Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống

BÍ QUYẾT 3: VỆ SINH MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH



Hãy bỏ bớt đồ đạc, vật dụng bởi bạn chỉ có thể bay với hành lý nhẹ nhàng mà thôi. Những vật dụng vô ích trong nhà và tại công sở gây nguy hại cho tâm trí chúng ta nhiều hơn những gì ta vẫn nghĩ. Ý thức của chúng ta tuy đã học cách phớt lờ những chiếc kệ không gọn gàng hoặc căn phòng đầy đồ cũ nhưng nó vẫn bị khích động và đè nặng. Nó chỉ được tự do khi ta tống khứ những thứ ấy ra khỏi nhà mình.

Tác động của các đống bừa bộn và cách phòng tránh

Thật thiếu thực tế nếu bạn muốn dọn dẹp mọi đống bừa bộn kinh niên chỉ trong chốc lát. Việc chồng chất đồ đạc sẽ biến thành một chướng ngại vật tấn công cơ thể và tâm trí bạn. Theo thời gian, ý thức của bạn học cách đương đầu với nó nhưng tiềm thức thì không. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác động tiêu cực của các đống bừa bộn ấy đối với cuộc sống của chúng ta. Hãy cùng xem xét một vài tác động ấy.

Nỗi sợ về tương lai

Nếu bạn từng cảm thấy bất lực trước sự tích tụ của đồ đạc, hẳn tiềm thức của bạn cũng đã hình thành nên cảm giác yếu đuối khi đứng trước chúng. Và cảm giác đó sẽ chuyển sang những lĩnh vực khác của cuộc sống. Đống bừa bộn làm suy yếu sự phát triển của bạn bởi chúng có liên quan đến ký ức và bó chặt bạn với quá khứ.

Lời khuyên đơn giản hóa của chúng tôi: Hãy nghĩ về những người có liên quan đến các đồ vật trong căn phòng của bạn một cách trân trọng. Chỉ giữ một kỷ vật đẹp đẽ và giá trị nhất liên quan đến mỗi người và quẳng những thứ còn lại đi. Chẳng hạn, ký ức về người dì của bạn sẽ đặc biệt hơn nhiều nếu bạn nghĩ đến sợi dây chuyền bằng ngọc trai tuyệt đẹp của dì thay vì với cả tủ chén đầy những đồ sứ Trung Quốc đã lỗi thời. Càng tạo ra nhiều chỗ trống cho các vật dụng mới, cuộc sống tương lai của bạn sẽ càng thoải mái.

Bệnh béo phì

Hoàn toàn nghiêm túc: đống bừa bộn trong phòng có thể khiến bạn tăng cân. Quả thật, sau nhiều năm nghiên cứu, Karen Kingston – một chuyên gia người Anh – đã đi đến kết luận gây hiếu kỳ này: Những người sống bừa bộn thường dễ bị thừa cân. Có thể cả sự mập mạp và việc sở hữu nhiều đồ vật đều nhằm mục đích bảo vệ bản thân bạn. Bệnh béo phì thường có liên quan đến chứng “táo bón về mặt cảm xúc”. Khi không thể bộc lộ cảm xúc, bạn sẽ chất chứa những sự việc cũ rích trong lòng và cơ thể bạn sẽ ngưng trao đổi chất để chuyển sang “phương thức tích trữ”.

Lời khuyên đơn giản hóa của chúng tôi: Hãy thực hiện “chế độ ăn kiêng” thích hợp cho ngôi nhà bừa bộn của bạn. Việc này thường dễ dàng hơn nhiều so với việc bắt đầu một thực đơn ăn kiêng cho cơ thể. Một phụ nữ cho biết cô đã ngừng việc ăn uống vô độ khi sống trong một ngôi nhà gọn gàng và sạch sẽ.

Sự chần chừ

Có một mối dây liên hệ tương tự giữa sự hỗn độn trong môi trường sống với động lực làm việc của bạn: Bừa bộn là nguyên nhân của sự chần chừ. Quả thật, những đống bừa bộn có khả năng phong tỏa nguồn năng lượng và ngăn chặn sự tập trung của bạn.

Lời khuyên đơn giản hóa của chúng tôi: Khi khối lượng công việc của bạn quá lớn, việc đầu tiên mà bạn nên làm là hãy dọn sạch bàn làm việc cũng như không gian xung quanh mình. Kết quả mà bạn nhận được sẽ xứng đáng với thời gian và công sức mà bạn đã bỏ ra. Khi đó, bạn sẽ làm việc tập trung hơn, hiệu quả hơn cũng như sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn với công việc của mình.

Hãy xem bàn làm việc chính là hình ảnh phản chiếu của tâm trí bạn. Bất cứ thứ gì đang nằm trên bàn làm việc của bạn cũng đều được bạn ghi nhớ trong đầu. Một chiếc bàn làm việc ngăn nắp đồng nghĩa với một tâm trí có trật tự. Hầu hết mọi người đều vô cùng kinh ngạc với nguồn năng lượng mà họ có được sau khi đã tổ chức lại mọi thứ xung quanh. Không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình, họ còn tiếp tục học tập trau dồi chuyên môn, thấu hiểu các mối quan hệ hoặc đi nghỉ mát để hồi phục sức khỏe.

Các vấn đề tài chính

Đống bừa bộn khiến bạn hao tốn tiền bạc nhiều hơn mọi thứ khác. Những người đam mê “sưu tập mọi thứ” nghĩ rằng họ đang tiết kiệm tiền bạc. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn của họ đang bị cột chặt vào những thứ “có thể sẽ xài đến một ngày nào đấy”.

Họ dễ bị quyến rũ bởi những lời mời gọi đặc biệt để rồi quyết định mua các vật dụng mà chẳng hề cần đến. Họ chi tiền bạc vào việc mua sắm kệ, va-li, tủ, hộp và thậm chí là sửa sang ngôi nhà một cách không cần thiết. Thường thì họ chẳng có thời gian để sử dụng những vật dụng đó bởi họ luôn phải chú tâm vào việc bảo dưỡng và cất trữ chúng.

Những người thích “sưu tầm mọi thứ” thường sống trong các ngôi nhà quá lớn. Có thể nói, khoảng 45% không gian trong nhà họ có thể được giải phóng bằng một chính sách cứng rắn.

