Lá bài thứ XII

CHƯƠNG 36 (TIẾP)



Boyd lắc đầu. “Từ những gì anh ta nói với tôi, al- Dahab làm việc một mình anh ta có nói với những người ở Trung Đông một vài lần. Nhưng không có ai ở đây. Anh ta không tin tưởng một ai hết.” Cái giọng lè nhè vùng Texas phát ra rồi trầm xuống, như thể hắn ta đã cố gắng để làm mất đi giọng nói này.

Sachs nói một cách đe dọa: “Nếu anh nói dối, nếu như có điều gì xảy ra với cô bé, chúng tôi có thể bảo đảm chắc chắn rằng phần còn lại của cuộc đời anh sẽ hoàn toàn khốn khổ”.

“Như thế nào?”, Boyd hỏi, có vẻ thật sự tò mò.

“Anh đã giết người thủ thư, tiến sĩ Barry. Anh tấn công và cố ý giết các cảnh sát. Anh đáng ra sẽ phải trả nhiều lần cái mạng sống của mình trong tù. Và chúng tôi đang điều tra về cái chết của cô gái trên phố Canal ngày hôm qua. Có ai đó đẩy cô ấy ra trước xe buýt gần chỗ anh trốn thoát trên phố Elizabeth. Chúng tôi đang đưa ảnh của anh tới các nhân chứng. Anh sẽ mãi mãi biến mất.”

Một cái nhún vai. “Chẳng có chút gì quan trọng cả.”

“Anh không quan tâm sao?”, Sachs hỏi.

“Tôi biết các người không hiểu tôi. Tôi không đổ lỗi cho điều đó. Nhưng, nhìn xem, tôi không quan tâm tới việc bị giam giữ. Tôi chả quan tâm cái khỉ gì hết. Các người thực sự không thể nào hiểu được tôi đâu. Tôi đã chết rồi. Giết một ai đó chẳng là vấn đề đối với tôi, cứu một mạng sống cũng chả là gì.” Hắn nhìn Amelia Sachs, cô đang nhìn hắn trừng trừng. Boyd nói: “Tôi thấy ánh mắt đó, nó đang tự hỏi là cái loại quái vật gì thế này? Chà, sự thật là, các người biến tôi thành tôi”.

“Chúng tôi?”, cô hỏi.

“Ồ, vâng, thưa bà… Bà biết công việc của tôi là gì.”

“Người kiểm soát việc hành hình”, Rhyme nói.

“Đúng, thưa ngài. Giờ tôi sẽ nói cho các người về công việc này: Ta có thể tìm ra tên của từng người được hành hình một cách hợp pháp ở nước Mỹ này. Rất nhiều. Và ta có thể tìm ra tên của tất cả những thống đốc, những người đợi cho đến tận nửa đêm hoặc bất cứ lúc nào để có cảm hứng. Ta có thể tìm thấy tên của tất cả những nạn nhân mà những tội phạm giết, và phần lớn thời gian là tên của con cháu họ. Nhưng các anh có biết một cái tên mà không thể tìm ra?”

Hắn nhìn các cảnh sát quanh mình. “Là những người như chúng tôi, những người nhấn nút. Những người hành hình. Chúng tôi bị lãng quên. Ai cũng đều nghĩ đến việc án tử hình sẽ ảnh hưởng đến gia đình của kẻ bị buộc tội như thế nào. Hoặc xã hội gia đình của phạm nhân. Không nói đến người đàn ông hay đàn bà đang nằm xuống chờ chết. Nhưng không một ai từng mất một giọt mồ hôi để nghĩ tới chúng tôi, những người hành hình. Không một ai từng dừng lại và nghĩ tới những gì xảy ra với chúng tôi.”

