Biết người

Chương 02



Đi xem một cuộc triển lãm hội hoạ, chúng ta nhận thấy các bức tranh trưng bày chẳng những khác nhau về đề tài, về khuôn khổ mà còn khác nhau rất nhiều về sắc độ. Bức thì màu sắc rực rỡ, bức lờ mờ, hoặc lộng lẫy, hoặc vui hoặc buồn. Có bức thì đơn sắc, có bức lại gồm có nhiều màu sắc đối chọi nhau một cách ngộ nghĩnh, có bức hình dáng chẳng khác gì một tấm thảm. 
Tuy thế, tất cả những bức tranh ấy đều đặng tạo nên với một ít màu chính, lúc nào cũng thế. 
Cá tính của con người cũng giống như các bức tranh nói trên. Tuy nó hiện ra dưới bao nhiêu sắc thái nhưng tựu trung nó cũng chỉ đặng tạo nên bởi một ít bẩm màu căn bản. Chính sự phối hợp vô cùng phức tạp của những bẩm chất này đã làm cho có sự khác nhau giữa loài người, làm thành bao nhiêu hạng người. 
Tâm lý học nhằm hai mục tiêu: Tìm xem đâu là những bẩm chất cốt yếu của con người và sau khi đã định rõ giá trị mỗi bẩm chất ở một người, sẽ tiên đoán thái độ, lối xử sự của người ấy. 

Hai cá tính của con người: 
Từ lâu rồi người ta đã ngờ ngợ rằng những yếu tố cấu thành cá tính con người có thể phân làm hai loại. Người ta nhận thấy một cách mơ hồ rằng trong thâm tâm của mỗi người đều có một cái gì vững vàng, suốt đời không thay đổi và bao phủ trên cái cái phần ấy, như một cái mặt nạ, còn có một cá tính khác, uyển chuyển hơn, biến hóa hơn, lại chịu ảnh hưởng của những biến cố bên ngoài. 
Một trong những thắng lợi của tâm lý học hiện giờ là đã chỉ định một cách rõ rệt rằng trong mỗi người đều có hai cá tính. 
Lúc chào đời chúng ta mang sẵn trong người cái cá tính thiên nhiên . Những yếu tố của nó làm nòng cốt cho cái khí chất và cái trí tuệ của chúng ta. Cái cá tính thứ nhì được gọi là cá tính tập thành bởi nó được kết thành do những hiện tượng bên ngoài, do tất cả những biến cố của đời sống. 
Đôi khi các nhà khoa học cũng gọi nó là “bản ngã căn bản”, “bản ngã ngoại diện”. Nhưng chúng ta xin miễn dùng những tiếng “lóng” ấy và chỉ có thể nói một cách giản dị là mỗi người khi sinh ra đời đều có nhận được một số dụng cụ hoặc tốt hoặc xấu, đó là cá tính thiên nhiên. Dưới ảnh hưởng của những hiện tượng đời sống, họ sẽ dùng những công cụ ấy để xây dựng cá tính tập thành. 
Bây giờ chúng ta hãy xem xét cái cá tính thiên nhiên ấy làm bằng những gì? Lúc sinh ra đời, chúng ta đã nhận được những dụng cụ gì? Những bẩm chất nào là những bẩm chất căn bản? Bao nhiêu câu hỏi mà bấy lâu nay người ta không tìm ra lời giải. 
Tuy thế, từ lúc nào cũng như lúc nào, con người luôn luôn muốn tìm hiểu lý do những hành động của mình. Họ tự dò la, khảo sát, tự thú. Họ đã ghi chép kết quả của những cuộc khảo sát này trong bao nhiêu sách vở: tiểu thuyết, ký sự, khái luận, khảo cứu và thu thập rất nhiều tài liệu song chẳng đi đến một kết quả khả quan nào. Không thể xếp thành loại mớ tài liệu ấy, cũng không thể rút ra những quy tắc tổng quát. Ngay việc đặt để và định nghĩa các danh từ, những tác giả cũng chưa đồng ý thay. Việc dùng “phương pháp nội quan” để tìm hiểu tâm lý con người đã thất bại. 
Vì sao? Bởi khi người ta chỉ trông qua một bức tranh thì không tài nào có thể phân định những màu căn bản mà họa sĩ đã dùng để vẽ bức tranh ấy. Hẳn thí dụ rằng loài người chưa biết thuật hội họa. Có thể nào qua một bức tranh chúng ta phân tách nổi trong bức tranh ấy có bao nhiêu chất màu xanh, và cách phân phối màu xanh ấy ra sao? Chúng ta có biết màu xanh là màu căn bản chăng? Chắc là không, cho đến khi chúng ta tìm ra một phương pháp có thể làm nổi bật ra một màu này hoặc một màu khác trong bảy màu của cầu vòng. Lúc bấy giờ chúng ta mới rõ: chỉ có bảy màu chính, bảy màu căn bản, cách phân phối những màu ấy ra sao, và chúng ta biết rõ tất cả các sắc do sự pha trộn của hai hoặc nhiều màu trổ ra. 
Cách nhà tâm lý học hiện giờ đã tìm ra một thứ “thuốc thử” na ná như thể để phân tách rõ rệt những yếu tốt tạo thành cá tính con người. Thuốc thử đó là bệnh điện. 