Lời khuyên đơn giản hóa của chúng tôi: Hãy dọn dẹp! Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là hãy bắt đầu dọn dẹp ngay từ hôm nay. Chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách thực hiện nhiệm vụ này ngay trong phần sau đây.

Phương pháp tốt nhất để dọn sạch các thứ

“Chúng ta bị vây quanh bởi sự hỗn độn và bị thống trị bởi những con rồng hỗn loạn” là cách mà những người Babylon cổ đại nhìn nhận về thế giới. Trong mớ hỗn độn nguyên thủy đó, có một quả bong bóng bé xíu – đó chính là trái đất của chúng ta. Và nếu chúng ta không cẩn thận thì sự hỗn độn sẽ lại xâm chiếm mọi nơi.

Một quan niệm miêu tả chính xác trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: Trật tự không phải là một hiện tượng tự nhiên. Sự hỗn độn là điều mà ta phải đấu tranh mỗi ngày. Bạn có thể nói rằng: Theo luật Murphy(2), mọi sự hỗn độn có khả năng xảy ra đều sẽ xảy ra.

Một ngôi nhà hoàn toàn sạch sẽ cũng không phải là chỗ để bạn có được một cuộc sống đơn giản bởi bạn đã dành quá nhiều thời gian để lau dọn nó. Thậm chí nó còn có thể trở thành ngọn nguồn của mọi sự căng thẳng trong bạn. (“Đừng dẫn về nhà những vị khách không muốn cởi giày ra khi bước vào nhà!”). Việc dọn dẹp vệ sinh có thể trở thành một nỗi ám ảnh không ngừng và nỗi ám ảnh đó có thể trở thành trung tâm cuộc sống của bạn.

Sự đơn giản có nghĩa là tìm được ý nghĩa vàng giữa sự hỗn độn và nỗi ám ảnh. Điều đó cũng có nghĩa là bạn chấp nhận một mức độ hỗn độn nhất định với thái độ hài hòa nhưng vẫn không đầu hàng nó.

Không ai bừa bãi bẩm sinh

Khuynh hướng muốn giữ lại quá nhiều thứ không phải là một nét tính cách cơ bản của con người. Nhiều người mô tả bản thân là người bừa bãi và xem đó như một đặc tính cố hữu. Tuy nhiên, sự thật thì bừa bãi chỉ là một tình trạng tạm thời. Theo một cách nào đó, có thể so sánh nó với tình trạng bị ám ảnh nhẹ.

Mỗi nỗi ám ảnh là một cuộc tìm kiếm và mỗi cuộc

(2) Luật Murphy: Không phải là định luật khoa học mà chỉ là một phát biểu hài hước rằng: “Nếu việc gì có thể trở nên tồi tệ thì chắc chắn nó sẽ tồi tệ”.

tìm kiếm đều chứa đựng một cái lõi lành mạnh: Những người thích sưu tầm đồ đạc thường xuất phát từ động cơ muốn giúp ích cho người khác hoặc bản thân họ đã từng trải qua thời kỳ thiếu thốn. Điều duy nhất cần làm ở đây là ta hãy chân thật với chính mình về khuynh hướng của nỗi ám ảnh ấy và hãy kiên trì xoa dịu để hạ nó xuống một mức độ hợp lý. Nếu cần, hãy nhờ một người nào đó giúp đỡ bạn.

Khi nói về những người bừa bãi, chúng ta thường chỉ có ý nói đến những người có khuynh hướng sống hỗn loạn. Khi việc thu thập đã trở thành nỗi ám ảnh, nó sẽ không ngừng gây hại cho cuộc sống của họ. Trên thực tế, sự giúp đỡ chuyên môn là vấn đề sống còn đối với những người này, tương tự như đối với những người nghiện ngập.

Hãy bắt đầu bằng những bước nhỏ

Mỗi ngày, bạn nên giải quyết một ngăn kéo hoặc một chiếc kệ thay vì gồng gánh cả một thử thách khổng lồ (“dọn sạch toàn bộ tầng hầm”, “thu dọn tất cả các tủ quần áo”). Hãy phân chia công việc thành nhiều phần “dễ tiêu”. Nếu không, lòng hăng hái trong bạn sẽ giảm đi trong khi sự hỗn độn lại không ngừng tăng lên.

Hãy bắt đầu bằng một đơn vị độc lập. Đó có thể là một ngăn kéo, một chiếc kệ, một khay đựng hồ sơ, một chiếc hộp, một hộp đựng bút và các thứ linh tinh khác. Hoặc bạn cũng có thể chọn bắt đầu với một khu vực hoặc vật dụng để dọn sạch hoàn toàn trong hai đến ba tiếng đồng hồ. Quy trình này có thể gồm năm bước:

1. Tất cả hoặc không gì cả. Hãy dọn sạch mọi thứ ra khỏi khu vực hoặc đồ vật cần dọn dẹp.

2. Lau chùi sạch sẽ. Hãy lau chùi mọi thứ cho đến khi chúng thật sạch sẽ và hãy hài lòng vì điều đó.

3. Ba điều kỳ diệu. Hãy chia những món đồ được đựng trong vật dụng ấy (lúc này đang nằm trên sàn nhà) ra thành ba khu vực:

• Tuyệt vời. Hãy xếp mọi đồ vật còn hữu dụng và hoạt động tốt vào khu vực có cái tên đẹp đẽ này. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo phán xét: món đồ ấy phải thật sự tuyệt vời và giá trị. Tốt nhất là chúng nên có mối liên hệ với yếu tố tình cảm để bạn cảm thấy yêu thích và vui vẻ khi sử dụng. Dưới đây là một vài câu hỏi giúp bạn quyết định xem cái gì nên giữ và cái gì nên bỏ đi: “Bạn có sử dụng nó trong hai tháng gần đây không, thậm chí dù chỉ một lần?”. “Nếu mất nó, bạn có thay bằng một cái mới không?”. Nếu một vật dụng có số lượng nhiều như năm cây bút chì, hai cuốn danh bạ điện thoại địa phương… thì hãy chọn một cái tốt nhất và đặt những cái kia vào một trong hai loại còn lại.

• Vô giá trị. Khu vực này dành cho những thứ đã hư hỏng, không còn cần thiết hoặc đã được sử dụng ít nhất một năm.

Các vật dụng trong khu vực này nên được cho vào chung với các vật liệu tái chế và rác thải, để rồi sau đó vứt đi
theo đúng cách. Thậm chí, bạn cũng có thể cho tất cả vào một cái thùng và tặng ai đó đang cần.

