13 VỤ ÁN

DUYÊN CỚ VÀ THỜI CƠ



Ông luật sư Petherick đằng hắng lấy giọng ra vẻ nghiêm trang hơn mọi khi.
“Tôi e là câu chuyện sắp kể ra đây dễ khiến cho các bạn nhàm chán”, ông mở đầu bằng một câu phân bua, “sau khi được nghe kể những câu chuyện éo le. Chuyện tôi sắp kể không có máu me, toàn bộ câu chuyện hấp dẫn ở chỗ tình tiết lý thú và mưu trí, nó hay ở chỗ tôi là nhân chứng có thể đưa ra lời giải đáp cho hồi kết”.
“Bởi vì không phù hợp luật lệ, phải vậy không?” Joyce Lemprière hỏi lại. “Tức là nhiều việc dính dáng tới luật pháp và nhiều vụ như Barnaby kiện lại Skinner xảy ra hồi năm 1881 hoặc những vụ tương tự”.
Ông Petherick nhếch mép cười đắc ý, ẩn dưới cặp kính.
“Không, không đâu cô em. Cô chớ lo chuyện đó. Câu chuyện tôi sắp kể ra đơn giản, ai nghe qua cũng có thể hiểu được”.
“Ta không nên chơi chữ ở đây”. Bà Marple lên tiếng tay giơ que đan ra dấu.
“Làm gì có chuyện đó”. Ông Petherick nói.
“Chà, tôi có biết đâu, thôi anh kể đi”.
“Chuyện về một khách hàng của tôi trước đây. Tên ông ta là Clode – Simon Clode. Một thân chủ thuộc hạng khá giả giàu có, nhà cửa rộng rãi, cách đây không bao xa. Ông có một người con trai đã chết trong chiến tranh để lại một đứa cháu gái – mẹ nó mới sinh con ra thì chết. Đến khi người cha chết, đứa trẻ về ở nhà ông nội, được ông nội nhất mực nuông chiều. Con bé Chris muốn gì, ông cho nấy. Hiếm có một người ông nào thương yêu đùm bọc đứa cháu được vậy. Bất hạnh thay đến lúc được mười một tuổi nó chết vì bị sưng phổi. Nỗi đau dồn dập”.
“Simon Clode đau đớn vô cùng. Mới vừa đây người em trai ông chết trong một hoàn cảnh ngặt nghèo, Simon Clode là người rộng lượng, chu cấp nơi ăn ở cho mấy đứa con của người em trai – hai cô gái là Grace, Mary, và George. Dù ông rộng rãi và đối xử tử tế với những đứa cháu, nhưng không thể đem so với tình thương và tấm lòng hy sinh tận tụy dành cho đứa cháu nội. ông giới thiệu cho George Clode làm nhân viên ngân hàng ở gần nhà. Grace Clode lấy chồng là Philip Garrod một dược sĩ trẻ tuổi. Chỉ còn Mary, một đứa cháu trầm lặng, ít giao du với ai, quanh quẩn trong nhà, chăm sóc người bác. Tôi biết con bé thầm lặng nhưng biết lo cho ông. Nhìn bề ngoài mọi việc êm đẹp. Chuyện tôi kể ra đây sau cái chết của đứa cháu nội. Simon Clode đến gặp tôi muốn lập tờ di chúc. Trong chúc thư món tài sản khá lớn được chia đều cho ba đứa cháu”.
“Thời gian trôi qua. Một bữa gặp lại George Clode tôi hỏi thăm lâu nay không thấy ông Simon. Nhìn George mặt mũi biến sắc, tôi kinh ngạc vô cùng”.
“Mong ông thông cảm giùm bác Simon”. Gã nói buồn bã, giọng vẫn còn bối rối, lo âu. “Do nạn mê tín thần thánh mới ra nông nỗi như thế”.
“Chuyện thần thánh thế nào?” Tôi hỏi, chưa rõ ất giáp chuyện gì.
