Chìa Khóa Sống Giản Dị

CHƯƠNG 2: GIẢN DỊ TRONG SUY NGHĨ VÀ DIỄN ĐẠT



Mỗi ngày, trí óc chúng ta nảy sinh ra rất nhiều ý tưởng khác nhau. Mỗi ngày, cuộc sống đều mang lại những điều khiến ta phải suy nghĩ. Làm thế nào để những điều ta suy nghĩ có thể mang lại ích lợi nhiều nhất?

Giá trị của học vấn và tƣ tƣởng

Đường đời muôn vạn nẻo. Mỗi chúng ta, ai chẳng sống trong cuộc đời, nhưng để hiểu về cuộc đời thì không phải chuyện đơn giản. Vốn hiểu biết và kinh nghiệm của một cá nhân luôn luôn có hạn. Càng học tôi càng thấy rằng mình chưa hiểu biết được bao nhiêu.

Trong cuộc sống, con người luôn phải tìm kiếm, đúc kết kinh nghiệm sống và tạo ra những giá trị mới tốt đẹp hơn. Những hiểu biết của hôm nay giúp ta tự nâng mình lên cao hơn chính mình của ngày hôm qua. Nếu trình độ hiểu biết quá thấp thì rất khó phân biệt phải trái, khó nhìn cuộc sống bằng cái nhìn sâu sắc; và do vậy, con người ta dễ mù quáng chạy theo những thành công hoặc hạnh phúc mang tính hời hợt bề ngoài. Do vậy, đời người luôn song hành với quá trình tự nâng cao tầm hiểu biết của bản thân mình.

Tri thức là vô tận. Đời người thì hữu hạn. Cho nên, chắc chắn có nhiều điều mà chúng ta chưa thể nào hiểu biết, nắm bắt hết được. Chính vì vậy, có một thực tế phải thừa nhận là, con người có lẽ không ai dám tự hào bản thân mình đã “đủ” về tri thức, mà sự thật là mỗi chúng ta luôn sống trong tình trạng nghèo nàn về tri thức. Vậy làm thế nào để mỗi người có thể thu hẹp khoảng cách giữa “cái đã biết” với “cái chưa biết”?

Biết chọn hƣớng nghiên cứu chính

Ngày nay, lượng thông tin khoa học – kỹ thuật của nhân loại ngày càng tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng trên bốn triệu bài báo khoa học và hàng vạn đầu sách mới được xuất bản – chưa kể lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày trên mạng internet. Sự phổ biến càng rộng rãi thì mỗi chúng ta càng có điều kiện để tiếp xúc với những góc cạnh mới mẻ của văn hóa-xã hội, khoa học-kỹ thuật,…

Mạng internet ra đời đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của nhân loại. Tuy nhiên, bất kỳ sự phát triển nào cũng có mặt trái của nó. Quá nhiều tài liệu lại không phải là điều tốt, quá nhiều thông tin cũng không phải là điều hay! Cuộc sống quanh ta đầy những thông tin vừa tuyệt vời mới mẻ, nhưng có khi cũng rất mâu thuẫn, lộn xộn.

Với mạng internet, bất cứ ai cũng có thể suy nghĩ và viết lách. Bất cứ ai, dù ở phương trời nào, cũng đều có thể phổ biến những gì mình biết, mình thích, mình muốn nói cho người khác biết… Thực tế cho thấy, bên cạnh những con người có lương tri, biết tận dụng những ưu thế của truyền thông để nhân bản hóa xã hội, phục vụ cho văn minh, tiến bộ của nhân loại, thì cũng không thiếu những kẻ thiếu lương tri đã triệt để lợi dụng những ưu thế của truyền thông để không ngừng gieo rắc những điều phản khoa học, phi nhân bản, vô cùng độc hại.

Chưa hết, thực tế còn cho thấy đã có những người lợi dụng ưu thế phổ biến nhanh, rộng của internet để đơm đặt, bịa chuyện, nói xấu người khác vì nhiều động cơ khác nhau… Khi đó, những gì là sự thật đã bị họ làm cho biến dạng, méo mó đi, khiến nhiều khi chúng ta không còn biết đâu mà lần nữa!

