thám tử HERCULE POIROT

VỤ MẤT CẮP MỘT TRIỆU DOLLARS BẰNG TRÁI PHIẾU



Số lượng những vụ đánh cắp trái phiếu hồi này xảy ra nhiều quá – Tôi nói và đẩy tờ báo ra – Poirot, chúng ta hãy bỏ việc nghiên cứu để khám phá những vụ loại này. Anh đã đọc những tin tức cuối cùng chưa? Những tờ trái phiếu “Liberty” giá trị tới một triệu dollars mà Ngân hàng Londres – Ecosse gửi tới Nữu Ước đã bị mất một cách không ngờ trên tàu Olympia.
– Nếu không bị say sóng và không bị ám ảnh bởi cái cách đi lại của tàu Laverguier khi vượt Đại Tây Dương thì tôi sẽ rất vui lòng lên một trong những con tàu lớn – Poirot nói với vẻ mơ màng.
– Anh yên tâm – Tôi nhiệt thành trả lời – Một vài con tàu đã có đầy đủ tiện nghi và những bể bơi, phòng khách, khách sạn… Nhưng… cũng rất đúng là người ta rất khó quen thuộc với biển cả.
– Còn tôi, bao giờ tôi cũng biết sẽ ra sao khi đi trên biển – Poirot nói giọng buồn rầu – Tất cả những thứ anh vừa kể, với tôi thì chúng chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhưng, anh bạn, nếu có lúc nào đó có những nhân tài đi vi hành trên những con tàu anh vừa kể thì rất có thể họ gặp được nhà quán quân trong thế giới tội phạm.
Tôi cười:
– Đó là lý do của những lợi ích trong những chuyến đi biển của anh ư? Anh muốn đọ kiếm với kẻ đã chiếm đoạt những trái phiếu Liberty ư?
Bà phục vụ của chúng tôi bước vào làm câu chuyện ngừng lại.
– Có một cô gái muốn gặp ông, thưa ông Poirot. Đây là danh thiếp của cô ấy.
Tấm thiếp ghi: Cô Esmée Farquhar. Sau khi cúi xuống nhặt một vụn bánh mì dưới bàn và cho nó vào giỏ giấy bỏ đi, Poirot ra hiệu cho người hầu mời khách vào.
Một phút sau, một trong số những cô gái kiều diễm mà tôi đã được nhìn qua bước vào. Khoảng hai mươi nhăm tuổi, mắt to, màu xanh và vóc người thật hoàn hảo, cô ta ăn vận rất sang trọng và có những cử chỉ thật dễ chịu.
– Thưa cô, mời cô ngồi. Xin giới thiệu với cô đây là đại úy Hastings, người đã giúp tôi trong những việc nhỏ.
– Thưa ông Poirot, tôi sợ rằng đây là một việc lớn mà tôi mang tới ông – Cô gái trả lời và nghiêng đầu về phía tôi trước khi ngồi xuống ghế. Chắc chắn rằng ông đã đọc báo. Tôi nói về vụ đánh cắp những trái phiếu Liberty trên tàu Olympia.
Poirot tỏ vẻ ngạc nhiên khi cô đi ngay vào câu chuyện:
– Chắc hẳn ông muốn hỏi tôi có quan hệ gì với ngân hàng Londres – Ecosse? Theo một nghĩa nào đó thì không nhưng với một nghĩa khác thì lại có. Thưa ông Poirot, tôi là vợ chưa cưới của Philippe Ridgeway.
– A! Còn ông Philippe Ridgeway…
– … Là người chịu trách nhiệm canh giữ những trái phiếu ấy, lúc chúng bị đánh cắp. Tất nhiên, anh ấy không có một lỗi nào để có thể bị truy tố và dù sao chăng nữa anh ấy cũng không liên quan gì đến vụ mất trộm này. Tuy nhiên vụ này đã làm anh mất bình tĩnh và tôi biết là ông bác của anh đã biết anh là người áp tải số trái phiếu. Đây là một cú đánh ghê gớm vào nghề nghiệp của Philippe.
– Người bác của anh ta là ai?
– Là ông Vavasour, tổng giám đốc Ngân hàng Londres – Ecosse.
– Cô Farquhar, cô hãy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đã xảy ra như thế nào.