“George kể cho tôi nghe đầu đuôi mọi chuyện. Vì sao ông Clode lao vô chuyện mê tín và đến lúc không còn lối ra ông gặp một bà làm nghề đồng bóng tên Eurydice spragg. Nhìn bà ta George biết ngay một kẻ bịp bợm, nhưng bà ta nói gì Simon Clode nghe nấy. Bà ở luôn trong nhà, thường đứng ra gọi hồn cho cháu bé Christobel hiện về gặp lại người ông vô cùng thân thương”.
“Có thể nói tôi chúa ghét bọn mê tín thần thánh họ thật là buồn cười, đáng khinh bỉ. Như tôi đã nói trước, tôi chỉ tin những gì tai nghe mắt thấy. Xét một cách vô tư và cân nhắc lý lẽ, chuyện mê tín thần thánh thì không thể gọi là chuyện lừa bịp hay có thể xem thường. Tuy nhiên như đã nói tôi không tin, cũng không bài bác. Cũng có một vài bằng chứng mà ta không thể viện lý lẽ bác bỏ”.
“Mặt khác tệ sùng bái chiêu hồn thần thánh thường đi đôi với trò bịp bợm lừa đảo. Dựa theo lời kể của anh chàng George Clode về người đàn bà Eurydice Spragg, tôi mới ngộ ra chính vì Simon Clode mất cảnh giác nên mụ đàn bà Spragg kia giở trò bịp bựm lừa đảo. Ông bạn già dù có thông minh, tài cán đến đâu cũng dễ bị mắc lừa vì hết lòng thương nhớ đứa cháu đã mất”.
“Nhắc lại chuyện cũ tôi thấy trong người thương xót. Vì tình thương dành cho ông Clode, Mary và George tôi nhận ra bà Spragg đã chi phối được ông bác. Rồi sau này mới thấy lắm chuyện rắc rối”.
“Tranh thủ thời gian tôi đến thăm Simon Clode. Đến nơi bà Spragg giả vờ đón tiếp tôi như một vị khách quý. Thoáng nhìn tôi có ác cảm người đàn bà này thậm tệ. Người bà mập ú, tuổi trạc trung niên, ăn mặc lòe loẹt. Bà tuôn ra một hơi những câu sáo ngữ: ‘Người thân không ai ngó ngàng tới’ và những lời đại loại như vừa kể”.
“Chồng bà ta cũng có mặt tại đấy, Absalom Spragg, thân hình gầy nhom, mặt buồn hiu, mắt nhìn lấm la lấm lét. Tôi gặp lại Simon Clode, thấy tinh thần ông ta còn minh mẫn. Ông hớn hở ra mặt. Eurydice Spragg thật là tuyệt vời! Bà tới đây là để cầu nguyện cho ông. Chuyện tiền nong không thành vấn đề, được làm việc thiện là niềm vui. Bà thương con bé Chris với tấm lòng của một người mẹ. Còn ông thì thương cháu như con gái. Ông kể hết cho tôi nghe… ông nghe được tiếng nói của Chris… con bé cảm thấy sung sướng được gần gũi cha mẹ. Ông lại kể con bé nói chuyện này nọ, tôi nhớ lại con bé Christobel có bao giờ nói được vậy. Nó còn nói: ‘Bố mẹ cũng thương yêu bà Spragg’.”
Nhưng dĩ nhiên ông không tin, ông ta kêu lên: “Ông là người hay nhạo báng, ông Petherick”.
“Không, tôi có bông đùa bao giờ. Không khi nào. Đã có vài người viết về đề tài này dẫn ra bằng chứng nghe chấp nhận được, lúc đó tôi mới hiểu là người làm nghề đồng bóng được họ giới thiệu với tất cả lòng kính trọng và tín cẩn. Tôi nghĩ bà Spragg cũng tốt đấy chứ”.
“Simon trúng phải bùa mê bà Spragg. Bà là người cõi trên sai xuống đây. Ông gặp được bà ở nơi nghỉ mát mùa hè vừa qua. Một cuộc gặp gỡ tình cờ và ông cảm thấy được mãn nguyện”.
