Biết người
Chương 07
Tâm tính là kết quả sự phối hợp của năm bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính.
Trước hết người ta nhận thấy có những thứ tâm tính đơn giản “làm bằng một khối”, bị chi phối bởi một bẩm chất duy nhất.
Những người tham vọng và những người bất vụ lợi:
Lòng tham muốn quá mạnh gây ra tâm tính của một hạng người luôn luôn đòi hỏi nọ kia, bất luận ở đâu họ cũng muốn có chỗ tốt nhất lãnh phần to nhất. Luôn luôn họ kéo chăn bông về phía họ. Trong công cuộc làm ăn phải gác hơn người. Bất luận ở đâu họ cũng muốn đứng đầu dù phải lấn át người khác để vượt lên. Ngồi lại bàn họ cầm đũa trước nhất và không nhớ đến ai cả. Họ không lo lấy “tiếng” mà chỉ cần có “miếng”. Thỏa mãn dục vọng của mình trước đã, đó là khẩu hiệu của họ.
Tùy hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh sinh sống, hoặc họ sẽ có những tham vọng về tài sản thuộc vật chất và họ sẽ trở thành người tham lam hoặc giả họ sẽ tham muốn những lợi lộc về tinh thần hay trí tuệ và họ sẽ đâm ra kiêu hãnh. Những hạng người “hãnh tiến” đều là những người nhiều tham muốn.
Ngược lại đó, nếu lòng tham muốn kém, chúng ta sẽ thấy một thứ tâm tính đơn giản khác: người bất vụ lợi (nhiều khi tính bất vụ lợi cũng do tinh thần suy nhược mà ra), người khiêm tốn, nhún nhường là người luôn luôn chịu nép cái phần của mình đáng hưởng luôn luôn nép mình dù có thiệt thòi cũng cam.
Người hiền và kẻ dữ:
Bẩm chất lòng nhân quá nhiều sẽ sinh ra tính ái nhân, hay thương người; quá ít, họ sẽ thành tính hung ác.
Lòng nhân được có nhiều cảm xúc phụ họa vào sẽ sinh ra tính hay thương hại. Một người hiền từ nhưng lạnh lùng có thể giấu nhẹm lòng nhân của họ ở bên trong và vẫn cư xử rất nhân đạo. Người đa xúc cảm trái lại biểu hiện lòng nhân của họ.
Hợp với hoạt động tính lòng nhân sẽ tạo ra tính ân cần tức là tính hay giúp đỡ người. Người có tính ân cần do hoạt động tính thúc đẩy sẽ dùng lòng nhân để giúp đỡ người khác. Thiếu óc hợp đoàn, một người hiền từ sẽ thành một gắt tính nhưng tốt bụng, “xấu miệng nhưng tốt lòng”.
Khi bẩm chất lòng nhân quá kém, đến mực độ có thể sinh ra tính hung tợn thì nó không còn chống trả nổi với những phản ứng của các bẩm chất khác.
Người ta có thể định nghĩa công đức phản ứng của lòng nhân đối với các bẩm chất khác.
Người thích giao du và người ghét đời:
Óc hợp đoàn tạo ra hai thứ tâm tính đơn giản: tính vờ vĩnh và tính trắng trợn. Molière đã vẽ rõ hai thứ tính tình này ở hai nhật vật Philinte và Alceste. (Hai nhân vật trong vở kịch Le Misanthrope (Người Ghét Đời). Philinte tính bải buôi, dễ dãi, hay tha thứ lỗi lầm của người. Alceste trái lại tính thực thà nhưng xẳng, rất gắt gao với tật xấu của người).
Người vờ vĩnh luôn luôn tìm cách đề cao mình hoặc bằng cách ăn mặc, bằng dáng điệu hoặc bằng lời nói. Luôn luôn họ đóng kịch và đóng kịch rất tài. Những người hay “kiểu cách”, người theo thời trang một cách mù quáng đều thuộc hàng người này. (Những người thích làm cho người khác biết đến mình hoặc phách lối là những người vừa kiêu ngạo lại vừa có nhiều óc hợp đoàn nhất).
Nếu khả năng tinh thần của họ tốt, họ có thể làm nên miễn là họ có đủ hoạt động tính, cảm xúc tính và họ không bị lòng nhân làm trở ngại. Song không ai có thể mờ mắt người ta suốt đời và dù người vờ vĩnh có thông minh đến đâu, có ngày họ cũng bị lột mặt nạ.
