Ở đâu động dao, động thớt là có ông thầy Quít tới. rượu uống ngà ngà, ông vỗ ngực, xăn tay áo mà nói trong buổi tiệc:
– Bà con ở đây không ai biết phát cỏ cho ra hồn, tôi chắc như vậy.
Có người bực tức, hỏi:
– Ra hồn nghĩa là sao? Anh em tụi tôi đây cứ phát đều đều mỗi ngày một công. Sao Mai mọc, đâm mây ngang là ra ruộng. Mặt trời lên hai sào, tụi tôi vô nhà xong việc nằm nghỉ.
Thầy Quít nhướng mắt:
– Tôi phát ba công trong khoảng thời gian đó. Phát lẹ bằng ba lần. Ðó là buổi tôi làm biếng. Nếu siêng thì mỗi ngày tôi phát sáu công liên tiếp, không cần ăn cơm trưa.
– Thiệt hay chơi đó? – Có người hỏi.
Ông đáp:
– Nói dóc làm gì? Tôi còn ở xóm này chơi vài tháng nữa mà. Anh em hồ nghi, tội nghiệp tôi. Không lẽ già rồi mà tôi còn mang tật nói dóc, để tiếng xấu cho đời sau.
– Chúng tôi nào dám. Chỉ e đó là chuyện hồi ông còn trẻ. Bây giờ sức ông yếu nhiều rồi.
Thầy Quít dĩu giọng:
– Hồi trai trẻ, trái lại tôi phát cỏ chậm hơn lúc về già như bây giờ. Hồi đó là tay ngang, bây giờ tôi là kẻ đắc đạo. Phát cỏ là một thứ đạo ích lợi cho sanh linh, nòi giống. Ðạo là phép mầu nhiệm. Chẳng hay bà con mình muốn học không?
Ai nấy trố mắt nhìn nhau. Hồi nào tới giờ nghe nói đạo Phật, đạo Lão, Khổng, Mạnh… chớ nào ai nghe “Ðạo phát cỏ”. Bấy lâu, xóm này và các xóm kế cận đều phát cỏ theo cách của ông bà truyền lại. Nghĩa là chém cho cây phãng chạy dài dưới nước; phãng chạy tới đâu, cỏ đứt tới đó. Cùng lúc ấy, tay trái quờ cù nèo, gạt mớ cỏ bị hạ qua một bên cho trống trải mặt nước. Rồi thì bước tới, dở ngọn phãng lên, chém xuống pháp phãng thứ hai… Cứ như vậy đến lúc không còn cụm cỏ nào trong công đất… Nghĩ cũng nặng nhọc, phí sức; đàn bà ít ai phát cỏ nổi. Mặc dầu phát rồi, về trước giờ ngọ nhưng ai nấy mệt nhoài, mình mẩy rêm nhức, có người uống rượu thuốc để lấy sức ngày mai… Hôm nay nghe thầy Quít bàn đến Ðạo phát cỏ, xem phát cỏ như một phép mầu nhiệm, ai lại không mừng? Họ mừng nhưng còn nghi ngờ, e nãy giờ thầy Quít nói quá lời, vì quá chén.
Nhưng càng uống rượu, thầy Quít càng tỉnh táo. Thầy nói:
– Ai muốn thọ giáo? Tôi sẵn sàng làm công việc ích lợi đó giúp bà con. Tôi nào thọ tiền bạc nhiều. Chỉ cần một con gà giò để cúng tổ. Vậy thôi!
Một con gà đáng giá là bao, nhà nào mà không nuôi sẵn! Ai nấy mừng rỡ, thấy trước mặt một viễn ảnh vô cùng tốt đẹp: Bao nhiêu đất hoang của rạch Thuồng Luồng sẽ biến thành biển lúa vàng trong ngày rất gần. Mỗi mùa, thay vì dành ba chục ngày mà phát cỏ, giờ đây nhờ phép màu của thầy Quít, họ chỉ cần ra sức bốn năm ngày là xong chuyện. Mấy mươi ngày còn lại, họ tha hồ đờn ca vọng cổ, hoặc đá cá lia thia. Ai siêng thì cứ phát thêm, phát mau lẹ hàng trăm công. Chị em phụ nữ tha hồ mà cấy, mà hò hát huê tình, đối đáp. Chốn thần tiên âu cũng như chốn này!
