Ba ơi, mình đi đâu?

Chương 4



Hồi còn nhỏ, tôi hay làm những hành động kỳ quặc để gây sự chú ý. Lên sáu tuổi, những ngày chợ phiên, tôi thường ăn cắp một con cá trích ở hàng cá, và trò ưa thích của tôi là đuổi theo các cô gái rồi cọ con cá của tôi vào bắp chân trần của họ.

Ở trường cấp hai, để ra vẻ lãng mạn và giống Byron, tôi thường thắt nơ bướm thay vì đeo cà vạt, và để ra vẻ bài thánh, tôi thường đặt tượng Đức Mẹ Đồng trinh trong nhà vệ sinh.

Mỗi lần vào một cửa hàng thử quần áo, chỉ cần người ta nói với tôi: “Bộ này rất đẹp, hôm qua tôi đã bán được cả tá” là đủ để tôi không mua nó. Tôi không muốn giống như những người khác.

Về sau, khi tôi bắt đầu công tác tại đài truyền hình, khi người ta giao cho tôi thực hiện những đoạn quay ngắn, tôi luôn cố gắng, trong tâm trạng ít nhiều hạnh phúc, tìm ra một vị trí bất thường để đặt máy quay.

Tôi còn nhớ một giai thoại về họa sĩ Édounard Pignon, tôi từng làm phim tài liệu truyền hình về ông. Lúc ông đang vẽ những thân cây ô liu thì một đứa trẻ đi qua; sau khi ngắm bức tranh của ông, nó tuyên bố: “Cái bác vẽ ra nom chẳng giống cái gì cả.” Pignon, sung sướng, nói với nó: “Cháu vừa tặng ta lời khen ngợi hay nhất, không có gì khó hơn việc làm ra một cái gì đó chẳng giống cái gì cả.”

Các con tôi không giống ai. Tôi, vốn luôn muốn mình không làm như những người khác, hẳn tôi phải hài lòng.

~ * * * ~

Ở mỗi thời kỳ, tại mỗi thành phố, trong mỗi ngôi trường, luôn từng có và luôn sẽ có, nơi cuối lớp, thường là gần lò sưởi, một đứa học sinh với ánh mắt vô định. Mỗi lần nó đứng lên, mỗi lần nó mở miệng để trả lời một câu hỏi, người ta đều biết rằng mình sẽ bật cười. Lúc nào nó cũng trả lời huyên thuyên, vì nó không hiểu, vì nó sẽ không bao giờ hiểu. Thầy giáo, vốn đôi khi khoái những trò tàn ác, cố hỏi thêm, để mua vui cho cả lớp, tạo bầu không khí sôi nổi và khiến cả lớp trở nên tập trung.

Đứa trẻ với ánh mắt vô định, đứng giữa đám học sinh hung dữ, không muốn gây cười, nó không cố ý thế, mà ngược lại. Nó thích mình không g cười, nó thích mình hiểu, nó nỗ lực, nhưng bất chấp những nỗ lực của nó, nó vẫn nói những điều ngốc nghếch, vì không ai hiểu nó.

Khi còn bé, tôi luôn là đứa đầu tiên bật cười trước điều đó, giờ đây, tôi rất cảm thông với những đứa trẻ có ánh mắt vô định ấy. Tôi nghĩ đến các con tôi.

May thay, người ta thậm chí sẽ không thể cười nhạo chúng ở trường được. Chúng sẽ chẳng bao giờ đến trường.

~ * * * ~

Tôi không thích từ “tật nguyền”[12]. Đó là một từ tiếng Anh, có nghĩa là “mũ cầm tay”.

[12] Nguyên bản tiếng Pháp “handicapé”, xuất phát từ lối diễn đạt tiếng Anh “cap in hand” nghĩa là “mũ cầm tay”.

Tôi càng không thích từ “bất thường”, nhất là khi nó bị gắn với “trẻ con”.

