Muốn nên người
Chương 03
Những ông giáo sư không thể chuẩn bị cho anh vào đời sống thực tế , bởi chính họ thiếu kinh nghiệm.
H. N. Casson
Do đó: mục đích thiết thực của sự giáo dục là làm sao cho người bạn trẻ được trở nên người. Và lo cho họ trở nên người là: dạy cho họ biết chinh phục lấy họ và biết chinh phục lấy cuộc đời. Ở đây chúng ta thử xét, theo lối giáo dục hiện giờ đứa trẻ có được chuẩn bị để nên người chăng?
Trước hết, hãy nhìn lại gia đình, vì theo lẽ phải cha mẹ phải lo lắng sự giáo dục của con cái trước nhất. Song chúng ta phải buồn rầu mà nhận thấy: sự giáo dục gia đình hiện nay thiếu hẳn. Chúng ta chưa tin? Hãy hỏi một người chủ gia đình về sự giáo dục con cái họ: “Dạy con? Còn thì giờ đâu mà tôi lo đến, việc ấy đã có mẹ chúng nó lo cũng đủ rồi”. Hỏi người mẹ, họ đáp: “Lo cho con thì tôi lo chạy ăn, sắm mặc cho chúng nó, còn nói đến giáo dục chúng nó làm sao tôi lo nổi công việc ấy, vì chính chúng tôi cũng không hiểu gì về sự giáo dục cả, lo cho chúng nó chúng tôi đã cố gắng lắm mới có tiền gửi chúng nó đến trường, ở đó đã có người thầy lo dạy bảo chúng nó”.
Như thế, phần đông cha mẹ đều phó thác tương lai con cái họ ở sự dạy dỗ của người thầy, của nhà trường. Còn họ, họ chỉ thấy phận sự là thỉnh thoảng dạy con họ bằng những bài luân lý suông: “Đừng hư thân mất nết, đừng ham chơi, ráng mà học v.v…”. Hoặc mỗi tháng liếc sơ giấy hạnh kiểm và sự học của đứa trẻ do nhà trường gửi về. Đôi khi đứa trẻ có phạm lỗi gì nặng, vì nóng giận, họ mắng chửi ầm lên, tát cho chúng nó vài tát hoặc nẹt cho chúng nó vài roi, thế là họ đã làm xong phận sự giáo dục của họ. Mà như thế có thể gọi là giáo dục chăng? Hay là chỉ thấy trừng phạt mà không thấy dạy dỗ.
Hiện tình việc giáo dục ở xứ ta không có gì khả quan hơn hiện tình việc giáo dục bên Âu Tây khi mà nhà giáo dục H. Spencer phải than rằng: “Nghe những người chăn nuôi súc vật bàn cãi dông dài về các thức nuôi heo nuôi bò, song nếu có ai nói đến việc giáo dục con cái họ, thì họ đáp cách tự nhiên: rồi chúng nó sẽ lớn lên”.
Hiện nay ở xứ ta có lắm cha mẹ cũng đã nói tương tự như thế: “Hơi đâu mà lo, đã có thân thì chúng nó phải biết tự lo lấy”. Muốn cho con nên người cha mẹ nào không muốn thế, song lo cho con nên người đã có mấy người biết lo, bởi họ tưởng rằng nhà trường có đủ tư cách để làm cho con họ trở nên người. Song… mục đích chính của nhà tửờng là mở đường học vấn…
Nhà trường chuẩn bị cho đứa trẻ để đi thi, chúng ta không thể đòi hỏi người thầy nhiều hơn nữa, thời giờ ít mà chương trình học rộng rãi, người thầy phải cố dạy cho đứa trẻ biết sơ qua tất cả những điều cần biết đã ghi trong chương trình.
Cha mẹ ỷ lại vào nhà trường mà nhà trường thì chỉ lo dạy chữ nghĩa cho nên công việc giáo dục đứa trẻ bị bỏ quên.
Có ai lo dạy cho chúng nó biết cách chinh phục lấy nó?
Có ai lo dạy cho chúng nó biết cách chinh phục lấy cuộc đời?
Dạy cho đứa bé cách chinh phục lấy nó là rèn đúc cho nó một tính khí. Nhưng mỗi khi thi cử, người ta chỉ xem tài làm văn, làm toán của đứa trẻ, có mấy ai để ý xem nó có một vài nét gì tỏ ra là người có chí khí chăng? Nó có biết phán đoán chăng? Nó có nhiều sáng kiến chăng? Nó có biết kiên tâm bền chí chăng? Nó có nhiều hăng hái ham hoạt động chăng? Những đức tính mà khi ra đời sẽ làm nổi bật nhân cách của nó thường ít ai quan tâm. Bác sĩ Gustave le Bon nói: “Ngoài đời, những đức tính thuộc về tính khí đóng một vai tuồng trọng yếu. Óc sáng kiến, óc phán đoán, sự kiên chí, tính minh sát, nghị lực, tính tự chủ, ý thức về nghĩa vụ là những đức tính nếu thiếu sót thì óc thông minh cũng trở nên vô dụng. Những đức tính ấy, việc giáo dục có thể tạo nên một đôi phần, nếu di truyền để lại”.
Dạy cho đứa trẻ biết cách chinh phục lấy cuộc đời? Học ở trường chúng ta đã biết qua các triết học Đông Tây, song khi ra đời muốn áp dụng khoa tâm lý học trong sự giao tiếp hàng ngày, nói làm sao cho người ta nghe theo mình, khiển trách làm sao cho người ta không thể giận mình, chúng ta phải lúng túng vì trong trường có ai dạy chúng ta phần tâm lý học thực tiễn ấy. Học ở trường, chúng ta thông tạo văn chương thi phú, nhưng khi ra đời nếu phải đặt một bản phúc trình để phát biểu ý kiến của mình về sự lập một hiệu buôn, chúng ta lại bối rối. Có người không thể thảo nổi một bức thư mua bán. Tổ chức công việc làm như thế nào cho đắc lực? Đọc sách như thế nào? Phải ghi chép tài liệu ra sao? Làm sao để xếp những tài liệu cho có phương pháp để khi cần dùng có thể tìm thấy ngay? Bao nhiêu điều mà khi ra đời chúng ta thấy cần dùng đến luôn, song chẳng thấy ghi trong chương trình nhà trường. Đến cách thức lập thân: cách chọn nghề, học nghề, cách lập gia đình, phương pháp hành động cho đắc lực, cũng không thấy ai chỉ dạy.
Cho nên khi bước ra đời người bạn trẻ thấy mình như ngơ ngác khi phải đụng đầu với đời sống thực tế. Ch. Béguy đã thốt: “Các bạn học sinh, điều làm phiền cho các anh nhất là ở ngoài đời có những cái thực tế”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.