“Ngày qua ngày, sống với những người của chúng tôi – đàn ông, phụ nữ, những người sắp chết, dần quen với họ. Nói chuyện với họ. Về đủ mọi thứ trên trời dưới bể. Nghe một người da đen hỏi về việc làm thế nào mà một người đàn ông da trắng phạm chính xác cùng một tội lại có thể bị án chung thân, hoặc thậm chí nhẹ hơn, trong khi anh ta thì sắp phải chết? Một người Mexico thề thốt rằng anh ta không hề hãm hiếp và giết cô bé đó. Anh ta chỉ đang mua bia ở quán 7-Eleven và cảnh sát ập đến rồi anh ta biết rằng mình đang ở trong nhà giam tử tù. Và rồi sau một năm, sau khi đã nằm sâu dưới ba tấc đất thì họ làm xét nghiệm DNA và phát hiện ra rằng họ đã tóm nhầm người, anh ta hoàn toàn là một người vô tội.”

“Tất nhiên, thậm chí là một người mắc tội cũng là con người, sống với tất cả bọn họ, ngày qua ngày. Trở nên tử tế, tốt bụng với họ vì họ tốt với ta. Dần dần hiểu họ. Và rồi… ta giết họ. Chính ta, tất cả là ta. Với chính bàn tay mình, nhấn chiếc nút, ném cái công tắc… Điều đó thay đổi ta.”

“Các anh biết họ nói gì? Anh nghe thấy điều đó rồi. ‘Xác chết di động’. Nó ám chỉ những người tử tù. Nhưng đó thực ra là chúng tôi. Những người hành hình. Chúng tôi là những người đã chết rồi.”

Sachs lẩm bẩm: “Nhưng còn bạn gái của anh? Làm sao mà anh có thể bắn cô ấy chứ?”.

Hắn im lặng. Lần đầu tiên bóng tối bao phủ khuôn mặt hắn. “Tôi đã cân nhắc về phát súng ấy. Tôi hi vọng rằng mình có cảm giác rằng không nên làm thế. Rằng cô ấy rất ý nghĩa đối với tôi. Tôi sẽ để cô ấy sống và chạy, chỉ để lấy những cơ hội cho mình. Nhưng… Hắn lắc đầu. “Nó đã không xảy ra. Tôi nhìn cô ấy và tất cả những gì tôi cảm thấy là sự lạnh lùng vô cảm. Và tôi biết rằng việc bắn cô ấy sẽ có ý nghĩa.”

“Và nếu như là lũ trẻ ở nhà lúc đó chứ không phải cô ấy thì sao?” Sachs nói hắt ra. “Anh sẽ bắn một đứa để chạy trốn chăng?”

Hắn suy nghĩ điều đó một lúc. “Chà, thưa bà, tôi cho là nó sẽ có hiệu quả, đúng không? Bà đã có thể dừng lại để cứu chúng thay vì chạy theo săn đuổi tôi. Giống như cha tôi đã từng nói: Đó chỉ là câu hỏi về việc con đặt cái dấu thập phân ở đâu.”

Bóng tối dường như đã được nhấc khỏi khuôn mặt hắn, như thể cuối cùng hắn đã nhận được câu trả lời nào đó hoặc đi tới một kết luận nào đó trong cuộc đấu tranh khiến hắn khổ sở suy nghĩ một thời gian dài.

Người treo ngược… Lá bài thường dự báo một sự khuất phục trước những kinh nghiệm, kết thúc một sự tranh đấu và chấp nhận nó.

Hắn nhìn Rhyme. “Giờ, nếu ông không phiền, tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi về nhà.”

“Nhà?”

Hắn nhìn họ một cách tò mò. “Nhà tù.”

Như thể, cái gì nữa mà hắn có thể còn ám chỉ chứ?

Người cha và đứa con gái bước khỏi chuyến tàu C trên phố 135 và hướng về phía đông, phía trường trung học Langston Hughes.

