Biết Và Thấy

BÀI PHÁP THOẠI 4 -LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÂN BIỆT SẮC



Hôm nay chúng ta sẽ bàn về thiền tứ đại[1] (catudhātu vavatthāna), tức thiền phân biệt hay xác định tứ đại hoặc các tính chất của sắc (rūpa). Sắc là uẩn đầu tiên trong năm thủ uẩn, bốn uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành, thức) có thể gọi chung là Danh (nāma). Trong thế gian của năm uẩn (pañcavokāra), danh nương vào sắc, tức là các thức khởi lên dựa vào sắc căn tương ứng của chúng. Đối với nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân sắc, căn và môn là một. Như vậy, một nhãn thức khởi sanh nương vào sắc được gọi là nhãn môn; một nhĩ thức khởi sanh nương vào sắc gọi là nhĩ môn… vv… Nhưng ý môn, nương vào đó ý thức khởi sanh, lại là danh (tức bhāvaṅga: hữu phần), còn sắc nó dựa vào là tâm căn, sắc chất nằm trong máu nơi trái tim; vì vậy sắc trên đó ý môn nương vào cũng còn gọi là tâm cơ (căn)[2].
Để thấy được điều này, hành giả cần thấy ra các yếu tố riêng biệt là thành phần của sắc, nghĩa là hành giả trước hết cần phải khám phá ra các phần tử cực nhỏ gọi là các tổng hợp sắc (rūpa-kalāpas). Hành giả phải thấy được rằng sắc không là gì khác ngoại trừ các tổng hợp sắc này. Nhưng đây vẫn chưa phải là thực tại cùng tột (sắc chân đế)[3]. Muốn thể nhập vào thực tại cùng tột, hành giả cần phải thấy rằng mỗi loại tổng hợp sắc đặc thù bao gồm các giới (dhātu)[4] riêng biệt. Chỉ khi ấy hành giả mới có thể thấy được sắc thực sự là gì, và mới có thể thấy nó liên quan đến danh (nāma) như thế nào. Đây chính là mục đích của thiền tứ đại.
Tuy nhiên, trước khi giải thích thiền này, chúng ta cũng cần bàn thảo một cách ngắn gọn các loại tổng hợp sắc khác nhau và các giới của chúng. Kế đó giải thích về tập khởi (nguồn gốc) của sắc, nhờ vậy hành giả mới có thể dễ dàng hiểu được loại thiền sâu sắc gọi là thiền tứ đại này.
Ba loại tổng hợp sắc (Rūpa-kalāpa)
Như đã đề cập ở trên, sắc không là gì khác ngoại trừ các tổng hợp sắc[5] (rūpa-kalāpa), và về căn bản có ba loại tổng hợp sắc.
1 – Các tổng hợp tám (sắc) – aṭṭhaka (tám sắc căn bản)
2 – Các tổng hợp chín (sắc) – navaka (tám sắc căn bản cộng với sắc thứ chín)
3 – Các tổng hợp mười (sắc) – dasaka (chín sắc cộng với sắc thứ mười)
Nói chung sắc thân của chúng ta bao gồm ba loại tổng hợp sắc này trộn lẫn với nhau theo những cách khác nhau vậy thôi.
Các sắc chất trong ba loại Tổng hợp sắc
Loại tổng hợp đầu tiên – các tổng hợp tám sắc – bao gồm bốn đại (catu dhātu), còn gọi bốn “đại chủng” (mahābhūta) và bốn sở tạo sắc hay sắc y đại sinh (upādā rūpa)[6] tổng cộng có tám:
1. Đất (pathāvi)
2. Nước (āpo)
3. Lửa (tejo)
4. Gió (vāyo)
5. Màu (vaṇṇa)
6. Mùi (gandha)
7. Vị (rasa)
8. Dưỡng chất (ojā)
Do có tám yếu tố nên loại tổng hợp sắc này được gọi là Tổng hợp tám sắc (aṭṭhaka kalāpa), và vì dưỡng chất là yếu tố thứ tám, nên nó cũng còn được gọi là Tổng hợp sắc có dưỡng chất là yếu tố thứ tám (ojaṭṭhamaka kalāpa). Tổng hợp tám sắc này được tìm thấy ở khắp toàn thân. Là những sắc không trong suốt hay phi tịnh sắc (napasāda rūpa), và vô tri, không có sự sống[7].
Loại tổng hợp sắc thứ hai bao gồm 8 sắc căn bản này và sắc mạng căn jivintindrīya kể như yếu tố thứ chín. Vì có chín yếu tố, nên loại tổng hợp sắc này được gọi là Tổng hợp chín sắc (Navakakalāpa), và vì nó có mạng căn là yếu tố thứ chín, nên cũng còn được gọi là một tổng hợp có mạng căn là yếu tố thứ chín (jīvita navaka kalāpa). Chúng được tìm thấy ở khắp toàn thân và cũng là phi tịnh sắc (sắc mờ). Do có mạng căn, nên chúng sinh động, có sự sống.
Loại tổng hợp sắc thứ ba bao gồm 8 sắc căn bản, sắc mạng căn kể như thứ chín và thêm yếu tố thứ mười. Vì có mười sắc, nên loại này được gọi là tổng hợp mười sắc (dasaka kalāpa). Có ba loại tổng hợp mười sắc.
1.- Các tổng hợp mười sắc thuộc nhãn (hay đoàn nhãn), các tổng hợp mười sắc thuộc nhĩ (đoàn nhĩ), các tổng hợp mười sắc thuộc tỷ (đoàn tỷ), các tổng hợp mười sắc thuộc thiệt (đoàn thiệt), và các tổng hợp mười sắc thuộc thân (đoàn thân) – gọi theo Pāḷi (cakhu-, sota-, ghāna-, jivhā-, kāya dasaka kalāpas )
Các yếu tố thứ mười của chúng là nhãn tịnh sắc, nhĩ tịnh sắc, tỉ tịnh sắc, thiệt tịnh sắc, và thân tịnh sắc (pasadā rūpa).
2.- Các tổng hợp mười sắc thuộc tâm (trái tim) hadāya dasaka kalāpa, trong tổng hợp này yếu tố thứ mười của chúng là sắc trái tim hay sắc tâm (hadāya-rūpa), sắc này là phi tịnh sắc (napasāda).
3. – Tổng hợp mười sắc thuộc tánh (bhāva dasaka kalāpas) yếu tố thứ mười của chúng là sắc tánh (bhāva-rūpa), cũng là sắc mờ hay phi tịnh sắc.
Các tổng hợp mười sắc thuộc nhãn hay đoàn nhãn, đoàn nhĩ, đoàn tỷ, đoàn thiệt, đoàn thân được tìm thấy trong cơ quan (giác quan) tương ứng. Yếu tố thứ mười của chúng, tức sắc tịnh sắc (pasāda rūpa), là căn môn tương ứng. Năm căn xứ vật chất cũng gọi là năm căn môn vật chất; có nghĩa là năm xứ căn (vatthu: vật) nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân xứ cũng là năm căn môn (dvāra)[8] – nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn và thân môn vậy.
Các tổng hợp mười sắc thuộc trái tim được tìm thấy nơi chất máu trong trái tim. Yếu tố thứ mười của chúng, phi tịnh sắc, cũng là xứ căn, tức ý vật hay tâm căn (vatthu). Song đó không phải là ý môn (bhāvaṅga hữu phần), vì ý môn là “danh”, mặc dù nó nương vào yếu tố vật chất thứ mười, phi tịnh sắc của một tổng hợp mười sắc thuộc trái tim.
Bất cứ khi nào một đối tượng đập vào một trong năm căn môn, nó cũng đồng thời đập vào môn thứ sáu (ý môn – bhāvaṅga)[9]. Chẳng hạn khi một sắc trần đập vào nhãn môn, nó đập vào tịnh sắc (thần kinh nhãn), yếu tố thứ mười của một tổng hợp mười sắc thuộc mắt (đoàn nhãn), và đồng thời đập vào ý môn (bhāvaṅga), và ý môn thì lại dựa trên sắc mờ hay phi tịnh sắc, yếu tố thứ mười của một tổng hợp mười sắc thuộc trái tim (đoàn tâm)[10]. Sắc trần trước tiên được biết bởi một ý – thức, thứ đến bởi một nhãn – thức, và rồi được biết bởi ý thức thêm nữa. Khi một thinh trần đập vào nhĩ môn, nó đập vào tịnh sắc căn, (thần kinh nhĩ), yếu tố thứ mười trong tổng hợp mười sắc thuộc tai..vv.. Ngoài các đối tượng đập vào năm căn môn ra cũng có những đối tượng chỉ đập vào ý môn (bhāvaṅga) thôi: đó là các loại pháp trần[11].
Các tổng hợp mười sắc thuộc tánh được tìm thấy khắp toàn thân. Yếu tố thứ mười của chúng, phi tịnh sắc, là sắc tánh (bhāva), sắc này có hai loại:
– Sắc nam tánh (purisa bhāva) là sắc cung cấp những đặc tánh thể chất của nam giới, nhờ đó chúng ta biết: “Đây là một người nam”. Sắc này chỉ tìm thấy ở nam giới.
– Sắc nữ tánh (ithi bhāva) là sắc cung cấp những đặc tánh thể chất của người nữ, nhờ đó chúng ta biết: “Đây là một người nữ”. Sắc này chỉ tìm thấy ở nữ giới.
Chính vì yếu tố thứ mười của chúng là sắc tịnh sắc mà các tổng hợp mười sắc thuộc nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân là sắc tịnh sắc (thần kinh sắc). Còn tất cả các loại tổng hợp sắc khác đều không phải là sắc tịnh sắc, đó là lý do tại sao chúng lại mờ hay không rõ (phi tịnh sắc), chẳng hạn như các tổng hợp mười sắc thuộc tánh và trái tim chúng ta vừa đề cập.
Bốn loại nguồn gốc của sắc
Trên chúng ta đã đề cập đến những cấu trúc cơ bản của sắc cùng tột (sắc chân đế), bây giờ chúng ta tiếp tục bàn về nguồn gốc của sắc, điều mà hành giả cũng sẽ dần dần phải phân biệt khi hành thiền tứ đại. Sắc có một trong bốn nguồn gốc: kamma (nghiệp), tâm, thời tiết và vật thực. Do bốn nguồn gốc này chúng ta có bốn loại sắc:
1. Sắc do nghiệp sanh – Kammaja-rūpa
2. Sắc do tâm sanh – Cittaja-rūpa
3. Sắc do thời tiết sanh – Utuja-rūpa
4. Sắc do vật thực sanh – Āhāraja-rūpa
Như đã đề cập, sắc của thân chúng ta không gì khác ngoài các tổng hợp sắc (rūpa-kalāpas), và tất cả tổng hợp sắc đều có ít nhất tám sắc căn bản: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị và dưỡng chất. Yếu tố thứ tám, dưỡng chất, duy trì sắc, đó là lý do vì sao khi không còn dưỡng chất, sắc sẽ tan rã.
Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về mỗi trong bốn loại nguồn gốc của sắc màu.
Sắc do Nghiệp sanh
Sắc do nghiệp sanh (Kammaja rūpa) bao gồm các tổng hợp sắc có mạng căn là yếu tố thứ chín, và các tổng hợp mười sắc thuộc nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tâm và tánh. Do có sắc mạng căn, nên chúng có sự sống. Dưỡng chất (ojā) của chúng là do nghiệp sanh.
Chính trong sắc do nghiệp sanh này mà chúng ta thấy ra một điều gì đó là sự thực thuộc Thánh đế thứ Hai, Thánh đế về Nguồn gốc của Khổ (Tập đế). Sắc linh hoạt là sắc có sự sống, và sự sống này là “sanh”, Khổ Thánh đế, và như đức Phật đã giải thích trong “Mahāsatipaṭṭhāna sutta” (Kinh Đại Niệm Xứ), sanh (Khổ) có mặt là do ái (tanhā), và ái khởi lên đối với bất cứ điều gì được xem là khả ý và khả lạc: các sắc qua mắt, đập vào sắc tịnh sắc của các tổng hợp mười sắc thuộc mắt (mắt thập pháp hay đoàn nhãn) – tức nhãn môn, và bhāvaṅga (ý môn); các tiếng qua tai, đập vào sắc tịnh sắc của các tổng hợp mười sắc thuộc tai (đoàn nhĩ) – tức nhĩ môn, và ý môn (bhāvaṅga) v.v… Sắc tịnh sắc ở đây là ngũ môn/căn và sắc phi tịnh sắc hay sắc mờ là tâm căn hiện hữu do thám ái đối với các đối tượng sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp khả lạc, khả hỷ.
Đức Phật cũng giải thích rằng nhân trực tiếp khiến tái sanh là Nghiệp (kamma), nhưng để đem lại một kết quả, nó đòi hỏi phải có ái. Và mặc dù nghiệp tạo ra sắc vào lúc tái sanh[12] của một kiếp làm người là thiện nghiệp (kusala kamma), song sự tái sanh tự thân nó xảy ra vẫn do thủ, mà thủ này do ái làm duyên, và ái lại do vô minh: không tuệ tri Tứ thánh đế.
Sắc do nghiệp sanh lúc nào cũng được tạo ra (trong suốt kiếp sống). Nó là nền tảng của tất cả sắc khác. Mỗi sát-na tâm (cittakkhana) có ba giai đoạn:
1. Sanh (uppāda)
2. Trụ (ṭhiti)
3. Diệt (bhaṅga).
Ở mỗi giai đoạn này, sắc nghiệp mới được sanh ra. Điều này có nghĩa rằng trong một tiến trình tâm (tiến trình của sự nhận thức) có 51 (17×3)[13] tổng hợp sắc do nghiệp sanh được tạo ra. Thời tiết (utu) hay nhiệt của chúng tạo ra các tổng hợp sắc do thời tiết sanh, và vật thực (āhāra) của chúng tạo ra các tổng hợp sắc do vật thực sanh mới.
Sắc do Tâm sanh
Sắc do tâm sanh (cittaja-rūpa) bao gồm cc tổng hợp tám sắc. Dưỡng chất của chúng do tâm sanh (cittaja-ojā), và chỉ được tao ra bởi những tâm nào khởi lên do nương tâm căn, chứ không phải những tâm thuộc ngũ môn. Và ngoài kiết sanh thức (thức tái sanh) ra, tất cả các tâm khởi lên nương vào tâm căn đều tạo ra sắc do tâm sanh.
Một ví dụ có thể giúp hành giả hiểu được loại sắc do tâm sanh ở đây là giận dữ và phiền muộn. Giận dữ và phiền muộn đều là “sân” (dosa), và một tâm sân sẽ tạo ra sắc do tâm sanh với hỏa đại thạnh. Đó là lý do vì sao, khi chúng ta giận dữ và phiền muộn, chúng ta lại nóng lên.
Ví dụ khác là sự chuyển động của thân như di động tứ chi và thân tới, lui, lên, xuống. Chẳng hạn, khi chúng ta đi, tâm được hướng vào chân. Ý định đi tạo ra sắc tâm sanh trong cẳng chân và bàn chân, cũng như khắp cả thân, nó có phong đại thạnh. Cũng như gió mang theo các vật, ở đây phong đại cũng thế, mang theo tứ chi và thân. Sự chuyển động là cả một chuỗi dài của các tổng hợp sắc do tâm sanh khác nhau được tạo ra trong các vị trí khác nhau. Các tổng hợp sắc do tâm sanh xuất hiện lúc nâng chân lên khác nhau với các tổng hợp sắc do tâm sanh lúc hạ chân xuống. Mỗi tổng hợp sắc xuất hiện và diệt mất ở cùng một chỗ, và các tổng hợp sắc mới sanh lên lên ở chỗ khác cũng diệt ở đó.
Ví dụ thứ ba là các tâm tịnh chỉ (samatha), Minh Sát (Vipassanā), Đạo (Magga) và Quả (Phala). Các tâm này rất thanh tịnh, mạnh mẽ và cao thượng, vì ở đó không có các tùy phiền não (upakkilesa: cấu uế của tâm). Điều đó có nghĩa rằng những tâm này tạo ra rất nhiều thế hệ sắc do tâm thanh tịnh và cao thượng sanh, trong đó địa đại, phong đại, hỏa đại rất nhẹ nhàng và vi tế. Khi các tổng hợp sắc nhẹ nhàng và vi tế ấy xúc chạm thân môn (yếu tố thứ mười trong các tổng hợp mười sắc thuộc thân) hành giả cảm nghiệm sự thoải mái về thân rất lớn, không có sự nặng nề (địa đại). Vì lẽ hoả đại của các tổng hợp sắc, như đã đề cập ở trên, tạo ra các tổng hợp sắc do thời tiết sanh, nên hỏa đại trong các tổng hợp sắc do tâm cao thượng ấy sanh cũng tạo ra rất nhiều những tổng hợp sắc do thời tiết sanh ở bên trong cũng như bên ngoài thân vậy.
Sự sáng chói, rực rỡ và tươi sáng sanh lên với những tâm cao thượng ấy được tạo ra bởi sự sáng chói của sắc màu thuộc sắc do tâm sanh và sắc do thời tiết sanh[14]. Điều này cũng giải thích vì sao nước da và các căn của vị hành giả đã phát triển được các tâm cao thượng này lại trong sáng và rạng rỡ[15]. Chẳng hạn, sắc được tạo ra bởi các tâm thiên nhãn của tôn giả Anuruddha tỏa khắp một ngàn thế giới sa bà: các thế giới ấy được thắp sáng bởi sắc do tâm cao thượng sanh và trở nên rõ rệt đối với ngài. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta phát triển được tâm định và thanh tịnh đầy đủ, có thể chúng ta sẽ thấy được các cảnh giới khác vv…[16]
Sắc do Thời Tiết sanh
Sắc do thời tiết sanh (utuja rūpa) bao gồm các tổng hợp tám sắc. Do là những tổng hợp tám sắc (không có yếu tố thứ chín là mạng căn) nên tự thân chúng không linh hoạt[17]. Dưỡng chất của chúng là do thời tiết sanh (utujā ojā), thời tiết này xuất phát từ hỏa đại (tejo-dhātu), yếu tố thứ ba của các tổng hợp sắc[18]. Hoả đại của các tổng hợp sắc tạo ra các tổng hợp sắc do thời tiết sanh, rồi tự thân các tổng hợp sắc do thời tiết sanh này có hỏa đại lại tạo ra các tổng hợp sắc do thời tiết sanh và tự thân chúng lại có hỏa đại vv…[19]
Đây là cách làm thế nào hỏa đại, theo năng lực của nó, tạo ra sắc qua một số các thế hệ.
Tất cả sắc không linh hoạt đều được tạo ra và duy trì bởi thời tiết. Một thí dụ khá rõ là các loại thực vật. Sắc của chúng là sắc do thời tiết sanh và được tạo ra bởi hỏa đại ban đầu nằm trong hạt giống. Sự tăng trưởng của chúng không là gì khác ngoài sự tạo tác liên tục của sắc do thời tiết sanh qua nhiều những thế hệ. Điều này xảy ra với sự trợ giúp của hỏa đại từ nơi đất, mặt trời (nóng), và nước (lạnh).
Hỏa đại trong các loại đá, kim loại, khoáng vật và gỗ cứng được xem là rất mạnh và tạo ra rất nhiều thế hệ sắc. Đó là lý do tại sao sắc của chúng có thể kéo dài lâu. Tuy nhiên hỏa đại trong các loại gỗ mềm, cây mềm, thịt, thức ăn và nước lại rất yếu, không tạo ra được nhiều thế hệ sắc như vậy, và đó cũng là lý do tại sao sắc chẳng bao lâu sẽ tan rã ra. Khi sắc tan rã, chính là do hỏa đại không còn tạo ra sắc mới nữa, thay vào đó lại tự đốt nó, nên sắc thối mục, tan rã, và phân hủy.
Khi sắc bị lửa đốt cháy, chẳng hạn như khi củi đang cháy, chính là vì hỏa đại của sắc bên ngoài (những ngọn lửa táp vào gỗ) hỗ trợ cho hỏa đại của sắc bên trong (gỗ), và một số lượng hỏa đại khổng lồ hiện ra, điều này có nghĩa là hỏa đại trở nên tăng thịnh và sắc bị cháy tan.
