“Tôi vừa nhớ ra một việc” Jane Helier nói. Một nụ cười rạng rỡ vừa thoáng hiện trên khuôn mặt xinh đẹp như đứa trẻ chờ được nghe lời khen. Nụ cười làm say mê lòng người đêm đêm ở nhà hát London, một mối lợi lớn cho các tay nhiếp ảnh.
“Chuyện tôi sắp kể ra đây…” nàng mở đầu một cách dè dặt, “nói về một người bạn”.
Mọi người nghe tán thưởng xen lẫn những lời xì xào giả vờ. Đại tá Bantry, bà Bantry, ngài Henry Clithering, bác sĩ Lloyd, bà Marple; mọi người đều hiểu ngay “bạn” của Jane chính là nàng chớ không ai khác hơn. Nàng không còn nhớ ra hoặc muốn đụng chạm tới ai.
“Bạn tôi, xin miễn nói tên ra đây”, Jane kể, “là một diễn viên, một diễn viên khá nổi tiếng”.
Không thấy ai ngạc nhiên, ngài Henry Clithering nghĩ trong đầu: “Còn bao nhiêu câu nữa nếu cô ta cứ quên chuyển lời xưng hô từ ‘Tôi’ qua ‘Nàng ta’?”
“Bạn tôi làm một chuyến đi vòng quanh các tỉnh… cách nay một hai năm gì đó. Tôi nghĩ không nên nhắc lại đây nơi đến đâu. Nơi đó là một thị trấn bên bờ sông không xa London cho lắm. Tôi gọi nơi đó là…”
Nàng dừng lại, cau mày nghĩ ngợi. Nghĩ ra một cái tên dễ ợt, sao nàng phải nghĩ ngợi. Ngài Henry hiểu ý nói ngay.
“Ta tạm gọi nơi đó là xóm bờ sông được chứ?” Ngài trịnh trọng nói.
“À, vâng, vậy thì hay biết mấy. Xóm bờ sông, tôi phải ghi nhớ. Vâng, nhưng bạn tôi hôm đó đi chơi cùng đám bạn, chợt đâu gặp chuyện lạ đời”.
Nàng lại cau mày.
“Thật khó mà…” giọng nàng nghe buồn bã, “nói ra cho mọi người hiểu ý. Mới mở đầu câu chuyện đã thấy lộn xộn”.
“Cô em kể nghe rõ ràng đấy chứ”, bác sĩ Lloyd nói khích lệ. “Cứ tự nhiên”.
“Vâng, một chuyện lạ đời. Bạn tôi được mời tới đồn cảnh sát. Cô ta đi ngay. Thì ra một vụ trộm vừa xảy ra trong căn nhà nghỉ mát bên bờ sông, bắt được một người, hắn khai ra tầm bậy. Cảnh sát mời nàng đến để lấy lời khai”.
“Xưa nay nàng chưa đến đồn cảnh sát lần nào, đến nơi nàng được tiếp đón tử tế, phải nói rất là tử tế”.
“Phải vậy chứ”, ngài Henry nói.
“Viên trung sĩ… tôi đoán là một trung sĩ… hay là một ông viên thanh tra gì đó kéo ghế mời nàng ngồi giải thích mọi chuyện, tôi hiểu ngay là do một sự hiểu lầm”.
“A ha”, ngài Henry nghĩ bụng, “‘tôi’, thì ra là đây. Ta cũng nghĩ vậy”.
“Bạn tôi kể lại”, Jane kể tiếp nàng quên là đang tự dối mình. “Nàng phải đang tập thử vai mới tại một khách sạn, nàng chưa hề nghe nói tới cái tên một ông Faulkener nào đó. Rồi viên trung sĩ nói, ‘cô Hel…’.”
Nàng không kể nữa mặt mày đỏ ửng.
“Cô Helman”, ngài Henry vừa nháy mắt vừa nhắc.
“Vâng, vâng, cái tên đó. Cảm ơn ngài… Viên trung sĩ nói: ‘Này, cô Helman, đây là một sự nhầm lẫn, nhưng có một việc đã xảy ra trong khách sạn Bridge’, ông hỏi tôi có chịu ra đối chất hay không? Tôi không nhớ nữa”.
“Không sao”, ngài Henry nói cho nàng yên tâm.
“Thế là phải gặp mặt anh chàng kia, tôi nói ngay: ‘Tôi không chịu đâu’. Cuối cùng họ dẫn anh chàng đó tới: ‘Đây là cô Helier’, và… Ôi…” Jane bỏ lửng câu chuyện, mồm há hốc.
“Không sao đâu, cô gái”, bà Marple an ủi.
“Chúng tôi ngồi mà đoán, cô biết đấy. Cô không cho biết địa điểm đó là gì hay thêm một vài chi tiết tương tự”.
“Vâng”, Jane nói “Tôi không có ý định kể lại chỉ vì câu chuyện liên quan tới một người khác. Nghĩ lại thật là khó, thật đấy chứ! Thôi quên cho xong”.