Cô đã không muốn ông đến đó nhưng ông ấy cứ khăng khăng đòi bảo vệ cô. Rhyme và thanh tra Bell cũng muốn làm như vậy. Hơn nữa, cô nghĩ rằng, ông ấy sẽ sớm trở về Buffalo vào ngày mai và cô cho rằng mình có thể tha thứ bằng một hay hai tiếng đồng hồ với ông ấy. Ông hất đầu về phía chiếc tàu điện ngầm đằng sau: “Ta đã từng rất thích vẽ trên tàu C. Sơn bám lên đó rất đẹp… Ta biết rất nhiều người đã từng thấy. Vẽ hết lên toa này sang toa khác năm 1976. Năm đó là dịp kỷ niệm 200 năm ngày Quốc khánh. Những chiếc tàu ở trong thành phố. Tuyệt tác của ta từng ở trên một trong những con tàu đó, cùng với chỗ tượng Nữ thần Tự do”, ông cười. “Bộ phận phụ trách giao thông thành phố đã không chùi sạch toa tàu đó ít nhất một tuần, ta nghe thấy người ta nói vậy. Có lẽ chỉ vì họ bận nhưng ta thích thú khi nghĩ rằng có một ai đó thích những gì ta vẽ và để nó đó lâu hơn một chút so với bình thường.”

Geneva lẩm bẩm, đang định nói rằng mình có chuyện muốn nói với ông. Cách đó một dãy phố cô có thể thấy giàn giáo nằm ở trước tòa nhà nơi cô đã làm việc và bị đuổi. Làm thế nào mà cha cô lại muốn biết rằng công việc của cô từng làm là đi tẩy sạch những hình vẽ graffiti trên các tòa nhà được sửa lại? Có thể cô thậm chí từng xóa đi vài hình vẽ của ông. Rất muốn nói với ông điều đó. Nhưng cô không cất nên lời.

Ở bốt điện thoại công cộng đầu tiên còn dùng được mà họ tìm thấy trên Đại lộ Frederick Douglass, Geneva dừng lại, rút ra vài đồng tiền lẻ. Cha cô bé đưa cho cô chiếc điện thoại của ông ấy.

“Không sao mà cha.”

“Cứ lấy dùng đi.”

Cô lờ ông, thả những đồng xu vào máy và gọi cho Lakeesha, trong khi cha cô nhét chiếc điện thoại vào túi và bước tha thẩn tới trường, nhìn khu vực chung quanh như một thằng bé đứng trước khu bán kẹo ở trong một cửa hàng tạp hóa.

Cô quay đi khi nghe tiếng bạn mình nhấc máy. “A lô?”

“Tất cả xong hết rồi, Keesh.” Cô giải thích về trung tâm mua bán trang sức, về vụ đánh bom.

“Đó là những gì xảy ra ư? Khốn kiếp. Một tên khủng bố á? Thật là đáng sợ. Nhưng cậu ổn chứ?”

“Tớ ổn. Thật đấy.”

Geneva nghe thấy một tiếng nói khác, tiếng một người đàn ông, nói gì đó với bạn mình, cô ấy đang đặt tay lên che ống nói một lúc. Sự trao đổi của họ có vẻ khá nóng.

“Cậu ở đó chứ, Keesh?”

“Ừ.”

“Ai vậy?”

“Không có ai cả. Cậu đang ở đâu? Cậu không ở lại tầng hầm ấy nữa phải không?”

“Tớ vẫn ở chỗ mà tớ nói với cậu rồi đấy – với cái chú cảnh sát và bạn gái của chú ấy. Chú mà ngồi xe lăn ý.”

“Cậu đang ở đó hả?”

“Không. Tớ đang ở khu ngoại ô. Đang đến trường.”

“Bây giờ?”

“Để lấy bài tập về nhà của tớ.”

Cô gái dừng lại một chút. Rồi: “Nghe này, tớ sẽ đến gặp cậu ở trường. Muốn thấy cậu, nhóc. Khi nào thì cậu sẽ đến đó?”.

Geneva nhìn cha của mình, ở gần đó, đang đút tay vào túi quần, vẫn đang nhìn ngắm con phố. Cô quyết định không nhắc đến ông với Keesh, hay bất cứ ai khác, chỉ là chưa nói thôi.