– Vâng. Như các ông đã biết, Ngân hàng muốn mở rộng công cuộc kinh doanh sang châu Mỹ nên đã quyết định gửi một triệu dollars bằng trái phiếu Liberty tới đó. Ông Vavasour đã chọn người áp tải số hàng này là người cháu của mình. Anh là người đáng tin cậy qua nhiều năm làm việc ở đây và là người biết rõ những công việc về quan hệ giữa Ngân hàng với Nữu Ước. Tàu Olympia nhổ neo ở Liverpool ngày 23 và những trái phiếu được ông Vavasour và ông Shaw là hai đồng tổng giám đốc của Ngân hàng giao tận tay Philippe ngay sáng hôm ấy. Trái phiếu được đếm, đóng gói và buộc chặt trước mặt anh và Philippe đã khóa chiếc két sắt.
– Chiếc két được khóa bằng một chiếc khóa thông thường ư?
– Không ông Shaw đã bắt buộc phải dùng khóa của hãng Hubb. Như tôi đã nói chính tay Philippe Ridgeway đã đặt gói hàng vào trong két và hàng đã bị mất vài tiếng đồng hồ trước khi tới cảng Nữu Ước. Một vụ lục soát gắt gao trên tàu đã không mang lại kết quả gì. Những tờ trái phiếu hình như đã biến thành hơi bay vào không khí.
Poirot nhăn mặt.
– Nhưng chúng không mất, vì như tôi biết, chúng đã được bán từng ít một nửa tiếng đồng hồ sau khi tàu cập bến. Thế đấy. Tôi thì tôi không nghi ngờ gì anh Ridgeway. Tôi gợi ý là mời các ông tới dùng bữa ở cửa hàng Cheshire Cheese! Philippe đợi tôi ở đấy, nhưng anh chưa biết là tôi đã nhân danh anh để mời các ông.
Chúng tôi nhận lời mời và thuê một chuyến tắc xi để tới chỗ hẹn. Philippe Ridgeway đã có mặt ở đấy và ngạc nhiên thấy vợ chưa cưới của mình đi tới cùng hai người lạ mặt. Cao, hơi gầy, vẻ lịch sự, Ridgeway có những sợi tóc đốm bạc ở hai thái dương tuy anh chưa đến ba mươi tuổi.
Cô Farquhar đi tới và đặt tay lên vai anh.
– Tha lỗi vì em đã làm mà không hỏi ý kiến anh, Philippe. Xin phép giới thiệu đây là ông Poirot mà chắc chắn rằng anh đã biết tiếng và đại úy Hastings, bạn ông.
Ridgeway chào chúng tôi mà không che giấu vẻ ngỡ ngàng.
– Chắc chắn là như vậy, tôi đã nghe nói về ông, ông Poirot. Nhưng tôi không nghĩ đến việc Esmée đã tới hỏi ông nhân danh… câu chuyện của chúng tôi.
– Em sợ rằng anh không để em làm như vậy, anh Philipp – Cô Farquhar dịu dàng giải thích.
Anh ta cười:
– Tôi hy vọng ông Poirot có thể làm sáng tỏ câu đố lạ lùng này vì tôi thành thật thú nhận là tôi đã gần phát điên lên vì lo lắng.
Đúng là vẻ mặt đang nhăn nhó nói lên những lo ngại đã day dứt anh.
– Được – Poirot – Chúng ta hãy ngồi vào bàn, vừa ăn vừa nói chuyện xem chúng ta có thể làm được những gì. Tôi muốn anh Ridgeway tự kể lại chuyện này.
Trong khi chúng tôi thưởng thức món thịt bò rán và món bầu dục xào của nhà hàng thì Philippe Ridgeway nói về những hoàn cảnh xung quanh vụ những trái phiếu bị mất cắp. Câu chuyện của anh cũng giống như chuyện kể của cô Farquhar. Khi anh nói xong, Poirot đặt câu hỏi đầu tiên:
– Ridgeway, ai là người đầu tiên thấy gói trái phiếu đã bị mất?
Người được hỏi trả lời bằng giọng cay đắng:
– Điều đó làm tôi lo lắng… ông Poirot. Tôi không thể đề phòng được. Chiếc két đã bị kéo ra một phần khỏi gầm giường tôi nằm. Tôi đã đặt chiếc két vào đấy và ổ khóa có những dấu vết bị phá.
