thích thú. Bộ Hitopadesha (Lời khuyên tốt) là một tập các truyện phóng tác theo các ngụ ngôn trong Panchatantra. Có điều này lạ lùng: cả hai tác phẩm đó đều được người Ấn sắp vào loại Niti-Shastra, nghĩa là loại dạy về chính trị và luân lí. Nhưng xét ra cũng dễ hiểu vì truyện nào cũng có một kết luận luân lí hoặc nhắc một qui tắc trị dân; người ta cho rằng phần đông các truyện đó do một hiền triết Bà La Môn tưởng tượng ra để dạy các hoàng tử. Trong truyện đôi khi dùng những loài vật hèn mọn nhất để diễn những quan niệm triết lí tế nhị nhất, như ngụ ngôn về con khỉ chẳng hạn. Một con khỉ muốn sưởi ấm bằng ánh sáng một con tằm[42], một con chim vạch chỗ lầm lẫn của nó, bị nó nổi quạu giết chết; rõ ràng là tác giả muốn cho ta thấy rõ cái thân phận của một nhà bác học ngây thơ đòi diệt một ảo tưởng trong dân chúng[43].

Sử kí không vượt lên khỏi trình độ kí sự hoặc tiểu thuyết mạo hiểm. Phải chăng đó là hậu quả của một triết học coi thời gian và không gian chỉ là ảo tưởng? Hay là hậu quả của các tinh thần trọng sự truyền miệng hơn là sách vở. Dầu sao thì Ấn cũng không có một sử gia nào có thể sánh được với Hérodote hay Thucydide (Hi Lạp), Plutarque hay Tarcite (La Mã), Gibbon (Anh) hay Voltaire (Pháp). Các nhà chép kí sự của Ấn rất cẩu thả về việc ghi năm tháng, nơi chốn, ngay cả khi họ chép đời các danh nhân, vì vậy mà các nhà bác học Ấn đặt Kalidasa vào những thời đại cách nhau tới cả ngàn năm. Cho tới ngày nay, người Ấn vẫn sống trong một thế giới mà tục lệ, tín ngưỡng và phép tắc luân lí bất di bất dịch, nên họ không ước ao sự tiến bộ, không quan tâm chút gì tới dĩ vãng của dân tộc. Về chính sử, họ coi các anh hùng trường ca là đủ tin rồi, về tiểu sử các nhân vật thì đã có các truyền kì. Vì vậy mà cuốn Buddhacharita của Ashvaghosha chép đời Phật Tổ chỉ là một truyền kì chứ không phải một công trình nghiên cứu sử học; và năm trăm năm sau, Bana viết cuốn Harshacharita cũng vẽ cho đại vương Harsha một bức chân dung lí tưởng, không đúng sự thực. Những kí sự của xứ Rajputana có vẻ là những truyện anh hùng ái quốc hơn là sử. Chỉ có mỗi một văn hào Ấn là có vẻ nhận định được đúng nhiệm vụ của sử gia. Kalhana, tác giả bộ Rajatarangini (Dòng các vua chúa), viết: “Chúng ta chỉ nên phục thi hào nào khi tả dĩ vãng mà có thái độ một phán quan, không thiên lệch, không yêu không ghét”. Winternitz cho ông là đại sử gia duy nhất của Ấn.

Người Hồi có khiếu về sử hơn và đã ghi chép cho ta vài thiên rất hay về vũ công của họ ở Ấn. Chúng tôi đã kể công trình của Alberuni về nhân chủng ở Ấn, và những hồi kí của Babur. Đồng thời Akbar, có một sử gia rất giỏi, Muhammad Qazim Firishta, bộ Ấn Độ sử của ông là bộ quí nhất về các biến cố trong thời Ấn Độ bị Hồi thống trị. Abu-I-Fazl không được vô tư bằng ông. Vừa làm tể tướng vừa là bạn thân của Akbar, Abu-I-Fazl đã ghi chép lại cách trị dân, phương pháp hành chánh của Akbar trong một cuốn nhan đề là Ain-i Akbari (Pháp luật cương yếu của Akbar), và kể đời của nhà vua bằng một giọng kính mến rất cảm động – điều đó không đáng trách – trong cuốn Akbar Nama. Nhà vua cũng quí mến ông và khi hay tin Jehangir đã giết ông thì rất đỗi buồn rầu, thốt lên: “Salim (tức Jehangir) có muốn lên ngôi hoàng đế thì cứ giết ta đi mà để cho Abu-I-Fazl sống”.