“Để ngày mai đi, Keesh. Tớ không có thời gian bây giờ.”

“Chán quá.”

“Chà, tốt hơn là ngày mai.”

“Sao cũng được.”

Geneva nghe thấy tiếng dập máy. Tuy nhiên cô vẫn đứng im tại chỗ một lúc, chưa bước đến phía cha mình.

Cuối cùng, cô cùng ông tiếp tục hướng về phía trường

“Con biết có gì ở đó không, cách đây ba hay bốn dãy nhà?” Ông hỏi, chỉ về phía bắc. “Strivers Row. Con đã bao giờ thấy chưa?”

“Chưa”, cô lầm bầm.

“Ta sẽ đưa con đến đó một lúc nào đó. Một trăm năm trước, một người phát triển khu đấy, tên là King, ông ấy đã xây ba tòa nhà lớn này và vô số các ngôi nhà khác. Ông ấy đã thuê ba trong số những kiến trúc sư giỏi nhất trong nước và mời họ tới làm việc. Những nơi thật đẹp. King Model Homes là tên thật sự nhưng chúng thật sự đắt và đẹp, đó là câu chuyện, nó được gọi là Strivers Row bởi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để có thể sống ở đó. W.C. Handy sống ở đó một thời gian. Con biết ông ấy chứ? Cha đẻ của dòng nhạc Blue. Nhà soạn nhạc thực sự từng sống. Ta có vẽ ở đó một lần. Đã bao giờ ta kể cho con chưa nhỉ? Ta phải mất đến ba mươi can sơn để vẽ đấy. Không phải là một hình vẽ nhanh đâu; ta mất hai ngày để vẽ đấy. Vẽ một bức tranh về W.C. Một nhà nhiếp ảnh của tạp chí Times đã chụp nó lại và đưa lên báo.” Ông hất đầu về phía bắc.

“Nó đã ở đó trong…”

Cô dừng lại nhanh. Hai bàn tay đập vào hông mình. “Đủ rồi.”

“Genie?”

“Thôi đi. Con không muốn nghe những thứ này.”

“Con…”

“Con không quan tâm tới bất cứ gì cha đang nói với con.”

“Con đang mất bình tĩnh rồi, con yêu. Ai mà không như thế sau tất cả mọi việc đã xảy ra chứ? Nhìn xem, ta đã có lỗi”, ông nói, giọng đang vỡ dần. “Đó là quá khứ. Giờ ta đã khác rồi. Tất cả sẽ khác. Ta sẽ không bao giờ đặt ai lên trước con nữa, như ta đã từng làm khi sống với mẹ con. Con là người duy nhất mà đáng lẽ ra ta phải cố gắng để giữ lại – chứ không phải là mất từng ấy năm ở Buffalo.”

“Không! Cha không hiểu điều đó. Đó không phải là về những gì cha đã làm. Đó là tất cả cái thế giới kỳ quặc của cha mà con chẳng muốn là gì trong đó cả. Con chẳng cần biết Strivers là cái gì, con không quan tâm tới Apollo hay là câu lạc bộ Cotton gì cả. Hay là Thời Phục hưng Harlem. Con không thích Harlem. Con ghét ở đây. Đó là súng, là ma túy, hiếp dâm và cả đống người nghiện những đồ phụ kiện rẻ tiền và những chiếc khuyên tai trong tiệm tạp hóa. Đó là những cô gái, tất cả những gì mà họ quan tâm là tóc tai. Và..”

“Và phố Wall có những kẻ làm giao dịch nội gián, New Jersey thì có mafia và Westchester có những khu dành cho dân di cư với những chiếc xe kéo”, ông trả lời.

Cô hầu như không nghe ông nói: “Đó là những cậu con trai, mà tất cả những gì họ quan tâm là kéo tụi con gái lên giường. Đó là những con người thờ ơ, không quan tâm tới những gì họ nói. Đó là..”