Những đàn bà diêm dúa cũng thuộc hạng người vờ vĩnh, họ thường có ý thức về vẻ đẹp của họ, thường nghĩ đến hoặc thích đề cao những ưu điểm thể chất hoặc thực sự hoặc tưởng tượng của họ. Nói dối cũng là một phương sách mà người có nhiều óc hợp đoàn quen dùng.
Người trắng trợn trái lại kém óc hợp đoàn, tính ngay thực, thẳng thắn của họ đi đến sự trắng trợn. Bụng nghĩ thế nào họ nói ra thế ấy, bất chấp lời dị nghị của người khác. Nếu lòng nhân kém, họ sẽ cảm thấy một sự khoái trá bằng cách làm cho người khác bởi sự ngay thẳng của họ. Người gắt gỏng, không thích giao thiệp là người kém óc hợp đoàn nhưng nó không biểu lộ ra ngoài. Họ thích ẩn dật sống riêng biệt ngoài vòng xã hội. Ở đây, tính thích cô độc lại đi chung với lòng nhân.
Người hoạt động và người suy nhược:
Về phương diện hoạt động tính, chúng tôi đã nói rằng người ta có thể phân biệt hai thứ tâm tính: hạng người náo động và hạng người suy nhược. Chúng tôi cũng đã nói rõ hoạt động tính liên hệ mật thiết với các trạng thái thuộc thể chất mà người ta gọi là “toàn thân cảm giác” nó do sự vận động điều hòa của toàn diện bộ giao cảm thần kinh.
Người hoạt động cừ là người được có một “toàn thân cảm giác” tốt. Họ hành động nhanh, nói nhiều, phí sức nhiều, quyết định ngay. Họ cho chúng ta cái cảm tưởng rằng họ có rất nhiều ý kiến bởi họ suy nghĩ thật nhanh. Họ thường vui tính, họ gác bỏ những tư tưởng đen tối, những cảnh tượng đau thương. Gặp phải nghịch cảnh hay thất bại họ trấn tĩnh được ngay và nhìn thấy bộ mặt tốt của sự việc. Nếu là người đa cảm họ lại thêm tính nóng, càng gặp khó khăn bao nhiêu họ càng hăng, càng kích thích bấy nhiêu.
Những người tọc mạch, những người hay nói, những tay xài lớn, những nhà đại doanh nghiệp, những tay du lịch nhiều đều thuộc hàng người nhiều hoạt động. Nói về họ người ta bảo: “Họ không thể ngồi yên một chỗ”, hoặc “Họ như có chất nổ trong người”. Luôn luôn họ phải hoạt động, bằng cách này hay các khác. Họ quan niệm đời là một cuộc hoạt động không ngừng và không lúc nào họ nghĩ đến việc dưỡng già.
Những tay kiến quốc lừng danh, những nhà cái trị có tài đều là những người nhiều hoạt động.
Thánh Paul, dù là ốm yếu cũng là một người rất hoạt động. Colbert, Lazare Cornot, Napoléon và bao nhiêu người khác nữa cũng đều là những tay hoạt động cừ.
Những người suy nhược thường là những người bi quan, đó là những nàng Cassandre (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp đặc trưng cho hạng người hay tiên đoán những điều không hay) hay tiên đoán những tai ương, thảm họa.
Ít cảm xúc họ là những người không hay nghịch ngợm, nhưng đứng đắn. Trái lại nếu đa cảm xúc họ là những người buồn bực, bi quan, những người luôn luôn có “bộ mặt đưa đám ma”.
Một thứ tâm tính khác do hoạt động tính tạo thành là tính tâm thần bất định. Đó là do sự phát triển bất thường của hoạt động tính, nhưng không phải luôn luôn nó biến thành một bệnh thái.
Thực ra trong chúng ta ai cũng có không ít thì nhiều tính tâm thần bất định này. Có lúc chúng ta thấy hăng hái, vui vẻ thích hoạt động và chúng ta vui vẻ làm việc, lúc khác chúng ta thấy uể oải, bạc nhược, biếng nói, biếng cười. Nếu sự biến chuyển từ trạng thái hăng hái đến trạng thái an tĩnh quá rõ rệt, nó có thể sinh ra thứ tính tình bất thường, tính hay dời đổi, tính “ngông”.
Nhiều bậc thiên tài thuộc hạng tâm thần bất định. Lúc mà tinh thần họ suy nhược, thường khi họ rất đau khổ, họ ghi lại những cảm giác làm tài liệu cho những tác phẩm của họ, trường hợp của Jean Jacques Rousseau là một.
