Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên tập 7
SINH HOẠT VĂN HỌC
Giáng sinh đã gần kề nhưng vẫn chưa có tuyết. Không có cả một trận bão tuyết lẻ loi. Buổi sáng, trên mặt đất khô cóng phủ trắng một lớp sương muối, nhưng tan biến ngay khi nắng lên. Chỉ ở phía dưới các lối đi và khuất trong bóng che của các căn nhà là còn sương đọng khi Laura và Carrie hối hả tới trường. Gió thốc vào mũi, thấm buốt những bàn tay nằm kín trong găng và các cô không cố trò chuyện qua những tấm khăn choàng.
Tiếng gió tạo thành một âm vang buồn nản. Mặt trời nhỏ hẳn lại và trên trời không một bóng chim. Trên đồng cỏ mờ mịt vô tận, những đám cỏ nằm rạp héo úa. Trường học cũng có vẻ già nua, xám xịt và mệt mỏi.
Hình như mùa đông không bao giờ bắt đầu và không bao giờ chấm dứt. Không có điều gì xảy ra khác với việc đến trường rồi về nhà, học bài ở trường rồi học bài ở nhà. Ngày mai cũng sẽ như hôm nay và suốt trọn cuộc đời, Laura cảm thấy, sẽ chẳng bao giờ có gì ngoài việc học và dạy học. Ngay cả ngày Giáng Sinh cũng không phải là thực khi vắng Mary.
Laura đoán rằng tập thơ chắc vẫn được giấu kín trong ngăn kéo bàn của Mẹ. Mỗi lần Laura đi ngang chiếc bàn ở đầu cầu thang trong phòng Mẹ, cô đều nghĩ đến tập thơ và bài thơ mà cô chưa đọc hết. “Can đảm lên! Chàng chỉ về hướng đất”. “Sóng vươn cao đưa ta tới bờ kia”. Cô đã lặp lại mãi một ý nghĩ đến trở thành nhàm chán và ngay cả việc trông ngóng cuốn sách ngày Giáng Sinh cũng không còn lôi cuốn nhiều nữa.
Đêm Thứ Sáu lại đến. Laura và Carrie rửa chén đĩa như thường lệ. Như thường lệ, các cô mang sách vở tới dưới ánh đèn sáng trên bàn. Bố đang ngồi trên ghế, đọc báo. Mẹ khẽ đung đưa chiếc ghế đu và những chiếc kim đan của Mẹ đang khua lách cách. Như thường lệ, Laura mở cuốn sách lịch sử. Đột nhiên, cô không còn chịu nổi nữa. Cô tựa lưng vào ghế, gấp mạnh sách lại và đập xuống bàn. Bố Mẹ giật mình, ngạc nhiên nhìn cô. Cô hét lên:
– Khỏi cần nữa! Tôi không muốn học! Tôi không muốn học! Tôi không muốn dạy học, mãi mãi!
Mẹ nhìn bằng cái nhìn nghiêm khắc cùng cực. Mẹ nói:
– Laura. Mẹ biết là con không chửi rủa nhưng nổi điên và khua đập đồ đạc cũng tệ hại như chửi rủa. Hãy để cho Bố Mẹ khỏi phải nghe thêm lời chửi rủa nào của gỗ nữa.
Laura không lên tiếng. Bố hỏi:
– Có chuyện gì, Laura? Tại sao con lại không muốn học và đi dạy học?
Laura nói một cách tuyệt vọng:
– Ôi, con không biết! Con quá mệt với mọi thứ. Con muốn… con muốn có một điều gì xảy ra. Con muốn về miền Tây. Con cho rằng con chỉ muốn chơi nhưng con biết rằng con đã lớn quá rồi.
Cô gần như nức nở, một điều mà cô chưa từng làm. Mẹ kêu lên:
– Sao vậy, Laura!
Bố nói bình thản:
– Đừng nghĩ ngợi nữa. Tất cả chỉ do con đã học hành quá sức.
Mẹ nói:
– Thôi, tối nay hãy cất sách vở đi. Trong bó báo Youth Companions vừa nhận còn mấy truyện mình chưa đọc. Con có thể chọn đọc một chuyện cho cả nhà nghe, Laura, con thích vậy không?
Laura trả lời một cách thiểu não:
– Dạ, thưa Mẹ.
Ngay cả việc đọc truyện cũng thành việc cô không muốn làm. Cô không biết cô muốn điều gì, nhưng cô biết dù thế nào cô cũng không thể có được điều đó. Cô cầm lấy tờ báo Youth Companions kéo ghế vào gần bàn trở lại. Cô nói:
– Carrie, em chọn truyện nào em thích đi.