“Tôi chán nản bỏ đi. Bây giờ mới thấy sợ nhưng chưa biết xử trí ra sao. Sau nhiều lần nghĩ đi nghĩ lại cuối cùng tôi viết thư gửi Philip Garrod, anh chàng mới cưới vợ – là cô cháu gái tên Grace. Tôi đặt vấn đề ngay, tất nhiên tôi phải biết lựa lời nói cho khéo. Tôi kể lại trường hợp bà nọ đã chi phối được ông, nên phải coi chừng. Tôi cảnh giác việc ông Clode sẽ sa vô bẫy của bọn buôn thần bán thánh. Việc này tôi thấy không khó khăn gì mấy đối với Philip Garrod”.
“Garrod muốn nhanh chóng giải quyết ngay. Anh ta cho là, sức khỏe Simon Clode tới hồi suy sụp, và với cách suy nghĩ thực tế anh ta thấy không nên báo cho vợ anh ta cùng như mấy anh chị em biết, vì lo mất hết quyền thừa hưởng tài sản. Qua tuần sau rủ thêm người bạn, một ông giáo sư có tiếng tăm, Longman, về nhà. Ông là một nhà khoa học uy tín, hiểu biết sâu sắc về thuật duy tâm, rất được kính nể; không những là một nhà khoa học sáng chói, ông còn được kính trọng vì tính thẳng thắn, trung thực”.
“Khi giáo sư đến nhà, ông Simon không có ở nhà. Khi về, giáo sư gửi cho Garrod một bức thư nói rằng ông không tìm được bằng chứng về sự gian dối của bà Spragg nhưng cũng không nên tin vào khả năng siêu phàm của một người nào đó”.
“Philip Garrođ đưa bức thư ra cho ông bác coi, thực tế không như anh ta mong đợi. Ông bác nổi giận đùng dùng. Rõ ràng đây là chuyện nói xấu bà Spragg, là một vị nữ thánh, rằng Longman đáng nguyền rủa! Trước đó bà đã đoán cho ông hay là ông sẽ bị người ta gièm pha. Ông nói chính Longman bị ép buộc phải nói dối. Ông không phải là nạn nhân bị lừa gạt. Eurydice Spragg đến với ông như một vị cứu tinh, giúp đỡ tận tình, và ông có ý định tán thành việc làm của bà cho dù người nhà phản đối kịch liệt. Đối với ông, bà mới thật sự là một người tốt chân chính”.
“Philip Garrod bỏ đi ra không cần chào hỏi. Sau cơn giận dữ, sức khỏe của Clode suy sụp thấy rõ. ông nằm liệt giường suốt cả tháng, không chừng ông sẽ trở thành một kẻ tàn phế, chỉ nằm một chỗ chờ chết mà thôi. Qua hai bữa sau Philip bỏ đi, tôi nhận được lời gọi khẩn cấp nên vội vã ra đi. Đến nơi thấy Clode nằm trên giường nhìn tôi với cái nhìn bệnh hoạn. Ông đang cần được tiếp thêm hơi thở”.
“Tôi sắp giã từ cõi đời”, ông nói “Tôi biết điều đó. Đừng nên trách tôi, Petherick. Trước lúc ra đi tôi muốn giữ trọn lời hứa với một người đã giúp đỡ tôi nhiều hơn tất cả những ai trên đời này. Tôi muốn làm một tờ di chúc mới”.
“Được chứ”, tôi nói, “ông cần dặn dò thêm gì nữa không. Tôi làm ngay bản di chúc cho ông”.
“Không cần đâu”, ông nói “Tôi nghĩ, chắc tôi không qua khỏi đêm nay. Tôi đã viết lại những gì tôi muốn”, tay ông lần mò dưới gối, “ông nên góp ý cho tôi coi có được không”.