Sắc do Vật Thực sanh
Sắc do vật thực sanh (āhāraja rūpa) cũng gồm các tổng hợp tám sắc. Dưỡng chất của chúng là dưỡng chất do vật thực sanh (āhāraja-ojā). Nó được tạo ra bởi thức ăn và thức uống chúng ta tiêu thụ vào. Vật thực trong chén, vật thực trong thực quản (thức ăn trong miệng, thức ăn vừa được ăn vào chưa tiêu hoá trong bao tử, thức ăn đã tiêu hoá trọn vẹn trong ruột, phân), mủ, máu, và nước tiểu là như nhau, tức chỉ là các tổng hợp có dưỡng chất là yếu tố thứ tám do thời tiết tạo không linh hoạt.
Sức nóng giúp cho tiêu hoá là hỏa đại của các tổng hợp có mạng căn là yếu tố thứ chín, vốn (như đã đề cập) do nghiệp sanh. Khi sức nóng trợ giúp tiêu hoá gặp dưỡng chất của các tổng hợp có dưỡng chất là yếu tố thứ tám do thời tiết sanh (utuja ojaṭṭhamaka-kalāpa) thuộc thức ăn chưa tiêu hoá và tiêu hoá một phần, thì tạo thêm ra các tổng hợp có dưỡng chất là thứ tám, chúng là những tổng hợp có dưỡng chất là thứ tám do vật thực sanh, với dưỡng chất do vật thực sanh (āhāraja ojā) kể như thứ tám. Lại nữa, khi dưỡng chất ấy gặp sức nóng hay nhiệt trợ giúp tiêu hoá (do nghiệp sanh), nó tái tạo thêm qua nhiều thế hệ các tổng hợp có dưỡng chất là thứ tám. Đồng thời nó cũng hỗ trợ dưỡng chất trong các tổng hợp sắc do nghiệp sanh, do tâm sanh, và do thời tiết sanh, cũng như cho sự tồn tại của các tổng hợp sắc do vật thực sanh.
Dưỡng chất của thức ăn tiêu thụ vào trong một ngày có thể tái tạo theo cách này cho đến bảy ngày, mặc dù con số các thế hệ tạo ra tùy thuộc vào chất lượng của thức ăn. Thức ăn chư thiên, tức thức ăn thuộc thiên giới và được xem là thù thắng nhất, có thể tái tạo theo cách này cho đến một hoặc hai tháng.
Vì lẽ các tổng hợp có mạng căn là thứ chín được tìm thấy khắp thân thể, nên tiến trình tiêu hóa tìm thấy trong thực quản cũng được tìm thấy khắp tòan thân, dù ở mức độ yếu hơn. Đó là lý do tại sao, khi dầu (gió) được bôi lên da, hoặc một mũi tiêm được chích dưới da chẳng hạn, chất thuốc lan tỏa khắp toàn thân (được “tiêu hóa”). Nhưng nếu bôi quá nhiều dầu (gió), khả năng tiêu hóa kém có thể khiến nó mất một thời gian lâu để hấp thụ.
Như vậy đã kết luận phần bàn luận ngắn gọn về cái nguồn gốc của sắc. Dĩ nhiên, còn nhiều điều cần phải được giải thích nhiều thêm nữa, song chừng ấy cũng là đủ để hành giả hiểu rõ hơn về thiền tứ đại mà bây giờ chúng ta sẽ bàn đến.
Nếu muốn đạt đến Niết-bàn, hành giả cần phải biết và thấy tất cả những điều này, vì hành giả cần thấy sắc như nó thực sự là, chứ không chỉ như một khái niệm[20]. Trước hết hành giả cần phải thấy được rằng sắc (rūpa) bao gồm các tổng hợp sắc – (rūpa-kalāpas), sau đó hành giả cần phải thấu triệt cái ảo tưởng về nguyên khối (khối tưởng) để thấy ra các yếu tố riêng biệt của một tổng hợp sắc, tức là để thấy sắc tối hậu hay sắc chân đế, rồi hành giả cần phải phân tích sắc: thấy các yếu tố khác nhau, tập khởi của chúng, và nhiệm vụ của chúng là như thế nào. Để có thể làm được điều đó, hành giả phải khởi đi với thiền tứ đại, tức là phải biết là thấy bốn đại chủng (mahābhutā): Địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại.
Điểm khởi đầu của Minh sát (Vipassan)
Mặc dù ở giai đoạn này hành giả không phải đang hành Vipassanā đích xác, song chúng ta có thể nói rằng đây là điểm khởi đầu của Vipassanā, bởi vì vào lúc hoàn tất thiền tứ đại, hành giả sẽ phát triển được khả năng để phân biệt sắc chân đế, điều được xem là cần thiết cho thiền Minh Sát. Như vậy có thể nói lúc này hành giả đang thâu thập dữ liệu cần thiết để thực hiện công việc Minh Sát.
Đó là lý do vì sao tu tập thiền tứ đại là điều cần thiết đối với mọi hành giả. Dù cho con đường đi đến Minh sát của một người là đầu tiên tu tập một đề tài Thiền Chỉ (samatha), chẳng hạn như niệm hơi thở cho đến một bậc thiền nào đó, hoặc con đường của họ bắt đầu với thiền tứ đại (chỉ dẫn đến cận định), họ cũng cần phải hoàn tất thiền tứ đại trước khi có thể đi vào Minh Sát. Cả hai con đường đều được dạy tại các Thiền Viện Pa-Auk ở Myanmar. Nếu một người trước đã tu tập một đề tài Thiền Chỉ, họ nên nhập tứ thiền vào mỗi thời tọa thiền và sau khi xuất khỏi thiền ấy, bắt đầu hành thiền tứ đại.
Hành giả tu tập Thiền Tứ Đại như thế nào
Theo Kinh điển Pāḷi, có hai cách tu tập thiền tứ đại: tóm tắt và chi tiết. Cách tóm tắt dành cho hành giả có tuệ nhạy bén, và chi tiết cho những hành giả gặp khó khăn với cách tóm tắt. Đức Phật dạy phương pháp tóm tắt trong Kinh Đại Niệm Xứ[21] (Mahāsatipatthāna).
Vị tỳ khưu quán sát ngay thân này, dù nó được đặt trong vị trí nào hay được sắp xếp như thế nào, cũng chỉ có các đại (giới), như vậy, “thân này chỉ có:
1. Địa đại (pathavīdhātu)
2. Thủy đại (apā-dhātu)
3. Hỏa đại (tejo-dhātu)
4. Phong đại (vāyo-dhātu)”
Visudhi Magga (Thanh Tịnh Đạo) giải thích thêm[22]: Vì thế trước hết, hành giả có tuệ nhạy bén (lợi căn) muốn tu tập thiền này nên đi vào độc cư. Rồi hành giả nên tác ý đến toàn thể thân vật chất của mình, và phân biệt các đại theo cách tóm tắt như vầy: “Trong thân này,
1) Cái gì cứng hay thô là địa đại.
2) Cái gì chảy hay kết dính là thủy đại
3) Cái gì làm cho chín hay nóng là hỏa đại;
4) Cái gì đẩy hoặc hỗ trợ là phong đại.”[23]
Và hành giả nên tác ý và chú ý đến nó, quán sát nó tới lui nhiều lần như “địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại”, nghĩa là, quán sát thân này chỉ là các đại, không phải một chúng sinh, và vô ngã.
Khi hành giả thực hiện nỗ lực theo cách này, không bao lâu định sẽ khởi lên nơi vị ấy, định này được củng cố bởi tuệ sẽ soi sáng sự phân loại các đại, và đó chỉ là cận định chứ không đạt đến an chỉ được bởi vì đối tượng của nó là các pháp mỗi thứ có tự tính riêng của nó.
Hoặc cách khác, có bốn thân phần này đã được Trưởng lão Sriputta đề cập, nhằm mục đích chỉ rõ sự vắng mặt của bất kỳ một chúng sanh nào trong bốn đại chủng như vầy: “Khi một khoảng không được vây quanh bởi xương, gân, thịt và da, thì từ “sắc” (rūpa) có mặt. Và hành giả nên phân chia mỗi thứ trong bốn phần này, tách rời chúng ra với đôi tay trí tuệ, rồi phân biệt chúng theo cách đã nói (ở trên). “Trong thân này cái gì cứng hay thô là địa đại… có tự tính riêng của nó”.
Còn ở Thiền viện Pa-Auk Tawya thì dạy (hợp theo bộ Pháp Tụ – Dhammasanganī), hành giả nên phân biệt bốn đại trong toàn thân theo mười hai đặc tánh.
1. Địa đại (pathavī-dhātu): (1) cứng (2) thô; (3) nặng (4) mềm; (5) trơn mịn (6) nhẹ
2. Thủy đại (apā-dhātu): (7) chảy ra (8) kết dính
3. Hỏa đại (tejo-dhātu): (9) nóng (10) lạnh
4. Phong đại (vāyo-dhātu): (11) hỗ trợ (12) đẩy
Để tu tập thiền tứ đại này, hành giả phải học cách phân biệt mỗi trong mười hai đặc tính này, mỗi lần một đặc tính. Thường thường, người mới hành nên chọn những đặc tính nào dễ để phân biệt trước, sau đó mới đến các đặc tính khó hơn. Hành giả thường được dạy theo thứ tự này: đẩy, cứng, thô, nặng, hỗ trợ, mềm, trơn mịn, nhẹ, nóng, lạnh, kết dính, chảy. Mỗi đặc tính trước hết phải được phân biệt ở một vị trí nào đó trên thân, rồi sau đó ở khắp cả thân.
Làm thế nào để thấy mười hai đặc tính
1. Để phân biệt đặc tính “đẩy”, hành giả bắt đầu bằng cách ý thức, qua xúc giác, sự đẩy vào ở giữa đầu khi hành giả thở vô và thở ra. Khi phân biệt, hành giả phải tập trung vào đó cho tới khi “sự đẩy” hiển hiện rõ trong tâm hành giả. Rồi chuyển cái biết hay ý thức của hành giả sang một phần nào đó của thân ở gần bên, và tìm lực đẩy ở đó. Theo cách này hành giả từ từ có thể phân biệt được lực đẩy trước tiên ở trong đầu, rồi đến cổ, thân mình, hai tay, hai chân và bàn chân. Cứ làm đi làm lại nhiều lần như vậy cho đến khi bất cứ chỗ nào hành giả đặt cái biết của mình trên thân, hành giả đều thấy lực đẩy thật dễ dàng. Nếu lực đẩy của hơi thở ở giữa đầu không dễ phân biệt, thì cố gắng cảm giác lực đẩy khi lồng ngực nở ra, hoặc bụng chuyển động khi đang thở. Nếu ở những chỗ đó cũng không rõ, thử cảm giác mạch đập, hoặc bất kỳ một hình thức hiển hiện nào khác của lực đẩy. Nhớ rằng chỗ nào có sự chuyển động, chỗ đó có lực đẩy.
Cho dù bắt đầu ở đâu, hành giả cũng phải phát triển sự hiểu biết của mình đi dần dần xuống, để có thể phân biệt được lực đẩy khăp toàn thân, từ đầu cho đến chân. Ở một vài chỗ nó sẽ rõ ràng, còn những chỗ khác có thể kém hơn, nhưng nó có mặt ở khắp toàn thân.
2. Khi đã cảm thấy hài lòng rằng mình có thể thấy được đặc tính đẩy rồi, hành giả chuyển sang tìm đặc tính cứng. Bắt đầu bằng cách phân biệt tính cứng nơi răng. Cắn 2 hàm răng lại và cảm nhận xem chúng cứng như thế nào. Rồi nhả ra và cảm nhận tính cứng của chúng. Khi hành giả có thể cảm nhận được điều này, hãy cố gắng phân biệt đặc tính cứng ở khắp toàn thân theo cách có hệ thống từ đầu đến chân, cũng theo cách đã làm để phân biệt đặc tính đẩy vậy. Không nên cố ý làm cho thân căng thẳng.
Khi hành giả có thể phân biệt được đặc tính cứng ở khắp thân xong, thì trở lại tìm đặc tính đẩy ở khắp toàn thân như trước. Cứ xen kẽ phân biệt giữa hai đặc tính này, tức là giữa đẩy và cứng, lặp đi lặp lại nhiều lần, từ đầu đến chân cho đến khi cảm thấy thoả mãn rằng mình có thể làm được công việc đó rồi.
3. Kế tiếp tìm đặc tính “thô”. Hành giả lấy lưỡi chà qua chà lại mép răng, hay lướt tay qua y áo, hoặc trên da cánh tay của hành giả để cảm giác tính chất thô nhám này. Sau đó cố gắng phân biệt đặc tính thô nhám khắp toàn thân theo hệ thống như trước. Nếu không thể cảm giác đươc tính chất thô nhám theo cách đó, hãy cố gắng nhìn vào đặc tính đẩy và cứng lại và hành giả có thể phân biệt tính chất thô nhám cùng với hai đặc tính này.
Khi đã có thể phân biệt đặc tính thô nhám rồi, hành giả trở lại phân biệt ba đặc tính: đẩy, cứng, thô, mỗi lần một đặc tính ở khắp toàn thân và làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi cảm thấy hài lòng.
4. Kế đó tìm đặc tính “nặng”. Đặt bàn tay này lên bàn tay kia ở trên lòng hành giả, và cảm giác tính chất nặng của bàn tay trên, hoặc cảm giác tính chất nặng của đầu bằng cách cúi về trước. Thực hành theo hệ thống cho đến khi hành giả phân biệt được đặc tính nặng ở khắp toàn thân.
Khi đã có thể phân biệt rõ đặc tính nặng rồi, hành giả lần lượt tìm lại bốn đặc tính đẩy, cứng, thô và nặng ở khắp toàn thân như trước, cho đến khi cảm thấy hài lòng.
5. Kế tiếp tìm đặc tính hỗ trợ. Buông lơi lưng, để cho thân hành giả khum về trước. Rồi ngay thân lên và giữ thẳng lại. Lực giữ cho thân thẳng ấy là đặc tính hỗ trợ. Thực hành theo hệ thống cho đến khi hành giả phân biệt được đặc tính hỗ trợ ở khắp toàn thân. Nếu không rõ, cố gắng phân biệt nó cùng với đặc tính cứng, nhờ vậy có thể làm cho nó dễ thấy hơn.
Sau khi đã có thể phân biệt đặc tính hỗ trợ dễ dàng rồi, hãy tìm lại năm đặc tính đẩy, cứng, thô, nặng và hỗ trợ ở khắp toàn thân như trước.
6. Kế đến tìm đặc tính mềm bằng cách ép sát lưỡi vào phía trong của môi dưới để cảm nhận tính chất mềm của nó. Rồi thư giản thân, và thực hành theo hệ thống (từ đầu xuống chân) cho tới khi hành giả có thể phân biệt đặc tính mềm thật dễ dàng trên khắp toàn thân.
Sau đó tìm lại sáu đặc tính: đẩy, cứng, thô, nặng, hỗ trợ và mềm ở khắp toàn thân.
7. Kế tiếp tìm đặc tính trơn mịn bằng cách thấm ướt đôi môi và dùng lưỡi chà trên đó từ mép bên này qua mép bên kia.Thực hành cho đến khi hành giả có thể phân biệt được đặc tính trơn mịn ở khắp toàn thân.
Sau đó tìm lại bảy đặc tính trên ở khắp toàn thân.
8. Kế tiếp tìm đặc tính nhẹ bằng cách vẫy vẫy ngón tay lên xuống, để cảm nhận tính chất nhẹ của nó. Nếu hành giả không cảm nhận được bằng cách ấy, hãy tìm đặc tính nặng trở lại. Khi hành giả có thể cảm nhận đặc tính nặng của toàn thân, thì vẫy vẫy ngón tay lên xuống lại và cảm nhận đặc tính nhẹ của nó. Thực hành cho đến khi hành giả có thể phân biệt được đặc tính nhẹ ở khắp thân. Sau đó tìm lại tám đặc tính như trước.
9. Kế, tìm đặc tính nóng (hay ấm) ở khắp toàn thân. Đặc tính này thường rất dễ thấy. Bắt đầu bằng cách nhận biết, qua xúc giác, đặc tính nóng ở bất kỳ chỗ nào nó hiển hiện rõ rệt nhất đối với hành giả. Sau đó tìm lại tất cả chín đặc tính như trước.
10. Kế đến tìm đặc tính lạnh bằng cách cảm nhận tính chất lạnh của hơi thở khi nó đi vào mũi, rồi phân biệt nó theo hệ thống trên khắp toàn thân.
Đến đây hành giả có thể phân biệt được cả mười đặc tính. Mười đặc tính đầu này được biết trực tiếp qua xúc giác, nhưng hai đặc tính sau, chảy và kết dính, phải được suy ra từ mười đặc tính trên. Đó là lý do chính đáng để nói về nó sau chót vậy.
11. Phân biệt đặc tính kết dính, nhận thức rõ về thân này được giữ lại với nhau bởi da, thịt và gân như thế nào. Còn máu được giữ lại bên trong bởi da, như nước trong trái bong bóng ra sao. Không có đặc tính kết dính, thân này ắt hẳn sẽ rời ra thành từng miếng và phần tử riêng biệt. Lực hấp dẫn giữ cho thân gắn vào đất này cũng là đặc tính kết dính. Nếu như vậy vẫn không rõ, hành giả hãy phân biệt cả mười đặc tính trên tới lui nhiều lần, mỗi lần một đặc tính, trên khắp toàn thân. Khi hành giả đã trở nên thiện xảo trong việc phân biệt đó rồi, hành giả sẽ thấy rằng tính chất kết dính cũng trở nên hiển hiện. Nếu vẫn chưa rõ, thì chỉ phân biệt hai đặc tính đẩy và cứng, lặp đi lặp lại nhiều lần. Lúc đó, hành giả sẻ cảm thấy như thể toàn thân của mình bị quấn trong một sợi dây. Hãy phân biệt trạng thái ấy như đặc tính kết dính, và tu tập nó như hành giả đã tu tập các đặc tính khác.
12. Để phân biệt đặc tính chảy, hãy ý thức về nước miếng đang chảy ra trong miệng, máu đang chảy qua các huyết quản, không khí (hay gió) đang chảy vào hai lá phổi, hay hơi nóng đang chảy khắp toàn thân. Nếu như vậy vẫn không rõ, thì nhìn vào nó cùng với đặc tính lạnh, nóng hoặc đẩy, hành giả có thể sẽ phân biệt được đặc tính chảy.
Khi hành giả có thể phân biệt được cả mười hai đặc tính này một cách rõ ràng ở khắp toàn thân, từ đầu đến chân, hành giả sẽ lặp đi lặp lại chúng nhiều lần theo thứ tự này. Khi đã thoả mãn, hành giả nên sắp xếp lại thứ tự theo cách đã đề cập trước, tức là ở đầu bài giảng, đó là: cứng, thô, nặng, mềm, trơn, nhẹ, chảy, kết dính, nóng, lạnh, hỗ trợ và đẩy. Theo thứ tự đó, hành giả cố gắng phân biệt từng đặc tính, mỗi lần một và từ đầu đến chân. Hành giả nên cố gắng phân biệt theo thứ tự này cho tới khi có thể làm thực nhanh, ít nhất cũng ba vòng trong một phút.
Trong lúc thực hành theo cách này, các đại sẽ trở nên mất quân bình đối với một số hành giả: tức là một vài tính chất có thể trở nên thái quá, thậm chí không thể chịu đựng nỗi. Đặc biệt các đặc tính cứng, nóng và đẩy có thể trở nên thái quá. Nếu sự tình này xảy ra, hành giả nên tập trung nhiều hơn vào tính chất ngược lại (như cứng thì tập trung vào mềm chẳng hạn), và tiếp tục tu tập định theo cách đó.
Chẳng hạn, nếu đặc tính chảy thái quá thì tập trung nhiều hơn vào đặc tính kết dính, hoặc nếu đặc tính hỗ trợ thái quá thì tập trung nhiều hơn vào đặc tính đẩy. Những cặp đối nghịch là: cứng-mềm, thô-trơn mịn, nặng-nhẹ, chảy-kết dính, nóng-lạnh và hỗ trợ-đẩy.
Chính vì lợi ích quân bình các đại mà mười hai đặc tính này mới được ưu tiên dạy trước. Khi đã quân bình các đại được rồi, thì việc đắc định sẽ dễ dàng hơn thôi.