Giả sử bạn đang muốn tìm hiểu về một đề tài cụ thể nào đó, bạn bỏ thời gian đến thư viện tìm đọc sách báo, tìm kiếm trên mạng và xem những băng video liên quan đến đề tài của mình. Tuy nhiên, sau mấy tuần lễ miệt mài, bạn phát hiện ra: những sách báo, phim ảnh nói về đề tài này không có sự thống nhất gì cả! Đủ thứ thông tin phức tạp, lộn xộn, có khi trái ngược nhau! Như vậy có thể khiến chúng ta bối rối, bị mất phương hướng. Trước tình hình đó, chúng ta phải ứng xử sao đây?

Để khỏi bị mất phương hướng trong biển thông tin tràn ngập ngày nay, bạn hãy biết tỉnh táo chọn lọc, hãy biết theo đuổi một chủ đề chuyên sâu nào đó mà mình yêu thích. Biết cách chọn lọc, biết bỏ đi những gì không chính xác, không cần thiết, thì chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều hữu ích hơn. Nói cách khác, mỗi người phải biết khoanh vùng chuyên môn và xác định phạm vi lĩnh vực sở trường của bản thân. Bạn có để ý đến điều này không? Một khi được học những gì mình thật sự thích thú, bạn sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui và hứng thú hơn để tự học.

Tuy nhiên, để chọn lọc được những gì cần chuyên sâu cũng không phải là điều dễ dàng gì! Phải có một vốn liếng học vấn căn bản, tương đối vững vàng, thì mới có thể bước đầu biết lựa chọn. Ngoài ra, chúng ta phải có một vốn sống thực tế tương đối phong phú, một vốn kinh nghiệm từng trải, thì mới tỉnh táo phân biệt được tốt, xấu, hay, dở, để từ đó mà chọn lọc.

Càng biết chọn lọc thông tin, càng nỗ lực đi sâu vào một chủ đề, bạn càng có cơ hội phát hiện ra nhiều điều sâu sắc, mới mẻ, chắt lọc được tinh hoa và càng ham thích tìm hiểu nó. Bề dày tri thức quý giá của bạn sẽ được tích lũy dần theo thời gian. Về lâu dài, bạn sẽ có một vốn hiểu biết sâu sắc, độc đáo về chủ đề của mình mà người khác không có được. Điều này vừa là một hứng thú rất lớn, vừa là một ưu thế giúp bạn tiến xa hơn rất nhiều, thậm chí có thể vươn lên tầm xuất sắc trong công việc và phục vụ cuộc sống.

Hiện nay có nhiều sách của những tác giả dạy cách tự học, cách tư duy sáng tạo… nhưng xét đến cùng, những sách này chỉ có tác dụng như những ý tưởng gợi mở cho bạn trên con đường tự học mà thôi! Điều quan trọng là bạn phải có nghệ thuật chọn lựa, vận dụng những phương pháp đó như thế nào cho phù hợp với đặc điểm cá nhân của riêng bạn, để vừa tiết kiệm được thời gian vừa học được nhiều điều hữu ích, mở mang trí tuệ. Đọc người khác không phải chỉ là để học hỏi từ người khác, mà quan trọng hơn, còn là để tự phát hiện mình!

Mỗi ngày đều là một cơ hội để chúng ta học hỏi những điều phong phú, mới mẻ. Vấn đề là ta có sẵn lòng đón nhận những sự phong phú, mới mẻ đó hay không? Con người chúng ta thường hay chủ quan, tưởng rằng mình hiểu biết điều này điều nọ. Nhưng thật ra, có rất nhiều điều ta nhìn thấy hằng ngày nhưng chưa chắc đã hiểu biết được nó. Ẩn đằng sau những sự việc khác nhau xảy ra hằng ngày đều có thể là một bài học hoặc một kinh nghiệm sống sâu sắc mà ta có thể tích lũy.

Biết chọn sách để đọc

Với nhịp sống hối hả và công việc bận rộn, quỹ thời gian dành cho việc học của mỗi chúng ta càng lúc càng ít đi. Thời gian của đời ta rất quý giá, từng phút từng giây sống trên đời này đều vô cùng quý giá, do vậy mà ta không thể phí phạm thời gian vào những sách vở nhảm nhí được! Hơn thế nữa, chúng ta càng không nên nhồi nhét vào đầu óc mình những điều vô bổ, độc hại!

