Tình nhân
05. Anorexia Nervosa (phần 2)
Anh trở lại môi nàng. Đúng lúc ấy có một ô tô đi đến bãi đỗ xe. Họ im lặng và nằm không động đậy. Nàng quay đầu và nhìn thấy rất rõ. Một người đàn ông thấp bé mặc comple từ trong xe ra, đến cốp xe, nghiêng người, họ nghe thấy tiếng rống và trông thấy một sợi dây to dính đầy dầu. Người đàn ông nhìn quanh bãi đỗ xe, kiểm tra lại xem có ai không. Sau đó ông ta đến một cái cây gần nhất, kéo theo con chó kêu ăng ẳng. Ông ta quấn sợi dây mấy vòng vào thân cây rồi vội vã quay về ô tô.
Những gì đã xẩy ra, suốt đời nàng không thể quên. Andrzej bứt ra khỏi nàng và cứ thế đứng dậy. Anh kéo quần, chạy như điên qua các bụi cây về hướng lối ra của bãi đỗ xe. Nàng đứng dậy, lấy váy che ngực và chạy theo anh. Andrzej cúi người nhặt một viên đá. Anh chạy ra đường trước cái ô tô đang lao tới. Anh dừng lại và ném đá. Một tiếng kêu và tiếng phanh rít lên. Anh nhào vào đầu xe. Chiếc ô tô dừng lại. Andrzej rời đầu xe và kéo cửa, sau đó anh lôi gã lái xe đang kinh hoàng ra.
– Mày, một thằng đê tiện, làm sao mà mày có thể để nó lại đấy?! Làm sao hả?!
Anh lôi gã kia về phía cái cây và nhắc đi nhắc lại trong nước mắt “làm sao mà mày có thể”.
Cảnh tượng thật rùng rợn. Andrzej bị chảy máu, ô tô bị vỡ cửa kính với những vệt máu trên nền sơn trắng đứng giữa đường, những mảnh kính, tiếng chó sủa tuyệt vọng, tiếng còi ô tô inh ỏi của những lái xe đang sốt ruột.
Một xe cấp cứu cũng xuất hiện. Andrzej đã lôi được nạn nhân của mình đến bên cây. Con chó nhìn thấy chủ nhảy lên mừng rỡ.
Anh đẩy gã đàn ông về phía con chó và nói rất nhỏ, dường như là với chính mình hơn là với ai đó:
– Thằng đê tiện, làm sao mà mày có thể để nó lại đây như vậy được.
Mệt mỏi, anh ngồi xuống cỏ, bên gốc cây và khóc.
Mắt anh đẫm nước mắt, như buổi tối Giáng sinh ấy, bên khu đổ rác.
Nàng ôm anh và khoác cho anh chiếc sơ mi. Toàn thân anh rung lên.
Những gì xẩy ra sau đó ở bãi đỗ xe ven rừng, cho tới bây giờ vẫn khiến nàng run rẩy. Cảnh sát đến. Lái xe của chiếc ô tô bị thiệt hại buộc tội Andrzej âm mưu giết người. Cũng thời gian đó, những lái xe đang bị tắc đường mới biết vì sao có con chó bị buộc mấy vòng vào cây. Điều đó gây nên một cơn phẫn nộ thực sự đối với chủ của con chó. Một cụ già bước tới, đưa một hộp các tông đầy tiền về phía Andrzej và nói:
– Chúng tôi quyên góp từ tất cả mọi người đang chờ xe để cháu trả tiền sửa xe cho .. cái người kia.
Những viên cảnh sát im lặng.
Một giờ sau thì đường thông. Họ ngồi sát bên nhau, trong im lặng, bên gốc cây, trên đám cỏ bị con chó làm nhầu nát, con chó đã được các cảnh sát đưa về trại giữ chó vô chủ. Lúc đó Andrzej bắt đầu nói. Giọng anh đều đều, bình tĩnh. Gần như vô cảm.