Bình thường có nghĩa là gì? Là như cần phải thế, như người ta lẽ ra phải thế, nghĩa là ở mức trung bình, tầm tầm. Tôi không thích những gì ở mức trung bình cho lắm, tôi không thích những người không ở mức trung bình hơn, những người trên mức trung bình, và tại sao lại không phải là những người dưới mức trung bình chứ, nói tóm lại là không như tất cả mọi người. Tôi thích cách diễn đạt “không như những người khác” hơn. Bởi không phải lúc nào tôi cũng không thích những người khác.

Không như những người khác, điều đó không nhất thiết ngụ ý là kém tốt hơn những người khác, mà ngụ ý là khác với những người khác.

Một chú chim không như những chú chim khác, đó là gì? Đó có thể là một chú chim mắc chứng chóng mặt mà cũng có thể là một chú chim có khả năng hót tất cả các bản xô nát viết cho sáo của Mozart mà không cần đến bản dàn bè.

Một con bò không như những con bò khác, đó có lẽ là một con bò biết gọi điện thoại.

Khi nhắc đến các con tôi, tôi nói chúng “không như những đứa trẻ khác”. Điều này khiến không khí ngờ vực bao trùm.

Einstein, Mozart, Michel-Ange không như những người khác.

~ * * * ~

Nếu các con như những người khác, họ sẽ đưa các con tới bảo tàng. Chúng ta sẽ cùng ngắm các bức họa của Rembrandt, Monet, Turner và lại Rembrandt nữa…

Nếu các con như những người khác, ba sẽ tặng các con những đĩa nhạc cổ điển, trước hết chúng ta sẽ cùng nghe Mozart, rồi đến Beethoven rồi đến Bach và lại Mozart nữa.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ tặng các con thật nhiều sách của Prévert, Marcel Aymé, Queneau, Lonesco và lại Prévert nữa.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ dẫn các con tới rạp chiếu bóng, chúng ta sẽ cùng xem những bộ phim cũ của Chaplin, Eisenstein, Hitchcock, Buñuel và lại Chaplin nữa.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ đưa các con đến những nhà hàng lớn, ba sẽ cho các con uống chambolle-musigny và lại chambolle-musigny[13] nữa.

[13] Tên một loại rượu vang nổi tiếng của vùng Bourgogne, Pháp.

Nếu các con như những người khác, chúng ta sẽ cùng chơi quần vợt, bóng rổ và bóng chuyền.

Nếu các con như những người khác, chúng ta sẽ cùng trèo lên các tháp chuông nhà thờ gô tíc, để có được tầm nhìn bao quát.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ tặng các con những bộ đồ thời trang, để các con là những người đẹp nhất.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ đưa các con đi khiêu vũ cùng vợ chưa cưới của các con trên chiếc mui trần cũ kỹ của ba.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ kín đáo đưa các con ít tiền để mua quà cho vợ chưa cưới của các con.

Nếu các con như những người khác, chúng ta sẽ tổ chức một buổi lễ hoành tráng mừng đám cưới các con.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ có cháu.

Nếu các con như những người khác, có lẽ ba sẽ bớt sợ tương lai hơn.

Nhưng nếu các con như những người khác, các con sẽ lại như tất cả mọi người.

Có lẽ các con sẽ chẳng làm gì trên lớp.

Các con sẽ trở thành tội phạm.

Các con sẽ hí hoáy nghịch ống bô trên xe máy của các con để làm cho nó kêu to h

Các con sẽ thất nghiệp.

Các con sẽ thích nhạc của Jean-Michel Jarre[14].

[14] Nhạc sĩ người Pháp chuyên sáng tác thể loại nhạc điện tử.

Các con sẽ kết hôn với một cô nàng ngu ngốc.

Các con sẽ ly dị.

Và có lẽ các con sẽ có những đứa con tật nguyền.

Chúng ta đã kịp thoát khỏi một thảm họa.

~ * * * ~

Tôi đã cho thiến con mèo của tôi mà không báo trước với nó, mà không xin phép nó. Mà không giải thích với nó ích lợi và bất lợi. Tôi chỉ đơn giản bảo nó rằng người ta sẽ kéo a mi đan của nó ra. Tôi có cảm giác, kể từ ấy, nó hờn dỗi tôi. Tôi không dám nhìn vào mắt nó nữa. Tôi ân hận.

