Dịch Nhân Tiết đưa cao chiếc đèn lên khỏi đầu. Đạo sĩ Tuyên Minh, nét mặt biến sắc nắm lấy tay vị phán quan giải thích:
– Hoà thượng Chân Hiền quên rằng chiếc lan can đã bị hư từ lâu rồi sao?
Vị đạo sĩ buông bàn tay khỏi cánh tay Dịch Nhân Tiết rồi đưa tay lau mồ hôi ướt đầm trên trán.
Dịch Nhân Tiết ra lệnh cho Tào Can:
– Nhà ngươi hãy tìm cách xuống dưới đó, xem thử sự tình ra sao?
Rồi quay qua đạo sĩ Tuyên Minh, vị phán quan nói:
– Bản chức nghĩ rằng Chân Hiền khó sống nổi. Thôi chúng ta cứ đến thư viện, nếu được ngài cho phép.
Hai người bước đến thư viện.
Còn Tùng Lập đã đi theo Tào Can.
Đạo sĩ Tuyên Minh ngồi vào chiếc ghế của mình, lẩm bẩm:
– Bẩm phán quan. Hoà thượng Chân Hiền định nói với ta điều gì đó?
Đôi chân của vị phán quan run lên vì quá mệt mỏi, Dịch Nhân Tiết ngồi phịch xuống ghế đặt cuộn giấy trước mặt vị đạo sĩ.
– Bản chức mới đến thăm nơi cất dấu di hài. Bản chức muốn được xem những bức vẽ khác về con mèo. Hoà thượng Ngọc Kính là một hoạ sĩ có chân tài. Ở trên một bức tranh, chúng ta thấy rằng đôi mắt của con vật được vẽ lên bằng hai kẽ hở hẹp. Chúng ta biết là hoà thượng Ngọc Kính đã vẽ bức tranh đó vào giữa trưa, nghĩa là vào lúc ánh sáng còn chói chang. Điều đó làm cho bản chức nghĩ rằng, tác phẩm cuối cùng của hoà thượng, tức bức tranh mà ngài đã cho bản chức xem ở trong ngôi đền, ở bức tranh đó, đôi ngươi của con vật, trái lại được vẽ tròn trịa, điều đó chứng tỏ tác phẩm được vẽ vào buổi sáng, không phải buổi trưa, như hoà thượng Chân Hiền đã nói.
Mở tờ giấy ra, Dịch Nhân Tiết chỉ cặp mắt con mèo cho đạo sĩ Tuyên Minh nhìn kỹ. Nhưng đạo sĩ Tuyên Minh nhíu mày, hỏi:
– Ta không hiểu những chi tiết đó sẽ dẫn đến kết luận nào. Chúng có liên hệ gì đến cái chết của hoà thượng Ngọc Kính không? Chính ta có mặt bên cạnh ngài và xác nhận rằng ngài đã nghỉ hơi thở cuối cùng một cách êm ả.
Dịch Nhân Tiết lễ phép:
– Xin ngài cho phép bản chức được đưa ra vài lời giải thích.
Dịch Nhân Tiết kể lại lá thư của hoà thượng Ngọc Kính gửi cho tiến sĩ Tùng Thiện, trong thư ngài có nhắc đến loại cây có hạt độc, rồi vị phán quan nói tiếp:
– Tất cả những dấu hiệu ngộ độc vì hạt loại cây này được nhận thấy rõ ràng ở những giờ phút cuối cùng của hoà thượng Ngọc Kính.
Dịch Nhân Tiết ngập ngừng trong giây lát, nói tiếp:
– Xin đạo sĩ cho phép được nói, theo như ý nghĩ của bản chức, những lời di chúc của hoà thượng Ngọc Kính, thật ra rất khó hiểu vì trong cơn mê sảng, dường như ngài nhớ đến đâu là ngài chỉ biết nói ra như vậy. Hoà thượng trưởng lão đã mất nhiều thì giờ ghi lại chú thích hầu tạo cho những lời đó có một ý nghĩa đó thôi…
Dịch Nhân Tiết ngưng lại một lát để dò xét ý nghĩ của kẻ đối thoại với mình, nhưng thật ra đạo sĩ Tuyên Minh vẫn giữ được bình tĩnh thường lệ của ngài.
Vị phán quan lại tiếp:
– Hoà thượng Chân Hiền đã bỏ một liều thuốc độc khá mạnh vào chén trà của hoà thượng Ngọc Kinh ngay sau khi hai vị vừa dùng cơm trưa xong. Lúc đó bức tranh đã gần hoàn thành. Suốt cả buổi sáng hoà thượng Ngọc Kính đã vẽ xong con mèo và tất cả các chi tiết khác. Ngài còn dở tô thêm những nét đậm lạt trên những lá tre thì đến giờ dùng cơm trưa. Sau khi đã để hoà thượng Ngọc Kính uống chén nước trà có bỏ chất độc, Chân Hiền bước ra khỏi phòng và loan tin cho hai vị tu sĩ phục dịch biết là hoà thượng Ngọc Kính bắt đầu vẽ con mèo của ngài và ngài không muốn ai khuấy rầy ngài cả.