“Ông lôi ra một trang giấy viết nghệch ngoạc nét chữ bút chì, đơn giản một mạc. Ông chia phần gia tài ra cho mỗi đứa cháu 5.000 bảng Anh, còn lại dành hết cho bà Eurydice Spragg ‘để tưởng nhớ công ơn với tấm lòng ngưỡng mộ'”.
“Tôi không thích nhưng phải chịu. Không có chuyện trí óc không được minh mẫn, thật ra trí óc ông còn sáng suốt như mọi người”.
“Ông nhấn chuông gọi mấy người giúp việc, thoáng cái họ chạy tới ngay. Bà giúp việc Emma Gaunt người cao lớn, tuổi trung niên, phục vụ lâu năm, chăm sóc ông Clode tận tình. Kế đến là cô nấu ăn còn khỏe mạnh, tuổi độ ba mươi. Simon Clode nhìn hai người dưới đôi chân mày rậm”.
“Tôi muốn bà làm chứng cho tờ di chúc. Emma, đưa cây viết cho tôi”.
“Emma bước tới bên bàn giấy”.
“Không phải chỗ ngăn kéo bên trái”, Simon kêu lên. “Bà không biết nó nằm ngăn bên phải sao?”.
“Dạ không nó nằm đây”. Emma nói rồi lôi ra cây viết.
“Vậy là hôm trước bà cất nhầm vô đó” lão càu nhàu “Tôi không muốn đồ đạc để lộn xộn”.
“Miệng càu nhàu ông giơ tay đỡ lấy cây viết, tự tay thảo ra nội dung mà ông đã nhờ tôi chỉnh sửa lại qua trang giấy khác, xong ký tên. Ông gọi Emma Gaunt và cô nấu ăn Lucy David cùng ký tên vô. Tôi xếp tờ di chúc bỏ vô chiếc phong bì lớn màu xanh. Theo thủ tục cần phải viết ra trên loại giấy thường”.
“Hai người giúp việc vừa định bước ra ngoài, Clode ngả người ra giường miệng ngáp một hơi, mặt mũi nhăn rúm. Tôi chịu khó nghiêng người xuống đỡ ông, vừa lúc đó Emma Gaunt vội quay trở lại. Nhưng ông còn tỉnh, miệng cười gượng:
‘Không sao, Petherick, ông đừng lo. Dù có chết tôi cũng chết một cách lặng lẽ vì thỏa mãn được ý nguyện’.”
“Emma Gaunt nhìn tôi chòng chọc như muốn hỏi bà có nên ra về lúc này. Nhác thấy tôi gật đầu bà bước đi ra… không quên cúi nhặt chiếc phong bì màu xanh tôi lỡ tay làm rớt xuống sàn trong lúc bận rộn. Bà trả lại, tôi đút vô túi, trước khi ra về”.
“Tôi thấy ông ưu phiền, Petherick”. Simon Clode nói “Ông cũng có thành kiến như mọi người khác”.
“Chẳng có gì là thành kiến”, tôi nói, “Bà Spragg xứng đáng được như thế. Tôi thấy không có gì trở ngại nếu ông muốn để lại cho bà ấy một món tài sản gọi là ghi nhớ công ơn. Thật tình tôi muốn nói với ông, ông Clode, quên tình máu mủ ruột thịt, ông tước quyền thừa kế để dành cho người ngoài là một việc làm sai trái”.
“Nói xong tôi bỏ đi. Tôi đã làm xong nhiệm vụ nói lên tiếng nói phản bác”.
“Mary Clode vừa bước ra phòng khách nhìn thấy tôi bên ngoài nhà trước!”
“Mời ông ở lại uống trà rồi hẳn đi, được chứ?” Nói xong nàng mời tôi bước vô.