Tôi nghĩ đến một thời kỳ mà ở đó người ta muốn hoạn bọn trẻ tật nguyền. Các vị xã hội thượng lưu xin cứ yên tâm, các con tôi sẽ không sinh sản. Tôi sẽ không có cháu, tôi sẽ không đi dạo cùng một bàn tay nhỏ nhắn ngọ nguậy cùng bàn tay già nua của tôi, sẽ chẳng có ai hỏi tôi mặt trời đi đâu khi nó lặn, sẽ chẳng có ai gọi tôi là ông, trừ những đứa vô lại trẻ ranh ngồi trên chiếc ô tô chạy sau xe tôi vì tôi lái không đủ nhanh. Chuyện nối dõi sẽ dừng lại, chúng tôi sẽ dừng lại ở đó. Và như vậy thì tốt hơn.

Các bậc phụ huynh chỉ được phép sinh những đứa con bình thường, tất cả sẽ giành giải nhất như nhau trong cuộc thi em bé xinh nhất và, sau đó, là giải nhất trong cuộc thi tổng hợp. Đứa trẻ bất thường hẳn sẽ bị cấm.

Đối với những chú chim bé nhỏ của tôi, vấn đề này không được đề cập đến, chúng tôi không việc gì phải lo lắng. Chúng sẽ không gây thiệt hại gì nhiều với con chim sẻ bé tí xíu như con ốc vùng triều của chúng.

~ * * * ~

Tôi vừa mua một chiếc Camaro hạ giá, một chiếc xe Mỹ. Nó có màu lục đậm, nội thất bọc vải ximili trắng, vẻ hơi khoe mẽ.

Chúng tôi đi nghỉ ở Bồ Đào Nha.

Chúng tôi đưa Thomas đi cùng, nó sẽ được thấy biển. Chúng tôi đã qua đón nó ở Suối Nguồn, viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt của nó, gần Tours.

Chiếc Camaro lướt trên mặt đường, lặng lẽ.

Sau một đêm ở Tây Ban Nha, chúng tôi đến Sagres, đích của chuyến đi. Khách sạn màu trắng, bầu trời màu xanh và biển nắng chói chang, gần như châu Phi.

Hạnh phúc sau khi cuối cùng cũng tới nơi. Chúng tôi đưa Thomas xuống, nó rất sung sướng, nó nhìn khách sạn, nó vừa kêu lên: “Suối Nguồn! Suối Nguồn!” vừa vỗ tay. Nó nghĩ đã quay lại viện chăm sóc của nó. Có lẽ nó bị ánh mặt trời làm lóa mắt, hoặc đó là một câu nói đùa, nó nói thế để chọc cười chúng tôi.

Khách sạn này hơi kiểu cách, nhân viên mặc đồng phục màu boóc đô đính cúc mạ vàng. Người phục vụ nào cũng đeo một cái phù hiệu ghi tên mình, người phục vụ chúng tôi tên là Victor Hugo. Thomas muốn ôm hôn tất cả mọi người.

Thomas được phục vụ như một hoàng tử nhỏ. Thứ mà nó không thích, là người bồi bàn, trước khi phục vụ, lại dọn hết những đĩa trang trí ở trên mặt bàn đi. Nó nổi giận, nó giữ chặt đĩa của nó, nó không muốn người ta lấy mất, nó gào thét: “Không, ông ơi! Không phải đĩa! Không phải đĩa!” Hẳn nó nghĩ rằng nếu người ta lấy đĩa của nó, nó sẽ chẳng còn gì mà ăn.

Thomas sợ đại dương, sợ tiếng ầm của những con sóng lớn. Tôi thử giúp nó làm quen. Tôi đi xuống biển và bế nó trên tay, nó bám chặt vào tôi, kinh hãi. Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ khiếp sợ ấy của nó. Rồi một ngày, nó nghĩ ra được một mánh khóe để chấm dứt khổ hình của mình và chúng tôi phải rời khỏi nước, nó làm vẻ bi thương, và rất to, để chúng tôi nghe được bất chấp tiếng sóng ầm ĩ, nó gào lên: “Đi ị!” Tin là khẩn cấp, tôi đưa nó rời khỏi nước.

