Tạp Văn Nguyễn Ngọc Tư
Tháng Chạp Ở Rạch Bộ Tời
Tôi viết những dòng này tặng bà con ở xóm rạch Bộ Tời, cái tên nghe thiệt lạ, phải hôn ? Chỗ này không phải là danh thắng, căn cứ cách mạng cũng không, chưa được gọi “rạch văn hóa” nói gì tới ấp văn hóa. Đất nhỏ nhoi, thân phận con người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng, những cậu Tư, cậu bảy, dì Ba, dì Sáu… Không có ai ra ngoài cổng Ủy ban tỉnh mà gào kêu công lý, cũng chưa thấy vụ ẩu đả giành giật đất nào.
Có lần nghe cậu tôi trách, mầy đi ta bà ở đâu không hà, sao không viết về rạch Bộ Tời, tôi đã hỏi:
– Ở đó có gì vui ?
Cậu tôi cười, có nhà. Xóm chừng mười nóc nhà, thêm mươi cái chòi lá giữ vuông nằm rải hai bên rạch. Rạch thì nhỏ như con mương ranh từ sông Rạch Rập chạy thẳng qua Lung Dừa. Ở đây, nhà nào cũng nghèo, nghèo bằng chang nhau. Cho nên họ buồn bằng chang nhau khi gió chướng về. Cái gió làm người ta ngậm ngùi, biết sắp hết năm, thêm một tuổi, tiếc muốn chết.
Ở đó còn có người. Nhiều người. những con người có một trảng trời mênh mông mà cả đời chẳng mấy khi thảnh thơi ngước mặt ngó trời. Những con người có một mùa gió tơi bời nhưng không một lần thơ thới hít lấy cái hương xuân của trời đất. Ai cũng có nhà nhưng quanh năm phải dầm dãi ngoài đồng đất.
Bởi ở đó toàn là nông dân, tính luôn ba tôi. Sáu mươi tuổi không lúc nào móng chân thôi đóng phèn, sáu mươi tuổi không lúc nào đôi tay thôi cầm cày cuốc. Sáu mươi tuổi ba tôi về hưu, bỏ chuyện chức tước qua một bên, bỏ chuyện làm thơ “lá rụng nhà anh, lá rụng nhà em” qua một bên, vác lều vác chỏng vô rạch Bộ Tời làm vuông, nuôi tôm. Ba năm, chắc đất quê vợ đã đủ thành đất nhớ, nên năm bảy bữa về thăm con cháu, chừng nửa ngày đã nhấp nhổm muốn đi.
Ở đó, ba tôi có căn chòi không lúc nào ngớt khách. Cô Bảy Hạnh ở thư viện tỉnh còn định mở “Thư viện văn hóa… xóm” ở đó. Chòi nhỏ, có tivi, cassett, điện dẫn từ ngoài sông ra hai trăm hai còn chừng trăm rưỡi, bóng đèn đỏ lòm. Bình thủy để ở vách chòi luôn chứa đầy nước nóng. Trà cũng sẵn. Bánh ngọt để kề bên. Cũng ở chỗ này, một bữa sáng mấy ông bạn già bạn trẻ của ba tôi tụm lại uống trà, tháng Chạp trên đường đi qua, ghé lại. Một người kêu lên, giọng như thảng thốt, như giật mình, như hỏng dè :
– Trời, mới đây mà tháng Chạp rồi, lụi hụi là tới Tết.
Mau vậy. Mau quá ha. Rồi có người thở dài, “Vậy hết năm nay cũng chưa trả nợ được”.
Kìa, cậu, cần gì nói chuyện nợ, nội nghe hai tiếng tháng Chạp thôi là bao nhiêu chuyện cần làm xồng xộc tới. Làm cỏ, tỉa kiểng sân trước, cọ rửa, quét vôi mười mấy nấm mộ vườn sau, sửa sang nhà cửa, để xập xệ vậy coi đâu có được… Rồi cũng phải đi sắm đồ mới cho tụi nhỏ, tính coi ăn Tết sao đây. Bao nhiêu chuyện đó thôi lo cũng đã bứt gân, tóc tai tơi bời rồi, nhắc làm chi chuyện nợ nần từ mùa chuyển dịch.
Nhưng phải nhắc, người Việt mình với Tết giống như con rắn tới kỳ lột da, lột không được, ngắc ngứ hoài, rũ không hết lo phiền, khó chịu lắm.