• Dấu chấm hỏi. Nếu cảm thấy quá khó khăn trong việc quyết định giữ lại hay vứt bỏ một vật gì đó thì hãy cho vật ấy vào khu vực có tên: “Dấu chấm hỏi”. Những thứ này được cho vào một cái thùng (với một danh sách ghi những thứ được chứa bên trong) và được mang xuống tầng hầm, tầng gác mái hoặc ga- ra để cất giữ. Hãy kiểm tra lại những thùng này mỗi sáu tháng. Khi đó, bạn sẽ kinh ngạc nhận ra những vật dụng nào đã biến đổi và những vật nào có thể bị quẳng đi không cần đắn đo. Những vật không được sử dụng trong một năm sẽ tự động được đào thải.

Một phương pháp khác có thể giúp bạn dứt khoát hơn trong việc vứt bỏ đồ đạc là chuẩn bị một ngăn kéo trong mỗi phòng để đựng những thứ linh tinh. Đây là khu dành cho những vật dụng mà bạn không biết cho vào loại nào. Tuy nhiên, đừng dành ngăn kéo lớn cho việc này đồng thời hãy cân nhắc trong việc sử dụng nó và thường xuyên dọn dẹp. Sau ba tháng, có thể bạn sẽ quẳng đi 80% những vật dụng linh tinh ấy trong cảm giác hoàn toàn thoải mái.

4. Những thứ giống nhau. Hãy đặt những món đồ nhỏ vào trong cùng một hộp. Chỉ bằng cách sử dụng phương tiện phân loại đó thì bạn mới có thể dọn dẹp thành công. Hãy đặt những thứ còn tồn đọng vào và dán nhãn cho những vật đựng mới bằng những dòng chữ to, rõ ràng.

5. Hoan hô! Hãy vui vẻ trên hòn đảo sạch sẽ mà bạn vừa tạo ra và đừng than vãn về việc còn quá nhiều thứ phải làm. Hãy tin tưởng rằng một khi áp dụng cách làm tương tự, các khu vực khác trong ngôi nhà hoặc bàn làm việc của bạn sẽ trở nên gọn gàng, sạch sẽ.

Tìm người giúp đỡ

Một trong những phương pháp hiệu quả nhất thường được các nhóm hỗ trợ nhau của những người bừa bộn sử dụng là họ giúp đỡ nhau dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc. Khi được giúp đỡ, bạn sẽ thực hiện những nhiệm vụ mà mình đã trì hoãn bấy lâu nay. Người giúp đỡ bạn sẽ có một cái nhìn thực tế đối với các vật dụng bởi họ không bị ràng buộc về mặt tình cảm đối với những vật ấy. Và hãy nhiệt tình giúp đỡ lại người đó khi họ cần.

Sửa sang lại ngôi nhà của bạn

Tất nhiên, đừng áp dụng bí quyết này cho tất cả các căn phòng trong nhà bạn. Hãy tiến hành từng phòng một. Phương pháp này sẽ tốn nhiều thời gian nhưng lại rất hiệu quả. Bạn buộc phải cầm từng vật dụng lên và ra quyết định được mô tả ở trên – “tuyệt vời”, “vô giá trị” hay “dấu chấm hỏi”. Và một điều chắc chắn sẽ xảy ra: Khi sống trong một căn phòng sạch sẽ, vừa được sơn sửa lại, bạn sẽ cảm nhận được một con người mới trong mình.

Nhận biết những mặt phẳng

Gần như tất cả các mặt phẳng nằm ngang như bàn, kệ, rìa cửa sổ… đều có khả năng cuốn hút đồ vật, tựa như có ma lực vậy. Thậm chí cả sàn nhà, mặt phẳng nằm ngang lớn nhất, cũng là một khu vực bị đe dọa. Hãy đơn giản hóa cuộc sống của bạn bằng cách giảm thiểu những mặt phẳng nằm ngang và giữ cho những khu vực còn lại được sạch sẽ.

Chiếc bàn cà phê là nơi mà bạn chỉ nên đặt các vật dụng được dùng cho việc uống trà hay cà phê. Nó chỉ thích hợp để chưng hoa và nến chứ không phải các tạp chí truyền hình hay những cuốn sách.

Bàn ăn: không gì khiến cho người ta cảm thấy bực bội bằng việc phải dọn dẹp bàn trước mỗi bữa ăn. Hãy giáo dục các con (và cả bản thân bạn) rằng phải xem chiếc bàn ấy là một “vùng nóng”. Nó chỉ được dành riêng cho việc ăn uống (và có thể được dùng để giải trí vào buổi tối).

Mặt phẳng dành cho việc làm bếp, như tên gọi của nó, là nơi dành cho các công việc bếp núc. Việc nấu nướng sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có đủ không gian. Hãy đề ra một quy định: chỉ những vật dụng căn bản được sử dụng hàng ngày (như là máy pha cà phê hoặc xà phòng rửa chén) mới được đặt trên mặt phẳng ấy. Còn những vật dụng khác như chén bát phải được cất trong tủ chén và chỉ được bày ra khi cần thiết.

Đầu tủ lạnh có thể dễ dàng trở thành địa điểm tập trung của bất cứ thứ gì bạn có thể tưởng tượng được. Hãy đặt một bình hoa thật đẹp ở đó hoặc tìm một vài cách hữu ích khác để nhắc nhở bạn không được để mọi thứ lên đó.

Hãy tận hưởng việc rộng mở các cửa sổ. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải giữ cho rìa cửa sổ của mình trống trải. Tốt hơn hết, bạn nên đặt các chậu hoa lên khung giá đỡ thay vì xếp hàng chúng ngoài rìa cửa sổ.

Trong phòng ngủ, những chiếc ghế dựa và ghế đẩu được xem như “khu vực để gieo mình xuống” của quần áo bẩn. Một lựa chọn tốt hơn là hãy tìm một “người hầu phòng thời xưa” như một cái giá treo, một sào treo quần áo và các ngăn tủ để đựng chúng.

