Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron cất chòi mà nương náu không biết từ bao nhiêu niên kỷ rồi. Tóc của ông lốm đốm bạc, khi thì thả dài xuống khỏi lưng quần. Khi thì bới thành búi to sau ót, gài lại bằng một cọng gai kim quít. Một bộ quần áo nghĩ cũng hơi dư mặc đối với ông! Nhiều khi năm ba tháng liên tiếp ông phơi lưng trần với nắng, bên mốy gốc săn đá cổ thụ, lá cành xơ xác vì những cơn gió triền miên của biển khơi. Khi trời nực thì có những khe suối trong veo đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động bay lên chập chờn như muốn rời mấy nhánh mai hoằng lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mí nước… Hôm nào vui cho bằng hôm mười bốn, hôm rằm! Ông Tư Thông ra sau rầy, đào lên củ khoai môn to lớn, đem luộc chín. Ngồi trên vồ cẩm thạch. ông chậm rãi ăn buổi chiều, thỉnh thoảng rứt từ miến khoai, thảy xuống nước. Loài cá nhỏ bu lại nhởn nhơ mỗi con khoe một vẻ riêng. Tận dưới đáy biển, loại sò, loại ốc, loại nhúm đáng há miệng, le lưỡi bò chậm chạp trên nền đá tím nổi gân vàng, trên nền đá vàng nỗi gân trắng. Hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới nước ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp lánh như gấm. Ðêm về, trăng mọc. Nơi thủy cung rộn rịp nào kém chốn trần gian! Từng đợt rong chìm lững lờ mơn trớn, khoác thêm lớp xiêm lụa mỏng cho bầy cá hướng. Và muôn vì sao trên dải Ngân hà sa xuống đậu lấm tấm khắp nhánh san hô trắng bạc.
Ở hòn Cổ Tron giữa vời vịnh Xiêm La này, ông Tư Thông cơ hồ quên cả loài người và loài người cũng hầu như quên rằnh mình có một đồng lại ở ngoài mỏm đá chơi vơi kia. Ðiều ấy, chúng ta không nên trách ai cả, chẳng qua là… hải giác thiên nhai. Không lẽ ông phải vượt bốn mươi cây số đường biển để tới công sở Lại Sơn, bên Hòn Rái mà trình diện. Chính quan chủ quận Châu thành Rạch Giá còn ngán đi kinh lý đến làng Lại Sơn! Từ dinh quận của ông đến công sở làng ít nhứt cũng là năm chục cây số đường hải đạo mênh mông sóng cồn. Mấy chiếc “ca nốt” oai hùng trong sông rạch chỉ là cái vỏ trứng vịt giữa biển. Nhà nước thuộc điạ nào chú ý đến việc cung cấp tàu đồng, tàu sắt để quan chủ quận đi cai trị dân! Không lẽ ông quận lại cưỡi ghe bầu hằng trăm cây số. Vả lại ghe bầu nào phải như chim trời mà bay thẳng một dường ngay. Ghe chạy theo đường gày. Ngoài biển khơi, đường gãy là đường gần nhất giữa hai điểm cách nhau; cái khoảng gần trăm cây số trên kia kéo dài gấp ba, gấp bốn.
Năm ấy, tháng ấy, ngày ấy… ông Tư Thông bỗng nghe chút gì băn khoăn, rạo rực trong lòng ông và ở ngoài đời. Từng đàn chim sắc đen ngòm như bầy quạ bay lượn quanh hòn Cổ Tron, rú lên, rít lên, lắm lúc như toan đáp xuống, đột nhiên đảo ngược, đi thẳng một mạch khuất trong mây khói.
– Bữa nay họ làm cái gì vậy cà?
Ông Tư Thông hối hả trèo lên chót đá mà ngóng. Hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc không có gì lạ. Duy có hướng Ðông: kìa, sừng sững dưới ánh nắng mai năm ba hòn đảo nhô lên, những hòn đảo mới lạ. Ông trố mắt liên tưởng đến phép duồi non lấp biển rất nhiệm mầu của tay Thợ Trời khéo léo. Không thể lầm lẫn được! Hồi nào đến giờ, ông rất sành sỏi về vị trí mấy hòn đảo nhỏ án ngữ chung quanh đây. Từ hòn đảo mới nổi ấy, một đốm trắng người, một chiếc “ca nốt” rồi hai chiếc, ba chiếc đang rẽ sóng chạy phăng lại nơi ông đang ở. “Tự năm bảy năm nay, mình chưa mất lòng một con sâu, một con kiến, không lẽ bây giờ có kẻ báo oán mình? Oán nào đã gây ra mà báo?”. Nghĩ vậy, ông trở xu61ng chân hòn sát mé biển, chờ đợi.
