Hừng đông sáng chói Ngày hôm sau, vào lúc chập tối, Jean Valjean gõ cổng nhà Gillenormand. Basque, người đầy tớ tiếp ông, hỏi ông muốn lên gác hay ở dưới nhà.
– Ở dưới nhà. – Jean Valjean trả lời. – Và bước vào một căn phòng ở tầng trệt.
Một ngọn lửa đã được nhóm lên ở đây. Điều đó chứng tỏ người ta đã tính đến câu trả lời của Jean Valjean. ở lại dưới nhà.
Hai chiếc ghế bành đã được đặt ở hai góc lò sưởi. Giữa hai cái ghế bành, thay cho thảm, có trải một tấm chặn chân giường cũ, để lộ ra nhiều sợi hơn là len.
Căn phòng được chiếu sáng bằng lửa trong lò sưởi và ánh hoàng hôn qua cửa sổ..Jean Valjean đang mệt. Từ nhiều hôm nay, ông không ăn, cũng không ngủ. ông gieo mình lên một trong hai chiếc ghế bành.
Basque trở lại, đặt lên lò sưởi một cây nến đã thắp sáng, rồi lui ra. Jean Valjean, đầu cúi gập, và cằm tỳ lên ngực, không nhìn thấy cả Basque lẫn cây nến.
Bất thình lình, ông chồm dậy, như bị giật mình. Cosette đang ở đằng sau ông.
Ông không trông thấy nàng vào, nhưng ông cảm thấy nàng đang bước vào.
Ông quay mặt lại. ông ngắm nàng. Nàng thật đáng mến, xinh đẹp. Nhưng cái mà ông nhìn sâu hơn, không phải là vẻ đẹp hình thức, mà là tâm hồn.
– A, chào cha! – Cosette kêu lên. – Cha ơi, con vẫn biết cha là người kỳ cục, nhưng chưa bao giờ con chờ đợi một ý nghĩ như thế. Một ý nghĩ đến hay! Marius bảo con rằng chính cha muốn con tiếp cha ở đây.
– Phải, chính tôi.
– Con đã đợi cha trả lời. Con xin báo trước với cha rằng con sẽ cự nự với cha đấy. Thôi, hãy bắt đầu bằng chỗ bắt đầu. Cha ơi, ôm hôn con đi.
Và nàng chìa má ra.
Jean Valjean vẫn bất động.
– Cha không nhúc nhích. Con nhận thấy ở cha thái độ của kẻ phạm tội. Nhưng, cũng được, con tha thứ cho cha. Jésus Christ đã nói: Hãy chìa má kia ra. Thì đây cha.
Và nàng chìa má kia ra.
Jean Valjean không động đậy. Có vẻ như chân ông bị đóng đinh xuống nền đá lát.
– Sự việc trở nên nghiêm trọng rồi. – Cosette nói. – Con đã làm gì cha nào? Con xin tuyên bố là con giận cha đấy. Cha sẽ phải làm lành với con. Cha ăn tối với chúng con chứ?
– Tôi ăn tối rồi.
– Không đúng. Con sẽ nói để ông Gillenor-mand quở trách cha. Các người ông được tạo ra là để mắng mỏ các người cha. Nào, cha hãy lên phòng khách với con, ngay lập tức.
– Không thể được.
Đến đây thì Cosette đành lùi bước một chút.
Nàng không ra lệnh nữa, mà đặt câu hỏi.
– Nhưng tại sao chứ? Sao cha lại chọn cái phòng xấu xí nhất nhà để gặp con. ở đây, thật khủng khiếp..- Con biết đấy…
Jean Valjean chữa lại:
– Bà biết đấy, thưa bà, tôi vốn đặc biệt, tôi có những ý ngông của tôi.
Cosette vỗ hai bàn tay bé nhỏ của mình.
– Thưa bà!… bà biết đấy!… vẫn còn cái mới!
Thế nghĩa là thế nào à?
Jean Valjean nhìn nàng với một nụ cười ngao ngán mà đôi khi ông dùng đến.
– Bà đã muốn làm bà. Bà đang làm bà đấy thôi.
– Không phải đối với cha, cha ạ.
– Bà đừng gọi tôi là cha nữa.
– Thế nào?
– Hãy gọi tôi là ông Jean. Jean thôi, nếu bà muốn.
– Cha không là cha nữa ư? Con không còn là Cosette nữa ư? ông Jean? Thế nghĩa là thế nào? Thưa cha, cái đó thế là cách mạng đấy! Đã xảy ra việc gì vậy? Cha hãy nhìn vào mặt con một chút. Cha không muốn ở với chúng con! Và cha không muốn đến phòng con! Con đã làm gì cha? Vậy là đã có chuyện gì?
– Chẳng có gì cả.
– Thế thì thế nào?
– Mọi chuyện vẫn bình thường.
– Tại sao cha lại đổi tên?