– Khi anh vừa lọt lòng, mẹ anh, vẫn còn đang chảy máu và hai bầu vú khổng lồ đang căng sữa, đã gói anh trần trụi vào một cái túi mà bà vẫn dùng để đi mua thịt ở góc phố rồi đem ra khu đổ rác. Giống như em với những cái xô rác ấy. Đó cũng là tối Giáng sinh. Bà đặt anh cạnh đống rác thải, những vỏ chai rượu, những băng vệ sinh đỏ máu và bỏ đi. Nhưng anh đã gặp may. Bà ta có thể cho anh vào một cái bao như bao đựng khoai tây chẳng hạn. Những cái bao như thế thì ngay cả chuột cũng không thể đánh hơi thấy. Nhưng cái bao của anh lại là bao đã dùng để đựng thịt, cho nên một con chó đã ngửi thấy. Thân nhiệt anh lúc ấy chỉ còn ba mươi ba độ. Nhưng anh đã sống sót. Giờ thì em đã biết, anh biết ơn loài chó biết chừng nào. Không bao giờ anh quên ơn chúng.
Nàng nhớ lúc đó nàng ngồi cạnh anh, người như tê liệt vì những gì vừa nghe thấy, và nàng phân vân vì sao chính lúc ấy nàng không cảm thấy đồng cảm, sự tức giận hay lòng hận thù. Thậm chí cả tình yêu. Nàng đã chỉ cảm thấy sợ hãi. Một nỗi sợ sinh học thông thường. Nàng sợ rằng con người này có thể có một lúc nào đó sẽ biến mất khỏi cuộc đời nàng.
Anh đến khách sạn Holiday Inn qua “Đại lộ Những người bắn tỉa”. Anh đưa cho một anh bạn phóng viên Hãng CNN bức thư gửi nàng. Anh quay lại, quyết định đi qua chợ để mua dâu tây, loại quả mà anh rất thích. Bom đã xé tan anh ở khu vực phía nam của chợ, khi anh trở về, vừa đi vừa ăn dâu tây trong cái túi màu xám.
Tháng tư năm 1992 những người Serbi bao vây Sarajevo. Khi rút bỏ sự vây hãm vào tháng Chín năm 1995, họ đã để lại hơn mười ngàn người bị giết, trong đó có một ngàn sáu trăm trẻ em. Trong số những người bị giết, có cả người Ba Lan.
Anh nói với nàng rằng anh muốn đến đó, vào một tối tháng Bảy năm 1993. Họ ngồi trên những tảng đá bên bờ biển Ustka, uống rượu vang và ngắm nhìn những vì sao. Anh nắm tay nàng, áp lên môi và nói:
– Hãy cho phép anh… Anh cầu xin em đấy.
Anh xin trưởng khoa cho nghỉ phép. Không cho bất cứ ai biết. Sau một cuộc điện thoại của một người bạn, anh đi Berlin và từ đó đến Sarajevo nhờ một chuyến vận tải hàng nhân đạo. Ba tuần sau, PAP (hãng thông tấn Ba Lan) phát đi những bài phóng sự của anh về hầu hết mọi sự kiện ở Sarajevo. Với Marta, anh là một vị anh hùng, nhưng cô không thể tự hào được. Cô sợ. Lúc nào cô cũng sợ hãi tột độ. Xem những bản tin và những tấm ảnh về Sarajevo, cô có cảm giác như xem những bản tuyên án Andrzej.
Anh viết cho nàng. Hàng ngày. Những lá thư được gửi đi khi thì từ Berlin, khi từ Viên, thỉnh thoảng lại từ Bruksel. Nhưng thông thường nhất là từ London. Ở Sarajevo anh kết bạn với những phóng viên hãng CNN sống trong Holiday Inn, và chính họ đã mang những bức thu anh đi gửi từ những nơi kia.