Chập sau, mấy chiếc “ca nốt” xáp gần bờ; họ đưa tay ngoắc ông.
Người Việt Nam nọ lên tiếng:
– Ông già! Lại đây quan lớn hỏi.
Ông Tư Thông nhìn năm sáu người mặc võ phục trắng đứng gần thầy thông ngôn.
Mốy người mặc võ phục nói ríu rít. Ông đoán đó là “tiếng Tây”…
– Ông già! Ðây là Bu Lô Ða Ma?
Ông đáp:
– Dạ không biết. Nó là hòn Cổ Tron. Chung quanh đây là mười hòn nhỏ khác. Khônhg có nơi nào kêu là hòn Ða Ma…
– Vậy thì nó là hòn Nam Du. Trong bản đồ ghi rõ đường hoàng. Ông nói kỳ quá!
Ông Tư Thông lắc đầu:
– Dạ, lời thật khai ngay. Tôi không biết. Xung quanh đây là hòn Mẫu, hòn Dài, hòn Cổ Sơn, hòn Móng Tay.
Chập sau, thầy thông ngôn mới đồng ý:
– Ðúng vậy, Bu Lô Ða Ma hoặc hòn Nam Du là tên theo sách chữ nho, theo nhà binh. Hòn Cổ Tron là tên tục của nó. Nè ông lão! Quan lớn ra lịnh như vầy…
– Bẩm thầy, quan lớn là người của nước nào, tôi chưa rành.
– Ông giỡn sao chớ? Hay là ông ngủ mê? Cỡ này, nhà nước thuộc địa Tây đánh với nước Xiêm.
– Bẩm thầy, đánh ở đâu? Tôi chưa được am tường.
– Ðánh tại nước Cao Miên. Ðánh luôn tại Bu Lô Ða Ma tức là cái hòn Cổ Tron này.
Ông Tư Thông cau mày:
– Mô Phật. Cầu xin Phật Trời…
Thầy thông ngôn đắc ý:
– Không sao đâu! Hễ làm con dân thì phải gánh vác nghĩa vụ. Quan lớn muốn biết hổm rày có tàu bè lạ nào chạy tới đây do thám không?
– Dạ, không thấy.
– Hòn này bao nhiêu dân đinh?
– Bẩm thầy, có một mình tôi thôi. Còn mấy hòn gần đây, tôi không rành. Chắc là năm bảy người, toàn dân “An Nam” mình.
– Ðược, thôi bây giờ quan lớn muốn ông kiếm dùm trái cây, nước ngọt. Rồi quan lớn cho chút ít tiền… Thời buổi này ông nên xài phí. Việc sống chết bất thường lắm.
Có lẽ sợ ông Tư Thông trốn luôn trên chót hòn nên thầy thông ngôn đi theo sát bên ông, sẵn sàng giúp ông quảy mớ chuối, mớ mít. Trước lạ sau quen, ông Tư Thông hỏi dọ sơ qua về tình hình trong bờ:
– Trận giặc này không biết dân “An Nam” mình hao nhiều không thầy?
– Hỏi làm chi vậy? Ở đây yên thân già của ông rồi. Nghe nói dân miệt Hốc Môn, miệt Long Hưng… nhộn dữ lắm. Tây không muốn nói chuyện đó.
Một mối buồn len vào tâm não ông Tư Thông. Ông nghe gió thổi bốn bề, lạnh lùng. Lương tri như rực sáng nhắc nhở ông món nợ gì đối với đồng bào, giang sơn. Không giúp nước được thì ít ra ông cũng cần biết những gì xảy ra đau buồn trong nước. Cây có cội. Nước có nguồn. Chi có tổ. Cá có hang. Ðôi mắt già của ông Tư Thông ngẩn ngơ nhìn muôn lớp sóng cồn. Chân trời u ám, mấy đám mây tang bay thấp là đà… Ông hổ thẹn, tủi bấy phận mình không bằng con đỗ quyên đêm hè kêu khắc khoải.