“Bên trong căn phòng có lò sưởi, ánh lửa bập bùng thật ấm cúng, vui tươi. Tôi đang cởi áo choàng nhìn thấy George cậu em trai nàng bước vô. Gã đỡ lấy chiếc áo pa-đờ-xuy từ tay nàng vắt lên thành ghế nơi cuối phòng, bước lại chỗ lò sưởi cùng ngồi uống trà. Đến lúc này câu chuyện nhà đất được mang ra bàn. Simon Clode không muốn bàn việc này, để George quyết định. Thấy có vẻ căng thẳng, tôi đề nghị sau giờ uống trà bàn tiếp. Tôi cho kiểm tra lại giấy tờ, lúc này có cả Mary Clode tham gia”.
“Khoảng mười lăm phút sau, tôi chuẩn bị ra về, sực nhớ chiếc áo pa-đơ-xuy bỏ quên nên quay lại phòng khách tìm. Nhìn vô trong chỉ còn mỗi bà Spragg quỳ xuống bên chiếc ghế, nơi chiếc áo choàng vắt ngang. Bà đang chăm chú nhìn lớp vải bọc nệm, nên chẳng để ý. Thoáng thấy tôi bước vô, bà đứng ngay dậy lúng túng”.
“Lớp vải bọc nệm không ngay ngắn”, bà càu nhàu. “Thật mệt! Lúc nào tôi cũng phải tự tay sửa lại”.
“Tôi cầm lấy chiếc áo choàng, mặc vô. Vừa khoác lên tôi thấy chiếc phong bì đựng tờ di chúc trong túi rơi ra, nằm trên sàn. Tôi cúi nhặt, cất vô túi, chào một tiếng rồi bước ra ngoài”.
“Về tới văn phòng, tôi sẽ kể cho các bạn tỉ mỉ hơn chuyện này. Cởi áo choàng, tôi lấy bản di chúc trong túi ra. Tôi đứng bên chiếc bàn cầm trên tay tờ di chúc, chợt nhìn thấy người thư ký bước vô. Có khách cần gặp qua điện thoại, tôi bước trở ra phòng bên ngoài nói chuyện năm phút vì đường dây nội bộ hỏng”.
Vừa trở ra nhìn thấy người thư ký đang chờ.
“Ông Spragg cần gặp ông. Tôi đã mời ông vô văn phòng”
“Tôi bước vô thấy ông Spragg đang ngồi bên bàn. Ông đứng dậy chào, điệu bộ có vẻ săn đón quá mức, rồi ông nói thao thao bất tuyệt. Tóm lại, chỉ một việc ông cảm thấy khó ăn nói về phần ông và bà vợ ông ngại dư luận, thiên hạ nói vô nói ra, này nọ. Vợ ông từ thuở bé đến giờ không làm việc gì mờ ám, vụng trộm… Tôi muốn nói ra nhưng sợ làm ông phật lòng. Thế rồi nghĩ lại ông ấy đến đây nhưng tôi chẳng giúp được gì, ông bỏ ngang giữa chừng ra về. Sực nhớ tờ di chúc để trên bàn, tôi với lấy, niêm kín và viết mấy chữ ngoài bì, cất vô tủ sắt”.
“Tôi sẽ kể tới đoạn quan trọng nhất. Hai tháng sau được tin ông Simon Clode chết. Tôi không muốn kể dài dòng, chỉ nêu ra đây một sự thật quá phũ phàng. Mở chiếc phong bì ra nhìn lại chỉ thấy một mảnh giấy trắng”.
Ông dừng lại, nhìn quanh, mọi người ngơ ngác. Chợt ông nhếch mép cười thích thú.
“Các bạn sẽ chấp nhận điều đó chứ? Hai tháng chiếc phong bì nằm im trong tủ sắt. Làm gì có chuyện tráo trở. Không thể, thời gian hai tháng thật ngắn ngủi, tính từ lúc tờ di chúc được ký kết xong, đem cất vô tủ sắt. Vậy ai len lỏi vô đây, và nhân danh vì lợi ích nào?”