Nhìn vẻ mặt vui tươi của mọi người, thầy Quít cũng vui lây. Vốn từng ngao du, giao thiệp nhiều nơi, thầy tỏ ra khá rành về tâm lý để thâu phục nhân tâm.
– Ngày mai này, tôi đích thân ra ruộng phát cỏ cho anh em coi thử. Anh em cứ chọn người nào phát giỏi nhứt ở đây để thi tài với tôi. Tôi chấp họ phát trước tôi nửa công; tôi phát sau nhưng nhất định rồi trước.
o O o
Thầy Quít làm đúng điều đã nói. Xóm riềng không ngớt tán tụng:
– Giỏi quá. Hôm qua, ổng phát một công đất không đầy một giờ đồng hồ.
– Rõ ràng thầy Quít có phép mầu “Chém hai dao tầm rưỡi có dư” như lời tục thường nói. Thầy hạ ngọn phãng xuống một cái, tức thì một vùng đất trên hai thước rưỡi bề dài phải sạch sành sanh, cỏ ngả liệt.
Xóm Thuồng Luồng vốn hâm mộ nhân tài. Họ mời thầy Quít về nhà ngủ trên vàn gõ, trải chiếu bông đàng hoàng. Nội một buổi chiều, hơn một chục người đến kính cẩn xin thọ giáo.
Thầy nói:
– Tôi có tội lớn với tổ, tôi phụ lòng anh em nhiều quá. Số là xưa kia, thầy tôi lúc lâm chung trối lại: con đừng lấy việc truyền nghề mà làm sanh kế. Như vậy lần hồi con trở thành lười biếng khác chi lũ người xôi thịt. Con thương thầy thì ra sức phát cỏ mướn như mọi người. Ngồi không… sanh bất thiện.
Người nghe bèn thở dài:
– Như vậy làm sao chúng tôi học được? Anh em muốn ông nán lại chơi vài tháng. Khoảng thời gian đó, tiền bạc đâu để ông hút thuốc ăn trầu? Làm thế nào giúp ông được bây giờ?
Sau giây phút trầm ngâm, thầy Quít đáp:
– Nhờ anh em cho tôi lãnh trước chút ít tiền mai mốt tôi phát cỏ trừ lại. Như vậy tôi ở đây mãn mùa, sớm chiều ra ruộng làm lụng với anh em cho vui; luôn tiện giúp anh em vài bí mật trong… Ðạo. Còn việc truyền phép, tôi hứa chọn một đệ tử trong đám thanh niên trai tráng trong xóm này. Cần nhất là cậu trai đó phải thành tâm, trì chí để chịu đựng một cuộc thử thách lâu dài. Thánh nhơn gọi như vậy là “tử công phu”, thứ công phu khó nhọc khiến cho con người bạc tóc, nhăn trán…
Bà con cho thầy Quít lãnh trước tiền phát cỏ. Người này nhờ thầy phát dùm bốn công, người kia ba công, người nọ năm công… Nhờ vậy, thầy thủ được món tiền ăn xài dư dả.
Thằng Liệu lấy làm hân hạnh được thầy chọn làm đệ tử. Nó thức suốt đêm, mừng không ngũ được. Hôm sau thầy Quít gọi nó ra ngoài trại ruộng giữa đồng, ở chung với thầy. Ðoán trước nỗi ngạc nhiên của nó, thầy nói:
– Mình phải xa lánh mới được. Ở chốn đông người. Ðạo bị hoen ố vì lắm kẻ tò mò.
Cứ buổi sáng, thằng Liệu nấy nước pha trà. Trưa lại, nấu cơm mua rượu về cho thầy. Nó làm tất cả công việc đó với tầm lòng thành kính, còn hơn đối với cha ruốt. Suốt ngày ngoài việc ăn uống, thầy Quít nằm lim dim đôi mắt, nửa thức, nửa ngủ… Ban đêm, thầy bảo nó đốt nhang cắm bốn phía trại. Thỉnh thoảng, thầy trở vào xóm. Ấy là lúc ai cũng mừng rỡ xúm nhau đặt thêm tiền để thầy phát cỏ cho. Về trại ruộng, thầy mang theo nào gà, nào rượu và một túi tiền khá đầy.