Phần lớn chúng ta ban ngày đều phải đi làm, nên may ra chỉ có thể tận dụng được khoảng thời gian thảnh thơi một chút vào buổi tối. Với những bạn làm việc ở những nghề nghiệp khác, như bác sĩ, nhà báo, công an, công nhân, bảo vệ… còn phải làm việc, trực ca đêm, thì thời gian rảnh rỗi còn hiếm hoi hơn nữa! Cái gì đã hiếm thì ta lại càng phải quý! Trong khoảng thời gian quý giá hiếm hoi của buổi tối này, bạn có thể dành riêng cho mình một khoảng thời gian để đọc những cuốn sách chứa đựng những triết lý khôn ngoan, những tinh hoa tư tưởng, những chiêm nghiệm về cuộc sống của nhiều tác giả cổ kim Đông-Tây.

Những sách nào đã qua thử thách của thời gian thì rất đáng để chúng ta dành thời gian đọc. Nhiều người đi trước chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian để chiêm nghiệm, phát hiện những chân lý sâu sắc trong cuộc sống, tại sao chúng ta lại không chịu đọc?

Đọc sách là một trong những cách sống sâu sắc nhất. Những suy nghĩ, ý tưởng của người khác có thể là nguồn cảm hứng và đem lại cho bản thân ta nhiều gợi ý hay. Đọc sách vừa là nối dài, vừa là đào sâu những hiểu biết của mình. Tuy nhiên, mỗi ngày bạn chỉ cần đọc một ít thôi! Đôi khi, một đời người chỉ cần được định hướng bởi một ý tưởng tốt lành nào đó, cũng đủ để nâng cao một kiếp người rồi! Rất nhiều người không có được một lối sống cao thượng như lẽ ra phải có, rất có thể chỉ vì cả đời họ không bao giờ được định hướng bởi một ý tưởng tốt đẹp! Vốn liếng hiểu biết càng vững vàng, sâu sắc bao nhiêu, con người càng có niềm tin vững chắc vào những lẽ sống cao cả của cuộc đời bấy nhiêu!

Để cảm nhận được cái hay khi đọc sách, nhiều khi chúng ta phải biết lựa chọn những cuốn sách phù hợp với nhu cầu nội tâm hiện tại của mình trong khi đọc. Có những cuốn sách mà lúc này bạn đọc cảm thấy hay nhưng lúc khác bạn lại không cảm thấy hay, nhiều khi là do nó có đáp ứng được nhu cầu nội tâm của chúng ta trong khi đọc hay không! Bất cứ ai trong chúng ta mà lại chẳng phải đương đầu với những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Vấn đề hôm nay chúng ta gặp, người xưa có thể cũng đã từng gặp. Nhiều khi, trong lòng ta chất chứa biết bao lo toan, suy nghĩ, không thể viết ra hoặc nói được thành lời; nhưng bất chợt gặp được một tác giả nào đó có thể nói hộ được “tiếng lòng” của mình, như vậy chẳng phải là nhẹ nhàng, sung sướng lắm sao? Trong cuộc sống, có những khi nhờ bất chợt đọc được một ý tưởng gợi mở nào đó mà ta tìm được “lối ra” cho vấn đề của mình.

Tất nhiên, mọi sách vở dù được coi là tuyệt tác đến đâu cũng chỉ là phương tiện để tham khảo mà thôi! Những gì được viết trong sách phần lớn đều đã là những hiểu biết của tiền nhân, của quá khứ – dẫu rằng có những vĩ nhân mà tư tưởng của họ có thể đi trước, có thể vượt lên trên cả thời đại mà họ đang sống đi chăng nữa. Vốn hiểu biết và kinh nghiệm của một người, bao giờ cũng khó tránh khỏi những sai lầm, những giới hạn. Không phải bất cứ điều gì được viết ra trong sách cũng đều là những chân lý bất di bất dịch. Danh tác của một ai đó, dù có đồ sộ thế nào, cũng không thể bao quát hết được mọi khía cạnh phức tạp của cuộc sống. Thêm vào đó, thời đại của chúng ta đang sống có thể có những khác biệt nhất định so với thời đại của tiền nhân. Cho nên, khi đọc sách, chúng ta phải luôn đọc với có thái độ biết hoài nghi, biết tỉnh táo phê phán phải trái, nhận định đúng sai, biết học hay chữa dở, biết chọn lọc những tinh hoa và bỏ đi những gì không cần thiết.