Mọi người cùng nghĩ như nàng, nhưng khuyến khích nàng, nàng kể tiếp.
“Anh chàng có khuôn mặt đẹp trai… rất là điển trai. Diện mạo trẻ trung, tóc hung đỏ. Nhác thấy tôi gã há mồm. Viên trung sĩ hỏi ngay. ‘Phải cô nàng này đây?’, gã nói: ‘Không, không phải rồi. Tôi thật là ngớ ngẩn.’ Tôi cười nhìn lại nói: ‘Thôi chẳng sao đâu’.”
“Tôi không thể mường tượng ra được lúc đó ra sao”, ngài Henry nói.
Jane Helier cau mày.
“Để coi… Nên kể sao cho rõ”.
“Cô em chỉ kể cho có đầu đuôi là được”, bà Marple nói giọng dịu dàng, không có ý mỉa mai. “Vì sao anh chàng nhìn lầm, và chuyện tên trộm đột nhập vô nhà”.
“À, vâng”. Jane nói “Là như vầy, anh chàng đó… tên là Leslie Faulkener, vừa viết xong một vở kịch. Trước đây đã từng cho ra đời mấy vở, chưa có vở nào được chấm. Lần này anh ta đưa cho tôi xem một vở đặc sắc. Tôi không nhớ ra, bởi có cả trăm vở được gởi tới và không có thì giờ đọc cho biết… trừ mấy vở tôi thấy thích. Nhưng không hiểu sao anh chàng Faulkner nói nhận được thư tôi gởi, rõ ràng là không phải thư tôi viết, ngài hiểu ý tôi nói chứ?”
Nàng bỏ ngang câu chuyện, vẻ mặt ưu tư, được khích lệ nàng kể thêm.
“Trong thư cho biết tôi đã xem qua vở kịch, hài lòng, và đề nghị gã tới gặp tôi bàn qua xem sao. Trong thư ghi địa chỉ… nhà nghỉ mát, phố xóm bờ sông. Được lời như mở cờ trong bụng, gã tới đúng địa chỉ… nhà nghỉ mát. Tới nơi gặp bà giữ nhà ra mở cửa, gã hỏi thăm cô Helier, bà nói có cô Helier ở nhà mời ông vô trong phòng khách, gã gặp một người đàn bà. Gã nghĩ người đàn bà đó là tôi đây… tôi thấy buồn cười và kỳ lạ làm sao, bởi gã đã đươc xem tôi diễn, nhìn ảnh chụp tôi trước đây phổ biến khắp nơi, có phải không?”
“Cả nước Anh đều biết”, bà Bantry nói xen vô. “Nhưng thực tế thì ảnh chụp có khi khác với người thật, cô nên nhớ. Và càng khác xa hơn nữa dưới ánh đèn sân khấu và ngoài đời. Không phải người diễn viên nào cũng phải chịu thử thách như cô em đâu”.
“Vâng”, Jane cảm thấy yên tâm, “hình như là vậy. Nhưng theo lời gã mô tả cô nàng đó cao cao, nước da trắng, mắt xanh tròn xoe rất xinh đẹp. Gã không một chút hồ nghi. Nàng ngồi xuống nói về chuyện vở kịch, và nóng lòng muốn diễn thử. Trong khi đang trao đổi ý kiến người giúp việc mang món uống cocktail ra, Faulkener đỡ lấy một ly theo phép lịch sự. Vâng… gã còn nhớ tới đó… gã đã uống cạn ly cocktail. Lúc tỉnh dậy, sực nhớ nhìn lại, hay bà muốn nói sao cũng được… thấy nằm ngoài ngõ gần bên hàng rào, cũng may không có chiếc xe nào chạy ngang qua cán phải. Thấy trong người choáng váng, run lẩy bẩy… gã gắng đứng dậy, chân vừa bước đi lảo đảo không biết đi theo hướng nào. Gã nhớ lại lúc đó còn tỉnh, muốn quay về lại nhà nghỉ mát coi thử ra sao. Nhưng đầu óc gã mụ cả rồi nên nhắm mắt bước tới dù không biết đi đâu. Đến lúc cảnh sát bắt, dẫn đi một hồi mới tỉnh lại”.
“Sao lại nói cảnh sát bắt dẫn đi?” Bác sĩ Lloyd hỏi.
“Ờ, tôi chưa kể cho ông nghe à?” Jane trố mắt nhìn qua nói “Tôi nghĩ vớ vẩn. Trong nhà có trộm”.
“Cô em vừa nhắc một vụ trộm… nhưng không nói là chỗ nào, vì sao, như thế nào?” Bà Bantry nói.
“Vâng, ngay trong nhà nhà nghỉ mát đó, nơi gã vừa tới, đúng rồi… không phải nhà tôi. Nhà đó của một người tên là ông gì đó”. Jane lại cau mày.
