Khi Quảng Tế đóng cửa lại thì vị phán quan bước ra hành lang rồi dừng lại trước một cánh cửa đối diện. Cánh cửa không khóa. Dịch Nhân Tiết bước vào nhưng không thấy một ai cả. Căn phòng được thắp sáng với một ngón nến cháy tàn trên một chiếc bàn bằng tre. Ngoài hai chiếc ghế và một cái giường, người ta không thấy một thứ gì nữa. Cũng không có một chiếc rương nào, chẳng có một hành lý nào, cũng không có cả quần áo mắc ở cái mắc áo bằng gỗ. Nếu không có ngọn nến sắp tàn, người ta nghĩ rằng căn phòng không có ai ở cả.
Dịch Nhân Tiết bước lại gần chiếc bàn, mở hộc bàn ra, chỉ thấy toàn bụi. Vị phán quan quì xuống nhìn phía dưới chỉ thấy một con chuột đang tìm đường chạy trốn.
Dịch Nhân Tiết đứng dậy, phủi bụi ở đầu gối quyết định đi gặp Tào Can.
Đã quá khuya rồi, chắc chắn là Tào Can đã chia tay các diễn viên.
Dịch Nhân Tiết tìm thấy Tào Can ở căn phòng riêng của ông ta. Tào Can đang hơ mình bên cạnh một lò than chỉ con leo lét vài ba cục than hồng.
Tào Can xưa nay vẫn nổi tiếng là người tiết kiệm. Ông ta được coi như kẻ thù của những sự chi tiêu vô ích. Nét mặt Tào Can sáng rực khi thấy Dịch Nhân Tiết bước vào. Vị quan hầu cận liền hỏi:
– Có việc gì đã xảy đến cho quan lớn? Chúng tôi tìm quan lớn khắp nơi mà không thấy đâu cả…
Dịch Nhân Tiết không trả lời ngay câu hỏi mà nói ngay:
– Hãy cho ta một tách trà thật nóng. Bây giờ, nhà ngươi có gì lót bụng không?
Trong lúc Dịch Nhân Tiết ngồi vào trước một chiếc bàn nhỏ thì Tào Can mở chiếc rương du lịch lấy ra hai cái bánh khô.
– Rất tiếc, chúng tôi không tìm ra món gì khác nữa để ngài dùng.
Ăn ngon lành chiếc bánh, Dịch Nhân Tiết, với giọng vui vẻ:
– Ngon đấy chứ! Ít nhất còn có chút mỡ heo. Người làm bánh này ít ra cũng không dại dột như mấy ông bà ăn chay kia.
Đoạn Dịch Nhân Tiết hạ thấp giọng:
– Lúc này, ta cần phải ngủ một giấc đã. Tuy nhiều điểm đã được soi sáng nhưng vẫn còn nhiều điểm khác còn làm cho ta thắc mắc. À mà Tào Can ạ! Nhà ngươi có biết rằng có kẻ suýt ám sát ta đó không?
Tào Can nhìn Dịch Nhân Tiết không chớp mắt.
Dịch Nhân Tiết kể lại câu chuyện đã qua. Vị phán quan nói ông đã gặp nàng Đinh và Ngẫu Dương.
– Sáng mai, trước khi rời khỏi nơi này, ta sẽ đến gặp bà Bảo Mẫu. Nhưng điều ta muốn biết ngay trong lúc này, ai là kẻ thích khách? Tại sao hắn muốn giết ta?
Tào Can vuốt ve ba sợi lông ở cái mụn cóc mọc trên ngón tay trỏ rồi nói:
– Cứ theo lời nàng Đinh thuật lại thì Mặc Đức đã từng quen biết ngôi thiền viện này. Hắn thuộc hạng người thích lê chân khắp đó đây và từng phạm những tội ác tày trời. Hắn không cạo trọc đầu như các nhà tu bên Phật giáo nên dù có phạm tội cũng dễ lẩn tránh. Nếu Mặc Đức đã từng có mặt ở tu viện này thì hắn rất có thể là hung thủ trong ba cái chết đáng nghi ngờ kia. Cũng có thể là cả ba cũng nên. Biết đâu người đàn bà bị cụt tay là một trong những nạn nhân của hắn.