Ở Ấn, còn một thể nữa ở giữa thể ngụ ngôn và thể sử kí, tức thể truyện bằng văn vần[44], nhiều vô kể, khéo viết, đủ thoả mãn được xu hướng lãng mạn của tâm hồn Ấn Độ. Từ đầu Công nguyên, một tác giả tên là Gunadhya đã viết bộ Brihatkatha (Truyện dài) gồm trăm ngàn đoạn thơ[45]; một ngàn năm sau, Somadeva viết bộ Kathasaritzagara (Đại dương của các dòng sử), thật là một tiểu thuyết tràng giang dài tới 21.500 đoạn thơ. Cũng ở thế kỉ XI đó, một tiểu thuyết gia có tài mà chúng ta không biết rõ tính danh, tìm được một cốt truyện tài tình cho tác phẩm Vetalapanchavimchatika (Hai mươi lăm truyện ma cà rồng) của ông. Ông ta tưởng tượng vua Vikramaditya mỗi năm được một tu sĩ ở ẩn dâng một trái cây chứa một viên ngọc quí. Nhà vua hỏi ẩn sĩ muốn được đền ơn cách nào; ẩn sĩ đáp xin được nhận xác một người bị tội treo cổ, nhưng phải nhớ đừng đáp gì cả nếu xác đó hỏi chuyện nhà vua. Một con mà cà rồng đã nhập vào xác đó; khi nhà vua trượt chân té, nó kể cho nhà vua nghe một truyện rất hấp dẫn, kể xong nó hỏi một câu, nhà vua quên bẵng mất lời dặn, trả lời nó. Hai mươi lăm lần như vậy, nhà vua muốn gởi một cái xác cho tu sĩ để được an tâm, mà hai mươi bốn lần đều quên bẵng, trả lời câu hỏi của ma cà rồng. Phải nhận rằng để dựng một loạt truyện thì thuật đó quả là khéo.

Ấn Độ không hiếm hạng thi sĩ có chân tài. Abu-I-Fazl kể rằng ở triều đình Akbar có tới ngàn thi sĩ; nếu vậy thì tại những đô thị nhỏ hơn, số thi sĩ có hàng trăm, và mỗi xóm làng cũng có cả chục. Một thi sĩ đầu tiên và cũng nổi danh nhất là Bhartrihari, vừa là tu sĩ, vừa là ngữ pháp gia, lại rất đa tình, trước khi tu đã có lắm cuộc tình duyên. Ông ta kể lại những cuộc tình duyên đó trong một tập nhan đề là “Trăm năm tính ái” gồm trăm bài thơ làm cho ta nhớ tới Henri Heine. Ông viết cho một tình nhân: “Trước kia đôi ta cùng tin chắc rằng em là anh, mà anh là em; làm sao bây giờ em lại là em, mà anh là anh?”. Ông chẳng coi các nhà phê bình vào đâu cả và bảo họ: “Làm vừa lòng một kẻ ngu là điều dễ, làm vừa lòng một người sành [thơ] lại còn dễ hơn nữa; nhưng ngay Đấng Hoá Công cũng không làm thoả mãn một kẻ chỉ biết một chút xíu, chẳng hẳn là ngu mà chẳng ra sành”[46].

Trong tập Gita-Govinda (Tiếng hát của Thiên thần Mục tử) của Fayadeva, tình ái của người Ấn nhiễm màu tôn giáo khi ông tả những mối tình rất nhục dục của các thần Radha và Krishna. Tập thơ đó chúng ta cho là có giọng tình dục say đắm, nhưng người Ấn rất kính tín, cho là rất cao thượng, thần bí, tả sự khát khao của linh hồn muốn đạt được Thượng Đế. Các tu sĩ Ki Tô giáo thản nhiên, bất động tâm, chắc cũng có những tình cảm như vậy khi đặt nhan đề cho các chương trong Cantique des Cantiques[47] (Nhã ca), và chấp nhận được lối giải thích đó của người Ấn.