Người đa cảm và người thản nhiên:
Hai thứ tâm tính cực đoan do cảm xúc tính tạo thành là tính dễ cảm và tính thản nhiên.
Người dễ cảm thường xúc cảm một cách đột ngột, nhanh chóng, kèm theo đó là những phản ứng mạnh mẽ. Họ phản ứng rất dễ dàng trước một niềm vui cũng như một nỗi buồn, rất có thể họ mới vừa cười đó rồi lại khóc ngay. Luôn luôn họ ở trong một tình trạng cấp báo, mắt luôn luôn rình rập, họ run sợ vì những chuyện không đâu. Trong ngôn ngữ thường người ta gọi họ là những người “cau có”. Nếu họ lại thêm chứng tâm thần bất định thì tính dễ cảm của họ càng thêm rõ rệt.
Người thản nhiên trái lại ít cảm xúc. Nếu có cũng rất hiếm và chậm chạp. Dù là gặp cảnh huống nguy nan họ cũng không cuống quít và luôn luôn bình tĩnh. Những biến cố dường như không ảnh hưởng đối với họ. Trước vẻ điềm nhiên bình tĩnh của họ chúng ta có cảm tưởng như đứng trước một tấm vách, một tảng đá khó bị xay sát. Nhưng thản nhiên quá mức là một tật xấu, người không biết cảm xúc quyết định rất chậm chạp.
Maurice De Fleury có thuật lại chuyện một vị đại tá mà người ta phải thuyên chuyển về hậu quân. Dưới cơn lửa đạn, ông ta điềm nhiên như bàn thạch và do đó ông không thấy những nguy hiểm, không biết phản ứng lại và gặp một cảnh ngộ bất ngờ ông không còn biết hành động nhanh chóng để đối phó lại.
Giáo dục có thể ức chế cảm xúc tính phần nào nhất là đối với những người được có một vài đức tính tốt khác, ví dụ óc phán đoán tốt. Họ có thể đè nén những cảm xúc vào bên trong. Cảm xúc tính của họ không bị triệt hẳn. Nó chỉ không biểu lộ ra ngoài. Những người ấy thường có một đời sống bên trong phong phú, nhiều cảm xúc, do đó họ thường đau khổ nhiều hơn.
Đừng lầm lẫn cảm xúc tính với lòng nhân. Có những người đa cảm nhưng không nhân ái chút nào. Trước cảnh khổ của một người, người đa cảm có thể xúc cảm mạnh, nhưng bởi bẩm chất lòng nhân ở họ rất kém nên họ không thể hy sinh một phần nào của họ, và cũng không làm một điều gì để xoa dịu bớt nỗi khổ ấy. (Cái thói thương hại vì cảm xúc này thường thấy trong văn chương. Do đó chúng ta mới có thể hiểu tại sao một người tính vốn ích kỷ lại có thể viết nên những sách đượm lòng nhân ái). Vì thế chúng ta thấy có lắm người ứa lệ trước đau khổ của người, nhưng đó là họ khóc cho họ, khóc vì họ, bởi biết rằng rất có thể họ cũng gặp những cảnh huống không hay ấy nên họ tủi thân. Cái khóc của nàng Kiều trước mộ Đạm Tiên:
“Đau đớn thay phận đàn bà,
“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Những thứ tâm tính pha trộn:
Những bẩm chất cốt yếu của tâm tính có thể hòa trộn phối hợp lẫn nhau, có khi hai, có khi ba bẩm chất phối hợp với nhau, cũng có khi nhiều hơn nữa. Kết quả của những phối hợp đó tùy thuộc cái giá trị tương đối của những bẩm chất đã liên kết, cũng tùy thuộc giá trị của tâm trí đã nhuận súc những bẩm chất ấy.
Một người vừa đa cảm vừa tham lam sẽ có tính tiện tặn nếu cảm xúc của họ trội hơn lòng tham muốn. Nếu ngược lại lòng tham muốn trội hơn cảm xúc tính và nếu họ suy nhược tức là kém hoạt động tính họ sẽ đâm ra hà tiện, keo kiệt.
Một người đa cảm và nhiều lòng nhân sẽ có tính hay thương hại nếu cảm xúc tính của họ trội hơn lòng nhân, còn trái lại thì họ là người cẩn thận biết làm việc một cách có lương tâm.
Lòng nhiệt huyết là sự phối hợp của cảm xúc tính với hoạt động tính thêm vào đó là chút lòng nhân. Người giàu nhiệt tâm là người bị kích động vừa đa cảm vừa hiền lành.