Tôi nhanh chóng hiểu rằng đó không phải sự thật. Tôi xúc động vô cùng. Thomas không ngốc, thậm chí có hẳn vài tia sáng trong bộ não chim của nó.

Nó có khả năng nói dối.

~ * * * ~

Mathieu và Thomas sẽ không bao giờ có Thẻ xanh[15] hay thẻ đỗ xe trong ví. Chúng sẽ không bao giờ có ví, tấm thẻ duy nhất của chúng, sẽ là thẻ chứng nhận tật nguyền.

[15] Tức thẻ tín dụng.

Nó có màu cam, để nhìn cho vui mắt. Nó mang dòng chữ “Tư thế đứng khó khăn” màu lục.

Nó được cấp bởi thị trưởng Paris.

Tỷ lệ bất lực của chúng, tính theo phần trăm, là 80%.

Thị trưởng, người không hề ảo tưởng về khả năng phát triển của chúng, đã cấp cho chúng thẻ “tật nguyền vĩnh viễn”.

Trên tấm thẻ, có ảnh của chúng. Vẻ mặt kỳ quặc của chúng, ánh mắt lơ đãng của chúng… Chúng nghĩ tới điều gì nhỉ?

Đến nay tấm thẻ vẫn giúp ích cho tôi. Thỉnh thoảng tôi lại để nó lên kính chắn gió trước xe mỗi khi đỗ sai quy định. Nhờ bọn trẻ, tôi tránh được một khoản phạt.

~ * * * ~

Các con tôi sẽ không bao giờ có sơ yếu lý lịch. Chúng đã làm gì ư? Chẳng gì hết. Thật đúng lúc, người ta sẽ không bao giờ yêu cầu chúng làm gì.

Liệu chúng tôi có thể viết gì trên sơ yếu lý lịch của chúng? Tuổi thơ bất thường, rồi vĩnh viễn ở trong viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt, ban đầu là Suối Nguồn, tiếp đến là Thông Bá Hương, những cái tên mới đẹp làm sao.

Các con tôi sẽ không bao giờ có lý lịch tư pháp. Chúng vô hại. Chúng chẳng làm gì tai ác, chúng sẽ không biết làm.

Đôi lúc, vào mùa đông, khi thấy chúng trong chiếc mũ trùm mặt, tôi lại tưởng tượng ra cảnh chúng trở thành cướp nhà băng. Hẳn chúng sẽ không nguy hiểm lắm với những cử chỉ lóng ngóng và đôi bàn tay run run.,

Hẳn cảnh sát sẽ tóm được chúng hết sức dễ dàng, hẳn chúng sẽ không bỏ trốn, chúng không biết chạy.

Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi vì sao chúng lại bị trừng phạt nặng nề đến thế. Thật vô cùng bất công, chúng chẳng làm gì cả.

Điều đó giống như một phán quyết sai lầm khủng khiếp.

~ * * * ~

Trong một vở kịch ngắn khó quên, Pierre Desproges trả thù lũ trẻ ranh và những nỗi kinh hoàng chúng tặng ông nhân ngày lễ Mẹ và Cha.

Tôi thì tôi không phải trả thù. Tôi chẳng bao giờ được tặng gì cả. Không quà không lời khen ngợi, chẳng gì hết.

Tuy nhiên ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được một hũ sữa chua mà lẽ ra Mathieu đã làm thành khay dốc túi. Lẽ ra nó đã trang trí vật đó bằng bút dạ màu hoa cà và lẽ ra nó đã gắn lên vật đó những ngôi sao mà lẽ ra tự tay nó cắt từ tờ giấy bọc quà ánh vàng.

Ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được lời khen ngợi được viết rối bởi Thomas, trong đó lẽ ra nó đã vô cùng khó khăn vạch nổi dòng: “Con ye bơ nhiu.”[16]

[16] Con yêu ba nhiều.

Ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được một chiếc gạt tàn hình thù kỳ dị như củ cúc vu, mà lẽ ra Mathieu đã làm bằng sáp nặn và trên đó lẽ ra nó khắc chữ “Ba”.

Vì chúng không như những đứa trẻ khác, nên lẽ ra chúng có thể làm tặng tôi những món quà không như những món quà khác. Ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được một viên sỏi, một chiếc lá khô, một con ruồi xanh, một hạt dẻ, một con bọ dừa…

Vì chúng không như những đứa trẻ khác, nên lẽ ra chúng có thể vẽ tặng những bức tranh không như những bức tranh khác. Ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được những con vật kỳ quặc như lạc đà buồn cười kiểu Dubuffet và ngựa kiểu Picasso.

Chúng đã không làm gì cả.

Không phải vì ác ý, không phải vì chúng không muốn, tôi nghĩ là lẽ ra chúng cũng muốn, nhưng chúng không thể. Vì đôi tay run rẩy của chúng, vì đôi mắt nhìn không rõ của chúng và vì đám rơm chúng có trong đầu.

~ * * * ~

Ba yêu quý,

Nhân dịp ngày lễ của Cha, chúng con muốn viết tặng ba một lá thư. Lá thư như sau.

Chúng con không hoan nghênh những gì ba đã làm: ba nhìn chúng con này. Chẳng lẽ sinh con như tất cả mọi người khó lắm hay sao? Khi biết số lượng những đứa trẻ bình thường chào đời mỗi ngày và hiểu đầu óc của một vài bậc phụ huynh, chúng con tự nhủ chuyện đó hẳn chẳng có gì khó cả.

Chúng con không yêu cầu ba sinh ra những đứa con thiên tài, chỉ là những đứa con bình thường thôi. Thêm một lần nữa, ba không muốn làm như những người khác, ba đã thắng, còn chúng con đã thất bại. Ba cho rằng tật nguyền thì buồn cười lắm à? Chúng con có một vài lợi thế. Chúng con không phải không phải làm bài tập, không phải nghe giảng, không phải kiểm tra, không phải chịu phạt. Bù vào đó, cũng chẳng có phần thưởng, chúng con đã để lỡ không ít thứ.

Có lẽ Mathieu sẽ thích chơi bóng đá. Ba thấy nó trên một khoảng đất, vô cùng mong manh giữa một lũ trẻ thô bạo ư? Hẳn nó sẽ không sống sót mà thoát ra nổi.

Con, con thích trở thành nhà nghiên cứu sinh học. Không thể được với chỗ rơm con có trong đầu.

Ba nghĩ rằng sống với những kẻ tật nguyền kỳ quặc lắm sao? Có những kẻ không dễ tính, chúng gào thét mọi lúc và ngăn không cho chúng ta ngủ, và có những kẻ độc ác hay cắn.

Vì chúng con không thù hận và vì sao thì chúng con cũng yêu ba, nên chúng con chúc ba một ngày lễ Cha tốt đẹp.

Ba sẽ thấy sau lá thư một bức tranh con vẽ tặng ba. Mathieu, đứa vốn không biết vẽ, ôm hôn ba.

~ * * * ~

Đứa trẻ không như những đứa trẻ khác không phải là đặc sản của một dân tộc, nó tồn tại dưới nhiều phiên bản.

Ở viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt của Thomas và Mathieu, có một đứa bé người Campuchia. Ba mẹ nó nói tiếng Pháp không được tốt lắm, các cuộc nói chuyện với bác sĩ viện trưởng thường diễn ra khó khăn, đôi lúc ly kỳ. Họ hay phải ra về với vẻ bất bình. Họ luôn kịch liệt phản đối chẩn đoán của bác sĩ.

Con trai họ không phải người Mông Cổ[17], nó là người Campuchia.

[17] Nguyên văn tiếng Pháp “mongolien”: vừa có nghĩa là người Mông Cổ, vừa có nghĩa là người mắc hội chứng Đao.