* * *

Thế kỉ XI, các ngôn ngữ bình dân bắt đầu thay thế ngôn ngữ cổ điển trong các tác phẩm văn học, cũng như châu Âu thế kỉ XII. Thi sĩ đầu tiên có thực tài dùng ngôn ngữ bình dân để sáng tác là Chand Bardai. Ông ta viết một trường thi lịch sử bằng tiếng Hindi, gồm sáu chục ngâm khúc, tiếc thay ông không được sống thêm để hoàn thành tác phẩm. Sur Das, thi sĩ mù ở Agra, viết sáu vạn câu thơ chép các truyền kì về thần Krishna; tương truyền rằng chính thần Krishna tiếp tay với ông, ông đọc cho thần chép và thần bằng lòng chép, chép mau quá, ông đọc không kịp nữa. Trong thời gian đó, một tu sĩ, Chandi Das, làm chấn động cả xứ Bengale, vì những bài thơ tình, theo kiểu thơ Dante gởi cho Béatrice, giọng lãng mạn, cuồng nhiệt, lí tưởng hoá người yêu, coi nàng là tượng trưng thần linh và mối tình của ông tượng trưng lòng khát khao muốn nhập vào, tan vào Thượng Đế; thơ viết bằng tiếng Bengali và tiếng này bắt đầu nhập tịch văn học Ấn Độ từ đó. “Em, anh đã núp ở dưới chân em. Vắng bóng em thì tinh thần anh không yên… Anh không thể quên cái vẻ đẹp, cái duyên dáng của em được, vậy mà trong lòng anh không bợn một chút dục tình nào cả”. Bị các Bà La Môn, các đạo hữu trục xuất vì cớ ông làm chấn động dư luận, ông đành long trọng tuyên bố từ bỏ người yêu, nàng Rani, nhưng khi ông thấy bóng nàng trong đám đông lại dự buổi lễ thì ông phủ nhận lời hứa, chạy về phía thiếu nữ, quì dưới chân nàng, chấp tay đưa lên như khấn một nữ thần.

Thi hào lớn nhất của lịch sử văn học Ấn Độ là Tulsi Das, gần đồng thời với thi hào Anh Shakespeare. Mới sanh ra ông bị cha mẹ bỏ vì sanh vào giờ xấu. Một tu sĩ sống khổ hạnh trong rừng đem ông về nuôi làm con, dạy cho ông thuộc huyền thoại về Rama. Ông cưới vợ, và khi con trai ông chết, ông vô rừng sống một đời khổ hạnh, tham thiền. Ở đó và ở Bénarès, ông viết trường ca tôn giáo nhan đề là Ramacharitamanasa (Hồ các truyền kì về Rama), trong đó ông chép lại truyện thần Rama mà ông khuyên mọi người Ấn thờ phụng làm Đấng Tối Cao. Ông bảo: “Chỉ có mỗi một Thượng Đế là Rama, Đấng sáng tạo ra trời đất và cứu tội cho nhân loại… Vì thương dân trung thành, một vị thần, thần Rama đã đầu thai làm một ông vua, vì chúng ta mà sống trên cõi trần”. Rất ít người Âu đọc nổi thi phẩm đó vì viết bằng tiếng Hindi cổ rất khó hiểu; nhưng một người Âu đã làm nổi việc đó, nhận rằng Tulsi Das quả là “thi hào bậc nhất Ấn Độ”. Đối với người Ấn thì tập thơ đó là một thứ Thánh kinh, viết về cả thần học lẫn luân lí. Thánh Gandhi bảo: “Tôi cho tập Ramayana của Tulsi Das là cuốn sách thành kính nhất từ trước tới nay”.

Miền Deccan cũng có nhiều thi sĩ. Tukaram đã viết bằng tiếng Mahratte[48] 4.600 bài thơ tôn giáo mà ngày nay người Ấn thuộc lòng cũng như người Do Thái hoặc Ki Tô giáo thời Thượng cổ thuộc những Thánh thi của Davis. Vợ ông mất, ông tục huyền, bà kế tính tình quạo quọ, nhờ vậy mà ông thành một triết nhân. Ông bảo: “Vĩnh phúc đâu phải là khó kiếm, có thể tìm thấy nó trong cái đãy vác trên vai đó”.