Những người có tính rụt rè, lưỡng lự, ngần ngừ, do dự là những người đa cảm và suy nhược. Bởi khuyết kém bẩm chất hoạt động tính nên không biết quyết định.
Người táo bạo là người thản nhiên, họat động nhưng kém phán đoán. Nhờ ít cảm xúc và không biết phán đoán nên họ thường không thấy đâu là hiểm nguy.
Người nhiều tham muốn mà thiếu lòng nhân sẽ đâm ra ích kỷ. Tất cả những thói ích kỷ đều do sự phối hợp hai bẩm chất tham muốn và lòng nhân ở nhiều cấp độ khác nhau.
Người cao vọng là người nhiều tham muốn và nhiều óc hợp đoàn nhất.
Người có có hợp đoàn và hiền lành là người có tính nhã nhặn, khả ái.
Óc hợp đoàn và hoạt động tính phối hợp với nhau sẽ sinh tính dễ thương nếu hoạt động tính trội hơn. Trái lại, nếu óc hợp đoàn nhiều hơn thì sinh ra phách lối.
Người giả hình là người vờ vĩnh mà thiếu lòng nhân. Tính nham hiểm là tính giả dối thêm vào đó sự suy nhược.
Người keo kiệt hoàn toàn mà Molière đã bất hủ hóa trong vai Harpagon và Balzac trong vai lão Grandet, là một người tham lam đa cảm nhưng suy nhược, kém hoạt động.
Nếu trong đó có ít nhiều hoạt động tính chúng ta sẽ thấy một thứ tâm tính hà tiện khác. Người hà tiện mà hoạt động sẽ biết tiêu tiền trong một vài trường hợp, trong công cuộc làm ăn. Hoặc giả trong những thú mê say nào khác như thú sưu tầm chẳng hạn nhưng trong những trường hợp khác thì họ vẫn “rít chúa ngô công kẹo”. Một người tham lam nhưng có óc hợp đoàn dám tiêu tốn bạc vạn trong những cuộc tiếp tân, đãi đằng hoặc trong những dịp có thể mua lấy sĩ diện với hàng xóm song ở nhà thì họ bắt vợ con ăn cơm với rau muống luộc chấm muối vừng.
Người mưu sĩ là người có nhiều óc phán đoán nó khiến họ hay nói dối; đồng thời họ có nhiều tham muốn, kém lòng nhân, song rất nhiều hoạt động tính nó khiến họ thích đua tranh với đời.
Tính ghen tuông đáng cho chúng ta nghiên cứu một cách riêng. Đó là hình thức đặc biệt của mỗi thứ tâm tính rất phức tạp mà chúng ta nhận thấy có ít ra hai hình thức.
Trước hết đó là thứ ghen tuông do lòng tham muốn gây ra. Bởi người ta cho rằng mình là chủ của một vật, của một người (hoặc giả người ta muốn là chủ) nên người ta ghen. Trí nhớ ghi lại tất cả những sự kiện có dính dáng đến người yêu và nhất là óc tưởng tượng có thể tô vẽ thêm những sự kiện ấy để phụ họa vào, và làm cho tính ghen thêm sôi nổi.
Lại có thứ ghen tuông do một cảm tính lo âu, áy náy mà Crommelynck đã nghiên cứu rất tế nhị trong vở kịch “Le cocu magnifique” (Anh chàng bị mọc sừng hiên ngang). Người ghen tuông lâm vào một tình trạng lo âu, bâng khuâng áy náy không còn thể chịu nổi, nhất là khi họ chỉ nghờ vực mà không có bằng cớ xác thực nào về sự phản bội của người yêu, họ thích bị phản bội hoặc xúi người yêu phản bội họ, như vậy cốt để họ có lý lẽ để ghen tuông. Và khi đã bị phản bội thực sự, họ cảm thấy như đỡ khổ hơn và khoan khoái một cách ẩm uất.
Lẽ dĩ nhiên ghen tuông có nhiều cấp bậc, nhiều mức độ khác nhau tùy theo trị số của những bẩm chất đã kết thành nó. Thí dụ một người ghen mà kém tưởng tượng thì chỉ ghen “bằng mắt”, hắn không bị ngờ vực, nghi ngờ, hành hạ vì lẽ hắn không thể tưởng tượng những gì người yêu có thể làm sau lưng hắn. Hắn phải “nhìn tận mắt” mới có thể nổi cơn ghen.