Đến đây hành giả đã trở nên thiện xảo công việc phân biệt mười hai đặc tính trong toàn thân. Với mười hai đặc tính đã hiển hiện rõ ràng, hành giả lúc này sẽ phân biệt sáu đặc tính đầu trong một cái nhìn, như là địa đại; hai đặc tính kế trong một cái nhìn, như là thủy đại; hai đặc tính kế trong một cái nhìn, như là hỏa đại; và hai đặc tính cuối cùng, trong một cái nhìn, như là phong đại. Hành giả nên liên tục phân biệt đất, nước, lửa, gió, như vậy để an tịnh tâm và đắc định. Có thể làm đi làm lại điều này hàng trăm, hàng ngàn, hoặc hàng triệu lần càng tốt.
Một phương pháp hiệu quả nhằm giữ cho tâm an định là không di chuyển cái biết (sự ý thức) của hành giả từ phần thân này đến phần thân khác như trước nữa. Thay vào đó, lấy một cái biết khái quát về thân. Tốt nhất, thường là làm một cái biết khái quát như thể hành giả đang ngoái đầu nhìn lại vậy. Cũng có thể thực hiện điều này như thể hành giả đang nhìn từ trên đầu của mình xuống, mặc dù cách làm này có thể đưa đến sự căng thẳng và không quân bình của tứ đại.
Mười cách phát triển định
Phụ chú giải bộ Thanh Tịnh Đạo nói tới lúc này hành giả nên phát triển định theo mười cách[24]. Hành giả phân biệt bốn đại:
1. Theo trình tự (anupubbato) đất, nước, lửa và gió, theo trình tự Đức Phật đã đưa ra.
2. Không quá nhanh (nātisīghato). Nếu hành giả phân biệt tứ đại quá nhanh, thì sẽ không thấy rõ.
3. Không quá chậm (nātisaṅikato). Nếu hành giả phân biệt tứ đại quá chậm, thì sẽ không đi đến đoạn cuối.
4. Ngăn tâm tán loạn. (Vikkhepapaṭibāhanato) Hành giả phải giữ tâm chú vào đối tượng thiền, ở đây là bốn đại, và không để nó phóng đi nơi khác.
5. Vượt qua khái niệm (paññattisamatikkamanato) Hành giả không chỉ tâm niệm, “đất, nước, lửa, gió” mà cần biết rõ những thực tại mà khái niệm ấy biểu hiện: cứng, thô, nặng, mềm, mịn, nhẹ, chảy, dính, nóng, lạnh, hỗ trợ và đẩy.
6. Loại bỏ những gì không rõ (anupaṭṭhānamuñcanato): Khi hành giả có thể phân biệt được cả mười hai đặc tính rồi, tạm thời hành giả có thể bỏ ra những đặc tính nào không rõ ràng, nhưng nếu (làm vậy) mà nó đem đến đau nhức hay căng thẳng thì thôi, vì có một sự mất quân bình trong các đại. Khi loại bỏ những đặc tính không rõ ra, hành giả cũng cần phải giữ lại ít nhất một đặc tính nào đó cho mỗi đại trong tứ đại đó. Nghĩa là hành giả không thể tiến hành chỉ với ba, hai hoặc một đại được. Và hơn hết vẫn là không loại bỏ đặc tính nào cả, nếu mười hai đặc tính đều rõ.
7. Phân biệt các đặc tính (lakkhanato). Khi hành giả mới bắt đầu thiền, các đặc tính của mỗi đại vẫn chưa rõ lắm, nên hành giả cũng có thể tập trung vào nhiệm vụ và sự thể hiện của các đại[25]. Tuy nhiên khi định của hành giả trở nên khá hơn, hành giả chỉ nên tập trung vào những đặc tính tự nhiên (sabhāvalakkhana): cứng và thô của địa đại, chảy và dính của thủy đại, nóng và lạnh của hỏa đại, và hỗ trợ của phong đại.
Ở điểm này hành giả sẽ thấy là chỉ có các đại, chứ không thấy chúng như một người hay một tự ngã nữa.
8. 9. 10. Phụ chú giải đề nghị thêm là hành giả nên phát triển định của mình theo ba bài Kinh: (8) “Adhicitta Sutta” (“Tăng Thượng Tâm Kinh”)[26], (9) “Sītibhāva Sutta” (“Trở Nên Lạnh Kinh”), (10) “Bojjhanga Sutta” (“Thất Giác Chi Kinh”)[27].
Trong ba bản kinh này đức Phật khuyên nên quân bình ngũ căn (indriya): tín, tấn, niệm, định và tuệ; và quân bình Thất giác chi (Bojjhanga): niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, tịnh, định và xả. Những điều này đã được bàn đến trong bài giảng đầu tiên.
Làm thế nào để thấy Sắc chân đế
Thấy thân tịnh sắc như một khối.
Khi hành giả tiếp tục tu tập định trên bốn đại và đến gần cận định (upacāra samādhi) hành giả sẽ thấy các loại ánh sáng khác nhau. Đối với một số hành giả ánh sáng ấy có màu xám như khói. Nếu tiếp tục tập trung vào bốn đại trong ánh sáng xám đó, nó sẽ trở nên càng lúc càng trắng hơn, tợ như bông gòn, và rồi sẽ trắng sáng như mây, lúc ấy toàn thân hành giả sẽ xuất hiện như một hình thể trắng toát. Nếu hành giả tiếp tục tập trung vào bốn đại trong hình thể trắng toát ấy cuối cùng nó sẽ trở thành trong suốt giống như một khối nước đá hay thủy tinh vậy.
Sắc trong suốt này là năm sắc thần kinh (pasāda), hay còn gọi năm “tịnh sắc”: Thân tịnh sắc, nhãn tịnh sắc, nhĩ tịnh sắc, tỷ tịnh sắc và thiệt tịnh sắc[28]. Thần kinh thân hay thân tịnh sắc được thấy ở khắp toàn thân, trong tất cả sáu căn, đó là lý do tại sao toàn thân hành giả lại xuất hiện trong suốt như vậy. Hành giả thấy các tịnh sắc này như một hình thể hoặc một khối trong suốt, bởi vì hành giả vẫn chưa hiểu rõ ba loại khối tưởng (ghana), đó là khối tưởng về tính tương tục, khối tưởng về tổng hợp hay nhóm và khối tưởng về nhiệm vụ. (xem lại câu trả lời 1.3 ở trên).
Làm thế nào để thấy các Tổng hợp sắc (Rūpa-kalapas)
Nếu hành giả tiếp tục phân biệt tứ đại trong hình thể (hay khối) trong suốt (tịnh sắc) ấy, nó sẽ lấp lánh và phát ra ánh sáng. Khi hành giả tập trung vào tứ đại trong hình thể (hoặc khối) này một cách liên tục trong ít nhất nửa giờ, thì hành giả đã đạt đến cận định. Với ánh sáng ấy, hành giả phân biệt hư không giới trong hình thể trong suốt, bằng cách tìm những khoảng không nhỏ ở đó. Lúc này hành giả sẽ thấy rằng hình thể trong suốt phân tán thành các phần tử nhỏ gọi là các tổng hợp sắc (rūpa-kalāpa) rūpa (sắc) + kalāpa (nhóm/tổng hợp). Sau khi đã đạt đến giai đoạn này, tức giai đoạn tâm thanh tịnh (citta-visudhi), hành giả có thể tiến hành tu tập kiến thanh tịnh (diṭṭhi-visuddhi), bằng cách phân tích các tổng hợp sắc. Đây là giai đoạn khởi đầu của thiền Minh sát (vipassanā).
(Những lợi ích của Định)
Trước khi giải thích cách làm thế nào để tu tập Minh sát, chúng ta hãy nhìn vào một lợi ích thực tiễn có được từ cả hai — cận định mà một hành giả thuần quán ở đây đã đạt đến, và an chỉ định (định của bậc thiền) của vị hành giả theo cỗ xe Tịnh chỉ (samātha).
Trong thiền Minh sát, do cần phải phân biệt nhiều, nên mệt mỏi thừơng phát sinh. Khi điều này xảy ra, một sự an nghỉ tạm thời sẽ rất lợi ích. Trong chú giải “Kinh Song Tầm” (Dvedhāvitakka Sutta), một bài kinh thuộc Trung Bộ I, có giải thích cách làm thế nào một hành giả có thể an nghỉ trong thiền (jhāna). Chú giải liên hệ tỷ dụ: trong suốt một trận chiến, đôi khi những binh lính cảm thấy mệt mỏi. Thế lực của đối phương có thể hùng mạnh hơn, và tên bay tới tấp. Vì thế binh lính phải rút vào thành lũy của họ. Bên trong thành lũy họ được an toàn do tránh khỏi những mũi tên của đối phương và được an nghỉ. Rồi, khi họ cảm thấy khoẻ và có sức trở lại, họ rời khỏi thành để trở lại chiến trận. Bậc thiền (jhāna) ở đây cũng giống như thành lũy, có thể được dùng như một nơi an nghỉ trong suốt thời gian Minh sát. Các hành giả Thiền Quán, không có một bậc thiền, và đã khởi sự trực tiếp với thiền Tứ Đại, có thể dùng cận định của họ như một thành lũy để an nghỉ. Trong cả hai trường hợp, hành giả đều có thể trở lại chiến trường Minh sát với thân tâm tươi tỉnh, và trong sáng rõ ràng. Như vậy, có một nơi an nghỉ sẽ đem lại lợi ích rất lớn trong Thiền Minh sát.
Các Tổng hợp Sắc Trong suốt và các Tổng hợp Sắc Mờ
Các tổng hợp sắc (rūpa-kalāpa) chia thành hai nhóm: các tổng hợp sắc trong suốt và các tổng hợp sắc mờ. Các tổng hợp sắc nào chứa một trong năm tịnh sắc (nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt và thân tịnh sắc) là những tổng hợp sắc trong suốt. Còn tất cả tổng hợp sắc khác là mờ.
Phân tích các tổng hợp sắc
Làm thế nào để thấy Bốn Đại
Trước tiên hành giả nên phân biệt bốn đại, đất, nước, lửa và gió của các tổng hợp sắc trong suốt và các tổng hợp sắc mờ. Hành giả sẽ thấy rằng các tổng hợp sắc sanh và diệt cực kỳ nhanh, không thể nào phân tích được chúng, vì hành giả vẫn thấy chúng như những phân tử cỡ nhỏ. Do chưa thấu triệt ba loại khối tưởng (ghana), nên hành giả vẫn còn nằm trong lãnh vực khái niệm (paññatti) chứ chưa đến được lãnh vực chân đế hay thực tại cùng tột (paramatha)[29].
Chính do hành giả chưa thấu suốt những khái niệm về tổng hợp và hình dáng mà các phân tử, các khối nhỏ vẫn tồn tại. Nếu hành giả không phân tích thêm nữa, mà cố gắng hành Minh sát bằng cách quán sự sanh và diệt của các khối nhỏ ấy, tức các tổng hợp sắc (rūpa-kalāpas), thì hành giả vẫn chỉ đang cố gắng hành Minh sát trên các khái niệm mà thôi. Vì vậy hành giả phải phân tích các tổng hợp sắc thêm nữa, cho đến khi có thể thấy các đại trong các tổng hợp sắc riêng lẻ, để đạt đến thực tại cùng tột – chân đế.
Nếu, do các tổng hợp sắc sanh và diệt cực kỳ nhanh, hành giả không thể phân biệt bốn đại trong các tổng hợp sắc riêng lẻ, thì hãy bỏ qua sự sanh – diệt của chúng, tỷ như khi gặp một người nào mà mình không muốn gặp, hành giả sẽ làm bộ không thấy hoặc để ý tới y vậy. Ở đây cũng thế, hành giả sẽ không chú ý đến sự sanh diệt của các tổng hợp sắc mà chỉ tập trung vào bốn đại trong các tổng hợp sắc ấy mà thôi.
Nếu vẫn không thành công, hành giả nên tập trung vào địa đại lúc trong toàn thân và lúc thì trong một tổng hợp sắc riêng lẻ xen nhau. Đối với thủy đại, hỏa đại, và phong đại cũng làm như vậy. Hành giả cần phải phân biệt được bốn đại trong một tổng hợp sắc “trong” riêng lẻ và trong một tổng hợp sắc “mờ” riêng lẻ.
Đây là phương thức tiến hành mà chúng tôi dạy tại Thiền viện Pa-Auk: hành giả phân biệt các đại theo tuần tự từng đại một. Các bản kinh giải thích rằng hành giả nên phân biệt cả bốn đại một lần, nhưng cần phải hiểu là cách đó chỉ dành cho những hành giả đã thiện xảo hay thuộc hạng lợi căn. Bởi vì, phân biệt các đại của sắc rất sâu xa, năng lực Minh sát của hành giả sơ cơ thường không đủ mạnh và vững chắc để họ có thể thấy tất cả các đại một lần. Vì thế, chúng tôi dạy họ phân biệt các đại theo tuần tự từng đại một, từ căn bản một, từ cái dễ nhất đến cái khó nhất. Sau đó, khi họ đã trở nên rành rẽ trong pháp hành rồi, họ có thể thấy cả bốn đại (tám đặc tính) trong một tổng hợp sắc một lần[30].
Khi hành giả đã thấy được bốn đại trong một tổng hợp sắc “trong” cũng như trong một tổng hợp sắc “mờ” riêng lẻ là hành giả đã hoàn tất giai đoạn thực hành Thiền Chỉ (samatha) và hoàn tất giai đoạn Tâm thanh tịnh (citta visuddhi) và cũng đang trong giai đoạn khởi đầu của thực hành Minh sát, tức Kiến Thanh Tịnh (diṭṭhi visudhi), vì hành giả đang phân biệt danh sắc chân đế (nāma-rūpa pariggaha: nắm bắt được duyên khởi của danh sắc) và phân tích Danh sắc chân đế (nāma-rūpa pariccheda: phân tích danh sắc). Đó là lý do vì sao thiền Tứ Đại lại bao gồm cả Chỉ lẫn Quán (samātha và vipassanā)
Khi đã thành công, hành giả phân biệt bốn đại trong một số các tổng hợp sắc trong và mờ của các căn đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn lần lượt từng căn (xứ) một.
Như đã đề cập ở trên, các tổng hợp sắc trong và mờ, tất cả đều bao gồm cùng một căn bản tám sắc. Đến đây hành giả đã phân biệt được bốn sắc đầu (tức đất, nước, lửa và gió), và sẽ tiếp tục để phân biệt bốn sắc còn lại: màu, mùi, vị và dưỡng chất.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành, trước hết chúng ta cần phải bàn đến phương thức chung cho việc phân biệt bốn sắc này.
Bộ sách Xua Ảo tưởng (The Dispeller of Delusion), chú giải bộ Phân tích của Tạng Diệu Pháp, nói[31]
Sabbopi panesa pabhedo manodvārikayavaneyeva labbhati (Mọi hiện tượng đều được biết bởi một mình tốc hành (javana)[32] ý môn mà thôi.[33])
Hành giả chỉ có thể biết được địa đại, thủy đại, hỏa đại, và phong đại của một tổng hợp sắc, với ý thức mà thôi. Đối với màu, mùi, vị của một tổng hợp sắc cũng vậy, hành giả chỉ có thể biết theo cách đó. Mặc dù rất dễ thấy được màu với ý thức, nhưng để thấy được mùi và vị theo cách đó lại rất khó, bởi vì thói quen lâu đời của chúng ta là dùng mũi và lưỡi (để làm công việc ấy). Do đó, khi thiền của hành giả chưa mạnh và vững chắc, nên dùng tỷ thức hoặc thiệt thức trợ giúp.
Tới đây, tôi đã giải thích xong hai cách để phân biệt một đối tượng, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu cách làm thế nào người hành thiền có thể phân biệt được màu, mùi, vị và dưỡng chất trong các tổng hợp sắc.
Làm thế nào để thấy Màu
Màu (vaṇṇa), yếu tố thứ năm cần phải phân biệt, là đối tượng của sự thấy (rūparammaṇa: cảnh sắc) và được tìm thấy trong tất cả mọi tổng hợp sắc. Màu rất dễ nhận biết đối với ý thức, bởi vì chỉ nhìn các tổng hợp sắc hành giả đã thấy được màu. Màu thì luôn luôn phải là màu của một cái gì, và cái gì đó chính là tứ đại[34].
Làm thế nào để thấy Mùi
Mùi hay hương (gandha), yếu tố thứ sáu cần phân biệt, là đối tượng của sự ngửi (gandhārammaṇa: cảnh khí), và cũng được thấy trong các tổng hợp sắc. Do vì thói quen lâu đời của chúng ta là dùng mũi để ngửi, nên lúc đầu hành giả cần có tỷ thức để trợ giúp hành giả nhận biết được mùi với ý thức.
Để làm điều này, trước hết hành giả cần phân biệt sắc mà hai loại thức (tỷ thức và ý thức) này nương, đó là tỷ tịnh sắc và sắc trái tim (sắc mờ hay phi tịnh sắc). Tỷ tịnh sắc là yếu tố thứ mười của tổng hợp mười sắc có tỷ là yếu tố thứ mười (hay đoàn tỷ). Còn sắc trái tim là yếu tố thứ mưởi của tổng hợp mười sắc có trái tim là yếu tố thứ mười (đoàn tâm).
Để tìm tỷ tịnh sắc này, đầu tiên hành giả phân biệt tứ đại nơi mũi, nhưng phải chắc chắn là đang nhìn vào một tổng hợp mười sắc trong mũi thuộc tỷ căn chứ không phải thuộc thân căn. Chỉ những tổng hợp tỷ mười sắc mới có tỷ tịnh sắc.
Kế đến, để thấy được sắc trái tim, hành giả cần phân biệt ý môn (bhāvaṅga – hữu phần) sáng chói[35]. Công việc này tương đối dễ, vì hành giả đã phân biệt được tứ đại trong các tổng hợp sắc trong và mờ thuộc sáu căn rồi.
Đến đây, sau khi đã phân biệt được tỷ tịnh sắc (tỷ môn) và bhavaṅga (ý môn), hành giả có thể tiến hành phân biệt mùi của một tổng hợp sắc gần với tổng hợp tỷ mười sắc chỗ mà hành giả đã phân biệt tịnh sắc (sắc trong suốt). Hành giả sẽ thấy rằng mùi tác động vào tỷ môn và ý môn cùng một lúc.
Làm thế nào để thấy Vị
Vị (rasa), yếu tố thứ bảy cần phân biệt, là đối tượng của vị giác hay thần kinh thiệt (rasāmmanạ: sắc cảnh vị), cũng được tìm thấy trong tất cả các tổng hợp sắc. Như đối với mũi (tỷ), lúc đầu hành giả sẽ cần có tỷ thức trợ giúp để biết đựơc vị với ý thức. Và ở đây cũng vậy, trước tiên hành giả nên phân biệt sắc mà hai loại thức này nương. Sau khi đã làm được điều đó, hành giả phân biệt vị của một tổng hợp sắc. Hành giả có thể lấy một tổng hợp sắc từ nước miếng trên lưỡi của mình.
Làm thế nào để thấy Dưỡng chất
Dưỡng chất (ojā) là yếu tố thứ tám cần phân biệt. Nó cũng được thấy trong mọi tổng hợp sắc, và như đã đề cập ở trứơc, gồm bốn loại[36]:
1- Dưỡng chất do Nghiệp sanh (Kammaja ojā)
2- Dưỡng chất do Tâm sanh [37] (Cittaja ojā)
3- Dưỡng chất do Thời tiết sanh (Uttuja ojā)
4- Dưỡng chất do Vật thực sanh (Āhāraja ojā)
Khảo sát bất kỳ tổng hợp sắc nào hành giả cũng sẽ thấy dưỡng chất. Từ dưỡng chất này chúng ta thấy các rūpa kalāpas (tổng hợp sắc) từ đó trở đi sinh sôi nảy nở liên tục.
Sau khi đã phân biệt được tám yếu tố hay sắc căn bản có mặt trong mọi tổng hợp sắc rồi, hành giả nên cố gắng phân biệt ba sắc căn bản còn lại được tìm thấy trong các tổng hợp sắc đặc biệt – đó là: sắc mạng căn, sắc tánh (nam-nữ) và sắc trái tim[38].
Làm thế nào để thấy được Sắc Mạng Căn và Sắc Tánh
Sắc mạng căn (Jīitindriya) chỉ duy trì sự sống của sắc do nghiệp sanh, nên cũng có nghĩa là nó chỉ được tìm thấy ở (sắc nghiệp) đó.