“Có chuyện gì xảy ra với tiếng Anh của con vậy?” Cô chớp mắt. “Làm sao mà cha biết về điều đó?” Bản thân ông chưa bao giờ nói bằng ngôn ngữ của người da đen – cha của ông đã bảo đảm chắc chắn rằng ông thực sự nỗ lực ở trường (ít nhất cho đến khi bỏ học để bắt đầu cái “sự nghiệp” bôi vẽ lên tài sản của thành phố). Nhưng hầu hết những người sống ở đây không hề biết tới cái tên gọi chính thức cho cái mà họ nói là tiếng Anh của người Mỹ gốc Phi.

“Khi ta còn ở trong đó”, ông giải thích: “Ta đã có được bằng tốt nghiệp trung học và một năm Cao đẳng”. Cô không nói gì cả.

“Phần lớn ta học đọc và nhớ từ vựng. Có thể điều đó không giúp ta có được một công việc nhưng nó là thứ lôi cuốn ta. Ta vẫn luôn yêu thích sách và đồ vật, con biết điều đó. Ta là người đã khuyến khích con đọc từ khi còn nhỏ… Ta đã học tiếng Anh chuẩn. Nhưng ta cũng học tiếng Anh bản ngữ nữa. Và ta thấy không có gì không đúng cả.”

“Cha không sử dụng nó”, cô chỉ ra một cách lạnh lùng.

“Ta không lớn lên và nói nó. Ta cũng không hề lớn lên và nói tiếng Pháp hay Mandigo.”

“Con chán ngán khi nghe thấy người ta nói, ‘Lemme axe you a question’[1].”

[1] Cho tôi được hỏi một câu. Câu đúng phải là: Let me ask you a question.

Cha cô nhún vai. “’Axe’ chỉ là một cách nói cũ của ‘ask’ trong tiếng Anh cổ. Hoàng gia đã từng hay sử dụng nó. Có một cuốn Kinh thánh dịch rằng nói về việc ‘cầu xin Chúa’ ban ơn. Đó không phải là một thứ liên quan tới người da đen, như người ta vẫn nói. Sự kết hợp của việc nói chữ ‘s’ và ‘k’ ở cạnh nhau rất khó để phát âm. Đảo chữ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Và cả ‘ain’t’? Xuất hiện trong tiếng Anh kể từ thời đại của Shakespeare.”

Cô cười. “Cố gắng kiếm một công việc mà nói tiếng Anh bản ngữ ấy sao.”

“Chà, sẽ ra sao nếu như có một ai đó từ Pháp hay Nga cố gắng kiếm một công việc như thế? Con không nghĩ rằng ông chủ sẽ cho họ cơ hội, lắng nghe họ, xem liệu họ sẽ làm việc chăm chỉ, thông minh, thậm chí nếu họ nói một thứ tiếng Anh khác? Có thể vấn đề là ông chủ đó đang sử dụng ngôn ngữ của một người nào đó để làm lý do từ chối không thuê họ.” Ông cười. “Những người ở New York tốt hơn là nên biết nói ít tiếng Tây Ban Nha và Trung Quốc trong một vài năm tới. Tại sao không là tiếng Anh bản xứ?”

Cách lập luận của ông khiến cô còn bực tức hơn nữa.

“Ta thích ngôn ngữ của chúng ta, Genie. Nghe nó tự nhiên hơn. Nó khiến ta cảm thấy mình đang ở nhà. Nhìn xem, con có quyền để tức giận ta vì những gì ta đã làm. Nhưng không phải vì ta là ai hay vì cái gì mà ta như thế này. Đây là nhà. Và con biết con làm gì với gia đình của mình, đúng không? Con thay đổi những gì phải thay đổi và học cách tự hào vì những gì con không thể làm.”

Geneva nhắm chặt mắt lại và đưa tay lên mặt. Năm này rồi năm khác cô mơ về một người cha, một người mẹ – thậm chí không dám mơ có cả hai, nhưng chỉ cần một người ở đó khi cô về nhà mỗi buổi chiều, để kiểm tra bài về nhà của cô, để gọi cô dậy vào mỗi một buổi sáng. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, khi cô cuối cùng đã quyết định tự vực dậy cuộc sống của mình bằng chính mình và bắt đầu tìm ra đường đi khỏi cái nơi này, nhưng quá khứ trói buộc và lôi cô lại.