Trong xóm, vài người tò mò. Ban đêm, họ lội bì bõm ra trại nhưng không dám lại gần, e thầy biết mà có tội. Họ thấy… bốn ngọn đèn cây xanh lè. Trong bóng tối, ghê rợn làm sao! Thấp thoáng, bóng dáng thầy Quít và thằng Liệu đi qua đi lại, co chân co tay, quơ tới quơ lui, nhảy nhót bên tả bên hữu. Dường như cả hai đều ở trần. Gió thổi từng cơn hù hù qua đòng cỏ. Lưng thằng Liệu ướt loang loáng, phải chăng vì quá tập dượt mà tháo mồ hôi? Lâu lâu thầy Quít ngồi xuống. Người đi xem ngoài này lắm khi thấy lạnh xương sống vì mấy ngọn đèn xanh lè bên trong kia vụt tắt hết… Rồi chày lên hai ngọn, ba ngọn, bốn ngọn… Rồi tắt bớt một ngọn. Ðột nhiên, cánh liếp che kín lại. Bên trong nổi lên tiếng sắt đá chạm nhau rổn rảng, khi thưa khi nhặt, rít lên trầm xuống. Như tiếng thợ rèn đập sắt, như tiếng mài dao của anh đồ tể sửa soạn thọc huyết heo.
Ðèn trong trại ruộng lần lần tắt hết. Ngoài này, họ lủi thủi bước về, chân không dám lội mạnh, e thầy Quít nghe được. Họ rủ nhau đi rình như vậy một ngày, hai ngày, ba ngày… riết rồi sanh chán, nhứt là khi mưa dầm, đường về trơn như thoa mỡ, gió lạnh buốt xương.
Cỡ này, rằm tháng sáu rồi! Lệ thường, mọi năm khi thầy Quít chưa đến truyền phép… phát cỏ mầu nhiệm, họ đã dọn cỏ xong xuôi, có đâu như năm nay khắp đó đây cỏ dại còn tha hồ vươn lên đầy bịt khỏi đầu người, phải dùng tay mà rẻ để tìm lối đi vất vả.
– Chừng nào mới dọn đất để cấy?
Mổi người đều tự hỏi như thế và mỗi người đều tự trả lời:
– Phải nhờ thầy Quít. Thầy ra tay một vài buổi là xong. Mình đã đặt cọc tiền cho thầy rồi mà.
Nhưng họ cảm thầy không được yên tâm! Thầy Quít đâu phải lãnh tiền trước của một đôi người. Khắp xóm Thuồng Luồng, lai rai đâu cũng có thân chủ của thầy. Từ Bây giờ đến cuối thánh, hơn mười ngày nữa, liệu thầy có phát xong… trên trăm công đất! Họ ra tận trại ruộng, xin yết kiến thầy để tỏ bày nỗi thắc mắc đó. Thầy vươn vai, đáp một cách tỉnh táo:
– Ối! Bà con hơi đâu mà lo xa! Bà con nhắc nhở tôi như vậy thật là chí lý. Ngặt hổm nay tôi cầu tổ chưa được. Một khi tổ về nhập vào xát tôi, bà con phải biết; tôi phát cỏ như người lên đồng, lên bóng, phát tối ngày không mõi. Hai ba đêm rồi, tôi “đi thiếp” xin tổ về gấp. Tổ chưa về, chỉ có vậy thôi.
o O o
Chủ tọa tối cao là thầy phó hương quản. Nhà ông hương ấp bỗng nhiên trỡ thành nơi nhóm họp, xử một vụ án quan trọng.
Tiên cáo là hầu hết dân chúng rạch Thuồng Luồng.
Chánh phạm là thầy Quít. Nhưng khiếm diện, vì đã bôn tẩu trong đêm rồi.
Thằng Liệu — đồ đệ của thầy – bị khép vào tội đồng lõa. Nó quỳ xuống lạy, khóc sướt mướt, kêu oan. Nhờ sự can thiệp của mấy ông kỳ lão nên nó khỏi bị tát tai, đấm đá. Chập sau, thầy phó hương quản mở trói cho nó. Nó khai đại khái như sau:
– Ổng cuốn gói hồi nào, tôi không hay. Chừng sáng ra thức dậy mới biết.
Thầy phó hương quản cười:
– Phải hay trước thì mày đã cuốn gói theo ổng luôn rồi. Ổng có chia tiền cho mày xài không?
– Dạ không. Mấy lần mua gà vịt về, ổng với tui ăn chung, nhưng mà gan, mề, đùi, ổng hưởng hết… Còn bụng gà, xương cẳng… về phần tui.
– Ổng dạy mày phép gì?