Sự sâu sắc của một con người không thể chỉ đánh giá dựa vào tuổi tác, mà quan trọng hơn, là con người đó đã học hỏi được gì từ cuộc sống? Sự sâu sắc trong tư tưởng của bạn được tích lũy dần qua sự sâu sắc mỗi ngày của bạn. Nếu chỉ để những năm tháng dài của đời mình trôi qua mà không chú tâm học hỏi, con người chỉ thêm nhăn nheo và “già nua” đi mà thôi chứ không “già dặn”! Càng lớn tuổi, qua những thăng trầm của cuộc sống, chúng ta càng phải biết nhìn cuộc sống một cách sâu sắc hơn, chứ không phải là nặng nề, bảo thủ, hoặc lẩn thẩn…

Rèn luyện tư duy

Triết gia, nhà văn, nhà toán học người Pháp Blaise Pascal (1623 – 1662) đã từng nói: “Con người chỉ là một cây sậy mong manh yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng đó là một cây sậy biết tư duy. Vì thế, hãy cố gắng tư duy thật tốt, đó là đạo đức cơ bản nhất.” (Man is only a reed, the weakest in nature, but he is a thinking reed… Let us then strive to think well; that is the basic principle of morality.)

Nhưng làm thế nào để tư duy tốt, tư duy đúng đắn, hữu ích? Đây lại là một câu hỏi không dễ trả lời. Mỗi ngày, trí óc của chúng ta có thể nảy sinh hàng ngàn ý nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, những ý nghĩ đó nhiều khi lại đan xen chằng chịt, rất lộn xộn. Những ý nghĩ tốt đẹp xen lẫn với những ý nghĩ xấu xa, có khi còn tội lỗi nữa! Chúng ta suy nghĩ rất nhiều mà nhiều khi lại rơi vào tình trạng “nghĩ quẩn”, nghĩa là chẳng nghĩ được việc gì ra việc gì cả!

Thực tế cuộc sống đầy dẫy những khó khăn, phức tạp. Cuộc sống luôn có nhiều phương diện, nhiều khía cạnh, nên chúng ta cần khám phá cuộc sống từ nhiều chiều, nhiều góc độ. Muốn khơi nguồn sáng tạo cho bản thân, chúng ta cần khai thác nhiều tri thức phong phú khác nhau của loài người, chứ không chỉ bó hẹp trong một học thuyết hay một chủ nghĩa nào. Cũng như một bài toán có nhiều cách giải để đi đến cùng một đáp số, có nhiều con đường để đi đến chân lý. Do vậy, chúng ta phải biết tiếp thu những tinh hoa tư tưởng mà nhân loại đã đạt được cho đến nay, rồi từ đó tự mình phát triển thêm. Phải như vậy thì cuộc sống của nhân loại mới không ngừng tiến lên!

Hãy tạo thói quen suy nghĩ những điều có ích. Đừng lệ thuộc vào ý tưởng của người khác. Trong cuộc sống, sở dĩ chúng ta có thể làm được nhiều điều có ích là nhờ kiên nhẫn học hỏi từ người khác. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta phó mặc người khác suy nghĩ thay cho mình. Nhiều người thường hay bị cuốn theo những suy nghĩ của thiên hạ. Thiên hạ suy nghĩ như thế nào thì họ cũng có khuynh hướng suy nghĩ tương tự như vậy. Thế nhưng, chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông. Số đông nhiều khi vẫn có thể suy nghĩ sai lầm!

Đừng tự giới hạn khả năng học hỏi và khả năng tư duy của mình. Cuộc sống luôn thay đổi nên chúng ta phải luôn tích cực động não. Mỗi ý tưởng mới đưa chúng ta đến một chân lý tốt hơn và hành trình học hỏi dường như là bất tận… Chúng trở thành một phần nền tảng sáng tạo của bạn trong cuộc sống.

Những điều chúng ta suy nghĩ chỉ có giá trị khi nó định hướng cho hành động thực tế hằng ngày của chúng ta. Hãy biết đề phòng những giáo điều nhai đi nuốt lại nhiều khi rất có hại. Nó làm cho chúng ta không còn suy nghĩ về thực tế đúng như những gì đang diễn ra nữa. Trên đời này, những kẻ mang đầu óc cạn hẹp thì khó có thể suy nghĩ đến được điều gì cao xa hơn là những nhu cầu vật chất của bản thân. Những nhà trí thức nặng lý thuyết suông thì ngày đêm vẫn say sưa, mải mê trong những lý luận tư biện, vòng vo, nhiều khi chẳng mấy gắn bó với thực tế. Chỉ có những người có tư duy sáng tạo, có óc thực tế thì mới có thể tạo ra được một cuộc sống phong phú cả về vật chất lẫn tinh thần cho bản thân và cho cộng đồng xã hội.