“Nhưng đó không phải là những gì mà con muốn”, cô thì thầm. “Con muốn một điều gì đó hơn là cái mớ lộn xộn này.” Cô vẫy vẫy bàn tay mình quanh con phố.

“Ồ, Geneva, ta hiểu điều đó. Tất cả những gì ta hi vọng là có thể chúng ta sẽ có những năm yên bình ở đây, trước khi con bước chân vào cuộc sống. Hãy cho ta cơ hội để sửa lại những gì chúng ta đã làm với con, mẹ con và ta. Con xứng đáng có một cuộc sống khác… Nhưng, con yêu à, ta phải nói rằng – con có thể gọi cho ta một nơi mà con cảm thấy hoàn hảo? Những con phố được lát gạch vàng? Những nơi mà người ta yêu mến hàng xóm của mình?” ông cười và chuyển sang dùng tiếng Anh bản ngữ. “Con gọi đó là một đống lộn xộn ở đây? Chà, quá thẳng thắn. Nhưng cái đống đó ở đâu? Nó ở đâu?”

Ông đưa tay vòng qua ôm Geneva. Cô gồng lên nhưng lại không hề chống cự. Họ bắt đầu bước tới trường.

Lakeesha Scott ngồi trên chiếc ghế băng ở công viên Marcus Garvey, cô đã ở đó hơn nửa tiếng đồng hồ, sau khi trở về từ chỗ làm kế toán ở một nhà hàng trong trung tâm.

Cô châm một điếu Merit khác, nghĩ: Có những điều chúng ta làm vì ta muốn thế và những điều chúng ta làm vì ta phải làm. Những điều sống còn.

Và điều mà cô sắp làm lúc này là một trong những cái điều phải làm ấy.

Thế quái nào mà Geneva không nói rằng sau tất cả cái đống lộn xộn khỉ gió ấy, cô sẽ đi khỏi thành phố và không bao giờ quay lại?

Cô ấy sẽ đi tới Detroit hay là Bama?

Xin lỗi, Keesh, chúng ta sẽ không gặp nhau được nữa. Ý tớ là mãi mãi. Tạm biệt.

Thế thôi, và tất cả cái vấn đề khỉ gió ấy sẽ biến mất.

Tại sao, tại sao, tại sao?

Và nó thậm chí còn tồi tệ hơn là: Gen phải đi và nói với cô chính xác mình đang đi tới đâu trong một vài tiếng đồng hồ tới. Keesh không có lý do nào để vuột mất cô ấy lúc này. Ồ, cô vẫn giữ cách nói chuyện chợ búa của mình khi họ nói chuyện cách đây một lúc để Gen không biết được điều gì sắp xảy ra. Nhưng giờ, cô ngồi đây một mình, chìm vào trong nỗi buồn.

Tôi cảm thấy thật sự tồi tệ.

Nhưng không có sự lựa chọn nào.

Những điều ta làm vì ta phải làm…

Cố lên nào, Keesh nói với chính mình. Phải vượt qua. Đi nào. Phải làm thôi…

Cô dụi điếu thuốc và rời khỏi công viên, hướng về phía tây rồi sang phía bắc trên khu Malcolm X, đi qua nhà thờ này rồi nhà thờ khác. Chúng có ở khắp nơi. Nhà thờ Mt. Morris Ascension, Bethelite Community, Ephesus Adventist, Baptist – rất nhiều. Một hay hai nhà thờ Hồi giáo, một giáo đường Do Thái.