Thuốc thử của bệnh điên: 
Nếu khoa học tâm lý về con người ngày nay đã có một nền tảng vững chắc đó là nhờ công trình của nhiều nhà chuyên về bệnh tinh thần như Ernest Dupré chẳng hạn và nhất là nhờ những phát minh của hai nhà bác học: Giáo sư F. Achille Delmas, một tâm y sĩ có tiếng và giáo sư Marcel Boll, một nhà khoa học mà cũng là môt nhà văn, một nhà phê bình nhiều người biết đến. 
Họ đáng cho chúng ta ghi ân. Chính họ là những người sáng tạo ra nền tâm lý học tân thời. Chẳng những họ đã lập ra một lối phân loại rất hợp lý về các bẩm chất căn bản của cá tính con người, ngoài ra họ cũng là những người đầu tiên đã phân biệt có hai loại tâm lý học: Một thứ tâm lý học tịnh khảo sát về cá tính thiên nhiên và các tính tập thành. Một thứ tâm lý học động khảo sát về lối cư xử, thái độ của con người. Nói một cách khác, có thứ tâm lý học chuyên khảo xét về các bộ phận của guồng máy lại có thứ chuyên khảo về cách vận dụng của guống máy ấy. 
Chính tôi đã căn cứ trên lý thuyết của hai nhà khoa học ấy để xây dựng cái nền tảng vững chắc của sách này, và trong bao nhiêu áp dụng mà tôi đã đề cập trong sách này tôi chưa hề thấy lý thuyết ấy sai chạy ở một điểm nào. 
Muốn hiểu rõ tại sao người ta có thể dùng người điên để phân tích tâm trí của người có đủ lý trí, chúng ta cần hiểu qua về những chứng bệnh tinh thần và cách xếp loại của nó. 
Xưa kia người ta không biết gì về bệnh điên cả. Thấy người nào nói xàm nói nhảm hoặc có những hành động kỳ dị, người ta cho rằng họ điên hoặc khùng, không hơn không kém. Tuy rằng người ta đã nhận thấy có nhiều chứng cuồng tâm, loạn óc song không ai buồn nghiên cứu những bệnh ấy. Cho đến cuối thế kỷ XVIII người ta vẫn còn xem những người điên như loài ác thú, người ta cùm xích họ lại, họ sống một đời sống đáng thương hại. 
Đến đầu thế kỷ XIX, mới có một nhà y sĩ từ tâm biết nghiêng mình xuống số phẩn hẩm hiu của những người bạc phúc ấy. Đó là ông Pinel. Ôngười đã kéo họ ra khỏi chốn cực hình, đã bắt đầu nghiên cứu về họ một cách hợp lý. 
Suốt thế kỷ gần đây, nhiều người khác đã tiếp tục việc khảo cứu này và ngày ngay, khoa tâm y học tức là khoa học nghiên cứu về các chứng bệnh tinh thần đã tiến bộ một cách khả quan. Những công cuộc nghiên cứu liên tục này đã giúp người ta tìm ra một lối xếp loại rất quan trọng: Phân chia các chứng bệnh tinh thần ra làm hai nhóm riêng biệt: Những bệnh do thương tích gây ra và những bệnh do thể tạng tức là do sự cấu thành của thể chất tạo nên. 

