Tình nhỏ làm sao quên
Chương 07
Lính hầu (cúi rạp đầu): Muôn tâu hoàng thượng, có quan thượng thư xin được vào chầu.
Lê Long Ðĩnh (nằm trên long sàng, ngáp): Ta đang buồn ngủ. Ai muốn gặp ta lúc này là muốn gặp tử thần. Hãy chém đầu hắn.
Tiếng gõ cửa lộp cộp làm tôi giật mình, bỏ cây viết xuống trang giấy đang viết dở dang. Tôi nghĩ có thể Hạnh đến thăm, nên cài cúc áo lại cẩn thận trước khi mở cửa. Ðăng bước vào. Anh gỡ chiếc kính đen đang đeo bỏ vào túi và hỏi:
– Cậu đang viết một vở kịch mới?
Tôi gật đầu. Ðăng kéo ghế ngồi xuống, hỏi tiếp:
– Nhân vật chính là ai vậy?
– Tên bạo chúa Lê Long Ðĩnh.
– Chứ không phải cô bé “mát” à?
Tôi nhíu mày, hỏi lại:
– Tại sao cậu hỏi vậy?
– Liên nói cho tôi biết.
– Liên à? Lạ nhỉ!
Ðăng thổ thổ điếu thuốc vào bao rồi bật quẹt châm hút.
– Ðể tôi nói cho cậu rõ. Sáng sớm nay Hạnh đến gặp tôi và xin rút tên ra khỏi nhóm kịch. Tôi hỏi nguyên do, Hạnh chỉ nói vắn tắt không thể đóng kịch được nữa. Mặc cho tôi năn nỉ, Hạnh cứ lắc đầu rồi cáo từ ra về. Tôi đã phải đến gặp Liên, bạn thân của Hạnh, để tìm hiểu nguyên do. Liên cho biết chuyện tối qua Hạnh đã gặp cậu dắt cô bé con bà chủ nhà đi chơi. Như thế là tôi đã hiểu.
Tôi xin Ðăng một điếu thuốc đen, châm hút rồi thở ra một hơi khói dài:
– Tất cả đều đã hiểu lầm.
– Cậu cũng biết chỉ còn một tuần nữa là trình diễn buổi ra mắt vở kịch của cậu. Thời gian còn quá ít, tôi không thể tìm một cô gái khác đóng thay vai diễn của Hạnh. Vậy cậu hãy chịu khó đến năn nỉ Hạnh đóng tiếp.
– Trời ơi! Tôi biết nói gì với Hạnh khi mà chẳng có chuyện gì đáng nói.
Ðăng phì cười:
– Cậu chỉ biết viết kịch chứ không chịu sống với nhân vật trong vở kịch. Ðúng ra cậu phải rành tâm lý mấy cô gái hơn tôi. Thôi thay quần áo đi rồi tôi chở cậu đến nhà Hạnh.
Tôi mặc vội cái áo pull trắng và quần jean xanh rồi bước theo Ðăng ra ngoài phòng. Khi ngồi lên xe vespa cho Ðăng chở đi, tôi mới chợt nhớ đã để quên mũ trong phòng và trời đang nắng gắt. Ðăng phóng xe chạy thật nhanh cứ như chở tôi đến gặp người yêu ở phi trường hay bến xe.
Ði ngang qua một quán cơm bình dân, mùi sườn nướng làm tôi nhớ ra mình chưa ăn gì từ sáng đến giờ. Tôi vỗ vai Ðăng nói “tốp tốp”! Ðăng dừng xe lại hỏi:
– Chuyện gì vậy?
– Ăn trưa đã. Tôi đang đói bụng.
Ðăng rồ ga cho xe vọt đi rồi nói to:
– Ðể bụng đói, cậu sẽ có lý do chính đáng mời Hạnh đi ăn.
Tôi cười, đấm vào vai Ðăng:
– Nhưng, bụng đói, tôi sẽ nói cà lăm.
– Càng tốt. Như vậy Hạnh sẽ nghĩ cậu đã nói rất chân thật.
Ðang chạy xe bỗng Ðăng dừng xe lại sát lề đường. Tôi hỏi:
– Ðỗ xăng à?
Ðăng chỉ một kiốt bán hoa tươi:
– Cậu hãy vào mua một bó hoa tặng Hạnh. Ðể cậu có nói cà lăm, Hạnh cũng hiểu dễ dàng.
Tôi lắc đầu, nhảy xuống xe, bước đến kiốt. Tôi mua một bó hoa marguerite trắng, một loại hoa tôi rất thích. Khi tôi cầm bó hoa ra xe, Ðăng nói:
– Hoa marguerite tượng trưng cho tình bạn trong trắng. Như vậy làm sao cậu năn nỉ Hạnh được. Cậu hãy đổi lấy một bó hồng.
Tôi lại lắc đầu, bước trở vào kiốt. Tôi phải bù thêm tiền để đổi bó hoa marguerite trắng lấy bó hồng vàng. Tôi đem bó hoa ra xe. Ðăng vỗ đầu kêu trời.
– Bộ cậu không hiểu ý nghĩa của mấy loại hoa thông thường?