Thầy thông ngôn nói ta khiến ông giựt mình:
– Quan lớn đi về. Ông muốn xin điều gì, vật gì không? Ổng tử tế lắm.
Ông Tư Thông chắp hai tay ra vể cung kính:
– Tôi muốn vô trong đất liền, miệt Rạch Giá hay Cà Mau gì cũng được để thăm bà con. Nhờ quan lớn cho giấy phép chớ thời buổi chiến chinh này… Tôi không có giấy thuế thân, hồi nào tới giờ.
Vị quan hải quân gật đầu. Thầy thông ngôn viết lia lịa rồi vị quan ký tên. Ông Tư Thông cầm miếng giấy thông hành hộ mạng nọ, vô cùng mừng rỡ:
– Chúc quan lớn đi bình yên. Mà… Quan lớn chạy “ca nô” về đâu?
Thầy thông ngôn nói:
– Về tàu lớn. Mấy chiếc tàu binh… của tôi sơn có vằn có vện. Ông không thấy sao? Họ sơn tàu lại cho giống cái hòn giữa biển. Hồi sáng tụi tôi bỏ ống dòm thấy rõ ràng ông đứng trên chót hòn này. Nhờ vậy mà ôn gkhỏi bị bắn. Ban sơ, quan lớn tưởng đâu hòn này là chiếc tàu binh của kẻ nghịch. Ông hiểu chớ?
o O o
Chưa vô tới bờ chợ Rạch Giá là ông Tư Thông cảm thấy cuộc đời đảo ngược, từ địa vị hoàn toàn tự do đến chỗ mất tự do. Ông trung thành với đất nước nhưng có sao đất nước đối xử với ông quá bạc bão, ghẽ lạnh? Từ hòn Cổ Tron, ông quá giang tàu buôn Hải Nam đi một mạch tới hòn Tre, nhờ chiếc ghe câu kiều đưa vào chợ. Dè đâu tàu của sở “đoan” xét hỏi. Miếng giấy thông hành nọ bị hồ nghi là giả mạo vì không có đóng mộc, vì đương sự không có giấy “lão” chứng tỏ rằng tên họ của mình đúng như trong giấy phép. Tàu “đoan” chở ông về giao cho ông cò Tây, Giam giữ ông được hai ngày, ông cò phú nội vụ qua dinh quận. Ông quận vốn là người mộ đạo Phật nên cho phép ông Tư Thông được tự do đi dạo chợ. Ông Từ Thông bày tỏ lý do:
– Dầu muốn trở về hòn Cổ Tron, không dẽ gì kiếm được ghe xuống mà quá giang. Gió thổi Nồm rồi. Phải chờ mùa Bấc…
Dạo chợ mấy buổi, ông Tư Thông phát chán. Cầm mấy cắc bạc (của ông chủ quận cho) ông không biết nên mua sắm, ăn uống những gì. Rốt cuộc, ông mua tiền xu khoai môn mà ngồi ăn ngon lành nơi góc chợ. Còn dư, ông vào tiệm hàng xén mua nhang đèn cầy để về cúng bà Chúa Hòn mặc dầu ngoài hòn không có chùa miễu gì cả. Ông cũng thích chí sực nhớ lại mua vài cây kim, nửa cân đường cát trắng.
Nhiều lần quan chủ quận viết thư qua bót ông cò hỏi thăm nhưng không được sự giải quyết nào dứt khoát. Chẳng lẽ giam giữ ông Tư Thông mãi mãi? Nhìn vào bản đồ vịnhy Xiêm La, ông quận nảy sanh ý kiến:
– Hòn Cổ Tron tuy thuộc quận Châu Thành nhưng nằm gần phía làng Ðông Hưng, quận An Biên. Ngày năm tây tháng tới, ta đón thầy xã trưởng Ðông Hưng mà gởi ông đạo này.