Những bệnh điên do thương tích gây ra: 
Những bệnh điên do thương tích có những đặc điểm cốt yếu sau đây: 
Con bệnh luôn có những vết thương trong óc, người ta tìm thấy những vết thương này khi mổ thây người chết để khám nghiệm. 
Có thể đây là một chứng bệnh tập thành chứ không phải do thiên bẩm, vì những vết thương này phát ra sau khi con người đã sinh ra hoặc nếu sớm hơn, thì cũng là khi bào thai đã tượng hình. 
Tùy theo vết thương có tính chất vĩnh viễn hay tạm bợ, người ta sẽ chia những bệnh do thương tích này làm hai loại: 
Loại đầu gồm những chứng mất trí, ngu đần, động kinh, bất toại, điên cuồng, lẩm cẩm vì già nua. Loại sau gồm những bệnh điên phát sinh bởi một vết thương hoặc một chất độc (rượu, thuốc phiện v.v…). 
Những bệnh này thường đều bất trị, trừ những bệnh thuộc loại thứ hai và ở trường hợp mà chất độc chỉ gây những thương tích nhẹ. 

Những bệnh điên do thể tạng gây ra: 
Những bệnh tinh thần thuộc nhóm thứ hai, tức là những bệnh điên do thể tạng sinh ra, mới đáng cho người muốn nghiên cứu về tâm lý học quan tâm hơn. 
Những bệnh thuộc nhóm này có hai thuộc tính: 
Nó do thiên bẩm. Mầm gốc những chứng bệnh ấy đã sẵn có trong người con bệnh từ lúc họ mới lọt lòng. Rất có thể và thường khi như thế, bệnh ấy chưa phát triển đầy đủ lúc con bệnh còn thơ ấu, bởi sự phát triển ấy có thể hoặc sớm hoặc muộn, tuy nhiên người ta luôn luôn nhận thấy điều này là những bệnh ấy do thể tạng của con bệnh tức là do cơ cấu thể chất mà họ có sẵn từ lúc họ ra chào đời. (Giáo sư F. Achille Delmas định nghĩa cơ cấu tâm bệnh như thế này: Đó là một nhóm xu hướng tâm thần nhất định, thuộc cá tính thiên nhiên của con bệnh, phát triển lúc người ấy mới sinh ra, và suốt đời họ, bộc lộ bởi những phản ứng mạnh hay yếu… nó có thể đi đến những chứng bệnh thần kinh tuần hoàn, thuyên giảm trong chốc lát hoặc tiệm tiến (nghĩa là bệnh điên phát triển trong một thời kỳ gần hay xa hoặc tuần tự mà tiến). – Bài phúc trình về tâm bệnh học ở hội nghị Limoges, từ ngày 25 đến 30 tháng 7 năm 1932. 
(Còn vấn đề: Bằng cách nào và do đâu bệnh điên có thể phát sinh từ một cư cấu tâm bệnh thì người ta chỉ hiểu lờ mờ. Trong bản phúc trình nói trên, giáo sư Delmas chỉ thử tìm cách giải). 
Những con bệnh này không mang vết thương tích nào trong óc cả. Khi người ta khám tử thi một người bệnh điên thuộc nhóm này, người ta thấy óc họ chẳng khác gì óc một người lành mạnh. Rất có thể sự giống nhau ấy chỉ có ở mặt ngoài, còn nếu có chỗ khác nhau thì những phương tiện tìm tòi hiện giờ cũng chưa cho phép chúng ta nhận thấy những đặc điểm của các khối óc bệnh hoạn ấy. 
Điều quan trọng cũng là điều cốt yếu trong việc nghiên cứu của chúng ta là những chứng bệnh ấy chỉ là sự lệch lạc, sự phát triển quá độ hoặc sự khuyết kém những yếu tố căn bản tạo thành cá tính của một người lành mạnh. 
Ở người lành mạnh, những yếu tố ấy pha trộn, phối hợp lẫn nhau một cách điều hòa khó lòng cho chúng ta phân biệt. 
Ở những con bệnh tinh thần trái lại tính cách bất thường của những yếu tố ấy làm cho nó nổi bật lên trên cá tính, nhờ đó chúng ta rất dễ thấy. 
Vì thế chúng ta có thể dùng những bệnh “điên” thuộc nhóm sau này như một thứ “thuốc thử” mà chúng tôi đã nói ở trước. Một khi có thể phân biệt và xếp những chứng bệnh ấy thành loại thì chúng ta cũng đã biết rõ có bao nhiêu bẩm chất căn bản tạo thành cá tính con người. Công trình nghiên cứu của hai ông F. A Delmas và M. Boll là đã xác định lối phân loại ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.