– Hoa biết nói tôi còn không hiểu nổi huống chi loài hoa câm nín này.
– Hồng vàng là để tặng người yêu khi chia tay. Trong khi cậu đang muốn “bắt tay” với Hạnh, vậy cậu hãy tặng nàng một bó hồng đỏ thắm.
– Rắc rối ơi là rắc rối.
– Có chuyện tình nào đơn giản đâu.
– Nhưng đây không phải là chuyện tình.
– Vậy thì càng rắc rối hơn.
Ðổi bó hồng đỏ thắm xong, tôi ngồi lên xe cho Ðăng phóng đi. Gió tạt quá mạnh, tôi phải để bó hồng ở khoảng cách giữa lưng Ðăng và ngực tôi, để giữ những cánh hồng không bị gió thổi bay tả tơi. Nếu tặng Hạnh một bó hồng chỉ còn trơ những cành đầy gai, tôi không hiểu nó có ý nghĩa gì?
Ðăng ngừng xe trước một ngôi biệt thự to lớn, phía trước hiên có một giàn treo đầy những giò hoa phong lan nở hoa màu sắc rực rỡ. Tôi không ngờ nhà bà con của Hạnh giàu như vậy. Tôi nhảy xuống xe định đi đến bấm chuông điện ở cổng Ðăng vẫy tay gọi giật lại:
– Này, không phải nhà ở đó.
Tôi quay lại hỏi:
– Vậy nhà bên cạnh à?
– Không. Nhà Hạnh cách đây 100 mét. Số nhà 12 ở bên kia đường.
– Cậu bắt tôi đi bộ đến đó?
– Nếu thấy tôi chở cậu đến tận nhà, Hạnh sẽ mất tự nhiên và trở nên “cương” hơn. Cậu hãy ra vẻ đã đi bộ cả tiếng đồng hồ để tìm nhà, Hạnh sẽ cảm động hơn.
– Cậu đúng là một “đạo diễn” giỏi.
Ðăng vỗ vai tôi, cười:
– Cậu chịu khó tập “diễn xuất” đi. Viết kịch được mà không đóng kịch được dở quá. Thôi hẹn chiều nay gặp nhau ở hội trường. Nhớ dẫn Hạnh đến chứ không phải cô bé con bà chủ nhà.
Ðăng phóng xe đi. Tôi băng qua đường rồi lững thững đi bộ mắt dõi tìm số nhà. Nhà số 12 bằng gỗ, lợp tôn fibrociment, nằm khuất sau những cây đào có trái chín ửng hồng. Nhà không có chuông điện. Tôi phải đập đập ống khóa vào cửa sắt sơn nâu.
Một chú chó mực chạy ào ra, chồm lên cửa sắt sủa vang. Tôi dứ dứ bó hồng đỏ thắm trước mõm nó nhưng nó vẫn cứ sủa vang. Có lẽ nó giống tôi ở chỗ thích một miếng thịt bít tết hơn cả một bó hồng.
– Tô tô. Tô tô.
Chú chó rời cửa sắt chạy vào. Hạnh mặc đồ bộ màu tím hoa sim từ trong nhà đi ra. Thấy tôi, nàng có vẻ bối rối. Vừa mở cửa sắt, nàng vừa hỏi:
– Anh đến có chuyện gì vậy?
Nhớ lời Ðăng dặn, tôi bắt đầu “diễn xuất”. Ðưa bó hồng đỏ thắm cho Hạnh, tôi nói:
Ði ngang phố thấy có bó hồng đẹp, tôi muốn đem tặng Hạnh ngay.
Nàng cầm bó hồng, đôi mắt chớp chớp, giọng nói mềm đi:
– Cám ơn anh. Mời anh vào nhà.
Chúng tôi vào ngồi ở bộ bàn ghế đặt dưới một giàn lủng lẳng trái su. Lá su xanh mướt phủ kín trên cao, nắng chiếu xuống lốm đốm màu xanh nhạt trên mặt đất. Một người đàn bà mập mạp cầm nón lá, từ trong căn nhà gỗ bước ra. Hạnh giới thiệu tôi với bà dì của nàng. Bà cười, nói:
– Cậu ngồi chơi tự nhiên. Tôi có việc phải xuống chợ.
Bà đội nón đi ra cổng, con chó mực chạy theo. Khi bà đóng cửa sắt lại, con chó chạy vào lẩn quẩn bên chân Hạnh.
– Mời anh uống nước.
Tôi bưng tách nước trà mà lòng ngao ngán. Từ sáng đến giờ tôi chỉ uống toàn nước trà nên bụng cồn cào rất khó chịu. Chẳng thể tiếp tục “diễn xuất” khi bụng đói, tôi nói:
– Kiến bò bụng rồi. Tôi mời Hạnh đi ăn cơm trưa.
– Rất tiếc em không đi được vì phải coi nhà. Bà dì, ông dượng và hai người con đều ra chợ buôn bán hàng légume. Xế trưa bà dì mới về. Sẵn bữa, mời anh một bữa cơm gia đình đạm bạc.