Dịch Nhân Tiết gật đầu:
– Tất cả những chuyện đó đều có thể xảy ra cả. Hiện ta đang cố thu thập thêm các chi tiết, ráp nối các bằng chứng, cố tìm cho ra sự thật. Bữa tiệc ở tu viện vẫn còn làm ta có nhiều thắc mắc. Biết đâu Mặc Đức cũng có mặt trong bữa tiệc đó? Có thể hắn đã mặc áo tu sĩ và lẩn ngồi vào đám đông. Và khi hắn là diễn viên trên sân khấu, hắn chỉ cần mang thêm vào một cái mặt nạ, thoa son điểm phấn vào nữa là tất cả những người có mặt trong tu viện này không thể nào nhận ra hắn nữa. Có thể chính vì sự hoá trang đó mà chúng ta đã không bao giờ tìm ra hắn và đó cũng là lý do căn phòng của hắn luôn luôn trống không. Hơn nữa, nếu quả thật kẻ lạ mặt mở cửa toan bước vào giữa lúc ta và vị hoà thượng trụ trì đang đàm đạo với nhau mà là Mặc Đức thì chính hắn là kẻ đang tìm cách thủ tiêu ta.
– Ám sát một vị phán quan là to chuyện đó nghen!
– Ta vẫn đặt nhiều nghi ngờ ở Mặc Đức. Ở đây, ta nhận thấy không có ai có đủ can đảm làm việc đó như Mặc Đức. Hẳn mọi người đều hiểu rằng giết chết một vị quan của triều đình là gây nên xúc động mạnh trong guồng máy cai trị. Sau vụ ám sát thì lập tức ngôi thiền viện này bị bao vây chặt chẽ. Quân đội và những chuyên viên đặc biệt sẽ lật từng viên đá, từng viên gạch, mà tìm cho ra thủ phạm. Mặc Đức không phải là người trong tu viện và sau khi đã làm xong nhiệm vụ của hắn thì hắn sẽ tìm đường biến mất.
Tào Can gật gật đầu:
– Còn nhiều vấn đề khác. Chẳng hay phán quan có chất vấn hoà thượng trụ trì về cái chết của vị hoà thượng trước không? Nếu cái chết đó không bình thường và kẻ sát nhân biết là phán quan dang muốn tìm biết về cái chết đó thì hắn cố tìm cách ngăn cản ngài.
– Không. Giả thuyết đó khỏi cần bàn tới. Có trên mười người đã chứng kiến cái chết đó và không nhận thấy có điều gì mờ ám cả. Ta đã nói rõ ràng với hoà thượng trụ trì là ta không nghi ngờ gì cả…
Dịch Nhân Tiết nói đến đây bỗng ngưng lại. Một hồi lầu, vị phán quan mới tiếp lời:
– Nhưng nhà ngươi cũng có lý. Ta đã nói rằng, dù xác có được ướp thì dấu vết do cái chết đột ngột gây ra vẫn không mất. Ta từng tuyên bố câu đó nên có người cho rằng ta muốn mở cuộc giảo nghiệm tử thi.
Bỗng dưng Dịch Nhân Tiết đập tay mạnh xuống bàn và nói:
– Tùng Lập phải kể ta nghe hết mọi chi tiết về cái chết của nhà tu hành đó, không được bỏ một chi tiết nhỏ nào mới được. Chẳng hay lúc này hắn ta ở đâu?
– Dạ lúc tôi rời khỏi phòng của Quan Lai thì tất cả các diễn viên còn có mặt ở đó. Tùng Lập cũng ở bên cạnh họ. Đoàn hát lãnh tiền hát tối nay, lệ thường ít khi họ đi ngủ sớm sau khi vãn hát.
– Được lắm! Hãy đến gặp họ. Ta không rõ vì ta bị đánh trên đầu hay vì ta đã nghỉ dưỡng sức hai tiếng đồng hồ ngoài ý muốn của ta mà hiện nay ta hết bị cảm rồi. Ta cũng không còn cảm thấy nhức đầu, không còn nóng lạnh gì nữa cả. Còn nhà ngươi thì sao? Nhà ngươi không buồn ngủ à?