Căn phòng được đơn giản hóa

Đến lúc này, hẳn bạn đã biết bí quyết của sự đơn giản hóa: Hãy dọn một con đường thay vì đốn hạ cả cánh rừng. Hãy thử áp dụng nguyên lý này vào một phòng trong căn nhà bạn để xem liệu bạn có cảm thấy tốt hơn khi không có những vật ấy. Một căn phòng gọn gàng nhưng trang nhã sẽ tạo nên hiệu ứng êm đềm cho bạn. Ví dụ, bạn có thể biến phòng khách thành một nơi có ít vật dụng và rất nhiều chỗ trống. Hoặc bạn có thể sắp xếp phòng ngủ của mình thành một không gian thiền thanh tịnh.

Sự trống trải không nhất thiết phải đi cùng với sự lạnh lẽo. Một môi trường kém thân thiện được tạo nên từ những màu sắc lạnh, các chất liệu quá nhẵn, ánh sáng quá sáng và diện tích quá rộng. Hiếm khi cảm giác lạnh lẽo lại xuất phát từ việc thiếu vắng các vật dụng. Các ngọn đèn trần và đèn pha thường tạo ra một thứ ánh sáng khó chịu. Tốt hơn hết, bạn nên có một vài cái đèn chuẩn với chiều cao vừa phải.

Tích trữ… rồi lại tích trữ

Chúng ta thường tích cóp nhiều thứ như thẻ điện thoại, sách vở, bao diêm, tách cà phê, thú nhồi bông, đồ chơi, tem… Việc làm này khởi đầu bằng việc trưng bày một vài thứ ở trên kệ rồi nhanh chóng lan khắp cả căn nhà: giấy dán tường, khăn trải bàn, tranh ảnh, khăn lót đĩa, khăn ăn, bát đĩa bằng sứ… Phía sau đó là một nhu cầu xây dựng bản sắc của riêng mình bằng một thứ gì đấy thật độc đáo.

Hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước những đồ vật mà bạn sưu tập. Bạn đã bắt đầu sưu tập từ khi nào? Nguyên nhân của việc sưu tập đó là gì? Liệu bộ sưu tập của bạn có gắn kết bạn với quá khứ? Nếu câu trả lời của bạn là “Có” thì hãy từ bỏ nó. Thông thường, việc từ bỏ hoàn toàn một mô hình tàu hỏa hay một bộ sưu tập cúp sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc giảm thiểu chúng. Nếu có thể tặng hoặc bán chúng cho ai đó (và người đó biết tận hưởng chúng), thì hãy làm như vậy! Nó sẽ giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống và đạt được những điều mới mẻ khác.

Bạn cần phân biệt rõ việc sưu tập và việc chỉ giữ đơn thuần các đồ vật. Một bộ sưu tập thật sự phải được chuyên môn hóa và mang tính hệ thống, chẳng hạn như những chiếc chén bằng sứ được tô vẽ cùng kiểu dáng hoặc các loại gấu teddy. Nhu cầu có được một bộ sưu tập của riêng mình là một nhu cầu chính đáng và hoàn toàn xứng đáng để bạn bỏ thời gian và công sức.

Trái lại, việc chỉ đơn thuần “giữ” đồ đạc là việc tích trữ không có hệ thống. Bạn không nhất thiết phải có chúng trong cuộc sống của mình. Chúng làm tốn thời gian và không gian của bạn. Điều đáng nói là những thứ này có thể tiếp tục được nhân lên và đến một ngày, chúng sẽ điều khiển bạn. Chúng tiêu tốn thời gian và năng lượng của bạn. Chúng dần trở thành những đồ phế thải bởi vì bạn có quá nhiều và không thể quản lý nổi. Có rất  nhiều lý do khiến nhiều người lưu giữ đồ đạc mà mình không cần dùng đến: lòng tôn trọng (đối với những người đã tặng quà cho mình), dự phòng cho những lúc khó khăn trong tương lai, phải tốn nhiều tiền mới có được nó…

Bạn cần xem xét lại đồ đạc của mình một cách nghiêm túc. Thay vì hòa trộn ngẫu nhiên những kỷ vật giá trị lẫn vô giá trị, bạn cần chọn lọc các thứ để tạo ra một bộ sưu tập theo đúng nghĩa.

Hãy cho đi

Phương pháp phổ biến nhất giúp bạn quản lý được các vật dụng của mình là giao chúng lại cho người thân.

Hãy kiểm tra toàn bộ ngôi nhà của bạn và tập trung những thứ mà bạn dự định tặng cho mọi người lại. Sau đó, hãy tặng chúng (nhưng trước tiên hãy hỏi xem liệu họ có muốn nhận chúng hay không!). Cho đi là một trong những cách thức tốt nhất để thoát khỏi những thứ mà bạn không cần.

Đơn giản hóa về chất lượng

Hãy chỉ giữ những thứ tốt nhất mà thôi. Nhà thơ Somerset Maugham(3) đã từng nói: “Một điều buồn cười trong cuộc sống là nếu bạn chỉ đồng ý nhận những thứ tốt nhất thì bạn sẽ thường xuyên có được những thứ tốt nhất”. Hãy ưu tiên cho chất lượng thay vì số lượng. Hãy hình thành cho mình sở thích phục vụ cho mục đích của bản thân bằng những thứ đơn giản.

Nhân tố quyết định: Sàn nhà sạch

Những vật nằm vương vãi trên sàn nhà là dấu hiệu của sự bừa bộn. Bạn sẽ kinh ngạc khi nhận ra căn phòng của mình có thể trông gọn gàng đến mức nào khi sàn nhà hoàn toàn sạch sẽ. Các bức tường, tủ chén, tủ quần áo và những chiếc kệ đầy ắp cũng sẽ trông không đến nỗi tệ. Từ thế kỷ

(3) Somerset Maugham (1874-1965): Nhà văn Anh sinh ra tại Pháp. Ông là một trong những tác giả nổi tiếng nhất trong thập niên 1930 và là nhà văn được trả tiền tác quyền cao nhất.

XIX, người Shaker, một cộng đồng rất sùng đạo ở Hoa Kỳ, đã phát triển tập quán treo tất cả mọi thứ lên tường. Trong mọi căn phòng của mình, họ đều có những tấm bảng có gắn móc để treo chổi, quần áo và những chiếc ghế (khi chúng không được dùng đến).

Hãy biến các bức tường thành nguồn cảm hứng của bạn bằng cách treo lên đó các thứ như là nhạc cụ, túi xách và các vật dụng khác có khả năng nằm vương vãi trên sàn. Hãy chọn một nơi kín đáo nếu bạn không thích nhìn thấy những vật dụng ấy và đừng quá quan tâm đến chuyện phong cách!