Như đã nói ở trước[39], vì lẽ tất cả các tổng hợp sắc trong suốt đều do Nghiệp sanh, nên cũng rất dễ dàng cho hành giả để phân biệt mạng căn này trước trong một tổng hợp sắc trong suốt. Phân biệt một tổng hợp sắc có mắt là yếu tố thứ mười (Đoàn nhãn hay mắt thập pháp), và thấy rằng sắc mạng căn chỉ duy trì (sự sống) các sắc của tổng hợp sắc riêng nó mà thôi, chứ không duy trì sắc của các tổng hợp khác.
Kế đó hành giả cũng cần phân biệt sắc mạng căn trong một tổng hợp sắc mờ. Thân có ba loại tổng hợp sắc mờ có sắc mạng căn là:
1- Các tổng hợp sắc có trái tim là thứ mười (hadaya dasaka-kalāpa) – chỉ ở trong trái tim[40].
2- Các tổng hợp sắc có tánh là thứ mười (bhāva dasaka-kalāpa) – khắp toàn thân[41].
3- Các tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín (jīvita navaka-kalāpa)[42].
Trước tiên phân biệt sắc mạng căn của một tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín hoặc của một tổng hợp sắc có tánh là thứ mười được xem là dễ nhất. Để phân biệt rõ hai tổng hợp sắc này, hành giả hãy tìm sắc tánh (bhāva-rūpa).
Lúc này hành giả đã phân biệt được sắc mạng căn trong một tổng hợp sắc trong suốt thuộc về mắt, vì vậy hãy nhìn lại vào mắt và phân biệt một tổng hợp sắc mờ có sắc mạng căn. Bởi lẽ các tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín và các tổng hợp sắc có tánh là thứ mười đều được tìm thấy trong tất cả sáu căn, nên nó sẽ là một trong hai mà thôi. Nếu nó có sắc tánh, thì đó là một tổng hợp sắc có tánh là thứ mười, ngược lại, nếu không có thì đó là một tổng hợp có mạng căn là thứ chín. Trong trường hợp đó, hãy phân biệt một tổng hợp sắc mờ khác cho đến khi hành giả phân biệt được sắc tánh, rồi tìm sắc này trong một tổng hợp sắc thuộc tai (nhĩ), mũi (tỷ), lưỡi (thiệt), thân và trái tim (nhục đoàn tâm).
Để phân biệt một tổng hợp sắc mờ thuộc trái tim, hành giả tập trung vào ý môn hay bhavaṅga chói sáng trở lại. Muốn thấy rõ, hãy lắc lắc ngón tay của hành giả, và nhìn xem cái tâm muốn lắc lắc ngón tay ấy. Rồi cố gắng phân biệt các tổng hợp sắc hỗ trợ cho bhavaṅga (tâm hữu phần). Hành giả cũng có thể tìm chúng ở phần dưới của bhavaṅga: đó là những tổng hợp sắc mờ có trái tim là thứ mười [43].
Như vậy, hành giả đã hoàn tất việc phân biệt tất cả sắc trong các tổng hợp sắc: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn và sắc tánh. Và hành giả cũng đã phân biệt được chúng trong các tổng hợp sắc trong và mờ nơi sáu căn. Giai đoạn kế tiếp trong việc phân biệt sắc là phân tích sắc của mỗi (căn) trong sáu căn (giác quan): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và trái tim (heart) để thấy ra những loại tổng hợp sắc khác nhau ở đó.[44]
Hành giả khởi sự bằng cách phân tích chỉ hai loại trong sắc tịnh sắc (sắc trong suốt).
Cách phân tích
Làm thế nào để phân tích các tịnh sắc (sắc trong)
Mỗi giác quan có một số loại tổng hợp sắc hòa lẫn vào nhau. Chẳng hạn mắt, tai, mũi, lưỡi có hai loại tổng hợp sắc trong suốt pha lẫn với nhau giống như bột gạo và bột mì vậy – đó là tổng hợp sắc trong suốt thuộc giác quan tương ứng, và tổng hợp sắc trong suốt thuộc thân. Chẳng hạn, hai loại tổng hợp sắc trong mắt là:
1. Tổng hợp sắc có mắt là thứ mười (Đoàn nhãn) – cakkhu dasaka kapāla – yếu tố thứ mười là nhãn tịnh sắc.
2. Tổng hợp sắc có thân là thứ mười (Đoàn thân) – kāya dasaka kalāpa – yếu tố thứ mười là thân tịnh sắc.
Các tổng hợp sắc có thân là thứ mười hay “Đoàn thân” được tìm thấy khắp sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tim), hòa lẫn với các tổng hợp ở đó. Như trong con mắt, nó hòa lẫn với các tổng hợp sắc có mắt là thứ mười (Đoàn nhãn); trong tai, nó hòa lẫn với Đoàn nhĩ (sata dasaka kalāpas) v.v… Các tổng hợp sắc có tánh là thứ mười (đoàn sắc tánh) cũng thế, được tìm thấy ở khắp các giác quan, và cũng trộn lẫn với các tổng hợp sắc trong suốt khác. Để thấy được tất cả những tổng hợp này, hành giả cần phân tích các tổng hợp sắc trong suốt trong năm giác quan, và nhận dạng loại tịnh sắc tương ứng với mỗi thứ (nhãn tịnh sắc, nhĩ tịnh sắc, tỷ tịnh sắc, thiệt tịnh sắc) cũng như thân tịnh sắc ở đó.
1) Nhãn tịnh sắc hay thần kinh nhãn (cakkhu pasāda): Nhạy cảm đối với màu sắc, trong khi thân tịnh sắc (thần kinh thân) lại nhạy cảm đối với sự xúc chạm (các đối tượng có thể sờ mó được). Sự khác nhau này cho phép hành giả biết được thứ nào là thứ mình đang tìm. Đầu tiên, phân biệt tứ đại trong con mắt để thấy rõ một tổng hợp sắc trong suốt, và phân biệt sắc tịnh sắc của tổng hợp sắc đó. Rồi nhìn vào sắc màu của một nhóm các tổng hợp sắc cách con mắt một khoảng nào đó. Nếu nó tác động trên tịnh sắc nào thì tịnh sắc ấy là một nhãn tịnh sắc (của một tổng hợp sắc có mắt là thứ mười – đoàn nhãn). Ngược lại, thì đó là một thân tịnh sắc (của một tổng hợp sắc có thân là thứ mười – đoàn thân).
2) Thân tịnh sắc (kāya pasāda). Đó là yếu tố nhạy cảm đối với sự xúc chạm, hay đối với những đối tượng có thể sờ mó được. Nhưng đối tượng ấy là đất, nước, lửa, gió (địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại). Hành giả phân biệt một tịnh sắc nơi con mắt trở lại. Rồi nhìn vào địa đại, hỏa đại, hay phong đại của một nhóm các tổng hợp sắc gần bên. Nếu nó tác động trên tịnh sắc nào, tịnh sắc ấy là thân tịnh sắc (của một tổng hợp sắc có thân là thứ mười, đoàn thân).
3) Nhĩ tịnh sắc (sota pasāda). Đó là yếu tố nhạy cảm đối với âm thanh. Trước tiên hành giả phân biệt một tịnh sắc nơi tai. Rồi lắng nghe. Nếu âm thanh tác động trên tịnh sắc, tịnh sắc ấy lànhĩ tịnh sắc – (hay thần kinh nhĩ) – (của một tổng hợp sắc có nhĩ là thứ mười). Rồi phân biệt thân tịnh sắc như trước hành giả đã làm nơi con mắt.
4) Tỷ tịnh sắc (ghāna pasāda). Đó là yếu tố nhạy cảm đối với mùi. Cũng như trước, hành giả phân biệt một tịnh sắc nơi mũi. Rồi ngửi mùi của một nhóm các tổng hợp sắc gần bên. Nếu nó tác động trên tịnh sắc, tịnh sắc ấy là một tỷ tịnh sắc (của một tổng hợp sắc có tỷ là thứ mười). Rồi phân biệt tổng hợp sắc có thân là thứ mười như đã làm với mắt và tai.
5) Thiệt tịnh sắc (jivhā pasāda). Đó là yếu tố nhạy cảm đối với vị. Phân biệt một tịnh sắc trong lưỡi (thiệt). Rồi nếm vị của một nhóm các tổng hợp sắc gần bên. Nếu nó tác động trên tịnh sắc, thì tịnh sắc ấy là một thiệt tịnh sắc (của một tổng hợp sắc có thiệt là thứ mười). Sau đó phân biệt tổng hợp sắc có thân là thứ mười như đã làm với mắt, tai và mũi.
Khi đã phân tích xong hai loại tịnh sắc nơi mỗi trong năm giác quan, hành giả cũng cần thấy rằng thân tịnh sắc (trong các tổng hợp sắc có thân là thứ mười) cũng được tìm thấy trong trái tim, và sắc tánh mờ (nơi các tổng hợp sắc có tánh là thứ mười – đoàn sắc tánh) cũng được tìm thấy trong tất cả sáu giác quan.
Sau khi đã làm như thế, hành giả sẽ phải phân tích cả năm loại tịnh sắc[45], và hai trong sáu loại sắc mờ. Bây giờ hành giả cần phân tích các sắc mờ còn lại nơi mỗi trong sáu giác quan.
Năm mươi bốn sắc trong con mắt
Từ trước đến đây chúng ta đã bàn về ba loại tổng hợp sắc căn bản.
1. Các tổng hợp mười của mỗi trong sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm (tim)
2. Các tổng hợp chín thuộc mạng căn
3. Các tổng hợp tám
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm (tim) bao gồm, như bây giờ chúng ta đã biết, bảy loại tổng hợp sắc, tổng cộng có sáu mươi ba sắc[46]. Tuy nhiên khi phân tích sắc của một giác quan, các kinh Pāḷi nói hành giả chỉ nên nhìn vào sáu loại tổng hợp sắc (trừ các tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín ra). Như vậy hành giả sẽ chỉ tập trung vào năm mươi bốn loại sắc (63 – 9 = 54).[47]
Riêng các tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín, sau đó hành giả sẽ phân biệt theo cách khác. Và vì lẽ một trong sáu loại tổng hợp sắc có thân là thứ mười, nên khi phân tích sắc của thân (ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi và trái tim), hành giả chỉ có thể phân tích năm loại tổng hợp sắc, tổng cộng có bốn mươi bốn loại sắc (54 – 10 = 44) mà thôi.
Như vậy chúng ta sẽ nhìn vào năm mươi bốn loại sắc đã nói của con mắt chẳng hạn:
1- Tổng hợp sắc có mắt là thứ mười[48] (Đoàn nhãn hay Mắt thập pháp). Đó là yếu tố nhạy cảm đối với màu, trong suốt và do nghiệp sanh.
2- Tổng hợp sắc có thân là thứ mười[49] (Đoàn thân hay Thân thập pháp). Đó là yếu tố nhạy cảm đối với các đối tượng có thể sờ mó được (xúc trần – địa đại – hỏa đại và phong đại), trong suốt do nghiệp sanh.
3- Tổng hợp sắc có tánh là thứ mười[50] (Đoàn tánh hay Tánh thập pháp). Đó là sắc mờ và do nghiệp sanh.
Và rồi có thêm ba loại tổng hợp sắc nữa, mỗi loại có tám sắc, tổng cộng là hai mươi bốn (3×8=24). Đó là ba loại tổng hợp sắc có vật thực là thứ tám, cả ba đều là sắc mờ.
4- Tổng hợp tám có dưỡng chất do tâm sanh (cittaja ojaṭṭhumaka kalāpa)
5- Tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh (uttuja ojaṭṭhamaka kalāpa)
6- Tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh (ākāraja ojaṭṭhamaka kalāpa)
Ba loại tổng hợp sắc đầu (các tổng hợp mười sắc) đều do nghiệp (kamma) sanh, trong khi ba loại tổng hợp sắc sau (các tổng hợp 8 sắc) thì hoặc do thời tiết hoặc do tâm, hoặc do vật thực sanh. Như đã nói ở phần đầu của bài giảng này, có bốn nguồn gốc của sắc[51]. Đến đây thì hành giả đã phân biệt được các tổng hợp sắc do nghiệp sanh rồi, vì vậy chúng ta sẽ bàn đến cách phân biệt loại tổng hợp có dưỡng chất là thứ tám để biết nó thuộc thứ nào (trong ba thứ kể trên: tâm, thời tiết, vật thực).
Làm thế nào để thấy sắc do tâm sanh
Như đã đề cập trong phần giới thiệu, mỗi tâm sanh lên nương vào sắc trái tim (ngoại trừ tâm tục sanh hay kiết sanh thức) sẽ tạo ra rất nhiều các tổng hợp tám có dưỡng chất do tâm sanh (cittaja ojaṭṭhamakalāpa). Các tổng hợp này là những sắc mờ và trải khắp toàn thân.
Đó là lý do vì sao, nếu hành giả tập trung vào hữu phần (bhavaṅga), hành giả sẽ thấy rất nhiều tâm nương nơi sắc trái tim đang tạo ra các tổng hợp sắc. Nếu điều này không rõ, hãy tập trung vào hữu phần trở lại và vẫy vẫy 1 ngón tay. Lúc đó hành giả sẽ thấy 1 số lớn các tổng hợp sắc đã được tạo ra do tâm muốn vẫy vẫy ngón tay. Đồng thời hành giả cũng thấy rằng những tổng hợp sắc như vậy có thể khởi sanh ở bất cứ chỗ nào trên thân.
Làm thế nào để thấy sắc do thời tiết sanh
Như đã nói trong phần giới thiệu, hỏa đại (tejo) cũng được gọi là “thời tiết” hay “nhiệt” (Utu) và được thấy trong 1 tổng hợp sắc. Hỏa đại của các tổng hợp sắc tạo ra các tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh (utuja ojaṭṭhamaka kalāpa). Tự thân chúng lại chứa đựng hỏa đại, vốn tạo ra thêm các tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh. Hành giả cần thấy rằng tiến trình này xảy ra trong tất cả các loại tổng hợp sắc nơi mỗi giác quan.
Đầu tiên, phân biệt hỏa đại trong một tổng hợp sắc có mắt là thứ mười chẳng hạn. Rồi thấy rằng nó tạo ra các tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh. Đây là thế hệ thứ nhất. Kế phân biệt hỏa đại trong một tổng hợp sắc của thế hệ thứ nhất thuộc các tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh ấy, và thấy rằng nó cũng sanh sôi nảy nở tiếp: đó là thế hệ thứ 2. Theo cách này hành giả sẽ thấy rằng thời tiết trong tổng hợp có mắt là thứ 10 (vốn bản thân nó là do nghiệp sanh)[52] sinh sôi nảy nở qua 4 hoặc 5 thế hệ[53].
Hành giả cần phải thấy được rằng tiến trình này xảy ra cho mỗi loại tổng hợp sắc trong mỗi giác quan, và cũng cần phải tự mình thấy có bao nhiêu thế hệ tổng hợp sắc 8 có dưỡng chất do thời tiết sanh mà mỗi loại tổng hợp sắc ấy tạo ra.
Làm thế nào để thấy sắc do vật thực sanh
Như đã đề cập ở trên, bốn phần thuộc thân, đó là vật thực chưa tiêu hoá, vật thực đã tiêu hóa (phân) mủ và nước tiểu, chỉ là những tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh (utuja ojaṭṭhamaka kalāpa). Và sức nóng tiêu hoá thức ăn trong thân (trong thực quản) chính là hỏa đại thuộc các tổng hợp có mạng căn là thứ chín (jīvita navaka kalāpa), vốn là tổng hợp sắc do nghiệp sanh.
Khi dưỡng chất của các tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh gặp sức nóng tiêu hoá thức ăn, thì sắc được tạo ra thêm, sắc đó là các tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh (āhāraja ojaṭṭhamaka kalāpa). Bản thân chúng có dưỡng chất (dưỡng chất này do vật thực sanh āhāraja ojā) vốn sinh sôi nảy nở theo cùng cách qua nhiều thế hệ. Vật thực ăn vào trong ngày sẽ tái tạo như thế này cho đến một tuần lễ, trong suốt thời gian ấy nó cũng hỗ trợ dưỡng chất trong các tổng hợp sắc do nghiệp sanh, do tâm sanh và do thời tiết sanh, cũng như trong các tổng hợp sắc do vật thực trước sanh[54]. Vật thực của chư thiên tái tạo cho đến một hoặc hai tháng.
Để thấy những điều này hành giả phải “thiền” trong khi đang ăn. Vì, vào lúc ấy các tổng hợp sắc do vật thực sanh có thể được thấy lan toả khắp toàn thân, từ hệ thống thực quản: miệng, cuống họng, bao tử, và ruột. Trước tiên hành giả phân biệt tứ đại trong thức ăn mới ăn vào ở những chỗ ấy, và thấy các tổng hợp sắc tại đó. Cứ tiếp tục nhìn cho đến khi hành giả thấy được rằng khi sức nóng trợ giúp tiêu hóa (hỏa đại của các tổng hợp có mạng căn là thứ chín) gặp dưỡng chất của thức ăn mới ăn vào (các tổng hợp tám có dưỡng chất do thời tiết sanh), thì nhiều thế hệ các tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh được tạo ra, dưỡng chất này lan tỏa khắp toàn thân. Hành giả thấy rằng chúng là sắc mờ và gồm tám loại sắc. Hành giả cũng có thể thấy những điều này sau khi đã ăn xong, trong trường hợp đó thì hành giả phân tích vật thực chưa tiêu hóa trong bao tử và ruột.
Kế tiếp, hành giả cần phân biệt các tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh khi chúng lan tỏa khắp toàn thân, và đi đến mắt chẳng hạn. Phân biệt tám loại sắc trong các tổng hợp tám tại nơi đó và thấy rằng dưỡng chất của chúng là dưỡng chất do vật thực sanh (āhāraja ojā). Rồi thấy những gì xảy ra khi nó gặp dưỡng chất do nghiệp sanh (kammaja ojā) của các tổng hợp có mắt là thứ mười (đoàn nhãn); cùng với sức nóng hay nhiệt trợ giúp tiêu hóa, nó khiến cho dưỡng chất thuộc các tổng hợp có mắt là thứ mười ấy tạo ra bốn hoặc năm thế hệ các tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh[55]. Con số các thế hệ được tạo ra tùy thuộc vào sức mạnh của cả hai loại dưỡng chất.
Hơn nữa, trong bốn hoặc năm thế hệ tổng hợp sắc ấy, còn có thời tiết. Hành giả cũng cố gắng phân biệt ở giai đoạn trụ của nó để thấy rằng nó cũng tái tạo qua nhiều thế hệ.
Hành giả cũng cố gắng phân biệt để thấy rằng khi dưỡng chất do vật thực sanh gặp dưỡng chất của các tổng hợp có thân là thứ mười, và các tổng hợp có tánh là thứ mười do nghiệp sanh thuộc con mắt, thì bốn hoặc năm thế hệ tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh được tạo ra. Và cũng trong những thế hệ này, thời tiết sẽ sinh sôi nảy nở qua nhiều thế hệ.
Lại nữa, khi dưỡng chất do vật thực sanh gặp dưỡng chất của tổng hợp tám có dưỡng chất do tâm sanh thuộc con mắt (cittaja ojatthamaka kalāpa), thì hai hoặc ba thế hệ tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh được tạo ra, và cũng trong các thế hệ này, thời tiết sinh sôi nảy nở qua nhiều thế hệ.
Và còn nữa, có hai loại tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh; đó là loại đi trước và loại nối tiếp theo sau.
Khi dưỡng chất do vật thực trước tạo gặp dưỡng chất nối tiếp theo sau của các tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh và nhiệt trợ giúp tiêu hóa, thì mười đến mười hai thế hệ thế hệ tổng hợp tám có dưỡng chất do vật thực sanh được tạo ra, thời tiết ở đó cũng sinh sôi nảy nở qua nhiều thế hệ.
Trong mọi trường hợp, dưỡng chất của bất kỳ tổng hợp sắc nào (do nghiệp sanh, do tâm sanh, do thời tiết sanh, hay do vật thực sanh) thì sự tái tạo chỉ có khi nó được hỗ trợ bởi sức nóng hay nhiệt trợ giúp tiêu hóa.
Sau khi đã phân biệt tất cả các loại tổng hợp có dưỡng chất là thứ tám trong mắt, biết chúng sinh sôi nảy nở như thế nào, và các yếu tố trong các tổng hợp sắc mà chúng tạo ra đó cũng tái tạo ra sao, hành giả lúc ấy đã phân biệt được cả thảy năm mươi bốn loại sắc nơi mắt. Kế đó, hành giả nên làm y như vậy đối với tất cả các loại sắc trong năm giác quan còn lại; đó là tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm.