~ * * * ~

Không nên nhắc đến di truyền học, đó là một từ mang lại vận rủi.

Không phải tôi là người nghĩ tới di truyền học, mà chính di truyền học đã nghĩ tới tôi.

Tôi ngắm nhìn hai cậu con bé bỏng lưng còng của tôi, tôi hi vọng rằng đó không phải là lỗi của tôi nếu chúng không như những đứa trẻ khác.

Nếu chúng không biết nói, nếu chúng không biết viết, nếu chúng không biết đếm đến 100, nếu chúng không biết đi xe đạp, nếu chúng không biết bơi, nếu chúng không biết chơi dương cầm, nếu chúng không biết thắt dây giày, nếu chúng không biết ăn ốc vùng triều, nếu chúng không biết sử dụng vi tính, thì đó thậm chí không phải vì tôi đã nuôi dạy chúng kém, không phải lỗi ở môi trường sống của chúng…

Hãy nhìn chúng xem. Nếu chúng khập khiễng, nếu chúng gù còng, đó không phải là lỗi của tôi. Đó là lỗi của sự không may mắn.

Biết đâu “di truyền học” là thuật ngữ khoa học dùng để chỉ sự không may mắn?

~ * * * ~

Cô con gái Marie của tôi kể với đám bạn ở trường là nó có hai anh trai tật nguyền. Bọn trẻ không tin con bé. Chúng bảo con bé rằng điều đó không đúng, rằng con bé huênh hoang.

~ * * * ~

Chúng ta thường nghe một vài bà mẹ, trước nôi của con mình, nói: “Ta chẳng muốn nó lớn, ta muốn nó cứ mãi thế này.” Các bà mẹ có con tật nguyền thật may mắn, họ được chơi búp bê lâu hơn.

Nhưng một ngày kia, con búp bê ấy sẽ cân nặng ba mươi ki lô và không phải lúc nào nó cũng ngoan ngoãn.

Các ông bố quan tâm tới con cái khi chúng lớn hơn, khi chúng tò mò, khi chúng bắt đầu đặt câu hỏi.

Tôi đã chờ đợi thời khắc đó trong vô vọng. Chẳng bao giờ có nổi một câu hỏi nào khác ngoài câu: “Ba ơi, mình đi đâu?”

Món quà đẹp nhất người ta có thể tặng một đứa trẻ, là giải đáp những thắc mắc của nó, tạo cho nó niềm đam mê những điều tốt đẹp. Với Mathieu và Thomas, tôi đã không có được may mắn ấy.

Lẽ ra tôi nên thích nghề giáo viên tiểu học, dạy mọi điều cho lũ trẻ mà không khiến chúng ngao ngán.

Tôi đã làm cho bọn trẻ những bộ phim hoạt hình mà các con tôi không được xem, đã viết những cuốn sách mà các con tôi không được đọc.

Lẽ ra tôi nên thích chúng tự hào về tôi. Thích chúng nói với bè bạn: “Ba tớ, ông ấy hay hơn ba cậu.”

Nếu bọn trẻ cần tự hào về bố mình, thì có lẽ các ông bố, để tự trấn an, cũng cần sự ngưỡng mộ của con cái họ.

~ * * * ~

Hồi vẫn còn hình chỉnh máy xuất hiện giữa chương trình truyền hình, Mathieu và Thomas có thể ngồi hàng giờ trước ti vi ngắm nó. Thomas thích ti vi, nhất là kể từ ngày nó thấy tôi trên đó. Nó, người vốn nhìn không được rõ, đã phân biệt được tôi, qua một cái màn hình nhỏ, giữa những người khác. Nó nhận ra tôi, nó thốt lên: “Ba!”

Sau chương trình, nó không muốn đi ăn tối, nó muốn ngồi trước ti vi, nó cứ gào lên: “Ba, ba!” Nó nghĩ tôi sẽ quay lại.