Khách sạn Holiday Inn thực sự là một chốn linh thiêng được người Serbi để dành. Các phóng viên của những đài phát thanh và truyền hình lớn nhất Tây Âu đều ở đó và chính thế mà pháo binh vẫn còn chừa lại tòa nhà này. Nhưng các vùng khác thì không. Hoàn toàn ngược lại. Ở những nơi đó có thể bị giết. Đại lộ mà có Holiday Inn ngự tọa, mang cái tên rất dữ “Đại lộ Những người bắn tỉa”. Những người Serbi ở đó thậm chí bắn cả những con chó trụi lông. Nhưng chỉ đến mùa đông 1993-1994. Sau đó không còn một con chó nào. Tất cả chúng đã bị ăn thịt.
Andrzej viết cho nàng về người đàn ông bị mất cả vợ và ba đứa con gái vì trúng lựu đạn sau đó đã phát điên. Anh làm cho mình một cái mũ bằng báo và đi dạo trên “Đại lộ Những người bắn tỉa” vì tin là đội mũ bằng báo sẽ được an toàn. Anh đứng ở gần và nhìn thấy họ chọc thủng ông ta chỉ sau mười lăm giây – anh viết.
Anh viết cả về những địa điểm khác và những cái chết khác. Ví dụ như về một nữ cảnh sát, chỉ huy giao thông trên đường phố ởSarajevo. Lúc nào cũng trang điểm rất kỹ, lúc nào cũng trong bộ sắc phục được là cẩn thận và cái váy bó sát người một cách đặc biệt. Chị ấy đứng ở ngã tư và điều khiển giao thông. Cả những lúc không còn người đi lại. Để mà điều khiển. Đó là cuộc chiến đấu gọi là giả bình thường, để chống lại chứng điên. Chị ấy đã chết trên đường phố vào một ngày nào đó.
Hoặc về nhóm tứ tấu đàn dây, đã chơi để gây quỹ cho nhà thờ. Trong nhiệt độ mười bảy độ âm và bên ánh sáng của những ngọn nến. Beethven, Mozart, Grieg. Và lựu đạn nổ bên cạnh.
Nhưng họ vẫn tiếp tục chơi. Đến hết – anh viết.
Chính sau buổi hòa nhạc đó nàng đã nhận được bức thư tình hay nhất mà nàng có thể tưởng tượng ra. Anh nghe trong nơi trú ẩn với những Natalie Cole và viết:
Ada thân yêu
Có những người viết những dòng như thế này khi họ mười tám tuổi, có những người sẽ không bao giờ viết nữa những dòng như thế này, có những người coi những dòng như thế này khi muốn chuyển đi một tin tức nào đấy.
Vì họ yêu và họ ích kỷ. Anh là một kẻ ích kỷ như vậy. Cho nên anh viết những dòng này. Cho nên nah viết những dòng này.
Và anh sẽ luôn như vậy.
Anh nhớ, hoặc là anh nhớ lại, thường là những chi tiết không thường nhật trong cuộc sống của chúng ta.
Không thể quên được, “Unforgetable”…
Mái tóc óng ả của Em trên má anh, ánh mắt, những đụng chạm, hơi thở của Em, làn môi mọng của Em, khi chúng ta bắt gặp làn môi anh trên tàu điện vào buổi tối hôm ấy, và sự nôn nóng của chúng.
Anh nhớ mùi da thịt em, nhớ cái lưỡi không yên của Em trong miệng anh, hơi ấm nơi bụng Em dưới tay anh, hơi thở, sự thú nhận, sự dâng hiến, không xấu hổ, niềm khát khao, sự mãn nguyện…
Không thể nào quên “Unforgetable, that’s what you are…”
Và những khoảnh khắc ngắn ngủi, khi anh cảm thấy Em cũng đang cảm nhận như anh…
Khi Em thấy tự hào vì những gì anh đạt được, khi Em ghen với cả những cô gái mà thậm chí họ chưa hề gặp anh, khi em gọi điện chỉ để gọi, không vì một lý do gì, vào thứ hai hoặc thứ sáu và nói: em khâm phục anh rồi em xấu hổ đặt máy.