TÓM TẮT
Hôm nay chúng ta đã luận bàn khá tóm tắt về cách làm thế nào để phân tích các tổng hợp sắc, trong khi pháp hành thực sự đòi hỏi nhiều hơn. Chẳng hạn, phương pháp chi tiết đòi hỏi phải phân tích cái được gọi là bốn mươi hai phần của thân đã đề cập trong kinh Giới Phân Biệt (Phātuvibhanga Sutta) thuộc Trung Bộ Kinh, đó là: hai mươi phần thuộc địa đại, hai mươi phần thuộc thủy đại, bốn phương diện của hỏa đại và sáu phương diện của phong đại[56]. Nếu hành giả muốn biết cách làm thế nào để tu tập theo phương pháp chi tiết này, hành giả nên đi đến một bậc thầy thích hợp. Nhờ thực hành có hệ thống, dàn dần hành giả sẽ trở nên thành thạo hơn trong việc phân biệt các tổng hợp sắc, vốn được tạo ra do bốn nguyên nhân: nghiệp, tâm, thời tiết, và vật thực.
Với việc phân biệt sắc hoàn mãn, hành giả kể như đã hoàn tất phần đầu của tuệ minh sát thứ nhất, đó là Danh Sắc Phân Tích Trí (Nāma-rūpa pariccheda nama).
Đến đây chúng ta sẽ tóm tắt lại việc phân biệt sắc (Rūpa kammatthāna)
Để thấy các tổng hợp sắc (rūpa kalāpas), hành giả phải tu tập định cho đến cận định bằng cách tập trung vào bốn đại, đất, nước, lửa và gió.
Khi hành giả có thể thấy được các tổng hợp sắc, hành giả phải phân tích chúng để thấy tất cả những yếu tố (sắc) có mặt trong các tổng hợp sắc riêng lẻ, chẳng hạn như trong một tổng hợp sắc có mắt là thứ mười (đoàn nhãn hay mắt thập pháp), hành giả phải thấy đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn, và tịnh nhãn sắc.
Với phương pháp tóm tắt hành giả phải phân biệt năm mươi bốn sắc trong một giác quan, rồi cũng phân biệt y như vậy đối với năm giác quan còn lại.
Với phương pháp chi tiết, hành giả phải phân biệt tất cả các loại sắc trong cả bốn mươi hai phần thuộc thân.
Khi đã hoàn tất việc phân biệt sắc (rūpakammatthāna), hành giảsẽ có đủ thiện xảo để thấy tất cả các yếu tố (sắc) của cả sáu giác quan với một cái nhìn thoáng qua, và cũng sẽ thấy cả bốn mươi hai phần thuộc thân với cái nhìn thoáng qua như vậy. Đây là những gì hành giả đang nhắm tới khi kinh qua thiền, đi từ sắc này đến sắc khác, từ giác quan này đến giác quan khác; từ dễ nhất đến khó nhất.
Điều này cũng giống như đang nhìn vào mười cái trụ đỡ cầu thang. Chúng ta có thể nhìn vào chúng từng cái một, như một, hai, ba, bốn v.v… cho đến mười, và rồi chúng ta có thể nhìn cả mười cái một lần, với một cái nhìn thoáng qua. Khi hành giả đã có thể thấy tất cả các loại sắc với một cái nhìn thoáng qua, chúng sẽ trở thành đối tượng cho việc hành minh sát của hành giả; hành giả sẽ thấy tất cả sắc là vô thường, khổ, và vô ngã [57]. Tuy nhiên nếu, ngay cả sau khi đã hoàn tất việc phân biệt sắc rồi, mà hành giả vẫn không thể thấy tất cả sắc với một cái nhìn thoáng qua, thì nên thấy từng sắc một, làm đi làm lại nhiều lần, và cố gắng để thấy tất cả chúng với một cái nhìn thoáng qua[58].
Đến đây hoàn tất phần thảo luận của chúng ta về việc phân biệt Sắc (Rūpa-kammatthāna). Trong bài giảng kế tiếp chúng tôi sẽ nói về cách làm thế nào để phân biệt Danh (Nāma-kammatthāna).
PHỤ BẢN 1. HAI MƯƠI TÁM LOẠI SẮC
Ở cuối giai đoạn phân biệt sắc, hành giả sẽ phải khảo sát mười tám loại sắc thực và chín trong mười loại sắc không thực.[59]
Mười tám loại sắc thực gồm:
Bốn Đại Chủng (Mahā bhūta) Tổng cộng
1. Địa đại (Pathavī dhātu)
2. Thủy đại (Āpo dhātu)
3. Hỏa đại (Tejo dhātu)
4. Phong đại (Vāyo dhātu) 4
Năm loại tịnh sắc (pasāda rūpa:sắc trong suốt)
1. Nhãn tịnh sắc (Cakkhu pasāda)
2. Nhĩ tịnh sắc (Sota pasāda)
3. Tỷ tịnh sắc (ghāna pasāda)
4. Thiệt tịnh sắc (jivhā pasāda)
5. Thân tịnh sắc (kāya pasāda) 5
Bốn loại Hành Cảnh Sắc (gocara rūpa: sense – field materiality)
1. Màu (sắc) (vanna)
2. Thanh (saddha)
3. Hương (khí) (gandha)
4. Vị (rasa) 4
Dưỡng chất (ojā) 1
Mạng căn (jīitindriya) 1
Sắc trái tim
(tâm cơ hay sắc ý vật) (hadaya rūpa) 1
Hai loại sắc tánh (bhāva rūpa)
1. Sắc tánh nam (purisabhāva rūpa)
2. Sắc tánh nữ (itthi bhāva rūpa) 2
18
Mười loại sắc không thực gồm:
1. Sắc hư không (ākāsa dhātu)
2. Thân biểu tri (kāyavinnatti)
3. Khẩu biểu tri (vacīnnatti)
4. Sắc khinh (lahutā)
5. Sắc nhu (mudutā)
6. Sắc thích nghiệp [60]
(kammannatā)
7. Sắc sinh (upacaya)
8. Sắc tiến (santati)
9. Sắc dị (jaratā)
10. Sắc diệt (aniccata)
PHỤ BẢN 2. CÁC SẮC CĂN BẢN CỦA MẮT [61]
[3 loại tổng hợp mười (3×10 =30) + các tổng hợp Chín (9) + 3 loại tổng hợp tám (3×8=24) = 63 sắc]
Loại Tổng hợp Mười – Mắt [62]
Tổng hợp Mười – Thân Tổng hợp Mười – Tánh
Tính chất Trong suốt Trong suốt Mờ
Nguồn gốc Kamma (nghiệp sanh) Kamma Kamma
Đặc tính Nhạy cảm với ánh sáng[63]
Nhạy cảm với sự xúc chạm (đất, lửa, và gió) Xác định tánh (nam – nữ)
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
9.
10. Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Nhãn tịnh sắc Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Thân tịnh sắc Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Sắc tánh
PHỤ BẢN 3. CÁC SẮC CĂN BẢN CỦA THÂN
[2 loại tổng hợp mười (2×10=20) + tổng hợp mạng căn (9) + 3 loại tổng hợp 8 (3×8=24) = 53 sắc]
Loại Tổng hợp Thân
Mười sắc Tổng hợp Tánh
Mười sắc
Tính chất Trong suốt Mờ
Nguồn gốc Nghiệp Nghiệp
Đặc tính Nhạy cảm với xúc (đất – lửa – gió) Xác định tánh
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10 Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Thân tịnh sắc Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Sắc tánh
Hai loại tổng hợp mười này được thấy ở cả 6 giác quan
Loại Tổng hợp chín Mạng căn Tổng hợp Tám
Tính chất Mờ Mờ Mờ Mờ
Nguồn gốc Nghiệp Tâm Thời tiết Vật thực
1
2
3
4
5
6
7
8
9 Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Các tổng hợp chín thuộc mang căn, và tổng hợp tám hoàn toàn giống nhau trong khắp 6 giác quan.
PHỤ BẢN 4. CÁC SẮC CĂN BẢN CỦA TÂM (TRÁI TIM)
[3 loại tổng hợp 10 (3×10=30) + tổng hợp chín (9) + 3 loại tổng hợp tám (3×8=24) = 63 sắc]
Loại Tổng hợp mười (*) thuộc Trái Tim Tổng hợp mười thuộc Thân Tổng hợp mười thuộc Tánh
Tính chất Mờ Trong suốt Mờ
Nguồn gốc Nghiệp Nghiệp Nghiệp
Đặc tính Hỗ trợ Ý giới và
Ý Thức giới Nhạy cảm với Xúc
(đất, lửa, gió) Xác định tánh
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10 Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Sắc trái tim Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Thân tịnh sắc Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn
Sắc tánh
(*) Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, và thân thức sanh lên nương vào tịnh sắc (thần kinh), tức sắc thứ mười (môn) thuộc các tổng hợp: mắt mười sắc, tai mười sắc, mùi mười sắc, lưỡi mười sắc, và thân mười sắc, trong khi tất cả các tâm (thức) khác (bao gồm ý giới và ý thức giới) sanh lên nương vào các tổng hợp có sắc trái tim mờ là thứ mười. Xem lại trên.
Loại Tổng hợp chín thuộc Mạng căn Tổng hợp Tám
Tính chất Mờ Mờ Mờ Mờ
Nguồn gốc Nghiệp Tâm Thời tiết Vật thực
1
2
3
4
5
6
7
8
9 Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Mạng căn Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Đất
Nước
Lửa
Gió
Màu
Mùi
Vị
Dưỡng chất
Các tổng hợp chín, thuộc mạng căn và các tổng hợp tám hoàn toàn giống nhau trong khắp 6 giác quan.
 
HỎI ĐÁP 4
Hỏi 4.1: Một vị bồ tát (bodhisatta), kể cả đức Bồ tát Arimetteyya (Di Lặc), có phải là phàm phu không (puthujjana)? Nếu như Bồ tát Di Lặc cũng là một phàm phu giống như chúng ta, thì vào lúc ngài hạ sanh để trở thành Phật Di Lặc (Metteya Buddha), có sự khác nhau nào giữa những điều kiện để ngài thành Phật và chúng ta hay không?[64]
Đáp 4.1: Sự khác nhau đó là các ba la mật (Pārami) của ngài đã chín mùi, như trường hợp đức Phật Thích Ca của chúng ta khi còn là Thái tử Sĩ Đạt Đa vậy. Các vị Bồ tát như vậy sẽ phải trau dồi các ba la mật của họ trong nhiều kiếp sống. Có mười ba la mật là:
Bố thí (dāna)
Trì giới (sīla)
Xuất gia (nekkhamma)
Trí tuệ (paññā)
Tinh tấn (vīiya)
Nhẫn nại (khantī)
Chân thật (sacca)
Quyết định (adhiṭṭhāna)
Tâm từ (mettā)
Tâm xả (upekkhā)
Khi các ba la mật này chín mùi, chúng sẽ thúc đẩy bồ tát từ bỏ thế gian, cho dù họ đang hưởng thụ các dục lạc. Trong kiếp cuối của mình, một vị bồ tát phải lấy vợ và có một người con trai; đây là một quy luật tự nhiên. Tôi đã quên tên vợ và con của đức bồ tát Di Lặc rồi. Theo Tam tạng Nguyên thủy (Theravāda Tipika), thì đó là kiếp chót của ngài, vì không có vị A-la-hán nào, kể cả đức Phật, còn tái sanh sau khi Bát Niết-bàn (Parinibbāna) cả. Sự Diệt Độ hay Bát Niết-bàn của các ngài là sự chấm dứt của vòng tử sanh luân hồi. Các ngài sẽ không phải tái sanh ở đâu nữa.[65]
Lấy trường hợp đức bồ tát Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) của chúng ta để ví dụ. Trong kiếp chót của ngài, trước khi giác ngộ ngài cũng là một phàm nhân. Như thế nào? Năm tròn mười sáu tuổi, ngài trở thành thái tử Sĩ Đạt Đa và cưới công chúa Daduđàla (Yasodharā). Họ có một con trai là La hầu la. Ngài cũng hưởng thụ dục lạc trong hơn mười ba năm. Mặc dù ngài không có năm trăm thiên nữ bên tay trái và năm trăm thiên nữ bên tay phải của mình như các vị chư thiên, nhưng lại được vây quanh bởi hai mươi ngàn cô công chúa. Đây là kāmasukhallikanuyogo – thọ hưởng dục lạc, đắm chìm trong dục lạc.
Sau khi từ bỏ những dục lạc ấy, ngài hành khổ hạnh trong khu rừng Uruvela (Ưu lâu tần loa). Sau sáu năm khổ hạnh vô bổ, ngài cũng từ bỏ pháp hành này, và hành theo trung đạo, không bao lâu sau thì đạt đến giác ngộ viên mãn. Sau khi giác ngộ, trong bài pháp đầu tiên của mình, “Dhamma cakkapavattana” – Chuyển Pháp Luân, Ngài tuyên bố:
Kāmesu kāmasukhallikanuyogo hīo, gammo, puthujjaniko, anariyo, anatthasaṁhito.
Sự thụ hưởng dục lạc này là thấp hèn (hīno), là pháp hành của hàng dân dã (gammo), pháp hành của hàng phàm phu (puthijjaniko).
Đó là pháp hành của hàng chưa giác ngộ, phi thánh nhân (anariyo), không đem lại lợi ích (anatthasaṁhito).
Điều này có nghĩa, sự thụ hưởng dục lạc không phải là pháp hành của các bậc giác ngộ. Và dục lạc là vô bổ (không lợi ích) vì mặc dù chúng đem lại những lợi ích thế gian, chẳng hạn như hạnh phúc ở cõi người, và hạnh phúc ở các cõi phạm thiên (brahma), song chúng lại không đem lại lợi ích siêu thế, đó là hạnh phúc của Niết-bàn, trạng thái mà chúng ta chỉ có thể thụ hưởng bằng Đạo – Quả Tuệ.
Vì vậy, trong bài pháp đầu tiên của Ngài, đức Phật công bố rằng bất luận ai hưởng dục đều là phàm phu cả. Khi còn là một vị bồ tát, ngài cũng đã thụ hưởng dục lạc, đó là chung sống với Daduḍāla trong hoàng cung. Vào lúc ấy, ngài cũng là một phàm nhân, vì sự hưởng thụ dục lạc là pháp hành của kẻ phàm phu.
Điều này không chỉ dành cho đức bồ tát của chúng ta thôi, mà cho tất cả các vị bồ tát. Có thể có nhiều vị là bồ tát ở đây, trong số thính chúng này. Qúy vị nên suy xét vấn đề này thật cẩn thận: những vị bồ tát ở đây là phàm nhân hay các bậc thánh nhân (ariya)? Tôi nghĩ là qúy vị có thể biết được câu trả lời rồi.
Hỏi 4.2: Sau khi hoàn tất khoá thiền, một hành giả có thể đắc Đạo Tuệ (Maggañāṇa) và Quả Tuệ (Phalañāṇa) không? Nếu không, vì sao không?
Đáp 4.2: Hành giả có thể đắc, song còn tùy vào các ba la mật của họ. Hãy lấy trường hợp của Ngài Bāhiya Dāruciriya[66] làm điển hình. Vị này đã hành Chỉ-Quán (Samatha-Vipassanā) đến hành xả trí (sankhārupekkhāñāṇa) trong thời kỳ giáo pháp đức Phật Ca Diếp (Kassana). Trải qua hai mươi ngàn năm thực hành, nhưng Ngài không đắc một Đạo Quả Tuệ nào cả, vì Ngài đã được đức Phật Padumuttara (Thượng Liên Hoa Phật) thọ ký. Chính vì thế Ngài sẽ trở thành vị Khippābhiññā tức là vị sẽ tốc chứng A-la-hán thánh quả trong thời kỳ giáo pháp đức Phật Thích Ca. Do đó, các ba la mật của Ngài chỉ vào lúc ấy mới chín mùi[67]. Các vị thanh văn đệ tử khác đắc tứ tuệ phân tích (Patisambhidā ñāṇa) trong thời kỳ giáo pháp đức Phật Thích Ca cũng vậy, tức là họ phải hành Chỉ-Quán cho đến hành xả trí trong thời kỳ giáo pháp của các vị Phật trước; đây là một quy luật tự nhiên. Tứ tuệ phân tích gồm:
1. Tuệ phân tích về ý nghĩa hay còn gọi là Nghĩa Vô Ngại Giải (attha paṭisambhidā ñāṇa) Đây là một loại tuệ minh sát về quả, tức minh sát khổ thánh đế.
2. Tuệ phân tích về pháp hay còn gọi là Pháp Vô Ngại Giải (Dhamma paṭisambhidā ñāṇa). Đây là một loại tuệ minh sát về nhân, tức minh sát khổ tập thánh đế hay thánh đế về nhân sanh của khổ.
3. Tuệ phân tích về việc chế định ngôn ngữ hay còn gọi là Từ Vô ngại Giải (Ninutti paṭisambhidā ñāṇa). Đây là tuệ biết về văn phạm, đặc biệt là văn phạm Pāli.
4. Tuệ phân tích về các loại trí hay còn gọi là Biện Tài (ứng biện) Vô Ngại Giải (Paṭibhāna paṭisambhidā ñāṇa), tức là tuệ minh sát biết rõ ba loại tuệ phân tích kể trên.
Có năm nhân khiến thành tựu Tứ Tuệ Phân tích này:
1) Chứng đắc (adhigama) – chứng A-la-hán thánh đạo và A-la-hán thánh quả, hoặc bất kỳ đạo quả nào khác.
2) Tinh thông kinh điển (pariyatti) – học và hiểu rõ pháp học.
3) Nghe (savana) – lắng nghe giảng pháp một cách chăm chú và kính trọng.
4) Hỏi (parupuccha) – luận bàn những đoạn khó và những lời giải thích chưa thấu đáo trong kinh và chú giải.
5) Tiền nỗ lực (pubbayoga) – thực hành Chỉ-Quán cho đến hành xả trí (sankhārupekkhā ñāṇa) trong thời kỳ giáo pháp của các vị Phật trước.
Nếu hành giả nào thực hành trong thời kỳ giáo pháp này mà không đạt đến Niết-bàn, có thể là vì các Ba-la-mật của họ chưa chín mùi. Lý do cũng có thể là họ đã nhận được lời thọ ký xác định nơi một vị Phật quá khứ, hoặc đã phát nguyện giải thoát sanh tử luân hồi (saṃsāra) trong thời kỳ giáo pháp của đức Phật tương lai, như thời kỳ giáo pháp của đức Phật Di – Lặc chẳng hạn. Ví dụ như có hai ngàn vị tỳ khưu ni, tất cả đều là A-la-hán bậc thường, đã nhập Niết-bàn cùng một ngày với Yasodara (Daduḍāla – cũng là một thánh ni A-la-hán). Vì sao? Trong thời kỳ giáo pháp của đức Phật Dìpaíkara (Nhiên Đăng) họ đã phát nguyện được giải thoát tử sanh luân hồi trong thời kỳ giáo pháp của đức Phật Thích Ca, tức là cách bốn A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp sau. Để trở thành một vị thánh A-la-hán bậc thường không đòi hỏi người đó phải trau dồi các Ba-la-mật lâu như vậy, song hai ngàn vị tỳ khưu ni này đã phải ở lại trong vòng sanh tử luân hồi thời gian lâu dài đến như vậy chỉ là vì nguyện lực của họ, chứ không phải vì một lời thọ ký xác định.
Hỏi 4.3: Một hành giả đã hoàn tất khóa thiền, nhưng vẫn chưa đạt đến đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalāñāṇa), nếu định của người ấy thối thất thì minh sát tuệ của người ấy cũng sẽ thối thất luôn có phải không? Như vậy người ấy có thể bị sanh vào các ác đạo (apāya: địa ngục, ngạ qủy, súc sanh,…) không?
Đáp 4.3: Minh sát tuệ của người ấy có thể cũng sẽ thối thất, song điều đó rất hiếm. Nếu người ấy không duy trì pháp hành trong một thời gian lâu, thì Chỉ-Quán (samatha-vipassanā) của họ có thể từ từ suy yếu đi. Tuy nhiên, nghiệp lực vẫn tồn tại như một lực ngủ ngầm.