Chất thuốc độc đã kích thích hoà thượng Ngọc Kính. Do đó, ngài bắt đầu ngâm nga luôn miệng kinh kệ, nói lên chỉ để một mình ngài nghe. Người ngoài tưởng rằng ngài đang ở trong tình trạng cảm hứng lên cao, nhưng nào ai biết là chính ngài đã bị đầu độc. Ngài không hề tuyên bố là ngài sắp đọc di chúc mà ngài chỉ muốn báo cho tín đồ biết vài phát giác của ngài. Rồi ngài đã ngã xuống ghế sau khi đã thật đuối sức. Và cho đến khi ngài thở hơi cuối cùng.
Đạo sĩ Tuyên Minh thở dài:
– Phán quan có lý. Nhưng tại sao Chân Hiền lại muốn giết hoà thượng Ngọc Kinh và tại sao Chân Hiền lại tìm ta để mà thú tội?
– Bản chức nghĩ rằng Chân Hiền e ngại bị đưa ra hạch hỏi trước bá tánh vì chính hoà thượng Ngọc Kinh đã viết thư riêng cho tiến sĩ Tùng Thiện kể qua những hành động vô luân của Chân Hiền đối với các nữ tu sĩ. Lẽ dĩ nhiên, nếu những việc đó đến tai bá tánh thì con đường tu của Chân Hiền coi như chấm dứt.
Đạo sĩ Tuyên Minh đưa hai tay che lên mắt.
– Những hành động vô luân! Con người ấy luôn luôn nghĩ đến những buổi lễ bí ẩn có tính cách tửu sắc với các tu sĩ phái yếu. Trời đất! Chính ta cũng có phần trách nhiệm trong vụ dơ bẩn này. Ta biết ta đã lầm lẫn vì tối ngày không ra khỏi cái thư viện này. Từ nay ta sẽ dành thì giờ chia sẻ cuộc sống chung trong tu viện mới được. Nhưng… chính hoà thượng Ngọc Kính cũng có lỗi nữa. Vì sao ngài không nói ta hay về tất cả mọi dị nghị của ngài? Cũng vì vậy mà ta đã không có dịp góp ý với ai cả.
Trong khi đạo sĩ Tuyên Minh chưa dứt lời thì Dịch Nhân Tiết đã lên tiếng:
– Bản chức tin rằng Chân Hiền và tên vô loại với cái tên là Mặc Đức phải chịu trách nhiệm về cái chết trong năm rồi của ba thiếu nữ ở ngôi thiền viện này. Có lẽ họ đã ép buộc các nạn nhân tham dự vào những trò chơi có tính cách tửu sắc của họ. Mặc Đức từng quen biết ngôi thiền viện này từ lâu. Lần này hắn cải trang thành diễn viên, để rồi lại đến đây gieo rắc sợ hãi cho mọi người. Hơn nữa, khi Tùng Lập đọc những bài thơ có ý ám chỉ đến cái chết bí ẩn của hoà thượng Ngọc Kính, thì người lo sợ nhất chính lại là Chân Hiền. Do đó khi Chân Hiền nhận thấy Tùng Lập thân mật chuyện trò với bản chức trong bữa tiệc, và sau câu chuyện, bản chức ngỏ ý muốn đi thăm nơi cất dấu di hài, thì Chân Hiền biết ngay là bản chức muốn mở cuộc điều tra. Với ý nghĩ đó, Chân Hiền như kẻ mất trí liền để ý giám sát bản chức. Chân Hiền đã đánh mạnh vào đầu bản chức, bản chức chỉ mới bất tỉnh mà chưa chết. Trước khi bị đánh, bản chức đã cảm ngửi một mùi hương kỳ lạ. Mùi thơm đó chính là mùi thơm của cây nhang mà Chân Hiền đốt lên trong phòng của ông ta. Mùi thơm ấy quyện vào nếp áo và khi Chân Hiền có cử chỉ mạnh thì mùi thơm từ nếp áo bay ra. Sau đó, Chân Hiền cũng đã đứng nghe lén ngoài cửa khi bản chức bàn chuyện với Tào Can. Thấy động, Chân Hiền bỏ đi và cũng đã để lại mùi thơm đó. Quả thật, Chân Hiền đã trở thành người mất trí.
Đao sĩ Tuyên Minh uể oải gật đầu. Sau một phút im lặng, đạo sĩ lên tiếng hỏi:
– Nhưng tại sao Chân Hiền lại tìm ta để thú tội. Ông tưởng rằng ta sẽ bênh vực cho ông chăng? Ý nghĩ đó thật quá sức tưởng tượng của ta.