“Cô em muốn ta giúp làm người đỡ đầu gỡ rối lần nữa không?” Ngài Henry hỏi, “đặt cho một bí danh khỏi tốn kém một xu. Kể lại mặt mũi chủ nhà ra sao ta rồi tôi sẽ gán cho ông ta một cái tên”.
“Nhà đó của một ông nhà giàu, một người quý tộc”.
“Ngài Herman Cohen”. Ngài Henry gợi ý.
“Nghe hay đấy. Ông mua ngôi nhà này cho một cô… là vợ một diễn viên, cô ta cũng là một nữ diễn viên”.
“Vậy thì đặt tên ông ta cho anh chàng diễn viên là Claud Leason”, ngài Henry nói “Còn cô ta, để coi ta đặt tên là… cô Mary Kerr”.
“Ngài thật là tài tình”, Jane nói “Ngài đặt tên sao nghe dễ như chơi. Vâng, ngài biết là, nơi đây là chỗ nghỉ mát cuối tuần của Herman, ngài vừa đặt cho cái tên là Herman đúng chứ, với người yêu… Lẽ dĩ nhiên bà vợ ông ta không hay biết”.
“Chuyện đời nó vậy đó”, ngài Henry nói.
“Ông đã tặng cho nàng diễn viên một số nữ trang với mấy viên ngọc bích tuyệt đẹp”.
“À!” Bác sĩ Lloyd lên tiếng. “Giờ ta đã hiểu ra”.
“Món nữ trang để tại nhà nhà nghỉ mát, cất trong hộp có khóa. Theo lời thuật lại của cảnh sát món nữ trang bỏ đó không ai giữ giùm… người ngoài có thể dễ dàng được”.
“Này, bà Dolly thấy chưa?” Đại tá Bantry nói “Bà nhớ lúc nào tôi cũng dặn nên cẩn thận”.
“Vâng, theo tôi thì…” Bà Bantry nói, “chỉ có mấy người cẩn thận quá đỗi nên bị mất của. Đồ nữ trang tôi không cất trong hộp đâu… tôi giấu dưới dây kéo chiếc vớ đùi. Tôi dám nói nếu… tên cô nàng là gì nhỉ… Mary Kerr làm theo như tôi, thì đâu bị mất của”.
“Vẫn mất”. Jane nói “Bọn trộm nó lẻn vô nhà lục tung hết, không sót một món”.
“Vậy thì bọn trộm không nhắm lấy đồ nữ trang”. Bà Bantry nói “Bọn chúng lục tìm tài liệu mật, y như là trong truyện trinh thám”.
“Tài liệu mật thì tôi không biết”, Jane chưa tin là có thật. “Tôi chưa hề nghe nói”.
“Chớ nên lơ là, cô Helier”, Đại tá Bantry nói “Dolly muốn cảnh giác chúng ta đấy”.
“Về vụ trộm…” Ngài Henry nói.
“Vâng, thì ra cảnh sát nghe báo động từ một người tự xưng là cô Mary Kerr. Nàng khai nhà nghỉ mát bị trộm, kẻ trộm là một gã thanh niên tóc hoe đỏ vừa đến đây lúc sáng. Người giúp việc thấy khả nghi không cho vô nhà, một lát sau thấy gã trở ra qua lối cửa sổ. Bà kể lại hình dạng chính xác và một giờ sau cảnh sát tóm được, gã khai ra hết mọi chuyện. Gã trình ra lá thư tôi gởi. Như tôi đã kể lại cảnh sát truy lùng tôi, khi gặp lại gã khai ra ngay như lời tôi vừa kể… thì ra không phải là tôi?”
“Một câu chuyện lạ lùng”, bác sĩ Lloyd nói “Ông Faulkener biết mặt cô Kerr chớ?”
“Không, gã không biết… gã nói là không biết. Nhưng còn một điểm lạ nữa tôi chưa kể ra. Cảnh sát tới khám xét nhà nghỉ mát, nơi đây mất các thứ như đã kể… ngăn kéo tháo ra, hộp nữ trang lấy mất, nhìn vô bên trong nhà trống rỗng. Mấy tiếng đồng hồ sau Mary Kerr về tới nhà, nàng khai không phải nàng gọi cảnh sát, về đây nàng mới hay mọi chuyện. Hình như nàng vừa nhận được một bức điện sáng hôm đó, ông quản lý dành cho nàng một vai đề nghị nàng đến gặp ông, hay tin nàng vội vã đi cho kịp. Đến nơi nàng mới hay có kẻ muốn chơi nàng một vố. Không có điện tín nào hết”.
“Một trò chơi nhằm đánh lạc hướng thế thôi”, ngài Henry nói “Mấy người giúp việc thì sao?”