– Nhưng tôi nghe nói ổ khóa đã được mở bằng chìa kia mà?
– Đúng thế. Đầu tiên là chúng định phá khóa nhưng không kết quả. Sau đó chúng phải dùng cách khác.
– Thật là lạ lùng – Poirot lẩm bẩm, mắt ánh lên một tia sáng mà tôi rất quen thuộc. Rất lạ lùng – Bọn kẻ trộm đã để mất một thời gian đáng kể để phá ổ khóa và cuối cùng… đồ chết giẫm! Chúng biết là chúng có chìa khóa trong túi lúc ấy… vì chìa khóa của hãng Hubb chỉ có độc một chiếc thôi.
– Chính vì vậy mà chúng không thể có một chiếc chìa nữa được. Chìa khóa luôn ở trong người tôi ngày cũng như đêm.
– Anh tin chắc như thế chứ?
– Chắc chắn. Hơn thế nữa, nếu chúng có chiếc chìa khóa tôi luôn giữ, hoặc chiếc thứ hai, thì tại sao chúng lại để mất thời gian quí báu để phá ổ khóa khi biết rõ là không thể nào phá nổi?
– Đúng đây là câu hỏi chúng ta cần đặt ra. Nếu chúng ta không tìm ra lời giải thì chúng ta mãi mãi quanh quẩn bên cạnh sự việc lạ lùng và ngược đời này. Tôi yêu cầu anh trả lời câu hỏi cuối cùng này: Anh có tuyệt đối tin chắc là không lúc nào anh để chiếc két không khóa không?
Philippe Ridgeway trợn mắt nhìn Poirot và sau đó anh đã có một cử chỉ xin lỗi.
– Chuyện đó cũng có thể xảy ra, tôi bảo đảm với anh như vậy. Được, những trái phiếu đó đã bị mất cắp. Bọn ăn cắp sẽ làm gì? Làm thế nào mà chúng có thể mang số hàng đó lên bờ được?
– Làm thế nào ư? Tôi không hiểu. Cơ quan hải quan đã được báo tin và họ đã khám xét kỹ từng hành khách khi tới Nữu Ước.
– Và những trái phiếu được đóng gói thành một khối lượng lớn chứ, tôi hình dung như vậy?
– Đúng. Chúng không thể giấu cái gói ấy trên tàu được… Và dù sao thì cũng không thể có chuyện này, vì chúng xuất hiện trên thị trường nửa tiếng đồng hồ sau khi tàu Olympia cập bến, sau khi tôi đánh điện tín thông báo con số của những tờ tín phiếu đó. Một nhà buôn còn khẳng định là ông ta đã mua tín phiếu ấy khi tàu chưa tới bến nữa. Chắc chắn rằng người ta không thể gửi tín phiếu trên đường điện tín được.
– Đúng là không được, nhưng có thể có một chiếc thuyền con nào bám theo tàu của anh anh không?
– Chỉ có thuyền của các nhà chức trách sau khi lệnh báo động được loan ra và người ta đã tìm kiếm ở mọi nơi… Tự tôi, tôi cũng kiểm soát các con thuyền ấy xem có ai đưa bọc hàng từ tàu xuống thuyền không. Trời! ông Poirot. Việc này làm tôi phát điên lên! Người ta đã bắt đầu thì thào rằng chính tôi là tác giả của vụ cướp này.
– Nhưng người ta cùng lục soát cả anh, cả anh nữa, khi rời tàu chứ?
– Vâng.
Chàng trai nhìn Poirot với vẻ ngỡ ngàng.
– Tôi thấy anh không hiểu ý tôi – Poirot mỉm cười một cách bí ẩn – Bây giờ tôi muốn có những ý kiến của Ngân hàng.
Ridgeway lấy ra một tấm danh thiếp và viết lên đó ít chữ.
– Ông đưa cho người bác tôi cái này và sẽ được tiếp chuyện ngay.
Poirot cảm ơn và chào Farquhar và chúng tôi cùng đi tới phố Treadneedie, nơi có trụ sở chính của ngân hàng Londres – Ecosse. Theo tờ danh thiếp của Ridgeway chúng tôi được dẫn qua một lối hành lang phức tạp có những bàn giấy nơi các nhân viên bận rộn nhận và trả tiền. Hai ông đồng Tổng giám đốc tiếp chúng tôi trong một phòng giấy nhỏ trên lầu một. Hai ông già nghiêm trang đã làm việc nhiều năm trong ngành Ngân hàng. Ông Vavasour có bộ râu trắng bạc. Ông Shaw mặt mày nhẵn nhụi.