Một cách kiên nhẫn, cô đọc lớn tiếng trong lúc Carrie cùng Grace tròn mắt lắng nghe, chiếc ghế đu của Mẹ đung đưa và những cây kim đan trong tay Mẹ lại khẽ khua lách tách. Bố đã ra phố kiếm bạn bè trò chuyện quanh lò sưởi trong cửa hàng đồ sắt Fuller. Đột nhiên cánh cửa bật mở và Bố chạy ào vào, nói:
– Caroline, đội nón vào, cả các con nữa! Có một cuộc mít-tinh ở trường học!
Mẹ hỏi:
– Có chuyện gì…
Bố nói:
– Mọi người đang kéo đi! Mình đang khởi sự sinh hoạt về văn học.
Mẹ đặt món đồ đang đan xuống bên cạnh:
– Laura, Carrie! Các con hãy thay đồ trong lúc Mẹ lo cho Grace.
Rất nhanh, tất cả đã sẵn sàng đi theo ngọn đèn bão của Bố. Lúc Mẹ thổi tắt cây đèn trong nhà, Bố xách lên luôn. Bố giải thích:
– Tốt hơn là mang nó theo. Mình cần thêm ánh sáng cho trường học.
Những ngọn đèn bão khác đang đi dọc phố Main và lập lòe trong khoảng tối của phố Second ở phía trước. Bố ghé gọi thầy Clewett ở đó, nhắc mang theo khóa cửa trường học.
Những chiếc bàn khác lạ hẳn dưới ánh sáng của những ngọn đèn bão. Nhiều ngọn đèn khác cũng được mang tới. Thầy Clewett thắp sáng một chiếc đèn lớn nhất đặt trên bàn giấy của thầy và ông Gerald Fuller đóng một cây đinh vào vách để treo lên chiếc đèn có chụp phản chiếu bằng thiếc. Ông ấy đã đóng cửa tiệm để tới dự cuộc họp mặt. Hết thảy các chủ tiệm cũng đang lo đóng cửa tiệm để kéo tới. Gần như mọi người trong thị trấn đều đang dồn về. Cây đèn của Bố phụ thêm cho những chiếc đèn bão chiếu sáng rực ngôi trường. Các chỗ ngồi đều đầy người và các ông đứng dàn hàng phía sau, khi thầy Clewett kêu gọi toàn phòng giữ trật tự. Thầy nói rằng mục đích buổi họp mặt là để tổ chức một câu lạc bộ văn học. Thầy nói:
– Việc thứ nhất theo trình tự là nêu một danh sách hội viên. Rồi tôi sẽ theo dõi cuộc đề cử chủ tọa lâm thời. Chủ tọa lâm thời sẽ đảm nhận nhiệm vụ và lúc đó chúng ta sẽ tiến hành đề cử và bỏ phiếu bầu các thành viên thường trực.
Mọi người hơi thụt lui lại và cảm thấy kém vui một chút nhưng cũng có một điều hấp dẫn là ai có thể đắc cử vào chức chủ tịch. Lúc đó, Bố đứng lên khỏi ghế của mình và nói:
– Thưa ông Clewett và quí vị trong thị trấn, chúng ta tới đây là để tìm một cái gì làm cho mình phấn chấn, hăng hái thêm lên. Như thế có lẽ không cần thiết phải tổ chức một thứ gì.
Bố nói tiếp:
– Theo những gì tôi nhìn thấy thì điều xáo trộn khi có một tổ chức là không bao lâu người ta sẽ lưu tâm nhiều tới tổ chức hơn là lưu tâm tới việc mà tổ chức cần làm. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đồng ý ngay bây giờ về những điều mà chúng ta muốn. Nếu chúng ta bắt đầu tổ chức thì đã gặp ngay nguy cơ là khó đồng ý với nhau về người được tuyển chọn vào ban thường trực. Cho nên, tôi đề nghị cứ nhấn thẳng tới, làm ngay những điều chúng ta muốn làm không cần có các thành viên thường trực. Chúng ta hãy chọn ông Clewett, giáo viên ở trường coi như người hướng dẫn. Ông ấy được trao trọn quyền đề ra chương trình trong mọi cuộc họp mặt kể từ lần họp mặt sau. Ai có ý kiến gì hay có thể nêu lên và ai cũng phải hăng hái góp phần vào các chương trình cho trở thành tốt nhất để đem lại cho mọi người những giây phút thoải mái.
– Thế là đẹp rồi, Ingalls!
Ông Clancy hô lớn và khi Bố ngồi xuống, nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên. Thầy Clewett nói:
– Ai tán thành hãy nói “Đồng ý!”
