Cô Gái Có Vết Bầm Trên Mắt

CHƯƠNG 12



Cuộc sơ thẩm vụ Regis mở ra trong một khung cảnh thắng lớn của phía buộc tội nên ông phó biện lý Claude Drumm nở một nụ cười không thể nói là khiêm nhường. Điều đó cũng thật dễ hiểu. Sau nhiều lần bị Perry Mason đánh bật ngửa, vụ lần này ông ta tin chắc phần thắng trong tay.
Drumm bắt đầu trình bày một cách đầy tự tin về chi tiết nội vụ làm như ông ta là người thợ mộc được lệnh lập giàn treo cổ Diana Regis; lý luận của ông đầy đủ tính cách nghề nghiệp như là đang đứng trước tòa chung thẩm vậy. Vụ này cũng làm cả xứ sôi động nên phóng viên, các tay phó nhòm chen chúc nhau ngồi trên các ghế dành cho báo chí.
Drumm gọi nhân chứng đầu tiên là bà quản lý khu nhà Palm Vista. Bà ta nhận Diana Regis là người ở chung phòng với Mildred Danville vừa chết. Bà ta nói đã nhận mặt người chết ở nhà xác đúng là Milderd Danville từng sống chung với bị cáo.
Ngay sau đó, Drumm mời ông giám đốc sở khí tượng. Ông này xác nhận là cả ngày hôm xảy ra vụ giết người, trời kéo mây và bắt đầu mưa từ lúc bảy giờ bốn mươi bảy phút. Mưa nhẹ khoảng ba phút đầu, sau đó là mưa xối xả trong hai tiếng, rồi hơi dịu đi một chút. Nhà chuyên môn nói thêm là mưa ngưng vào lúc sáu giờ ba mươi hai phút sáng hôm sau và theo tiếng nói nghề nghiệp thì mưa đổ được sáu centimet. Nghĩa là mưa to lắm.
Bác sĩ pháp y George Z. Perllon tiến lên ghế nhân chứng, tuyên bố rằng vào khoảng một giờ sáng người ta có mang đến cho ông thi thể một phụ nữ trẻ chết vì một viên đạn cỡ 9 li bắn vào gáy. Theo ông xét tình trạng xác thì người đó chết khoảng từ bốn đến năm giờ trước. Ông nói thêm là đã tính tới nhiệt độ của ngày đó và các yếu tố khác nữa.
– Mời ông tái thẩm vấn.- Drumm lên tiếng.
Lúc đứng lên mở lời, giọng Perry Mason thật ngọt xớt.
– Có phải bác sĩ cho rằng cái chết có thể xảy ra khoảng bốn tiếng đồng hồ trước khi ông khám phải không?
– Phải.
– Nói khác đi, đó là vào khoảng chín giờ tối?
– Phải.
– Và theo ý ông thì không thể nào trước đó năm tiếng đồng hồ?
Viên y sĩ có vẻ ngồi không yên trên ghế và nói với giọng thiếu tin tưởng:
– Tất nhiên là khi xác định giờ cho một cái chết, người ta phải tính đến vài yếu tố bất định…
– Xin bác sĩ trả lời thẳng câu hỏi của tôi.
– Thì tôi đang trả lời đấy
– Tôi không đồng ý. Tôi muốn bác sĩ trả lời thẳng. Cái chết có thể xảy ra trước thời gian năm tiếng đồng hồ khi người ta đem xác chết đến ông không?
– Vâng, có thể như thế. Khi tính giờ giấc độ chừng, tôi chỉ dựa trên hiểu biết kinh nghiệm của tôi. Nếu muốn thêm vào các yếu tố khả dĩ khác thì cái chết có thể xảy ra đến tám hay chín tiếng trước khi mổ khám. Nhưng khó có thể như vậy được, theo tôi.
– Tôi không có ý hỏi bác sĩ nghĩ gì. Tôi chỉ muốn nghe những xác nhận của ông sau khi ông khám nghiệm xác chết. Nếu tôi hiểu đúng thì ông cho rằng có thể chết từ tám đến chin tiếng đồng hồ trước khi đem đến cho ông?
– Có thể như vậy, nhưng không chắc chắn.
– Theo ông thì giới hạn tối đa và tối thiểu của giờ chết là bao nhiêu?
– Trước mười giờ rưỡi tối và sau sáu giờ chiều. Nhưng đó là hơi nới rộng đấy.
– Sáu giờ chiều có nghĩa là bảy tiếng đồng hồ trước khi mổ tử thi?