– Theo tôi hiểu thì ông là nhân viên đi tìm những của cải bị mất trộm, đúng không? – ông Vavasour hỏi – Đồng ý, đồng ý. Chúng tôi đã được Scotland Yard giúp đỡ. Thanh tra Mac Neil đảm trách việc này. Một cảnh sát rất khôn khéo, tôi cho là như vậy.
– Tôi tin chắc là như thế – Poirot lễ phép trả lời – Nhân danh người cháu của ông, xin ông cho phép được hỏi một vài điều được không? Có đúng là chiếc két sắt đó các ông đã đặt mua ở hãng Hubb phải không?
– Tự tôi đi mua nó – Ông Shaw nói ngay – Tôi không giao việc này cho ai cả. Còn về chìa khóa thì ngoài chiếc anh Ridgeway cầm, còn hai chiếc tôi và ông đồng sự của tôi mỗi người giữ một chiếc.
– Có đúng là không một người làm công nào đã tới gần chiếc két không? – Ông Shaw đưa mắt sang nhìn người cộng tác với mình và ông này trả lời.
– Tôi có thể khẳng định với ông là những tờ trái phiếu vẫn nằm trong két cho đến ngày hai mươi ba. Bạn tôi đã bị ốm trước đó mười lăm ngày… Cho tới ngày Philipp lên đường ông mới bình phục.
– Bệnh sưng phổi không phải là một trò đùa với một người ở tuổi tôi, ông Shaw tiếp lời. Nhưng tôi lo ngại là ông bạn tôi khổ tâm không do làm việc quá sức khi tôi vắng mặt mà do cái sự cố không lường trước được này.
Poirot đặt ra một vài câu hỏi phụ. Tôi cho rằng anh đang thăm dò về tình cảm giữa người bác và người cháu. Những câu trả lời của ông Vavasour đều ngắn gọn và chính xác. Cháu ông là một nhân viên đáng tin cậy, theo ông thì anh không hề nợ nần, không hề túng bấn. Từ trước tới nay người ta vẫn giao cho anh những công việc tương tự.
Cuối cùng thì chúng tôi xin phép tạm biệt hai ông.
– Tôi rất thất vọng – Poirot nhận xét trong khi chúng tôi ra ngoài phố.
– Anh không còn hy vọng điều tra vụ này nữa ư? Đó là những ông già thô lỗ.
– Không phải thái độ thô lỗ của họ mà tôi thất vọng. Tôi không chờ gặp một ông chủ Ngân hàng, một nhà tài phiệt với cặp mắt sắc xảo như trong tiểu thuyết của các anh. Tôi thất vọng vì chính bản thân việc này… nó quá dễ dàng!
– Dễ dàng ư?
– Phải, anh không thấy sự việc đơn giản gần như chuyện trẻ con a?
– Anh đã biết ai là kẻ ăn cắp những trái phiếu ấy rồi chứ?
– Tôi biết.
– Nhưng… Chúng ta phải… Tại sao…
– Anh đừng có quá bối rối và xúc động, Hastings. Lúc này thì chúng ta không thể làm gì được.
– Tại sao? Còn chờ gì nữa?
– Con tàu Olympia. Nó sẽ từ Nữu Ước trở về vào thứ ba tới.
– Nếu anh đã biết kẻ ăn cắp trái phiếu thì tại sao còn trùng trình như vậy? Hắn có thể trốn thoát.
– Trốn tới một hòn đảo phía Nam để khỏi bị trao trả lại ư? Không, anh bạn, hắn sẽ thấy cuộc sống ở đấy không dễ chịu chút nào. Còn về lý do khiến tôi phải chờ đợi… Này, đối với trí thông minh của Hercule Poirot thì câu chuyện đã quá rõ ràng, nhưng đối với những người không được Thượng đế phú cho tài trí ấy như Mac Neil chẳng hạn, hắn sẽ theo đuổi đến cùng việc điều tra cho đến khi các bằng chứng tìm được phù hợp với sự việc. Cần phải khoan dung cho những người ít tài năng hơn mình.