– Chính bà cũng đã đổi tên rồi.
Ông lại mỉm cười, vẫn nụ cười ấy, và nói thêm:
– Vì bà là bà De Pontmercy, tôi cũng có thể là ông Jean.
– Con chẳng hiểu gì hết. Tất cả những cái đó là ngớ ngẩn. Con sẽ xin phép chồng con được gọi cha là ông Jean. Con mong rằng anh ấy sẽ không đồng ý. Cha làm con rất khổ tâm. Người ta có thể ngông, nhưng người ta không nên làm cho con bé Cosette của mình đau khổ. Thế là xấu. Cha không có quyền được ác, vì cha vốn là người tốt!
Ông không trả lời.
Thế là nàng nắm ngay lấy hai bàn tay ông, và, bằng một động tác không ai cưỡng lại được, đưa chúng lên mặt mình, áp chúng vào cổ mình, vào cằm mình, đó là một cử chỉ âu yếm sâu sắc.
– Ồ! – Nàng bảo ông. – Cha hãy tốt như trước đi!
Rồi nàng nói tiếp:.- Con gọi là tốt là như thế này: sống thoải mái, dọn đến ở đây, ở đây cũng có chim như ở phố Plumet, sống với chúng con, rời bỏ cái hố ở phố Homme-Armé, không bắt chúng con phải đoán những câu đố, sống như mọi người, ăn tối với chúng con, là cha của con.
Ông gỡ tay nàng ra.
– Bà không cần đến cha nữa, bà có một người chồng rồi.
Cosette phát cáu.
– Con không cần đến cha nữa! Những điều ấy thật trái lẽ thường, thực quả, con chẳng biết nói thế nào nữa!
Rồi, đột nhiên nghiêm nghị, nàng chằm chằm nhìn Jean Valjean, và nói thêm:
– Vậy là cha không bằng lòng vì thấy con được sung sướng ư?
Đôi khi, sự ngây thơ, không ngờ, lại thấm vào rất sâu. Câu hỏi ấy, giản dị đối với Cosette, lại sâu xa đối với Jean Valjean. Cosette đang muốn cào cấu, nàng đang giằng xé.
Jean Valjean tái mặt. ông im lặng một lúc, không trả lời, rồi, bằng một giọng khó diễn tả và tự nói với chính mình, ông lầm rầm:
– Hạnh phúc của con, đó là mục đích của đời cha. Đến giờ, Chúa có thể ký cho cha ra đi.
Cosette, con đang sung sướng, thời của cha đã hết.
– A! Cha đã gọi con bằng con! – Cosette reo lên. Và nàng nhảy lên bá cổ ông.
Jean Valjean cuống quýt, ghì nàng vào ngực mình, như mê mẩn. ông thấy gần như đã lấy lại được nàng.
– Cảm ơn cha! – Cosette nói với ông.
Sự lôi cuốn sắp trở nên xót xa với Jean Valjean. ông nhẹ nhàng rút khỏi vòng tay Cosette, và cầm lấy mũ.
– Tại sao thế? – Cosette nói.
Jean Valjean trả lời:
– Thưa bà, tôi xin tạm biệt, người ta đang đợi bà.
Và từ ngưỡng cửa, ông nói thêm:
– Tôi đã gọi bà là con. Bà hãy nói với chồng bà rằng điều đó sẽ không trở lại nữa. Hãy tha thứ cho tôi.
Jean Valjean đi ra, để lại Cosette sửng sốt vì lời vĩnh biệt khó hiểu đó..Ngày hôm sau, cũng giờ đó, Jean Valjean lại đến.
Cosette không đặt câu hỏi nữa, không ngạc nhiên nữa, không kêu lên rằng mình thấy lạnh nữa, không nói đến phòng khách nữa. Nàng tránh nói cha, cũng không nói ông Jean. Nàng tự để mình nói tiếng ông. Nàng để cho ông gọi mình bằng bà. Có điều là nàng hơi kém vui. Đáng lẽ nàng phải buồn, nếu như nàng có thể buồn được.
Chắc là nàng đã có trò chuyện với Marius, và người đàn ông được yêu đã nói điều mình muốn, đã không cắt nghĩa gì cả, và đã thỏa mãn người đàn bà được yêu.
Trong tất cả những ngày tiếp theo sau đó, cũng vào giờ đó, Jean Valjean vẫn đến. Ngày nào ông cũng đến, theo đúng nghĩa đen những lời nói của Marius mà không đủ sức để hiểu một cách khác những lời nói đó. Marius sắp xếp để không có mặt trong những giờ Jean Valjean đến.
Cả nhà đã quen với cung cách mới của ông Fauchelevent. Toussaint giúp ông trong việc này.
“Xưa nay, ông vẫn như thế”, mụ nhắc đi nhắc lại. Người ông ban hành sắc lệnh này:
– Đó là một người kỳ quặc.
Và thế là không còn gì để nói nữa.