Tào Can mỉm cười:
– Tôi ít ngủ lắm. Thường ra tâm trí bị thắc mắc rất nhiều chuyện.
Dịch Nhân Tiết đưa cặp mắt tò mò nhìn Tào Can khi Tào Can tắt nến bằng cách đưa hai ngón tay bóp cái bấc. Tào Can giúp việc Dịch Nhân Tiết gần một năm nay. Thật sự vị phán quan có cảm tình đặc biệt với viên quan hầu cận ông.
Muốn dò xét thử bóng đêm, Dịch Nhân Tiết hé mở cửa.
Có tiếng vải lụa sột soạt vang lên, bất thần vị phán quan nhìn thấy một bóng đen biến mất mau lẹ ở phía cầu thang.
Dịch Nhân Tiết la lớn:
– Tào Can. Hãy chạy xuống cầu thang xem. Cố đuổi theo kẻ đã cố ý nghe lén ở ngoài cửa.
Tào Can vội vã chạy theo. Ông ta cũng mang theo một cuộn dây nhuộm màu đen. Tào Can lấy dây giăng qua hành lang rồi lẩm bẩm:
– Nếu tên lạ mặt chạy qua đây chắc chắn hắn sẽ bị vướng vào sợi dây này.
Liền đó, Dịch Nhân Tiết xuất hiện.
Tào Can như muốn minh xác:
– Tôi đuổi theo nhưng không kịp vì khi chạy hết chỗ rẽ ở hành lang thì lại gặp một bực tam cấp nhỏ. Bẩm phán quan. Hắn là người như thế nào?
– Ta chỉ thấy thoáng qua mà thôi. Hắn đã lanh chân biến mất. Chắc chắn là chính hắn đã toan mưu sát ta.
– Bẩm quan lớn. Lý do nào ngài đưa ra nhận xét đó?
– Hắn đã để lại trong không khí cái mùi thơm lạ giống mùi thơm mà ta đã ngửi phải trước khi ta bị đánh lên đầu.
Dịch Nhân Tiết vuốt mạnh bộ râu, giọng giận dữ:
– Ta bắt đầu chán lối chơi ú tim này rồi! Ta phải hành động gấp vì tên vô loại đó đã có thể nghe hết mọi câu chuyện của ta. Hãy đi tới Quan Lai. Nếu không gặp Tùng Lập ở đó, ta sẽ đánh thức đạo sĩ Tuyên Minh dậy ngay và lập tức mở ngay cuộc tìm kiếm. Chúng ta phải khám xét hết mọi góc gác của ngôi thiền viện… kể cả những nơi từ trước đến nay vẫn cấm không cho ai bước vào. Hãy mau lên! Đừng làm mất thì giờ nữa!
Chỉ còn Quan Lai và Tùng Lập ở lại trong phòng. Cả hai say như chết.
Quan Lai ngáy khò khò. Còn Tùng Lập mặt úp xuống mặt bàn, lấy ngón tay tẩm rượu đổ lênh láng trên mặt bàn và vẽ lên những đường nét vô nghĩa.
Tùng Lập muốn đứng dậy khi thấy Dịch Nhân Tiết nhưng vị phán quan đã đưa tay cản lại.
– Cứ ngồi đó!
Dịch Nhân Tiết cũng ngả mình xuống một chiếc ghế gần cạnh:
– Hãy nghe kỹ ta nói! Có tên thích khách muốn hại ta. Âm mưu này, theo ta nghĩ có dính líu, như nhà ngươi từng nói với ta, với cái chết của hoà thượng Ngọc Kính. Ta không muốn người ta xem thường vụ này. Ta cần biết thêm chi tiết nữa. Nhà ngươi hãy nói đi. Ta nghe nhà ngươi đây!
Tùng Lập đưa tay sờ lên trán. Việc hai người xuất hiện bất thần và vẻ mặt nghiêm nghị của vị phán quan làm cho Tùng Lập như có giã rượu đi một phần nào. Hắn ho lên vài tiếng để lấy giọng và khởi sự…
– Bẩm phán quan. Đay là một câu chuyện khá kỳ lạ. Không rõ tôi có nên nói hết sự thật cho quan lớn nghe không?