– Trời ơi! Anh Poirot? Anh có biết là tôi có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để được một lần xem anh giở trò ngu ngốc. Anh hợm mình quá mức!
– Đừng bực bội, Hastings. Đúng ra, tôi nhận thấy có lúc anh ghét bỏ tôi! Than ôi, tôi đau đớn vì chính sự vĩ đại của mình!
Con người thấp lùn ấy cúi người thở dài một cách khôi hài khiến tôi không thể nhịn cười được.
Ngày thứ ba đến, chúng tôi ngồi trên toa tàu hạng nhất đi Liverpool. Poirot khăng khăng không làm cho tôi sáng tỏ điều gì… Anh tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi không nắm được những tình huống. Tôi không muốn thảo luận với anh và cố giấu sự tò mò của tôi sau một bức tường đã tính toán trước. Tới bến cảng, đứng trước con tàu xuyên Đại Tây Dương, Poirot tỏ ra rất tinh nhanh. Anh liên tiếp hỏi chuyện bốn người phục vụ trên tàu về một người bạn đã ở trên tàu này để tới Nữu Ước vào ngày hai mươi ba:
– Một ông sang trọng, đứng tuổi, mang kính che một con mắt hỏng, ít khi rời khỏi chỗ nằm trên tàu.
Việc mô tả của anh phù hợp với một hành khách tên là Vantnor trên cabin C24, bên cạnh cabin của Philippe Ridgeway. Tôi rất thích thú tuy không hiểu tại sao Poirot lại biết được sự có mặt của ông Vavasour ấy trên con tàu này.
– Xin cho biết – Tôi ngắt lời – Ông khách lịch sự ấy có phải là người đầu tiên rời khỏi tàu khi tàu cập cảng Nữu Ước không?
– Thưa ông, không, trái lại ông ấy là một trong những người cuối cùng rời khỏi tàu.
Tôi rút lui, bối rối nhìn Poirot đang nhăn mặt cười với tôi. Anh cảm ơn người phục vụ, nhét vào tay người ấy một tờ giấy bạc và chúng tôi ra về.
– Tất cả những cái đó rất hay – Tôi cáu kỉnh nhận xét – Anh có thể càu nhàu bao nhiêu thì tùy anh, nhưng câu trả lời cuối cùng ấy đã phá hỏng toàn bộ lý thuyết quý báu của anh, đúng không?
– Bao giờ cũng vậy, anh chẳng nhìn thấy gì cả. Câu trả lời cuối cùng ấy, ngược lại đã khẳng định lý thuyết của tôi là đúng.
Tôi giơ tay lên trời như là một dấu hiệu thất vọng.
– Thôi cho qua.
°
Trên chuyến xe lửa trả chúng tôi về Londres, Poirot tập trung chú ý đến viết một bức thư rồi cho thư vào phong bì.
– Thư này gửi cho thanh tra Mac Neil! Chúng ta sẽ chuyển nó khi đi qua Scotland Yard, sau đó chúng ta đi thẳng tới khách sạn Cheshire Cheese. Tôi đã mời cô Faquhar cùng ăn với chúng ta.
– Còn Ridgeway thì sao?
– Thế nào? – Poirot hỏi với cái nhìn tinh quái.
– Đúng là như thế… Anh không nghĩ tới… Anh không thể…
– Sự không tập trung tư tưởng của anh đã trở thành một thói quen. Tôi nghĩ đến Ridgeway là kẻ đánh cắp, chuyện này cũng có thể xảy ra, thì việc này sẽ rất tế nhị… Một việc làm tốt đẹp.
– Nhưng cũng rất “tế nhị” đối với cô Farquhar nữa chứ?
– Anh có lý. Như vậy tất cả cho cái tốt nhất. Bây giờ, Hastings ta trở lại câu chuyện. Tôi cảm thấy anh rất sốt ruột. Gói hàng đóng gói đã được lôi ra khỏi két sắt và “bốc hơi”, theo cách nói của cô Farquhar. Chúng ta hãy bỏ qua lý thuyết về sự bốc hơi mà khoa học thời nay đã lên án để xét xem thực tế nó đã như thế nào. Mọi người không thừa nhận đây là một vụ gian lận…
– Nhưng chúng ta biết rằng…
– Anh thì có thể chứ không phải tôi, Hastings. Tôi cho rằng vì là cái trước kia đã không thể thì ngày nay vẫn không thể xảy ra. Có thể có hai cách có thể tính đến: hoặc là người ta giấu nó trên tàu (như thế tôi thấy là rất khó khăn), hoặc là người ta ném nó xuống biển.