“Tôi sẽ tóm tắt lại mấy điểm chính. Bản di chúc ông Clode ký tên, tôi bỏ vô phong bì… trước sau y nguyên vậy. Lúc đi ra tôi cất vô túi chiếc áo pa-đơ-xuy. Chính tay Mary đỡ lấy chiếc áo rồi đưa qua cho George, gã còn nhìn thấy tôi ngay từ lúc đó. Lúc tôi còn ở trong phòng, bà Eurydice Spragg có thừa thời gian móc túi lấy chiếc phong bì trong túi áo ra coi và lúc tôi vào nhìn thấy chiếc phong bì rơi dưới sàn nhà chớ không nằm trong túi áo, rõ ràng bà móc túi lấy ra chớ còn ai nữa. Nhưng có một điểm lạ: là thừa cơ lẻn vô tráo mảnh giấy trắng nhưng mà không rõ nguyên do vì đâu. Bản di chúc có chia phần cho bà, nếu tráo vô mảnh giấy trắng coi như bà khước từ quyền lợi lâu nay bà trông đợi hay sao. Tương tự, ông Spragg cùng như thế, thời cơ mở ra trước mắt lúc ông ở một mình ở trong phòng, bên cạnh đống hồ sơ. Lần này chính ông đã bỏ lỡ thời cơ để đánh tráo. Ta đang đứng trước một việc khó xử: cả hai người có thừa thời cơ tráo giấy tờ nhưng không biết rõ động cơ nào khiến họ phải vậy, và khi cả hai có đủ lý do hành động nhưng lại bỏ lỡ mất cơ hội. Nói gì thì nói tôi thấy không loại trừ nghi can là bà giúp việc Emma Gaunt. Bà phục vụ tận tình với gia đình ông chủ và căm ghét nhà Spragg. Theo tôi nghĩ bà có đủ lý do nếu bà muốn tráo bản di chúc. Và cho dù bà có thật tình nhặt chiếc phong bì đưa lại cho tôi, cũng không đủ thời gian để đánh tráo tờ di chúc hay sử dụng thủ thuật để làm việc đó (chắc chắn là không thể được) bởi chiếc phong bì do chính tay tôi đưa vô nhà, làm sao có một bản thứ hai nào nữa?”
Ông nhìn quanh một vòng nhếch mép cười.
“Nào, tới đây tôi còn một điểm nữa cần nêu lên. Tôi thích được biết ý kiến của mọi người”. Mọi người vẫn chưa hết kinh ngạc, bỗng nhiên bà Marple cười một tràng dài.
“Chuyện gì vậy, dì Jane? Kể cho mọi người vui với chứ?” Raymond nói.
“Tôi sực nhớ chuyện thằng bé Tommy Symonds tính nghịch ngợm, tôi lo ngại mà cũng có khi thấy thú vị. Trông mặt mũi nó vô tư thế, mà tinh nghịch lắm, Mới bữa chủ nhạt tuần rồi, nó hỏi ‘Thưa cô, phải cô thường nói lòng đỏ trứng thường là màu trắng hay tất cả là màu trắng’ (1). Cô giáo Durston giải thích thường ngày ai cũng nói ‘tất cả lòng trứng đều là màu trắng hay là lòng đỏ trứng thì trắng’ (2) – đến lượt Tommy nghịch ngợm nói: ‘Ờ em muốn nói lòng đỏ trứng màu vàng!’ Tính nó nghịch, thích đùa; những trò xưa như trái đất. Dù sao nó cũng là một thằng nhóc”.
“Nghe nói cũng mắc cười, dì Jane”, Raymond nói nhỏ. “Nhưng không dính dáng gì tới câu chuyện lý thú ông Petherich vừa kể”.
“Có chứ, vui chứ”, bà Marple nói, “Đó là chuyện đố mẹo! Cũng như câu chuyện ông Petherich cũng là một kiểu đố mẹo, cũng giống như ông luật sư! Ông bạn già thật là…!” Cô lắc đầu nhìn qua muốn trách ông.
“Có phải bà đã biết hết?” Luật sư nheo mắt hỏi.
Bà Marple viết mấy chữ ra giấy, xếp lại đưa cho ông.