Trong chú giải kinh điển Pāli[68] có dẫn chứng một trường hợp. Sự kiện xảy ra ở Sri Lanka (Tích Lan). Có khoảng ba mươi vị tỳ khưu và sa-di (Samāneras) đi đến đảnh lễ ngôi đại tháp (xá lợi) tại Kalyāṇī, khi họ trên đường mòn xuống núi để vào lộ chính, họ gặp một người đàn ông ngược chiều đang đi lên. Người đàn ông này làm nghề đốt than, người ông ta nhem nhuốc với tro than, thậm chí cái khố vàng duy nhất mà ông mang cũng lấm lem lấm luốc, bởi thế trông ông chẳng khác gì một cây than đen. Sau khi làm xong công việc hàng ngày của mình, ông lượm một bó củi than cháy không hết rồi theo đường mòn đi lên, với tóc tai dài đến tận lưng, và đứng đối diện với các vị tỳ khưu.
Mấy chú sa-di trông thấy ông, nói đùa với nhau “Cha ông đó, ông nội ông đó, chú ông đó, phải không?” rồi họ cười lớn khi đi xuống. Một người hỏi “Này cư sĩ, tên ông là gì?” Nghe hỏi đến tên mình, người đàn ông cảm thấy hổ thẹn, đặt gánh củi xuống và sửa soạn lại y phục, ông cung kính chào vị trưởng lão (Mahāthera) với ý định cầm chân ngài lại một lát.
Các vị tỳ khưu đứng chờ, nhưng mấy chú sa-di đi đến và cười lớn ngay cả trước mặt vị trưởng lão. Người đàn ông nói với Mahāthera: “Bạch ngài, có phải các ngài cười khi trông thấy con không? Các ngài nghĩ rằng mình hoàn thành đời xuất gia của một vị tỳ khưu chỉ bằng y áo đó sao. Thế nhưng các ngài vẫn chưa đạt đến sự nhất tâm đấy! Trước đây con cũng là một sa môn như các ngài, và con còn rất nổi tiếng với những năng lực thần thông trong giáo pháp này nữa đấy. Đối với con, hư không như đất và đất giống như hư không, xa như gần và gần như xa vậy. trong một khoảnh khắc, con có thể thâm nhập vào một trăm ngàn hệ thống thế gian (thái dương hệ). Vậy mà bây giờ các ngài xem tay của con đây! Giờ nó chẳng khác gì tay của con khỉ.”
Rồi chỉ vào một thân cây, ông nói tiếp, “Ngồi dưới gốc cây ấy con đã từng lấy tay sờ mặt trăng và mặt trời. Con còn ngồi với mặt trăng và mặt trời, xem nó như đất để chà chân vậy. Những năng lực thần thông của con là như vậy, nhưng do dễ duôi mà giờ đây chúng không còn nữa. Chớ nên dễ duôi! Do dễ duôi người ta đi đến bại hoại như thế này đấy. Chỉ những ai sống một cách tích cực mới đoạn tận được sanh, già, chết. Do đó, hãy lấy con làm bài học, và đừng có xao lãng việc hành các thiện pháp thuộc Chỉ-Quán (samatha-vipassanā). Hãy cố gắng tinh tấn, bạch các ngài!”
Như vậy, ông vừa khuyên vừa cảnh giác họ. Kinh cảm trước những lời của ông ta, ngay tại chỗ ấy, ba mươi vị tỳ khưu hành Chỉ-Quán và đắc A-la-hán thánh quả. Do đó Chỉ-Quán nhất thời có thể bị thối thất do dễ duôi (pamāda), nhưng sức mạnh của nghiệp vẫn tồn tại.
Có bốn loại người đạt đến Niết-bàn. Loại thứ nhất là Độc Giác Phật (Paccekabuddha), ở đây chúng ta sẽ không đề cập đến. Ba loại còn lại là: (1) một vị bồ tát, (2) một vị thượng thủ thanh văn (agga sāvaka), (3) một vị đại thanh văn (mahā sāvaka), và (3) vị thanh văn thường (pakati sāvaka).
1) Đức Bồ tát của chúng ta, trong thời kỳ của đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) đã đắc tám thiền chứng (samā paññatti) và năm thần thông hiệp thế (ngũ thông). Trong các kiếp quá khứ, Ngài cũng đã hành Chỉ-Quán đến “Hành xả tuệ” (Sankhārupekkhāñaṇa). Nếu Ngài thực sự muốn đắc Niết-bàn, Ngài có thể đắc một cách nhanh chóng, do nghe một bài kệ ngắn mà đức Phật Nhiên Đăng thuyết về Tứ Thánh Đế. Nhưng ngài không chỉ mong mỏi Niết-bàn, mà muốn phát nguyện thành Phật trong tương lai, nên sau đó ngài nhận được lời thọ ký xác định của đức Phật Nhiên Đăng.
Trong suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṅkkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (kappa), tức là từ thời đức Phật Nhiên Đăng cho đến thời kỳ đức Phật Ca Diếp (Kassapa), đức Bồ tát của chúng ta đã thọ giới làm tỳ khưu chín kiếp, mỗi lần đều được một vị Phật huớng dẫn. Trong mỗi kiếp làm tỳ khưu, việc học tập của đức Bồ tát gồm bảy loại pháp hành.[69]
1. Học thuộc lòng Tam Tạng (Tipiṭakaṁ Buddhavacanaṁuggaṁ hitvā)[70]
2. Thanh tịnh trong bốn loại giới (Catu pārisuddhi sīle supatiṭṭhāya)[71]
3. Mười ba pháp hành đầu đà (Terasa dhutaṅgāni samādāya)
4. Luôn luôn hành hạnh đầu đà trú trong rừng (araññañaṁ pavisitvā)[72]
5. Tám thiền chứng (aṭṭha samāpattiyo)
6. Năm thần thông hiệp thế (pañca abhiñña)
7. Hành minh sát cho đến Thuận Thứ Tuệ (Vipassanaṁ vaḍḍhatvā yāva anulomaññanaṁ)[73]
Những Ba-la-mật (Pāramis) này cần phải được hoàn tất để chứng đắc Nhất thiết Trí (sabbaññutañaṇa) Nhưng trước khi các ba-la-mật chín mùi, tức là từ lúc được thọ ký cho đến lúc sinh làm Thái tử Sĩ – Đạt – Đa, đức Bồ tát của chúng ta có khi cũng tái sinh vào cảnh giới súc sanh do bất thiện nghiệp đã tạo từ những kiếp trước. Tuy nhiên, những kiếp làm tỳ khưu và những kiếp làm súc sinh rất xa nhau. Đây là điều tự nhiên khi còn làm Bồ tát vậy.
2) Một số vị Thượng thủ Thanh văn (Agga sāvaka) cũng phải được thọ ký xác định, chẳng hạn như tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên được đức Phật Anomadassì thọ ký. Hơn nữa, các vị đại thanh văn (mahā sāvaka) đôi khi cũng phải được thọ ký, như tôn giả Ānanda và tôn giả Kassapa được đức Phật Padumuttara (Thượng Liên Hoa) thọ ký. Trong thời đức Phật của chúng ta, tất cả những bậc thanh văn đệ tử này đều trở thành những bậc A-la-hán có tứ tuệ phân tích (xem lại câu trả lời 4 – 2). Những vị A-la-hán này cũng sẽ phải thiện xảo trong lãnh vực Chỉ-Quán cho đến Hành Xả Tuệ, vào thời của các vị Phật trước; đây là một định luật cố nhiên. Từ lúc được thọ ký cho đến thời kỳ đức Phật của chúng ta, một số vị trong họ đôi khi cũng phải tái sinh vào một trong bốn ác đạo – địa ngục, ngạ qủy, súc sinh, và Atula – do những bất thiện nghiệp, như chúng ta thấy có những kiếp họ cùng làm thú với đức Bồ tát. Đây là điều tự nhiên của một vị thượng thủ thinh văn hoặc một vị đại thinh văn.
3) Còn về các vị đệ tử thinh văn bậc thường, nếu họ đã hành Chỉ-Quán một cách hết lòng và đạt đến các tuệ như Tuệ Nắm bắt Nhân Duyên (paccaya – pariggaha ñaṇa) hoặc Sanh Diệt Tuệ (udayabba nāṇa), hoặc Hành Xả Tuệ (saṅkhārupekkha ñāṇa), họ sẽ không phải tái sinh vào một trong bốn ác đạo (apāya) sau khi chết, mặc dù trong kiếp hiện tại có thể họ không đắc đạo quả nào cả. Điều này đã được Thanh Tịnh Đạo giải thích:
… laddhassāso laddhapatiṭṭho niyatagatiko cūḷasotāpanno nāma hoti
(… vị đã tìm được sụ giảm khinh (khổ đau) trong Giáo Pháp của đức Phật, vị đã tìm được nơi an ổn, đã có được một sanh thú chắc chắn, tốt đẹp, vì thế vị ấy được gọi là một vị Tiểu Nhập Lưu (cūḷa sotapanna)
Như vậy bậc Tiểu Nhập Lưu có thể được tái sanh vào cảnh giới chư thiên, nơi đó có bốn điều cĩ thể xảy ra. Trong “Sotānugata Sutta”[74] (kinh “Người Nghe Kinh”) đức Phật dạy:
1. Nếu bậc Tiểu Nhập Lưu, ngay khi vừa tái sanh thiên giới, liền suy tư trên Pháp (dhamma), Pháp này sẽ hiện rõ trong minh sát trí của vị ấy, và vị ấy có thể đắc Niết-bàn một cách nhanh chóng.
2. Nếu vị ấy không đạt đến Niết-bàn do suy tư trên Pháp với minh sát trí như vậy, vị ấy có thể đắc Niết-bàn do nghe một vị tỳ khưu có thần thông, và đi lên thiên giới giảng pháp.
3. Nếu không có cơ hội nghe pháp nơi một vị tỳ khưu, vị ấy có thể có cơ hội nghe pháp từ các chư thiên pháp sư (dhamma – kathika deva), như phạm thiên Sanankumāra, v.v… và đắc Niết-bàn do nghe pháp ấy.
4. Nếu không có cơ hội nghe pháp nơi các vị chư thiên pháp sư, vị ấy có thể có cơ hội gặp bạn bè đã từng là thiện hữu hành giả trong kiếp quá khứ ở thiên giới trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật nào đó. Những vị thiện hữu hành giả ấy có thể nhắc, chẳng hạn như: “Này bạn, hãy nhớ đến pháp thế này, thế nọ mà chúng ta đã từng hành trong nhân giới đi!” Lúc ấy, vị này có thể nhớ đến pháp (dhamma) và nếu thực hành vipassanā, vị ấy có thể đắc Niết-bàn nhanh chóng.
Một trường hợp điển hình về một vị Tiểu Nhập Lưu được tái sanh thiên giới và sau đó đã đắc Niết-bàn rất nhanh ở đấy, là tôn giả Samaṇa – devaputta (Sa môn Thiên tử). Ngài là một vị tỳ khưu đã hành Chỉ-Quán một cách nhiệt tâm. Ngài chết trong lúc đang hành thiền và được hóa sanh thiên giới. Không biết mình đã chết, ngài tiếp tục hành thiền trong tòa lâu đài của mình trên thiên giới. Khi các thiên nữ trong tòa lâu đài ấy thấy ngài, họ hiểu rằng ngài ắt hẳn phải là một vị tỳ khưu trong kiếp trước, do đó họ đặt một tấm gương trước mặt ngài và làm ồn lên (cho ngài biết). Nghe tiếng ồn, ngài mở mắt và trông thấy mình trong gương. Ngài cảm thấy rất thất vọng vì không muốn làm một vị chư thiên, ngài chỉ muốn Niết-bàn.
Vì thế mà ngay lập tức ngài đi xuống gặp đức Phật để nghe pháp. Lúc ấy đức Phật đang thuyết pháp về Tứ thánh Đế. Sau khi nghe pháp, Samaṇa – devaputta đắc nhập lưu thánh đạo và nhập lưu thánh quả.[75]
Như vậy, khi một vị thinh văn bậc thường hành Chỉ-Quán rất nhiệt tâm, đắc được tuệ nắm bắt nhân duyên, tuệ sanh diệt, hoặc tuệ hành xả, mặc dù vị ấy có thể không đắc một đạo quả nào trong kiếp này, công việc thực hành mà vị ấy đã làm báo trước rằng vị ấy rất có thể sẽ đạt đến chúng vào một kiếp nào đó trong tương lai.
Vào lúc chết, một vị hành giả có thể không có năng lực Chỉ hoặc Quán mạnh mẽ, song do thiện nghiệp hành Chỉ-Quán kiên trì, một tướng (nimitta) tốt sẽ xuất hiện tại ý môn của vị ấy. Cái chết có thể xảy ra với tướng tốt ấy làm đối tượng, nhất là do thiện nghiệp này, chắc chắn vị ấy sẽ đi đến một nơi an vui, và có thể đắc Niết-bàn ở đó.
Tuy nhiên, nếu vị ấy hành Vipassanā (quán) cho đến những sát – na của tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna javana), vị ấy sẽ thuộc loại người đầu tiên mà kinh “Sotānugata” đề cập, tức ngay khi vừa tái sinh thiên giới, vị ấy liền suy tư trên pháp, thì có thể sẽ đắc Niết-bàn nhanh chóng.
Hỏi 4.4: Liệu một hành giả đã hoàn tất khóa thiền, nhưng chưa đạt đến Niết-bàn, có thể đắc Pháp Trú Trí (dhammaṭṭhiti ñāṇa) hay không? Nếu đắc, trí ấy có thối chuyển không?
Đáp 4.4: Hành giả có thể đắc trí ấy.
Pubbe kho susīma dhammaṭṭhiti ñāṇa pacchā nibbāne ñāṇa
(Pháp Trú Trí (dhammaṭṭhiti ñaṇa) phải đến trước, sau đó Đạo Trí (tuệ) mới đến lấy Niết-bàn làm đối tượng vậy.)
Đây là nguyên văn lời giải thích của đức Phật cho tỳ khưu Susīma[76]. Susīma trước đây là một du sĩ ngoại đạo (paribhājaka), ông xuất gia (tỳ khưu) để “trộm” pháp. Nhưng đức Phật thấy rằng ông sẽ đắc Niết-bàn trong một vài ngày nữa nên chấp nhận cho ông xuất gia.
Susīma nghe nói rằng có nhiều vị A-la-hán đi đến đức Phật và báo rằng họ đã đắc A-la-hán thánh quả. Vì vậy ông hỏi họ xem họ có đắc tám thiền chứng và ngũ thông không? Họ đáp “không”. “Nếu các vị không có tám thiền chứng và ngũ thông, các vị đắc thánh quả A-la-hán bằng cách nào?” Lúc đó các vị tỳ khưu trả lời “paññāvimuttā kho mayaṁ āvuso susīma” “Này hiền giả Susīma, chúng tôi được giải thoát khỏi phiền não và đắc A-la-hán thánh quả bằng cỗ xe thuần quán (suddha – vipassanā yānika)”. Susìma không hiểu điều này, vì thế ông đã hỏi đức Phật câu hỏi như trên và đức Phật trả lời:
“Này Susīma, Pháp Trú Trí phải đến trước rồi sau đó đạo tuệ mới đến lấy Niết-bàn làm đối tượng vậy.”
Điều này nghĩa là thế nào? Đạo Tuệ không phải là kết quả của tám thiền chứng và ngũ thông, mà nó là kết quả của các minh sát trí. Vì thế Đạo Tuệ chỉ có thể khởi lên sau khi các minh sát tuệ đã khởi lên. Trong “Kinh Susīma”, tất cả các minh sát tuệ đều ám chỉ đến Pháp Trú Trí. Pháp Trú Trí là minh sát trí về tính chất vô thường, khổ và vô ngã của các Hành, tức các pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma), đó là: Danh, Sắc, và các nhân của chúng, đây là lý do vì sao Pháp Trú Trí đến trước, rồi Đạo Trí lấy Niết-bàn làm đối tượng đến sau.
Sau đó, đức Phật thuyết cho Susīma nghe một bài pháp về Tam Luân[77] (teparivaṭṭa dhamma – desanā), kinh này cũng giống như Kinh Vô Ngã Tướng “Anattalakkhaña sutta”[78]. Khi bài pháp vừa dứt, Susìma cũng đắc A-la-hán quả, mặc dù ông không có tám thiền chứng và ngũ thông chi cả. Nghĩa là vào lúc đó, ngài hiểu rõ ý nghĩa bài pháp của đức Phật, và trở thành một vị theo cỗ xe thuần quán.
Nếu một hành giả đắc Pháp Trú Trí, thì dù không đắc Niết-bàn trong kiếp hiện tại, minh sát trí của họ cũng sẽ không thối giảm. Nghiệp lực Minh sát ngủ ngầm của vị này vẫn có đủ sức mạnh. Nếu vị ấy là một vị thanh văn bậc thừơng, có thể vị ấy sẽ đắc Niết-bàn trong kiếp kế.
Hỏi 4.5: Hành giả có thể đắc các pháp siêu thế chỉ với cận định không?[79]
Đáp 4.5: Được. Ở mốc cận định cũng có ánh sáng rực rỡ và tỏa chiếu. Với ánh sáng ấy, hành giả có thể phân biệt các tổng hợp sắc (rūpa – kalāpa), danh chân đế, sắc chân đế, và các nhân của chúng. Lúc đó hành giả có thể tiếp tục thiền minh sát theo từng giai đoạn.
Hỏi 4.6: Liệu chỉ với sát-na định (khanika samādhi) người ta có thể hành niệm thọ (vedanārupassanā satipatthanā) để đạt các pháp siêu thế được không?
Đáp 4.6: Ở đây chúng ta cần xác định cái gọi là sát-na định đã. Thế nào là sát-na định? Có hai loại sát-na định:
– Sát-na định trong thiền chỉ (samātha)
– Sát-na định trong thiền quán (vipassanā)
Sát-na định trong thiền chỉ đặc biệt muốn nói đến định vốn lấy tợ tướng (patibhāga nimitta) làm đối tượng, như tợ tướng hơi thở (ānāpānā patibhāga nimitta) chẳng hạn. Nó là loại định đi trước cận định, và dành cho vị hành giả theo cỗ xe tịnh chỉ (samatha yānika).
Đối với vị hành giả theo cỗ xe thuần quán (suddha vipassanā yānika) có một loại sát-na định khác. Một vị thuần quán thừa hành giả thường thường phải bắt đầu với thiền tứ đại để đạt đến cận định hay sát-na định, và thấy các tổng hợp sắc (rūpa kalāpas), cũng như tứ đại trong một tổng hợp sắc. Thanh Tịnh Đạo nói rằng đó là cận định. Song phụ chú giải (sớ giải) của bộ Luận này (TTĐ) thì cho rằng đó chỉ là phép ẩn dụ, chứ không phải cận định thực thụ, bởi vì cận định thực thụ là đã gần với định của bậc thiền rồi.
Nhưng Jhāna (bậc thiền) không thể nào đắc được với loại thiền tứ đại. Khi hành giả có thể thấy được bốn đại trong một tổng hợp sắc riêng biệt thì đã có định sâu. Mặc dù vậy, hành giả cũng không thể đắc thiền nhờ dùng chúng (tứ đại) làm đối tượng được. Có hai lý do để giải thích điều này.
– Để thấy được tứ đại trong các tổng hợp sắc riêng biệt, tức là thấy sắc chân đế (paramattha rūpa), và để thấy sắc chân đế thì thực là thâm sâu vô cùng. Hành giả không thể nào đắc thiền (jhāna) với thực tại cùng tột (paramattha) làm đối tượng được.
– Hành giả không thể định sâu trên tứ đại trong các tổng hợp sắc riêng biệt bởi vì các tổng hợp sắc diệt ngay khi chúng vừa sanh. Điều đó có nghĩa rằng vì đối tượng luôn luôn thay đổi, cho nên hành giả không thể đắc thiền với một đối tượng luôn luôn thay đổi như vậy được.
Như vậy, vì thiền tứ đại không tạo ra jhāna (bậc thiền), nên chúng ta có thể hiểu rằng cận định vốn lấy tứ đại trong các tổng hợp sắc riêng biệt làm đối tựơng sẽ không phải là cận định thực thụ, mà chỉ là sát-na định thôi.
Đến đây chúng ta sẽ bàn đến sát-na định trong thiền minh sát. Điều này đã được nói đến trong phần niệm hơi thở (ānāpānāsati) của bộ Thanh Tịnh Đạo[80].