– Thôi. Đừng nói chuyện vẩn vơ nữa. Tào Can đâu? Nhà ngươi xem thử quanh đây còn có rượu uống nữa không. Ta cũng cần rượu để cho khỏi buồn ngủ đây.
Tùng Lập nhìn một cách thèm khát chén rượu mà Tào Can vừa rót đầy nhưng Tào Can không để ý đến cái nhìn của Tùng Lập nên chàng thi sĩ uể oải lên tiếng:
– Ông thân sinh tôi là bạn chí thân của hoà thượng Ngọc Kính. Hai người thường mở những cuộc thăm viếng lẫn nhau. Trong bức thư cuối cùng ngài viết cho ông thân sinh tôi, hoà thượng Ngọc Kính nói là ngài không tin tưởng một chút nào nơi hoà thượng Chân Hiền. Dường như hoà thượng Ngọc Kính muốn nói đến thái độ khác thường của Chân Hiền đối với các nữ tu sĩ khi những người này gần ngài để được nghe giảng giải về kinh kệ.
– Thái độ đó như thế nào?
– Bẩm phán quan. Ngài không nói rõ. Nhưng dường như đó là những buổi lễ cử hành bí mật mà có tính cách tửu dục. Hơn nữa, đêm đêm người ta lại thấy hoà thượng Chân Hiền trồng một loại cây lạ ở góc vườn của thiền viện, mà theo nhiều người hiểu chuyện thì đó là một loại cây độc. Hoà thượng có âm mưu đầu độc một người nào đó chăng?
Dịch Nhân Tiết liền đặt mạnh cái chén xuống mặt bàn.
– Tại sao mãi đến nay nhà ngươi mới nói với ta những điều như thế? Làm thế nào mà nhà ngươi lo tròn nhiệm vụ của một người dân tốt khi nhà ngươi lại dấu ta những điều quan hệ đó?
– Ông thân sinh của tôi là một người hiền đức nổi tiếng. Ông không bao giờ phát ngôn bừa bãi bất cứ điều gì khi ông chưa nắm chắc các sự kiện của việc ấy. Hơn nữa, hoà thượng Ngọc Kính cũng không hề thổ lộ một điều gì với ông thân sinh của tôi. Hoà thượng Ngọc Kính ngày đó cũng đang ở trong cái tuổi bảy mươi. Có lúc tâm trí của ngài cũng không được sáng suốt cho lắm, mọi việc ngài cho như không có. Ông thân sinh của tôi thì quyết định chẳng bao giờ nói ra một điều gì khi ông chưa nắm vững vấn đề. Ông cũng không muốn bàn chuyện với đạo sĩ Tuyên Minh khi ông chưa có bằng cớ gì đích xác trước mắt. Không may giữa lúc đó ông thân sinh của tôi bị ngoạ bệnh rồi qua đời luôn. Trên giường bệnh, trước phút tử thần rước ông đi, chắc chắn ông cũng không bao giờ nghĩ rằng có cuộc điều tra như ngày hôm nay.
Tùng Lập buông một tiếng thở dài rồi tiếp:
– Sau khi ông thân sinh của tôi qua đời, với tư cách là trưởng nam, tôi phải lo mọi việc trong gia đình. Nhiều tháng ngày trôi qua. Bỗng chúng tôi gặp một sự rắc rối về tranh tụng điền thổ. Việc đưa đến cửa quan. Thế là một năm trôi qua trước khi tôi có thể mở cuộc điều tra, thật ra tôi mới có mặt trở lại trong tu viện này lõi chừng hai tuần lễ. Ba thiếu nữ đã chết ở trong thiền viện này. Thiền viện cũng đã khai về ba cái chết này, nhưng đã đưa ra những lý do rất bình thường. Không có một chi tiết nào để người ngoài có thể nghi ngờ đến ba cái chết đó. Về cái chết của hoà thượng Ngọc Kính, một sự việc đã cản trở khá nhiều cuộc điều tra của tôi là vì phần phía Bắc của tu viện, đối với quần chúng không ai được phép đến đó cả, do đó tôi không có dịp nào thăm viếng nơi chôn huyệt của hoà thượng Ngọc Kính để nghiên cứu thêm những giấy tờ do ngài đã để lại. Thất vọng, nhiều lúc tôi có ý ngỏ lời doạ xa doạ gần hoà thượng Chân Hiền bằng cách nói bóng nói gió là tôi biết rõ chính Chân Hiền là thủ phạm trong cái chết của hoà thượng Ngọc Kính, như vậy cũng là để đề phòng Chân Hiền tìm cách hại tôi. Cũng do đó mà có hai bài thơ ứng khẩu: “Hai vị hoà thượng và các giai nhân” , “Cây có trái độc”… Chân Hiền phải hiểu rằng tôi có ý nói đến thuốc độc và cái chết của ba thiếu nữ kia. Như phán quan đã thấy rõ là Chân Hiền đã tỏ ra rất khó chịu khi tôi ngâm lên những bài thơ trên.