Rừng của làng Ðông Hưng âm u quá, khó mà nhìn ra xa quá vài công đất để tìm lại chân trời; chạng vạng là un khói lên, không như hồi ở ngoài hòn Cổ Tron, hồi ông ngủ trần không cần mùng mền. Thầy xã trưởng giao trách nhiệm gìn giữ ông cho thầy hương quản. Thầy hương quản lại đổ gánh nặng ấy cho người em vợ là hương tuần Hay.
Người giam giữ và người bị giam giữ lần hồi cảm thông nhau. Chú hương tuần lo đặt rượu đế. Ông Tư Thông đi cắm câu, kiếm “mồi” về nhậu.
– Ở đây vui quá phải không?
Ông Tư Thông gất gù:
– Không được vui lắm. Coi bộ bà con mình nghèo hơn ở ngoài hòn Cổ Tron của tôi. Áo quần không có. Mình mẩy bị ghẻ khuyết ăn lở lói thâm niên. Nhà cửa xiêu vẹo, nay ở mai dời… Chắc là tại giặc Xiêm.
Hương tuần Hay trả lời:
– Giặc đâu không thấy. Người ta đánh mà mình chịu cực mới đau thương cho chớ!
– Buồn quá, chú hương tuần à.
– Hơi đâu mà buồn. Xứ này chịu cảnh này không biết tự hồi nào, từ hồi chưa có giặc Xiêm lận. Riết rồi quen, yên tịnh.
Ông Tư Thông thích chí:
– Thì ở ngoài hòn Cổ Tron của tôi, tứ bề sóng gió nhưng mà cũng yên tịnh. Cớ sao? Vì chung quanh có hàng chục hòn khác án ngữ. Tôi là người chạy giặc, vô trong đất liền này thăm bà con… Nhưng mà cũng yên tịnh. Nhờ bà con thương tình.
Ngày tháng trôi qua đều đều. Hôm ấy không nhớ rõ hôm nào, thầy hương quản đọc báo Lục Tỉnh Tân Văn biết được tin trận giặc Xiêm đã chấm dứt. Tây và Xiêm dường như thủ huề. Thầy tự ý ra lịnh trả tự do cho ông Tư Thông.
Ông Tư Thông ngạc nhiên:
– Tôi bị giam hồi nào?
– Ông chủ quận biểu tôi giữ ông lại để làm tù binh, chờ mãn giặc mới thả ông về Cổ Tron.
– Về thì về, không sao đâu – ông lẩm bẩm.
Thầy hương quản hỏi:
– Hồi bị giam, ông có đồ đạc gì bị tịch thâu không? Tôi kêu nài giùm.
– Vài ốp nhang, đèn cầy, kim may quần áo, đường cát trắng… Nhưng mà thôi. Ở ngoải, dầu không có mấy thứ đó… Nhưng cũng như có.
Gặp dịp thuận tiện, thầy hương quản tìm ghe cho ông quá giang ra hòn Sơn Rái.
Ông ra đi, hơi buồn.
Dư luận trong xóm nổi lên bàn tán. Người cho rằng ông muốn truyền bá một thứ tôn giáo mới, thí dụ như “Ðạo Tịnh” bằng cớ là ông ưa nói hai tiếng yên tịnh. Kẻ khác hồ nghi rằng ông ở Côn Nôn thả bè vượt ngục trốn về.
– Nè cha nội sành sỏi lắm! Cây đèn “măng sông” của Chệt Kỵ hư “béc” đốt khôg chấy, vậy mà cha nội sửa lại được trong nhấp nháy…
Lại còn nhiều giả thuyết khác ác độc hơn, cho rằng ông thường lân la mấy nhà có đàn bà góa, gái tơ, vân vân…
Nhưng thời gian là vị trạng sư hùng biện nhứt thanh minh cho ông Tư Thông. Dư luận bất chánh bị đánh tan, lãng quên. Kỷ niệm lần lần trở nên trong sáng, tươi đẹp. Chiều chiều, khi ra bờ biển để câu cua, đẩy xịp, người ta nhớ ông Tư Thông như nhớ một cái vỏ ốc xà cừ ngũ sắc tấp vào bãi bùn. Như nhớ vài trang sách Phong Thần tình cờ lượm được trong ngăn tủ bỏ quên, những trang sách rách nát hơi khó hiểu vì thiếu hồi thứ nhứt và không có hồi sau phân giải.