Ở đây hành giả nên biết rằng sát-na định minh sát là thấy một cách triệt để tính chất vô thường, khổ, vô ngã của Danh-sắc chân đế và các nhân của chúng. Không thấy Danh-sắc chân đế và các nhân của chúng có thể nào có sát-na định được không? Điều đó không thể được.
Khi một chỉ thừa hành giả muốn hành minh sát, trước đó đã đắc thiền hơi thở (ānāpāna) thì nhập vào sơ thiền. Đây là Chỉ (samatha). Vị ấy xuất khỏi thiền này và phân biệt ba mươi bốn tâm hành của sơ thiền, rồi phân biệt vô thường, khổ, vô ngã bằng cách thấy tính chất sanh diệt của các pháp thuộc thiền ấy (jhāna dhamma). Đối với nhị thiền, v.v… hành giả cũng làm theo cách tương tự.
Vào lúc phân biệt như vậy vẫn có định. Với định này hành giả tập trung vào tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của các pháp thiền đó. Định của hành giả lúc ấy cũng thâm sâu, và không đi đến các đối tượng khác. Đây là sát-na định, bởi vì đối tượng chỉ tồn tại nhất thời; ngay khi sanh lên, nó diệt liền tại đó.
Cũng vậy, khi hành giả đang hành minh sát để thấy ra hoặc là tính chất vô thường, khổ hoặc vô ngã của Danh-sắc chân đế và các nhân của chúng, thì tâm hành giả thường không rời đối tuợng. Có thể nói tâm hành giả lúc ấy đã chìm sâu vào một trong tam tướng (vô thường – khổ – vô ngã). Đây cũng gọi là sát-na định.
Nếu hành giả có thể thấy danh sắc chân đế và các nhân của chúng một cách triệt để và rõ ràng, mà trước đó không hành thiền chỉ, thì dĩ nhiên, đối với hành giả việc hành thiền chỉ là không cần thiết. Bằng không, hành giả phải tu tập một trong những đề mục thiền chỉ, và phát triển một mức độ định vừa đủ để có thể thấy được danh sắc chân đế và các nhân của chúng.
Tuy nhiên, trong kinh Samādhi (Định kinh), một bài kinh thuộc Tương Ưng Bộ, đức Phật có nói:
Samādhim bhikkave bhāvetha, samāhita bhikkave bhikkhu yathābhūtam pajānāti.
(Hãy tu tập định, này các tỳ khưu, sau khi tu tập định, vị tỳ khưu sẽ tuệ tri các Pháp như chúng thực sự là – yathābhūtam pajānati)
Do đó, hành giả nên tu tập định để tuệ tri năm uẩn, các nhân và sự diệt của chúng; hành giả nên tu tập định để tuệ tri tính chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng. Còn sự diệt của chúng có thể hành giả sẽ thấy vào lúc đắc A-la-hán thánh đạo và Bát Niết-bàn (Parinibhāna)
Cũng trong Kinh Samādhi (Định) thuộc “Tương Ưng Sự Thực” (Sacca Samyutta). Đức Phật dạy hành giả nên tu tập định để tuệ tri Tứ Thánh Đế.
Như vậy, nếu vị hành giả muốn phân biệt chỉ cảm thọ thôi (quán thọ), hành giả cần biết rõ về những sự kiện đã được đức Phật giải thích sau đây:
Sabbaṁ, bhikkhave,
Anabhijānam aparijānaṁ virājayaṁ appajahaṁ abhabbo dukkhakkhayāya…
Sabbanca kho, bhikkhave,
Abhijānam parijanaṁ virājayaṁ pajahaṁ bhabbo dukkhakkayāya.
(Này các tỳ khưu, Nếu một vị tỳ khưu không biết rõ tất cả Danh-sắc, và các nhân của chúng với ba loại đạt tri (parinna)[81], vị ấy không thể đạt đến Niết-bàn. Chỉ những vị nào, này các tỳ khưu, Biết rõ chúng với ba loại đạt tri mới có thể đạt đến Niết-bàn)
Đây là những gì được trích ra từ kinh “Aparijānana” trong “Salāyatana Vagga” thuộc Tương Ưng Bộ Kinh[82]
Hơn nữa, trong kinh “Kūtāgāra” Phẩm Sự thật (Sacca Vagga)[83] đức Phật cũng nói rằng, không tuệ tri Tứ Thánh Đế với Minh Sát Tuệ và Đạo tuệ, người ta không thể đạt đến chỗ chấm dứt vòng luân hồi (Samsāra) được. Vì vậy, nếu một hành giả muốn đạt đến Niết-bàn, họ phải cố gắng biết rõ tất cả danh, sắc và nhân của chúng với ba loại đạt tri (parinna).
Ba loại đạt tri ấy là gì?
1) Trí đạt tri (Nāta parinnā). Đây là tuệ hay “Trí phân tích danh sắc” (namā rūpa pariccheda ñāṇa) và “Trí phân biệt nhân duyên” (Paccaya pariggaha ñāṇa). Đó là những tuệ minh sát biết rõ tất cả danh sắc và các nhân của chúng.
2) Thẩm đạt tri (tīana parinnā). Đây là tuệ thẩm sát (tam tướng Sammasana ñāṇa) và tuệ thấy sự sanh diệt (udayabbaya ñāṇa). Hai tuệ này nhận thức thấu đáo tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh sắc chân đế và các nhân của chúng.
3) Trừ đạt tri (Pahāna parinnā). Đây là các tuệ minh sát cao hơn, từ “Tuệ thấy hoại diệt (Bhanga ñāṇa) đến “Đạo tuệ” (magga ñāṇa)
Những lời dạy của đức Phật trong hai bản kinh trên (“Aparijānana Sutta” và “Kūtāgara Sutta”) rất quan trọng. Vì vậy, nếu hành giả muốn hành minh sát bắt đầu với niệm thọ, hành giả phải nhớ những điểm sau:
– Phải phân biệt được danh sắc.
– Phân biệt một mình thọ không vẫn chưa đủ, hành giả cũng cần phải phân biệt các tâm hành đồng sanh với thọ ấy trong tiến trình nhận thức ý môn.
Tuy nhiên, trong thực tế người ta vẫn có thể giác ngộ nhờ phân biệt một pháp (Dhamma) duy nhất, song đó là, chỉ bao lâu tất cả các pháp khác đã được phân biệt trước: hoặc trong kiếp hiện tại này hoặc trong một kiếp nào đó ở quá khứ. Lấy ví dụ như tôn giả Xá Lợi Phất chẳng hạn. Khi vị ấy nghe tôn giả Assaji thốt lên một câu kệ (dhamma), là đã trở thành một vị nhập lưu. Sau đó, ngài mới xuất gia làm tỳ khưu và hành thiền. Trong kinh Đoạn Giảm (“Anupada Sutta”[84]), đức Phật mô tả tôn giả Xá Lợi Phất đã rất thiện xảo như thế nào trong việc phân biệt các tâm hành riêng lẻ của các thiền chứng mà vị ấy tuần tự chứng[85]. Nhưng, cho dù tôn giả đã hành thiền nghiêm ngặt đến như vậy, tôn giả vẫn không đạt được A-la-hán thánh quả.
Rồi, một ngày kia, dức Phật giảng kinh “Dīghanakha” (Trường Trảo kinh) cho người cháu của tôn giả Xá Lợi Phất, giải thích về một pháp (Dhamma): Thọ (Vedanā)[86]. Lúc bấy giờ tôn giả Xá Lợi Phất đang đứng sau lưng đức Phật hầu quạt cho ngài, và lắng nghe lời dạy. Cuối thời pháp, tôn giả đắc A-la-hán thánh quả, còn người cháu đắc nhập lưu. Tôn giả dắc A-la-hán thánh quả nhờ suy tư trên một pháp duy nhất, song đó cũng là vì trước đây ngài đã thiền quán trên năm uẩn.[87]
Điều cần nhắc lại ở đây là, đức Phật nói rằng nếu một vị tỳ khưu không biết rõ tất cả Danh-sắc và các nhân của chúng với ba loại đạt tri (kể trên), vị ấy không thể nào đạt đến Niết-bàn được. Do đó, nếu hành giả cố gắng phân biệt chỉ một mình “thọ” như “thọ khổ” thôi chẳng hạn, mà hoàn toàn không phân biệt danh-sắc chân đế là không đủ. Ở đây “nói không đủ” có nghĩa là hành giả sẽ không đạt đến Niết-bàn được vậy.
Hỏi 4.7: Đức Phật là một bậc Đại A-la-hán. Thế nào là sự khác nhau giữa Ngài và các vị đệ tử như tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, cũng là các bậc A-la-hán?
Đáp 4.7: A-la-hán thánh đạo củađức Phật luôn luôn kết hợp với toàn giác trí hay nhất thiết trí (Sabbannuta ñāṇa), còn A-la-hán thánh đạo của các vị đệ tử bao gồm sự giác ngộ (bodhi) của ba hạng đệ tử (thinh văn).
– Sự giác ngộ của bậc Thượng thủ Thanh văn (Aggasāvaka bodhi)
– Sự giác ngộ của bậc Đại Thanh văn (Mahāsāvaka bodhi)
– Sự giác ngộ của bậc Thanh văn thường (Pakatisāvaka bodhi)
A-la-hán thánh đạo của các vị đệ tử thinh văn đôi khi kết hợp với tứ tuệ phân tích (Patisambhidā ñāṇa)[88]; đôi khi kết hợp với Sáu Thắng Trí hay Lục Thông (Abhinnā)[89]. Đôi khi kết hợp với Tam Minh (Tevijja)[90]; hoặc có khi chỉ là A-la-hán Thánh đạo thuần túy: Câu Phần Giải thoát (Ubhatobhāga vimutta)[91] hoặc Tuệ Giải thoát (Pannā vimutta)[92]. Nhưng không bao giờ kết hợp với Toàn Giác Trí (Sabbannuta Ñāṇa). Như vậy, cho dù là Thượng Thủ Thinh Văn, A-la-hán thánh đạo của tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng không kết hợp với Toàn Giác Trí. Ngược lại, A-la-hán thánh đạo của đức Phật không những kết hợp với Toàn Giác Trí, mà còn với tất cả các trí khác, cũng như các đức đặc biệt của một vị Phật.
Một điều khác nữa là, do các ba la mật đã thành thục của ngài, mà chư Phật tự mình đắc Đạo, Quả, và Toàn Giác Trí, không cần một vị thầy. Trong khi một vị thinh văn đệ tử chỉ có thể đắc các Đạo, Quả tuệ do nghe pháp (Dhamma) liên hệ đến Tứ Thánh Đế nơi một vị Phật, hoặc đệ tử của một vị Phật, chứ họ không thể tự mình thực hành mà không có thầy chỉ dẫn được. Đây là những điểm khác nhau.
Hỏi 4.8: Kiếp sống “trung gian” hay “thân trung ấm” (antara bhava) là gì?
Đáp 4.8: Theo Tam Tạng Pāḷi (Theravāda Pitaka) không có gì được xem là thân trung ấm như vậy. Giữa sát-na tâm tử (cutti citta) và sát-na tâm tục sinh hay kiết sinh thức (patisandhi) theo sau của nó, không có những sát-na tâm khác, hay bất cứ thứ gì tương tự như một thân trung ấm xen vào đó cả. Nếu một người sẽ sanh thiên giới sau khi chết, thì giữa tử tâm của họ và kiết sanh thức chư thiên không hề có sát-na tâm hay bất kỳ thứ gì giống như một kiếp sống trung gian (thân trung ấm) ở đây. Ngay khi cái chết xảy ra, kiết sanh thức chư thiên phát sanh liền. Cũng vậy, nếu một người sẽ sanh vào địa ngục sau khi chết, thì giữa tử tâm của vị ấy và kiết sanh thức trong địa ngục, sẽ không có một thứ gì được xem như thân trung ấm cả. Người này sẽ đi thẳng vào địa ngục sau khi chết.
Ý niệm về thân trung ấm thường phát sanh khi có người nào đó chết, phải sống trong ngạ quỷ giới một thời gian ngắn, và rồi tái sanh làm người trở lại. Họ có thể nghĩ rằng kiếp sống ngạ quỷ của mình là một cái gì đó giống như một kiếp sống trung gian hay thân trung ấm. Vấn đề thực sự xảy ra là như thế này: sau khi tử tâm của kiếp làm người diệt, kiết sanh thức ngạ quỷ khởi lên, sau khi tử tâm ngạ quỷ diệt, một kiết sanh thức của người sanh lên trở lại. Người phải chịu khổ trong ngạ quỷ giới là vì nghiệp bất thiện của họ. Nghiệp lực của nghiệp bất thiện ấy chấm dứt chỉ sau một thời gian ngắn, và bắt lấy kiết sanh thức của người trở lại, do nghiệp thiện họ làm đã chín muồi.
Kiếp sống ngắn ngủi trong thế giới ngạ quỷ đã bị lầm tưởng là một kiếp trung gian do những người không thể thấy sự thực của vòng luân hồi hay vòng duyên sinh. Nếu như họ có thể phân biệt được pháp duyên sinh với minh sát trí, thì niềm tin sai lầm này sẽ biến mất. Vì thế chúng tôi muốn đề nghị quý vị nên học cách phân biệt pháp duyên sanh này với minh sát trí của mình, lúc ấy vấn đề liên quan đến thân trung ấm sẽ biến mất khỏi tâm quý vị.
Hỏi 4.9: Các pháp môn thiền niệm hơi thở và phân biệt tứ đại có giống nhau không? Tại sao chúng ta phải hành thiền tứ đại chỉ sau khi đã hành niệm hơi thở?
Đáp 4.9: Các pháp môn này không giống nhau. Trong thiền minh sát hành giả phải phân biệt danh vàsắc, và các nhân củachúng, đó là lý do tại sao phải có hai loại thiền: phân biệt sắc và phân biệt danh.
Khi dạy phân biệt sắc, đức Phật luôn luôn dạy thiền tứ đại, hoặc tóm tắt hoặc chi tiết. Vì thế, nếu hành giả muốn phân biệt sắc, hành giả cần phải thực hành theo những chỉ dẫn của đức Phật. Tốt hơn nên hành thiền tứ đại với sự trợ giúp của định sâu như tứ thiền hơi thở, bởi vì nó sẽ giúp ta thấy được sắc chân đế, danh chân đế và các nhân của chúng một cách rõ ràng.
Tuy nhiên nếu hành giả không muốn hành thiền chỉ như niệm hơi thở, thì hành giả có thể hành thiền tứ đại trực tiếp cũng được, không có vấn đề gì cả. Điều này chúng ta đã bàn luận ở một câu hỏi trước rồi.
Hỏi 4.10: Thiền sư có thể vui lòng giải thích (cho chúng con biết) ánh sáng kinh nghiệm trong lúc thiền một cách khoa học được không ạ?
Đáp 4.10: Ánh sáng được thấy trong lúc hành thiền là gì? Chúng ta biết mỗi tâm (citta), trừ tâm tục sinh (kiết sanh thức), khởi lên nương vào sắc ý vật hay tâm cơ (hadayavatthu – heart-base) sẽ tạo ra sắc do tâm sinh (cittaja rūpa), cũng gọi là các tổng hợp sắc (rūpa kalāpas). Một tâm có thể tạo ra nhiều tổng hợp sắc do tâm sinh. Trong số các tâm nương vào sắc ý vật này, các tâm thiền tịnh chỉ (samātha bhāvanā citta) và các tâm thiền minh sát (vipassanā bhāvanā citta) được xem là rất mạnh và đầy năng lực, chúng tạo ra rất nhiều các tổng hợp sắc. Khi chúng ta phân tích các tổng hợp sắc ấy, chúng ta thấy có tám loại sắc. Đó là: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, màu, mùi, vị, và dưỡng chất. Sắc màu ở đây rất sáng. Tâm thiền chỉ và thiền minh sát càng mạnh thì màu càng sáng hơn. Bởi lẽ các tổng hợp sắc sanh khởi cùng một lúc và nối tiếp nhau, nên màu của tổng hợp sắc này và màu của tổng hợp sắc khác sanh lên sít sao với nhau giống như trong một bóng đèn điện vậy; đó là lý do vì sao ánh sáng xuất hiện.
Hơn nữa, trong mỗi tổng hợp sắc do tâm thiền chỉ và thiền minh sát tạo ra còn có hỏa đại, yếu tố này cũng tạo ra nhiều tổng hợp sắc mới. Những tổng hợp này được gọi là sắc do thời tiết sinh, bởi vì chúng được tạo ra bởi hỏa đại (yếu tố lửa), vốn là thời tiết (utu). Điều này xảy ra ở bên ngoài cũng như bên trong. Khi chúng ta phân tích các tổng hợp sắc này, chúng ta thấy tám loại sắc như nhau: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, và dưỡng chất. Màu cũng lại là một trong tám sắc ấy. Do sức mạnh của tâm thiền chỉ và minh sát, màu đó cũng bừng sáng. Như vậy sự bừng sáng của màu này và sự bừng sáng của màu khác phát sinh sít sao với nhau, giống như một bóng đèn điện.
Ánh sáng của sắc do tâm sinh và của sắc do thời tiết sinh xuất hiện cùng một lúc. Sắc màu do tâm sinh chỉ xuất hiện ở bên trong, nhưng sắc màu do thời tiết sinh phát hiện ở cả bên trong lẫn bên ngoài và truyền toả khắp mọi hướng cho đến toàn vũ trụ (cakhavaḷa) hoặc xa hơn, tùy theo sức mạnh của tâm thiền chỉ quán ấy. Chẳng hạn, Trí Phân Tích Danh Sắc của đức Phật tạo ra ánh sáng chiếu đến mười ngàn thế giới; tâm thiên nhãn (dibba cakkhu citta) của tôn giả Anuruddha tạo ra ánh sáng chiếu đến một ngàn thế giới; còn minh sát trí của các vị thánh đệ tử khác tạo ra ánh sáng lên đến một do tuần hoặc hai do tuần, v.v… khắp mọi hướng tùy theo sức mạnh của tâm thiền chỉ và quán của họ.
Thường thường, khi đạt đến sanh diệt trí, rất nhiều hành giả hiểu ra rằng ánh sáng này là một nhóm các tổng hợp sắc (rūpa kalāpa). Trong khi đang hành thiền chỉ họ vẫn không biết đó là một nhóm các tổng hợp sắc như vậy, bởi vì các tổng hợp sắc rất vi tế. Không dễ gì thấy và hiểu các tổng hợp sắc này khi chỉ hành thiền chỉ không thôi. Nếu hành giả muốn biết với sự chắc chắn, hành giả nên cố gắng để có được Sanh – Diệt trí. Đó là cách khoa học nhất để hiểu ánh sáng kinh nghiệm trong lúc thiền.
Hỏi 4.11: Liệu những hành giả đã phân biệt được ba mươi hai thành phần của thân (32 thể trược) có thể thấy chúng nơi người khác, khi họ mở mắt không?
Đáp 4.11: Điều đó còn tùy. Các hành giả mới thực hành chỉ có thể thấy được những thể phần bên ngoài với mắt mở. Họ có thể thấy được các thể phần bên trong với đôi mắt minh sát trí của họ mà thôi. Nếu quí vị muốn biết điều này một cách khoa học, hãy cố gắng tự thấy nó với minh sát trí của mình.
Tuy nhiên, một vị trưởng lão (Mahāthera) do thực hành từ trước có thể thấy được bộ xương của người khác bằng đôi mắt mở của mình, như trưởng lão Mahā Tissa chẳng hạn, là một người thiện xảo trong thiền quán bộ xương (cốt tưởng quán). Ngài luôn luôn hành thiền quán bộ xương bên trong kể như bất tịnh cho đến sơ thiền, rồi chuyển sang minh sát. Ngài đã phân biệt được danh-sắc, các nhân, và tính chất vô thường, khổ, vô ngã của chúng. Đấy là pháp hành thường lệ của ngài.
Một hôm trên đường đi khất thực (piṇapāta), từ chùa Anuradhapura đến làng Mahāgāma. Trên con đường ấy, ngài gặp một phụ nữ, cô này đã cố gắng lôi cuốn sự chú ý của ngài với tiếng cười lớn. Khi nghe âm thanh (của tiếng cười), ngài ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy hàm răng nàng, và rồi dùng hàm răng ấy làm đề tài thiền. Do pháp hành liên tục có trước của ngài, nên ngài chỉ thấy cô ta như một bộ xương chứ không phải như một phụ nữ. Ngài chỉ thấy một bộ xương. Rồi tập trung trên bộ xương của chính mình, ngài đắc sơ thiền và nhanh chóng phát triển minh sát. Đứng ngay trên con đường ấy, ngài đã đắc A-la-hán thánh quả.