You fell the same way too…)
Anh nghĩ rằng chúng ta là không thể chia cắt…
Rằng đơn giản là như thế và sẽ như thế mãi mãi.
Rằng nếu như anh được ghi lại trong trí nhớ Em, bằng một ngày nào đấy, một kỷ niệm nào đấy thì sẽ như vậy, như thể trở về một cái gì đó, cái thực sự không tách rời. Đơn giản là chỉ dịch chuyển về phía cuối hàng của những con người cụ thể.
Và sẽ đến một ngày, có thể sau nhiều năm nữa, khi Em kéo anh ra khỏi hàng người – chỉ trong vài phút – lên đầu hàng và nghĩ ” Phải, chính là Andrzej ấy…”
Không phụ thuộc vào điều gì sẽ xảy ra, Em sẽ quyết định thế nào, và anh tưởng như chúng ta không bao giờ bị chia cắt.
“Inseparable”…
Điều đó sẽ đến nhẹ nhàng và bất ngờ.
Anh đọc sách, đánh răng hoặc viết một bài phóng sự tiếp theo. Đơn giản là nó sẽ đến.
Anh bỗng nghĩ đến sự can đảm của Em hoặc đến những điều mà em mới viết, hoặc về đôi mắt Em, chúng mới đẹp làm sao, hoặc về cái váy của Em mà anh giẫm phải khi dậy khỏi giường trong bóng tối, hoặc về những núm vú của Em, hoặc về bài thơ mà anh chưa kịp đọc thầm bên tai Em, hoặc về bản nhạc mà anh muốn được nghe cùng Em, hoặc là chỉ về cơn mưa mà chúng mình đã gặp, khi chúng mình ngồi ở đâu đó dưới gốc cây và anh có thể che cho Em…
Và những khi nghĩ như vậy, anh nhớ Em đến đau đớn, đến phát khóc lên được. Và anh không dám chắc, có phải anh buồn vì nhớ Em đến vậy, hay anh sung sướng vì được nhớ Em.
Andrzej
Sarajevo, 18 tháng Hai 1994
Vào tháng Năm năm 1994, Andrzej ra chợ mua dâu tây, loại quả mà anh rất thích. Và bom đã cắt ngang cuộc đời anh. Họ chôn cất anh trong một nghĩa trang ở Sarajevo.
Nàng nhớ.
Nàng nhớ anh không nguôi. Ngoài khát, nàng chỉ còn cảm nhận một điều này: nhớ. Nàng không thấy lạnh, không thấy ấm, không thấy đói. Chỉ nhớ và khát. Nàng chỉ cần nước và sự cô đơn. Chỉ có trong cô đơn nàng mới được chìm đắm trong nỗi nhớ ấy như nàng muốn.
Ngay cả giấc ngủ cũng không cho nàng tạm nghỉ. Nàng không nhớ, vì khi ngủ người ta không nhớ. Nàng mơ thấy nàng nhớ anh. Nàng thiếp đi trong nước mắt và thức dậy cùng nước mắt.
Bạn bè của nàng biết điều đó. Họ không cho nàng bất cứ một lời khuyên nào. Họ là những người bạn quá tốt. Và họ hiểu nàng quá rõ. Chỉ duy nhất có một điều mà họ có thể làm được, đó là bứt nàng ra khỏi nỗi nhớ đó trong vài tiếng. Rạp chiếu phim, điện thoại, những cuộc đến chơi không báo trước, những lần bỗng nhiên vứt bọn trẻ nhờ nàng trông hộ. Chỉ cốt sao để nàng không nghĩ ngợi. Họ tổ chức những bữa tiệc quan trọng mà thực ra chẳng có lý do gì, chỉ để có cớ kéo nàng ra ngoài. Cho dù chỉ vài tiếng.