“Cũng cái trò cũ lại bày ra đây, chỉ còn một người giúp việc vừa nghe tiếng chuông điện thoại… Mary Kerr gọi về nhắn bỏ quên một món đồ ở nhà. Nàng dặn người giúp việc lấy cái túi xách cất trong ngăn kéo bàn trong buồng ngủ đem tới nơi gặp nàng. Nàng phải ngồi lại chờ đón chuyến tàu chạy sớm. Người giúp việc bỏ đi ngay không quên khóa cửa trước lại, tới câu lạc bộ theo đúng lời dặn của cô Kerr, chờ mãi không thấy đâu”.
“Hừm”, ngài Henry lên tiếng. “Tôi hiểu ra rồi. Nhà bỏ trống, muốn đột nhập vô qua lối cửa sổ phải khó khăn lắm mới được, không hiểu Faulkener vô được bên trong theo lối nào. Ai gọi cho cảnh sát, nếu không phải là cô Kerr”.
“Vậy là không ai hay biết gì hết, không ai nghĩ ra”.
“Chuyện lạ”, ngài Henry nói, “có phải đó là anh chàng tự xưng tên tuổi mình ra”.
“À, vâng, phần này thì yên chí. Gã còn có một cái thư tưởng đâu là do chính tay tôi viết. Nhìn nét chữ không giống chút nào, nhưng mà gã không biết chuyện đó”.
“Nào ta phải xét lại cho rõ ràng”, ngài Henry nói “Nếu có sai sót nhắc giùm tôi. Hai đàn bà bị lừa ra khỏi nhà. Anh chàng kia thì bị lừa tới đây do một cái thư giả mạo… làm cho gã tin tuần này cô em đang thử vai tại địa điểm trên phố bờ sông. Anh chàng có sử dụng ma túy, cảnh sát nghe báo liền theo dõi. Một vụ trộm được phát hiện. Tôi đoán là mấy món nữ trang đó bị đánh cắp”.
“À, vâng”.
“Có thể thu hồi lại được chứ?”
“Không, làm gì được. Thiệt tình mà nói, ngài Herman cố tình che giấu mọi chuyện mà ông ta đã biết. Nhưng ông không thể làm vậy được lâu đâu, tôi đoán là bà vợ ông ta đang lo thủ tục ly dị. Chuyện ra sao thì chưa rõ”.
“Anh chàng Leslie Faulkner ra sao”.
“Cuối cùng được gã được tha. Cảnh sát chưa tìm thấy đủ bằng chứng. Câu chuyện nghe thật lạ lùng làm sao, phải không?”
“Lạ lắm. Ta nên tin ai đây? Nói tới đây, cô Helier, tôi biết cô muốn tin vô câu chuyện của Faulkener hơn. Cô cho biết lý do nào dám tin vô một câu chuyện ngoài sức tưởng tượng đến như vậy”.
“Không, không”, Jane nói chống chế. “Không dám đâu. Anh chàng rất dễ thương, rất là biết điều, nếu có lỗi thì chỉ vì đã lỡ nhìn nhầm một người khác ra tôi, cho nên tôi nghĩ là gã đã thú thật ra hết”.
“Tôi hiểu”, ngài Henry cười nói “Nhưng cô phải thừa nhận một điều anh chàng bịa chuyện tài tình thật. Gã viết một bức thư giả như là do cô gởi. Sau khi đột nhập vô nhà lấy trộm món nữ trang, gã giả vờ say ma túy. Thú thiệt tôi chưa nhận ra đâu là điểm cốt lõi của vấn đề nêu lên. Đột nhập vô nhà một cách dễ dàng, tự giải quyết mọi việc rồi chuồn ra êm ru… nếu không bị lộ tung tích do một người hàng xóm theo dõi, bởi gã thừa hiểu là mình bị theo dõi. Gã vội vã bịa ra vụ này để đánh lạc hướng theo dõi, tự đặt mình vô vị trí người hàng xóm”.
“Trông anh chàng khá giả lắm không?” Bà Marple hỏi.
“Không dám đâu”, Jane nói, “không, anh chàng đang khó khăn”.
“Nghe hết chuyện từ đầu chí cuối nó lạ lắm”, bác sĩ Lloyd nói “Nếu ta thừa nhận chuyện gã bịa ra là có thật thì hóa ra càng rắc rối hơn. Vì sao người đàn bà xa lạ mạo danh cô Hel muốn lôi kéo anh chàng vô cuộc? Tại sao cô ta muốn dựng lên một màn kịch ly kỳ như thế này?”
“Jane, nói cho tôi biết”, bà Bantry nói, “đã có lúc nào anh chàng Faulkner gặp mặt cô Mary Kerr đó?”
“Tôi không rõ”, Jane thong thả nói, nàng cau mày cố nhớ cho ra.