Dịch Nhân Tiết nói ra một câu như có ý để khuyến khích thêm Tùng Lập.
– Đúng vậy! Còn ta, lương tâm không hề phạm tội nên ta không hề cảm thấy khó chịu một chút nào khi nghe ngâm lên những câu thơ đó.
Vị phán quan suy nghĩ một lát, tiếp lời:
– Trong bữa tiệc ta có được nghe hoà thượng trụ trì Chân Hiền nói về cái chết của hoà thượng Ngọc Kính. Bây giờ nhà ngươi hãy kể lại ta nghe rõ hơn những điều nhà ngươi nghe biết về cái chết đó.
Bắt gặp cặp mắt Tùng Lập nhìn chằm chằm vào chén rượu của mình. Dịch Nhân Tiết hiểu ý ra lệnh cho Tào Can:
– Kìa! Rót rượu thêm cho Tùng Lập chớ! Không có đổ dầu thì bấc làm sao cháy sáng được?
Tùng Lập cảm ơn về cái nhìn của Dịch Nhân Tiết. Sau khi cạn chén, thi sĩ tiếp lời:
– Cái chết của hoà thượng Ngọc Kính đã diễn ra trong những hoàn cảnh được coi như là rất kỳ lạ. Cách đây khoảng chừng một năm, vào ngày mười sáu tháng tám, hoà thượng Ngọc Kính cả buổi sáng hôm ấy một mình ở lại trong căn phòng của ngài. Cũng như thường lệ, hoà thượng tìm đọc những kinh kệ. Đến trưa, ngài dùng cơm ở phòng ăn cùng hoà thượng Chân Hiền, đạo sĩ Tuyên Minh và các tu sĩ khác. Xong, ngài trở về phòng. Trước đó, ngài có dùng trà với hoà thượng Chân Hiền. Khi ra đến hành lang, ngài tỏ ý cho hai tu sĩ phục dịch bên cạnh ngài biết là ngài muốn dành hẳn cả buổi chiều vẽ cho xong bức vẽ con mèo của ngài.
Dịch Nhân Tiết ngắt lời:
– Đạo sĩ Tuyên Minh có dẫn ta đi xem bức tranh đó. Bức tranh được treo ở chánh điện.