Từ thế kỉ thứ II, Madura thành kinh đô của văn học Tamil[49]; nhờ sự bảo trợ của các vua Pandya, một Sangam (hội Tao đàn), các thi sĩ và các nhà phê bình hội họp để điển chế ngôn ngữ, ban chức tước và phát giải thưởng văn chương như Hàn Lâm viện Pháp vậy. Tiruvallavar, một người thợ dệt tiện dân, theo luật cách nghiêm khắc nhất của Tamil mà viết một tập thơ tôn giáo và triết lí – tập Kurral – trong đó ông bày tỏ học thuyết của ông về luân lí và chính trị. Tương truyền, khi các ông hàn trong Sangam, hết thảy đều là Bà La Môn, thấy một kẻ tiện dân làm thơ hay quá, lấy làm xấu hổ, cùng nhau đâm đầu xuống sông một lượt; ai mà ngờ được các cụ hàn lại anh hùng như vậy nhỉ?[50]

Chúng tôi không theo thứ tự thời gian, bây giờ mới xét tới thi hào trữ tình bậc nhất của Ấn Độ thời Trung cổ. Kabir cũng chỉ là một thợ dệt ở Bénarès, nhưng được trời giao cho cái nhiệm vụ hoà giải Hồi giáo và Ấn giáo, vì thân phụ ông là người Hồi mà thân mẫu ông là con gái một người Bà La Môn. Mê tài hùng biện của một nhà thuyết giáo tên là Ramananda, ông thành một tín đồ thờ Rama, coi Rama là một vị thần chung cho nhân loại, và viết những bài thơ đẹp lạ lùng bằng tiếng Hindi để đề cao một tín ngưỡng không có đền chùa, thánh đường gì cả, chẳng thờ ngẫu tượng, chẳng phân biệt tập cấp, chẳng có “cát lễ” (circoncision)[51], chỉ tôn sùng một vị thần[52]. Ông bảo:

(Kabir) là con của Ram và Allah, chấp nhận tất cả các Guru và các Pir… Ôi, Thượng Đế, Allah hay Rama, con sống là nhờ tên Ngài… Các tượng thần không có sinh khí, không biết nói, con biết vậy vì con đã lớn tiếng thưa với các tượng đó… Rửa miệng, tụng kinh, ngâm mình trong các dòng sông linh thiêng, quì lạy trong các đền thờ, như vậy để làm gì khi mà miệng anh tụng niệm, chân anh hành hương còn lòng anh thì gian trá?

Các Bà La Môn bất bình lắm và sai một kĩ nữ lại quyến rũ ông, mong ông mắc mĩ nhân kế mà mang nhục, nhưng chính ả lại bị ông thuyết phục theo tín ngưỡng của ông. Điều đó cũng chẳng khó vì ông chẳng buộc phải theo nghi thức nào cả, chỉ có lòng rất mộ đạo là được. Có một thế giới vô biên, bạn ạ.

Và có một Đấng bất khả danh chẳng có tiếng gì để tả;

Chỉ người nào đạt được cảnh giới đó mới biết được Đấng đó mà thôi.

Đáng đó khác hẳn những cái mà chúng ta biết và những cái chúng ta nghe nói. Không có hình, không có thân thể, bề cao, bề ngang.
Vậy thì biết nói làm sao cho bạn hiểu được?

Kabir đáp: Không thể miêu tả Đấng đó bằng lời nói, Không thể tả bằng chữ trên giấy;
Y như một người câm khi ăn một món ngon, không thể diễn cái vị giác của mình được.

Ông chấp nhận thuyết luân hồi lưu hành trong thời đại ông, và ông cũng cầu nguyện cho thoát khỏi vòng sinh tử như một người Ấn. Luân lí của ông giản dị nhất thế giới; giữ đạo công bằng và hưởng hạnh phúc trong tay:

Tôi cười khi nghe người ta nói rằng con cá ở trong nước mà khát.

Anh không thấy cái Thực tại ở trước cửa mà lang thang đi tìm hết rừng này tới rừng khác! Đây, chân lí đây! Anh muốn đi đâu thì đi, dù lại Bénarès hay lại Mathura, nếu anh không tìm thấy linh hồn anh thì thế giới không có, đối với anh…

Anh sẽ ghé bến nào đấy, hỡi anh? Không một du khách nào đi trước để dẫn đường cho anh, không có
đường đi…

Ở đó không có thể xác, không có tinh thần, vậy chỗ nào đâu để giải cái khát khao của linh hồn?
Trong cõi hư vô, anh sẽ không thấy gì cả.

Anh phải cương cường và tìm ngay trong bản thể anh vì chỉ ở đó là có chỗ dựa cho anh thôi. Anh nghĩ kĩ về điều đó đi! Đừng đi đâu nữa.