Một loạt tiếng “Đồng ý” rộ lớn lên và cuộc bầu phiếu đã xong. Sau đó không ai biết nên làm gì tiếp theo. Thầy Clewett nói:
– Chúng ta không có chương trình gì cho cuộc họp mặt này.
Một số người lên tiếng:
– Chà! Chúng tôi chưa chịu về đâu!
Người có râu đề nghị cùng hát và một người nói:
– Thầy có thể gom một số học sinh lại và diễn kịch được chứ? Chuyện đó thế nào, thầy Clewett?
Lúc đó một giọng nói cất lên:
– Nghĩ sao về một cuộc thi đánh vần?
Nhiều người chen vào:
– Ý nghĩ kỳ quặc!
– Đó là một ý nghĩ hay! Hãy thi đánh vần đi!
Ông Clewett chọn Bố và ông Gerald Fuller là những người hướng dẫn. Có ngay hàng loạt trò đùa giỡn khi mọi người xúm lại mấy góc trước của gian phòng và bắt đầu gọi tên.
Laura ngồi nhấp nhổm chờ coi. Dĩ nhiên những người lớn tuổi được chọn trước hết. Lần lượt từng người bước lên và khi hai hàng người đã dài hơn, Laura bỗng sợ là ông Gerald Fuller sẽ gọi tên cô trước khi Bố gọi. Cuối cùng, sự lo sợ nhất tạm ngưng. Đến phiên Bố lựa và mặc dù Bố nói giỡn để chọc mọi người cười, Laura vẫn có thể thấy Bố đang do dự. Rồi Bố quyết định và gọi:
– Laura Ingalls!
Cô lật đật bước tới chỗ kế tiếp trong hàng. Mẹ đã có mặt ngay phía trên cô. Rồi ông Gerald Fuller gọi:
– Foster!
Ông Foster là người cuối cùng trong đám người lớn đứng đối diện với Laura. Có lẽ Bố đã tính chọn ông ta vì ông ta là người lớn nhưng Bố muốn có Laura. Laura nghĩ là chưa hẳn ông Foster là người biết đánh vần khá. Ông ta chỉ là một chủ trại chuyên chăm nuôi bò, mùa đông vừa qua đã khờ khạo ngã khỏi con ngựa Lady của Almanzo Wilder khiến nó vùng chạy và bắn đại về phía bày linh dương khi chưa bước vào tầm bắn.
Lúc này đám học trò được chọn rất nhanh kể cả nhữngngười nhỏ nhất. Hai hàng người đứng dài từ bàn giấy của thầy giáo bọc dài theo vách tới cửa ra vào. Lúc đó thầy Clewett khởi sự trò đánh vần.
Đầu tiên thầy đưa ra những từ đơn giản. “U, hu, ung, hung, hùng” và thầy chỉ ông Barclay! Ông Barclay lúng túng đ ánh vần:
– Hùng, hờung…hung, huyền…hùng!
Tiếng cười rộ lên khiến ông ngạc nhiên. Ông cười theo khi đi tới một chiếc ghế và người đầu tiên đã xong. Các từ càng lúc càng dài hơn và càng có thêm nhiều người đánh vần bị đánh bại. Trước tiên là phía ông Gerald Fuller giảm dần rồi đến phía Bố, rồi lại tới phía ông Gerald Fuller. Tất cả đều nóng người lên vì cười và căng thẳng. Laura đang ở đúng trong môi trường của mình. Cô rất thích đánh vần. Dí ngón chân trên các kẽ sàn ván, tay chắp sau lưng, cô đánh vần mọi từ đến với mình. Phía đối thủ có bốn người bị loại và phía Bố có ba người thì lại đến phiên Laura. Hít vào thật sâu, cô đánh vần một hơi dài trơn tru:
– Biến chuyển: Biến, i-ê-nờ, iên -Bờ-iên, biên-sắc: Biến! Chuyển, u-y-ê-nờ, uyên- Chờ-uyên, chuyên-hỏi: Chuyển! Biến chuyển!
Dần dần gần như tất cả những chiếc ghế đều đầy người bị thua cuộc ngồi cười muốn hụt hơi. Bên phía ông Gerald Fuller còn lại sáu người và bên phía Bố chỉ còn năm là Bố, Mẹ, Florence Garland, Ben Woodworth và Laura.
Thầy Clewett lại xướng lên:
– Quẩn quanh!
Một người bên phía đối thủ rời hàng vì không đánh vần trúng và giọng Mẹ cất lên nhẹ nhàng. Thầy Clewett tiếp:
– Cẩm chướng!
Ông Gerald Fuller lẩm nhẩm đánh vần. Ông ấp úng, nhìn thầy Clewett rồi bắt đầu đánh vần trở lại. Bỗng ông lên tiếng:
– Tôi chịu thua.