Ngôi nhà là chiếc gương phản chiếu tâm hồn bạn

Một khi bạn đã bắt đầu con đường đơn giản hóa trong các căn phòng (và hy vọng là bạn hài lòng với kết quả của nó), bạn có thể xem xét ngôi nhà của mình một cách có hệ thống và đánh giá mọi thứ thật lạc quan.

Một ý tưởng cơ bản có liên quan đến sự đơn giản hóa: ngôi nhà là hình ảnh đại diện ba chiều cho cuộc sống của bạn. Giữa thế giới nội tâm và cuộc sống bên ngoài của bạn luôn có một sự tương ứng nhất định. Người ta thường để lại những dấu ấn vô hình trong căn nhà họ sinh sống – thậm chí cả khi họ đã chuyển đi và tất cả đồ đạc được dọn sạch. Những dấu ấn này có tác động lên chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà. Mỗi tôn giáo đều có các nghi thức riêng trong việc ban phúc lành và gột rửa không gian sống. Để có một không gian sống tích cực thì yêu cầu quan trọng nhất là bạn phải dọn sạch tất cả mọi thứ và bỏ đi những vật dụng không cần thiết. Hãy kiểm tra các phòng ốc trong ngôi nhà của bạn và hãy khám phá ra sự kết nối giữa bạn với không gian sống quanh mình.

Tầng hầm: Quá khứ và Tiềm thức

Việc lưu giữ những vật dụng không gọn gàng trong tầng hầm là dấu hiệu của những công việc nổi bật mà bạn phải cáng đáng. Sở dĩ bạn không quẳng chúng đi là vì bạn cho rằng “chúng có thể trở nên hữu dụng một ngày nào đó”. Chúng có thể là dấu hiệu cho thấy rằng tâm trí bạn đang băn khoăn về một vấn đề gì đó cần giải quyết, chẳng hạn như gánh nặng từ bà con, một bí mật của gia đình hay mối quan hệ với một người nào đó.

Những thứ vụn vặt trong tầng hầm cũng có thể trở thành nguyên nhân trực tiếp khiến bạn cảm thấy chán nản và u uất.

Chắc chắn tầng hầm là một nơi cất trữ tốt nhưng nó chỉ dành cho những vật dụng mà bạn sử dụng ít nhất mỗi năm một lần. Hãy sắp xếp mọi thứ sao cho các vật dụng đều có thể dễ dàng lấy ra, đặt vào. Một tầng hầm sáng sủa, gọn gàng và được thông gió tốt sẽ khiến bạn thấy vui vẻ hơn. Bạn sẽ nhận ra rằng mình có được một nguồn năng lượng tươi mới để đương đầu với các vấn đề tâm lý mà chúng tôi đã đề cập đến phía trên.

Tầng gác mái: Ý tưởng và Tương lai

Nơi cất trữ đầy ắp sẽ cản trở sự phát triển cá nhân cũng như chuyên môn của bạn. Nếu thoát được những món quà lưu niệm, kỷ vật hay quần áo cũ, bạn sẽ phát triển cho mình tầm nhìn mới mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.

Một tầng gác mái được trang hoàng tốt có thể là nơi hợp nhất cho các hoạt động sáng tạo văn chương hoặc hội họa. Nếu bạn lên kế hoạch tạo ra một phòng làm việc tại nhà thì tầng gác mái là nơi tốt nhất. Bộ phận đầu não của các công ty lớn thường đặt văn phòng tại các tầng thượng, cũng giống như những con chim đầu đàn vẫn thường chọn chỗ đậu ở cành cây hoặc tảng đá cao nhất.

Nhà kho: Tự do cá nhân của bạn

Thông thường, nếu nhà bạn không có tầng hầm hay tầng gác mái thì bạn sẽ trưng dụng một căn phòng khác thành nơi lưu trữ những vật dụng không có chỗ của nó. Những căn phòng “chết” đó tựa như tảng đá nặng chiếm lĩnh tâm trí bạn. Chúng khiến bạn đánh mất cảm giác thích thú cũng như trí tưởng tượng của mình. Hãy dọn sạch hoàn toàn những căn phòng ấy hoặc ít nhất hãy giữ cho khu vực cất giữ đồ đạc được sạch sẽ và có trật tự. Hãy thông gió cho căn phòng đó thay vì lúc nào cũng đóng cửa im ỉm.

Khu vực cổng ra vào: Mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh

Ấn tượng mà ngôi nhà của bạn mang đến cho các vị khách phải là ấn tượng do bạn tạo ra. Hãy sử dụng mẹo này: Mặc một chiếc áo khoác của người khác, rời khỏi nhà và quay trở lại như thể bạn là một người khách lạ. Hãy cố gắng nhìn nhận bằng con mắt của người khách ấy: cây cối rũ cành gây cản trở lối đi, chồng giấy phế liệu đặt chưa đúng chỗ, giá treo áo khoác đã đầy ắp, rồi giày dép, găng tay, khăn choàng và những chiếc nón nằm vương vãi khắp nơi.

Hãy giữ cho khu vực ra vào nhà bạn được sạch sẽ và thân thiện. Bạn sẽ sớm có được những người bạn mới và cảm thấy vui vẻ hơn khi bước vào nhà mình.

Các cánh cửa: Sự cởi mở của bạn

Hãy đảm bảo rằng tất cả các cánh cửa (đặc biệt là cửa trước) nhà bạn có thể mở rộng ra. Đừng treo bất cứ thứ gì trên tay nắm cửa cũng như đừng bao giờ đặt tủ quần áo, tủ chén hoặc kệ gây cản trở cho việc mở cửa. Hãy sửa chữa những tay nắm cửa bị hỏng, tra dầu vào các ổ khóa và bản lề bị rít. Hãy đặt một bảng tên trông thân thiện, thời trang và dễ đọc ở ngay cửa vào nhà bạn. Chúng tôi đã thử cách làm này và cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc.