Ông Petherick mở ra coi, ông có vẻ tâm đắc.
“Này bà ơi”, ông nói, “còn điểm nào bà chưa biết?”
“Tôi biết đó là chuyện trẻ con”, bà Marple nói “Tôi muốn đùa thế thôi”.
“Tôi đã nghĩ ra chuyện đó”, ngài Henry lên tiếng. “Chắc là thế nào ông Petherick cũng thủ sẵn ngón nghề cho riêng ông”.
“Làm gì có”. Ông Petherick buộc miệng “Không bao giờ. Tôi nghĩ sao nói ra vậy. Xin ông chớ quan tâm tới bà Marple. Bà ấy có cách nhìn riêng của bà”.
“Ta phải tìm cho ra sự thật”, Raymond West nói có vẻ khó chịu. “Chứng cứ rành rành ra đấy. Có tới năm người chạm tay vào chiếc phong bì. Có thể nghi cho nhà Spragg nhưng nghĩ lại thì không phải. Còn lại ba người kia. Nào ta nên cân nhắc xem ai là người làm trò xiếc lanh tay lẹ mắt, diễn trò trước mắt mọi người. Theo tôi thì bản di chúc có thể đã bị đánh tráo do bàn tay anh chàng George Clode lúc hắn đỡ chiếc áo mang tới chỗ máng trên ghế đàng cuối góc phòng”.
“Chà, tôi thì cho chính bà giúp việc”, Joyce nói, “chính bà giúp việc chạy tới cho cô chủ hay tin rồi thừa cơ chớp lấy chiếc phong bì khác cùng màu xanh tráo vô cái kia”.
Ngài Henry lắc đầu. “Tôi không đồng ý với các bạn”, ông chậm rãi nói “Việc này phải có tay xảo thuật mới làm nên trò, mà làm ngay trên sân khấu như trong tiểu thuyết kể; ngoài đời thì khó mà làm gì được, nhất là làm sao qua khỏi cặp mắt tinh đời của ông bạn Petherick của tôi đây. Tôi có ý kiến thế này… một ý kiến mà thôi. Như ta đã biết ông giáo sư Longman vừa mới ghé lại thăm ông có bàn luận một ít. Phải nói là nhà Spragg mới thấy lo ngại nhân dịp ông đến đây. Nếu Simon Clode không kể cho họ nghe, mà cũng có thể lắm chứ, thì chuyện mời ông luật sư Petherick tới nhà họ sẽ nghĩ khác hơn. Họ nghĩ là ông Clode đã làm xong bản di chúc người hưởng lợi là bà Eurydice Spragg, chính bà lo sợ sự có mặt của giáo sư Longman sẽ gạt bà ra hoặc theo như kinh nghiệm nghề nghiệp luật sư, có thế nói lúc đó Philip Garrod đòi ông bác nên xét lại tình máu mủ ruột thịt. Tới đây ta giả sử bà Spragg có ý định tráo tờ di chúc. Nếu quả vậy, thì ngay lúc đó luật sư Petherick bất ngờ xuất hiện bà làm sao có thì giờ coi lại tờ di chúc nên vội quăng vô lò sưởi, nếu chẳng may ông luật sư biết được ai đã lấy mất”.
Joyce lắc đầu quầy quậy. “Không có chuyện đem đốt mà không coi trước”.
“Giải pháp đó coi bộ không ổn”, ngài Henry nói.
“Giả sử… ờ nhỉ… ông Petherick không tiên liệu trước”.
Một ý kiến nghe thật tức cười, ông luật sư mặt mũi xụ mặt.
“Một ý kiến đưa ra không nhằm lúc”, ông nói giọng hơi xẵng.
“Ông Pender nói sao?” Ngài Henry hỏi.