“Nếu không có cuộc gặp gỡ trước đó thì coi như câu chuyện kết thúc!” Bà Bantry nói “Tôi dám chắc điều đó. Có gì là khó đâu chuyện có người nhắn cô ta đi ra phố? Từ Paddington cô ta gọi máy về, hay có thể từ một nhà ga nào đó dặn người giúp việc ra đó gặp, từ đây cô ta quay trở về lại. Đúng hẹn anh chàng kia tới nhà giả vờ say ma túy, cô em dựng chuyện nhà có trộm, phóng đại ra cho thêm phần ly kỳ. Cô ta gọi báo cho cảnh sát, mô tả hình dạng kẻ đứng ra chịu tội, rồi lại bỏ đi ra phố. Tới nơi đón chuyến tàu chót về nhà giả vờ như người không hay biết chuyện gì”.
“Này Dolly, vì sao cô nàng muốn đánh cắp món nữ trang của mình”.
“Chuyện đó bình thường”, bà Bantry nói “Vả lại, tôi có thể nghĩ ra hàng trăm lý do khác. Nàng đang cần tiền… lão Herman không cho nàng giữ tiền mặt, nàng bịa chuyện mất của, lén đem đi bán lấy tiền xài. Hay biết đâu là nàng bị một tên hăm dọa đòi tông tiền nếu không gã đi báo cho chồng nàng, hoặc là cho bà vợ lão Herman biết. Hoặc là nàng đem bán từ hồi nào, đến khi Herman hay được đòi lấy ra cho coi, lão nổi giận đùng đùng, nàng mới nghĩ mưu mẹo đánh lừa. Mấy việc đó trong truyện trinh thám thiếu gì. Hay là thế này nàng tráo vô đó một món đồ giả làm rập theo đúng mẫu hàng. Còn cái này, táo bạo hơn, trong tiểu thuyết chưa nói tới… nàng phao cho ăn trộm lấy, rồi đem trả lại y nguyên chỗ cũ lão thưởng cho một món tiền hậu hĩ. Vậy là nàng ăn được cả hai bên. Mấy người đó theo tôi là hạng người xảo quyệt hết cỡ”.
“Bà thật là tài tình, Dolly”. Jane khâm phục nói “Tôi chưa nghĩ ra điều đó”.
“Cô em cũng xứng đáng được ca ngợi, tuy là cô nàng kia không thừa nhận. Hắn biết cách thảo điện tín, để đánh lừa cô nàng, và nhờ một bà giúp đỡ để thi hành kế hoạch trọn vẹn. Không có ai muốn thắc mắc vì sao gã viện cớ vắng mặt”.
“Bà nghĩ sao, bà Marple?” Jane hỏi, quay qua nhìn bà già nãy giờ ngồi lặng thinh. Bà cau mày lóng ngóng.
“Này cô, thiệt tình tôi biết nói gì đây. Ngài Henry sẽ cười cho bởi lần này không ai tới giúp tôi đâu. Có nhiều vấn đề tự phát sinh. Cụ thể như là vấn đề người giúp việc. Trong hoàn cảnh một gia đình lộn xộn như vậy, bọn tôi tớ phải biết rõ mọi chuyện trong nhà và một người con gái đàng hoàng không thể thế vô chỗ người giúp việc… mẹ nàng không cho. Tôi nghĩ ngay là người giúp việc. Không được bà chủ tin cậy. Bà thông đồng với bọn trộm. Bà bỏ nhà đó ra đi lên London, dù đã biết rõ cú điện thoại giả danh gọi tới nhằm đánh hướng mọi người. Tôi cho đây một lối thoát hợp lý cho vấn đề. Nếu là bọn trộm tay ngang thì không đáng nói. Trong vụ này phải nói là có sự tham gia của người giúp việc”.
Bà Marple dừng lại mơ màng kể lể:
“Tôi thì cho là… vâng, tôi muốn nói trong vụ này có một người xen vô. Giả sử có một người vì tư thù chẳng hạn? Anh chàng đối xử tệ với một nữ diễn viên? Cô em thấy vậy đã ổn chưa? Một cách để lôi kéo anh chàng kia vô cuộc. Vấn đề chỉ có bấy nhiêu. Như vậy, cũng chưa đầy đủ…”
“Sao, thưa bác sĩ, không nghe ông nói gì hết”. Jane lên tiếng. “Tôi quên ông rồi”.
“Tôi luôn luôn bị bỏ quên”, bác sĩ buồn bã nói “Một người đứng bên lề”.
“À, không!” Jane nói “Sao ông nói vậy”.
“Tôi luôn tán thành mọi ý kiến… nhưng cho tới lúc này chưa thấy một ý kiến nào nghe được. Có thể tôi nhầm lẫn chăng, khi cho là bà vợ ông ta nhúng tay vô vụ này. Bà vợ lão Herman đó. Bởi chưa có đủ chứng cớ đưa ra, cô em sẽ ngạc nhiên nếu được nghe nhắc lại một việc khó tin… rất cực kì khó tin, một bà vợ có ý đồ xấu”.
“Chà! Bác sĩ Lloyd”, bà Marple kêu lên thích thú. “Ngài thật là tài tình. Tôi chưa bao giờ nghĩ ra đó là bàPebmarsh đáng thương kia”.