Nợ đã ba năm, đã tới hạn rồi, nhà nước tử tế không phải như mấy người vay nặng lãi kêu xã hội đen đi đòi, vì họ tử tế nên mình phải tử tế với họ. Đây đã bắt đầu mùa tôm thứ ba, bà con ở đây vẫn chưa thấy khá. Nghèo hoài. Ba tôi thắc mắc, sao không thấy cái câu “Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà” ứng vô đời nông dân ở rạch Bộ Tời ta. Ở đây, tuyệt không thấy ai biếng nhác bê tha chơi bời nhậu nhẹt, vậy mà nghèo mới tức. Đêm canh con nước khiêng máy tát ra tát vô, tờ mờ sáng ra đi đổ lú, rồi suốt ngày lụi hụi vớt rong, múc sình cải tạo ao đầm, trồng lúa, lúa chết thì trồng năn cho có cái tôm ăn. Quần quật tới đỏ đèn đôi chân mới ráo nước, ngồi đón coi mấy ông khuyến ngư phổ biến kỷ thuật nuôi tôm trên ti vi, đặng học hỏi. Nhưng dụng kỷ thuật nào vô cái đất nầy cũng trớt quớt, tôm cũng chết thẳng cẳng. Hết cách rồi. Đất phèn mặn, kinh lại cạn, lấy nước ngọn của sông Gành Hào chảy qua chợ Cà Mau, vô trong nầy đã đầy rác, con người nhìn còn muốn bịnh nói chi tôm vốn đã ốm yếu, bịnh hoạn sẵn từ hồi bằng cây kim may tay.
Nên năm đầu chuyển dịch, người xóm mình hỏi nhau tôm bên đó có chết không, bộ tụi nó chết nữa hả. Năm nay hỏi khác, hết chết chưa.
Cảm giác cũng chai đi, hồi đó tôm chết còn bàng hoàng, nôn ruột như con trai út của mình bệnh ngặt, bây giờ thì coi như không rồi. Vậy mới sống được. Cũng như ngày xưa, lúc còn làm ruộng, nghe giá lúa lên xuống thất thường riết cũng quen.
Ba tôi đọc báo cho mấy ông bạn chòi nghe, nhà nước thừa nhận, chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa sang nuôi tôm, cho đến nay thống kê chỉ 30% có lãi còn lại là hòa và lỗ, ai cũng vỗ đùi khen, sao mấy ổng chịu thiệt vậy không biết, chớ mấy chuyện thất bại rồi, nghe im re, như cảng cá nè, nhà máy đường nè… Rồi ai nấy rờ rờ cái cằm, ngậm ngùi, vậy là bà con thất đều chớ đâu riêng gì rạch Bộ Tời mình.
Ở đây có nhà dì Ba từ Tết rồi tính lại mới bán tôm được bốn năm trăm ngàn, mấy mùa trước còn giăng lưới cá phi bán cóc ken, mùa này không có cá mà kho quẹt. Cả nhà sống được nhờ nghề hạ bạc, chài lưới dưới rạch, con gái dì đi làm mướn dài dài xóm.
Nhà nào cũng xoay qua làm việc khác để mua gạo, củi, mắm, muối… Ba tôi cuốc đất, trồng cà, ớt, trồng cải bẹ xanh trên bờ vuông. Ngày tưới hai buổi, hai buổi na cái thùng đi xiêu xiêu trên cánh đồng chang chang nắng gió. Ba nói, ” Cực một chút vậy mà có tiền mua trà bánh”. Chị em tôi biểu ba sống khổ quá, bỏ vuông đi, ông lắc đầu, bỏ là bỏ từ mấy năm trước, sống ở trỏng, quen rồi. Tao mà khổ gì, nhiều người còn khổ hơn”.
Cậu Tư “Biết Tuốt” ở đầu xóm kết luận, “Xóm mình nghèo hoài là tại tội đếm” Mọi người cười cậu “xàm xí” (chú thích : từ mới, chưa có trong từ điển tiếng Việt), hỏi đếm gì mà có tội, cậu nói đếm tôm. Ở đâu người ta trút lú tôm đổ cái xào vô cần xé, nhảy xoi xói chớ ở đây tụi mình đếm mót từng con. Vô con nước, sáng ra nghe nhà nầy hỏi nhà kia hồi hôm này được mấy con là rầu, là biết còn nghèo hoài đây.