“Không dám nói là tôi cao kiến hơn ai. Theo tôi, thì chuyện đánh tráo tờ di chúc chỉ có thể do bà spragg hoặc là chồng bà, như ngài Henry đã nêu lên lúc nãy. Nếu bà không được đọc tờ di chúc sau khi ông Petherick bỏ đi lúc ấy bà mới thấy lúng túng bởi vì bà không thể nào thú nhận đã làm việc đó. Hoặc có thể bà đem cất giấu trong đống giấy tờ của ông Clode sau khi ông chết người ta sẽ tìm thấy. Tôi không hiểu vì sao lại không còn đó. Có thể đoán chừng – lúc đó bà Emma Gaunt còn nhìn thấy… vì lòng tận tụy phục vụ ông chủ… bà đem hủy đi”.
“Tôi thấy ta nên nghe theo cách giải quyết của ngài mục sư Pender thì hay hơn”, Joyce nói “Có đúng không, ông Petherick”.
Ông luật sư lắc đầu.
“Tôi sẽ kể tiếp theo. Rõ ràng tôi vô cùng kinh ngạc và hoang mang như các bạn. Làm sao tìm cho ra sự thật… chắc là không… nhưng tôi đã hiểu ra. Việc đó đã được thực hiện một cách tài tình”.
“Sau đó một tháng tôi tới nhà Philip Garrol cùng ăn uống, lúc ngồi nói chuyện gã mới gợi chuyện cho tôi nghe một vụ mới xảy ra gần đấy”.
“Tôi muốn kể ra đây cho ông nghe, Petherick, chỉ riêng mình ông biết thôi”.
“Chuyện gì vậy?” Tôi hỏi lại.
“Tôi có một ông bạn vì quá kỳ vọng vô người thân nên đâm ra thất vọng vô cùng khi được biết người họ hàng tin tưởng một người chẳng ra gì. Này ông bạn, theo tôi thấy thì đây là một cách để ông thay đổi cách suy nghĩ. Chuyện một người đàn bà giúp việc tận tụy với quyền lợi tập thể. Ông bạn tôi hướng dẫn đơn giản. Mỗi lần anh ta giao cây viết bơm đầy mực. Bà chỉ việc đem cất vô ngăn kéo bàn giấy trong phòng riêng của ông chủ, bà cất vô ngăn không thường dùng. Gặp lúc ông chủ gọi tới chứng kiến chữ kí trên giấy tờ cần lấy cây viết bà lấy nhầm chỗ ngăn kéo bên trái, khác với chỗ để bên phải nhưng cũng là một cây viết giống hệt. Bà chỉ biết có vậy. Ông không dặn dò gì thêm. Bà chỉ biết nghe lời cậu chủ bảo sao làm vậy”.
“Kể tới đây anh ta bỏ lửng nói qua chuyện khác. Tôi bồn chồn”.
“Ông chớ có bực mình, ông Petherick”.
“Không sao”, tôi nói, “Nhưng tôi muốn nghe cho hết”.
Chúng tôi ngồi nhìn nhau. “Này ông bạn của tôi ơi chuyện không như ông tưởng đâu”, anh ta nói.
“Hẳn là vậy”, tôi đáp.
“Vậy là hết chuyện”, Phillip Garrod nói. Dừng lại một lát anh ta nhếch mép cười nói, “ông đã hiểu rồi chứ gì? Cây viết được bơm một loại mực mau phai… Bột pha với nước thêm mấy giọt iodine là ra được một thứ mực viết. Mực màu xanh đen, chừng bốn năm bữa sau là nó bay đi hết”.
Bà Marple cười tủm tỉm.
“Mực màu”, bà nói “Tôi biết chuyện đó. Đó là trò hồi nhỏ tôi vẫn thích chơi”.
Vẫn nụ cười trên môi, bà nhìn quanh một lượt, giơ ngón tay ra khều khều về phía ông luật sư Petherick.
“Nói chung đó là một cái mẹo, ông Petherick”, bà nói “Thì cũng y như một luật sư”.
Chú thích
(1)Nguyên văn câu chơi chữ: “Teacher, do you say yolk of eggs is white or yolk of eggs are white”.
(2)”Yolk of eggs are white or yolk of eggs is white”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.