Phòng khách: Trái tim của bạn

Dù có thích hay không thì hình tượng của bạn cũng ít nhiều bị ảnh hưởng nếu tình trạng phòng khách trong ngôi nhà bạn bừa bộn hoặc quá cứng nhắc. Không gian phòng khách của bạn nên có một “trung tâm”, có thể là một chiếc bàn uống cà phê, nơi mọi người tụ họp. Đừng để chiếc ti-vi trở thành tâm điểm của căn phòng. Bạn có thể sử dụng cây cảnh hoặc các vật trang trí để thu hút sự chú ý của mọi người trong phòng. Ánh sáng hài hòa và những chỗ ngồi thoải mái sẽ mang đến cảm giác dễ chịu cho mọi người. Hãy tạo ra một chỗ riêng tư trong phòng khách để bạn có thể tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi ở nhà một mình.

Nhà bếp: Dạ dày của bạn

Không có phòng nào trong nhà mà “sự quay vòng” của các vật dụng lại cao bằng nhà bếp: đĩa, tách, ly và bộ đồ ăn được lấy ra, sử dụng, rửa sạch, rồi đem cất…, và cứ như thế mỗi ngày. Tuy nhiên, có những chiếc kệ và tủ chén chỉ được sử dụng vào những dịp đặc biệt vài lần trong năm. Những vật dụng không được sử dụng đến và các thực phẩm đã quá hạn sử dụng từ lâu tạo nên một “mớ lộn xộn”.

Việc dọn sạch tủ chén trong nhà bếp có thể mang đến cho bạn cảm giác nhẹ nhõm và theo đó, khả năng tiêu hóa của bạn được cải thiện và số cân dư thừa sẽ biến mất.

Hãy sắp xếp lại mọi vật dụng không cần thiết trong nhà bếp của bạn, thức ăn đã hết hạn, những cái tách sứt mẻ, các ấm đựng trà và cà phê đã lỗi thời… Các thiết bị nhà bếp chỉ được sử dụng vài tháng một lần như là khuôn bánh, lẩu điện… thì nên đem xuống tầng hầm hoặc nhà kho. Những chiếc đĩa vui mắt và các loại ly có kiểu dáng kỳ lạ chỉ được sử dụng vào những dịp đặc biệt cũng nên như vậy.

Hãy phân nhóm cho các loại vật dụng và đặt chúng vào những nơi cất trữ phù hợp. Ví dụ: xúc xích, phô mai và dưa chua cho bữa ăn nhẹ thì cho vào tủ lạnh; bột nướng bánh, đường và bột trộn để làm bánh thì để trên kệ thực phẩm…

Bồn rửa chén, tủ lạnh và bếp lò là bộ ba tác chiến trong nhà bếp. Không nên đặt bất kỳ vật gì gây chướng ngại ở giữa ba điểm này. Bạn cũng cần có một không gian trống để đặt bàn làm bếp.

Hãy treo các dụng cụ nấu nướng lên tường bằng những chiếc móc dính chặt hoặc những cái móc được khoan cố định vào tường.

Sàn nhà: Tình trạng tài chính của bạn

Chúng tôi đã đề cập đến ý nghĩa của một sàn nhà sạch sẽ. Khi tất cả các loại tủ và kệ đều đầy ắp thì sàn nhà sẽ phải đóng vai trò cất trữ. Các chồng giấy tờ, những chiếc hộp, quần áo, giầy dép và tất cả các dạng đồ đạc sẽ tước đi sự tự do di chuyển của bạn.

Một quan sát gây kinh ngạc là những người sống trong ngôi nhà có sàn bừa bộn hầu như luôn gặp phải các vấn đề về tài chính. Khi không thể di chuyển thoải mái trong nhà, chúng ta đã tự giới hạn bản thân và làm cho đời sống vật chất của mình sa sút. Sự “phồn thịnh” của bạn phụ thuộc vào khoảng trống sàn nhà mà bạn có được. Có thể xem sàn nhà rộng rãi, thoáng đãng là biểu tượng của sự giàu có. Ngày nay, phòng và bàn làm việc của các sếp bao giờ cũng được giữ sạch sẽ một cách có chủ đích.

Hãy để mắt đến sàn nhà của tất cả các phòng trong căn nhà bạn và dọn sạch chúng. Hãy nghĩ ra những cách thức mới để cất giữ đồ đạc. Nếu cần thiết và có khả năng, hãy bố trí nội thất mới trong nhà bạn.

Tủ quần áo: Cơ thể của bạn

Vì có ý định giảm cân nên nhiều người đã giữ lại những bộ quần áo cỡ nhỏ ngày trước. Nhưng điều đáng nói là ngay cả khi họ thành công trong việc ăn kiêng thì những món đồ ấy cũng không còn phù hợp với họ nữa.

Chính vì thế, hãy làm theo cách ngược lại: đem cho tất cả số quần áo quá nhỏ so với bạn và hãy mua những bộ quần áo thoải mái, vừa vặn với bạn vào thời điểm hiện tại. Cách tốt nhất để giảm cân là hãy tạo một mối quan hệ tích cực với cơ thể của bạn. Nếu bạn ghét dạ dày của mình thì nó cũng sẽ chẳng thèm đếm xỉa đến nhu cầu của bạn đâu.

Đây là cách để đơn giản hóa tủ quần áo của bạn.

Hãy sử dụng những lời khuyên dưới đây, liệt kê những thứ cần kiểm tra và bắt đầu phân loại chúng ngay lập tức.

Góc tủ tốt nhất. Hãy treo tất cả những thứ mà bạn mặc thường xuyên trong hai tháng qua ở bên trái của thanh treo quần áo. Các áo thun, áo có bâu… mà bạn mặc thường xuyên nên cho vào một ngăn đặc biệt. Tìm vị trí cho những món đồ không phù hợp với mùa hiện tại, giả dụ như khi bạn rằng: “Tôi sẽ mặc cái đó khi trời nóng (hoặc lạnh)”.

Sự lãng phí không gian. Có đến 98% khả năng rằng bạn chẳng bao giờ mặc lại những bộ quần áo mà mình đã không mặc suốt một năm qua. Vì vậy, thay vì dành chỗ cho những bộ áo quần ấy, hãy dọn sạch chúng đi! Thậm chí, dù những món đồ khá đắt tiền hoặc là quà tặng của người thân thì nó cũng đã hoàn thành nghĩa vụ và đến lúc phải ra đi (cho đi hoặc quyên góp từ thiện, vào cửa hàng bán đồ cũ, hoặc vào thùng rác).