Có lẽ tôi vẫn nhầm khi nghĩ mình không quan trọng đối với nó và nó có thể sống rất thoải mái không cần đến tôi. Sự nhầm lẫn ấy khiến tôi xúc động, đồng thời cũng khiến tôi ăn năn. Tôi khó lòng tưởng tượng ra cảnh tôi sống cùng nó, hàng ngày đến Carrefour xem Snoopy.

Thomas sắp mười bốn tuổi. Ở tuổi nó, tôi đang chuẩn bị lấy bằng BEPC[18].

[18] Bằng tốt nghiệp cấp II của Pháp, chứng nhận đã đạt được các kiến thức chung.

~ * * * ~

Tôi ngắm nhìn Thomas. Tôi khó lòng nhận ra bản thân mình ở nó, chúng tôi không giống nhau. Như vậy có lẽ tốt hơn. Tôi sẽ không ủng hộ ai trong hai người. Điều gì đã khiến tôi muốn sinh con chứ?

Lòng kiêu hãnh ư? Tôi tự hào về mình đến nỗi muốn để lại trên Trái Đất những “tôi” bé bỏng ư?

Tôi không muốn chết hoàn toàn, tôi muốn để lại vết dấu, để người ta có thể theo dấu tôi ư?

Đôi khi tôi có cảm giác mình đã để lại vết dấu, nhưng là những vết dấu có được sau khi bước qua sàn nhà đánh xi bằng đôi giày lấm đất và bị người ta quở mắng.

Mỗi lần ngắm nhìn Thomas, mỗi lần nghĩ đến Mathieu, tôi lại tự hỏi liệu tôi đã làm tốt việc tạo ra chúng chưa.

Lẽ ra tôi nên hỏi chúng.

Dù sao tôi cũng hi vọng rằng, suy cho cùng, những niềm vui nho nhỏ của chúng, Snoopy, một bữa tắm ấm, những lần vuốt ve một chú mèo, một tia nắng, một trái bóng, một chuyến dạo chơi Carrefour, nụ cười của những người khác, những chiếc ô tô nho nhỏ, món khoai tây chiên… sẽ giúp cuộc hành trình trở nên chịu đựng được.

~ * * * ~

Tôi nhớ một chú bồ câu trắng. Chú ở xưởng của viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt nơi bọn trẻ làm các công việc tay chân, nghĩa là một vài đứa nguệch ngoạc vẽ lên giấy. Những đứa khác có vẻ mỏi mệt hoặc cười vu vơ.

Khi chú bồ câu trắng bay vào phòng, một số đứa sửng sốt đập đập tay. Thi thoảng chú lại để một chiếc lông nhỏ rơi xuống theo đường dích dắc khiến một đứa trẻ chằm chằm nhìn theo. Khắp xưởng bao trùm bầu không khí yên lặng, có lẽ là do chú chim bồ câu. Có lúc chú đậu lên bàn, hoặc khá hơn nữa là lên vai một đứa trẻ. Người ta nghĩ đến Picasso, nghĩ đến bức Đứa trẻ bồ câu. Một vài đứa sợ và kinh hãi hét lên, nhưng chú bồ câu quả là dễ tính. Thomas vừa đuổi theo chú vừa gọi chú là “chú gà bé bỏ[19]“, thằng bé muốn bắt chú, có lẽ để vặt lông chú chăng?

[19] Bé nhỏ.

Thế giới động vật và thế giới con người chưa bao giờ hòa hợp đến thế. Giữa những bộ não chim, mọi việc đều trôi chảy. Thánh Francois d’Assise[20] không ở đâu xa, và Giotto[21], với các bức họa đầy chim chóc của mình.

[20] Tu sĩ công giáo người Ý (1182-1226), người sáng lập ra dòng Thánh Francois.

[21] Giotto di Bondone hay Ambrogiotto di Bondone (1267-1337) là họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư người Ý. Các bích họa ông vẽ ở nhiều nhà thờ lớn trong đó có nhà thờ Thánh Francois d’Assise là những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật Thiên Chúa giáo.

Những kẻ ngây thơ thường hạnh phúc với những gì mình có. Nhờ hội họa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.