– Thưa đạo sĩ, trước khi trả lời câu hỏi của đạo sĩ, bản chức muốn biết là Chân Hiền biết rõ chiếc lan can đã bị hỏng rồi chứ?
– Lẽ dĩ nhiên! Chính ta đã nói với ông ta nên gấp rút cho người sửa chữa. Thường lệ thì ông ta đâu có chểnh mảng đến như vậy. Chiếc lan can bị hỏng, ông ta phải biết trước hơn ai hết chứ!
– Trong trường hợp ấy, rõ ràng Chân Hiền muốn tự tử!
– Không phải thế đâu! Chính ta nhìn thấy bàn tay của ông ta tìm chiếc lan can mà!
– Ông ta đã tìm cách đánh lừa cả hai chúng ta. Xin đạo sĩ nhớ rõ là ông ta không tìm đợi đạo sĩ ở dưới cầu thang. Ý định của ông ta là không tuyên bố một lời nào cả. Ông ta muốn đến nơi đây vì thật sự ông ta cảm thấy quá lạc lõng và chiếc lan can hư này là cái cớ hay nhất để giúp cho ông ta thực hiện ý định trước khi chúng ta ngăn cản. Chân Hiền tự ý muốn tạo tai nạn để khỏi làm ô danh dòng họ của ông ta. Bây giờ, thật ra chúng ta chưa được biết rõ ràng về vai trò của Chân Hiền trong các câu chuyện khác.
Tào Can và Tùng Lập lại xuất hiện:
– Bẩm phán quan, hoà thượng Chân Hiền bị gãy xương sống. Cái chết đã đến ngay lúc ấy. Xác của hoà thượng hiện được đưa lên đặt ở gian phòng lớn của đền thờ. Tiện hạ đã giải thích cho vị tu sĩ trông coi thiền viện biết đây chỉ là một tai nạn xảy ra trong khi hoà thượng trên đường đến yết kiến đạo sĩ Tuyên Minh.
Dịch Nhân Tiết đứng dậy và ngỏ lời với đạo sĩ:
– Thưa đạo sĩ. Tốt hơn hết là nên giữ đúng nguồn tin là hoà thượng Chân Hiền đã chết vì tai nạn. Hoà thượng trưởng lão chắc sẽ được loan báo kịp lúc?
– Chúng tôi sẽ lo việc ấy. Tinh sương hôm nay, chúng tôi sẽ loan báo cho hoà thượng trưởng lão biết. Trong khi chờ đợi quyết định của ngài, vị tu sĩ trông coi tu viện sẽ lo những chuyện lặt vặt khác.
– Bản chức xin để lại bức tranh vẽ con mèo ở lại đây. Đâylà một bằng chứng quan trọng. Kính mong đạo sĩ giúp ý kiến trong việc thảo bản tường trình của bản chức.
Đạo sĩ Tuyên Minh gật đầu và sau khi nhìn kỹ nét mặt vị phán quan, đạo sĩ nói:
– Phán quan cần ngủ một hay hai tiếng đồng hồ. Xem chừng phán quan mệt sức lắm thì phải?
– Thưa đạo sĩ. Bản chức còn phải tìm cho ra tông tích Mặc Đức. Bản chức nghĩ rằng tội của hắn ta còn nặng gấp mấy lần tội của Chân Hiền. Theo tôn ý, về cái chết của Chân Hiên, bản chức nên đề là tự tử hay là tai nạn? Mặc Đức có lẽ là người duy nhất có thể cho chúng ta biết rõ về cái chết của ba thiếu nữ.
– Hắn làm nghề gì? Dường như người nói với ta hắn là diễn viên phải không? Ta có xem vở tuồng nhưng không xem màn cuối.
– Mặc Đức có mặt từ đầu đến cuối vở tuồng. Hắn đóng vai thần chết, nhưng đạo sĩ khó mà nhận được mặt thật của hắn vì khi lên sân khấu hắn đeo mặt nạ bằng gỗ. Đóng tuồng xong, hắn vẫn thoa son trét phấn lên mặt. Có thể lúc này, hắn cải trang thành một tu sĩ. Đó là một thanh niên to lớn, có đôi vai rộng, nhưng có nét mặt u buồn.
– Ồ! Phần nhiều các tu sĩ đều có nét mặt u buồn như vậy. Có thể vì họ thiếu ăn? Vậy phán quan đã gặp hắn lần nào chưa?
– Bẩm chưa. Nhưng thưa đạo sĩ bản chức không thể hoàn thành được cuộc điều tra nếu chưa gặp hắn.
Dịch Nhân Tiết cúi đầu chào đạo sĩ Tuyên Minh, rồi bước ra cửa. Tào Can và Tùng Lập bước theo. Lúc vừa bước ra, họ bắt gặp một chú tiểu, vẻ mặt lo lắng trông thấy rõ.