Ông buông người ngồi xuống và Florence Garland bất chợt khựng giữa chừng. Cô đã từng là giáo viên! Người ngồi kế ông Gerald Fuller lại chịu thua, rồi Ben khẽ lắc đầu rời chỗ không có một cố gắng nào. Laura đứng thẳng chờ đợi. Lúc này đứng đầu hàng phía bên kia là ông Foster và ông bắt đầu đánh vần:
– Cẩm chướng! Cẩm: Â-mờ, âm-hỏi, ẩm; Cờ ẩm, Cẩm! Chướng: Ươ-ngờ, ương-sắc, ướng; Chờ ướng, Chướ ng!
Tiếng hoan hô bùng lên và nhiều người hét lớn:
– Chúc mừng ông, Foster!
Ông Foster trút chiếc áo khoác dày ra, đứng thẳng trong chiếc sơ-mi ca-rô mỉm cười một cách bẽn lẽn. Nhưng trong mắt ông lấp lóa một tia sáng. Không ai nghĩ rằng ông là người đánh vần xuất sắc.
Những từ ào xô tới, dồn dập và hiểm hóc, gồm cả những từ chứa ngầm mẹo gạt ở cuối sách đánh vần. Phía bên kia chỉ còn lại mình ông Foster. Phía bên này, Mẹ đã chịu thua, chỉ còn Bố và Laura đối đầu với ông Foster.
Không ai vấp một sơ sót. Trong sự nín hơi im lặng, Bố đánh vần, ông Foster tiếp nối, Laura theo sau rồi lại tới ông Foster. Một mình ông chống chọi với hai người nhưng hình như không thể đánh bại ông nổi.
Lúc đó, thầy Clewett xướng lớn:
– Thốc thếch loạng quạng!
Đã tới phiên Laura.
– Thốc thếch lạng quạng!
Cô lập lại và kinh hãi thấy mình bất ngờ bối rối. Cô khẽ nhắm mắt. Cô gần như nhìn rõ từ đó nằm ở trang cuối sách đánh vần, nhưng cô không thể nghĩ ra. Giống như cô đã đứng rất lâu trong sự chết lặng kinh hoàng trước những ánh mắt chờ đợi.
– Thốc thếch loạng quạng! Cô lập lại thêm một lần nữa trong sự tuyệt vọng và cuống quýt đánh vần thật nhanh:
– Thốc: Oãc, thờ ốc, thốc; thếch: Eãch, thờếch, thếch!…
Cô chỉ nghĩ đến cần chấm dứt thật nhanh. Thầy Clewett lắc đầu. Laura run run ngồi xuống. Lúc này chỉ còn lại một mình Bố. Ông Foster hắng giọng.
– Thốc thếch loạng quạng!
Ông bắt đầu đánh vần một cách suôn sẻ. Laura muốn nghẹn thở. Mọi người cũng nín hơi. Chợt ông Foster đọc:
– Quạng: Cờ ạng…
Thầy Clewett đang chờ. Ông Foster khựng lại. Hình như thời khắc không chịu nhúc nhích. Cuối cùng, ông Foster lên tiếng:
– Vậy là tôi thua rồi!
Và ông ngồi xuống. Đám đông khắp các phía vỗ tay vang dội hoan hô ông. Ông đã giành được sự nể nang trong đêm đó. Bố vào cuộc. Hình như khó có ai tránh khỏi vấp váp khi đánh vần mấy từ kinh khủng đó, nhưng Laura nghĩ:
– Bố có thể tránh khỏi, Bố phải tránh khỏi! Giọng Bố như mỗi lúc một chậm hơn và Bố đã đi tới từ cuối:
– Quạng: A-ngờ, ang-nặng, ạng; quờ ạng, quạng!
Thầy Clewett vỗ tay tán thưởng người đánh vần thoát bẫy. Tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho Bố vang lên như sấm rền. Bố đã chiến thắng toàn thị trấn về đánh vần. Rồi mọi người chưa hết hừng hừng vì khuấy động ùa tới thu gom quần áo ấm. Bà Bradley nói với Mẹ:
– Không biết từ khi nào mới lại có một dịp vui thích như vầy!
Cô Garland nói:
– Thú vị nhất là được nghĩ mình còn có buổi họp mặt tiếp theo vào Thứ Sáu tới!
Đám đông tiếp tục trò chuyện trong lúc tuôn đi như dòng suối và những chiếc đèn bão chập chờn tiến về phía phố Main. Bố hỏi:
– Thế nào, con có thấy dễ chịu hơn không, Laura?
Cô đáp:
– Dạ có! Ôi, mình không từng có một dịp vui như thế!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.