Kabir bảo: Gạt bỏ hết các ảo tưởng của trí tưởng tượng đi mà bám chặt lấy cái thực thể của anh.

Theo truyền thuyết, khi ông mất, người Ấn và người Hồi đều tranh nhau thể xác ông, kẻ đòi chôn cất, kẻ đòi hoả thiêu. Trong khi hai bên đương cãi nhau ỏm tỏi, một người lật chiếc khăn liệm ông và chỉ thấy còn một mớ hoa, xác ông đã biến đâu mất. Người Ấn và người Hồi chia nhau mỗi bên một bó, rồi người Ấn đem hoả thiêu ở Bénarès, còn người Hồi thì đem chôn xuống huyệt. Ông mất rồi, dân chúng truyền khẩu những bài thơ của ông; một người Sikh tên là Nanak theo thuyết ông mà lập một giáo phái khá mạnh tới bây giờ[53]; một số người khác thờ ông như một thần linh mới. Ngày nay hai giáo phái nhỏ theo đạo của ông nhưng lại chia rẽ nhau, ganh ghét nhau: một giáo phái là Hồi, một giáo phái là Ấn. Họ đều thờ ông, con người suốt đời chỉ mong hợp nhất được Ấn và Hồi.

[1] Cũng gần như cổ văn Trung Hoa, các học giả mỗi miền (Hoa Bắc, Hoa Nam…) hoặc mỗi xứ (Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam…) nói khác nhau, nhưng đều dùng cổ văn để giao thiệp với nhau. (ND).

[2] Họ dùng lối viết dính từ này với từ kia để tạo một từ mới, đây là hai thí dụ làm cho ta thấy gớm:

citerapratisamkramayastadakarapattau, upadanavisvamasattakakaruapattih.
[3] Tamul: bản tiếng Anh chép là: Tamil. Theo Wikipedia thì tiếng Pháp là: Tamoul. (Goldfish).

[4] Boccace là văn hào Ý, Pétrarque là thi hào Ý, đều ở thế kỉ XIV. (ND).

[5] Phong trào quốc gia tự trị.

[6] Có lẽ liên cách in sai thành diên cách. Tiếng Anh là relation. (Goldfish).

[7] Dân tộc Babylonie cũng đã tạo ra môn ngữ pháp. [8]Tức việc sao chép của hạng thư lại. (ND).
[9] Bản tiếng Anh chép là: Palm-leaves (lá cây cọ). Theo Wikipedia thì người ta dùng lá các cây Palmyra palm (tức cây thốt lốt, còn gọi là cây thốt nốt) hoặc talipot palm. (Goldfish).

[10] Trước thế kỉ XIX, không thấy có nghề in ở Ấn, có lẽ vì, cũng như Hoa ngữ, các Ấn ngữ mà đem ra đúc thì tốn kém quá; cũng có lẽ vì người ta cho chữ in không có nghệ thuật bằng chữ viết tay. Kĩ thuật in báo sách do người Anh đem vô Ấn, và chẳng bao lâu người Ấn đã vượt bậc thầy của họ; ngày nay ở Ấn có 1.517 báo hằng ngày, 3.627 báo định kì đủ các loại, và mỗi năm trung bình xuất bản 15.000 cuốn.
[11] Như nước ta hồi xưa. (ND).

[12] Như nước ta hồi xưa. (ND).

[13] Bản tiếng Anh không nêu tên Mullah-Gy, mà chỉ gọi là Doctor. Đoạn dưới cũng không nêu tên. (Goldfish).

[14] Có lẽ France, Andalousie in sai thành Franca, Andalous. Bản tiếng Anh chép là: France and Andalusia. (Goldfish).

[15] Bản tiếng Anh chép là: kings of Indostan, nghĩa các vị vua xứ Indoustan, chứ không nêu tên các vị vua Mông Cổ đó. (Goldfish).

[16] Bản tiếng Anh chép là: Persia and Usbec, Kashgar, Tartary and Cathay, Pegu, China and Matchina. (Goldfish).

[17] Trong tập “Du kí của François Bernier có miêu tả các quốc gia của Đại vương Mông Cổ”. Paris 1830. (Tác giả có khi mười mấy hàng không chấm câu; chúng tôi phải tự ý ngắt câu cho dễ đọc. N.H.L).