– Phải.
– Nhưng vừa rồi ông lại nói là chin tiếng?
– Đồng ý nhưng đó là giới hạn tối đa mà ta khó xem xét đến.
– Nhưng vẫn có thể có giới hạn ấy chứ?
– Nếu ông muốn đề cập đến giới hạn tối đa thì tôi nhận là có.
– Câu trả lời của ông chắc là dựa trên các xác nhận y học.
– Đúng.
– Như vậy nghĩa là nếu xét đến tối đa thì ta có thể chấp thuận giờ chết là tám đến chin tiếng đồng hồ trước khi xác đến tay ông?
– Nếu đem vào đó các điều kiện khả dĩ hết mực thì tôi chấp nhận.
– Xin cám ơn bác sĩ, tôi chỉ muốn biết chừng ấy thôi.
Claude Drumm đứng dậy nói với bác sĩ Perllon, kèm thêm nụ cười hấp dẫn:
– Nếu tôi hiểu đúng thì khi trả lời câu hỏi cuối, bác sĩ đã đẩy giờ chết đến mức xa tối đa phải không?
– Hoàn toàn đúng.
– Nói cách khác, nếu kể đến các yếu tố thật dị thường và về phương diện y học thì thật là khó có phải không?
– Đúng vây. Đó là các yếu tố khó có thực đến mức khó xảy ra được.
– Nhưng, nếu bác sĩ xét trong điều kiện bình thường, và chỉ với các yếu tố bình thường ấy thôi thì giới hạn tối đa có thể có của nó là bao nhiêu? Đây không phải là hỏi ý kiến ông mà là hỏi để có trả lời một cách khoa học, dựa trên những sự kiện y học được xác minh đấy!
– Cái chết xảy ra từ bốn đến năm tiếng đồng hồ trước khi xác đưa đến tôi.
– Bác sĩ căn cứ vào đâu mà xác định như vậy?
– Nhiều yếu tố trong đó có yếu tố về tính cứng đờ của xác chết.
– Ông có thể trình bày thật rõ về vấn đề này được không?
Ông bác sĩ pháp y ngồi ngay ngắn lại trên ghế. Đúng lãnh vực tủ của ông rồi!
– Từ ba đến năm tiếng đồng hồ sau khi chết, hàm cứng lại. Sự cứng sẽ dần dần lan ra đến các bắp thịt cổ, ngực, cánh tay, bụng, chân. Khi tôi khám xác đó thì chỉ có bắp thịt hàm cứng thôi. Sau đó để xác định giờ chết cho chính xác hơn, tôi ngừng mổ, chờ cho các bắp thịt khác cứng tiếp theo. Cho nên tôi mới có thể nói là cái chết xảy ra trước đó từ bốn đến năm tiếng đồng hồ nghĩa là vào lúc tám hay chin giờ tối.
– Cám ơn, – Drumm khoái trí mỉn cười với nhân chứng. Rồi theo kiểu như người vừa mới đập cho địch thủ một đòn quyết định, ông ta quay sang phía biện hộ, nói thật nhỏ nhẹ:
– Tôi chắc là ông Mason không cần tái thẩm vấn thêm một lần nữa?
– Tôi chỉ hỏi một câu nữa, một câu thôi, – Mason đáp.
– Xin mời.
Mason nở nụ cười lạnh, hỏi:
– Có phải bác sĩ thấy rằng cái chết có thể xảy ra trước khi ông mổ chin tiếng đồng hồ không?
– Như tôi đã tuyên bố, – ông bác sĩ trang trọng – tình trạng cứng của xác chết là một yếu tố quyết định. Xét rằng tình trạng cứng đó thường lan ra trong một số khuôn khổ giới hạn…
– Cái chết có thể xảy ra chin tiếng đồng hồ trước khi ông mổ khám xác không? – Mason ngắt lời.
– Thưa ông Mason, tôi đang tìm cách giải thích…
– Tôi không muốn nghe giải thích. Tôi chỉ muốn một câu trả lời. Xin ông trước hết trả lời câu hỏi của tôi rồi sau đó muốn giải thích gì thì giải thích, nhưng phải trả lời trước đã. Cái chết có thể xảy ra chin tiếng đồng hồ trước khi ông khám xác không?
Vài giây im lặng nặng nề. Mason gầm lên:
– Có hay không? Cái chết có thể xảy ra chin tiếng đồng hồ trước khi ông khám xác không?