Những thứ tâm tính phức tạp:
Ngoài ra còn nhiều cách phối hợp khác, phức tạp hơn. Một người hoạt động và hiền lành có thể mang tật lười biếng vì thiếu tham muốn nên không có tham vọng. Nhưng tham muốn lại cần thiết, ít ra trong một cấp độ nào đó: muốn làm việc đắc lực cần phải biết ham thích, phải có một mục đích.
Có người lười biếng do một sự suy nhược tiên thiên. Một người suy nhược kém lòng nhân hoặc kém cảm xúc cũng dễ sinh lười biếng mặc dù họ có tham muốn.
Có người hoạt động nhưng vì thiếu lòng nhân nên cũng đâm ra lười biếng, họ chỉ hướng sức hoạt động vào những cuộc chơi bời.
Nhiều bẩm chất có thể khiến cho một người trở nên siêng năng.
Người ta có thể thích làm việc vì sở thích (cảm xúc tính), vì lợi lộc (tham muốn), vì bổn phận (lòng nhân), vì tự ái (sợ dư luận người đời: óc hợp đoàn); cũng có khi chỉ vì thói quen, kết quả của sự phát triển của cá tính tập thành.
Lòng can đảm cũng có nhiều nguồn gốc. Có người tỏ ra can đảm nhờ biết đè nén sự sợ sệt (cảm xúc tính) (cái can đảm của vị tướng Turenne lúc ra trận run sợ nhưng cố trấn tĩnh mình bằng câu: “thân xác này, mày cứ run…), nhờ biết suy luận (khả năng tinh thần tốt).
Cũng có thể do hoạt động tính bị kích thích hoặc vì danh vọng, vì tiếng tăm (óc hợp đoàn). Có người tỏ ra can đảm bởi có lòng ái quốc hoặc tín ngưỡng (hình thức tinh thần của lòng nhân).
Lòng tham muốn, tính ham mê của cải cũng có thể làm cho một người trở nên can đảm. Harpagon thà chết không chịu mất của. (Tôi có biết một bà đại điền chủ ở lục tỉnh, hai phen bị bọn cướp bắt đánh, tra tấn rất dã man, nhưng bà ta vẫn không chịu chỉ chỗ bà ta giấu vàng bạc).
Sau hết cũng có người can đảm chỉ vì họ kém cảm xúc tính, do đó tự nhiên họ tỏ ra bình tĩnh.
Trong lúc chiến tranh, những người đa cảm xúc thường rất bị khổ, mặc dù họ có nhiều đức tính khác.
Cá tính tập thành có thể ảnh hưởng do thói quen. Một người không có khuynh hướng về hà tiện nhưng sống chung mãi với những tay keo kiệt thét rồi nhiễm lấy tật xấu ấy.
Một người tham vọng nhưng bị đời bạc đãi sẽ trở nên một người nhường nhịn, nếu họ kém hoạt động và có đôi chút lòng nhân.
Biếm nhẽ và trào lộng:
Bây giờ chúng ta thử xét qua một trường hợp hơi phức tạp, trường hợp những hình thức của tính biếm nhẽ, của tính trào lộng, tức là khuynh hướng tinh thần hay làm nổi bật cái góc cạnh lố lăng, đáng cười của người, của sự việc.
Cơ sở của tính biếm nhẽ hoặc có óc trào lộng, thứ trào lộng có ý nhị, là óc tinh nhuệ. Đặng kết hợp với ba bẩm chất lòng nhân, óc hợp đoàn và hoạt động tính, óc tinh nhuệ sẽ nhuộm cho tính biếm nhẽ nhiều màu sắc khác nhau tùy theo cái cấp độ tương đối của ba bẩm chất ấy.
Cái biếm nhẽ chua cay chán chường là do lòng nhân kém (tính ác), thiếu óc hợp đoàn (tính trắng trợn) và thiếu hoạt động tính (tính bi quan).
Nếu trong đó có nhiều hoạt động tính thì sẽ biến thành thứ biếm nhẽ cay độc. Tính trắng trợn, tính ác độc làm cho người ta thích nói chua cay và hoạt động tính đem lại cho người ta cái tinh thần phá phách.
Nếu lòng nhân tuy kém, nhưng óc hợp đoàn và hoạt động tính khá nhiều nó nảy sinh ra cái tính khăm tức là tính ác nhưng có vẻ tử tế. Nếu ba bẩm chất lòng nhân, óc hợp đoàn và hoạt động tính đều tốt cả thì chúng ta chỉ thấy những tính trêu chọc, chế giễu để mà cười xòa không có ý làm hại ai cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.