Những cửa hàng và cửa hiệu: Papaya King, một cửa hiệu bán đồ tôn giáo, một hiệu cho thuê vest tuxedo, một đại lý rút tiền bằng séc. Cô đi qua ga ra của một người du mục, chủ nhân đang ngồi bên ngoài, tay nắm chiếc đài được ghép lại với nhau bằng băng dính, sợi dây điện dài biến mất vào trong một văn phòng tối om. Ông ta vui vẻ cười với cô. Làm thế nào mà Lakeesha ghen tị với họ: một đức cha đứng trước bậc thềm bám bụi, dưới ánh đèn neon của cây thánh giá, một người đàn ông vô tư lự nhét mẩu xúc xích vào trong miếng bánh bao nhân nho đã được hấp nóng, người đàn ông béo ục ịch ngồi trên một chiếc ghế rẻ tiền, với điếu thuốc và cái micro dở hơi của ông ta.

Họ không phản bội một ai cả, cô nghĩ.

Họ không phản bội lại một trong những người bạn tốt nhất trong nhiều năm rồi.

Chộp lấy thanh kẹo cao su, nắm chặt sợi dây đeo túi với những ngón tay mập mạp được sơn màu đỏ và vàng ở móng tay. Lờ đi ba cậu nhóc người Dominica.

Pssst

Keesh thò vào trong túi và cầm lấy con dao bấm của mình. Cô gần như bật nó mở ra, chỉ để lưỡng lự nhìn chúng. Cô nhìn trừng trừng nhưng giữ nguyên con dao sắc nhọn ở đó, biết chắc rằng mình sẽ gặp phải cả đống phiền phức khi đến trường. Chả nghĩ đến nó nữa.

Pssst.”

Cô tiếp tục đi, bàn tay run rẩy mở một gói kẹo cao su. Nhét hai miếng có vị hoa quả vào miệng. Lakeesha chật vật tranh đấu để tìm lại trái tim giận dữ của mình.

Điên tiết lên đi nào. Nghĩ tới mọi thứ mà Geneva đã làm khiến mình bức tức, nghĩ tới những gì mà nó có mà mình không và không bao giờ có. Sự thật đau lòng là cô ấy quá thông minh, đến trường đều đặn mỗi ngày, luôn giữ được dáng vẻ nhỏ nhắn mà không giống với những ả điếm bị AIDS, rằng cô ấy vẫn khép chặt chân mình lại và nói với những cô gái khác những điều giống như những bà mẹ đầy lo lắng nói với con gái họ.

Làm như là cô ấy tốt hơn tất cả mọi người.

Nhưng cô ấy không như vậy. Geneva Settle chỉ là một đứa nhóc từ một gia đình mà mẹ thì nghiện và cha thì bỏ đi.

Cô ấy là một trong số chúng ta.

Bực tức với sự thật là cô ấy nhìn vào mắt ta và nói: “Cậu có thể làm được, cậu có thể làm được, cậu có thể thoát ra khỏi đây, cậu có cả thế giới ở phía trước”.

Chà, không, đôi khi chúng ta chỉ đơn giản không thể làm được. Đôi khi nó quá nhiều để chịu đựng. Ta cần sự giúp đỡ để vượt qua. Ta cần một ai đó với những đồng tiền, ai đó quan sát và giúp đỡ, bảo vệ.

Trong một khoảnh khắc, sự tức giận với Geneva sôi lên và cô tóm lấy cái dây túi thậm chí còn chặt hơn.

Nhưng cô không thể giữ được sự tức giận đó. Nỗi tức giận biến mất, bị thổi bay đi không khác thứ phấn rôm cô rắc lên mông của hai đứa em họ sinh đôi mỗi khi thay tã lót cho chúng.

Khi Lakeesha bước đi trong sự mê mụ qua Lenox Terrace hướng về phía trường học, nơi mà Geneva Settle sẽ sớm có mặt ở đó, cô nhận ra rằng mình không thể dựa vào sự tức giận hay lý do nào cả.

Tất cả những gì cô có thể dựa vào đó là sự sống còn. Đôi khi ta phải quan tâm đến chính mình và nhận lấy sự giúp đỡ mà người ta đưa ra.

Những điều mà ta làm bởi ta phải làm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.