[18] Ở Trung Hoa cũng vậy, có những người đi kể truyện Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc… cho dân chúng nghe, những truyện đó cũng mỗi ngày mỗi thêm chi tiết, sau mới có nhà văn gom lại, chép lại. Cách đó thông dụng khi đại đa số dân chúng còn mù chữ. (ND).

[19] Bản tiếng Anh chép là: “a greater poem than the Iliad”. (Goldfish).

[20] Chắc mỗi đoạn hai câu. (ND).

[21] Maha có nghĩa là vĩ đại. Mahabharata là Bharata vĩ đại. (Goldfish).

[22] Các kinh Veda có vài đoạn ám chỉ một nhân vật trong Mahabharata; điều đó chứng tỏ rằng quả có một cuộc đại chiến giữa các bộ lạc trong khoảng 2.000 năm tới 1.000 năm trước Công nguyên.

[23] Pishacha: con quỉ trong thần thoại Ấn Độ. (Goldfish).

[24] Vị thần ở trên thiên cung cũng xuống dự chiến. (ND).

[25] Chẳng hạn: “Cái gì làm đau khổ cho mình thì đừng làm cho người khác” – “Người thiện thì không do dự chút gì , giúp đỡ cả kẻ thù của mình” – “Dịu dàng thì thắng được giận dữ, thương người thì thắng được bệnh tật (nghĩa là quên bệnh của mình đi), hào phóng thì thắng được keo kiệt, nói đúng sự thực thì thắng được sự giả dối”.

[26] “Con người gặp nhau ở cõi đời cũng như hai khúc gỗ đụng nhau trên mặt biển rồi mỗi khúc trôi đi một ngã”.

[27] Theo Trung Quốc Văn học hệ niên san số 7, năm 1969, Trường ca này nguyên bản có tới 30 thoại, đã được dịch ra 90 lần, 7 lần ra tiếng Pháp, 44 lần ra tiếng Anh (lần đầu vào năm 1785), chỉ một lần ra tiếng Trung Hoa. (ND).

[28] Nhảy vô lửa mà không phỏng là vô tội. (ND).

[29] Tác giả trường ca. (ND).

[30] Có lẽ là khi vô rừng nàng bắt đầu có mang rồi sanh đôi. (ND).

[31] Nghĩa là đoạn.

[32] Tức thời đại mà các tác phẩm đều viết bằng tiếng sanscrit.

[33] Cũng gọi là kè, cọ… Lá bối cũng là một loại lá gồi. (ND).

[34] Trường hợp đó rất hiếm. Thường thường trong các hí kịch Ấn, phụ nữ nói bằng tiếng prakrit vì theo lệ thì đàn bà quí không nên học một tử ngữ.

[35] Trong màn VI, vở Chiếc xe đất sét do Monier Monier-Williams dịch và tóm tắt, đăng trên trang http://www.elfinspell.com/Volume1BiblioClayCart.html, có đoạn nói về Chiếc xe đất sét (The clay cart, nhan đề của vở hí kịch), như sau: While the vehicle is preparing, Caru-datta s child, a little boy, comes into the room with a toy cart made of clay. He appears to be crying, and an attendant explains that his tears are caused by certain childish troubles connected with his clay cart, which has ceased to please him since his happening to see one made of gold belonging to a neighbor’s child. Upon this Vasanta-sena takes off her jeweled ornaments, places them in the clay cart, and tells the child to purchase a golden cart with the value of the jewels, as a present from herself. Tạm dich: Trong khi chiếc xe đang chuẩn bị [đưa Vasanta-sena về nhà], một đứa bé, con của Caru-datta, đi vào phòng với chiếc xe đồ chơi làm bằng đất sét. Nó có vẻ như đã khóc, và một người hầu giải thích rằng thằng bé đang khóc vì có chuyện gì đấy với chiếc xe đất sét của nó thì nín khóc khi tình cờ trông thấy chiếc xe đồ chơi làm bằng vàng của đứa bé hàng xóm. Nghe vậy, Vasanta-sena cởi một món nữ trang nạm ngọc, đặt vào chiếc xe đất sét, và bảo đứa bé hãy dùng món nữ trang này mà mua một chiếc xe bằng vàng, coi như món quà nàng tặng cho bé. (Goldfish).

[36] Chín viên ngọc trai. (ND).

[37] Thuộc tiểu quốc Gwalior, Ujjain là một trong bảy thánh địa của Ấn. (ND).