– Có, – người thấy thuốc cũng rống lên.
Luật sư mỉm cười với bác sĩ Perllon lẫn Claude Drumm. Sauk hi ông nói, giọng bình tĩnh của ông thật trái ngược với tiếng thét của người bác sĩ pháp y.
– Xin cám ơn ông bác sĩ. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi.
Trung úy Tragg bước lên tiếp theo, xưng tên và nhắc lại một vài công cán của ông trong thời gian vừa qua. Tragg nói trong buổi tối 26 tháng vừa rồi, nghĩa là vào đêm tối xảy ra vụ giết người, ông ta đến số nhà 6750 Đại lộ San Felipe. Ở đây, ông tìm thấy xác Mildred Danville nằm úp sấp trên bùn, phía sau nhà. Lúc bấy giờ trời mưa và đã mưa được ba tiếng trước khi phát hiện xác chết. Rồi ông lại còn thấy trên lề đường phía trước nhà, một cái xắc mà sau này bị can xác nhận là của mình. Trong cái xắc ngoài những thứ thông thường ở trong một cái xắc phụ nữ còn có khoảng 1500 đôla tiền mặt và một bằng lái xe đề tên bị can.
Khi Tragg khai xong, Drumm đề nghị ông chánh án ngưng họp để phía công tố có thể đưa ra các sơ đồ, bản vẽ. Phía biện hộ không có lời phản kháng nên ông phó biện lý đưa một chuyên viên đến treo lên sơ đồ chỉ rõ ngôi nhà số 6750 Đại lộ San Felipe.
Xong xuôi, Tragg trở lại ghế nhân chứng tiếp tục nhiệm vụ. Ông chỉ trên sơ đồ nơi nào phát hiện xác chết, nơi nào tìm thấy cái xắc và đánh dấu chữ thập nơi đó. Ông nói đến việc khám nhà bị can ở chung với nạn nhân. Ông nói rằng khi nhìn vào ngăn tủ áo đựng đồ dơ, ông thấy có một khấu súng lục 9 li và ông đánh dấu để dễ nhìn khi ra tòa. Ông phó biện lý đưa ra một khẩu súng mà Tragg nhận là mình đã lấy nơi nhà bị can.
Drumm liền xin xác nhận khẩu súng là tang vật và bảo đảm với tòa là một chuyên viên đạn đạo cho biết chính khẩu súng ấy đã được dùng để giết Mildred Danville. Rồi ông lại lưu ý là đã trưa nên xin tạm đình hoãn cuộc tranh luận.
Ông chánh án liếc nhìn đồng hồ và gật đầu tuyên bố hai giờ chiều sẽ tiếp tục.
Paul Drake vất vả chen giữa đám người mới đến được nơi Perry Mason, báo:
– Tìm được người cảnh sát rồi.
– Có phải người bắt Mildred vi phạm luật lệ giao thông không?
– Phải. Bắt vì tội đậu xe quá giờ quy định.
– Anh ta ở đâu?
– Ở văn phòng của tôi. Chúng tôi đang tìm hết cách để giữ anh ta lại. Chẳng dễ tìm đâu. Không phải là dân thường xuyên ở đó, chỉ là tình cờ mà ngày hôm ấy anh ta có mặt nơi khu vực xảy ra sự việc.
– Ta sẽ nói với anh ta bắt đầu từ đó. – Mason nói giọng quyết định – Tên anh ta là gì?
– Philip C. Rames.
– Loại người nào?
– Nghiêm túc, vì là một anh cớm, nhưng khi sự việc có chiều khó thì ký ức dễ co giãn lắm. Hơn nữa, anh nên nhớ là dân cảnh sát ghét khai những gì chống với phía buộc tội.
– Thôi, ta đi làm quen với hắn. – Mason nói – Để xem thử ta có thể bắt hắn khai bằng giấy được không?
– Còn công việc thế nào, Perry?
– Nó tiến triển như ta đã đoán trước. Phía buộc tội có căn cứ khá vững vàng. Này Paul, tôi có một giả thuyết hay lắm, nhưng không biết có chứng minh được không. Nếu tôi không có được một mớ bằng cớ để chứng minh thì đành chào thua. Nhưng tôi biết chắc là vòi nước có mở. Tôi nhớ rõ lắm. Cho tới lúc này tôi chưa có dịp nhìn kỹ các phim ảnh của cảnh sát chụp nhưng sợ rằng…Ồ! Nhất định phải xong. Thôi ta đi gặp Rames.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.