Nàng đến chỗ họ can đảm và tươi cười, mặc dù chính nàng không thể nhìn những kẻ tươi cười. Nàng mang hoa tặng họ, họ cắm chúng vào bình, và nàng đã nhìn thấy chúng tàn héo.
Nàng chú ý không mang đồ màu đỏ. Kể cả trên người, kể cả dưới mắt. Nàng liên tục tập trung tư tưởng. Đến giới hạn. Nàng hết sức tập trung để không biểu lộ nỗi đau. Nàng chỉ cười bằng mặt. Nàng lặp lại nụ cười vì những người khác. Có thể nhận thấy điều đó, vì thỉnh thoảng nàng bị chậm.
Nàng không than vãn. Không bao giờ nàng nhắc đến anh. Nàng không muốn nói về anh với bất kỳ ai. Chỉ một lần, một lần duy nhất nàng vỡ ra như một vết sẹo còn non.
Đó là vào ngày lễ đặt tên của Marta. Vì nhờ có Marta mà nàng gặp được Andrzej. Nếu không có cái ngày mà Marta quyết định lấy chồng thì nàng đã không gặp được anh.
Ngày hôm đó, không thỏa thuận gì với nàng, Marta đặt một chiếc taxi. Thế thôi. Có ai đó bấm chuông. Nàng mở cửa. Người lái xe trẻ đưa cho nàng mảnh giấy. Nàng nhận ra chữ Marta. Bọn mình đợi cậu. Người lái xe taxi hiểu là anh ta không được phép đi mà không có cậu. Marta.
Nàng trang điểm, uống một mạch hết hai ly vang đỏ, “để lấy can đảm”, lấy quà tặng dành cho Marta và đi. Họ ôm nhau thân thiết lúc gặp. Marta nói nhỏ vào tai nàng:
– Lễ đặt tên mà không có cậu thì còn gì ý nghĩa. Mình thực sự rất mừng vì cậu đã đến.
Marta giới thiệu nàng với mọi người. Trong số khách mới có một giáo sĩ trẻ. Marta nhắc lại có một lần, khi đang làm một phóng sự cô đã quen với anh ta – Marta là phóng viên của một tuần báo – và rằng anh ta rất “hay”. Chàng giáo sĩ không rời nàng nửa bước. Không hề “hay”, cho dù chỉ trong một phút. Anh ta cao ngạo, trí thức một cách hời hợt và sùi bọt quanh mép vì nói liên tục về bản thân và về cái “đã đưa anh ta đến với sự thật và với Người”. Nàng không thể tự giải thoát khỏi anh ta. Kể cả cuộc chạy trốn vào toilet cũng không giúp gì được nàng – anh ta chờ ngay ngoài cửa. Nàng vừa ra, anh ta đã tiếp tục nói. Chính xác ở đúng chỗ mà nàng tách khỏi anh ta để vào toilet.
Khi anh ta bắt đầu nói đến “cuộc chiến tranh tôn giáo cực kỳ vô nghĩa vùng Balka” thì nàng biết là đã đến giờ phải về nhà. Nàng nôn nóng đưa mắt tìm Marta để tạm biệt. Bỗng nàng nghe thấy một câu không thể tin nổi, được nói bằng một giọng biến điệu rất kịch của tay phụ lễ nhà thờ:
– Chúng ta không mất Andrzej. Chúng ta chỉ có thêm một thiên thần mới. Em cũng cần phải nghĩ như vậy.
Nàng quay phắt đầu lại. Nhìn thấy tay hắn đặt như đang cầu nguyện, thấy ánh mắt của một kẻ lên mặt đạo đức cái gì cũng biết và cái miệng khả ố sùi bọt mép. Nàng không kìm nén được. Quẳng cái ly xuống sàn nhà, nàng tiến sát vào mặt hắn và nói:
– Quả bóng chày này, anh biết gì về sự mất mát?! Biết gì hả?! Anh đã nhìn thấy Andrzej lần nào chưa, dù chỉ là một lần duy nhất?!