– Dạ ban đầu thì cắt cổ gà để cúng tổ. Ổng nói: “Coi máu gà phun ra kìa! Mai chiều, nếu mày đem sự bí mật trong nghề mà nói lại với người khác thì ngọn phăng ăn vô chưn mày, máu phun ra như vậy đó”. Năm ba bữa sau, ổng lấy thước tây đo dưới đất, vuông vức mỗi cạnh là một thước. Bốn góc hình vuông đó, ổng thắp bốn ngọn đèn cầy. Ban đêm, đốt đèn lên, ổng đưa cho tôi một cây sậy dài chừng chín tấc mà nói: mày cầm cây sậy mà quơ mạnh, như cầm phãng pháp cỏ. Phải làm sao khi quơ một cái thì hơi gió khiến bốn cây đền cầy tắt một lượt.
Thằng Liệu nói tiếp:
– Thẩy nói mỗi công ruộng là một ngàn thước vuông, mình tập phát mỗi lát dao chém trọn một thước vuông. Vài bữa sau, thẩy khen tôi rồi dạy mấy câu thiệu sau đây: Tấn bộ chữ đinh. Tay vươn cánh ó, Chưn trái đá gió. Linh kiếm hạ liền… Còn dài lắm, phần sau chưa dạy là thẩy trốn.
Thầy phó hương quản vỗ bàn:
– Cây phăng mà kêu bằng linh kiếm. Thằnh này gan thiệt. Nó muốn làm giặc sao chớ? Ngòai chuyện phát cỏ nó còn nói chuyện gì khác không? Mày khai gian tao đóng gông bây giờ. Ðủ bằng chứng rồi! Bắt được ổng tao cũng đóng gông luôn.
Thằng Liệu ấp úng:
– Cách đây vài ngày, thẩy khoe với tôi rằng “Sư tổ” hồi xưa phát cỏ giỏi lắm, truyền tới thẩy đây là bốn đời. Ðạo lần lần bị ố. Thẩy phát chơi một buổi chớ không bao giờ phát ngày này qua ngày kia, niều và lẹ như vậy được. Sự tích hồi xưa, người Mông Cổ xâm chiếm nước Tàu…
– Lập nhà Nguyên, Phải! Thầy Quít nói gì mà người Mông Cổ? Lạ quá!
– Thẩy nói người Mông Cổ hồi còn nghèo, lang thang trên yên ngựa thì siêng năng, mạnh khỏe. Ðến chừng chiếm được cung điện nước Tàu, họ ăn no ngồi một chỗ, mặc áo gấm. Việc cầm cung lên ngựa, họ xao lạng nên trở thành bạc nhược, gân cốt không còn dẻo dai. Tới sau, họ bị Châu Hồng Võ đánh bại. Phép phát cỏ như vậy đó. Khi xưa người dân phá rừng mở nước, họ làm lụng suốt ngày quên ăn cơm, cử nổi cây phăng nặng một yến. Bây giờ chỉ phát một buổi, cây phăng sụt xuống còn có năm cân mà lắm người than mệt?! Người dạy đạo phát cỏ thì lo tiền bạc rượu thịt. Nghề làm ruộng lần lần bị cạnh tranh; nhiều người nông phu tay cầm phãng nhưng trong bụng nghĩ tới việc ra chốn thiềng thị, tìm phương kế khác làm ăn có lợi hơn.
Thằng Liệu nhìn mỗi người, thở dài rồi nói tiếp:
– Tối hôm qua thầy Quít nhắc chuyện Mông Cổ đó thêm một lần nữa rồi thẩy khóc thút thít với tôi: “Liệu à, mày đừng bắt chước tao! Tao là đứa làm biếng sau chót hết, mày phải ráng sức giữ lấy nghề nông”.
Phiên nhóm trở nên yên lặng. Phải chăng là cơn oán hận đối với thầy Quít đã lần lần dịu xuống? Ai nấy nhìn nhau, hút thuốc rồi cười lạt đành tha thứ rút lui về nhà.
Nhưng ngày qua tháng lại! Những năm sau – năm 1930, lúa sụt giá còn một cắc một giạ – người nông phu phải trì chí lắm mới cầm nổi cây phăng mà ra ruộng phát cỏ. Họ đâm ra thương nhớ bao nhiêu lời nói và tội lỗi của thầy Quít, hồi năm trước. Thương nhớ thương nhớ một cách lạ lùng!