Jane nhìn sâu vô mắt bà.
“Bà Pebmarsh nào?”
“Ờ” bà Marple còn lưỡng lự. “Không hiểu sao tôi lại nhớ đến bà trong vụ này. Bà là thợ giặt ủi. Bà lấy chiếc kim cài trên áo bờ lu bằng đá mắt mèo đem qua nhà khác cất”.
Jane càng rối hơn lúc nãy.
“Vậy là quá rõ ràng rồi còn gì, phải không bà Marple?” Ngài Henry nheo mắt nói.
Nhưng lạ thay nghe nói thế bà Marple lắc đầu.
“Không, không đâu. Nghe qua tôi đang còn lúng túng chưa biết nói sao. Tôi muốn nói là… gặp khi hữu sự nên đoàn kết với nhau hơn. Đó là ý tôi rút ra sau câu chuyện cô Helier vừa kể”.
“Thiệt tình mà nói những cái ngụ ý về đạo lý làm người trong câu chuyện tôi chợt quên mất”, ngài Henry trịnh trọng nói “Thể nào rồi tôi sẽ xét lại quan điểm đó, chờ đến khi cô Helier cho biết hướng giải quyết ra sao”.
“Ô kìa”. Jane bối rối nói.
“Tôi nhận thấy nên nói như hồi còn nhỏ, ‘bỏ cuộc’, chỉ có mỗi mình cô Helier được vinh dự đưa ra một câu chuyện rối mù đến nỗi bà Marple phải chào thua”.
“Vậy là bỏ cuộc hết sao?” Jane hỏi.
“Vâng”. Không nghe ai lên tiếng, chờ mãi không thấy, ngài Henry sắm vai người phát ngôn một lần nữa. “Tức là nên giữ nguyên hay bỏ tất cả các giải pháp vừa nói sơ qua như một bước thử nghiệm. Phía các ông mỗi người cho một, bà Marple được hai, còn chẳng một chục là của bà B”.
“Đâu tới một chục”, bà Bantry nói “Cùng một đề tài nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Có phải tôi đã nhắc ông nhiều lần đừng gọi tôi là bà B”.
“Vậy là tất cả bỏ cuộc”. Jane ngẫm nghĩ nói “Khá lắm”.
Nàng ngả người ra sau ghế, nhìn xuống mấy ngón tay sơn bóng một cách vô tư.
“Chà”, bà Bantry nói “Này, Jane. Kết cuộc ra sao?”
“Kết cuộc?”
“Ờ. Sự thật ra làm sao?”
Jane nhìn sâu vô mắt bà.
“Tôi chả biết nó ra làm sao”.
“Sao?”
“Đó là điều tôi nghĩ mãi trong đầu. Bởi quý vị đủ tài sức và bất kỳ ai cũng có thể nêu lên cho tôi biết”.
Mọi người cảm thấy khó chịu. Nhìn thấy Jane đẹp thật… nhưng ngay lúc này ai cũng phải nghĩ… cách nói ngu xuẩn đó chắc còn lâu dài. Ngay cả người có tâm hồn cao siêu cũng không muốn bỏ qua.
“Vậy là còn lâu mới tìm ra đâu là sự thật”. Ngài Henry nói.
“Không, cho nên như tôi đã nói lẽ ra quý vị nên kể cho tôi nghe”.
Jane cảm thấy tự ái, nàng tỏ ra bất bình.
“Vâng… tôi cảm thấy… cảm thấy…” Đại tá Bantry muốn nói ra nhưng nghẹn lời.
“Cô có tính hay hờn, Jane”. Bà vợ ông nói “Dù sao tôi vẫn cho là tôi luôn luôn nghĩ đúng. Nếu cô kể ra hết tên các nhân vật, tôi càng tin hơn”.
“Tôi không thể làm thế”. Jane chậm rãi nói.
“Không nên”, bà Marple nói “Helier làm sao dám nói ra”.
“Được chứ có sao đâu”, bà Bantry nói, “thảo nào cô em có vẻ bí mật. Bọn tôi già rồi ít phải chịu tai tiếng. Dù sao cô em có thể cho biết ai là nhân vật quan trọng trong vụ này”.
Jane có lắc đầu, bà Marple giữ vững quan điểm nghiêng về phía Jane.
“Một câu chuyện đáng thương”. Bà nói.
“Không”, Jane thiệt tình nói “Tôi thấy là… tôi thấy thích là đằng khác”.
“Vâng, có lẽ vậy”, bà Marple nói “Chẳng qua là một cách để chuyển đổi đề tài. Cô em đang thử đóng kịch gì đấy?”
“Smith”.
“À, ra thế. Có phải là kịch của nhà văn Somerest Maugham. Ông viết nhiều vở hay lắm. Tôi đã được xem qua khá nhiều vở”.