Khởi đầu mới. Giờ là thời điểm của sự sáng tạo. Hãy kiểm tra các món đồ yêu thích nhất của bạn trong “góc tủ tốt nhất” thật cẩn thận. Tại sao bạn thích mặc nó? Liệu có phải là do đường cắt may, kích cỡ, màu sắc, chất liệu? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ mang đến cho bạn các tiêu chuẩn để thực hiện việc đơn giản hóa cá nhân và thiết lập hệ thống cho chiếc tủ quần áo của bạn.

Đừng mua những món đồ xa xỉ nhưng lại nhanh chóng khiến bạn phát chán. Hãy chọn những bộ quần áo đơn giản mà bạn có thể mặc trong mọi dịp. Hãy đầu tư cho những bộ quần áo mà bạn mặc thường ngày thay vì chỉ quan tâm đến những bộ cánh đặc biệt được dùng trong các dịp lễ lạc. Chiếc tủ áo cần được tổ chức theo quy ước và không chỉ dành riêng cho một mùa cụ thể nào. Tuy vậy, với các phụ kiện (cà-vạt, khăn choàng, trang sức), bạn có thể theo mốt và thậm chí tạo nên khuynh hướng mới.

Phòng tắm: Phần cốt lõi trong nội tâm bạn

Phòng tắm phải là môi trường mà trong đó bạn cảm thấy mình là tâm điểm và không bị làm phiền bởi bất kỳ điều gì. Hãy giấu những chai lọ và các vật dụng thường dùng trong phòng tắm sau cánh cửa và sắp xếp không gian cho cây kiểng hoặc những thứ mà bạn thích khác. Những chiếc khăn tắm mới với màu sắc hoặc họa tiết đẹp mắt là kiểu trang trí phòng tắm mang lại nhiều lợi ích nhất.

Phòng ngủ: Sự riêng tư của bạn

Phòng ngủ thường là nơi cấm kỵ đối với các vị khách. Đó là lý do vì sao nó thường bị dùng sai mục đích và trở thành nơi cất trữ tất cả mọi thứ rắc rối. Cần nhớ rằng phòng ngủ là nơi để bạn qua đêm nên nó cần có sự hài hòa và trật tự. Hãy dọn dẹp những thứ có thể trở thành nguồn gốc của mọi cảm xúc tiêu cực trong bạn, chẳng hạn như quần áo bẩn, những chiếc hộp đựng đồ cũ và những vật dụng hư hỏng. Đừng cất giữ bất cứ thứ gì ở dưới gầm giường của bạn, ngoại trừ khăn trải giường và chăn. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra các ngăn tủ

Chẳng ai cần đến bốn mươi đôi vớ hoặc mười lăm chiếc áo thun đã lỗi thời cả. Một căn phòng ngủ ngăn nắp sẽ mang đến cho bạn giấc ngủ sâu hơn và thậm chí là cả một đời sống vợ chồng mãnh liệt hơn.

Những món đồ tạp nhạp: Gánh nặng của bạn

Cặp da, túi xách, túi quần là những vật dụng mà bạn càng gói ghém chúng bao nhiêu thì chúng lại càng tượng trưng cho những gánh nặng đè lên cuộc đời bạn bấy nhiêu. Nếu bạn đang chuẩn bị dọn dẹp lại nhà cửa, phòng ốc thì hãy kiểm tra các túi của mình. Hãy giữ cho bản thân luôn cảm thấy nhẹ nhàng trong cuộc sống hàng ngày.

Hãy bắt đầu bằng những thứ nhỏ nhặt, chẳng hạn như cái ví của bạn. Hãy lấy ra tất cả các hóa đơn, các loại thẻ đã quá hạn sử dụng. Đừng mang theo quá nhiều tiền xu. Hãy sắp xếp lại tiền giấy của mình theo từng mệnh giá. Điều này sẽ giúp bạn quản lý tài chính của mình tốt hơn. Hãy hành động theo nguyên lý rằng những vật ngoài thân luôn ảnh hưởng đến nội tâm của bạn.

Để thiết lập trật tự lâu dài trong túi xách và cặp da của mình, bạn cần phải chia những thứ được đựng trong đó ra thành nhiều đơn vị mang tính cá nhân khác nhau. Sau đây là sáu đơn vị quan trọng nhất.

Đơn vị 1: Ví tiền. Bên cạnh tiền giấy và tiền xu, chiếc ví của ta có thể còn chứa thêm thẻ tín dụng, ngân phiếu, bằng lái xe và các giấy tờ tùy thân khác.

Đơn vị 2: Trường hợp khẩn cấp. Một chiếc túi xách có dây kéo với các vật dụng sơ cứu thương, chẳng hạn như dầu gió, sáp thoa môi, thuốc nhỏ mắt, băng keo cá nhân, dao gập bỏ túi, kim may và bàn chải đánh răng.

Đơn vị 3: Chiếc túi xách đặc biệt của trẻ con.

Một túi xách khác đựng núm vú giả, một món đồ chơi nhỏ, vài cái bánh quy, tã, kem bôi khử trùng hoặc một vài thứ hữu dụng khác khi mang con ra ngoài.

Đơn vị 4: Văn phòng mini. Dạng đơn giản nhất là một cuốn sổ sắp xếp thời gian hay một chiếc máy điện tử dùng để tổ chức công việc. Ngoài ra, bạn cũng cần có thêm một cây viết, mảnh giấy ghi chú Post-it®(4), tem thư, máy tính bỏ túi…

Đơn vị 5: Móc chìa khóa. Càng nhỏ càng tốt. Dù muốn nó to hơn để dễ tìm kiếm thì bạn cũng đừng dùng chiếc móc khóa nặng nề. Tốt hơn là bạn nên sử dụng loại bằng da để nó không làm cho túi xách hay túi quần của bạn nặng trĩu. Tuy nhiên, một khi bạn đã chia những vật dụng trong túi xách ra thành nhiều đơn vị thì chiếc móc khóa không còn cần phải nổi bật để cho dễ tìm nữa.

Đơn vị 6: Điện thoại di động. Bản thân vật này chính là một đơn vị. Hiện nay, nhiều túi xách và cặp da có một ngăn đặc biệt dùng cho điện thoại di động. Nếu sử dụng những loại túi xách này, bạn sẽ không cần đến chiếc vỏ bọc kềnh càng cho điện thoại của mình nữa.

 

Với sự giúp đỡ của các đơn vị được phân chia rõ ràng này, bạn có thể nhanh chóng chuyển từ túi xách này sang túi xách khác. Vì mỗi chiếc túi có một sức chứa giới hạn nên bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy những thứ không cần thiết được tích lũy trong ấy và sẽ sắp xếp chúng lại.