Ba tôi làm thơ lại, máu thơ cũng bị nhiễm mặn, ông viết cái gì “Tháng ba. Con tôm co rúm dưới bùn” rồi cái gì “cả một đời lặn ngụp nông sâu”. Tôi nhớ đại khái vậy, tôi khen “thơ ba hay, thiệt là mang nỗi buồn lớn lao của người nông dân”. Ba tôi cười, hay gì, mấy ông trong Bộ Tời chê đọc nghe mùi nhưng khó hiểu quá. Cậu Tư “Biết tuốt” còn biểu sao không làm thơ như vầy, “Bữa nay tôm chết thấy buồn. Ngày mai tôm chết lòng còn buồn hơn”, coi giản dị không ?
Giản dị, mà buồn. Trong những câu chuyện về cái chòi”văn hóa” của ba tôi, cậu Tư nổi lên như nhân vật chính. Cậu hơi lùn, dáng đi túc tắc, tóc xoăn, hàng ria mép cục cựa mỗi khi cậu cười hì hịc. Cậu nghèo nhưng lúc nào cũng lạc quan tếu, lúc nào cũng nói hơi quá lên, cậu cười nói, “năm nay chịu khó ăn tết bèo vậy nhưng năm tới khác à nghen. Tôi vừa thả hai chục ngàn con tôm giống, giờ chắc còn cỡ mười ngàn, chừng tháng ba tháng tư tôm trúng bể tay. Tôi đãi mấy ông uống bia mệt nghỉ”. Trời đất, tôm lội ngoài đầm mà cậu còn biết còn bao nhiêu hao hớt bao nhiêu, làm như “ở dưới” lên vậy, đúng là “tài như Sinbad” Ba tôi hơi khó tánh, đôi khi cũng muốn chỏi chơi nhưng nghĩ, cậu là nông dân, nông dân là vậy, khổ như cô Lựu mà không thôi hy vọng. Con người mà tắt hy vọng thì chết còn sướng hơn.
Nên mới vừa ngồi uống trà than thở chuyện nợ nần đây mấy cậu đã bảo nhau, thôi đừng buồn, cũng sống được hà. Tết tới thì ăn Tết. Bộ hồi nào giờ hỏng biết nghèo là gì sao (nông dân mà không biết nghèo, hỏi ngộ ?). Thấy vậy chớ không có sao hết, mót mấy trái dừa ốm nhom dài nhằng vì nước mặn xuống, lạng ra bỏ đường vô xào qua xào lại là có món mứt dừa rồi. Nhà tui còn bịt gừng đém lá kìa, mấy ông biểu vợ lại, tui cho. Lựa củ bự làm mứt gừng, còn lại mấy củ còi, vụn, mua thêm trái khóm vắt lấy nước ra ngào là thêm được món mứt dẻo. Ráng tới con nước rằm làm gì không được mấy trăm ngàn để mua trứng, bột nướng mấy ký bánh bông lan, quan trọng là tụi nhỏ có cái để ăn. con nít mà, có ăn mới vui. Còn tụi mình ba ngày Tết có đi đâu xa đâu, lòng vòng lại nhà nầy chòi kia, nhậu với cá phi xẻ khô, xỉn nằm ngủ, gió trời còn ngon hơn máy lạnh, sướng như tiên.
Tỉnh dậy đã là năm mới. Thấy mình tươi mới, thấy bao nhiêu khó khăn trôi qua hết, thấy mình còn ngon lành, còn sức để đi tiếp cái đời nông dân khổ nhọc. Hy vọng con nước tới, lứa tôm tới, mùa tôm tới lại bắt đầu. Cổ tích ngày xưa thể nào cũng có thật. Những con người lam lũ cả đời xứng đáng được trả công.
Ăn Tết như vầy, coi có phải thanh thản hơn người thành phố không. Tháng Chạp ngoài đó người ta cũng chạy tơi bời. Thấy cái gì cũng muốn mua, cái gì cũng muốn có, vật chất thiệt là cám dỗ, làm cho người ta khổ sở không ít. Cũng là dịp người ta buôn bán mà. Nội chuyện quà biếu cho sếp thôi lo cũng ốm. Mua lạp xưởng cá khô thì sợ người ta cười cho toàn đồ bỏ. Mua rượu Tây thì chai coi không được, phải đủ cặp, mà một cặp thì hết lương rồi còn gì. Chưa hết, chuẩn bị quà xong lại mất mấy ngày để chuẩn bị đem đi. Làm sao cái mặt dày dạn cỡ ôbi bắn không lủng. Hờ vậy, có khi người ta ngó tay mình chớ có để ý mặt đâu.
Nên thí dụ có ai rủ đổi, người Bộ Tời dễ gì chịu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.