– Có cơm gia đình là nhất rồi. Hàng ngày tôi đều phải đi ăn cơm đĩa ngoài chợ.
Hạnh đứng dậy cầm theo bó hồng đi vào nhà. Con chó không đi theo nàng mà quay qua hít hít chân tôi. Nếu nó không có bộ răng trắng ởn và nhọn hoắt, chắc là tôi đã đạp cho nó mấy cái để dạy cho nó biết thế nào là “lễ độ”.
Một lúc sau, Hạnh bưng mâm cơm ra đặt trên bàn. Một tô canh su hầm xương, một đĩa su xào thịt bò, một đĩa trứng chiên với su. Ðúng là cây nhà trái vườn. May mà đang mùa trái su, nếu đang mùa ớt chắc tôi phải nhịn ăn.
Bụng đói khiến tôi ăn rất ngon miệng, Hạnh phải luôn tay bới cơm cho tôi. Nàng nhìn tôi, cười hỏi:
– Anh làm như đã nhịn đói từ hôm qua.
– Ðúng vậy. Sẩy ăn bún bò Huế với Hạnh, tôi về nhà ngủ luôn. Sáng nay bận viết kịch, tôi cũng quên ăn sáng.
– Tối qua anh không đi ăn cơm với con nhỏ đó à?
Tôi biết trong khi ăn uống người ta thường cởi mở dễ dãi, nên có nói dối một chút cũng không sao. Như ăn thêm một lát ớt mỏng cho ngon miệng. Vì vậy tôi nói:
– Không. Tôi đi ăn kem với cô bé ở quán kem mà chúng ta đã ăn.
– Em hỏi thật, giữa anh và con nhỏ đó quan hệ như thế nào?
Tôi nhai nát một miếng xương hầm rồi trả lời.
– Cô ấy là con bà chủ nhà cho tôi ở trọ. Bà chủ không lấy tiền trọ nên tôi trả ơn bằng cách giúp đỡ con bà.
Hạnh nhíu mày, hỏi:
– Anh giúp đỡ chuyện gì?
– Cô bé ấy bị tâm bệnh nên cần có người trò chuyện giúp cho em khuây khỏa.
– Tâm bệnh hay tim bệnh?
Ðang nuốt một miếng su hầm nên tôi gõ gõ đầu mình thay câu trả lời. Hạnh hỏi tiếp:
– Bà ấy giàu, thiếu gì bác sĩ lo cho con nhỏ mà phải nhờ đến anh?
– Tôi nghĩ muốn chữa tâm bệnh thì cần đến tình thương nhiều hơn thuốc thang.
– Gia đình con nhỏ không ai thương nó à?
– Có chứ. Nhưng để hiểu cô bé thì chưa chắc đã có ai hiểu.
– Anh tin là anh đã hiểu được nó?
– Tôi đang cố gắng tìm hiểu cô bé. Nếu hiểu được em, tôi tin sẽ giúp em hết bệnh.
Hạnh cười nhếch môi:
– Anh “bác ái” quá nhỉ!
Tôi lùa nốt miếng cơm chan canh su vào mệng rồi nói:
– Hạnh đừng mỉa mai. Tôi thật lòng chỉ muốn giúp đỡ cô bé ấy hết bệnh vậy thôi.
– Còn đối với người khác anh không cần phải giúp đỡ?
– Tôi không phải là ông thánh chuyên đi giúp đỡ mọi người. Với khả năng hạn hẹp của mình, tôi chỉ có thể giúp những người mà tôi hiểu biết?
– Với người ngồi trước mặt, anh cũng không hiểu biết.
Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng.
– Hạnh ư? Chín tôi đang cần Hạnh giúp đỡ thì có.
– Anh không nói đùa chứ?
– Không. Tôi lên đây mong tìm chút tiếng tăm để kiếm miếg ăn. Nếu vở kịch của tôi sắp diễn mà thành công, nhiều đoàn kịch sẽ đặt hàng cho tôi viết kịch bản. Mà muốn vở kịch thành công, Hạnh biết đấy, phải nhờ nhiều ở đạo diễn và diễn viên. Nếu Hạnh đóng tốt vai diễn trên sân khấu, là Hạnh giúp tôi một phần thành công. Thôi Hạnh hãy sửa soạn rồi chúng ta cùng đi đến hội trường tập tiếp vở kịch. Còn một tuần nữa phải diễn buổi ra mắt.
Hạnh cắn môi, lắc đầu rồi nói:
– Nhưng em đã nói với anh Ðăng…
– Hạnh đã nói từ chối giúp đỡ một người đi kiếm miếng ăn như tôi?
– Không phải vậy. Anh đợi một chút, em sẽ đi với anh đến hội trường.
Hạnh bưng mâm cơm đi vào nhà, tôi nhìn nàng với đôi mắt cay cay. Như ăn nhằm trái ớt hiểm. Chiều nay khi Ðăng gặp lại Hạnh, chắc anh sẽ thầm phục tài đóng kịch của tôi. Nhưng Ðăng không hiểu rằng trưa nay tôi đã muốn khóc vì đã cố tình nói dối một người bạn gái tốt bụng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.