– Với một chiếc phao, anh muốn nói như vậy chứ?
– Không có phao.
Tôi hoảng hốt nhìn anh.
– Nhưng nếu những trái phiếu ấy ở trên tàu thì chúng không thể được mang bán ở Nữu Ước được!
– Tôi khâm phục trí xét đoán logic của anh, Hastings. Những trái phiếu đã được bán ở Nữu Ước thì chúng ta phải bỏ khả năng ấy đi. Anh đồng ý như thế chứ?
– Từ lúc đầu chúng ta đã thỏa thuận như vậy rồi.
– Chưa bao giờ! Nếu gói hàng được ném xuống biển và những trái phiếu được bán ở Nữu Ước thì gói hàng ấy không phải là trái phiếu. Có lý do gì mà chúng ta tin chắc là các tờ trái phiếu được đóng gói trong đó? Anh nên nhớ: Ridgeway chưa mở két sắt một lần nào kể từ lúc người ta giao cho anh chiếc két ấy từ Londres.
– Đúng, nhưng có thể là…
– Xin để tôi nói tiếp, lần cuối cùng mà người ta nhìn thấy những tờ trái phiếu ấy là vào sáng ngày hai mươi ba, tại Ngân hàng Londres – Ecosse. Sau đó chúng xuất hiện ở Nữu Ước một tiếng đồng hồ sau đó tàu Olympia cập bến, và theo ý kiến của một người thì chúng xuất hiện ngay cả lúc tàu chưa cập bến. Giả định là trái phiếu chưa bao giờ có mặt ở trên tàu Olympia thì liệu chúng có thể tới Nữu Ước bằng cách nào nữa không? Có, tàu Gigantic rồi vượt qua Đại Tây Dương. Được gửi trên tàu Gigantic, trái phiếu tới Nữu Ước một ngày sớm hơn! Từ đấy, mọi cái sẽ rõ ràng và vụ việc bắt đầu tự giải thích. Gói hàng chỉ là một gói hàng giả và sự thay thế ấy cần được tiến hành nhanh chóng ở văn phòng Ngân hàng tại Londres. Một trong ba người ấy dễ dàng tạo ra một gói hàng giống như gói hàng thật. Rất tốt. Nhưng trái phiếu thật được gửi cho một kẻ tòng phạm ở Nữu Ước với lệnh ra là bán chúng khi tàu Olympia cập bến, nhưng phải có một người nữa đi trên tàu Olympia để tạo ra vụ mất trộm đó.
– Vì sao?
– Vì chỉ cần Ridgeway mở chiếc két đó, phát hiện ra đây là những trái phiếu giả, thì những nghi ngờ sẽ nảy ra ở cơ quan Ngân hàng tại Londres. Không, con người trên tàu, trong cabin, bên cạnh cabin của Ridgeway, đã làm công việc của mình. Người ấy định phá ổ khóa để lôi kéo sự chú ý đến một tên kẻ trộm đáng ngờ, sau đó mở chiếc két bằng chiếc chìa khóa thứ hai, ném gói hàng xuống biển và đợi đến phút cuối cùng để rời khỏi tàu. Tất nhiên hắn đeo kính để che con mắt bị hỏng vì hắn không muốn gặp Ridgeway. Hắn xuống Nữu Ước để trở về ngay bằng chuyến tàu đầu tiên gặp được.
– Nhưng hắn là ai?
– Cái người giữ một trong ba chiếc chìa khóa, người đi mua ổ khóa và người chưa bao giờ bị sưng phổi tại nhà hắn ở nông thôn… cuối cùng đó là lão già “thô lỗ”, ông Shaw! Nhiều khi kẻ phạm tội lại là những người giữ những chức vụ quan trọng, anh bạn ạ! À! Chúng ta tới nơi rồi… Thưa cô, tôi đã thành công. Xin phép cô!
Và hớn hở, anh đặt một nụ hôn nhẹ lên má của cô gái đang quá đỗi ngạc nhiên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.