Lợi thế lớn nhất của việc hệ thống các đơn vị là bạn chỉ cần mang theo bên mình đơn vị nào mà bạn thật sự cần. Đây là một vài ví dụ:

(4) Post-it®: Loại giấy ghi chú có keo dính đặc biệt ở mặt sau để có thể dễ dàng dán vào đâu đó và cũng dễ dàng gỡ đi, có nhiều màu sắc và kích cỡ.

• Đi mua sắm: Đơn vị 1, 5 và có thể thêm đơn vị 6.

• Đi mua sắm cùng với con cái: 1, 3 và 5.

• Một cuộc hẹn về công việc: 1, 2, 4, 5 và 6.

• Đi ra ngoài vào buổi tối: 1, 3, 5. (Đơn vị số 6 vẫn mang theo đề phòng những cuộc gọi khẩn cấp. Tuy nhiên, nên để ý rằng điện thoại di động là một mối phiền toái đối với mọi người xung quanh nếu bạn đang ở trong rạp chiếu phim hay buổi hòa nhạc).

Cầu thang: Các cơ hội phát triển của bạn

Nếu sống trong một ngôi nhà cao tầng, hẳn bạn cũng biết đến thói quen chất đồ đạc ở các đầu cầu thang. Ta thường đặt ở đó những món đồ mà ta dự định sẽ mang đi khi đi ngang qua nó. Các đống đồ này có thể trở thành nguyên nhân làm nảy sinh những sự hỗn độn khác. Trong những ngôi nhà hỗn độn, các bậc cầu thang có thể và trở thành khu vực tích trữ lớn. Thông điệp mà tâm trí bạn tiếp nhận được là “đường đi lên” đã bị phong tỏa. Nó cũng giống như là sàn nhà bừa bộn vậy:

Bạn đã vô thức phong tỏa những cơ hội mới của mình.

Hãy thỏa thuận với tất cả các thành viên trong gia đình rằng đồ đạc chỉ có đặt dưới chân cầu thang nếu chúng được đem lên tầng trên. Bất cứ ai rảnh tay đều phải nhặt những thứ để dưới chân cầu thang và mang chúng đi.

Trong nhà bếp, hãy sử dụng mẹo “chiếc sọt của tầng hầm”. Hãy chuẩn bị một chiếc sọt lớn có quai xách và thỏa thuận với mọi người rằng mọi thứ cần được mang xuống tầng hầm phải được cho vào chiếc sọt (vỏ chai, vật liệu tái chế, quần áo, thực phẩm dự trữ…). Bên cạnh đó, bạn cũng thỏa thuận với mọi người rằng bất cứ ai đi xuống tầng hầm cũng phải mang chiếc sọt đã đầy theo và cất những thứ chứa trong đó vào đúng chỗ của chúng. Hệ thống này cũng mang lại ích lợi là người mang chiếc sọt đi có thể sử dụng nó để đựng những thứ mà người ấy muốn mang từ tầng hầm lên.

Những lời khuyên quan trọng cho việc dọn dẹp

Hãy tìm chỗ cho tất cả mọi thứ. Những cuốn sách hướng dẫn cách vận hành các thiết bị điện tử có thể sử dụng lâu dài nên được cất giữ ở ngay phía dưới thiết bị ấy. Hãy làm mỏng những cuốn hướng dẫn sử dụng ấy bằng cách chỉ giữ lại phần hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ của bạn. Bên cạnh đó, hãy để hóa đơn và phiếu bảo hành của các thiết bị mà bạn vừa mua vào đó. Đây là một lời khuyên thật sự hiệu quả có thể giúp bạn tiết kiệm được khoảng trống.

Nếu các nút bấm hoặc công tắc có những biểu tượng khó hiểu, hãy sử dụng những nhãn dán chứa nhiều thông tin chi tiết hơn. Bạn có thể dùng bút dạ không bay mực để viết lên các vỏ bọc bằng nhựa. (Sau này bạn có thể tẩy chỗ mực ấy đi bằng dung dịch tẩy rửa có gốc dầu hỏa).

Một phương pháp hữu hiệu khác là sử dụng các con số chỉ thứ tự của các nút bấm đó. Trên một chiếc máy pha cà phê, những con số ấy có thể là: 1. Công tắc mở; 2. Đặt cốc ở bên dưới; 3. Nhấn nút lấy cà phê; 4. Công tắc đóng.

Sáu nguyên tắc vàng để giữ cho mọi thứ có trật tự

Thật tuyệt vời nếu bạn có thể duy trì được trật tự cùng sự đơn giản hóa. Trong giai đoạn đầu, hãy bám sát sáu nguyên tắc giữ sự đơn giản hóa và trật tự dưới đây; và nếu cần thiết thì hãy in nó ra, đặt ở những nơi mà bạn muốn thiết lập lại trật tự:

1. Nếu lấy ra thứ gì đấy, hãy đặt nó về chỗ cũ.

2. Nếu mở cái gì ra, hãy đóng nó lại ngay sau khi sử dụng.

3. Nếu làm rơi vật gì đó, hãy nhặt nó lên.

4. Nếu lấy vật gì đó xuống, hãy nó lên lại.

5. Nếu định mua một món đồ gì đấy, hãy ghi nó ra giấy.

6. Nếu muốn sửa chữa món đồ gì đấy, hãy làm việc ấy trong vòng một tuần.

Hãy thoát khỏi những kỳ vọng của mình

“Chủ nghĩa hoàn hảo” là một trong những trở ngại nghiêm trọng nhất trong việc tạo dựng một cuộc sống ngăn nắp, thoải mái và hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có những giới hạn nhất định về mặt năng lực. Chuyên gia người Mỹ Barbara Hemphill chỉ ra rằng vấn đề của những người thiếu ngăn nắp không phải là sự thiếu tổ chức mà chính là do họ thiếu tầm nhìn. Những người này có một tầm nhìn phiến diện. Vì chỉ thấy những gì mình cần “phải” thấy nên họ bị che khuất mất tầm nhìn thật sự về những điều họ có thể làm. Dần dần, họ mất đi nguồn năng lượng dùng để giải quyết các công việc hiện tại. Họ đánh mất khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về tương lai cũng như sự năng nổ của bản thân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.