– Bẩm quan lớn. Đúng như vậy! Hoà thượng Ngọc Kính rất yêu loài vật và ngài cũng ưa thích vẽ chúng. Hoà thượng Ngọc Kính trở về lại ngôi đền. Hai tu sĩ phục dịch cho ngài đứng ngoài cửa vì họ biết rằng ngài không muốn ai khuấy rầy đến ngài cả. Một tiếng đồng hồ trôi qua, hai tu sĩ nghe văng vẳng có tiếng ngâm thơ. Đó là thói quen của ngài khi ngài đã làm xong một công việc gì vừa ý. Nhưng rồi có giọng nói lớn tiếng vang lên như thể là ngài đang thảo luận một vấn đề gì với ai đó. Giọng nói mỗi lúc mỗi lớn thêm. Các tu sĩ lo lắng quyết định mở cửa bước vào. Họ thấy hoà thượng Ngọc Kính ngồi trên ghế, nét mặt có vẻ sảng khoái. Bức hoạ như đã gần xong. Ngọc Kính ra lệnh cho hai tu sĩ rước đạo sĩ Tuyên Minh, tăng sĩ giữ thiền viện, tăng sĩ lo việc nghi lễ và mười hai tu sĩ lớn tuổi nhất, tuổi tu nhiều nhất đến và nói thêm rằng là ngài có cáo bạch quan trọng cần đưa ra. Và khi tất cả mọi người đã có mặt đông đủ. Ngọc Kính, với nụ cười nở trên môi, báo tin là ý Trời muốn giúp ngài hiểu biết chân lý của đạo Lão hơn, và giây phút ngài viên tịnh gần kề. Ngồi thẳng lưng trên ghế, con mèo ngồi trên đầu gối của ngài, với cặp mắt tóc lửa, ngài đưa tay vẽ lên những dấu hiệu kỳ bí… trong lúc đó, một vị tu sĩ cầm bút mực ghi lại những lời di chúc của ngài. Lời di chúc đó sau này được vị hoà thượng trưởng lão phụ chú dẫn giải rồi in thành sách, hiện nay được dùng như bài thuyết giảng căn bản cho tất cả các tu viện trong tỉnh. Hoà thượng Ngọc Kính đã nói suốt hai tiếng đồng hồ rồi bỗng ngài nhắm mắt, thân hình đổ xuống chiếc ghế. Hơi thở ngài trở nên bất thường, rồi bỗng ngưng hẳn. Hồn ngài từ từ lìa xác… Một mối cảm xúc kỳ lạ lan rộng khắp tất cả những người hiện diện trong căn phòng của ngài. Ít khi người ta được chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ như thế trước giờ viên tịnh của một vị chân tu. Hoà thượng trưởng lão tuyên bố cố hoà thượng Ngọc Kính là một vị thánh. Xác ngài liền được đem ướp và liệm vào hòm đựng thánh tích. Hòm đựng thánh tích sau đó được dời xuống nơi đặt di hài. Những buổi tế lễ được cử hành suốt ba ngày tròn với hàng vạn tín đồ đến tham dự.
Thi sĩ Tùng Lập kết luận:
– Bẩm phán quan. Thế là trên cả chục người đã chứng kiến cái chết của hòa thượng Ngọc Kính. Ai cũng nhận thấy cái chết ấy rất đẹp mà không ai có ý nghĩ gì về những đe doạ dồn dập đã đến với ngài trước đó. Tôi tin rằng khi ngài viết thư cho thân sinh của tôi là lúc đó tinh thần của ngài đã bắt đầu mất sáng suốt. Lúc ấy, Ngọc Kính đã ở cái tuổi bảy mươi. Nhưng mọi người đều nhận thấy là ngài rất khoẻ mạnh.
Im lặng trong căn phòng có lúc kéo dài và người ta chỉ còn nghe tiếng ngày đều đều của Quan Lai.
Dịch Nhân Tiết cũng hết suy tư, lên tiếng:
– Chúng ta đừng quên chi tiết là trong bức thư Ngọc Kính có tố cáo Chân Hiền dường như muốn đầu độc ai đó với hạt của cây có chất độc. Theo các sách y học thì hạt cây này làm cho nạn nhân, một khi uống vào cảm thấy một sự sảng khoái kỳ lạ, nhưng sau đó nạn nhân bị hôn mê bất tỉnh, tiếp đó là cái chết. Đó cũng là trạng thái của hoà thượng Ngọc Kính trước giờ viên tịch. Chỉ có một sự việc hơi khác lạ là vì sao hoà thượng Ngọc Kính đã đủ bình tĩnh sáng suốt để vẽ lên bức tranh con mèo trước khi hoà thượng qui tiên? Chúng ta hãy xét lại điểm đó ngay. Và bây giờ muốn xuống nơi cất dấu thi hài thì phải làm thế nào đây?
Tùng Lập nói nhỏ:
– Tôi đã nghiên cứu kỹ về bản hoành đồ do ông thân sinh của tôi thảo ra. Tôi biết rõ con đường dẫn tới nơi đó nhưng tiếc rằng những cửa hành lang ở đây đều được khoá kỹ.
– Hãy để Tào Can lo công việc ấy. Cứ để Quan Lai ngủ ngon giấc. Chúng ta đi thôi!
Tào Can hăng hái:
– Biết đâu rằng chúng ta lại gặp Mặc Đức và Ngẫu Dương ở nơi đó.