“Cô em muốn diễn lại vở này nhân dịp đi lưu diễn mùa thu sắp tới phải không?” Bà Bantry hỏi.
Jane gật.
“Thôi”, bà Marple đứng lên. “Tôi xin kiếu về trước! Trễ mất rồi! Dù sao cũng đã được tham dự một buổi gặp mặt thật thú vị. Không ngờ sôi nổi đến vậy. Tôi nghĩ câu chuyện của cô Helier đáng được tán thưởng, quý vị đồng ý chứ?”
“Rất tiếc đã làm cho bà phật ý”, Jane nói “Không được nghe cho hết phần cuối. Lẽ ra tôi phải kể ra trước cho kịp”.
Nàng có vẻ như hối tiếc. Bác sĩ Lloyd nhã nhặn đứng dậy nói.
“Này cô, sao phải vội? Cô nêu lên một vấn đề tế nhị làm cho chúng tôi sáng trí ra. Chỉ đáng tiếc là chúng ta không giải quyết được vấn đề”.
“Đó là ông nói về ông”, bà Bantry nói “Tôi đã tìm ra được câu giải đáp. Bảo đảm là chính xác”.
“Bà hiểu, tôi tin bà đã hiểu”, Jane nói “Nghe bà nói có lý”.
“Trong bảy câu giải đáp cô em chọn câu nào?” Ngài Henry hỏi trêu nàng.
Bác sĩ Lloyd xông xáo giúp bà Marple xỏ đôi ủng vô chân. “Chỉ nhỡ lúc cần”. Bà già nói cho ông biết. Ông bác sĩ đưa bà ra về. Quấn thêm mấy lớp khăn cho đỡ lạnh, bà Marple chúc mọi người ngủ ngon. Bà bước tới chỗ cô Helier sau cùng, nghiêng người nói như vô tai nữ diễn viên. Bất chợt Jane kêu lên một tiếng: “Ôi!” khiến mọi người kinh ngạc, quay lại nhìn.
Vừa gật đầu vừa cười, bà Marple bước ra ngoài, Jane Helier trố mắt nhìn theo.
“Cô em buồn ngủ chưa, Jane?” Bà Bantry hỏi.
“Cô em sao vậy? Hai mắt nhìn chăm chăm như là thấy ma vậy?”
Thở ra một hơi Jane tỉnh lại, nhìn nụ cười xinh không giấu được mối cảm xúc thoáng hiện trên môi, nàng đứng dậy bước theo bà chủ nhà đi lên lầu. Bà Bantry đưa nàng lên tận nơi.
“Lò sưởi gần muốn tắt rồi”. Bà Bantry vừa nói, bà thò tay khều than không thấy gì. “Chả làm được gì, bọn giúp việc nhà tệ thật”.
“Tưởng đâu tôi nay mình thức khuya. Sao, nhìn đồng hồ hơn một giờ sáng!”
“Bà thấy trên đời này có ai như bà ấy không?” Jane Helier hỏi.
Nàng ngồi xuống bên mép giường mặt mày đăm chiêu.
“Có phải bà giúp việc?”
“Không phải. Nhưng bà già đáng buồn cười kia… tên gì nhỉ… có phải là Marple?”
“À, tôi không rõ. Chắc là bà ta ở đâu trong làng này”.
“Trời ơi”, Jane nói “Tôi biết tính sao đây?”
Nàng thở ra một hơi.
“Cô sao vậy?”
“Tôi đang lo”.
“Lo gì?”
“Dolly”. Jane Helier như có linh tính nói ra: “Bà biết lúc ra về bà già kỳ cục kia nói với tôi gì không?”
“Không, nói sao?”
“Bà nói: ‘Nghe này, nếu là em tôi không chịu vậy đâu. Đừng lệ thuộc vô một bà nào hết cho dù bà ta là bạn thân nhất của em.’ Bà biết không Dolly, bà ta nói vậy mà đúng”.
“Một câu dạy đời chăng? Ờ, có thể là vậy. Nhưng thực tế nó khác”.
“Tôi đoán là bà không tin vào đàn bà. Còn tôi phải lệ thuộc vô cô ấy, không ngờ tôi phải chịu vậy”.
“Người đàn bà em vừa nhắc đó là ai?”
“Netta Green, người đóng thế vai”.
“Bà Marple làm gì biết được người đóng thay là ai?”
“Giả sử bà đoán chừng thôi… nhưng tôi không hiểu sao”.
“Jane, cô nói thiệt đi cô muốn kể cho tôi nghe chuyện gì đây?”
“Một câu chuyện. Chuyện tôi vừa kể ban nãy. Dolly, người đàn bà đó chính là người cuỗm mất Claud từ tay tôi”.
Bà Bantry gật, cố nhớ lại mối tình đầu dang dở của Jane, chính là anh chàng diễn viên Claud Averbury.