Rèn cách diễn đạt giản dị, trong sáng

Giản dị trong suy nghĩ sẽ tạo nên sự giản dị trong diễn đạt. Chúng ta suy nghĩ như thế nào thì chúng ta sẽ diễn đạt bằng ngôn ngữ tương ứng như vậy, bởi vì ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy. Do vậy, bạn hãy tích cực động não tư duy, đồng thời làm chủ ngôn ngữ diễn đạt của mình – dù là nói hay viết.

Suy nghĩ được những ý tưởng hay và tìm được ngôn ngữ thích hợp để diễn đạt những gì mình nghĩ là một công việc rất thú vị. Khi bạn sở hữu một ý tưởng tuyệt vời hay một chân lý nào đó, bạn luôn có nhu cầu chia sẻ nó với người khác. Xã hội sẽ không thể phát triển được, nhân loại khó có thể tiến bộ được, nếu mỗi người chỉ khư khư ôm lấy những hiểu biết cho riêng mình. Vất vả cả đời để học hỏi được nhiều điều hay mà lại không tìm được cách diễn đạt tốt để chia sẻ với người khác, để giúp ích cho đời, thì những điều ta học được sẽ trở thành uổng phí!

Dĩ nhiên, có được những ý tưởng hay đã là điều rất khó rồi, nhưng tìm được cách diễn tả cho người khác hiểu được, cảm nhận được những cái hay đó còn là điều khó hơn gấp bội. Vì vậy, ở đây tất sẽ phải đặt ra vấn đề diễn đạt như thế nào cho có hiệu quả nhất?

°

Sống giữa thời đại bận rộn, hối hả và nhiều lo toan ngày nay, con người ta không mấy thích đọc hoặc thích nghe những điều dài dòng, rắc rối, phức tạp. Cho nên, bạn tuyệt đối đừng sử dụng những cách diễn tả lan man, dông dài, thừa thãi, rườm rà, nhàm chán…

Sự uyên bác của chúng ta – nếu có – cũng không hề phụ thuộc vào số lượng câu chữ của chúng ta. Thế cho nên, dù nói chuyện, viết thư từ cho bất cứ ai, bạn nên tập cách diễn đạt thật cô đọng. Chẳng thà nói ít mà giàu hình ảnh, nhiều ý tưởng, súc tích thông tin thì người đọc, người nghe sẽ chú ý nhiều hơn so với việc “nói dài, nói dai, và nói dở”.

Thêm một tật nữa cần tránh là tật thích dùng những ngôn từ “đao to búa lớn”. Người phụ nữ đẹp không phải ở son phấn “bôi trét” lòe loẹt mà là bởi vẻ đẹp tự nhiên, giản dị. Một khi đã xinh đẹp tự nhiên thì không nhất thiết phải bôi trét thêm làm gì nữa, vì càng cố làm như vậy sẽ càng gây nên phản cảm mà thôi. Cũng vậy, lời hay ý đẹp tự nó đã đẹp rồi, không cần phải tô điểm bằng những ngôn từ inh tai nhức óc nhưng rỗng tuếch.

Nhìn chung, những người tư duy sắc sảo, suy nghĩ cô đọng, sáng sủa thì khi nói ra lời nói cũng sẽ cô đọng, sáng sủa. Tóm lại, phương châm giúp chúng ta giản dị trong diễn đạt là: “Ngắn mà hay, bao giờ cũng tốt hơn dài mà dở!”. Hơn nữa, biết diễn đạt cô đọng còn là một cách thể hiện sự tôn trọng thời gian của người khác cũng như thời gian của chính mình!

Ngoài ra, chúng ta còn phải quan tâm đến cả trình độ, đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của những người nghe mình, đọc mình, để từ đó có thể lựa chọn cách diễn đạt sao cho tối ưu nhất! Nhìn chung, con người ta chẳng mấy ai thích những ngôn từ khô khan, trừu tượng. Khi bạn biết diễn đạt bằng ngôn ngữ sinh động, hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống thì sẽ được nhiều người hiểu và yêu thích hơn.

Tóm lại, khi biết cách diễn đạt cô đọng, sáng sủa, mỗi chúng ta sẽ học hỏi được nhiều ý tưởng hay và nhiều điều hữu ích hơn. Những nhà sư phạm, những người cầm bút, nếu biết diễn đạt giản dị, sáng sủa, rõ ràng thì sẽ giúp ích rất nhiều cho những bước tiến của xã hội – trong hiện tại cũng như tương lai!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.