Nàng gào lên. Gào như thể bị thần kinh. Mọi người trong phòng lặng im và quay đầu về phía họ.
– Anh có biết rằng tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả cái đám thiên thần khốn nạn của anh để lấy một giờ được gần anh ấy không? Chỉ một giờ, một giờ duy nhất?! Để nói với anh ấy những gì mà tôi chưa kịp nói. Anh, cái quả bóng chày kia, anh có biết rằng đầu tiên tôi sẽ nói với anh ấy cái gì không?! Đầu tiên tôi sẽ nói với anh ấy rằng tôi vô cùng tiếc tất cả những tội lỗi mà tôi chưa kịp thực hiện với anh ấy?! Không?! Anh không biết được điều đó! Anh, nhà tiên tri đang đi học và vị cứu tinh nghiệp dư, anh không biết được điều đó?! Nhưng anh biết tôi cần phải nghĩ gì?!
Nàng im lặng. Lấy tay che mặt. Người rung lên như bị động kinh. Trong phòng tuyệt đối yên lặng. Nàng đột nhiên bình tĩnh lại, với túi, quàng qua vai, lôi ra cái khăn lau bằng giấy và làm một động tác vòng quanh miệng vị giáo chủ đang đờ người ra vì tất cả những chuyện vừa rồi. Nàng ghê tởm ném cái khăn giấy trắng xuống nền nhà rồi vội vã ra đi.
Nhưng chỉ có lần ấy. Một lần duy nhất. Không bao giờ nàng gây náo động trong bất cứ một bữa tiệc nào nữa. Nàng được mời, nàng đến. Bỗng nhiên mọi người nhận ra là không thấy nàng đâu nữa. Nàng đi ra, không nói với bất cứ ai và nàng hối hả về nhà, thường là bằng taxi, để vùi đầu vào gối của mình và khóc trong yên lặng. Vì nàng thực sự chỉ muốn uống và nhớ. Và đôi lúc nàng cũng muốn chết. Tốt nhất là bị phát bệnh do những kỷ niệm.
Nàng kéo bàn máy tính sát giường. Để gần hơn và để không làm lộn xộn các thứ trên sàn nhà, khi bỗng nhiên nàng thèm đọc thư anh. Vì nàng đã ghi tất cả thư anh trong máy tính. Hai trăm mười tám bức thư anh đã gởi cho nàng. Nếu như cả căn hộ của nàng bị cháy, nếu như máy tính của nàng biết mất, nếu cái nhà đáng ghét bên cạnh khu đổ rác đẹp nhất thế giới này sụp đổ, thì cho dù vậy cái đĩa mềm với những bức thư của anh vẫn được an toàn trong ngăn tủ sắt ở nhà Marta.
Nàng thức dậy chính xác vào ba giờ sáng. Đêm nay cũng thế. Và cả đêm qua. Và mỗi đêm trong số năm trăm ba mươi tám đêm trước đêm hôm qua cũng thế. Chính xác vào ba giờ sáng. Bất kể mùa đông hay mùa hè. Vào lúc ba giờ sáng Marta gõ cửa và báo với nàng rằng Andrzej đã chết. Cô nhìn xuống sàn nhà, nói câu này:
“Andrzej đã chết vì bom trong chợ ở Sarajevo”.
Chính xác vào ba giờ sáng. Gần hai năm trước đây. Vào tháng Năm năm 1994. Vì vậy mà trên tường nhà nàng treo cuốn lịch từ năm 1994, mặc dù bây giờ đang là 1996. Vì vậy mà bản sao Những cánh đồng anh túc của Monet trên cuốn lịch từ năm 1994 luôn chào đón nàng mỗi khi nàng mở cửa để về nhà mỗi ngày. Andrzej rất thích Monet. Chính anh đã treo cuốn lịch đó lên tường. Lệch và hơi thấp. Nàng nhớ họ đã mâu thuẫn nhau về chuyện này, vì anh cho rằng “quá chuẩn” và “chẳng qua là do em giữ”. Nàng bắt đầu cáu anh. Anh buồn bã ra ngoài. Và quay lại sau một tiếng. Với hoa, kem vani, thứ mà nàng cực thích, và một túi dâu tây cho anh. Nàng ăn kem và đã không kịp ngay cả kéo anh lên giường. Họ yêu nhau ngay trên sàn nhà, cạnh bức tường có treo cuốn lịch. Sau đó khi họ đã mệt nhoài, anh cứ khỏa thân đứng dậy, vào bếp lấy búa và đến chỗ cuốn lịch.