“Gã cưới cô ta, lẽ ra tôi phải nói cho gã biết về sau này sẽ ra sao. Claud không biết chuyện đó, cô nàng vẫn lui tới với lão Joseph Salmon… thường đến nghỉ cuối tuần tại ngôi nhà nghỉ mát như tôi đã kể lại. Tôi muốn cô ta tự khai ra… tôi muốn cho mọi người thấy cô ta là hạng người ra sao. Bà đã rõ chưa, sau cái vụ trộm đó, mọi chuyện đã lộ rõ nguyên hình”.
“Jane!” Bà Bantry há hốc mồm. “Có phải cô đã dựng lên câu chuyện này”.
Jane gật:
“Cho nên tôi chọn vở Smith. Tôi mặc sẵn trong người bộ đồ người hầu phòng, cần là có ngay. Đến khi nghe gọi tới bót cảnh sát tôi chỉ việc nói đang diễn tuồng với người đóng vai thế tại khách sạn. Thật ra lúc đó bọn tôi đang có mặt tại nhà nghỉ mát. Tôi chỉ việc mở cửa bưng khay cocktail vô, Netta giả vờ đóng vai tôi. Sau cùng gã không còn gặp lại cô ta nữa đâu và không lo chuyện gã nhớ mặt cô ta. Tôi phải hoàn toàn lột xác giả như người hầu phòng, hơn nữa, chả có ai ra vô dòm ngó tới mấy người hầu hạ phục vụ, vì họ cũng là người bình thường. Bọn tôi chực lừa gã ra ngoài, lấy theo hộp nữ trang, gọi báo đồn cảnh sát rồi quay về lại khách sạn. Tôi không muốn cho anh chàng kia phải chịu thiệt thòi nhưng ngài Henry không nghĩ như vậy, phải không? Lúc đó tên tuổi nàng được đăng trên báo… và Claud sẽ nhìn thấy cô nàng mặt mũi ra sao”.
Bà Bantry ngồi xuống càu nhàu.
“Ôi! Đầu óc tôi muốn điên lên. Vậy là từ trước nay – Jane Helier, cô em dám lừa cả bọn tôi. Rồi đem mấy chuyện đó ra kể lại!”
“Tôi là một diễn viên có hạng”. Jane kiêu hãnh đáp. “Tôi trước sau vẫn vậy, dù ai có muốn nói gì cũng chẳng sao. Tôi chưa lần nào tự đánh lừa mình, có phải không?”
“Bà Marple nói nghe có lý”, bà Bantry lầm bầm trong miệng. “Tính cách con người. À, vâng, tính cách con người. Này Jane, cô bạn thân yêu, cô em có nghĩ là bọn trộm là chuyện nhỏ, còn cô em đây có thể bị vô tù không?”
“Vâng, nhưng chẳng có ai đoán ra được”. Jane nói.
Trừ bà Marple, nàng lại đăm chiêu nghĩ ngợi. “Dolly, thiệt tình bà có nghĩ trên đời này còn nhiều người như bà ta không?”
“Phải nói là không”, bà Bantry nói.
Jane lại thở ra.
“Dù sao cũng chớ nên liều lĩnh. Nhưng tôi còn chịu lệ thuộc Netta… sự thật như vậy. Cô ta muốn trở mặt phản lại tôi hoặc đòi tống tiền hay các thứ khác. Cô ta giúp tôi nhớ ra từng chi tiết, hết lòng vì tôi, nhưng có mấy ai hiểu được đàn bà. Không, tôi biết bà Marple nghĩ có lý. Tôi chớ nên chơi trò liều lĩnh”.
“Nhưng mà cô em đã trót liều rồi đấy”.
“Chao ôi, không phải đâu” Jane trợn trừng đôi mắt xanh “Bà chưa biết gì sao? Mấy chuyện đó chưa hề xảy ra! Tôi đang làm một cuộc thử nghiệm với kẻ vô danh, nói đại khái là vậy”.
“Tôi không dám nói hiểu được từ ngữ trong giới kịch trường”. Bà Bantry thiệt tình nói, “cô em có ý định giới thiệu một vở kịch sắp ra mắt tới đây… chứ không phải chuyện đã xảy ra”.
“Tôi định cho diễn vào mùa thu tới đây… tức là nhằm tháng chín. Giờ chưa biết phải làm gì đây”.
“Còn Jane Marple đoán chừng… đã đoán ra được sự thực nhưng không muốn nói cho bọn tôi biết”. Bà Bantry tức giận nói.
“Vì vậy nên bà ta mới nói là… phụ nữ nên đoàn kết với nhau. Bà ta không muốn tôi bẽ mặt trước mặt bọn đàn ông. Thế cũng hay. Tôi không thắc mắc chuyện bà đang nghĩ trong đầu, Dolly”.
“Vậy thì, bỏ qua chuyện đó đi, Jane. Tôi van xin cô”.
“Tôi cũng muốn bỏ”, cô Helier nói lầm bầm. “Biết đâu sẽ còn một bà Marple khác nữa…”