Người phụ nữ này, do cãi nhau với chồng nên bỏ về nhà cha mẹ mình. Chồng nàng lần theo, và cũng gặp trưởng lão Tissa. Anh hỏi ngài: “Bạch ngài, ngài có gặp một phụ nữ đi trên đường này không?” Trưởng lão trả lời, “Này thí chủ (dāyaka), ta chẳng biết nam hay nữ, ta chỉ thấy một bộ xương đang đi trên đường này.”
Câu chuyện này đã được Thanh Tịnh Đạo đề cập trong chương nói về Giới.[93]
Đây là một thí dụ cho thấy bằng cách nào một người đã hành thiền quán bộ xương một cách triệt để, như trưởng lão Tissa, có thể thấy bộ xương của người khác với mắt mở của mình.
 
Chú thích
[1] Dhātu thường dịch là “giới” (element), tuy nhiên ở nội dung này nó liên quan đến tứ đại (mahā-bhūta: đại chủng) nên chúng tôi dịch là “đại” cho dễ hiểu. ND
[2] Xem “Māhagopālaka sutta” (Đại kinh Người Chăn Bò) M.I để biết thêm lời giải thích của đức Phật về sự cần thiết của việc phân biệt các sắc tứ đại.
[3] Về sự khác nhau giữa các rūpa-kalāpas và sắc chơn đế, xem câu trả lời 7.6 ở sau.
[4] Dhātu (giới: chất không thể phân tích thêm được nữa). Xem kinh Đa Giới M.III (Bahudhātuka sutta), Cũng xem Visuddhi-magga (Thanh Tịnh Đạo) – Bộ luận này giải thích rằng các giới “khiến cho thực tính (của một pháp) đựơc mang theo (dhārenti). “Are elements since they cause (a state”s) own individual essence to be borne (Attano sabhāvaṁ dhārentīti dhātuyo) Vs. XV. “Dhātuvitthāra kathā B. 518 (“Element Details Explaination N. 21).
[5] Kalapa: thường dịch là đoàn, bọn, nhóm.
[6] Sắc y đại sinh (upādārūpa): sở dĩ được gọi như vậy là vì sắc này xuất phát từ hay nương vào bốn đại chủng.
[7] Thực ra, hỏa đại của các tổng hợp sắc vẫn có mạng căn (life faculty) duy trì các tổng hợp tám sắc đồng sanh, đó là lý do vì sao mặc dù các tổng hợp tám sắc này không có mạng căn, chúng vẫn có sức sống. Khôngcó chất lửa của mạng căn, thì sắc hư hoại, như trường hợp người chết: thân có sự sống ấy trở thành xác chết vô tri.
[8] Từ dvāra (môn) mô tả sự kiện rằng các đối tượng cần một cửa vào, qua đó một thức biết được nó.
[9] Xem lại phần giới thiệu hoặc S.V.IV.2.
[10] Tổng hợp 10 sắc thuộc trái tim (đoàn tâm): gồm 8 sắc bất ly (căn bản) (1) đất, (2) nước, (3) lửa, (4) gió, (5) màu, (6) mùi, (7) vị, (8) dưỡng chất, và (9) mạng căn, (10) sắc trái tim.
[11] Xem lại phần gới thiệu ở trên.
[12] Vào lúc tái sanh làm người trong bào thai, sắc có mặt trước tiên chỉ là những tổng hợp mười sắc thuộc trái tim, thân và tánh (đoàn tâm, đoàn thân và đoàn tánh), tất cả đều do nghiệp sanh.
[13] Chúng ta biết tuổi thọ của một sắc pháp kéo dài 17 sát na tâm, mà mỗi sát na (đơn vị cực nhỏ của thời gian) còn chia làm 3 giai đoạn – sanh – trụ – diệt – nên khi nói sắc nghiệp sanh ở mỗi giai đoạn này thì có 51 sắc cả thảy.
[14] Xem lại Phần Giới Thiệu.
[15] Chẳng hạn như khi Upāka gặp đức Phật lúc Ngài mới giác ngộ liền nói: “Này hiền giả, các căn của hành giả thật là trong sáng, màu da của hành giả thật là thanh tịnh và sáng láng.” M.I. (Kinh Thánh Cầu – Noble Search Sutta).
[16] Xem “Anuruddha Mahāvitakka sutta” A.A. VIII. I. iii.10.
[17] Xem ghi chú số 2.
[18] Tejo (lửa – hỏa) và Utu (thời tiết hay nhiệt) cùng nói đến một hiện tượng.
[19] Thí dụ: Hỏa đại (tejo) của một tổng hợp sắc do nghiệp sanh (kammaja) tự nó tạo ra các tổng hợp sắc do thời tiết sanh (utuja):
Kammaja –> 1st utuja –> 2nd utuja –> 3rd utuja –> 4th utuja –> 5th utuja
1st,… 5th: các thế hệ sắc do thời tiết sanh lần lượt.
[20] Xem “Mahāgopālaka sutta” (Đại Kinh Người Chăn Bò) M.I.iv.3.
[21] D.ii. 9 “Đại Niệm Xứ Kinh” – cũng xem Kinh số 10 Trung Bộ I.
[22] Vs. xi. (Catu Dhātu vavaṭṭhāna Bhāvanā B 306).
[23] Xem ghi chú cuối trang.
[24] Vs. T.i.xi. “Catudhātu –vavatthāna – bhāvanā” D 308 (Thiền Xác Định Bốn Đại).
[25] Đất – Đặc tính tự nhiên: cứng, mềm, thô, mịn, nặng, nhẹ; Nhiệm vụ: tác hành như nền tảng (cho tất cả các loại sắc khác); Sự thể hiện: tiếp nhận (tất cả các loại sắc khác trong cùng tổng hợp sắc – rūpa kalapa). Nước – Đặc tính tự nhiên: lỏng, chảy, nhỏ giọt. Nhiệm vụ: Dãn nở, mở rộng; Sự thể hiện: liên kết, kết dính; Lửa – Đặc tính tự nhiên: nóng, lạnh; Nhiệm vụ: làm cho ấm, già, tiêu hoá, chín; Thể hiện: mềm (như trong việc nấu các vật sống thành ra thức ăn có thể ăn được. Gió – Đặc tính tự nhiên: hỗ trợ; Nhiệm vụ: chuyển động, đẩy, Thể hiện: mang theo.
[26] A.II.ii.v.11 (Cũng gọi “Nimitta sutta” – Tướng Kinh)
[27] (9) A.VI.IX.I (“Sìtibhāva Sutta” (“Trở Nên Lạnh Kinh”) (10) S.V.II.vi 3 (“Thất Giác chi Kinh”) cũng còn gọi “Aggi Sutta” (“Kinh về lửa”).
[28] Pasāda rūpa: sắc thần kinh hay sắc tịnh sắc. Trong tập sách này, tùy chỗ, tùy nơi có thể dịch là sắc trong suốt hay sắc thần kinh hoặc sắc tịnh sắc, ý nghĩa đều như nhau. Riêng các sắc khác (ngoài tịnh sắc) thì dịch là sắc phi tịnh sắc hay các sắc mờ (không trong suốt). ND.
Trong tập sách này, tùy chỗ, tùy nơi có thể dịch là sắc trong suốt hay sắc thần kinh hoặc sắc tịnh sắc, ý nghĩa đều như nhau. Riêng các sắc khác (ngoài tịnh sắc) thì dịch là sắc phi tịnh sắc hay các sắc mờ (không trong suốt). ND
[29] Khối tưởng về tương tục tính (santati – ghana), khối tưởng về tổng hợp (samūha – ghana) và khối tưởng về nhiệm vụ (kiccaghana). Xem lại câu trả lời 1.3 ở trên để biết thêm chi tiết về khối tưởng về danh và sắc.
[30] Mặc dầu hành giả đã phân biệt được mười hai đặc tính, song ở đây hành giả chỉ phân biệt tám đặc tính trong một tổng hợp sắc nhất định: như với địa đại, một là: cứng, thô, nặng (hoặc mềm, mịn, nhẹ); thủy đại: chảy, dính; hỏa đại: một là nóng (hay lạnh); phong đại: hỗ trợ, đẩy. Vì không có những đặc tính đối nghịch trong một tổng hợp sắc.
[31] Vbh A.XVI.I “Ekakaniddesa Vannana” B.766.
[32] Cái biết thực sự về một đối tượng được thực hiện bởi bảy tốc hành tâm (javana) trong tiến trình nhận thức ý môn, điều này bất kể là môn nào qua đó đối tượng đã đến. (Xem lại phần giới thiệu ở trên).
[33] Lời giải thích của đức Phật về cách làm thế nào ý căn biết các đối tượng của năm căn khác, xem lại lời trích dẫn ở trên.
[34] Thiền sư Pa-Auk Sayadaw giải thích rằng ví như khi chúng ta thấy sự trong suốt của một tấm kính do nhìn vào tấm kính, ở đây cũng vậy chúng ta thấy sự trong suốt của một tổng hợp sắc do phân biệt tứ đại, tứ đại này là “tấm kính” có sự trong suốt vậy.
[35] Nói về sự sáng chói của bhavaṅga (hữu phần) là muốn sử dụng ẩn dụ vậy thôi, vì thực ra sự chói sáng của các tổng hợp sắc do chính hữu phần tạo ra, hay các tổng hợp sắc do tâm sanh, yếu tố thời tiết (nhiệt) của nó tạo ra cho các tổng hợp sắc sáng thêm. Một tâm thiền Chỉ hoặc Minh sát tạo ra các tổng hợp sắc đặc biệt chói sáng vì ở đó không có các tùy phiền nâo (uppakilesa). Muốn biết thêm chi tiết, xem lại phần “Sắc do tâm sanh”ở trên, trang…
[36] Xem lại ở trên, đoạn nói về sắc do Nghiệp, Tâm, Thời tiết và Vật thực sanh.
[37] Theo cách dùng thông thường trong Kinh điển Pāḷi thì “citta thường dịch là “tâm”, nhưng có khi cũng là “thức”, theo nghĩa này nó đồng nghĩa với viññāna (thức), như trường hợp ở đây vậy.
[38] Khi phân biệt mùi và vị, chính Ý môn (danh), chứ không phải tâm căn (sắc) làm việc phân biệt, căn vẫn cần phải được phân biệt.
[39] Tổng hợp sắc có mắt là thứ mười (Đoàn nhãn) gồm tám sắc căn bản (bất ly) – [Đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất.]
[40] Tổng hợp sắc có trái tim là thứ mười (Đoàn tâm): Tám sắc căn bản cộng với mạng căn và sắc trái tim. Tổng hợp sắc có tánh là thứ mười (Đoàn tánh) gồm: 8 sắc căn bản cộng với mạng căn và sắc tánh (nam-nữ). Tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín (Đoàn mạng căn) gồm: tám sắc căn bản cộng với mạng căn. Xem thêm bảng 2 – 4 sau
[41] Xem chú thích trên.
[42] Xem chú thích trên.
[43] Tổng hợp sắc có trái tim là thứ mười hay Đoàn Tâm gồm: 8 sắc căn bản cộng với mạng căn và sắc trái tim.
[44] Sáu giác quan cũng gọi là sáu căn, nhưng vì các căn (tịnh sắc căn) như đã được giải thích, thực sự chỉ là sắc hay yếu tố thứ mười trong các tổng hợp sắc thích hợp, nên có lẽ sẽ được xem là an toàn hơn khi nói “giác quan” ở đây, để chỉ cái thực thể vật lý, tức nhãn cầu hay con ngươi mắt vậy.
[45] Đó là nhãn tịnh sắc, nhĩ tịnh sắc, tỷ tịnh sắc, thiệt tịnh sắc, và thân tịnh sắc, 6 sắc mờ gồm: sắc trái tim, sắc tánh, sắc mạng căn, sắc do tâm sanh, sắc do thời tiết sanh, sắc do vật thực sanh.
[46] Lấy mắt làm ví dụ: 1) các tổng hợp sắc có mắt là thứ mười (10 sắc); 2) Các tổng hợp sắc có thân là thứ mười (10 sắc) 3) các tổng hợp sắc có tánh là thứ mười (10 sắc); các tổng hợp sắc có mạng căn là thứ 9 (9 sắc); 5) các tổng hợp sắc tám do tâm sanh (8 sắc); 6) các tổng hợp sắc tâm do thời tiết sanh (8 sắc); 7) các tổnghợp sắc tám do vật thực sanh (8 sắc). Như vậy (10+10+10+9+8+8+8=63). Số lượng này cũng áp dụng cho tai, mũi, lưỡi và trái tim. Riêng thân chỉ có năm mươi ba sắc (63 – 10=53).
[47] Các tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín chỉ được kể trong sự phân tích cái được gọi là bốn mươi phần thuộc thân (VS XVIII) Dựa vào TTĐ, Thiền sư Pa – Auk Sayadaw hướng dẫn thiền sinh phân biệt các tổng hợp sắc có mạng căn là thứ chín. Tuy nhiên, nếu muốn hành giả có thể gồm nó vào điểm này.
[48] Tổng hợp sắc có mắt là thứ mười gồm: 8 sắc căn bản (đất, nước, lửa, gió,màu, mùi, vị và dưỡng chất) + mạng căn+ nhãn tịnh sắc là mười. Tổng hợp sắc có thân là thứ mười gồm: 8 sắc căn bản + mạng căn + thân tịnh sắc. Tổng hợp sắc có tánh là thứ mười gồm: 8 sắc căn bản + mạng căn + sắc tánh. Các tổng hợp sắc có dưỡng chất là thứ tám gồm 8 sắc căn bản.
[49] Xem ghi chú trước
[50] Xem ghi chú trước
[51] Xem ghi chú trước
[52] Xem lại trang ở trên để biết sắc do nghiệp sanh.
[53] Hỏa đại (tejo) của 1 tổng hợp sắc do nghiệp sanh (kammaja) tạo ra các tổng hợp sắc do thời tiết sanh (utuja) qua năm thế hệ:
Kammaja –> 1st utuja –> 2nd utuja –> 3rd utuja –> 4th utuja –> 5th utuja
[54] Các tổng hợp sắc do vật thực trước sanh, xem trang sau.
[55] Dưỡng chất do vật thực sanh và nhiệt trợ giúp tiêu hóa là nhân hỗ trợ, còn dưỡng chất của các tổng hợp có mắt là thứ mười là nhân làm phát sinh.
[56] M.III. IV.10 (Dhātu Vibhanga Sutta)
[57] Xem chi tiết ở dưới “Trí thẩm sát tam tướng”
[58] Có hai cách phân biệt: như một nhóm (kalāpa sammāsana) và từng pháp một (anupada). Xem Vsxx.B 606 “Maggā magga Nānadassana Visuddhi Niddesa” (Mô tả về Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh). Cũng xem MIII. II.1 Anupada Sutta
[59] Ở đây hành giả sẽ không khảo sát sắc sinh (Upacāya) vì nó chỉ nói đến thế hệ sắc đầu tiên trong một kiếp sống (tức sự hoàn tất các căn của thai nhi trong bào thai). Sắc này hành giả phân biệt trước khi phân biệt duyên khởi. Xem thêm trang… ở dưới.
[60] Những sắc này chỉ tồn tại trong các sắc do tâm sanh, do thời tiết sanh và do vật thực sanh.
[61] Với các giác quan khác như tai, mũi, lưỡi, thay vào chỗ thích hợp. Riêng thân& tâm, xem bảng 3 & 4.
[62] Đối với tai, mũi và lưỡi, thay là: tổng hợp Mười – Tai; tổng hợp Mười – Mũi; tổng hợp Mười – Lưỡi
[63] Đối với nhĩ môn, tỷ môn và thiệt môn, thay vào lần lượt là âm thanh, mùi, và vị.
[64] Thính chúng của thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw ở đây phần lớn là những Phật tử theo truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), đối với họ cứu cánh không phải là A-la-hán Thánh quả mà là Phật quả.
[65] Xem ở sau
[66] Apadāna II. “Bāhiyatthera Apadāna”
[67] A.A.I. XIV.III “Bāhiya Dārucīriyattheravatthu” B 216
[68] Vbhi A. VIII. I “Suttantabhājarūyavannanā” – Chú giải kinh.
[69] MA. II. IV.I “Ghaṭikāna Sutta” Bài kinh này chỉ liệt kê các pháp 1,2,3 và 4 cùng với pháp thứ 5 là: gata – paccā – gata – vattaṁpūrayamānā samanadhammmaṁkarontā (hành phận sự sa môn hạnh khi đi ra ngoài và đi trở về). Ở đây muốn nói tới việc hành thiền (chỉ-quán) trong mọi thời gian, nghĩa là khi đi ra ngoài khất thực, cũng như khi đi khất thực trở về trú xứ. Từ những nguồn giải thích về pháp hành của vị bồ tát, thì pháp thứ 5 này có thể được hiểu như đặc biệt gồm luôn 5,6 & 7. Tuy nhiên, ở các kinh khác, sa môn pháp (samana dhamma) đề cập đến 7 pháp hành này.
[70] Đây là gantha dhura (phận sự học kinh điển), cũng còn gọi là Pariyatti (học), từ (2) đến (7) là Vipassanā dhura (phận sự hành minh sát, cũng còn gọi là Patipatti (hành)
[71] Về 4 loại giới, xem câu trả lời 2.3 ở trên
[72] Mặc dù “hạnh ở rừng” đã được kể trong 13 pháp đầu đà, song ở đây Chú Giải đề cập nó riêng ra nhằm mục đích nhấn mạnh vậy thôi.
[73] Đây là Hành xả tuệ (sankhārupekkhāñāṇa)
[74] A.IV.IV.V.I “Sotānugata Sutta”
[75] SI. I.V.6 “Accharā Sutta” (kinh Chư thiên) & SA. Ibid.
[76] S.II.I.VII.10 “Susīma sutta”
[77] Ở đây, Tam Luân (3 vòng) nói đến ba đặc tính vô thường, khổ, và vô ngã.
[78] S. III. I. II. I. 7
[79] Xem lại ở trên để biết thêm về các loại định.
[80] VS.VIII Ānāpānasati Kathā B235 # N232.
[81] Ba sự đạt tri (Parinnā): sự thấu hiểu các Pháp:
– Trí đạt tri (Nātaparinnā)
– Thẩm đạt tri (tīranaparinnā)
– Trừ đạt tri (Pahānaparinnā)
[82] S.IV.I.III.4 “Pathama aparijānana Sutta”
[83] First Non-Understanding Sutta
[84] MIII.II.1 “Anupada Sutta” (kinh Đoạn Giảm)
[85] Chi tiết về việc làm thế nào để phân biệt các tâm hành riêng lẻ trong những thiền chứng của hành giả, xem How to discern Jhana Cognitive Processes, ở sau. (Hành giả làm thế nào để phân biệt các tiến trình tâm thiền)
[86] M II.III.4 “Dīghanakha Sutta”
[87] Chi tiết liên quan đến việc thực hành trong quá khứ của những vị đắc đạo, xem câu trả lời 4-3, 5-2
[88] Về Tứ Tuệ Phân Tích, xem lại câu trả lời 4-2 ở trên
[89] Sáu Thắng trí hay Lục thông gồm: (1) biến hoá thông (iddhi-vidhā), (2) thiên nhĩ thông (dibba sota); (3) tha tâm thông (parassa ceta pariyanāna); (4) thiên nhãn thông (Dibba cakkhu); (5) túc mệnh thông (Pubbe nivāsānussatti); (6) lậu tận thông (Āsavakkhaya)
[90] Tam Minh: Túc mệnh minh, thiên nhãn minh, và lậu tận minh.
[91] Câu Phần Giải thoát (Ubhatobhāga Vimutta) muốn nói tới những vị, đầu tiên thoát khỏi sắc giới với việc chứng các thiền vô sắc, thứ đến, thoát khỏi luôn vô sắc giới với việc chứng A-la-hán Thánh quả.
[92] Tuệ Giải Thoát (Pannā Vimutta) nói đến các vị A-la-hán thuần quán.
[93] I.VS.1 “Indriyasamvarasīlam” B15 (“Sense Restraint Morality” N55)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.