– Anh đừng làm bây giờ. Ba giờ sáng rồi còn gì. Hàng xóm họ sẽ bóp cổ chúng ta mất. Với lại em muốn nó cứ treo như thế. – nàng thầm thì và hôn anh.
Chính vì vậy mà cuốn lịch đó sẽ luôn treo lệch và hơi thấp, chính vì thế mà không bao giờ nàng sơn lại bức tường đó. Không bao gìơ.
Nàng gầy đi.
Với nàng anh như một vị linh mục.
Đúng như thế. Nàng nhớ rằng từ một thời điểm nhất định nàng đã không thể gọi khác hơn.
Chỉ có một lần thoáng qua nàng thấy điều đó là ngạo mạn và vô lý. Nàng nghĩ về điều đó chính vào lúc họ nằm ôm nhau, khỏa thân và nhớp nháp mồ hồi, anh thầm thì vào tai nàng tất cả các sách phúc âm về tình yêu, còn nàng cảm nhận cùng với mỗi câu thì thầm hai đùi nàng lại bị tách dần ra bởi cái biểu tượng đàn ông của anh.
Vị linh mục đang cường dương.
Có thể đó là tội lỗi, là báng bổ thần thánh, là vô đạo, nhưng đúng là khi ấy nàng đã cảm thấy thế.
Khi đó anh là trung gian – chính là linh mục – giữa một cái gì đó huyền bí, cần thiết và nàng. Vì tình yêu chính là huyền bí và cần thiết và cũng có sách phúc âm của nó. Cũng có lễ ban thánh thể của nó – khi người ta tiếp nhận vào cơ thể mình cơ thể của ai đó.
Chính vì vậy mà với nàng anh như một vị linh mục.
Khi anh mất đi, nàng không thể hiểu được mục đích ham muốn nhục thể và nữ tính của mình. Để làm gì? Dành cho ai?
Để làm gì bầu vú của nàng, nếu anh không còn chạm tới và chúng không cho các con của anh bú nữa?
Nào, để làm gì?
Nàng căm ghét chính bản thân mình, khi những người đàn ông nhìn vào ngực nàng, khi vì sơ ý mà nàng không giấu chúng dưới lần áo len đen mà lại mặc một cái sơ mi quá chật. Vì rằng bầu vú này là chỉ dành cho anh. Và cho các con anh.
Nàng đã quyết định như vậy.
Chính vì vậy mà ba tháng sau cái chết của anh nàng muốn cắt bỏ chúng.
Cả hai.
Ý nghĩ đó đến với nàng vào một đêm nào đấy sau khi nàng thức giấc vì một giấc mơ khủng khiếp về Sarajevo, trước kỳ kinh nguyệt, khi mà cảm giác nằng nặng và đau ở bụng dưới nhắc với nàng rất rõ về sự tồn tại của mình.
Tất nhiên là nàng đã không làm điều đó. Vì nó quá tàn nhẫn. Nhưng làm cho chúng nhỏ lại, xua đuổi như xua đuổi những ung nhọt. Nàng khô héo.
Bằng cách nhịn đói.