[38] Có lẽ là thần mặt trời. (ND).

[39] Deus ex machina.

[40] Theo William Jones thì người Ấn bảo chính họ phát minh ra trò đánh cờ, hệ thống thập tiến và lối dùng ngụ ngôn để giáo dục.

[41] Hay năm mục. (ND).

[42] Bản tiếng Pháp: ver à soie. Tôi ngờ rằng lầm : ver luisant, con đom đóm, thì có phần hữu lí hơn. (ND). [Bản tiếng Anh chép là: glowworm (con đom đóm). (Goldfish)].

[43] Các nhà nghiên cứu về cổ học phương Đông cải nhau kịch liệt về điểm: các ngụ ngôn đó gốc ở Ấn rồi truyền qua Âu hay ngược lại từ Âu truyền qua Ấn; các vị nào có dư thì giờ không biết làm gì cho hết thì cứ đào sâu vấn đề đó. Chúng tôi nghĩ có lẽ những ngụ ngôn đó từ Ai Cập qua Mésopotamie và đảo Crète mà đồng thời truyền cả qua Ấn lẫn Âu. Dầu sao thì cũng hiển nhiên là bộ Nghìn lẽ một đêm đã chịu ảnh hưởng của tập Panchatantra.

[44] Ở nước ta cũng vậy. Có thể nói rằng có luật chung này: dân tộc nào chưa có chữ viết hoặc có mà chưa thông dụng (như Ấn thời đó, Việt Nam thời dùng chữ Nôm) thì văn xuôi bị coi thường mà truyện luôn luôn làm bằng thơ vì chỉ có thơ mới lưu truyền được. (ND).

[45] Couplet: không rõ mỗi đoạn gồm mấy cây, có lẽ là hai câu. (ND).

[46] Thơ càng ngày càng bỏ tính cách khách quan trong các anh hùng ca thiên về tôn giáo và ái tình. Vì vậy mà qui tắc trong thơ cũng thay đổi. Trong các anh hùng ca, nhịp điệu tự do hơn, âm cách không nghiêm khắc, âm luật chỉ bắt buộc phải theo đúng trong bốn hay năm âm ở cuối mỗi câu thôi; trong thơ qui tắc gắt gao hơn, nhiều hơn, cũng rắc rối hơn nữa; người ta dùng những xảo thuật hoàn toàn có tính cách hình thức để sắp đặt các chữ, các câu và phải bỏ vần chẳng những ở cuối câu mà đôi khi cả ở lưng câu nữa (yêu vận). Nghệ thuật làm thơ thật là nghiêm nhặt, nội dung càng ngày càng nghèo nàn thì hình thức càng hoá ra quan trong, luôn luôn như vậy.

[47] Một cuốn trong bộ Thánh kinh tả tình hai vợ chồng, nhưng theo cách giải thích của các tu sĩ đó thì là tượng trưng cho sự hợp nhất của Chúa Trời với dân tộc Israël (trong Cựu Ước), hoặc với các dân theo Ki Tô giáo (trong Tân Ước).

[48] Mahratte: bản tiếng Anh chép là Mahrathi. (Goldfish).

[49] Tamil trong đoạn này là tiếng Tamil. (Goldfish).

[50] Ông hàn, cụ hàn: ngày nay ta thường gọi là viện sĩ. (Goldfish).

[51] Lễ cắt qui đầu theo Hồi giáo và Do Thái giáo. (ND).

[Chắc sách in thiếu. Bản tiếng Anh chép: (…) no temples, no mosques, no idols, no caste, no circumcision… Tạm dịch: (…) không đền thờ, không thánh đường Hồi giáo, không tượng thần, không tập cấp, không cắt bao qui đầu… (Goldfish)].

[52] Rabindranath Tagor, đã hết sức dịch một cách tuyệt hảo ra tiếng Anh khoảng trăm bài thơ gom lại dưới nhan đề là Ca khúc của Kabir.

[53] Tức đạo Sikh. Wikipedia bảo: Đạo Sikh, còn gọi là Tích-khắc giáo, do Guru Nanak sáng lập vào thế kỷ 15 tại vùng Punjab, truyền dạy những giáo lý của Guru Nanak Dev và 10 vị Guru khác truyền lại (người cuối cùng thành thánh trong Guru Granth Sahib), là tôn giáo lớn thứ năm trên thế giới. (Goldfish)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.