Nàng gầy nhất vào buổi sáng. Nên các buổi sáng không đến nỗi đáng sợ lắm. Sự gầy gò của nàng như một niềm vui nho nhỏ, như một thắng lợi nho nhỏ trước sự nhẫn tâm của một ngày bắt đầu bằng việc vầng mặt trời chết tiệt đánh thức vạn vật đến với sự sống, bằng sự tươi mới của mình, bằng những giọt sương trên cỏ và bằng hai mươi tư giờ vô tận phải trải qua.
Bằng cách nhịn đói. Nàng khô héo…
Nàng gầy đi.
Nàng mở cửa. Marta. Cô nói rằng cô sẽ không đi một bước nếu nàng không đến bác sĩ.
– Cậu nhìn kìa – cô chỉ cái ba lô vừa hạ xuống – ở đó có đồ ăn cho ít nhất là hai tuần. Nước thì vòi nhà cậu có sẵn. Ở với tớ sẽ rất khủng khiếp đấy. Đấy là chưa kể đến cái tật ngáy của tớ.
Nàng cười. Nàng đi cùng với Marta. Chỉ vì Marta. Tự nàng luôn làm tất cả vì Marta.
– Anorexia nervosa – bác sĩ tâm lý, một ông già gầy một cách đáng sợ với mái tóc dày trắng như tuyết, nói. – Bác sẽ viết cho cháu giấy giới thiệu đến nhà ăn sinh viên – ông nói thêm, vừa viết rất vội cái gì đó vào sổ.
– Đến nhà ăn? – Marta đáp lời, cô ấy cũng ngồi trong phòng khám. Vì nàng chỉ đồng ý nói chuyện với bác sĩ với điều kiện đó.
– Xin lỗi – ông cười – đến khu điều trị rối loạn dinh dưỡng. Nhưng cho dù thế thì phải một năm sau người ta mới nhận cháu. Ở đó xếp hàng khiếp lắm. Bệnh này bây giờ đang là mốt mà. Cháu phải kiên nhẫn mới được.
– Cháu không cần bất cứ một giấy giới thiệu nào – nàng khẽ phản đối.
Bác sĩ nhấc đầu lên khỏi cuốn sổ, ngồi lại cho thoải mái hơn trong ghế.
– Cháu đã hành động dở. Rất dở. Liệu bác có phải nói cho cháu biết những gì sẽ đến với cháu trong vài tuần tới, vài tháng tới không? Bác có phải cho cháu biết rằng máu của cháu sẽ loãng như nước lã, rằng chỉ một vết thương nhỏ cũng dẫn đến xuất huyết ồ ạt? Rằng cháu sẽ bị gãy các ngón tay, có khi cả bàn tay và thậm chí cháu không nhận thấy? Rằng cháu sẽ bị rụng lông? Tất cả. Trên đầu, ở nách, ở mu. Có phải nói về chỗ nước đang tích dần trong phổi cháu? Về việc cháu sẽ bị mất chu kỳ kinh nguyệt và coi như tử cung bị cắt bỏ? – Ông nhìn vào tờ giấy ghi mọi thông tin của nàng. – Và tất cả vào tuổi hai mươi tám?
Ông đẩy tờ giấy ra.
– Nhưng cháu không muốn giấy giới thiệu. Cháu muốn mình giống một con chuột xám hôi hám. Cháu muốn mình trở thành nhỏ bé, không quan trọng, vô nghĩa. Nỗi thất vọng nào đã đẩy cháu đến chỗ, cháu không muốn làm một phụ nữ? Bác không biết nó ra sao, nhưng bác biết rằng không một người đàn ông nào, thậm chí cả người đã chết, lại muốn điều ấy. Vì cháu quá đẹp.
Marta khóc. Cô đứng dậy và ra khỏi phòng khám.
Nàng nhìn bác sĩ choáng váng. Ông đã thôi không nói. Ông quay đầu nhìn ra cửa sổ.
Nàng ngồi run rẩy thiểu não. Một lúc sau, không ngước mắt lên, nàng nói:
– Liệu bác sĩ… tức là… liệu bác có thể viết cho cháu cái giấy giới thiệu ấy?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.